Trang chủ arrow Tản mạn arrow ĐỖ PHỦ
ĐỖ PHỦ
02/11/2006
Image

Đỗ Phủ xuất thân trong một gia đình dòng dõi quý tộc, nhưng đã sa sút ở tỉnh Hà Nam. Ông là người có tính tình hào phóng, cương trực, ghét những thói xấu ở đời và sớm có hoài bão "sẵn chí dong buồm vượt biển khơi".

Năm 20 tuổi, Đỗ Phủ bắt đầu cuộc tham quan du lịch miền Giang Nam. Năm 24 tuổi, ông trở về Lạc Dương (kinh đô thứ hai của nhà Đường) dự thi tiến sĩ, nhưng không đổ. Ông lại tiếp tục cuộc du lịch vùng Sơn Đông, Hà Bắc. Trong mười năm, qua hai lần du lịch, ông đã quan sát và nghiên cứu quang cảnh sông núi tráng lệ, những di tích văn hóa cổ và đời sống của nhân dân. Điều đó đã làm cho tài năng văn học của ông được hình thành và phát triển.
 
Năm 744, Đỗ Phủ gặp nhà thơ Lý Bạch ở Lạc Dương. Tuy Lý Bạch hơn Đỗ Phủ đến 11 tuổi, nhưng do tâm đồng ý hợp, hai ông đã kết bạn thân. Năm 746, Đỗ Phủ đến Trường An (kinh đô thứ nhất của Nhà Đường) tham dự kỳ thi văn học nhưng lần này cũng lại bị đánh hỏng. Năm 751, nhân vua Đường Huyền Tông tổ chức ba cuộc tế lễ lớn, ông làm ba bài Đại lễ phủ dâng lên được nhà vua tán thưởng, nhờ đó ông được ban một chức quan nhỏ. Trước khi nhậm chức, ông trở về quê thăm vợ con. Khi qua Ly Sơn, ông thấy vua Đường cùng Dương Quý Phi đang tránh rét ở đó, suốt ngày yến tiệc vui chơi. Khi về đến nhà, ông lại gặp cảnh con thơ chết đói vì thiếu ăn. Ông đã làm những bài thơ mô tả cảnh ngộ đau thương của xã hội và sự thối nát của giai cấp thống trị, đồng thời nói lên hoài bão của mình muốn đóng góp cho nước, cho đời.
 
Năm 755, viên tướng người Hồ là An Lộc Sơn khởi loạn, đánh chiếm cả hai kinh đô của nhà Đường. Vua và triều đình phải bỏ chạy sang Tứ Xuyên, ông cũng đi theo. Thời gian lưu lạc này, ông đã trải qua bao cảnh gian lao vất vả, đồng thời cũng thấy cảnh nhân dân li tán, loạn lạc và khổ sở vì đi lính, phu phen tạp dịch, cho nên thời gian này là lúc ông sáng tác được nhiều bài thơ nổi tiếng. Năm 759, Đỗ Phủ treo ấn từ quan, kết thúc cuộc đời quan chức của mình.
 
Cuối đời, nhà thơ phiêu bạt nhiều nơi, rồi mất trong một chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông Tương. Đỗ Phủ đã để lại cho đời sau hơn 1400 bài thơ. Thơ của ông phần lớn miêu tả những cảnh bất công trong xã hội, nỗi khổ cực, oan khuất của nhân dân và vạch trần sự áp bức, bóc lột; cuộc sống xa hoa, đồi trụy của giai cấp thống trị.
 
Vì thế người ta gọi thơ của Đỗ Phủ là "thi sử" (một tập sử viết bằng thơ) để nhấn mạnh tính hiện thực của thơ của ông.
 
Trịnh Vân Hải (Theo tư liệu nguồn về văn học Trung Quốc thời Đường)
 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >