Trang chủ arrow Tản mạn arrow Những người con của đất nước Phù Tang trong hàng ngũ Bộ Đội Cụ Hồ
Những người con của đất nước Phù Tang trong hàng ngũ Bộ Đội Cụ Hồ
22/12/2006
Image

Năm 1945, xứ Huế nhộn nhịp trong không khí Cách mạng Tháng Tám khi quân Pháp dựa vào lực lượng quân Anh trong phe Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật, gây hấn Nam Bộ. Các đội tự vệ chiến đấu được thành lập, thanh niên, học sinh nô nức tòng quân…khắp nơi rộn rã tiếng hát, những đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến từ Bắc vào Nam.

 

Lúc này quân Tưởng Giới Thạch đang chiếm cứ ở phía Bắc, quân Anh – Pháp ở phía Nam trong khi quân Nhật đang phải tập trung giao vũ khí cho quân Tưởng Giới Thạch (Còn gọi là quân Đồng Minh), tình hình vô cùng phức tạp, việc đào tạo và bồi dưỡng lực lượng yêu nước nhằm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, vấn đề vũ trang quân sự được chính quyền cách mạng đưa lên hàng đầu.Ở Huế lúc ấy tập trung rất nhiều quân đội Nhật, họ cất giấu vũ khí quân trang, quân dụng ở Quảng Trị, Quy Nhơn và tiếp nhận cả hàng hoá ở Savanakhet (Lào) chuyển sang.

Đây chính là khoảng thời gian lực lượng an ninh, tình báo của ta hoạt động tích cực để móc nối mua vũ khí từ tay người Nhật Bản khi họ bàn giao cho quân Tàu Tưởng. Phía ta có đồng chí Đặng Thanh đang làm công tác mật tại cơ quan phản gián đã nối quan hệ khá thân mật với đại tá Nhất Cửu (Ikawa), người nắm quyền chỉ huy quân Nhật từ Huế vào Đà Nẵng đến Quy Nhơn, cả Đông Hà, Quảng Trị và Savanakhet bên Lào và thiếu uý Debutsi, thư ký riêng, kiêm phiên dịch của Ikawa, con một đại sứ Nhật ở phương Tây, giỏi tiếng Pháp và đang học tiếng Việt. Qua quan hệ như thế, chúng ta đã dành một ngôi nhà cũ gần ga Huế (phía Cầu Lòn) vốn là biệt thự của Thượng Thư Hồ Đắc Trung ( Thời Thành Thái và Duy Tân) cho nhóm Ikawa ở nhờ và đồng thời đặt riêng một con đò bên bến sông Hương để họ có thể tiện lợi qua lại làm việc với bên ta. Những buổi đi đò như thế là những lần ta đặt vấn đề mua vũ khí Nhật, cả việc mua lại một số vũ khí tốt mà quân Tưởng được quân Nhật giao nộp, giao ngầm cho ta. Những chuyến tàu Nam tiến của ta vào Nam, kể cả những chuyến hàng chở vũ khí, đều nhờ Ikawa và Debutsi mà qua được mắt khám xét của quân Tàu Tưởng. Lúc này Debutsi đang có mối tình với cô nữ sinh Đồng Khánh tên Thái Thị Thu Ngoạn, vốn là con gái nguyên thượng thư triều đình Huế và cùng thời gian đó, đại tá Ikawa cũng yêu một cô gái Việt Nam khác có tên loài hoa Hải Đường.

Khi quân Nhật chấp nhận rút khỏi Đông Dương, Debutsi muốn ở lại Việt Nam với người yêu nhưng gia đình kiên quyết từ chối, đành phải về nước. Trong khi đó đại ta Ikawa và đại úy tham mưu trưởng Mitsunobu Nakahara hoạt động riêng cho ngành công an tại Huế. Nakahara đổi tên Việt là Minh Ngọc, sống với mối tình Việt - Nhật bên kia bờ sông Hương mãi đến đầu năm 1946, khi những cuộc chiến đấu bắt đầu trở nên thật sự quyết liệt.

Sau khi quân Tàu Tưởng đã rút về Trung Quốc, quân Pháp được sự chấp thuận của chính phủ ta với phe Đồng minh, tiến hành tước khí giới quân Nhật. Trước tình hình đó, nhiều sĩ quan và binh lính Nhật không đầu hàng quân Tàu Tưởng ở lại Việt Nam, xin được gia nhập bộ đội Vệ quốc quân, tham gia đánh Pháp.

Đầu năm 1946, đại tá Ikawa và đại úy Minh Ngọc (tức Misunobu Nakahara) được Sở Công an Trung Bộ điều vào Quân khu 5 giúp tướng Nguyễn Sơn, lúc này đang làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam (được Chính phủ ta cho thành lập hồi tháng 12/1945), tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc ở Quảng Ngãi. Đầu tiên là lớp quân chính mở ở khu vực đường từ thị xã Quảng Ngãi lên ga Quảng Ngãi, gần phía dưới trường lục quân. Những người lính Nhật được biết đến đã trở thành anh Bộ Đội Cụ Hồ như thế đó.

Đại tá Ikawa vào Nam, tạm biệt cô người yêu xinh đẹp Hải Đường với những kỷ vật là một lá cờ đỏ  sao vàng, 1 kimono, 1 chiếc nhẫn và  1 cái ảnh để rồi ra đi mãi mãi vào cùng năm 1946 trên mặt trận Tây Nguyên ở Pleiku trong lần đi theo Ban Chỉ huy quân sự đi kiểm tra chiến trường trên một chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm, dưới làn bom của máy bay Pháp cùng ông Đàm Minh Viên - đặc phái viên của trung ương vào thanh tra tình hình Tây Nguyên. Trong khi đó Nakahara được tướng Nguyễn Sơn điều về trường Lục Quân Quảng Ngãi làm giáo viên quân sự từ tháng 5 năm 1946. Đây chính là ngôi trường

Hồ Chủ Tịch và Quân ủy T.W cho phép thành lập để đào tạo cán bộ quân sự của Đảng trong toàn quốc. Sau này cùng Trường Võ Bị Sơn Tây, Hồ Chủ Tịch đặt lại tên là Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn. Các giáo viên quân sự vốn là sĩ quan Nhật của trường lúc ấy gồm có: Nguyễn Minh Tâm (tức Sato - thiếu tá), Minh Ngọc (Nakahara - đại úy), Đông Hưng (Tanimoto Kikuo), Phan Lai (Igari Kazumasa - trung úy), Nguyễn Văn Thống (Ishii Taku - thiếu tá). Mỗi người phụ trách huấn luyện quân sự cho một đại đội, Phan Huệ (Kamo) lúc đầu phụ trách (có Thái Vũ ở B2, số 338), sau chuyển lên Ban quân sự trường, Nguyễn Văn Tâm (Sato) về thay. Còn bác sĩ của trường là ông Inoue (tên Việt là Lê Trung), theo ta ngay từ Cách mạng Tháng Tám, ở Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Inoue ra công tác ở Quảng Bình, mất trong kháng chiến, mộ chôn ở Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (cũ), tỉnh Quảng Bình, đã được phong liệt sĩ. Vợ là Hoàng Thị Kim Huê (sau này chuyển đến ở Nha Trang).

Những người lính Thiên hoàng mang hào khí Võ Sĩ Đạo trở thành anh Bộ Đội Cụ Hồ đầu tiên trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm đó, có nhiều người đã hy sinh. Riêng Đông Hưng, sau năm 1954 đã trở về Nhật, còn Phan Lai (Igari) mang cả người vợ Việt Nam về, nay có con trai lớn Igari Masao, là nghệ sĩ nhiếp ảnh thường qua Việt Nam công tác. Đặc biệt Minh Ngọc (Mitsunobu Nakahara) có quan hệ nhiều với Việt Nam những năm gần đây, từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Ông cũng vừa mới qua đời cách đây không lâu.

Nhìn qua trang lịch sử hào hùng, thấy trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc có cả xương máu của những người con xứ sở Phù Tang, chúng ta không thể không kính cẩn nghiêng mình, cảm động và biết ơn sâu sắc, cầu mong cho linh hồn của họ mãi được yên nghỉ an lành trong sự vĩnh hằng vĩ đại như đỉnh núi Phú Sĩ cao vời.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >