Trang chủ arrow Tản mạn arrow KIM DUNG - TÁC GIẢ TÁC PHẨM
KIM DUNG - TÁC GIẢ TÁC PHẨM
19/02/2008

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (查良鏞 Cha Lieng Yung, Louis Cha), sinh tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, trong một gia đình khoa bảng danh giá. Ông cố Tra Thận Hành là nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh, ông nội Tra Tự Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở quê Hải Ninh, rồi học trung học ở Hàng Châu. Năm lên tám tuổi, ông đọc bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp, từ đó đã mơ ước viết truyện võ hiệp. Năm 15 tuổi, ông viết cuốn sách luyện thi vào lớp đệ thất (năm đầu trung học) được nhiều người mua, có thể nói đó là tác phẩm đầu tay. 16 tuổi, ông viết truyện trào phúng Cuộc du hành của Alice có ý châm biếm thầy hiệu trưởng nên bị đuổi học.

Sau đó ông học Luật quốc tế tại trường Chính trị Quốc gia Trùng Khánh, chưa tốt nghiệp lại bị đuổi vì tố cáo một vụ bê bối trong trường. Ông xin làm việc tại Thư viện trung ương, ở đó ông đọc nhiều sách, trong đó có Ivanhoe của Walter Scott, Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte-Cristo của Alexandre Dumas (cha), những truyện này đã ảnh hưởng đến văn phong của ông.

Năm 1946, ông về Hàng Châu làm phóng viên cho tờ Đông Nam nhật báo, sau sang Thượng Hải học Luật quốc tế, rồi trúng tuyển làm phiên dịch của tờ Đại công báo. Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó, dịch tin quốc tế. Năm 1950, trong cuộc Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình.

Năm 1952, ông sang làm việc cho tờ Tân vấn báo, phụ trách mục Chuyện trà chiều. Ông viết một số kịch bản phim như Lan hoa hoa, Tuyệt đại giai nhân. Năm 1955, ông bắt đầu viết truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục, đăng hàng ngày trên Tân vấn báo, bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đây. Hai chữ "Kim Dung" 金庸 là chiết tự từ chữ "Dung" 鏞, tên thật của ông.

Năm 1959, cùng với bạn học phổ thông Trầm Bảo Tân, ông lập ra Minh Báo. Ông vừa viết tiểu thuyết, vừa viết các bài xã luận. Qua những bài xã luận của ông, Minh Báo càng ngày được biết đến và là một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất. Năm 1972 sau khi viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông đã chính thức nghỉ hưu và dành những năm sau đó biên tập, chỉnh sửa các tác phẩm văn học của mình. Lần hoàn chỉnh đầu tiên là vào năm 1979.

Cũng lúc đó, các tiểu thuyết võ hiệp của ông đã được nhiều độc giả biết điến. Các tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Nhưng năm sau, ông tham gia giới chính trị Hồng Kông. Ông là thành viên của ủy ban phác thảo Đạo luật cơ bản Hồng Kông. Ông cũng là thành viên của Ủy ban chuẩn bị giám sát sự chuyển giao của Hồng Kông về chính phủ Trung Quốc.

Năm 1993, ông thôi làm chức chủ bút, bán tất cả các cổ phần trong Minh Báo.
Năm 2006, ông xuất bản cuốn tản văn đầu tiên.

Kim Dung viết tổng cộng 15 truyện trong đó 1 truyện ngắn và 14 tiểu thuyết. Hầu hết các tiểu thuyết đều được xuất bản trên các nhật báo.

TÁC PHẨM:

Thư kiếm ân cừu lục (1955) (書劍恩仇錄)
Bích huyết kiếm (1956) (碧血劍)
Xạ điêu anh hùng truyện (1957) (射雕英雄傳)- tại Việt Nam được dịch thành Anh hùng xạ điêu.
Tuyết sơn phi hồ (1959) (雪山飛狐)
Thần điêu đại hiệp hay Thần điêu hiệp lữ (1959) (神雕俠侶).
Phi hồ ngoại truyện (1960) (飛狐外傳)
Bạch mã khiếu tây phong (1961) (白馬嘯西風)
Uyên ương đao (1961) (鴛鴦刀)
Ỷ Thiên Đồ Long ký (1961) (倚天屠龍記)
Liên thành quyết bản dịch của Vô Nại tiên sinh và của Hàn Giang Nhạn (1963) (連城訣)
Thiên long bát bộ bản cũ và bản mới (1963) (天龍八部)
Hiệp khách hành (1965) (俠客行)
Tiếu ngạo giang hồ bản cũ, năm (1967) (笑傲江湖)
Lộc Đỉnh ký bản cũ và bản mới (1969-1972) (鹿鼎記)
Việt nữ kiếm (truyện ngắn, 1970) (越女劍)

Riêng 03 truyện Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký tạo thành Xạ điêu tam bộ khúc, đọc theo lần lượt. Thiên Long bát bộ cũng có thể coi là mở đầu của bộ ba cuốn truyện trên. Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện cũng đi đôi với nhau vì có cùng các nhân vật.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >