Trang chủ arrow Bài viết arrow LÝ THỜI TRÂN
LÝ THỜI TRÂN
20/09/2006

 Lý Thời Trân là một trong những y học gia nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại. Y thuật của ông được người đời đánh giá rất cao siêu. Ngoài những kì tích về chữa thuốc, hậu duệ chúng ta ngày nay còn biết đến ông như là một ông tổ về phân loại dược học qua bộ “Bản thảo cương mục”, một dược điển đồ sộ đánh dấu bước tiến bộ to lớn của y học đời Minh.


Ông sinh năm Mậu Dần (1518) trong một gia đình đã mấy đời làm nghề thuốc. Theo quan niệm thời ấy, người ta tôn trọng những người “mũ cao áo dài” chứ chẳng ai tôn trọng cái nghề chữa thuốc nghèo xác xơ, bởi vậy cha của ông luôn nuôi hi vọng là sau vài năm đèn sách ắt có cơ may kiếm được một chức quan. Thế nhưng cậu bé Lý Thời Trân dường như ngay từ nhỏ đã tỏ ra có một đam mê đặc biệt với y học. Ông học thuốc với thái độ quyết tâm rất cao, cao đến nỗi cha ông dù lúc đầu phản đối kịch liệt rồi cuối cùng cũng phải đồng ý cho ông học thuốc. Ông tiến bộ rất nhanh, năm 24 tuổi đã bắt đầu chữa bệnh. Có một năm, quê ông gặp phải nạn lụt, dịch bệnh lan tràn khắp nơi. Lý Thời Trân không quản ngại khó khăn, ngày đêm chữa bệnh cho nhân dân trong vùng và đổi lại nhận được nhiều lời khen ngợi.

Nhận thấy tầm quan trọng của nghề, Lý Thời Trân từ đó càng nỗ lực học tập, khắc khổ dùi mài nghiên cứu, trải qua nhiều năm thực tiễn chữa trị, tích luỹ kinh nghiệm dần dần nổi danh khắp nơi như là một thần y nhân hậu. Bệnh nhân đến với ông rất đông, có những người lặn lội hàng nghìn dặm đường vất vả chỉ để mong được chính tay ông bắt mạch.

Song song với công việc giản dị và thiêng liêng đó, Lý Thời Trân còn ra công nghiên cứu dược vật. Qua quá trình đọc sách, ông phát hiện ra là các trước tác của nhiều y gia đời trước có đôi chỗ chưa được đích đáng, thậm chí còn có một số sai lầm. Cho nên, ông hạ quyết tâm là làm sao viết nên một bộ sách dược vật thật hoàn chỉnh. Năm 35 tuổi, ông bắt đầu viết bộ “Bản thảo cương mục”.

Khi làm bộ sách này, ông đã đọc hơn 800 chủng loại sách y học cổ đại và nhiều sách khác, từ đó ghi chép lại số lượng được mấy hòm. Ông bỏ công nghiên cứu thật cặn kẽ công năng trị liệu và hình thái sinh trưởng của một số thảo dược, tự mình đến tận nơi để hái thuốc. Để làm được điều này, ông không quản ngại đường xa, núi cao, có khi đi qua nhiều tỉnh, vượt hàng vạn dặm đường. Có một lần, ông nhìn thấy một người phu xe mang một nắm hoa cho vào nồi luộc, liền hỏi người phu xe luộc thứ hoa này để làm gì, người phu xe trả lời: “ … Nước của nó uống vào có thể trị bệnh phát nơi gân cốt”. Lý Thời Trân nghe xong, trong lòng suy nghĩ, thì ra trong dân chúng đã lưu truyền bao kinh nghiệm chữa bệnh, thật đắc dụng khi ta hãy hướng về họ mà học tập. Vì thế sau này một mặt vừa hái thuốc, một mặt ông luôn ghi chép những kinh nghiệm chữa thuốc trên đường, làm quen với bao nhiêu nông dân, ngư dân, thợ săn, những người đã giúp ông có những kiến thức mà sách vở không có, thu gom lại thành hàng ngàn phương dược quí giá.

Cứ học tập như thế, chú ý nghiên cứu không ngừng, với bao kinh nghiệm thực tiễn, qua đúng 37 năm vất vả quên mình, cuối cùng cuốn “Bản thảo cương mục” đã chào đời để lưu truyền mãi về sau vào lúc ông tròn 61 tuổi. Ông mất năm Quí Tị (1593), để lại cả một gia tài y học đồ sộ cho hậu thế.

Kiến thức về Y học của Lý Thời Trân ở Trung Quốc và những đúc kết của ông về dược vật học là một cống hiến vĩ đại.Nói về Lý Thời Trân, ngày nay tên tuổi của ông gắn liền với trước tác đồ sộ của mình đã vượt ra ngoài đất nước Trung Hoa vĩ đại. “Bản thảo cương mục” đã thực sự trở thành di sản văn hóa thế giới với những bản dịch bằng nhiều thứ tiếng, mặn mà tình cảm người lương y và lóng lánh những giọt mồ hôi lao động cho hạnh phúc nhân loại.

Trịnh Vân Hải
(Dịch từ tài liệu tiếng Trung)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >