Trang chủ arrow Tản mạn arrow CÁI BÌNH VÔI
CÁI BÌNH VÔI
11/01/2007


Image


Theo tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt cổ, Cái Bình Vôi là hiện thân của ông thần giữ của và khi người ta không dùng nữa thường treo chúng ở gốc đa hay cạnh những ngôi đền.

Có người kể cái Bình Vôi lại là hậu thân của một nhà sư độc ác bị cành đa đâm thủng bụng. Theo đó thì miệng bình là chỗ bị cành đa đâm thủng và chìa vôi là cành đa. Hình dáng phình to tượng trưng cho thân thể bị chương sình. Chất vôi cay nồng nhồi trong bình được coi như lòng cay nghiệt thù oán của kẻ tu hành. Màu đỏ của trầu quệt trên miệng Bình Vôi là máu loang ở vết thương thấu tim gan và nhà sư hoá kiếp như thế là để đời đời kiếp kiếp phải bị người đời khoét khoáy tận ruột tận lòng cho xót xa đau đớn. Cũng theo tín ngưỡng đó thì mỗi lần thay Bình Vôi mới, người ta đem chúng ra bỏ ở các gốc cây đa. Cũng có nhà để lên bàn thờ một cách tôn kính hoặc có khi Ông Bình Vôi lại được đem thờ bằng cách đem đặt trên các tường ở đình hoặc chùa.

Loại qua cách giải thích theo tín ngưỡng nhà Phật thì Bình Vôi được coi là một Bà Chúa, tượng trưng cho uy quyền của bà chủ, liên quan đến phụ nữ trong nhà. Điều này thể hiện rõ ở bà mẹ chồng khi con dâu về nhà liền mang Bình Vôi tạm lánh ra ngoài ngõ, có nghĩa là tạm lánh mà vẫn nắm giữ Bình Vôi, tức uy quyền Bà chủ.

Những nơi nào có tục ăn Trầu đều có Bình Vôi. Nước ta khắp nơi đều có tục đó, cho nên sự xuất hiện của chúng là rất phổ biến.Thường có hai loại Bình Vôi, đều được nặn bằng đất nung. Một thứ giống như cái hũ nhỏ, cổ thắt lại, miệng loa ra và một thứ tròn, có quai xách là nơi đôi khi có đeo một lưỡi dao để rọc dầu, có miệng về một bên. Ở chỗ miệng đó, mỗi lần cho vôi vào, còn gọi là “ Cho Ông Bình ăn”, các bà ăn Trầu lâu lâu lại đắp thêm vôi vào, cho nên cứ càng ngày trông càng dẩu ra như bị ăn vả vậy.Để cho ông Bình ăn, người ta dùng cái chìa vôi nhét vào miệng. Cái chìa vôi thường làm bằng tre, cũng có chìa vôi làm bằng sắt. Có người bảo cái chìa vôi đó mỗi tối nhất thiết phải rút ra để một nơi vì như thế trong lúc ngủ Ông Bình Vôi mới có miệng mà báo mộng cho mình, nếu không làm như thế thì cái chìa vôi lấp mất cái miệng thì không mách được. Bình Vôi xưa có màu lục hay màu vàng, nâu hay được tráng men xanh trắng, cũng có lúc để mộc như gạch. Ngày nay bên Bát Tràng, những Bình Vôi được tráng men xanh đỏ tím vàng sặc sỡ, loè loẹt.

Ngoài hai loại bình vôi trên, người ta còn thấy sự xuất hiện của những Ông Bình Vôi hình quả cau, hình trứng, hình con vịt, tắc kè, kỳ đà…với nhiều chất liệu đa dạng như sành, đá, đặc biệt là bằng đồng thau. Đó chính là những đồ vật rất quí và hiếm còn sót lại cho tới ngày nay. Tuy nhiên chúng chưa phải là những Ông Bình Vôi cổ nhất.

Theo các chuyên gia, những chiếc Bình Vôi đơn giản nhất lại là những hiện vật lâu đời nhất. Đó là những bình bằng đất sét nung cỡ nhỏ, tay cầm là một cành cây nằm vắt qua miệng bình, có đầu nhọn được chạm trổ đồ án hình quả cau hoặc hình rồng. Không biết chúng đã ra đời từ lúc nào cho nên từ đó điều cần thiết là phải có một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu nghiêm túc tham gia trong việc truy nguyên những kho báu im lặng này.Như đã có một nhà sưu tầm Bình Vôi cổ đã từng bộc bạch: “…sưu tầm đồ cổ, bình vôi cổ là sưu tầm lịch sử, tìm về với lịch sử, về với bản sắc văn hóa dân tộc và cũng là tìm về với lịch sử của chính bản thân mình...”, việc tiến hành đào sâu nghiên cứu sẽ là chìa khoá mở ra nhiều tư liệu lịch sử nói riêng và KHXH nói chung vô cùng quý giá.

Để kết thúc bài này xin dẫn lại một câu trong bài báo: “ Với nhiều loại bình vôi, niên đại và nơi sản xuất vẫn đang còn là một dấu hỏi”.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >