Trang chủ arrow Tản mạn arrow VỀ TÊN GỌI BỘ ĐỘI CỤ HỒ
VỀ TÊN GỌI BỘ ĐỘI CỤ HỒ
22/12/2006
Image

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một lần đồng bào ở Tức Tranh ( Thái Nguyên) thấy có hai anh bộ đội mặc áo trấn thủ đang tắm cho trẻ em. Một người kháo rằng: “Bộ đội – Bộ đội cụ Hồ đấy!”. Không biết có phải danh từ Bộ đội cụ Hồ ra đời từ khi ấy không, chỉ biết cụm từ này đã được Trung Tướng Trần Độ ( 1923 – 2002) lần đầu tiên đưa lên mặt công báo.

 

Từ đó khái niệm về anh bộ đội cụ Hồ mới được mọi người biết đến một cách chính thức. Trước đó, ở những vùng tranh chấp giữa ta và địch, nhân dân quen gọi cái tên “Bộ đội cụ Hồ” là để phân biệt với lính Bảo Đại hay còn gọi là lính Quốc Gia.

Vào những năm 60, hệ thống chính quyền địch tuy đã chốt tới các buôn làng Nam Tây Nguyên nhưng mới chỉ là trên hình thức. Lúc ấy các buôn làng cơ bản là những “Vùng trắng”- người cách mạng chưa thâm nhập nhiều cho nên đồng bào còn quá xa lạ với các danh từ đại loại như “Cộng Sản”, “Cách Mạng”, “Chiến Sĩ Giải Phóng”…Thế nhưng có một điều rất lạ là khi cụm từ “Anh Bộ Đội Cụ Hồ” xuất hiện thì ai cũng cảm thấy thân thương, gần gụi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Hình ảnh và tên gọi "Anh bộ đội Cụ Hồ" là nét rất độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta. Hiếm có nước nào mà nhân dân lấy tên của lãnh tụ đặt tên cho quân đội nước mình. Tôi nhớ rằng khi ở khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc trìu mến gọi các đơn vị vũ trang là "bộ đội ông Ké" hay "bộ đội ông Cụ"... Có lẽ về sau, khi biết đó là tên Người, gọi là Bác Hồ”.

Trong 10 điều kỷ luật của quân đội kháng chiến đã ghi rõ: Không lấy cái kim sợi chỉ của dân, giúp đỡ dân, đóng quân bảo vệ nhân dân. Nên đi tới đâu nhân dân cũng thấy bộ đội quét dọn nhà cửa, tắm cho các cháu nhỏ... tình quân dân như cá với nước "Đi dân nhớ, ở dân thương. Những lớp cha anh đã nối tiếp nhau làm nên những chiến công hiển hách, giữ vững phẩm chất, đạo đức quân nhân như thế, cho nên ngày nay hình ảnh ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ đã đi sâu vào lòng nhân dân, trong tâm thức nhiều người, trở thành biểu tượng của quân đội nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Hạnh 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >