Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow BÁNH MƯỚT XỨ NGHỆ
BÁNH MƯỚT XỨ NGHỆ
10/10/2006

 Có người nói: “Ăn uống là một loại văn hoá tận dụng môi trường tự nhiên”. Bởi thế với những điều kiện môi trường khác nhau, mỗi địa phương đều có tập quán ẩm thực và món ăn đặc trưng phù hợp với phong thổ của mình. Ví như nem chua Thanh Hoá, bánh Phu Thê Bắc Ninh, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh, Bánh Răng Bừa Sơn Tây.v.v… Đi một vòng Bắc-Trung-Nam, người đi tìm hương vị món ăn không thể nào kể xiết.

Điều bài viết này muốn đề cập tới có liên quan đến một phần nhỏ trong văn hoá ẩm thực xứ Nghệ, nơi ta bắt gặp một loạt các danh từ từ Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Ruốc Diễn Châu, Cà pháo Nghi Lộc, … Cho đến khoai Xéo, Rau lang, Hến sông Lam, Nghêu Phủ Diễn, Cá rô Bàu Nón, Cháo lươn Vinh, Bánh đúc Sa Nam, Rươi Hưng Nguyên, Chè xanh Thanh Thuỷ, Bánh gai Diễn Châu… Trong đó ai vào xứ Nghệ cũng không thể quên được một chút của Thanh Trì-Hà Nội phảng phất cái nét cương cường, khắc khổ của mảnh đất miền Trung nếu đã từng thưởng thức. Đó chính là Bánh Mướt.

Nói đến xứ Nghệ, một điều thống nhất đưa ra là: “…Nhất quyết không phải xứ sở của ăn chơi. Nhân dân anh hùng nơi đây lớn lên và sống cùng giặc giã, thiên tai, cho nên Bánh Mướt  ra đời mang đặc thù tính cách của người Nghệ Tĩnh: Ăn to nói lớn. Tuy gọi là một chút của Thanh Trì nhưng không nhỏ nhẻ, mỏng manh như cái heo may ngoài Bắc, mà hào hứng nóng hổi như những ban mai đón cá về.

Chỉ ở Nghệ Tĩnh mới có bánh Mướt, thật ra chỉ là một biến dạng của bánh cuốn miền Bắc, cũng làm từ gạo xay, tráng nhân hành thịt nhưng đây là những chiếc bánh to hơn, dày dặn, quả trông như “Cái đòn xóc”. Bình thường một người chỉ cần ăn năm cái bánh Mướt là no, người khoẻ như ông hộ pháp thì cũng chỉ một tá là đủ. Nước chấm thật là đơn giản: Mắm ngon vắt chanh, pha ớt. Nếu như ở Thanh Trì chúng ta thấy những chiếc bánh mỏng trắng tinh điểm xuyết hành khô chao lửa quá bán thơm lừng, khi ăn kèm theo vài rẻo chả quế cắt ngọt thì ở đây bánh Mướt được cắt từng khoanh  cho vào cùng thịt chó xào, ăn như bún xáo vậy. Ngoài ăn kèm thịt chó, bánh Mướt còn được chấm với xáo thịt cò băm viên với xả, ớt quấn lá gấc đun nước gừng hay ở chợ Dùng người ta ăn kèm với nước canh mọc thịt gà nấu đậm.

Có một lối ăn bánh Mướt kẹp với bánh Tráng ăn kèm với giò chả chấm nước mắm tỏi, ớt gọi là bánh Cặp hay bánh Đập Bẹt phổ biến ở Hà Tĩnh. Có hàng chục quán bánh Cặp ở thị xã nhỏ này mà nổi tiếng phải nói đến quán bà Quế được nhiều người lâu nay nhắc đến. Nghe nói bà chủ quán làm nghề từ lúc bảy, tám tuổi và nhờ nghề này mà bà đã xây được nhà cửa, nuôi con ăn học nên người. Nhiều người về đây công tác cũng đến quán nghèo của bà ăn bánh. Họ bảo, nhớ Hà Tĩnh, tức là nhớ quán bánh của bà.

Nhiều nơi ở xứ Nghệ làm bánh Mướt. Có thể thấy thức bánh này ở khắp các quán xá dọc đường cùng với bánh Đúc, Bún, kẹo Cu Đơ… Nhưng chỉ có một làng được nhiều người biết đến: Làng Quy Chính, gần chợ Sa Nam (Thị trấn Nam Đàn). Bà con ở đây gọi làng này là “Làng Bánh Mướt”.

“ Ai về chợ huyện Sa Nam,
Nhớ ăn bánh Mướt cô nàng đong đưa.
Ăn năm cái bánh no vừa,
Ăn mươi chiếc bánh no cả trưa lẫn chiều.
Ăn rồi anh ngỏ lời yêu,
Cô nàng cắp thúng mà theo anh về.
Anh ăn bánh Mướt chán ghê,
Cô nàng tủm tỉm: “Đây là nghề nhà tui”!

Ở làng Quy Chính, người ta cày cấy là chủ yếu, làm bánh Mướt là nghề phụ, ấy thế mà dân lại phát tài về nghề này. Tivi, Radio, Cày bừa, trâu bò cũng từ đây mà ra cả.

Nghề làm bánh Mướt có từ lâu lắm rồi, ấy vậy mà có thời làm công khoán, nghề bị bỏ bê, chỉ lác đác vài người già theo đuổi. Nghề khôi phục lại mới hơn mười năm nay. Làng xóm nhộn nhịp, bánh Mướt nghe nói trở thành đặc sản, có trong menu của khách sạn lớn. Thậm chí lên mạng tra vào Google còn thấy cả quảng cáo thiết bị tráng hấp bánh Mướt nữa. Nhu cầu cao, tiến độ cao,nghề làm bánh Mướt giờ đây trong không khí sôi sục không còn được xay bằng cối đá như xưa mà là xay máy, tuy không ngon bằng xay tay nhưng giải quyết được phần năng suất.

Càng thu nhập cao, bà con càng vui thú sản xuất. Khoảng gà gáy canh ba, cả làng đã đỏ điện, nơi nơi đãi gạo, rộn tiếng vỗ rá, tiếng máy xay…Gà gáy canh năm là đã có mẻ bánh mang ra chợ để từ mờ sáng, có hôm đến tận chiều cứ đều đều hai công đoạn: Tráng và bán bánh. Đấy là chưa nói có những hôm đột xuất tiệc tùng, hội họp, đám cưới hỏi, người tiêu dùng còn “Tá vấn” tận nhà, công việc lại thêm phần bận rộn.

 “Bánh Mướt Quy Chính đây!”...

...Tiếng rao đậm âm hưởng Thanh Nghệ báo hiệu bình minh đẹp lại về của một làng nghề.

  Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >