Trang chủ arrow Tản mạn arrow CHUYỆN CỦA TRUNG ÚY MICHEL
CHUYỆN CỦA TRUNG ÚY MICHEL
16/02/2008

 Đi từ dãy phố Antoine Bonnet, rẽ phải đi miết, bỗng lòng du khách bồi hồi nghe tiếng chuông chùa Châu Long. Ngôi chùa khiêm tốn ẩn mình sau cái chợ nhốn nháo, tương truyền là nơi dứt tuyệt bụi trần của  cô công chúa con gái vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293). Tiếng chuông trầm tịch, hư vô cứ lảng bảng trong cái màn sương khói sớm…

Trung uý Michel vốn dòng dõi một nhà trung lưu tại Montluçon (Pháp), tự lúc sang đây không biết tự lúc nào đã mê mẩn cái thú dạo quanh Hồ Trúc Bạch hàng sáng. Cái giây phút được hưởng một bầu khí quyển trong lành của một đứa con trời Âu, ngắm nhìn cảnh trù mật của người dân  quanh cái giang khúc uốn éo của sông Hồng làm Michel như trẻ lại…

Chả biết từ đâu, mấy tháng nay bên cái sơn môn tôn nghiêm bỗng mọc ra một hàng cháo lòng. Chủ hàng là một thiếu nữ xinh xắn, nhỏ nhắn và cái đối với Trung úy Michel là ấn tượng nhất là hàm răng nhưng nhức đen huyền, giọng nói nhiều âm hưởng như chim hót.

Hồi còn học ở trường quân bị Phú Lãng Sa, Michel đã được các thầy nhắc tới thứ tiếng Việt, cái thứ tiếng trong trẻo mà mặn mà, lảnh lót. Kể cũng thú khi Michel cất công nghiên cứu những văn bản chữ Hán, chữ Nôm, hiểu biết được cái lịch sử hình thành và phát triển của tiếng Việt. Có lẽ người An Nam và chính Michel đã phải cảm ơn các nhà truyền giáo Tây Âu đã để lại cho đời cái thứ chữ viết đấy, cái giao duyên của chữ Nôm và bảng chữ cái La Tinh khuôn mẫu.

“Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm
Ai đi muôn dặm non sông
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy”

Tiếng ngâm nga của cô hàng cháo lòng chợt cắt đứt dòng suy tưởng của Trung uý Michel, khiến anh nhớ đến cái thói quen ăn cháo lòng mới đây của mình.

Đến từ xứ sở của bơ sữa và phó mát, thế nhưng ngay từ đầu Michel đã bị cuốn hút ngay bởi những thúng quà, những sạp hàng ăn nhỏ nhắn bên hè của phố phường An Nam. Anh đã cất công đi thử và cảm nhận rất nhiều món, nào là Phở, Bún Chả, Bún Thang, Chả Rươi, Bún Ốc, Bún Riêu, Chả Cá… và bây giờ là Cháo Lòng.

Michel đến với hàng cháo lòng không chỉ vì cô chủ hàng xinh xắn, dễ thương mà còn cả ở ngay cái hương vị của nó.

Có ông bạn già của Michel bảo cháo lòng ngon một cách riêng. Chỉ đơn giản thôi, thế này nhé, một bát cháo lòng, một đĩa lòng lợn, một bát tiết canh ăn với nhiều loại rau thơm như Hành, Húng quế, Mùi, Mùi Tàu, chén rượu từ khắp các vùng quê Làng Vân, Ngâu, Lạc Đạo, Kim Sơn như đưa con người vào cái lâng lâng, khoan khoái. Bát cháo lòng nghi ngút xua đi cái lạnh mùa đông, Michel như quên đi cái bận rộn của công sở thường ngày, cái chật chội của phố phường Hà Nội...

Michel nhớ mãi chuyện Cụ Tam Nguyên Yên Đổ khi cáo quan về làng, có đôi câu đối tặng cho chị hàng thịt: “ Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ/ Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang”, (bốn mùa, tám tiết bền chung thuỷ/ Dặm liễu, gò bồ, muốn điểm trang) nghe rất thâm hậu, túc nho mà đầy hương vị của cháo lòng.

Có lẽ đến khi mãn hạn về đến trời Âu, khó lòng Michel quên được nơi đây, cái xứ sở nhỏ bé, xinh tươi, có hàm răng đen, có cụ đồ già, có miếng trầu ôi và hương vị cháo lòng dân dã.

Nguyễn Hạnh (Phóng tác)

 

 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >