Trang chủ arrow Tản mạn arrow ĐỪNG TỰ BIẾN MÌNH THÀNH MỘT CON LỢN
ĐỪNG TỰ BIẾN MÌNH THÀNH MỘT CON LỢN
05/03/2008

 Đó là lời nói hằn học của một bà già mà tôi nghe thấy được chiều qua, trên con đường cái quan dẫn tới thị thành từ một cửa ô vẫn dính đầy trấu bụi, nơi một ngày có bao kẻ vào ra, từ người nông dân đến chín tầng cao học giả.

Vốn con người có lẽ sinh ra đã có phần con Lợn. Đúng quá đi chứ! Không những là giống Lợn, mà là giống cả Chó, Mèo, tức là muôn loài động vật. Giống như thế là giống ở khoản bình sinh, đói là phải ăn, khát là phải uống, giống như lũ Lợn con bú mẹ vậy!

Thế nhưng con người còn có Trí Tuệ, có thể hiểu Lễ Nghĩa, và rồi có thể thành Tiên, ăn sung mặc sướng, ngụp lặn trong sành điệu, hưởng thụ của ngọt ngon, xong rũ bỏ kiếp Trần, hiểu cả hai đường Vinh Khổ, giác ngộ Chân Như mà thành Phật. Đó là chủ thuyết của 12 đường Tâm, có trên dưới, dài ngắn khác nhau mà nghiệp quả cũng theo đó đặt bày.

Ba điểm như sao sáng,
Nét cong tựa Trăng tà,
Đọa sa hay thành Phật,
Cũng Tâm ấy mà ra!

Sông có khúc, người có lúc, cuộc đời thì biến đổi vô chừng, lòng sâu thế thái khó lường, nếu đem tâm nhìn đời què cụt, khó mà quán chiếu muôn vật tương thông.

Trong chuyện cổ có câu chuyện răn rằng chớ sửa dép ở ruộng dưa mà có kẻ nghi ngờ hái trộm. Câu chuyện nhắc con người ta đừng làm điều dễ khiến thiên hạ thị phi, đàm tiếu. Nhưng lật lại câu chuyện, chúng ta có thể thấy rằng vốn bản chất chúng ta khó có thể cảm thông cho nhau mà thường thừa cơ nhìn vào hiện tượng bên ngoài nông cạn không hiểu, cố tình không hiểu hoặc đang tâm đặt điều.

Trong triết học, có một hiện tượng gọi là Cách loại suy chỉ tính võ đoán về bản chất. Ví như thấy một người hút thuốc, liền cho rằng là nghiện ngập, thấy một người uống rượu, vội cho đó là bê tha, thấy chồng mình đi đêm về hôm, vội cho đó là bồ bịch, thấy một người ăn mặc rách rưới, đã vội cho là kẻ nghèo hèn.v.v...Đành rằng hiện tượng bên ngoài nhiều khi là sự thật, thế nhưng kiểu suy luận như trên quả là nguy hiểm vô cùng!

Đạo Phật quan niệm, con người hội tụ đủ tính thanh cao và trần tục, thể được cả Thần Phật lẫn Ngạ Quỉ Súc Sinh, lại hiểu được cả khổ đau và sung sướng, thế nên dễ giác ngộ mà thành Phật. Triết học hiện đại thì cho con người là Tổng Hoà các mối quan hệ Xã Hội, có nghĩa là phức tạp vô cùng. Vậy thì nếu chỉ vội vàng dựa vào những ý niệm trực quan, đơn giản liệu có thấu đáo được không? Hơn nữa dòng đời nào có đứng yên theo xét đoán của chúng ta mà xoay vần, biến động. Cái Tôi kia chẳng đứng yên!

"Đừng tự biến mình thành một con Lợn", câu nói của bà già ngót chín chục nãy giờ vẫn vang lên trong tiếng chuông chùa lảng bảng. Bên kia, chợ Đồng Xuân vẫn họp với bao việc thị phi!

Và riêng tôi giật mình tự hỏi: "Có lẽ bà già ấy điên, hay mình chuẩn bị thành một con Lợn?"

Có lẽ câu hỏi ấy phải nên dành cho cụ Trứ:

"Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây Thông đứng giữa Trời mà reo!"

...Có lẽ để hiên ngang trước Thị Phi, và lúc đó thói quen nông cạn kia sẽ như thế nào trong tiếng Thông vi vút!?

Nguyễn Hạnh  (Viết đêm mùng o4 rạng sáng mùng 05 tháng 03 năm 2008)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >