Trang chủ arrow Tản mạn arrow MỘT SỐ CÁCH GIẢI THÍCH VỀ TỪ NGUYÊN QUAN HỌ
MỘT SỐ CÁCH GIẢI THÍCH VỀ TỪ NGUYÊN QUAN HỌ
04/03/2008

 Có rất nhiều cách giải thích về từ nguyên của từ Quan Họ. Tựu chung có những quan điểm sau.

Trước hết, điểm qua những cách giải thích của người vùng Quan họ. Người vùng Quan họ thường giải thích bằng trí nhớ truyền miệng những thuyết tồn tại lâu đời ở làng mình.

Người vùng Bịu (Hoài Thị, Bịu Sim huyện Tiên Du cũ) và vùng Diềm (Viêm Xá, huyện Yên Phong), vốn là hai nơi kết bạn Quan họ bền vững, lâu dài nhất cho rằng gọi là hát Quan họ vì tiếng hát ấy là tiếng hát giữa hai họ nhà quan kết bạn với nhau. Truyền thuyết gắn tiếng hát với một người có thật trong lịch sử là Trạng Bịu, tức Nguyễn Ðăng Ðạo, đỗ trạng nguyên khoa 1684, người Hoài Thượng, huyện Tiên Du, cho rằng ông có công đặt ra cách ca hát Quan họ.

Người vùng Châm Khê (Bùi Xá, huyện Yên Phong) truyền rằng: lối hát Quan họ là lối hát giữa quan viên họ nhà trai và quan viên họ nhà gái. Vậy, tiếng hát của quan viên hai họ được gọi tắt là hát Quan họ.

Người vùng Chè, Quả Cam, Thị Cầu... lại gắn tiếng hát Quan họ với những truyền thuyết . Chuyện rằng: Chúa Trịnh Sâm đi du xuân, thấy một người con gái đang cắt cỏ trên núi Chè (có nơi kể là núi Long Khám, có nơi kể là núi Qủa Cảm... ) vừa cắt cỏ vừa hát:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Bao nhiêu cây cỏ lai hàng tay ta

Tiếng hát hay khiến quan quân phải họ lại (dừng lại) để nghe. Thấy người đẹp, hát hay, bài hát lại chứa đựng khẩu khí "trị, bình", chúa vời về cung, trở nên bà chúa. Dân gian cho là tiếng hát kia tạo nên sự may mắn, hạnh phúc nên đua nhau hát, nên tiếng hát lan rộng, ngày càng bầy đặt ra nhiều, trở thành lối hát gọi là hát Quan họ.

Cũng gần giống truyền thuyết trên nhưng lại gắn với cuộc du xuân cầu duyên, cầu tự của Lý Thánh Tông qua vùng Cầu Lự, Siêu Loại (Thuận Thành) và cô gái hát ấy là Ỷ Lan, sau thành nguyên phi, rồi hoàng hậu, rồi hoàng thái hậu nhà Lý. Người vùng Hồi Quan (nay thuộc huyện Tiên Sơn) lại kể rằng: Lý Công Uẩn chạy giặc, dân muốn cản quân quan giặc nên ùa ra đường hát làm quan quân phải họ lại, dừng lại, để Lý Công Uẩn chạy thoát... Tuy chi tết khác nhau, nhưng các truyền thuyết trên đều giải thích Quan họ là tiếng hát làm quan quân phải họ lại, dừng lại.

Như vậy, qua truyền thuyết dân gian, ít nhất, tên gọi Quan họ được giải thích bằng 4 nghĩa:

Tiếng hát họ nhà quan
Tiếng hát quan viên hai họ trong đám cưới.
Tiếng hát hay, làm quan quân họ lại, dừng lại.
Tiếng hát giữa hai làng kết chạ, kết họ, do một vị quan nào đấy tác thành.

Trong khi đó ý kiến của một số nhà nghiên cứu về tên gọi Quan họ có mặt khác. Trong cuốn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nhiều tác giả, cho rằng: "...Quan họ là một danh từ kép. Trong ngôn ngữ, dưới chế độ phong kiến chữ họ với chữ phường là hai danh từ gần đồng nghĩa với nhau, chỉ một tập thể người nhất định".

Nhưng thường thì "...Chữ phường thường dùng với ý nghĩa khinh miệt, chỉ những người cùng làm một nghề...không được coi trọng..."

"Chữ họ thường dùng với ý nghĩa coi trọng, chỉ những nhóm người thuộc lớp trên của xã hội: Sĩ, nông, cùng sinh hoạt kết bạn với nhau, ví dụ: họ tư văn, họ võ phả, họ lợn, họ gạo, họ chọi gà .vv.v... Các người trong họ tư văn, họ võ phả gọi là quan viên họ tư văn, quan viên họ võ phả, gọi tắt là Quan họ tư văn, Quan họ võ phả. Các quan cụ, quan trùm, quan đám, quan trong, quan anh, chính là các quan viên, lớp người có quyền ăn nói...Chữ quan trước kia dùng để chỉ các quan viên thực sự, nhưng đến sau này, bất cứ nam hay nữ hễ ai được tôn trọng đều được gọi là quan cả. Do đó, danh từ quan anh, quan chị, quan bác bắt đầu xuất hiện..."
Các tác giả dẫn chứng lời ca Quan họ:

Ðôi tay nâng lấy cơi giầu
Trước là hầu bạn sau hầu quan viên.

Như vậy, các tác giả cuốn sách Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho Quan họ là danh từ kép chỉ nhóm người ca hát với ý nghĩa coi trọng. Và lối hát, tiếng hát gắn liền với tập thể gọi là Quan họ nên cũng gọi là hát Quan họ.

Trong một tham luận đọc tại hội nghị khoa học về sưu tầm, nghiên cứu Quan họ lần thứ 4, năm 1971, Mấy ý kiến về vấn đề tìm hiểu nguồn gốc dân ca Quan họ, Gs. Lê Thị Nhâm Tuyết, Viện Dân tộc học, đã giành một phần tham luận để "tìm hiểu nguồn gốc của cái tên Quan họ...". Tác giả không đồng ý với cách giải thích Quan họ là họ nhà quan, hoặc Quan họ là dừng lại, hoặc là quan viên họ, tức là hội của lớp người nông dân có quyền ăn nói và coi cách giải thích ấy là "duy danh", "thông tục".Tác giả cho rằng từ quan không phải là một từ Hán - Việt vay mượn mà đã có từ thời Hùng Vương trong từ kép quan lang là một từ Việt cổ trước khi nhập vào từ quan Hán Việt, và có nghĩa là người đàn ông. Còn từ họ... chỉ một cộng đồng gắn theo máu mủ, huyết thống, và đã có nhiều thời kỳ c ộng đồng này mang ý nghĩa vai trò của những đơn vị xã hội (những công xã thị tộc), sau này thành những làng.

Do những lý do lịch sử những công xã thị tộc ấy có thể tách ra làm hai (hoặc nhiều hơn), những người đàn ông trong họ (Quan họ) mới tách ra, dẫn dân mình (họ mình) về làng gốc chơi và hát theo tục lệ, nên lối chơi và hát ấy cũng được gọi tên là hát Quan họ như trường hợp hát quan làng hát đám cưới - Tày, Nùng. Tác giả đã giả định như vậy sau khi so sánh thấy hát quan làng, gọi tên như vậy để chỉ một loại dân ca đám cưới, chỉ vì một điều giản dị: "Quan làng là người đại diện cao nhất của họ nhà trai có thẩm quyền bàn bạc về tất cả mọi việc liên quan tới nghi lễ và tổ chức cưới hỏi với nhà gái. Quan làng phải thuộc nhiều bài hát đám cưới để đối lại với họ nhà gái...""

Nhà nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng Vũ Ngọc Phan, trong bài viết Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca Quan họ, sau khi bác bỏ giả thuyết Quan họ là quan họ lại, dừng lại, tác giả gợi ý các nhà nghiên cứu lưu tâm tới những truyền thuyết về Quan họ ở châu Cổ Pháp (Ðình Bảng) quê hương của Lý Công Uẩn với những người trong họ nhà Lý tụ họp hát mừng mỗi khi các vua Lý về thăm quê hương. Tác giả viết: "Cứ mỗi khi vua về thăm quê (châu Cổ Pháp) thì những người trong họ Lý, mà người đương thời gọi là "quan viên họ Lý", đều đến ly cung và hát những câu dân ca mà nhân dân trong vùng thường hát để mừng nhà vua. Từ đó, nhân dân gọi những câu dân ca ấy là  hát Quan họ".

Như vậy, theo tác giả, Quan họ là tiếng hát của quan viên họ Lý hát để mừng vua khi vua về thăm quê hương..

Nhìn chung lại, sự giải thích về tên gọi Quan họ thì có nhiều, nhưng chưa có cách giải thích nào có thể coi là hoàn toàn thoả đáng. Vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu. Có lẽ hiện nay nhiều người nghiêng về cách giải thích: Quan họ là quan viên họ nhà trai và quan viên họ nhà gái trong đám cưới; tiếng hát này, chặng đường đầu gắn liền với hát đám cưới, giữa quan viên hai họ, nên được gọi tắt là tiếng hát Quan họ sau này, trở thành tiếng hát hội, tiếng hát họp bạn, v.v...của trai gái, tiếng hát phong tục của cả cộng đồng một vùng, tiếng hát ấy vẫn được gọi là hát Quan họ.  

Nguyễn Hạnh (Sưu tầm qua một số khảo cứu tài liệu) 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >