Trang chủ arrow Tin tức arrow ĐƯỜNG ĐỜI GẬP GHỀNH CỦA NHẠC SỸ TUẤN "GÀ"
ĐƯỜNG ĐỜI GẬP GHỀNH CỦA NHẠC SỸ TUẤN "GÀ"
17/09/2012

 Nguồn: vnexpress.net


Cậu bé từng học đàn trong trại tị nạn Hong Kong, trở về Việt Nam thành thợ mộc, thợ xăm, suýt phơi nhiễm HIV, chia tay vợ con và trở thành gã digan của làng nhạc.

      Nguyễn Tuấn sinh năm 1977 trong một gia đình có của ăn của để ở Hải Phòng. Theo phong trào đất Cảng, bố mẹ anh nhiều lần tìm cách vượt biên đi tìm vùng đất hứa. 6 lần thất bại, lần thứ bảy đắm thuyền dạt vào Trung Quốc, Nguyễn Tuấn cõng em đi ăn xin dọc phố. Họ đến được Hong Kong năm 1988, tiền hết, sống trong trại tị nạn 2.000 người Việt ở một hòn đảo nhỏ. Dân tứ xứ Bắc Trung Nam giữ cho nhau niềm vui, niềm tin sống bằng lời ca, tiếng hát. Cậu bé 11 tuổi cũng ngấm dần tình yêu văn nghệ.

Trong bốn năm ở trại tị nạn, Nguyễn Tuấn thân thiết với người bạn mù bằng tuổi. Hàng ngày đưa bạn đi tập guitar, Tuấn được trả công bằng cách dạy lại những ngón đàn đã học. Hai người cùng gia nhập ban nhạc Cánh Gà, chủ yếu hát nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An và các ca khúc nước ngoài của ABBA, Boney 79…

 

Nguyễn Tuấn là nghệ sĩ đa năng, vừa sáng tác vừa đàn và hát.

                                                                    Nguyễn Tuấn là nghệ sĩ đa năng, vừa sáng tác vừa đàn và hát.

Năm 1992, trại tị nạn bị đóng cửa, Nguyễn Tuấn cùng gia đình hồi hương. Chàng trai 16 tuổi xếp đàn vào góc nhà và đi làm công nhân. Bén duyên với nghề thợ mộc một năm, cảm thấy những trắc ẩn trong tâm hồn mình cần được nói ra bằng âm nhạc, Nguyễn Tuấn viết ca khúc đầu tiên Cảm xúc giao mùa năm 17 tuổi. Năm 1997, anh tham gia ban nhạc The Ocean của Đại học Hàng Hải và tham dự Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc, tổ chức đêm nhạc riêng với những ca khúc trong sáng về ca từ, văn minh trong cấu trúc nhạc.

Quãng nghỉ âm nhạc của Tuấn là giai đoạn 1998 - 2003. Anh lao vào kinh doanh, quên sạch mọi thứ về âm nhạc. Nguồn thu lớn của Nguyễn Tuấn khi ấy là từ nghề xăm. Một lần xăm cho khách, anh sơ ý để mũi kim đâm vào tay mình. Mấy tháng sau hay tin người này chết vì HIV, Nguyễn Tuấn lo sợ quyết định đi khám và thề rằng, nếu may mắn không bị lây căn bệnh thế kỷ, anh sẽ bỏ nghề. Ngày nhận kết quả âm tính cũng là ngày anh thực hiện lời hứa của mình, quay lại với đam mê âm nhạc. Tuấn viết như điên, cho ra đời hàng loạt tác phẩm bù cho khoảng thời gian im ắng.

Năm 2006, anh chào sân Bài Hát Việt với tác phẩm Em là ai. Đây là ca khúc góp phần giúp Nguyễn Phước Vũ Bảo giành giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Tháng 7/1007, Tuấn tiếp tục mang Tiếng gáy thời gian tham dự Bài Hát Việt và nhận giải Phối khí hiệu quả của tháng. Năm 2008, anh gia nhập nhóm M6 gồm những nghệ sĩ có tiếng ở Hà Nội. Anh đóng góp trong album “Hà Nội M6 phố” ra mắt năm 2010 của nhóm bằng hai bài hát: Bồ câu hạt thóc, Áo cũ dây phơi.

Khi sự nghiệp thăng hoa, tình cảm của Tuấn lại đứt gãy. Người phụ nữ từng yêu anh vì giọng ca tiếng đàn đã không còn hào hứng trước những bài hát mới của chồng, khi gánh nặng cơm áo ngày một lớn. Chia tay vợ, Tuấn cũng rời M6, lang thang vào Sài Gòn viết nhạc phim. Trong 20 ngày, anh sáng tác và thu âm 8 bài hát cho Lục lạc huyền bí, được cả êkíp phim và khán giả gửi thư khen ngợi.

Nguyễn Tuấn và Thái Thùy Linh trong chương trình mang âm nhạc tới bệnh viện.

                                                               Nguyễn Tuấn và Thái Thùy Linh trong chương trình mang âm nhạc tới bệnh viện.
 
Xuề xòa trong cuộc sống thường nhật nhưng với đời sống âm nhạc, anh là con người khắt khe với những sản phẩm “made in Tuấn Gà”. Anh được gọi là “kẻ đi không nhiều nhưng kỹ”, “Gã digan của văn hóa sông Hồng”. Gia tài của anh là hơn 100 ca khúc, được xếp trong ba vali dán mác: Trào phúng - Trữ tình - Xã hội. Tuấn thành công nhất ở dòng nhạc trào phúng với góc nhìn hóm hỉnh, tà quái, điển hình là các ca khúc: Tiếng gáy thời gian, Chổi xuân, Chiếc xe đòn, Gái bán than. Ở mảng xã hội và trữ tình, anh cũng gây kinh ngạc cho người nghe bởi ca từ mượt mà và lối vận hành hòa âm phức tạp nhưng rất trơn tru dù chưa qua trường lớp chính quy nào. Em là ai, Bồ câu và hạt thóc, Rời tổ, Phố trầm… được nhiều người yêu mến.

Sáng tác với Nguyễn Tuấn đơn giản như trả một món nợ cuộc đời. Gần 40 tuổi, anh vẫn không nghĩ tới việc quảng bá sản phẩm, kiếm tiền từ âm nhạc. Trong khi anh đủng đỉnh thì bạn bè sốt ruột thay. Nhạc sĩ Tuấn Khang, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh quyết định “ép” anh làm mini show “Tiếng gáy thời gian”, tối 21/9 tại Sum Villa, Hà Nội. Thái Thùy Linh, Lê Giang, Hà Minh Tiến, Tuấn Dũng, Phương Thảo là những ca sĩ khách mời bên cạnh giọng hát của chính Nguyễn Tuấn. Anh sẽ giới thiệu tới khán giả 15 ca khúc nổi bật của mình.

Huy Phạm


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
Tiếp >