Trang chủ arrow Tản mạn arrow MỘT VÀI NÉT VỀ NGƯỜI MƯỜNG
MỘT VÀI NÉT VỀ NGƯỜI MƯỜNG
26/10/2006
 Người Mường, còn gọi là người Mol, Mual, Moi, Moi bi, Au tá, Ao tá, là một dân tộc sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Hoà Bình và các huyện miền núi tỉnhThanh Hoá. Họ rất gần với người Kinh, một số nhà dân tộc học đưa ra giả thuyết người Mường về mặt sắc tộc chính là người Kinh nhưng vì cư trú ở miền núi nên họ ít chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc. Dân số hiện nay là 914.600 người.
Ngôn ngữ:
 
Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt Mường, rất gần với tiếng Việt. Chẳng hạn bua là vua, pộ là bố, tat là đất, kloi là trời, vân vân.
 
Đặc điểm kinh tế:
 
Đồng bào Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày. Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản như nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, quế, mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song... Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ thuật khá tinh xảo.
 
Tổ chức cộng đồng:
 
Xưa kia, hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường là chế độ lang đạo, các dòng họ lang đạo (Đinh, Quách, Bạch, Hà) chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi mường có các lang cun, dưới lang cun có các lang xóm hoặc đạo xóm, cai quản một xóm.
 
Tín ngưỡng:
 
Người mường theo đạo phật, nhưng có sự khác biệt la mọi nghi lễ đều phải có chủ lễ là thầy mo chủ trì.
 
Văn hóa:
 
Cưới xin:
 
Tục cưới xin của người Mường gần giống như người Kinh (chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu). Khi trong nhà có người sinh nở, người Mường rào cầu thang chính bằng phên nứa. Khi trẻ em lớn khoảng một tuổi mới đặt tên.
 
Ma chay:
 
Người chết tắt thở, con trai trưởng cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ, sau đó gia đình nổi chiêng phát tang. Thi hài người chết được liệm nhiều lớp vải và quần áo theo phong tục rồi để vào trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng bằng vải.
Tang lễ do thày mo chủ trì. Hình thức chịu tang của con cái trong nhà không khác so với người Kinh, tuy nhiên con dâu, cháu dâu chịu tang ông bà, cha mẹ còn có bộ trang phục riêng gọi là bộ quạt ma.
 
Lễ hội:
 
Đồng bào Mường có nhiều ngày hội quanh năm: hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7, 8 âm lịch), lễ cơm mới...
 
Văn nghệ dân gian:
 
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khá phong phú, có các thể loại thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Người Mường ở Vĩnh PhúcPhú Thọ còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà, tạo thành những âm thanh để thưởng thức gọi là "đâm đuống".
 
Nhà cửa:
 
Ở khu vực Đông Nam Á, nhà sàn là loại hình phổ biến của nhiều dân tộc. Tại Việt Nam, cư trú trên nhà sàn là truyền thống của nhiều dân tộc người như Gia rai, Êđê, Tày, Thái, Mường. Đó là sự thích ứng tối đa với điều kiện sống. Người Mường cư trú trên những ngôi nhà sàn không biết từ bao đời nay. Mặc dầu vậy nhà sàn của người Mường vẫn có nhiều điều đặc biệt khác với nhà sàn của các dân tộc khác. Người xưa có câu “ an cư mới lạc nghiệp”. Một nhu cầu không thể thiếu của con người là nơi cư trú ổn định, an toàn, có nơi để “chui ra rúc vào” rồi mới nói tới phát triển kinh tế, ăn nên làm ra. Do vậy, ngôi nhà là yếu tố hàng đầu đối với đời sống của họ. Đồng bào sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống, địa bàn cư trú tập trung chủ yếu ở những dải đồng bằng thung lũng hẹp, doi đất ven sông, ngòi, dưới chân các dãy núi hay trên các đồi gò thấp. Làng bản mường sống tập chung thành từng chòm, từng xóm, ẩn khá kín dưới màu xanh của cây cối trồng quanh nhà. Các bản mường thường có khoản 20 – 30 nóc nhà và nếu bản to thì có thể nhiều hơn nữa. Bản làng thường dựng nơi gần nguồn nước, gần đồng ruộng thuận lợi cho lao động sản xuất. Tuy vậy, bản làng của người Mường ít khi lộ rõ để người ngoài dễ phát hiện vì được bao bọc bởi luỹ tre và cây ăn quả. Đường vào bản thường là những con đường mòn nhỏ quanh co tạo cảm giác dễ nhầm, dễ lạc. Và đối với người Mường, họ không coi trọng trong việc dựng nhà lập bản sao cho thuận tiện giao thông đi lại. Vì lẽ đó mà muốn vào bản làng hay nhà của người Mường thường phải băng qua con đường nhỏ nối làng với đường chính hoặc lội qua những con suối, ngòi. Với người Mường nói chung,nhà là nơi diễn ra và chứng kiến những sự kiện như sinh, hôn, tử của một vòng đời. Từ đó, ngôi nhà không chỉ có ý nghĩa đối với gia đình mà còn mang ý nghĩa cộng đồng xã hội, không chỉ là nhu cầu về vật chất là để trú ngụ nắng mưa, ngủ nghỉ mà còn đáp ứng như cầu tâm linh. Người Mường không coi trọng nhiều đến dựng nhà theo hướng nào mà chỉ cốt thuận lợi cho đi lại cho lao động sản xuất. Từ dụng ý này mà làng bản của người Mường đều giống nhau ở chỗ lộn xộn, chồng chéo, không có sự thống nhất hay quy định chung về hướng nhà. Nhà dựng ở đồi gò thì lưng dựa vào đồi gò, cửa hướng ra khoảng không thung lũng, cánh đồng trước mặt. Nhà dựng ở ven sông thì mặt có thể hướng ra dòng sông hay hướng vào trong… Tất cả những cái tưởng chừng là “lộn xộn” đó lại tạo cho bản làng của người Mường Thanh Sơn cảm giác vừa vững vàng vừa cởi mở với những nét độc đáo riêng. Nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền. Việc dựng nhà sàn của đồng bào là kết quả của một quá trình dài đúc rút kinh nghiệm cư trú. Điều đó thể hiện ở bản mo nổi tiếng họ là “Te tấc te đác” (đẻ đất đẻ nước). Trong ban mo đồ sộ này có đoạn nói về sự ra đời của nhà sàn người Mường. Mo rằng: khi người Mường sinh ra nhà chưa có nên phải sống trong các hang núi, hốc cây, họ phải đối mặt với nhiều thiên tai hiểm hoạ. Một hôm, ông Đá Cần (còn gọi là lang Cun Cần) bắt được một con rùa đen trong rừng đang định đem ra làm thịt. Rùa van xin Đá Cần tha chết và hứa nếu được thả thì rùa sẽ dạy cho ông cách làm nhà để ở, làm kho để lúa để thịt: “Bốn chân tôi làm nên cột cái Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp làm rui Nhìn qua đuôi làm trái Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài Muốn làm mái thì trông vào mai Vào rừng mà lấy tranh, lấy nứa làm vách Lấy chạc vớt mà buộc kèo ” Lần dựng thứ nhất, nhà đổ. Ông Đá Cần doạ làm thịt rùa. Rùa lại phải dặn lấy gỗ tốt mà làm cột làm kèo… Từ đó, người Mường biết làm nhà để ở. Trong việc dựng nhà của người Mường đòi hỏi nhiều công đoạn, nhiều sức lực nên đồng bào có tục giúp đỡ nhau. Người giúp gỗ, người giúp lạt, người giúp công, giúp sức. Trước kia để nhận được sự giúp đỡ của dân làng, gia đình làm nhà phải chuẩn bị một lễ nhỏ mang đến nhà Lang để nhờ Lang báo cho mọi người trong bản làng biết. Mỗi gia đình sẽ cử một người đến giúp. Người ta phân công những công việc cụ thể cho mỗi thành viên đảm nhận như xẻ gỗ, đan nứa, pha tre, đan gianh cọ, lợp mái… Gia chủ làm nhà tuỳ vào điều kiện kinh tế mà nhận sự giúp đỡ khác nhau.
 
Nhà khá giả thì mọi người giúp ít và ngược lại. Theo tục này ở xã Xuân Đài có lệ khi một người làm nhà thì tuỳ vào khả năng mà giúp gỗ, lạt, nứa, lá và mỗi nhà góp ba đến năm Kg gạo nếp, hai chai rượu, một con gà… Lệ này ở mỗi xóm làng lại có những quy định khác nhau. Ở xã Tân Phú thì có lệ mỗi gia đình đưa cho gia chủ bốn trăm “phá” (tức là hai trăm cây nứa gập đôi). Nói chung, tục giúp nhau trong việc làm nhà của người Mường Thanh Sơn như đóng góp nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm và ngày công thể hiện sự quan tâm chung của cả bản làng, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng sâu sắc. Trong làm nhà của người Mường, ông mo có vai trò tương đối quan trọng. Mở đầu việc dựng nhà, ông mo làm lễ cắm cọc vào nơi làm cầu thang. Sau đó, chủ nhà cày ba luống làm lệ trên nền làm nhà. Ông mo đi sau vảy nước vào những luống cày đó và khấn vía lúa. Người làm nhà chuẩn bị vài cum lúa đã tuốt hết hạt chỉ còn cọng rơm ném ra xa rồi cầm đòn xóc đâm vào cum lúa nâng lên. Mỗi làn nâng đòn xóc lên rồi lại để xuống và hát giang ý nói rằng “lúa đẹp, lúa nặng, lúa bay về nhà để cho no cho đủ…”. Ông mo nâng các cum lúa lên trên tay rước đi vài vòng rồi giang mo “đẻ đất đẻ nước” đoạn nói về rùa dạy dân làm nhà. Tiếp theo ông mo vảy một thứ nước mà đồng bào cho đó là nước phép vào những hố chôn cột để xin thần linh cho gia chủ làm nhà mới. Người Mường kiêng không để mấu của đòn tay quay xuống mặt sàn. Khi bắc đòn tay thì ngọn phải quay về gian cuối, gốc ở gian đầu nơi có cầu thang lên xuống. Gian này được gọi là gian gốc. Sào nhà gác lên thượng lương. Gốc sào cũng phải quay về gian gốc. Tre nứa dùng làm nhà phải không được cụt ngọn, không bị sâu hay bị đốt cháy dở. Gỗ làm nhà đồng bào chọn phải là loại gỗ chắc đảm bảo không mối mọt và thường là gỗ lim xanh, mài lái… Người Mường đặc biệt quan tâm đến những cây gỗ mọc ở núi đá như giống gỗ heo vì giống gỗ này chặt đốn thì mềm nhưng khi chôn xuống đất hàng trăm năm cũng không mục mại. Có nơi đồng bào còn kéo gỗ ra ngâm bùn ngòi, suối khoảng một hai năm mới vớt lên làm.
 
Những cây gỗ được chọn làm cột sau khi lắp mộng, dựng khung được chôn thẳng xuống những hố đã đào sẵn sâu khoảng 20 – 30 cm. Tục chôn cột nhà ngoài dụng ý cho vững chắc khung nhà khi lợp mái, làm sàn, làm vách còn có ý nghĩa tâm linh, thể hiện cho sự hoà hợp âm dương, một biến thể của tín ngưỡng phồn thực. Cho đến nay đa số đồng bào Mường đã thay đổi tục chôn cột nhà bằng cách nâng cột lên mặt đất và kê lên những phiến đá chống mối mọt. Tuy nhiên cột nhà của người Mường Thanh Sơn không được gia công bào gọt nhiều như cột nhà của người Thái và người Mường ở Hoà Bình. Nếu cột nhà của người Thái Sơn La được xẻ, bào, đẽo cho vuông thành thì cột nhà của người Mường Thanh Sơn chỉ bào lớp vỏ ngoài và để tròn. Đồng bào dùng con xỏ bằng tre, con then bằng gỗ, đinh kèo bằng gỗ… để đóng thay cho đinh sắt. Họ dùng lạt mây, giang hoặc lạt mây, tre bánh tẻ để buộc níu các ngoàm đẽo hoặc cột kèo. Khung nhà sàn của người Mường được dựng hoàn toàn bằng cách ghép mộng, đục đẽo mà thành. Đòn tay (tôn thảy) được đặt dọc mái nhà. Đòn tay cái có miếng tre kẹp chặt đòn tay vào đầu cột cái gọi là cái khoá kèo. Mái nhà lợp bằng lá cọ hoặc bằng cỏ ranh. Những cây nứa ngộ (loại nứa to và dày) vàng óng được lựa chọn kỹ để pha nan kẹp lá (như cái gắp dùng để kẹp cá nướng). Cứ như thế những kẹp lá cọ được đưa lên mái buộc thẳng vào dui mè. Đây là cách lợp mái nhà theo tục truyền thống còn tồn tại phổ biến cho đến ngày nay. Tuy vậy ở một số nơi, người Mường đã thay cách lợp nhà. Lá cọ được đưa lên lợp vào dui mè mà không cần kẹp nữa. Mái nhà sàn khum khum hình mai rùa. Nếu như nhà sàn của người Mường ở Hoà Bình phổ biến là bốn mái (hai mái đầu hồi và hai mái dài). Sàn nhà thấp giống sàn nhà của người Thái thì nhà sàn của người Mường ở Thanh Sơn cũng như nhà sàn Yên Lập chủ yếu là loại nhà sàn hai mái mà không có mái đầu hồi. Mái nhà dốc vảy gần sát sàn. Nhà của người Mường không có sàn thềm bên ngoài như của người Thái. Sàn nhà được làm bằng những cây bương già thẳng pha thành mảnh dát xuống lược bỏ mắt và cạnh sắc ghép liền với nhau, dùng lạt mây buộc chặt kết thành từng mảnh buộc chặt vào khung sàn. Những sàn nhà của nhà Lang trước đây thì thường dùng gỗ tốt như lim, gụ làm sàn nên qua thời gian sử dụng, những tấm ván lên nước bóng láng. Từ mặt đất lên sàn nhà thường cao khoảng 2 đến 2,5 m tuỳ từng nơi ẩm thấp hay cao ráo. Công việc làm nhà tiến hành trong 4 –5 ngày thì kết thúc. Ngày lợp mái, gia chủ tổ cúng tổ tiên, thổ công cai quản nơi mình ở. Lễ cúng gồm xôi nếp và thủ lợn bày ở khoảng đất trống chọn làm sàn. Nhà làm xong, gia đình lại tổ chức cúng tổ tiên, thổ công, ma rừng, ma cây, ma bến nước, ma đồi gò… thông báo rằng gia đình đã có một ngôi nhà mới, mời tổ tiên về chung vui với con cháu phù hộ gia đình may mắn. Nhà của người Mường thường ba đến năm gian. Những gia đình đông con thì nhà lên đến bảy – mười hai gian. Những ngôi nhà như vậy ngày nay còn rất ít.
 
Nhà dù ít hay nhiều gian đều có một sàn bên trái để bắc cầu thang và máng nước sinh hoạt. Gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, là nơi xuất phát những tục lệ đối xử hành vi của con người với ngôi nhà. Ở gian gốc có một cây cột to hơn các cây cột khác trong nhà gọi là cột gốc (đồng bào còn gọi cây cột này là cây cột chồ) ở đầu góc nhà gần cầu thang. Cây cột gốc được đồng bào trân trọng đặt khám (bàn thờ) thờ tổ tiên. Mọi người kể cả chủ hay khách đến nhà chơi đều không được bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Người Mường quan niệm nếu phạm phải những điều cấm trên thì bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh. Gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới. Phụ nữ trong nhà không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay thì chỉ nam giới có vai vế trong dòng họ được ngồi ăn uống. Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa sổ “voóng” linh thiêng, không ai được đưa vật gì hay chui qua. Cửa sổ voóng chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma. Đối diện với cột chỗ ở gian gốc có một cột nhà tương đối quan trọng. Ở chân cột này, người Mường để vào cum lúa đã tuốt hết hạt. Đầu cột đội một cái giỏ thủng biểu hiện cho âm tính (đồng bào gọi là nường). Bên cạnh đó, người Mường treo một đoạn tre tước xơ một đầu cho bông lên biểu hiện cho dương tính (gọi là nõ). Điều này thể hiện đời sống tâm linh, nói lên sự hỗn hợp, cân bằng âm dương, sự ổn định và thuận hoà của cả gia đình. Gian thứ hai của ngôi nhà (gian kế theo gian gốc) dành cho nam giới ngủ nghỉ. Gian giữa thường là gian để thóc và làm bếp. Lúa gặt ở ruộng nương về phơi khô khi chuyển lên nhà được để ở đây. Họ xếp lúa vào một cái quây như cái bồ thủng đáy đan bằng nứa hoặc giang để gần bếp. Bếp của người Mường là rất công phu. Khuôn bếp được làm bằng loại gỗ đặc biệt cứng, có đường viền xung quanh, đáy lót bằng bẹ chuối rồi dải bùn lên trên. Khi chuyển bếp mới, người Mường tìm một số loại cỏ thơm như cỏ mật phơi khô để vào bếp đốt lấy tro rồi mới bắc kiềng nấu nướng. Bếp thường đặt trên trục nhà nơi nóc dọi xuống. Có nhà bếp đặt gần cửa sổ để thông gió, tránh khói và hoả hoạn. Tuy vậy, việc đặt bếp ở cửa sổ ít được ưa chuộng hơn vì đồng bào quan niệm nếu đặt bếp gần cửa sổ thì hơi ẩm từ bếp toả ra ngôi nhà không đều. Nhà người Mường thường có hai bếp chuyên dụng. Một bếp để nấu nướng thức ăn và phụ nữ, trẻ em trong gia đình ngồi sưởi.
 
Một bếp nhỏ hơn đặt ở gian gốc dùng để cho đàn ông trong gia đình ngồi sưởi vào mùa đông và đun nước uống hàng ngày hoặc tiếp khách. Bếp này người phụ nữ trong gia đình ít khi được ngồi hoặc sử dụng trừ phụ nữ cao tuổi như bà, cụ hay con gái út được yêu quý nhất. Gian cuối cùng là nơi dành cho phụ nữ sinh hoạt có chạn bát, để đồ dùng gia đình, nơi sửa soạn cơm nước. Gian này được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp. Đây cũng là nơi người phụ nữ thay quần áo và ngủ nghỉ. Đầu hồi nhà, đồng bào để một cái cối đuống và một cối tròn. Cối đuống không chỉ dùng để giã thóc gạo mà còn là phương tiện để gia đình báo nhà có việc lớn như đám cưới mà tang ma. Bên cạnh đó, cối đuống còn là một nhạc cụ sử dụng để gõ những bản nhạc vui trong ngày lễ tết, hội hè với những bản đuống rộn ràng âm vang, đồng bào gọi là “đâm đuống” hay “châm đuống”. Dưới sàn nhà, đồng bào nuôi gà, trâu hoặc để cất các công cụ sản xuất như cày, cuốc, liềm, nong, nia… Nhà của người Mường thường chỉ có một cầu thang. Song những ngôi nhà dài từ 7- 12 gian thì buộc đồng bào phải làm hai cầu thanh ở hai đầu nhà. Những nhà có hai cầu thang như thế này thực là hiếm vì người Mường quan niệm đó là sự xui xẻo, kiêng kị, của nả sẽ không giữ được trong nhà “vào đầu này ra đầu kia”.
 
Trang phục:
 
Người Mường có đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục.
 
Trang phục nam:
 
Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đây là loại áo cánh ngắn phủ kín mông. Đầu cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Quần lá tọa ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Xưa có tục để tóc dài búi tóc. Trong lễ hội dùng áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chúng đen dài tới gối, cái cúc nách và sườn phải.
 
Trang phục nữ:
 
Áo mặc thường ngày có tên là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn so với áo cánh người Kinh, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng (về sau có thêm các màu khác không phải loại vải cổ truyền). Bên trong là loại áo báng, cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen. Toàn bộ phận được trang trí là đầu váy và cạp váy, khi mặc mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đây là một phong cách trang trí và thể hiện ít gặp ở các tộc khác trong nhóm ngôn ngữ và khu vực láng giềng (trừ nhóm Thái Mai Châu, Hoà Bình mặc thường ngày tương tự như họ). Nhóm Mường Thanh Hóa có loại áo ngắn chui đầu, gấu lượn, khi mặc cho vào trong cạp váy và cao lên đến ngực. Phần trang trí hoa văn trên cạp váy gồm các bộ phận: rang trên, rang dưới, và cao. Trong các dịp lễ, Tết, họ mang chiếc áo dài xẻ ngực thường không cài khoác ngoài bộ trang phục thường nhật vừa mang tính trang trọng vừa phô được hoa văn cạp váy kín đáo bên trong. Nhóm mặc áo cánh ngắn xẻ ngực thường mang theo chiếc yếm bên trong. Về cơ bản giống yếm của phụ nữ Kinh nhưng ngắn hơn.
 
Nhạc cụ của người Mường:
 
Cồng vừa là tài sản có giá trị, vừa là loại nhạc cụ quan trọng trong đời sống của người Mường…
 
 
Nhạc cụ dân gian của người Mường gồm có: sáo ngang, tiêu nhỏ, kèn, đàn nhị, chuông, trống đồng, trống mặt da và chiêng. Người Mường còn tạo âm thanh bằng máng gỗ vò lúa (đánh đuống) hay những đoạn tre (gõ sạp).
 
Dân tộc Mường thường dùng nhạc cụ đơn tấu đệm cho hát và múa. Đặc biệt có ba hình thức tổ chức dàn nhạc: dàn nhị - sáo ngang gồm sáo ngang, tiêu nhỏ, kèn, nhị, sử dụng trong lễ tết và các dịp vui; đàn nhị - sáo ngang - trống đồng chỉ sử dụng trong tang lễ; dàn chiêng xéc bùa gồm 12 chiếc, do 12 cô điều khiển trong lễ Xéc Pùa tổ chức vào mùa xuân. Biên chế dàn chiêng xéc bùa thường gặp gồm 2 chiêng chót (âm cao), 6 chiêng boòng beng (âm trung), 4 chiêng dàn (âm trầm). Các chiêng cao và trung đi giai điệu, chiêng trầm đi trùm âm. Ngoài ra người Mường còn sử dụng những loại chiêng với số lượng lớn, nhất là chiêng dàn để hoà âm gọi khộ. Dùi chiêng làm bằng gỗ ổi hoặc gỗ sến, đầu để gõ được bọc vải và đan sợ gai bao bên ngoài.
 
Cồng là loại nhạc cụ được đúc bằng đồng thau hoặc đồng đỏ. Mỗi bộ cồng đầy đủ gồm 12 chiếc, từng chiếc có tên gọi riêng. Trong một bộ có ba loại cồng với những kích cỡ và âm thanh cao thấp khác nhau: cồng lẻ (từ chiếc thứ nhất đến chiếc thứ 4), đường kính rộng 20 – 30 cm, âm cao; cồng bồng (từ chiếc thứ 5 đến chiếc thứ 8), đường kính rộng 40 – 50 cm, âm trung; cồng dàm (từ chiếc thứ 9 đến chiếc thứ 12), đường kính rộng 60 – 90 cm, thậm chí tới 1m, âm trầm.
 
Cồng vừa là tài sản có giá trị, vừa là loại nhạc cụ quan trọng trong đời sống của người Mường. Cồng được sử dụng phổ biến để diễn tấu khi hát sắc bùa đón năm mới, hay trong lễ cưới, ma chay… Người chơi thường là nữ, nhưng cũng có khi có cả nam và nữ, mỗi người một chiếc tay này xách quai đeo cồng, tay kia cầm dùi gỗ có quấn vải một đầu, gõ vào núm cồng theo nhịp điệu và tiết tấu của bài. Có hai hình thức biểu diễn: dàn ngang đứng đánh tại chỗ hoặc vừa đánh cồng vừa đi vòng tròn. Xưa kia, khi có việc hệ trọng, các gia đình quý tộc Mường thường sử dụng vài bộ cồng đánh lên cùng một lúc.
 
Nguyễn Hạnh ( Từ nhiều tư liệu)

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >