Trang chủ arrow Tản mạn arrow TẾT ÔNG TÁO
TẾT ÔNG TÁO
03/02/2007
Image

Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà


Tết Ông Táo nhằm vào ngày 23 tháng Chạp – theo quan niệm dân gian chính là ngày Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Trời trình Ngọc Hoàng về sự tình năm qua.

Hàng năm cứ đến gần ngày Tết, người ta lại thấy đầy đường người bán rong đồ vàng mã và quần áo Táo quân.Theo lệ mỗi gia đình dịp này thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép đế gia đình Táo quân lên chầu trời. Sau khi làm thủ tục cúng Vua Bếp, mũ và quần áo được đem đi đốt và cá chép được mang ra thả ở những nguồn nước sạch như ao, hồ, sông ngòi...

Tục lệ cúng bái này bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa về hai vợ chồng do nghèo khổ quá mà phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Người vợ may mắn lấy được một người chồng giàu có.Vào một năm, đúng ngày 23 tháng Chạp, khi người vợ cũ ngày nào đang đốt vàng mã ngoài sân thì thấy một người ăn xin đói rách bước vào, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho.

Thấy cử chỉ quá ân cần của người vợ với người khách lạ, người chồng mới đâm ra nghi ngờ. Người vợ uất ức lao vào bếp lửa, tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, nhảy vào lửa chết theo. Ân hận, người chồng mới cũng lao vào chết chung trong bếp lửa.

Thế là trong vòng một ngày có ba người cùng chết, lại là do duyên kiếp tại trời. Cảm động trước nghĩa phu thê sâu nặng, Đức Ngọc Hoàng bèn phong cho cả ba người chức Táo quân, tức Vua Bếp, cho coi giữ việc Cát Hung, Thị Phi trong nhà và lấy ngày 23 tháng Chạp hàng năm làm ngày giỗ, cũng là ngày Chư Vị Táo quân phải lên chầu Trời, trình bày việc thế sự trong năm.

Tết Ông Táo đã đến gần, mỗi gia đình đang lo nghĩ về những ngày cuối năm hối hả, nhưng trong tâm thức người và người vẫn hằn lên một sự quây quần của tình phu phụ, đến một bếp lửa ấm cúng cho mái nhà riêng của mình.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >