Trang chủ arrow Bài viết arrow CHỨNG BẤT LỰC Ở ĐÀN ÔNG, QUA CÁCH NHÌN CỦA ĐÔNG Y (YHCT)
CHỨNG BẤT LỰC Ở ĐÀN ÔNG, QUA CÁCH NHÌN CỦA ĐÔNG Y (YHCT)
26/10/2006

Image

Theo đúng nghĩa Tự điển thì bất lực là từ ám chỉ việc không đủ sức làm một việc gì đó, xa hơn trong phạm vi nghĩa Y học thì bất lực lại là không đủ sức giao hợp với phụ nữ. Dân gian gọi nôm na là: “ Trên bảo dưới không nghe"


 MỞ ĐẦU- BẤT LỰC LÀ GÌ?  
                                                    
Ở đề mục ghi trên, phần nào đã định nghĩa được tên gọi của một chứng bệnh mà quí ông hay gặp, hay còn gọi một cách khác là chứng yếu sinh lý ở đàn ông (Rối loạn cương, xuất tinh sớm...).Theo ngôn ngữ Đông Y, thì nó còn có tên gọi theo từng chứng trạng cụ thể như là: Dương Nuy ( Liệt dương), dương súc ( Dương vật co thụt lại ), dương bất cử( Mềm nhũn không cử động được), tảo tiết ( Xuất tinh sớm)..dù ở trạng thái nào ở trên, nó cũng mang lại một cuộc sống kém chất lượng cho các quí ông, và là yếu tố vô cùng quan trọng để quyết định hạnh của phúc gia đình.

Còn có thể coi đây là căn bệnh thầm kín của giới mày râu; có thể do nó rất khó nói chăng? hay là do nó khó trình bày cho “ai đó” hiểu được, vì nó làm cho quí ông cảm thấy yếu đuối, nhu nhược. Nhất là khi đương đầu với “đối tác” của mình. Trong cuộc đời làm thuốc của tôi; tôi dã từng được chứng kiến không ít cách bày tỏ thái độ của các ông về vấn đề này. Có nhiều ông rất tế nhị thầm kín, họ thường tự ái khi nói vấn đề này ra. lại có một số ông thường bức xúc thổ lộ với các đối tượng như: bạn bè cùng giới, các chuyên gia về tâm ký, các thầy thuốc nhằm kiếm lối giải thoát. Có một số ông còn tâm sự, vì bất lực mà ý nghĩa cuộc sống trong ông nay chỉ còn một nữa. Thật cũng không ngoa tí nào; hoặc một số người, khi mắc phải chứng di - mộng tinh, họ mặc cảm thường giấu giếm rất kỹ, còn trẻ thì giấu bố mẹ, lớn thì giấu bạn bè, đến khi bệnh tình quá nặng gặp thầy thuốc họ khai nào là đau đầu, đau lưng, mất ngủ, tai ù, tai điếc...sau một hồi quanh co họ mới dám thú nhận là có bệnh “ấy”.
 
Là thầy thuốc và cũng là đàn ông, tôi thực sự thông cảm cho nỗi lòng của các quí ông khi gặp hoàn cảnh như vậy. Thế thì chúng ta cùng xem xét và tìm cách tháo gỡ.

SINH LÝ VÀ GIỚI TÍNH

Theo y học hiện đại (YHHĐ) thì giới tính của chúng ta, được xác định vào tháng thứ ba trở đi của thai kỳ( khi còn là thai nhi). Yếu tố này được quyết định bởi các cặp nhiễm sắc thể XX.XY... mà dòng giống của chúng ta truyền lại. Sau khi lọt lòng mẹ, giới tính lại được xác định qua thực thể (Dương vật hoặc Âm vật). Từ sau khi lọt lòng mẹ trở đi, thì yếu tố hormon luôn luôn quyết định sự phát triển của cơ thể và tâm sinh lý, não là cơ quan chủ đạo cho việc hình thành giới tính của thời thơ ấu. Về sau, đây cũng là sự quyết định cho sự sinh sản và bảo tồn giống nòi ( Hormon nội tiết tố oestrogen và progesterone, buồng trứng, tử cung, âm dịch...- tinh hoàn, tuyến tiền liệt, tinh dịch, tinh trùng..).

Theo thiên Thượng cổ Thiên Chân Luận( th. I, Tố Vấn) :

 "Con gái 7 tuổi thận khí thịnh, răng thay tóc dài; tuổi 14 ( Nhị thất 2 x 7) thì thiên quí đến, nhâm mạch thông, xung mạch thịnh, nguyệt sự (Kinh ) theo đúng ngày thì chảy xuống, cho nên có thể sinh con; tuổi 21( Tam thất 3x7) thận khi sung mãn, cho nên răng thực mọc lên dài hẳn; tuổi 28(Tứ thất 4x7) thì gân xương cứng chắc, tóc dài nhất, thân thể thịnh tráng; tuổi 35( Ngũ thất 5x7) mạch dương minh bắt đầu suy giảm, mặt xuất hiện nếp nhăn, tóc bắt đầu rụng: tuổi 42( Lục thất 6x7) mạch tam dương suy ở trên nên da mặt nhăn, tóc bắt đầu trắng: tuổi 49( Thất thất 7x7) nhâm mạch hư, mạch thái xung suy yếu, thiên quí kiệt, mạch đạo ở hạ bộ không còn thông, cho nên hình thể bị hoại và không sinh con nữa...

 ...Con trai 8 tuổi thì thận khí thực, tóc dài, răng thay; tuổi 16( nhị bát 2x8) thận khí thịnh, thiên quí đến, tinh khí(có thể) chảy tràn ra, Âm Dương được hoà, cho nên có thể có con; tuổi 24( tam bát 3x8) thận khí được sung mãn, gân xương thẳng cứng, cho nên răng thực mọc lên và dài hẳn; tuổi 32 (tứ bát 4x8) gân xương đã to và thịnh, cơ nhục được đầy đủ và khoẻ mạnh sung mãn; tuổi 40 ( ngũ bát 5x8) thận khí bắt đầu suy, tóc rụng, răng bị khô; tuổi 48 ( lục bát 6x8) dương khí suy kiệt ở trên, mặt nhăn, tóc bạc hoa râm; tuổi năm mươi sáu ( thất bát 7x8) can khí suy, cân không còn có thể động: tuổi 64 (bát bát 8x8) thiên quí kiệt tinh khí ít đi, thận tạng bị suy, hình thể đều bị suy cực, do đó mà tóc và răng lung lay và rụng...”

Điều này nói lên rằng, vấn đề sinh lý ở con người được nêu ở trên là hoàn toàn bình thường, bất luận là đàn ông hay đàn bà, đều phải tuân theo một qui luật chung của vòng đời ấy. Đó là qui luật Âm – Dương, Ngũ hành; nếu khí Âm – khí Dương được giao hoà ( Cân bằng), thì vạn vật mới sinh sôi nảy nở, đàn ông và đàn bà là một trong những đại biểu của Âm – Dương, vì vậy việc giao hợp và sinh sôi nảy nở là đúng đạo của trời đất. Chứng tỏ cách đây mấy nghìn năm trước, người ta cũng đã từng nghiên cúu sinh lý của con người, cho đó là “Thiên quí” ( Cái quí giá mà trời ban tặng cho con người). Theo thuyết tạng luận của đông y, thì đây là thứ khí ( Âm tinh), do thận khí trưởng thịnh, đến mức độ nhất định mà sản sinh ra. Vì vậy, việc thể hiện thiên chức của giới tính luôn luôn được đánh giá cao trong đời sống xã hội, nó nêu lên được vị trí cụ thể trong cuộc sống gia đình, nếu đã là đàn ông thì phải mạnh mẽ, cương cường vì đã được gọi là “Trượng Phu”.

CÁC TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP HOẶC GIÁN TIẾP ĐẾN CƠ THỂ ĐỀU LÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CHỨNG BẤT LỰC :

Ngày nay, do tốc độ của sự phát triển của xã hội, và tăng trưởng của nền kinh tế. Sự gấp gáp, sôi động làm cho con người sống trong môi trường đó, luôn luôn tìm cách đối phó lại sự khắc nghiệt mà nó mang lại. Mặt khác công nghệ thông tin cũng phát triển vượt bậc, làm cho sự tư duy và thái độ làm việc cũng khác xưa rất nhiều. Thời gian cho công việc, cũng hầu như cũng chiếm đa số tổng thời gian trong ngày của một người, họ chạy đua với thời gian, đến gần như kiệt sức, không có nhiều thời gian cho cuộc sống riêng tư gia đình đôi khi là đại khái. Nhất là người đàn ông trong thời đại ngày nay thường có lối sống  vô độ, bị nhiều áp lực nơi cuộc sống của xã hội và gia đình, họ thường đương đầu với những thách thức( Ở nhà, công sở, thậm chí ngay cả nơi vui chơi; cả những nhu cầu ngoại lệ...) tất cả đều có thể giáng xuống đầu họ, do áp lực như vậy; căng thẳng như vậy dẫn đến hội chứng mà YHHĐ gọi là Stress ( Hội chứng căng thẳng thần kinh). Vì vậy Stress, được coi là một trạng thái thức tỉnh đối phó của cơ thể chống lại các tác nhấn khách quan, làm rối loạn chức năng nội tiết, đây cũng là hệ quả dẫn đến Bất lực. Vấn đề này thường thấy xảy ra ở các quí ông làm việc đầu óc trong lĩnh vực kinh doanh, chính trị.

Ô nhiễm môi trường, cũng là một tác nhân không kém phần quan trọng: chất thải công nghiệp, nguồn nước bị ô nhiễm, tiếng ồn nơi đô thị đã vượt quá mức cho phép, tình trạng lạm dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, trong công nghiệp thực phẩm, các tia vật lí (nguồn phóng xạ nhân tạo hay thiên nhiên, điện trường, các tia tử ngoại...) cả đến khói thuốc lá, lối sống buông thả quá mức, cũng trực tiếp ảnh hưởng tới việc chăn gối của quí ông.

Ngoài ra còn có một số trường hợp đặc biệt, vốn dĩ sinh ra đã không được mạnh khoẻ ( YHCT cho là do tiên thiên bất túc), hoặc dị tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục: Bé, ngắn, dị dạng... loại này rất khó cải thiện ( Các trường hợp trên, không nằm trong mục tiêu của bài viết này).

CÁC LOẠI TRIỆU CHỨNG Ở NGƯỜI BẤT LỰC VÀ DẤU HIỆU SUY THOÁI TÌNH DỤC THEO YHCT:

Như đã đề cập đến ở trên, bệnh tật đều phát sinh do sự mất cân bằng của Âm – Dương trong cơ thể. Cụ thể là do thận hư suy mà sinh ra. Ở đây ta đề cập đến tạng thận, vì vậy cũng nói sơ qua vế sinh lý tạng thận theo YHCT:

Theo thuyết Tạng luận của YHCT thì Thận, thuộc hành thuỷ, là gốc của tiên thiên(di truyền huyết thống), quan hệ với tâm là quan hệ thuỷ hoả, thận khai khiêu ra tai, chủ sự bài tiết của nhị tiện( Đại tiện và tiểu tiện), vinh nhuận ra răng, tóc. Tạng thận có hai phần gọi là: Thận âm hay còn gọi là thận thuỷ, bao gồm thận tinh và tân dịch ( Ở đàn ông Thận khí là chủ việc chỉ đạo về tình dục).Thận dương hay còn gọi là thận hoả, thận khí(Nhiệt năng và công năng của cơ thể).

Vì vậy tạng thận có công năng sinh lý như sau :thận chủ thuỷ, thận tàng tinh (tinh sinh dục, tinh của các tạng phủi). thận chủ mệnh môn hoả( mệnh môn hoả là quá trình sinh nhiệt lượng, năng lượng cần thiết cho những hoạt động của cơ thể, nếu mệnh môn hoả suy nó sẽ ảnh hưởng ngay đến chức năng hoạt động của tâm và tỳ. Thận chủ nạp khí, chủ về xương tuỷ, liên quan đến não(trí tuệ).

Chứng bất lực là do công năng về sinh lý của tạng thận bị mất cân bằng, vì vậy nó sinh ra bệnh, được thể hiện bằng nhiều chứng trạng cụ thể như sau:

Chứng Thận Âm hư (Âm hư nội nhiệt):

Đây là tên gọi chung của hàng loạt chứng trạng, do mất âm dịch của tạng thận mà gây ra, hư hoả quá găng chứng này phần lớn do nội thương mệt nhọc, nhiệt cực thương âm mà gây nên.

Triệu chứng:

Sắc mặt hồng, ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ mồ hôi trộm, môi hồng lưỡi đỏ, miệng khô họng ráo, gót chân đau, dể nổi cáu, không sợ lạnh, nhịp tim đập 90 lần / 1 phút (Huyết áp cao), nước tiểu hơi vàng, đại tiện bí, người mệt mỏi, tai kêu tai điếc, lưng đau gối mõi, khó khăn về tình dục, dương vật teo yếu trương lực cơ, tinh khô ít, mạch trầm sác.

Dụng dược tổng quát:

Các loại thuốc bổ thận âm, sinh tinh, trừ hư hoả hoặc giáng hoả : Lục vị địa hoàng hoàn, Tri bá bát vị hoàn, Kỷ cúc địa hoàng hoàn, Tả qui hoàn...(Kim quỹ yếu lược).

Chứng thận dương hư ( Còn gọi là mệnh môn hoả suy):

Đây là tên gọi chung cho những biểu hiện lâm sàng về nguyên dương bất túc, mất chức năng khí hoá, không còn tác dụng sưởi ấm, làm cho thuỷ thấp thịnh ở trong và cơ năng bị suy nhược, phần nhiều do lao thương quá độ, ốm lâu... gây ra.

Triệu chứng:

Sắc mặt sạm tối hoặc trắng bệch, lưỡi nhạt rêu trắng, thần sắc không nhuận, giọng nói nhỏ, đứt đoạn, sợ lạnh, không muốn uống nước, tiểu tiện trong dài hoặc đái són, bàn tay bàn chân lạnh, môi nhợt, tính trầm tĩnh, đại tiện phân nát lỏng. nhịp tim dưới 75 lần trên một phút (Huyết áp thấp). Người mệt mõi trí nhớ giảm, đau ngang thắt lưng. Mạch bộ xích trầm tế hoặc trầm trì, tiểu, sáp, hư. Khó khăn về tình dục, dương nuy (Dương sự không cương cứng) hoặc có cương mà không bền.

Dụng dược tổng quát:

Các loại thuốc bổ thận tráng dương như:

Bát vị thận khí hoàn,tán dục đan, qui lộc nhị tiên cao, hữu qui hoàn...(Kim quỹ yếu lược, cảnh nhạc toàn thư).

Chứng thận âm dương dều hư:

Là tên gọi chung cho một loạt các chứng trạng, do nguyên dương ở thận bất túc; mặt khác âm tinh khuy tổn, không có khả năng sưởi ấm, nhu dưỡng tạng phủ, kinh lạc mà gây ra,nguyên nhân có thể do nội nhân (Bên trong) do mệt nhọc lao tổn mà gây ra; hoặc có thể do bên ngoài ( Ngoại nhân) tác động của các khí tà đến cơ thể, tất cả cuối cùng ảnh hưởng tới thận mà gây nên.

Triệu chứng:

Biểu hiện lâm sàng, chủ yếu là: sợ lạnh nằm co, lòng bàn tay bàn chân nóng , miệng khô, họng ráo, thích uống nước nóng, chóng mặt ù tai ( Rối loạn tuần hoàn não), lưng gối yếu mỏi, tiểu tiện trong dài hoặc nhỏ giọt không hết ( Tuyến tiền liệt có trục trặc), dương nuy, di hoạt tinh, gốc lưỡi có rêu trắng, chất lưỡibệu có hàn răng, hơi đỏ, mạch hai bộ xích tế nhược.

Dụng dược tổng quát:

Chủ yếu dùng các loại thuốc ôn bổ nguyên dương ích âm, cố sáp, thông khiếu. dùng các bài tế sinh thận khí hoàn gia giảm, tán dục đan hợp với bài tế sinh bí tinh hoàn, hoặc bài Chân vũ thang hợp với bài Tri bá địa hoàng hoàn; hoặc phối hợp Hữu qui hoàn và Tả qui hoàn cho hợp lý.

Chứng tỳ thận dương hư :
Đây là một chứng phức hợp giữa tỳ dương bất túc và thận dương hư suy mà gây ra bệnh. Nếu do bệnh ở tỳ dương hư liên luỵ tới thận, dẫn đến thận dương hư, thì biểu hiện lâm sàng chủ yếu thấy xuất hiện các chứng trạng do tỳ hư gây ra. Ngược lại nếu do thận dương hư làm liên lụy đến tỳ thì trên lâm sàng cũng thấy chứng trạng do thận dương nhiều hơn. Thực ra chứng tỳ thận dương hư, trên lâm sàng phần nhiều là chỉ bệnh ở tỳ dương làm liên luỵ đến thận, tạo thành âm thịnh ở trong và do mất chức năng vận hoá, làm cho thuỷ dịch đình trệ gây nên.

Triệu chứng:

Cơ thể lạnh, tay chân lạnh, gầy còm, mệt mỏi, bụng dưới hay lạnh và đau, đi ngoài phân sống, ngũ canh tiết tả, lưng gối mõi lạnh, đi tiểu vặt, nhỏ giọt không gọn bãi, đêm đi tiẻu nhiều lần hoặc là khó tiểu tiện. Mặt và chân hơi phù, dương nuy, di tinh, hoặc mệt mỏi không có cảm giác thèm muốn tình dục, lưỡi nhạt bệu hằn răng, có nhớt, mạch trầm trì tế nhược.

Dụng dược tổng quát :

Chủ yếu các thuốc ôn bổ tỳ thận, cố sáp. Gồm các bài thuốc như: Hữu qui hoàn, Phụ tử lý trung thang, Tứ thần hoàn, Đoạn hồng hoàn. Các bài trên tuỳ theo chứng trạng cụ thể mà phối hợp hoặc gia giảm.

Một số chứng trạng nằm trong chứng trạng yếu sinh lý khác :

Tảo tiết (Xuất tinh sớm), di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, làm cho việc phòng sự không được chu toàn, mất đi sự hứng thú của hai người; đôi khi chính nó cũng là thủ phạm dẫn đến vô sinh( tinh trùng không sạch, loãng, số lượng tinh trùng ít, tinh dịch có lẫn ít máu hoặc mủ, có lúc còn bị hôi), chứng này thường hay gặp ở những người trẻ tuổi và chưa có gia đình; nhưng đôi khi vẫn có trường hợp người trung niên mắc mắc phải.

Tảo tiết, hiện tượng giao hợp xuất tinh sớm, do súc động quá độ không làm chủ được tình hình “chưa đi tới chợ đã hết tiền”; nếu không muốn nói là gãy gánh giữa đường làm cho người phụ nữ chưa có cảm giác gì, phòng sự đã xong.

Di tinh, đêm ngủ không mơ mộng gì mà xuất tinh, như cái bình đựng nước đầy tràn ra ngoài.

Mộng tinh, đêm ngủ thấy giao hợp với phụ nữ rồi xuất tinh.

Hoạt tinh, bất cứ lúc nào cũng có thể xuất tinh ra, như cái bình đựng nước mà không có đáy.

Nguyên nhân:  Do âm hư, hoả vượng, thận tinh bất cố, thấp nhiệt lưu trú ở hạ tiêu, hoặc do tâm lý không ổn định.

Âm hư hoả vượng, làm cho âm dịch không đầy đủ, sinh ra nội nhiệt. nhiệt lưu ở trong tinh thất, phát sinh ra di tinh. Nguyên nhân do phiền nhọc, lao tổn quá độ, khiến cho âm huyết tổn thương, hoặc suy nghỉ hoang tưởng, làm tổn thương đến chân âm.

Thận tinh bất cố, thủ dâm ,tảo hôn hoặc lao phòng quá độ, lâu ngày làm tổn thương đến nguyên khí của thận làm cho tinh bất cố, dẫn đến di tinh.

Thấp nhiệt lưu trú hạ tiêu, đây là trường hợp do ăn uống( bất nội ngoại), hút thuốc, nghiện hút, nghiện rượu, làm tổn thương đến tỳ vị, làm cho công năng bài thấp của tỳ vị bị mất kiện vận, sinh ra thấp nhiệt tồn đọng ở hạ tiêu, làm ảnh hưởng tới tinh thất, dẫn đến di tinh.

Dụng dược tổng quát:

Một số thuốc mang tính bổ thận tinh, cố sáp, dưỡng tâm an thần như: tri bá địa hoàng hoàn gia giảm, kim toả cố tinh hoàn, lục vị địa hoàng hoàn, nhân sâm cáp giới tán gia giảm, thiên vương bổ tâm đơn, tuỳ theo chứng trạng cụ thể mà phối hợp các bài thuốc với nhau.

KẾT LUẬN :

YHCT điều trị các chứng trạng của bệnh tật, là nhằm đưa cơ thể về trạng thái cân bằng âm - dương . Vấn đề bất lực của các ông cũng không nằm ngoài sự mất cân bằng của âm – dương, nói gần hơn nữa là mất cân bằng về thực thể và tâm sinh lý. Các phương pháp điều trị về chứng bất lực của đông y, cũng giống như điều trị các chứng trạng khác. cũng dùng thuốc, châm cứu, dưỡng sinh, tâm lý liệu pháp, ẩm thực liệu pháp...bất cứ liệu pháp nào, thì cũng chỉ nhằm mang trả lại sự công bằng cho quí ông. Xưa nay có rất nhiều tài liệu, y văn đề cập đến vấn đề này. Từ thời các ông Vua, bà Hoàng tuy đây là những vấn đề mang tính tế nhị, nhưng cũng đã có một số y gia chuyên nghiên cứu, điều trị và phục hồi chức năng sinh lý cho các bậc quyền uy, vì đây cũng là một trong những mặt quan trọng để thể hiện sức mạnh quyền uy của họ.

Ngày nay, tuy y học đã phát triển một cách vượt bậc, nhiều phương pháp điều trị, từ thuốc uống hổ trợ sinh lý, kể cả đến ngoại khoa can thiệp...bất kể phương pháp nào cũng vậy, việc phục hồi không nên thái quá, tránh can thiệp sâu làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác, làm nó phát triển một cách không được tự nhiên.

Trong các phương pháp điều trị tôi vẫn tâm đắc nhất là phương pháp trị liệu bằng tâm lý, điều này trong y sử liệu cũng đã có ghi, thiền sư Minh Không (Lý Quốc Sư) đã chữa khỏi chứng bất lực cho vua Lý Thánh Tông (1023-1072). đến thời vua con là Lý Nhân Tông, cũng lại mắc chứng ấy, cũng được ông chữa khỏi bằng thuốc uống và tâm lý liệu pháp. ngoài ra ẩm thực trị liệu cũng mang lại hiệu quả đáng kể, vì ăn uống để chữa bệnh là một trong những phương pháp điều trị vừa hữu hiệu vừa khoa học, vừa mang lại sức khoẻ toàn thân cho quí ông. Tuy vậy, phương pháp này khi áp dụng, phải được thầy thuốc thăm khám cụ thể, để được điều trị và tư vấn cho hợp lý, ví dụ như bất lực do âm hư thì ăn uống thức ăn và thuốc bổ âm như; dương hư thì ăn uống thức ăn và thuốc bổ dương, đại loại thiếu cái gì thì bổ cái ấy, cũng như dân gian có câu: “ ăn cái gì bổ cái ấy”, tuy vậy phải biết thiếu cái gì? hư cái gì? mới là quan trọng. Trong ẩm thực trị liệu, có rất nhiều loại dược phẩm, cũng như các loại thực phẩm phụ trợ để chế biến thành món ăn bài thuốc. Trong thực tế, trên thị trường ta cũng được nghe và thấy rất nhiều về cái mà người ta hay gọi là thực phẩm chức năng, hay thực phẩm đa chức năng, thực ra công dụng cũng như món ăn bài thuốc; xong cách chế biến món ăn bài thuốc hơi cầu kỳ và phức tạp mà chỉ phục vụ được một số ít bệnh nhân. Tuy vậy việc chế biến món ăn bài thuốc là một trong những phương pháp hữu hiệu được nhiều người tin dùng.

Trên đây là mấy lời tâm sự chân thành của người đàn ông, đồng thời dưới góc nhìn của thầy thuốc, một sự đồng cảm vô tư xin quí vị chớ hiểu nhầm mục đích của bài viết.

                                                                                                  Tác giả bài viết
                                                                         Lương y: NGUYỄN HÙNG MINH


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >