Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương bảy mươi hai và bảy mươi ba - LỤC NGUYÊN CHÍNH KỶ ĐẠI LUẬN THIÊN
Chương bảy mươi hai và bảy mươi ba - LỤC NGUYÊN CHÍNH KỶ ĐẠI LUẬN THIÊN
25/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Sáu sự hóa, sáu sự biến, thắng với phục, râm với trị cùng những vị cam, khổ, tân, hàm, toan, đạm có nên trước sau như thế nào, tôi đã biết rồi (1).

 Duy sự hóa của năm vận, hoặc thuận năm khí, hoặc trái thiên khí, hoặc thuận thiên khí mà trái địa khí, hoặc thuận địa khí mà trái thiên khí, hoặc tương đắc, hoặc không tương đắc... Tôi chưa hiểu được rõ ràng. Giờ muốn suốt "kỷ" của trời, thuận "lý" của đất, cho vận được hòa, cho hóa được điều, khiến trên dưới hợp đức, không cùng sai bực, trời đất thăng giáng, đều được thích nghi, năm vận tuyên hành, không trái với chính, điều với chính vị thuận nghịch thế nào? Xin cho biết rõ... (2)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Trước phải lập lấy "niên", để cho rõ là thuộc khí nào; cái số vận hành của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; cái hóa về sự lâm ngự của Hàn, Thử, Táo, Thấp, Phong, Hỏa... Như thế thời thiên đạo có thể thấy, dân khí có thể đều, âm, dương quyển thư, gần mà không nhầm. Vậy xin lần lượt nói rõ (3).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chính của Thái dương như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đó thuộc về những năm Thìn, Tuất... Thái dương Tư thiên, Thái âm Tại toàn. Phàm lại chính của những năm Thái dương Tư thiên tà hiếp do khí hóa vận hành Tư thiên (khí đến trước khi mùa chưa đến...), Thiên khí nghiêm túc (hanh hái), địa khí yên lặng, hàn khí tràn ngập thái hư, Dương khí không thi hành được chính lệnh. Thủy với Thổ hợp đức. Trên ứng với Thần tinh và Chấn tinh, về loài cốc (thóc), sắc vàng. Lệnh của nó là thư từ (thong thả), hàn chính phát triển nhiều, nơi trầm lây không dương diễm (hơi nóng của khí dương), nên Hỏa phát phải đợi thời, khí của Thiếu dương chủ trị về khoảng giữa, mưa nhuần không ngớt, rồi lại qua về Thái âm... Mây về Bắc cực, thấp hóa lan, nhuần thấm muôn vật, hàn khắp ở trên, sấm động ở dưới, khí của hàn thấp, cùng giao với nhau. Do đó, dân sinh bệnh hàn thấp, cơ nhục nhão nát, túc nuy không cử động được, đại tiện tiết tả và huyết giật (tràn) (4).

***

 "Sơ chi khí", khí đất thay đổi, khí sẽ đại ôn (ấm nhiều); loài cỏ sớm tốt; dân mắc dịch lệ, ôn bệnh phát sinh, mình nóng đầu nhức, nôn ọe, ngoài da mụn lở (5).

 "Nhị chi khí", đại lương (mát nhiều); loài cỏ gặp lạnh; Hỏa khí bị chèn ; dân phát bệnh khí uất, trung mãn. Khí hàn mới bắt đầu (rét) (6).

 "Tam chi khí", chính của thiên khí tán bố, hàn khí tràn lan; thường mưa nhiều. Dân mắc bệnh hàn mà lại Nhiệt trung (nóng ở bên trong), các ung thư phát sinh ở bộ phận dưới, Tâm nhiệt và sầu muộn (bực, nhọc, mê, mẩn), không kịp chữa sẽ chết (7).

 "Tứ chi khí", phong với thấp giao tranh, phong hóa làm rõ, bấy giờ mới trưởng, mới hóa, mới thành... Dân mắc bệnh đại nhiệt, ít khí, cơ nhục nhão nát, túc nuy, tiết tả hoặc trắng hoặc đỏ (VIII).

 "Ngũ chi khí", khí dương lại hóa; loài thảo mới trưởng, mới hóa, mới thành; dân bệnh mới được thư (dễ chịu) (9).

 "Chung chi khí", địa khí chính ngôi, thấp lệnh lưu hành; khí âm thái hư, khói bụi tràn đồng ruộng; dân mới bị rét lạnh (buồn bã), gió rét đã đến. Nếu trái thế, các loài có thai dựng sẽ không thành (10).

***

 Cho nên thuộc về năm Thái dương Tư thiên, nên dùng vị khổ để làm cho "táo", làm cho ôn (11).

 Phải "chiết" bỏ cái khí làm nên uất và giúp thêm cho cái hóa nguyên của nó (12). Đè nén cái vận khí, giúp đỡ cái "bất thắng", đừng để cho nó quá bạo mà sinh ra bệnh tật (13).

 Ăn tuế cốc để bảo toàn lấy chân nguyên, tránh hư tà để cho yên chính khí (14).

 Chước lượng cái khí nó đồng hay dị, hoặc dùng nhiều, hoặc dùng ít để chế lại. Nếu "cùng" hàn thấp thì dùng táo, nhiệt để hóa; nếu "khắc" hàn thấp thì dùng táo thấp để hóa. Vậy "cùng" thì dùng nhiều, "khác" thì dùng ít (15).

 Muốn dùng hàn, phải cách xa cái thời kỳ hàn; muốn dùng nhiệt phải cách xa cái thời kỳ nhiệt; muốn dùng ôn phải cách xa cái thời kỳ ôn; muốn dùng lương phải cách xa cái thời kỳ lương. Về sự ăn cũng cùng một phương pháp. Nếu giả thì làm trái lại, không đúng thế thì mắc bệnh, đó tức là phải giữ đúng "thời" (mùa) vậy (16).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chính của những năm thuộc Dương minh như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thuộc về những năm Mão, Dậu... Dương minh táo kim Tư thiên; Thiếu giác hóa vận; Thiếu âm quân hỏa Tại toàn.

 Phàm cái chính của những năm Dương minh Tư thiên, khí hóa, vận hành đều Hậu thiên (17). Thiên khí kính cấp, địa khí quang minh (18). Dương khí chuyên phát huy chính lệnh của mình, nên khí viêm thử tràn lan, mọi vật táo và kiên (19). Thuần phong mới trị phong táo ngang vận, tràn khí giao, nhiều dương, ít âm, mây theo mưa xuống, thấp hóa mới sinh, táo cực rồi nhuận (20). Về loài cốc, sắc nó trắng và đỏ (21).

 Kim với Hỏa hợp đức, trên ứng với sao Thái bạch, Huỳnh hoặc, chính của nó thao thiết; lệnh của nó cường; loài chập trùng mới hiện, nước chảy không thành băng. Dân sinh bệnh khái, ách tắc (nghẽn ở cuống họng); chứng hàn nhiệt bạo phát, run rẩy và long bế (tiểu tiện vít hoặc buốt) (22).

 "Thanh" trước rồi mới "kính", loại mao trùng sẽ chết; "nhiệt rồi mới bạo", loài giới trùng sẽ hại (23).

 Khi nó phát ra táo (vội vàng, gấp bách); sự thắng phục phát sinh, rất là rối loạn; cái khí thanh, nhiệt, đứng vững ở thời kỳ khí giao (24).

***

 "Sơ chi khí", khí đất mới đổi (25), âm mới ngừng, khí mới túc (nghiêm, lạnh), nước mới thành băng, hàn võ mới hóa. Sẽ phát ra bệnh nhiệt trướng, mà mặt phù thũng, hay ngủ, cầu (đau ở sống mũi), nục (huyết ra đằng mũi), xị (hắt hơi), khiếm (vươn vai), ẩu (ọe), tiểu tiện vàng đỏ, quá lắm thì lâm (do tiểu nhỏ giọt).

 "Nhị chi khí", khí dương mới tán bố, dân mới dễ chịu, mọi vật mới sinh ra và tốt, lệ khí mới đến, dân hay bạo tử (26).

 "Tam chi khí" thiên chính mới tán bố, lương khí (khí mát) mới lưu hành, táo với nhiệt giao hợp. Táo cực mà nhuận, dân sẽ mắc bệnh hàn, nhiệt (27).

 "Tứ chi khí", mưa lạnh xuống; bệnh bỗng dưng ngất đi, run rẩy, nói mê, ít khí, cuống họng khô, khát đòi uống,mà Tâm thống, ung thũng (mụn sưng), thương dương (lở láy), hàn ngược (sốt rét), cốt nuy và tiện huyết (27).

 "Ngũ chi khí", xuân lệnh lại lưu hành, loài thảo lại tốt tươi, dân khí hòa (28).

 "Chung chi khí", Dương khí tán bố, khí hậu lại ôn, chập trùng hiện ra, nước không thành băng, dân mới an khang. Nếu biết tai sảnh, sẽ là bệnh ôn (29).

***

 Cho nên, nên ăn tuế cốc cho yên chính khí, nên ăn "gián cốc" để trừ tà khí (30); nên dùng các vị hàm, vị khổ, vị tân; dùng các phép thanh, phép hãn, phép tán (31). Làm cho yên vận khí, đừng để thụ tà (32), nên chiết bỏ uất khí mà giúp cho hóa nguyên (33); dùng các khí hàn, nhiệt, khinh, trọng, mà chế hoặc ít, hoặc nhiều. Nếu đồng nhiệt thì nhiều thiên hóa, đồng thanh thì nhiều địa hóa (34).

 Dùng lương, nên xa thời kỳ lương; dùng nhiệt, nên xa thời kỳ nhiệt; dùng hàn, nên xa thời kỳ hàn; dùng ôn, nên xa thời kỳ ôn... Việc ăn, nên cùng một phương pháp. Có "giả" thời trái lại, đó là đạo chính. Nếu trái phương pháp đó, sẽ làm loạn kinh của trời đất, và "rối" cái "kỷ" của âm dương (35).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chính lệnh của Thiếu dương như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thuộc về những năm Dần, Thân... Thiếu dương tướng hỏa Tư thiên, Thái giác hóa vận, Quyết âm phong mộc Tại toàn.

 Phàm cái cái chính của những năm Thiếu dương Tư thiên khí hóa, vận hành Tiên thiên. Thiên khí chính (36), địa khí nhiều (rối loạn) (37),

 Phong sẽ nổi to, cây đổ, cát bay; khí viêm hỏa mới lưu hành, mưa sẽ thường xuống (38). Hỏa với Mộc cùng đức, trên ứng với Huỳnh Hoặc, Tuế tinh. Về loài cốc sẽ hiện ra sắc đan (đỏ), thương (xanh); chính của nó nghiêm, lệnh của nó nhiễu (39).

 Cho nên phong với nhiệt cùng tán bố, mây khói tung bay. Thái âm tràn lan, thường gặp khí lạnh, mưa gió dồn dập (40).

 Dân mắc bệnh hàn trung, ngoài mọc lở mụn, trong sinh tiết mãn. Cho nên Thánh nhân gặp những năm đó, hòa mà không tranh. Sự vãng phục phát sinh, dân mắc bệnh hàn nhiệt, ngược tiết, tủng (điếc), minh (mắt mờ), ẩu thổ, trên mặt đau và sưng, sắc biến (41).

***

 "Sơ chi khí", địa khí thay đổi, phong thắng nên mọi vật động giao; khí hàn rút đi, khí âm sẽ đến; cỏ cây sớm tốt; hàn tới không giảm bớt; bệnh ôn sẽ phát sinh; bệnh khí dồn lên trên, huyết tràn, mắt đỏ; khái nghịch, đầu nhức, huyết băng, hiếp mãn, phu tấu, mụn lở (42).

 "Nhị chi khí", Hỏa lại uất, bụi trắng tung bay, mây theo mưa xuống, phong không thắng được thấp... Dân được an khang. Nếu gặp tai sảnh, sẽ phát bệnh nhiệt uất lên trên, khái nghịch, ẩu thổ, ở trong hung, hiếp không lợi, đầu rức, mình nóng, mê man, mụn mủ (43).

 "Tam chi khí", khí của Tư thiên tán bố, khí viêm thử đến, khí của Thiếu dương lâm ở trên, mưa sẽ tràn. Dân mắc bệnh nhiệt trung, tủng, minh (mắt mờ), huyết ràn, mụn mủ, khái, ẩu, nục, khát, xị, khiếm, hầu tý, mắt đỏ, hay bạo tử (44).

 "Tứ chi khí", khí mát đến; khí viêm thử "gián hóa"; bạch lộ xuống, dân khí hòa bình; nếu phát bệnh sẽ phúc mãn, mình nặng (45).

 "Chung chi khí", địa khí chính, phong mới đến, muôn vật lại sinh trưởng, sương mù lưu hành; dân mắc bệnh "quan bế", bất cấm (đi tiểu luôn), Tâm thống; Dương khí không về Tàng nên phát khái (46).

 Nếu bớt vận khí, giúp cho cái "sở bất thắng"; phải phế bỏ uất, trước lấy hóa nguyên. Nhờ đó bạo vận không sinh ra, bệnh độc không phát sinh (47).

 Vậy năm đó, nên dùng các vị hàm, vị tân, vị toan; nên dùng phép thâm, tiếp tích, pháp phát (48).

 Nhân xem khí hàn hay ôn, để điều trị tật bệnh; nếu "đồng" phong nhiệt thì dùng nhiều hàn hóa, "dị" phong nhiệt thì dùng ít hàn hóa (49).

 Dùng nhiệt, nên xa thời kỳ nhiệt; dùng ôn, nên xa thời kỳ ôn; dùng hàn nên xa thời kỳ hàn; dùng lương nên xa thời kỳ lương; về việc ăn, cũng cùng một phương pháp, đó là đạo chính. Có giả, thì trái lại. Nếu làm trái phương pháp đó, sẽ là nguyên nhân gây nên bệnh (50).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chính lệnh của Thái âm thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thuộc về những năm Sửu, Vị (Mùi), Thái âm thấp thổ Tư thiên; Thiếu giác hỏa vận, Thái dương hàn thủy Tại toàn.

 Phàm chính khí của những năm Thái âm Tư thiên, khí hóa vận hành đều Hậu thiên (sau thiên thời mới đến, tức bất cập); Âm khí chuyên chính, Dương khí rút lui; gió lớn thường nổi; khí trời giáng xuống, khí đất bốc lên; đồng ruộng khói tỏa, bụi trắng tung bay; mây về phương Nam, thường tuôn mưa lạnh, mọi vật trưởng thành về mùa Trưởng hạ; do đó, dân mắc bệnh hàn thấp, phúc mãn, mình phù, thân thũng, bĩ nghịch, hàn quyết, câu cấp (tay chân co rút); thấp với hàn hợp đức, nên "vàng đen" tối tăm, lưu hành ở trong khí giao, trên ứng với Chấn tinh, Thần minh, chính nó là nghiêm ngặt, bệnh nó yên lặng. Về loài cốc, sắc kiềm huyền (vàng đen) (51).

 Cho nên: âm "ngừng" ở trên, hàn tích ở dưới; thủy hàn thắng hỏa, thì biến thành băng bộc (nước cứng, mưa đá), dương quang không thể phát triển, cái khí túc sái sẽ lưu hành (52).

 Cho nên: hữu dư nên ở nơi cao, bất cập nên ở nơi thấp; hữu dư nên sớm, bất cập nên muộn; đó là do địa lợi và khí hòa. Dân cũng không theo đó (53).

***

 "Sơ chi khí", địa khí thay đổi; hàn mới đi; xuân khí chính; phong mới đến, sinh khí tán bố, muôn vật tươi tốt, dân khí thỏa thuê, phong với thấp cùng sát với nhau, mưa tới muộn; dân mắc bệnh huyết giật, cân lạc, câu cường (co rụt, cứng đờ), quan tiết (các khớp xương) không lợi, mình nặng, cân nuy (rã rời) (54).

 "Nhị chi khí", đại Hỏa  mới thịnh, mọi vật nhờ sự sinh hóa; dân mới hòa. Chứng ôn lệ lưu hành nhiều, xa, gần đều mắc; khí thấp bốc lên, thường có mưa to (55).

 "Tam chi khí", thiện chính tán bố; khí thấp giáng xuống, khí đất bốc lên. Thường có mưa, khí lạnh nối theo. Cảm về khí hàn thấp đó, nên dân mắc bệnh mình nặng, hung phúc mãn, hoặc trướng (56).

 "Tứ chi khí", úy Hỏa mới tới, hơi nóng nung nấu, khí đất bốc lên, khí trời bĩ cách, sớm chiều gió lạnh, cỏ cây khói tỏa, thấp hóa không tan; do đó móc trắng đêm xa để thành Thu lệnh. Dân mắc bệnh tấu lý nhiệt, huyết bạo giật, ngược. Tâm phúc mãn, nhiệt trướng, quá lắm thì phù thũng (57).

 "Ngũ chi khí", cái bệnh âm thảm đã lưu hành, móc rơi, sương xuống, cỏ cây úa rụng; khí hàn buốt da, nên phải phòng bị cẩn mật, dân sẽ mắc bệnh ở ngoài cơ tấu (58).

 "Chung chi khí", khí hàn đại cử, khí thấp đại hóa, sương mới tích, âm mới ngưng, nước rắn thành băng, khí dương quang không thể phát triển. Vì cảm phải khí hàn, nên mắc bệnh quan tiết, yêu chùy thống (59).

 Phải chiết bỏ uất khí, mà lấy ở hóa nguyên, giúp cho tuế khí, đừng để tà thắng (60).

 Trong năm, nên dùng vị khổ để làm cho táo, làm cho ôn; quá lắm thì dùng phép cho nó "phát" ra, cho nó "tiết" ra. Nếu không phát, không tiết, thì thấp khí sẽ tràn ra ngoài, thịt thối da nứt, khiến thủy huyết đều chảy, phải giúp cho dương hòa, để ngăn khí hàn; theo khí dị đồng, để định khí nhiều hay ít; nếu đồng hàn thì dùng nhiệt hóa, đồng thấp thì dùng táo hóa; dị thời dùng ít, đồng thời dùng nhiều (61).

 Dùng lương nên xa thời kỳ lương, dùng hàn nên xa thời kỳ hàn, dùng ôn nên xa thời kỳ ôn, dùng nhiệt nên xa thời kỳ nhiệt. Về ăn uống cũng cùng một phương pháp. Có giả thời dùng trái lại, đó là chính đạo. Nếu trái phương pháp đó sẽ gây nên bệnh.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chính lệnh của Thiếu âm như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thuộc về những năm Tý, Ngọ, Thiếu âm quân hỏa Tư thiên, Thái giác hóa vận, Dương minh táo kim Tại toàn. Phàm chính lệnh của những năm Thiếu âm Tư thiên, khí hóa vận hành đều Tiên thiên, địa khí nghiêm túc, thiên khí quang minh, thử, nhiệt lại thêm táo, mây theo mưa xuống; khí thấp hóa sẽ lưu hành, mưa nhuần thường xuống. Kim với Hỏa hợp đức, trên ứng với Huỳnh hoặc, Thái bạch. Chính của nó sáng sủa, lệnh  của nó nghiêm thiết, về loài cốc, sắc đan bạch (đỏ và trắng). Thủy, Hỏa, hàn, nhiệt, cùng lẫn lộn ở trong khí giao (62).

 Nhiệt bệnh phát sinh ở bộ phận trên, thanh bệnh phát sinh ở bộ phận dưới; hàn nhiệt rối loạn, giao tranh ở bên trong. Dân phát bệnh suyễn, huyết giật, huyết tiết, cầu, xị, mục xích (mặt đỏ). Tý dương (toét ở đuôi mắt); hàn quyết vào Vị, Tâm thống, yêu thống, phúc đại (bụng to, cũng như trướng), ách Can (cuống họng khô), thũng thượng (sưng các bộ phận ở trên) (63).

***

  "Sơ chi khí", địa khí thay đổi; khí táo sắp hết, khí hàn bắt đầu; các loài chập trùng lại ẩn nấp; nước mới thành băng; sương lại xuống, gió mới thổi; Dương khí bị uất. Dân phải kín đáo, giữ gìn các quan tiết; yêu chùy (xương sống chỗ ngang thắt lưng) đau; khí viêm thử sắp tràn lan, trong ngoài mọc mụn lở (64).

 "Nhị chi khí", Dương khí tán bố, phong mới lưu hành, xuân khí mới chính, muôn vật đều tốt; hàn khí thỉnh thoảng đến, dân mới hòa; dân phát bệnh lâm; mắt mờ, mắt đỏ; khí uất lên trên mà nhiệt (65).

 "Tam chi khí", thiên chính tán bố, đại Hỏa lưu hành, mọi loài nảy nở; hàn khí thỉnh thoảng đến. Dân mắc bệnh khí quyết, Tâm thống; hàn nhiệt thay đổi; khái suyễn, mắt đỏ (66).

 "Tứ chi khí", khí phục thử đến, thường có mưa lớn; hàn nhiệt đều đến. Dân mắc bệnh hàn nhiệt, ách Can, hoàng đản, câu, nục và ẩm (67).

 "Ngũ chi khí", sợ Hỏa lâm, thử lại đến; dương mới hóa, muôn vật mới sinh, mới lớn và tốt; dân an khang, nếu có tai sảnh, sẽ là bệnh ôn (68).

 "Chung chi khí", táo bệnh lưu hành, dư Hỏa cách trở ở bên trong, thũng ở bộ phận trên; khái, suyễn, quá lắm thì huyết giật. Hàn khí phát sinh luôn, do đó sương mù tỏa. Bệnh phát sinh ở trong bì phu, tấu lý, hợp với dưới hiếp, liền xuống Thiếu phúc mà sinh hàn trung, do địa khí sắp đổi vậy (69).

 Phải nén bớt vận khí, giúp các tuế trắng, chiết bỏ cái uất phát, trước lấy ở hóa nguyên. Đừng để cho bạo quá mà sinh bệnh (70).

 Ăn tuế cốc để bảo toàn chân khí, ăn gián cốc để trừ bỏ hư tà.

 Trong năm, nên dùng vị hàm để làm cho nhuyễn và điều trị ở bộ phận trên; quá lắm thì dùng vị khổ làm cho phát ra, dùng vị toan để cho thâu lại, mà làm cho yên bộ phận dưới. Quá lắm thì dùng vị khổ để làm cho tiết (71).

 Nên chước lượng sự đồng, dị, mà dùng nhiều, ít. Nếu đồng thiên khí thì dùng hàn thanh để hóa, đồng địa khí thì dùng ôn nhiệt để hóa (72).

 Dùng nhiệt, nên xa thời kỳ nhiệt; dùng lương nên xa thời kỳ lương; dùng ôn nên xa thời kỳ ôn; dùng hàn nên xa thời kỳ hàn. Về việc ăn, cũng cùng một phương pháp. Có giả, thì trái lại; đó là đạo chính. Nếu trái phương pháp đó sẽ gây nên tật bệnh.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chính lệnh của Quyết âm như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thuộc về những năm Tỵ, Hợi, Quyết âm phong mộc Tư thiên, Thiếu giác hóa vận; Thiếu dương tướng hỏa Tại toàn. Phàm chính lệnh của những năm Quyết âm Tư thiên, khí hóa, vận hành đều đồng với Tư thiên (73).

 Thiên khí nhiễu, địa khí chính; phong sinh ở nơi cao xa, khí viêm nhiệt nối theo; mây theo mưa xuống, khí thấp hóa sẽ lưu hành; phong với Hỏa cùng đức, trên ứng với Tuế tinh, Huỳnh hoặc. Chính nó nhiễu, lệnh nó chóng, về loài cốc sắc thương (xanh xám) và đen, phong, táo, hỏa, nhiệt, thắng phục đổi thay; chập trùng bò ra, nước không thành băng. Nhiệt bệnh phát sinh ở dưới, phong bệnh phát sinh ở trên, phong táo thắng, phục lưu hành ở khoảng giữa (74).

***

 "Sơ chi khí", khí hàn mới túc (gay gắt, buốt), sát khí vừa mới đến, dân bệnh ở phía dưới, bên hữu Tại toàn của Thiếu dương (75).

 "Nhị chi khí", hàn không dứt, nước tuyết thành băng, sái khí mới phát triển, sương mới xuống, cỏ bị khô đét ở trên, đòi phen hàn võ, dương lại hóa ở dưới, dân mắc bệnh nhiệt ở trong (76).

 "Tam chi khí", thiên chính bố tán, thường có gió to, dân mắc bệnh thường chảy nước mắt, ù tai, chóng mặt (77).

 "Tứ chi khí", các khí phục, thử, thấp nhiệt cùng giao tranh ở phía trên bên tả Quyết âm Tư thiên; dân mắc bệnh hoàng đản và phù thũng (78).

 "Ngũ chi khí", khí táo thấp thay nhau thắng. Khí trầm âm tán bố, dao hàn cắt da, đòi phen mưa gió (79).

 "Chung chi khí", úy Hỏa tư lệnh, khí dương biến hóa, chập trùng bò ra, nước không thành băng, địa khí phát triển mạnh, loài cỏ nảy mọc, con người dễ chịu. Nếu gặp khí biến, sẽ mắc bệnh ôn lệ (80).

 Phải chiết bỏ bớt khí uất, giúp thêm hóa nguyên, đỡ cho vận khí, đừng để tà thắng (81).

 Trong năm, nên dùng vị tân để điều trị bộ phận trên, dùng vị hàm để điều trị bộ phận dưới, cái khí úy Hỏa đừng phạm càn vào nó (82).

 Dùng ôn, nên xa thời kỳ ôn, dùng nhiệt nên xa thời kỳ nhiệt, dùng lương nên xa thời kỳ lương, dùng hàn nên xa thời kỳ hàn. Về việc ăn, cũng cùng một phương pháp. Có giả, thì trái lại, đó là đạo chính. nếu trái phương pháp đó, sẽ gây tật bệnh.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phu Tử nói đã rất rõ, nhưng lấy gì để tỏ về sự tương ứng...?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Phàm sáu khí lúc đi có thứ tự, lúc ngừng có vị trí. Cho nên thường lấy tháng giêng, ngày sóc (mồng một), sáng rõ, nhận xem; biết được vị trí, thì sẽ biết được ở đâu rồi (83).

 Vận hữu dư, nó đến trước; vậ bất cập, nó đến sau. Đó là cái đạo của trời và là lẽ thường của khí. Nếu vận không hữu dư, không  bất túc, tức là chính tuế, vì nó đến đúng với mùa (84).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Cái khí thắng phục, đã có nhất định rồi. Còn cái sự tai sảnh xảy đến, lấy gì để dự biết được?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nếu không phải khí hóa, thì tức là tai sảnh (85).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Cái số của trời đất, chung thủy như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bắt đầu của số, khởi ở trên mà chung (cuối cùng) ở dưới. Nửa năm về trước, thiên khí làm chủ; nửa năm về sau, khí đất làm chủ. Trong lúc trên dưới giao hỗ, thì khí giao làm chủ. Như thế là hết về tuế kỷ. Cho nên nói rõ được vị trí thì "khí, nguyệt" có thể biết được (86).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Tôi coi việc đó, đến lúc thi hành, lại thấy có chỗ không hợp là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Khí dụng có nhiều ít, hóa hiệp có thịnh suy. Thịnh, suy, nhiều, ít... cũng đều chung một sự biến hóa của trời đất. Tỷ như: phong ôn, đồng hóa với mùa xuân; nhiệt huân, hôn hỏa, đồng hóa với mùa hạ; thắng với phục, đồng, táo, thanh, yên (khói), lộ (móc), đồng hóa với mùa thu; mây, mưa, tối, tăm, đồng hóa với mùa Trưởng hạ; khí lạnh, sương, tuyết, băng... đồng hóa với mùa đông. Đó là sự hóa do năm vận, sáu khí trời đất và sự thường về thịnh suy thay đổi... (87)

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Năm vận, vận hành mà đồng thiên hóa, gọi là Thiên phù, tôi đã biết rồi. Còn đồng địa hòa, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thái quá mà đồng thiên hóa, có ba vận; bất cập mà đồng thiên hóa cũng có ba vận. Thái hóa mà đồng địa hóa có ba vận; bất cập mà đồng địa hóa cũng có ba vận. Vậy tất cả cộng có hai mươi bốn năm. Tỷ như: những năm Giáp Thìn, Giáp Tuất, dưới Thái cung gia Thái âm; những năm Nhâm Dần, Nhâm Thân, dưới Thái giác gia Quyết âm; những năm Canh Tý, Canh Ngọ, dưới Thái dương gia Dương minh. Như thế là ba vận (đó là thái quá ba vận, hợp với sáu khí, cộng sáu năm). Những năm Quý Tỵ, Quý Hợi, dưới Thiếu chủy gia Thiếu dương; những năm Tân Sửu, Tân Vị (Mùi), dưới Thiếu vũ gia Thái dương; những năm Quý Mão, Quý Dậu, dưới Thiếu chủy gia Thiếu âm. Như thế là ba vận (đó là bất cập mà đồng địa hóa ba vận, hợp với sáu khí cộng sáu năm). Những năm Mậu Tý, Mậu Ngọ trên Thái chủy lâm Thiếu âm, những năm Mậu Dần, Mậu Thân trên Thái chủy lâm Thiếu dương; những năm Bính Thìn, Bính Tuất trên Thái vũ lâm Thái dương. Như thế là ba vận (đó là thái quá mà đồng thiên hóa ba vận, hợp sáu khí, cộng sáu năm). Những năm Đinh Tỵ, Đinh Hợi trên Thiếu giác lâm Quyết âm; những năm Ất Mão, Ất Dậu trên Thiếu dương lâm Dương minh; những năm Kỷ Sửu, Kỷ Vị (mùi) trên Thiếu cung lâm Thái âm... Như thế là ba vận (đó là bất cập mà đồng thiên hóa ba vận, hợp sáu khí, cộng sáu năm). Ngoài hai mươi bốn năm ấy, thì không có gia và lâm nữa (chỉ 24 năm ấy là có thượng, hạ, gia, lâm, còn 36 năm khác thì không có).

 Hoàng Đế hỏi:

 - "Gia" như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thái quá mà gia đồng với Thiên phù, bất cập mà gia đồng với Tuế hội (88).

 Hoàng Đế hỏi:

 - "Lâm": như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thái quá, bất cập, đều có Thiên phù, mà biến hành có nhiều ít; bệnh hình có nhẹ nặng; sống chết có sớm, muộn khác nhau (89).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phu Tử nó: Dùng hàn xa hàn, dùng nhiệt xa nhiệt, tôi chưa hiểu rõ. Xin cho biết thế nào là "xa"?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Dùng nhiệt đừng phạm nhiệt, dùng hàn đừng phạm hàn. Thuận thì hòa, trái thì bệnh. Vậy phải kính sợ mà lánh xa. Đó tức là "thời" khởi theo sáu Vị vậy (90).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Ôn, lương như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tư khí là nhiệt, dùng nhiệt đừng phạm; tư khí là hàn, dùng hàn đừng phạm; tư khí là lương dùng lương đừng phạm; tư khí là ôn, dùng ôn đừng phạm; giá khí đồng với chủ khí, đừng phạm; dị với chủ khí thời có thể tiểu phạm (hơi phạm). Đó là "tứ úy" (bốn đều sợ), phải xét cho kỹ (91).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phạm thì như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thiên khí trái thời (mùa) thì có thể theo thời; nếu thắng được chủ, thì có thể phạm. Lấy quân bình làm giới hạn, mà không thể quá. Đó là bảo tà khí "phản thắng" (92).

 Cho nên nói: Đừng mất thiên tín; đừng trái khí nghi; đừng đỡ cái thắng, đừng giúp cái phục. Thế là chính trị (93).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Năm vận khí lưu hành, cái kỷ của chủ tuế, có thường số không?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tôi xin theo thứ tự, nói dưới đây: (94)

 Những năm Giáp Tý, Giáp Ngọ. Ở trên Thiếu âm quân hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái cung Thổ vận; ở dưới Dương minh táo kim Tại toàn. Nhiệt hóa hai (95), võ hóa năm (96), táo hóa bốn (97), đó là những ngày chính hóa (98). Về hóa, ở trên thời hàm hàn (99); ở giữa thời khổ nhiệt (100), ở dưới thời toan nhiệt (101). Đó là những thích nghi về dược và thực (102).

***

 Những năm Ất Sửu, Ất Vị (Mùi). Ở trên, Thái âm thấp thổ Tư thiên; ở giữa, Thiếu dương Kim vận; ở dưới, Thái dương hàn thủy Tại toàn. Nhiệt hóa, hàn hóa, thắng phục đồng (nhiệt thắng, hàn phục). Đó là tà khí hóa nhật (103). Thấp hóa năm (104), thanh hóa bốn (105), hàn hóa sáu (106), đó tức là chính hóa (107). Về hóa, ở trên thì khổ, nhiệt (108); ở giữa thì toàn hòa (109); ở dưới thì cam nhiệt (110). Đó là thích nghi của dược phẩm và thực vị (111).

***

 Những năm Bính Dần, Bính Thân. Ở trên, Thiếu dương tướng hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái vũ thủy vận; ở dưới, Quyết âm phong mộc Tại toàn.

 Hỏa hóa hai (112), hàn hóa sáu (113), phong hóa ba (114), đó tức là chính hóa nhật (115). Về hóa, ở trên thì hàm, hàn (116); ở giữa thì hàm, ôn (117); ở dưới thì tân, ôn (118). Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm (119).

 Những năm Đinh Mão, Đinh Dậu. Ở trên, dương minh táo kim Tư thiên; ở giữa, Thiếu giác mộc vận; ở dưới, Thiếu âm quân hỏa Tại toàn.

 Thanh hóa, nhiệt hóa, thắng với phục động. Đó là tà hóa nhật (120). Táo hóa sáu (121), phong hóa ba (122), nhiệt hóa bảy (123), đó tức là chính hóa nhật (124). Về hóa, ở trên thì khổ và hơi ôn (125); ở giữa thì tân và hòa (126); ở dưới thì hàm và hàn (126). Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Mậu Thìn, Mậu Tuất. Ở trên, Thái dương hàn thủy Tư thiên; ở giữa, Thái chủy hỏa vận; ở dưới, Thái âm thấp thổ Tại toàn.

 Hàn hóa sáu (127), nhiệt hóa bảy (128), thấp hóa năm (129), đó tức là chính hóa nhật (130). Về hóa, ở trên thì khổ, ôn; ở giữa thì cam và hòa; ở dưới thì cam và ôn. Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Kỷ Tỵ, Kỷ Hợi. Ở trên , Quyết âm phong mộc Tư thiên; ở giữa, thiếu cung Thổ vận; ở dưới, Thiếu dương tướng hỏa Tại toàn.

 Phong hóa, thanh hóa, thắng và phục đồng, đó tức là khí hóa nhật (131). Phong hóa ba (132), thấp hóa năm (133), hỏa hóa bảy (134). Đó tức là chính hóa nhật. Về hóa, ở trên thì tân và lương; ở giữa thì cam và hòa; ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Canh Ngọ, Canh Tý. Ở trên, Thiếu âm quân hỏa tư thiên; ở giữa Thái thương kim vận; ở dưới, Dương minh táo kim Tại toàn. Nhiệt hóa bảy (135), thanh hóa chín (136), táo hóa chín (137), đó là chính hóa nhật. Về hóa, ở trên thì hàm và hàn; ở giữa thì tân và ôn; ở dưới thì toan và ôn. Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Tân Vị, Tân Sửu. Ở trên, Thái âm thấp thổ Tư thiên; ở giữa Thiếu vũ thủy vận; ở dưới Thái dương hàn thủy Tại toàn. Võ hóa, phong hóa, thắng và phục, đồng, đó tức  tà khí hóa nhật (138). Võ hóa năm (139), hàn hóa một (140), đó tức là chính hóa nhật. Về hóa, ở trên thì khổ và nhiệt; ở giữa thì khổ và hòa; ở dưới thì khổ và nhiệt. Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Nhâm Thân, Nhâm dần. Ở trên, Thiếu dương tướng hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái giác Mộc vận; ở dưới, Quyết âm phong mộc Tại toàn. Hỏa hóa hai (141), phong hóa tám (142), đó tức là chính hóa nhật. Về hóa, ở trên là hàm hàn; ở giữa là toan và hòa; ở dưới tân và lương. Đó là thích nghi của thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Quý Dậu, Quý Mão. Ở trên, Dương minh táo kim Tư thiên; ở giữa, Thiếu chủy Hỏa vận; ở dưới, Thiếu âm quân Hỏa Tại toàn. Hàn hóa, võ hóa, thắng và phục, đồng, đó tức là tà khí hóa nhật. Táo hóa chín (143), nhiệt hóa hai (144), đó tức là chính hóa nhật. Về hóa, ở trên thì tiểu ôn; ở giữa thì hàm và ôn; ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Giáp Tuất, Giáp Thìn. Ở trên, Thái dương hàn thủy Tư thiên; ở giữa, Thái cung chủ vận; ở dưới, Thái âm thấp thổ Tại toàn. Hàn hóa sáu (143), thấp hóa năm (143), đó tức là chính hóa nhật. Về hóa, ở trên thì khổ và nhiệt; ở giữa thời khổ và ôn; ở dưới cũng khổ và ôn. Đó là thích nghi và thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Ất Hợi, Ất Tỵ. Ở trên, Quyết âm phong mộc Tư thiên; ở giữa, Thiếu dương Kim vận; ở dưới, Thiếu dương tướng Hỏa Tại toàn. Nhiệt hóa, hàn hóa, thắng và phục, đồng, đó là khí hóa nhật. Phong hóa tám (145), thanh hóa bốn (146), hỏa hóa hai (147), đó tức là cái thời độ về chính hóa. Về hóa, ở trên thời tân và lương; ở giữa thời toan và hòa; ở dưới thời hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Bính Tý, Bính Ngọ. Ở trên, Thiếu âm quân hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái vũ thủy vận; ở dưới, Dương minh táo Kim Tại toàn. Nhiệt hóa hai (148), hàn hóa sáu (149), thanh hóa bốn (150), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì hàm hàn; ở giữa thì hàm và nhiệt; ở dưới thì toan và ôn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Đinh Sửu, Đinh Vị (Mùi). Ở trên, Thái âm thấp thổ Tư thiên; ở giữa, Thái giác Mộc vận; ở dưới, Thái dương hàn thủy Tại toàn. Thanh hóa, nhiệt hóa, thắng và phục, đồng (151), đó tức là hóa độ của tà khí. Võ hóa năm (152), phong hóa ba (153), hàn hóa một (154), đó tức là chính hóa độ. 

 Về hóa, ở trên thì khổ và ôn; ở giữa thì tân và ôn; ở dưới thì cam và nhiệt. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Mậu Dần, Mậu Thân. Ở trên, Thiếu dương tướng hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái chủy Hỏa vận; ở dưới, Quyết âm phong mộc Tại toàn. 

 Hỏa hóa bảy (155), phong hóa ba (156), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì hàm hàn; ở giữa thì cam và hòa; ở dưới thì tân và lương.

***

 Những năm Kỷ Mão, Kỷ Dậu. Ở trên, Dương minh táo kim Tư thiên; ở giữa, Thiếu cung Thổ vận; ở dưới, Thiếu âm quân hỏa Tại toàn. 

 Phong hóa, thanh hóa, thắng và phục, đồng (157), đó là hóa độ của tà khí. Thanh hóa chín (1157), võ hóa năm (158), nhiệt hóa bảy (159), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ và tiểu ôn; ở giữa thì cam và hòa; ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Canh Thìn, Canh Tuất. Ở trên, Thái dương hàn thủy Tư thiên; ở giữa, Thái dương Kim vận; ở dưới, Thái âm thấp thổ Tại toàn. 

 Hàn hóa một (160), thanh hóa chín (161), võ hóa năm (162), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ và nhiệt; ở giữa thì tân và ôn, ở dưới thì cam và nhiệt. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Tân Tỵ, Tân Hợi. Ở trên, Quyết âm phong mộc Tư thiên; ở giữa, Thiếu vũ thủy vận; ở dưới, Thiếu dương tướng hỏa Tại toàn. 

 Võ hóa, phong hóa thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí. Phong hóa ba (164), hàn hóa một (165), hỏa hóa bảy (166), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì tân và lương; ở giữa thì khổ và hòa, ở dưới thì hàm và hàn.

***

 Những năm Nhâm Ngọ, Nhâm Tý. Ở trên, Thiếu âm quân hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái giác Mộc vận; ở dưới, Dương minh táo kim Tại toàn. 

 Nhiệt hóa hai (166), phong hóa tám (167), thanh hóa bốn (168), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì hàm và hàn; ở giữa thì toan và lương, ở dưới thì toan và ôn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Quý Vị (Mùi), Quý Sửu. Ở trên, Thái âm thấp thổ Tư thiên; ở giữa, Thiếu chủy hỏa vận; ở dưới, Thái dương hàn thủy Tại toàn. 

 Hàn hóa, võ hóa, thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí. Võ hóa năm (169), hỏa hóa hai (170), hàn hóa một (171), đó là hóa độ của chính khí. Về hóa, ở trên thì khổ và ôn; ở giữa thì hàm và ôn, ở dưới thì cam và nhiệt. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Giáp Thân, Giáp Dần. Ở trên, Thiếu dương tướng hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái cung Thổ vận; ở dưới, Quyết âm phong mộc Tại toàn. 

 Hỏa hóa hai (172), võ hóa năm (173), phong hóa tám (174), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì hàm và hàn; ở giữa thì hàm và hòa, ở dưới thì tân và lương. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Ất Dậu và Ất Mão. Ở trên, Dương minh táo kim Tư thiên; ở giữa, Thiếu dương Kim vận; ở dưới, Thiếu âm quân hỏa Tại toàn. 

 Nhiệt hóa, hàn hóa, thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí. Táo hóa bốn (175), thanh hóa bốn (176), nhiệt hóa hai (177), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ và tiểu ôn; ở giữa thì khổ và hòa, ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Bính Tuất, Bính Thìn. Ở trên, Thái dương hàn thủy Tư thiên; ở giữa, Thái vũ thủy vận; ở dưới, Thái âm thấp thổ Tại toàn. 

 Hàn hóa sáu (178), võ hóa năm (179), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ và nhiệt; ở giữa thì hàm và ôn, ở dưới thì cam và nhiệt. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Đinh Tỵ, Đinh Hợi. Ở trên, Quyết âm phong mộc Tư thiên; ở giữa, Thiếu giác Mộc vận; ở dưới, Thiếu dương tướng hỏa Tại toàn. 

 Thanh hóa, nhiệt hóa, thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí. Phong hóa ba (180), hàn hóa bảy (181), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì tân và lương; ở giữa thì tân và hòa, ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Mậu Tý, Mậu Ngọ. Ở trên, Thiếu âm quân hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái chủy Hỏa vận; ở dưới, Dương minh táo kim Tại toàn. 

 Nhiệt hóa bảy (182), thanh hóa chín (183), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì hàm và hàn; ở giữa thì cam và hàn, ở dưới thì toan và ôn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Kỷ Sửu, Kỷ Vị (Mùi). Ở trên, Thái âm thấp thổ Tư thiên; ở giữa, Thiếu cung Thổ vận; ở dưới, Thái dương hàn thủy Tại toàn. 

 Phong hóa, thanh hóa, thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí. Võ hóa năm (184), hàn hóa một (185), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ nhiệt; ở giữa thì cam hòa, ở dưới thì cam và nhiệt. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Canh Dần, Canh Thân. Ở trên, Thiếu dương tướng hỏa Tư thiên; ở giữa, Thái dương Kim vận; ở dưới, Quyết âm phong Mộc Tại toàn. 

 Hỏa hóa bảy (186), thanh hóa chín (187), phong hóa ba (188), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì hàm và hàn; ở giữa thì tân và ôn, ở dưới thì tân và lương. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Tân Mão, Tân Dậu. Ở trên, Dương minh táo kim Tư thiên; ở giữa, Thiếu vũ Thủy vận; ở dưới, Thiếu âm quân hỏa Tại toàn. 

 Võ hóa, phong hóa, thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí, thanh hóa chín (189), nhiệt hóa bẩy (190), hàn hóa một (191), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ và tiểu ôn; ở giữa thì khổ và hòa, ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Nhâm Thìn, Nhâm Tuất. Ở trên, Thái dương hàn thủy Tư thiên; ở giữa, Thái giác Mộc vận; ở dưới, Thái âm thấp thổ Tại toàn. 

 Hàn hóa sáu (192), phong hóa tám (193), võ hóa năm (194), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên thì khổ và ôn; ở giữa thì toan và hòa, ở dưới thì cam và ôn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Những năm Quý Tỵ, Quý Hợi. Ở trên, Quyết âm phong mộc Tư thiên; ở giữa, Thái giác Hỏa vận; ở dưới, Thiếu dương tướng Hỏa Tại toàn. 

 Hàn hóa, võ hóa, thắng và phục, đồng, đó là hóa độ của tà khí. Phong hóa tám (195), hỏa hóa hai (196), đó là chính hóa độ. Về hóa, ở trên tân và lương; ở giữa hàm và hòa, ở dưới thì hàm và hàn. Đó là thích nghi về thực vị và dược phẩm.

***

 Ở trên là những "kỷ" có định kỳ, thắng và phục, chính và hóa, đều có thương số, phải xét cho kỹ. Cho nên, nếu biết được cốt yếu, sẽ lưu tán không biết đến đâu là cùng (197).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Khí của năm vận, có báo phục tuế khí chăng? (198)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Uất cực sẽ phát, đợi thời mà sinh... (199)

 - Xin cho biết rõ như thế nào?

 - Cái khí năm thường (tức là vận), vì có thái quá, bất cập, nên sự phát ra có khác. Thái quá thì bạo, bất cập thì từ. Bạo thì bệnh nặng, từ thì bệnh đứng (vững không nặng lắm) (200).

 - Thái quá với bất cập, số nó như thế nào?

 - Thái quá thì theo số "thành", bất cập thì theo số "sinh". Thổ thì thường là "sinh" (201).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phát ra như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thổ uất phát ra, sấm vang hang núi, khí giao dồn dập; bụi tối vàng đen, hóa thành khí trắng, tràn khắp cao sâu; gió thổi cát bay, nước sóng đầy ràn... mưa tuôn tầm tã... Thời kỳ đó, mới sinh, mới hóa, mới trưởng, mới thành. Sẽ phát các chứng bệnh: Tâm phúc trướng (bụng to vượt), trường minh (sôi bụng), đại tiện luôn (tức kiết lỵ), quá lắm thì Tâm thống, đầy sưng ở hiếp; ẩu, thổ, hoắc loạn; đình ẩm (nước nghẽn ở hung ức), chú hạ (tiết tả), chân sưng, mình nặng. Mây theo mưa xuống, giáng ủng chiêu dương (giáng che phủ ánh mặt trời buổi sớm); núi trầm khói tỏa. Khi mới phát do ở bốn khí. Mây vắt ngang trời, lúc không lúc có... Đó là tiên triệu (202).

***

 Kim uất phát ra, trời đất trong sáng, gió mát, khí lạnh; hơi may hiu hắt, cỏ cây khói tỏa; táo khí lưu hành; sương sa móc xuống, sái khí phát sinh. Ở con người sinh ra các bệnh: khái nghịch, Tâm, hiếp mãn, dẫn xuống Thiếu phúc, hay bạo thống không thể trở mình; ách Can, sắc mặt sạm xĩnh. Đất nứt sương nhiều. Về khí "ngũ", hễ thấy: đêm rơi móc lạnh, tiếng gió vi vu, đó là tiên triệu (203).

***

  Thủy uất phát ra, Dương khí rút lui, Âm khí trỗi dậy; gió bấc như gào, mặt sông nước đóng; từng không mù mịt, mặt đất tiêu điều...

 Con người ở trong thời kỳ đó, sẽ phát sinh các chứng bệnh: hàn khác (khí hàn phạm vào), Tâm thống, yêu chùy thống, quan tiết không lợi, co duỗi khó khăn, hay quyết nghịch, bĩ kiên (bí đại tiểu và bụng cứng), phúc mãn... Khí đó phát ra ở nơi trước sau "hai hỏa". Hễ thấy, từng không đen tối, sắc người đen, vàng... đó là tiên triệu (204).

***

 Mộc uất phát ra, thái hư mù mịt, mây khói tung bay, gió thổi ào ào, cây rung, nhà chuyển... Do biến của Mộc, khiến con người mắc bệnh: Vị quản thống, đau ngang hai hiếp, cách, yết không thông, uống ăn khó khăn; quá lắm thì tai ù mắt hoa, trông ra không tỏ, thường khi chết ngất... Khí nó không nhất định, đường dài cỏ lướt, cây cao bóng râm, núi cao thông ngậm, rừng sâu hổ gầm... đó là tiên triệu (205).

***

 Hỏa uất phát ra, từng không u ám, che lấp vừng ô; viêm hỏa lưu hành, đại thử thoảng đến... Thấp hóa về sau, cho nên dân mắc bệnh thiểu khí, thương, dương, ung, thũng, hiếp, phúc, hung, bối, mặt, mắt, tứ chi... đều sưng trướng; lại thêm ẩu nghịch, khiết, túng; cố thống, chú hạ (tả), ôn ngược; phúc trung, bạo thống, huyết giật (huyết tràn, như thổ huyết hoặc tiện huyết v.v...), lưu chú (trong mình sưng lên từng quầng); tinh, dịch ít, mắt đỏ. Tâm nhiệt, quá lắm thì mâu muộn, úc nùng (trong lòng buồn bực, rộn rực) hay bạo tử; về khí cuối biến ra đại ôn, chân lông đẫm ướt. Khí đó "tứ động". Phục thì tĩnh. Dương cực quay lại âm, thấp bệnh sẽ hóa. Núi sông băng tuyết, trầm sâu hơn âm, đó là tiên triệu (206).

 Có cái ứng của uất, rồi mới báo... Phải nhận ở lúc cực, rồi mới có phát. Mộc phát, không có thời kỳ nhất định, vì là Thủy theo Hỏa vậy (207).

 Kỹ xét ở thời, bệnh có thể dự biết. Nếu lỡ với thời trái với tuế, năm khí không lưu hành, khiến cho cái chính lệnh sinh, hóa, thâu, tàng cũng không được đúng với lẽ thường (208).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thủy phát mà bộc, tuyết (mưa đá và tuyết); Thổ phát mà phiêu, sậu (vỡ, lở); Mộc phát mà hủy, chiết (đổ, gẫy); Kim phát mà thanh minh (trong sáng); Hỏa phát mà huân, muội (nóng bức, tối tăm) ... Khí nào gây nên thế?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Khí có nhiều, ít, phát có vi "nhỏ", thậm "quá", "vi" là đúng với khí, "thậm" là kiêm cả dưới. Kiêm ở dưới là do nhân ở khí mà biết (209).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Năm khí phát ra, không đúng với vị, là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Vì chính lệnh có chỗ sai suyễn...

 - Chỗ sai suyễn đó, có nhất định không?

 - Nếu chậm lại sau, đều ba mươi độ có lẻ... (210)

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Khí đến mà hoặc trước hoặc sau là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Vận thái quá thì đến trước, nếu bất cập thì đến sau, đó là thường hậu.

 - Đúng thời mà đến, như thế nào?

 - Không thái quá, không bất cập, là đến đúng với thời (mùa), trái vậy sẽ là tai sảnh.

 - Khí, có khi không phải thời mà hóa, là thế nào?

 - Thái quá ấy đúng với thời, bất cập ấy theo với "kỷ thắng".

 - Khí của bốn mùa, lúc đến có sớm có muộn, có cao có thấp, có tả có hữu... Hậu nó như thế nào?

 - Hành có nghịch thuận, đến có chậm chóng, cho nên thái quá thì hóa Tiên thiên, bất cập thì hóa Hậu thiên... (211)

 - Sự lưu hành như thế nào?

 - Xuân khí đi về phương Tây, hạ khí đi về phương Bắc, thu khí đi về phương Đông, đông khí đi về phương Nam... Cho nên, xuân khí, bắt đầu từ dưới, thu khí bắt đầu từ trên, hạ khí bắt đầu từ ở giữa, đông khí bắt đầu từ ở ngọn (tiêu). Xuân khí bắt đầu đi từ bên tả, thu khí bắt đầu đi từ bên hữu, đông khí bắt đầu đi từ phía sau, hạ khí bắt đầu đi từ phía trước... Đó là sự thường về chính hóa của bốn mùa. Cho nên ở nơi chí (rất) cao, đông khí thường có luôn, ở nơi chí hạ, xuân khí thường có luôn... Phải suy xét cho tinh tường mới được (212).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sự ứng hiện của năm vận, sáu khí... và sự chính của lục hóa, các kỷ của lục biến... như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Sáu khí có chính kỷ, có hóa, có biến, có thắng, có phục, có dụng, có bệnh, "hậu" đều không giống nhau, Đế muốn biết về đường nào?

 Hoàng Đế nói: 

 - Xin Phu Tử cho biết cả...

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Phàm, khí khi dẫn đến: Quyết âm đến là hòa bình, Thiếu âm đến là huyên hòa (ấm áp), Thái âm đến là khảm nhục (nóng bức), Thiếu dương đến là viêm thử, Dương minh đến là thanh kính (mát mẻ, cứng cáp, tứ là Kim khí), Thái dương đến là hàn phần (rét lạnh). Đó là sự thường của thời hóa (213).

***

 Quyết âm đến là nơi Phong phủ, là môn khải (mở mang); Thiếu âm đến là nơi hỏa Phủ, là thư vinh (thư thái, tươi tốt); Thái âm đến là nơi võ Phủ, là viên doanh (đầy đủ); Thiếu âm đến là nơi nhiệt Phủ, là hành xuất (đường lối của khí dẫn ra); Dương minh đến là nơi tư sái Phủ, Canh thương (thay đổi, cỏ cây tới mùa thu thì sắc xanh thay đổi); Thái dương đến là nơi hàn Phủ, là quy tàng... Đó là đường lối thường của sự tư hóa.

 Quyết âm đến nơi là sinh nở, là gió lay; Thiếu âm đến nơi là tươi tốt, là hình hiện; Thái âm đến nơi là hóa, là mây mưa, Thiếu âm đến nơi là trưởng dưỡng, là tốt tươi; Dương minh đến nơi là thâu liễm, là sương móc; Thái dương đến nơi là quy tàng, là kín đáo.

 Quyết âm đến nơi, trước là phong sinh, sau là túc sái; Thiếu âm đến nơi, trước là nhiệt sinh, sau là âm hàn; Thiếu âm đến nơi, trước là thấp sinh, sau là chú võ (mưa gió xuống); Thiếu dương đến nơi, trước là hỏa sinh, sau là oi bức; Dương minh đến nơi, trước là táo sinh, sau là thanh lương; Thái dương đến nơi, trước là hàn sinh, sau là ôn hòa... Đó là sự thường của đức hóa...

 Quyết âm đến nơi là mao hóa (hóa sinh loài có lông); Thiếu âm đến nơi là vũ hóa (hóa sinh loài có cánh); Thái âm đến nơi là quả hóa (hóa sinh loài thú và người); Thiếu dương đến nơi là vũ hóa (cũng loài có cánh); Dương minh đến nơi giới hóa (hóa sinh loài có vỏ như trai ốc); Thái dương đến nơi là lân hóa (loài có vẩy như cá...). Đó là sự thường của đức hóa.

 Quyết âm đến nơi là sinh hóa (sinh sôi nảy nở); Thiếu âm đến nơi là vinh hóa (tốt tươi); Thái âm đến nơi là nhu hóa (hóa ra khí ẩm ướt); Thiếu dương đến nơi là mậu hóa (rậm tốt); Dương minh đến nơi là kiên hóa (cứng bền); Thái dương đến nơi là tàng hóa... Đó là sự thường của truyền bố chính lệnh.

 Quyết âm đến nơi là phiêu lộ, là mát nhiều; Thiếu âm đến nơi là đại huyên, hàn (rất ấm và rét); Thái âm đến nơi là sấm sét, mưa to, gió lớn; Thiếu dương đến nơi là gió to, bốc cháy đọng sương... Dương minh đến nơi là cỏ cây lá rụng, hoặc ôn; Thái dương đến nơi là hàn, tuyết, băng, bộc, bạch ai (bụi trắng). Đó là trạng thái thường của khí biến (214).

***

 Quyết âm đến nơi là nhiễu động, là nghinh, tùy (đi lại, hình dung cơn gió); Thiếu âm đến nơi là cao minh diễm (ngọn lửa sáng và cao), là sưng thũng; Thái âm đến nơi là trầm âm, là bạch ai (bụi trắng), là hối, huyến (tối tăm, ấm áp); Thiếu âm đến nơi là quang hiển (sáng, tỏ), là đồng vân (mây do nước bốc lên), là huân (ấm áp); Dương minh đến nơi là yên ai (khói bụi), là sương móc, là kính thiết (hanh hái), là thê minh (hiu hắt, quạnh quẽ); Thái dương đến nơi là cương cố (cứng bền), là kiên mang (giá lạnh...). Đó là lệnh thường của sáu khí, thi hành ra bốn mùa.

 Quyết âm đến nơi là lý cấp; Thiếu âm đến nơi là dương chẩn, thân nhiệt; Thái âm đến nơi là tích ẩm, là bĩ cách; Thiếu dương đến nơi là xị, ẩu, là thương dương (lở láy); Dương minh đến nơi là phù hư; Thái dương đến nơi là co duỗi không lợi. Đó là những bệnh thường về mùa xuân (215).

***

 Quyết âm đến nơi, gây nên chứng chỉ thống (đau ở hung và hiếp); Thiếu âm đến nơi, gây nên chứng kinh, ố hàn, run rẩy, nói mê (sảng); Thái âm đến nơi gây nên chứng súc mãn (như xúc huyết và đầy); Thiếu dương đến nơi, gây nên chứng kinh táo, mâu, muội, bạo bệnh; Dương minh đến nơi, gây nên chứng cầu (đau ở sống mũi), và các chứng đau ở xương khu, đầu gối, đùi, xương ống chân; Thái dương đến nơi, gây nên chứng yêu thống. Đó là bệnh thường của mùa hạ.

***

 Quyết âm đến nơi, gây nên chứng liễu lệ (bị lệch bóng đái không tiểu tiện được); Thiếu âm đến nơi, gây nên chứng hay thương, nói càn, huyết ra đằng mũi hoặc ở mắt; Thái âm đến nơi gây nên chứng trung mãn, hoắc loạn, thổ, tả; Thiếu dương đến nơi, gây nên chứng hầu tý, nhĩ minh (ù tai), ẩu thổ; Dương minh đến nơi, gây nên chứng hiếp thống, thuân yết (rộp da); Thái dương đến nơi, gây nên chứng tẩm hãn (ngủ ra mồ hôi) và kinh. Đó là bệnh thường của mùa thu.

***

 Quyết âm đến nơi, gây nên chứng hiếp thống, ẩu và tiết; Thiếu âm đến nơi, gây nên chứng nói nhiều và hay cười; Thái âm đến nơi, gây nên chứng phù thũng; Thiếu dương đến nơi, gây nên chứng bạo chú (tả mạnh), khiết túng và bạo tử; Dương minh đến nơi, gây nên chứng cừu, xị; Thái dương đến nơi, gây chứng lưu tiết, tiểu tiện bất cấm... Đó là những chứng thường về mùa đông (216).

***

 Phàm 12 biến bệnh trên đây, đều là lấy đức để báo đức, lấy hóa để báo hóa, lấy chính để báo chính, lấy lệnh để báo lệnh... Khí cao thời cao, khí thấp thời thấp, khí sau thời sau, khí trước thời trước, khí trong thời trong, khí ngoài thời ngoài... Đều có thường vị.

 Cho nên phong thắng thời động, hỏa thắng thời thũng, táo thắng thời can (khô), hàn thắng thời phù, thấp thắng thời nhu tiết... Quá lắm thời Thủy bế, phù thũng; tùy khí ở đâu, sẽ biết biến ở đấy.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết công dụng ra làm sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Công dụng của khí, đều theo về "bất thắng" mà làm hóa. Cho nên Thái âm võ hóa, truyền sang Thái dương; Thái dương hàn hóa, truyền sang Thiếu âm; Thiếu âm nhiệt hóa, truyền sang Dương minh; Dương minh táo hóa, truyền sang Quyết âm; Quyết âm phong hóa, truyền sang Thái âm... Đều nhân nó ở đâu để mà nghiệm xét (217).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Tự đúng được bản vị, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Giữ đúng được bản vị, đó là thường hóa.

 - Xin cho biết ở đâu?

 - Xét vị của nó về tháng nào, phương nào, thời có thể biết được (218).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Khí của sáu vị, doanh, hư như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đó là do thái (quá), thiếu (tức bất cập), khác nhau. Khí "thái" đến, thong thả mà là thường, khí "thiếu" đến, cấp tốc mà là vong (mất, chết).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Khí của trời đất, doanh, hư như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thiên khí bất túc, địa khí sẽ theo, địa khí bất túc, thiên khí sẽ theo. Vận ở khoảng giữa mà thường đến trước. Ghét cái bất thắng, theo về cái đồng hóa, theo vận về thuận mà sinh ra bệnh. Cho nên, trên thắng thời thiên khí giáng mà xuống, dưới thắng thời địa khí đổi mà lên, do nhiều, ít mà phân vị có sai lệch. "Vi" thời sai nhỏ, "thắng" thời sai lớn, quá lắm thời ngôi đổi, khí giao. "Đổi" thời đại biến sinh ra mà gây nên tật bệnh. Đại yếu nói: "thậm kỳ năm phần, vi kỷ bảy phần... Sự sai lệch có thể biết được" (219).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Luận nói: "Nhiệt, đừng phạm nhiệt; hàn, đừng phạm hàn". Tôi muốn không lánh xa hàn, không lánh xa nhiệt... thời như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Phát biểu, không phải lánh xa nhiệt; công lý, không phải lánh xa hàn...

 Hoàng Đế hỏi:

 - Không phát biểu, không công lý, mà phạm hàn, phạm nhiệt, thời như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Hàn, nhiệt phạm vào bên trong, bệnh sẽ nặng thêm...

 - Xin cho biết bệnh như thế nào?

 - Chưa có bệnh thời sẽ sinh ra, đã có bệnh thì nặng thêm.

 - Sinh ra như thế nào?

 - Không lánh xa nhiệt, thời bệnh nhiệt đến; không lánh xa hàn, thời bệnh hàn đến. Bệnh hàn đến; thời những chứng: kiên, bĩ, phúc mãn, thống cấp và hạ lợi v.v... sẽ sinh ra. Bệnh nhiệt đến thời những chứng: thổ, hạ, hoắc loạn, ung thư, thương dương, mâu muộn, chú hạ, khiết túng, thũng trướng, ẩu, cừu, nục, đầu thống, cốt tiết biến, huyết giật, huyết tiết, lâm bí v.v... sẽ sinh ra.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phương pháp trị liệu như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:
 
 - Thuộc về bốn mùa thời thuận theo. Nếu phạm, thời dùng cái "thắng" để trị (220).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Đàn bà trọng thân (tức có thai) dùng vị có chất độc, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nếu có bệnh thời không hại, nhưng cũng đừng quá dùng mới thật không hại. Tỷ như những chứng đại tích, đại tụ, thời cần phải phạm. Nhưng bệnh bớt quá nửa thời thôi. Nếu dùng quá sẽ chết (221).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Nếu uất quá, thời trị liệu như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 Mộc uất thời đạt nó ra, Hỏa uất thời phát nó ra, Thổ uất thời đoạt (dẹp) bớt đi, Kim uất thời thiết bỏ đi, thủy uất thời chiết nó xuống... Phải điều hòa cái khí, quá thời dùng nó để chiết đi... Chiết cũng tức là tả (như dùng toan để tả Can, dùng tân để tả Phế, dùng hàm để tả Thận v.v..

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về phương pháp giả tá, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Có giả tá cái khí, thời cũng không cấm, tức là do chủ khí bất túc, thời khách khí thắng vậy (222).

Chú giải

 (1) "Sáu sự hóa" tức là nói về Tư thiên, Tại toàn, đều có sự hóa sáu khí; "Sáu sự biến" là nói về sự biến của thắng và chế. "Thắng với phục" là nói về khí của năm vận đều có sự thắng phục về các khí chủ tuế, do đó sự chủ trị không được toàn. Đến như năm vị, sinh hóa có hậu, bạc, thành thụ c có nhiều, ít, trước sau đều có chế, có thắng, có sinh, có thành khác nhau v.v...

 (2) "Năm vận" tức là nói về hóa vận của năm hành. Hóa vận đó, hoặc theo về năm khí, như: những năm gọi là Phu hòa, Thăng minh, Tĩnh thuận, Thẩm bình v.v...Những năm đó đều thuộc về năm vận hòa bình, với sáu khí không có sự gì tương phạm. "Hoặc trái thiên khí..." tỷ như năm Bính Tý, Bính Ngọ, Tư thiên thuộc về Hỏa vận mà lại thi hành Thủy vận; những năm Giáp Thìn, Giáp Tuất Tư thiên thuộc về Thủy vận, mà lại thi hành Thổ vận v.v... "Hoặc thuận thiên khí, hoặc thuận địa khí". Đó là nói về thái quá mà thuận, thiên khí có ba vận; bất cập mà đồng địa hóa cũng có ba vận; thái quá mà đồng địa hóa có ba vận, bất cập mà đồng địa hóa cũng có ba vận... Tất cả hai mươi bốn năm đó, với thiên khí tương phù, với địa khí tương hợp. "Hoặc nghịch thiên khí, hoặc nghịch địa khí v.v..." là nói về: trừ những năm Thiên phù, Tuế hội, mà cũng có cái khí Tư thiên, Tại toàn không tương hợp. "Hoặc tương đắc, hoặc không tương đắc..." là nói về cái khí của bốn mùa như phong, ôn, hóa đồng với xuân; nhiệt, huân (nóng bức), hóa đồng với hạ; thanh lộ (sương, móc) hóa đồng với thu; mây mưa hóa đồng với Trưởng hạ; băng tuyết hóa đồng với đông v.v... Đó là khách khí với thời khí tương đắc với nhau. Như: chủ khí bất túc, khách khí lại thắng được, thế là khách khí với thời khí không tương đắc với nhau. "Xuất kỷ của trời v.v...", tức là khiến cái khí Tư thiên, Tại toàn, trên dưới quân bình với nhau... "Trời đất thăng giáng v.v..." là nói về: đã thăng mà giáng, đã giáng lại thăng... Cái khí của trời đất thay đổi như vậy, không hề sai lệch. Về năm vận sáu khí phải có của đức, hóa, chính, lệnh; nhưng lại có sự biến dịch về râm, thắng, uất, phục. Giờ muốn cho khí vận hòa bình, cần phải dùng năm vị để chiết (bẻ xuống), hoặc tư (giúp), hoặc ích (thêm lên), hoặc ức (nén xuống). Cho nên mới nói là "điều với chính vị" v.v...

 (3) “Trước phải lập lấy niên v.v…” tức là nói về phải nhận định cái năm đó là thuộc về thiên can hay địa chi v.v. “Số vận hành” là nói về năm vận cùng nối nhau, cứ trọn năm rồi chu mà lại bắt đầu; “Ngự hóa v.v” là nói về sáu khí có sự thượng lâm của Tư thiên, có sự hạ ngự của Tại toàn, và có chủ khí của bốn mùa, có khách khí gia lâm v.v…

 (4) Đây nói tóm cả sự chủ tuế và chủ thời của sáu khí. Chủ tuế thuộc về Tư thiên, Tại toàn; chủ thời thuộc về chủ khí, khách khí; sáu khí, dù đều có chia bộ, mà cái khí Tư thiên lại chủ của một năm, cho nên nói: “Phàm cái chính của những năm Thái dương Tư thiên v.v.”… Tý, Ngọ, Dần, Thân, Thìn, Tuất v.v… là sáu năm thuộc dương, khí chủ về thái quá; Sửu, Vị, Mão, Dậu, Tỵ, Hợi là sáu năm thuộc Âm khí chủ về bất cập. Phàm cái khí chủ tuế chủ thời thuộc về năm thái quá, đều trước thiên thời mà đến; thuộc về năm bất cập, đều sau thiên thời mà đến. Cho nên nói: “Vận thái quá đến trước, vận bất cập đến sau”. Vì Thái dương hàn thủy tư thiên, nên thiên khí nghiêm túc. Thái âm thấp thổ Tại toàn, nên địa khí yên tĩnh. Vì “hàn khí tràn ngập thái hư”, nên Dương khí không phát triển được chính lệnh. Vì “Thủy Thổ hợp đức”, nên trên ứng với Thần tinh, Chấn tinh. Về “loài cốc chủ về sắc đen vàng”, vì nó cảm cái khí Tư thiên, Tại toàn, nên đã tới kỳ thành; “Trầm không dương diễm…” là nói về sinh dương ở trong âm, bị cái khí hàn thủy nó chèn nén. Bởi cái “Nhị chi khí” là Thiếu âm quân hỏa chủ khí, nhân “hàn chính phát nhiều” nên phải đợi thời mới có thể phát. Đợi thời, đến “Ngũ chi khí” thuộc Thiếu âm về gián khí tư lệnh mới lại phát. Đó là nói về cái chủ khí của bốn mùa bị khí Tư thiên nó thắng “Thiếu dương chủ trị ở khoảng giữa v.v…”, là nói về Thiếu dương tướng hỏa, chủ về “Tam chi khí” mà lại bị hàn thủy gia lâm, vì đó nên “mưa nhuần sẽ ngớt”. Đó là chủ khí của bốn mùa, mà lại bị cái khách khí gia lâm nó thắng. Nửa năm về trước, thiên khí làm chủ; nửa năm về sau, địa kí làm chủ. Mà ba cái khí gia lâm, lại chủ về hàn thủy, “Tứ chi khí” thuộc Thái âm, vì vậy cái khí hàn Thủy, đến “tam khí” thì ngừng, sẽ giao với “tứ khí” của Thái âm. Thái âm đến đâu, sẽ thành mây mưa. “Mây về Bắc cực v.v.” là nói về cái Tại toàn, vận hóa lên trên. “Nhuần thấm muôn vật v.v.” là nói khí thấp Thổ tràn khắp ở dưới. “Hàn khắp ở trên v.v.” là nói về cái khí Thái dương hàn thủy đóng ở trên; “Sấm động ở dưới v.v.” là nói về Hỏa khí của Thiếu âm, lại ở bên hữu Thái âm, đến “Ngũ khí” mà mới phát. “Dân sinh v.v.” đều do cái khí hàn Thủy mà gây nên.

 (5) Từ đây trở xuống, chia bàn cái gián khí gia lâm. Gián khí để kỷ bộ (ghi từng bộ); mà “sơ khí” bắt đầu từ Thiếu dương. “Khí đất thay đổi v.v.” là nói về: cái “chung khí” Tại toàn từ năm trước, mà giao với cái “sơ khí” Tư thiên năm nay. “Chung khí” năm trước là Thiếu âm quân hỏa, “sơ khí” năm nay là Thiếu dương tướng hỏa. Hai thứ Hỏa cùng giao nhau cho nên khí “đại ôn”; “loài cỏ sớm tốt…” là vì trưởng khí thịnh (trưởng khí là cái khí sinh trưởng, tức khí của Hỏa, khí của mùa hạ…); mới giao tới mùa xuân mà đã đại ôn, nên dân phát sinh các bệnh lệ và ôn bệnh v.v.

 (6) “Nhị chi khí” tức là Dương minh táo Kim gia lâm, cho nên “đại lương” (rất mát, Kim khí thuộc thu nên mát) “lại đến”. Vì hóa viêm nhiệt là thanh lương, nên mới nói là “lại đến"… “Loài cỏ gặp lạnh v.v.” là nói về hàn khí ở dưới: “trung với hạ” có khi hàn lương, nên cái Hỏa khí thượng lâm mới bị chèn nén… Bởi cái gián khí Tư thiên, bao giờ cũng dưới giao lên trên. “Mắc bệnh khí uất và trung mãn v.v.” là vì dương khí bị át ức ở bên trong.. “Khí hàn mới bắt đầu v.v.” là nói về cái hàn khí Tư thiên, từ “nhị chi khí” mới bắt đầu. Thế là cái khí Tư thiên lại bị Gián khí nó thắng vậy.

 (7) Cái khí Tư thiên hàn Thủy gia lâm lên “Tam khí”, cho nên bấy giờ “thiên khí mới tán bố v.v.”. Mùa hạ nên nhiệt mà lại bị hàn khí gia lâm, nên dân mới mắc bệnh hàn mà bên trong lại nhiệt. Các chứng ung thư, mâu muộn v.v… đều do Hỏa uất mà sinh ra, nếu không kịp chữa, sẽ như mình tự đốt mình mà chết.

 (VIII) Cái khí gia lâm ở Quyết âm phong Mộc; cái “tứ chi chủ khí” lại là Thái âm thấp Thổ. Vì vậy nên phong với thấp mới giao tranh. “Phong hóa làm vũ (mưa) v.v.” là cái khí gia lâm theo thời mà hóa; về khoảng mùa hạ, mùa thu giao nhau, thấp Thổ chủ khí, cho nên “mới trưởng, mới hóa, mới thành”. Đó là về mùa hạ thì chủ về việc sinh trưởng, mùa thu chủ việc thâu thành, mà mùa Trưởng hạ thì chủ việc hóa sinh vậy. “Dân mắc bệnh đại nhiệt v.v.” đều là những bệnh thuộc về phong nhiệt. “Nhục nuy, túc nuy v.v.” là những chứng thuộc về khí của thấp Thổ; “Tiết tả v.v.” là một chứng do thấp với nhiệt cùng nung nấu mà sinh ra.

 (9) “Nhị chi khí” là Thiếu dương quân Hỏa, bị cái khí hàn lương nó gia lâm, mãi tới “Ngũ khí” mới lại chủ trị, nên mới nói: “khí dương lại hóa…" tức là những biến tượng “trằm lầy không dương diễm v.v.”. Vì Hỏa khí lại hóa nên loài thảo mới “trưởng”. Cái khí thấp Thổ, chủ về nửa năm về sau, cho nên mới “hóa”; cái “Ngũ chi chủ khí” thuộc Dương minh táo Kim, cho nên mới “thành”. Hỏa uất thì phát tiết ra, nên dân mỡi dẽ chịu.

 (10) Cái khí Tại toàn lâm lên “chung khí”, cho nên địa khí chính ngôi mà thấp lệnh thì hành. “Khí âm hàn tràn ngập thái hư v.v.” là nói về cái khí Thái âm vận lên ở trên. “Khói bụi khắp đồng ruộng v.v.” là nói về cái hóa của thấp Thổ phân tán ở bên dưới. “Dân mới buồn bã v.v.” là nói về cái khí ẩm thấp lưu hành ở khoảng giữa (trung). “Gió rét đã đến v.v.” là Thổ bị phong Mộc nó thắng, nên các loài thai dựng mới không thành. Tức là cái tà khí trái mùa, lại thắng được cái khí chủ thời vậy.

 (11) Khổ là vị của Hỏa; Hỏa có thể làm ấm được hàn; khổ có thể làm thắng được thấp. Vậy, phàm thuộc về năm Thái dương Tư thiên, là do hàn thấp chủ khí, cho nên, nên dùng vị táo để thắng thấp; dùng vị ôn để thắng hàn. Đó tức là bảo: “điều hòa với chính vị, khiến cho trên dưới hợp đức” vậy.

 (12) “Hóa nguyên v.v.” là nói về: năm vận là cái nguồn sinh ra sáu khí; “chiết” tức là bẻ bỏ, dẹp xuống. Phàm những cái khí làm nên chứng uất, thì chiết bỏ đi. Tỷ như về năm Thái chủy (năm Mậu), Thái dương Tư thiên, thì Hỏa vận sẽ bị uất. Về năm Thái vũ (năm Bính), Thái âm Tại toàn, thì Thủy vận sẽ bị uất. Cho nên phải dùng phép (táo) để chiết bỏ cái Thổ khí của Thái âm, dùng phép “ôn” để chiết bỏ cái hàn khí của Thái dương. Tất cả sáu khí cùng theo một nghĩa như vậy.

(13) Những năm thuộc về Thái dương Tư thiên, vận khí đều thuộc thái quá, cho nên phải nén bỏ cái khí “râm thắng”, mà nâng đỡ cái “sở bất thắng” lên. Như về năm Thái giác (năm Nhâm), phong Mộc “râm thắng” thì Thổ sẽ bị chết. Vậy phải chèn bỏ cái thắng của phong Mộc xuống, mà nâng đỡ cái bất thắng là Thổ lên. Lại như về năm Thái chủy (năm Mậu), Hỏa vận thái quá, thì Kim khí sẽ bị chế. Vậy phải chèn bớt cái thái quá của Hỏa, mà nâng đỡ cái bất thắng của Kim lên. Đó tức là: “làm cho hòa cái vận, điều cái hóa, đừng để quá bạo, khiến dân sinh bệnh v.v.”. Về dưới đây, các năm thuộc Thiếu dương, Thiếu âm… cũng một nghĩa như vậy.

 (14) “Tuế cốc…” tức là thứ lúa sản xuất giữa năm ấy… Như trên nói sắc lúa “huyền, kiềm…” ăn nó để giữ cho hoàn toàn cái khí nguyên chân của trời đất. “Hư tà…” tức là cái gián khí phải thắng. Như cái năm Thái dương Tư thiên, “sơ chi khí” là Thiếu dương tướng Hỏa, mà khí hàn lại thắng được. Vậy là hàn tà đã râm thắng được sơ khí đó. “Nhị chi khí” là Dương minh táo Kim, mà nhiệt lại thắng được. Vậy là nhiệt tà đã dám chế được nhị khí đó. “Tứ chi khí” là Quyết âm phong Mộc mà thanh lại thắng được. Vậy là táo tà đã chế thắng tứ khí đó. “Ngũ chi khí” là Thiếu âm quân Hỏa, mà hàn lại thắng được. Vậy là hàn tà đã chế thắng được ngũ khí đó. Đó gọi là “tứ úy” (bốn cái sợ), phải xét cho cẩn thận.

 (15) Đây nói về cái khí của năm vận, với cái khí Tư thiên, Tại toàn, đều có đồng (cùng) dị (khác) (hai chữ này dùng nguyên âm cho tiện), mà cái khí vị nhiều, ít cũng đều có “sở chủ”. “Đồng hàn, thấp v.v” tức là nói về những năm Thái vũ (Bính), Thái cung (Giáp) chủ vận, thế là với cái khí hàn thấp của Tư thiên, Tại toàn tương đồng, nên phải dùng nhiều vị táo, nhiệt để chế hóa, tức là dùng táo để chế thấp, mà nhiệt để hóa hàn. Lại như những năm Thái chủy (Mậu), Thái giác (Nhâm), Thái dương (Ất) chủ vận, thế là với cái khí hàn thấp đều dị, lại chỉ nên ít dùng cái khí táo thấp để làm cho hóa. Tức là dùng khí thấp để nhuận lại cái khí táo nhiệt; dùng táo để chế cái tà của phong Mộc. Đồng thời khí thịnh nên phải dùng nhiều; dị thời khí cô (trơ trọi một mình) nên phải dùng ít.

 (16) Đây nói về cái khí Tư thiên, Tại toàn và gián khí Gia lâm, đều có sự thích nghi về hàn, nhiệt, ôn, lương, mà lại cần không nên phạm. Như Thái dương Tư thiên, nên dùng nhiệt để làm cho ôn; mà “sơ chi khí” lại là Thiếu dương tướng hỏa dụng sự, vậy cần phải lánh xa cái nhiệt của Thiếu dương đã, rồi sau mới được dùng đến nhiệt. Lại như Thiếu âm Tại toàn, lẽ nên dùng hàn để làm cho “thanh” đi, mà “tứ chi khí” lại gặp Thái dương hàn thủy dụng sự, vậy cần phải lánh xa cái hàn của Thái dương đã, rồi sau mới được dùng đến hàn. “Ôn với lương” cùng một nghĩa như vậy. “Nếu giả thì làm trái lại v.v.” là nói về nếu tà khí phản thắng, thì lại không cần phải theo đúng cái nguyên tắc “xa hàn xa nhiệt” nữa. Như: Thái dương hàn thủy Tư thiên, "sơ chi khí” là Thiếu dương tướng hỏa, thế mà thiên khí lại hàn; như thế thì cứ dùng nhiệt ngay, mà không cần phải lánh xa thời kỳ nhiệt của Thiếu dương nữa. Như Thiếu âm quân hỏa Tại toàn, “tứ chi khí” là Thái dương hàn thủy, thế mà thiên khí lại nhiệt. Như thế thì cứ dùng hàn ngay mà không cần phải lánh xa cái thời kỳ hàn của Thái dương nữa. Đó tức là bảo “thiên khí trái với thời, thì cứ dựa theo thời” vậy.

 (17) Mão, Dậu chủ về tuế vận bất cập, nên phàm Tư thiên, Tại toàn, chủ khí, khách khí, đều sau thiên thời mới đến.

 (18) Dương minh Tư thiên thì Thiếu âm Tại toàn. Vì Kim lệnh ở trên, nên thiên khí kính cấp (cứng gấp, hanh hái, se khô…); vì Quân hỏa ở dưới, nên khí đất quang minh (sáng sủa).

 (19) Dương minh ở trên, Quân hỏa ở dưới, nên dương nhiệt thịnh mà mọi vật táo kiên (khô ráo và cứng rắn).

 (20) Cái “sơ khí” chủ thời là Quyết âm phong mộc. Phàm thuộc về những năm thái quá, khách khí thịnh nên phần nhiều theo về khách; những năm bất cập, khách khí nhược nên kiêm theo chủ khí, vậy nên “thuần phong mới trị”, tức là theo cái hóa của “sơ khí” là phong mộc vậy. Dương minh táo Kim Tư thiên, Quyết âm phong mộc chủ khí, cho nên “phong táo ngang vận”. Ngang tức là cái khí chủ khách, cùng dọc ngang với nhau, “tràn tới khí giao v.v.”. Khí giao, tức là một thứ khí “chung” (cuối, hết), ở nửa năm về trước, mà giao với nửa năm về sau. Chủ và khách của “nhị khí” là hai thứ hỏa quân, tướng; chủ và khách của “tam khí” là Dương minh, Thiếu dương, cho nên nhiều dương ít âm. “Mây theo mưa xuống v.v.” là nói về cái thấp khí của thấp Thổ bốc lên làm mây, khí trời giáng xuống mà thành mưa. Bởi “tứ chi khí” do Thái âm thấp Thổ chủ khí, Thái dương hàn Thủy gia lâm, nên mới nói: “mây theo mưa xuống, thấp hóa sinh ra v.v.”. Táo kim Tư thiên, cuối cùng (chung) là “tam chi khí” mà giao với “tứ khí” là hàn Thủy thấp Thổ, vì thế nên táo cực mà lại nhuận.

 (21) Do cảm cái khí Tư thiên, Tại toàn mà thành thục, tức là tuế cốc.

 (22) Quang minh, thanh, thiệt là cái chính của Kim; cấp bạo là cái lệnh của Hỏa. Vì quân hỏa Tại toàn, nên loài chập trùng không ẩn nấp và nước chảy không thành băng… “Cuống họng nghẽn v.v.” đều là những chứng bệnh cảm khí táo nhiệt mà sinh ra.

 (23) Trước thanh (mát mẻ) mà rồi mới “kính” (cứng rắn)… là nói về cái khí Tư thiên thịnh về nửa năm về trước; “trước nhiệt rồi mới bạo v.v.” là nói về cái khí Tại toàn, nên về nửa năm về sau. “Loài mao trùng chết v.v.” là nói về cái sự “thắng, chế” của Tư thiên, Tại toàn mà chết. Cho nên câu: “Đều có thắng, đều có chế, đều có sinh thành, đều có thắng chế v.v.” là nói về cái thắng của năm vận, có thể chế được sáu khí; mà cái thắng của sáu khí, lại có thể chế được năm vận. Nếu bị chế thì không còn sinh, dục và có khi chết nữa là khác. Nhưng ở thiên này, chỉ về đoạn nói về kinh Dương minh mới ghi bốn câu đó, mà các đoạn ở các  kinh khác thì không… Đó là muốn cho kẻ hậu học biết vận khí lẫn cùng chế thắng, rồi tỉ loại mà suy ra các kinh khác vậy.

 (24) Cái khí của Dương minh và Thiếu âm đều chủ về sự “táo”, cho nên phát ra chứng táo (như táo cấp, phiền táo). Như Hỏa thắng Kim, nếu ở nửa năm về trước, thì Thủy sẽ báo phục Hỏa ở nửa năm về sau… Vì vậy sự “thắng và phục” phát sinh, mà cái khí của tuế thì do đó thành ra đại loạn. “Khí giao” tức là cái khí Tư thiên, Tại toàn trên dưới cùng giao với nhau.

 (25) “Khí đất đổi v.v.” là nói về: chung khí Tại toàn từ năm trước, đổi giao với cái “sơ khí của năm nay. (Mấy đoạn về sau cùng một nghĩa như vậy. Cái khách khí về tuế sơ những năm Mão, Dậu là Thái âm thấp Thổ, cho nên “âm ngừng” mà “võ hóa”. Âm ngừng ở ngoài thì dương uất ở trong, cho nên dân mới mắc bệnh nhiệt trướng… Mặt phù thũng, hay ngủ v.v… là những bệnh gây nên bởi thấp Thổ. “Cầu nục v.v…” là những bệnh do khí của phong mộc gây nên.

 (26) Chủ và khách của “nhị chi khí”, là hai thứ hỏa quân, tướng. Dương khí đã được tán bố, nên dân mới dễ chịu; mọi vật được sinh trưởng và tốt tươi. “Dịch lệ đến, dân hay bạo tử v.v.” là do hai Hỏa cùng giao nhau mà thần lại lấn lên trên quân vị mà gây nên.

 (27) Cái Kim khí Tư thiên gia lâm, cho nên “thiên chính bố”. “Tam chi chủ khí” là Thiếu dương tướng hỏa, cho nên táo với nhiệt giao hợp. “Tam chi chung khí” mà giao với hàn Thủy thấp Thổ của tứ khí, cho nên táo cực mà sinh thấp; táo, thấp, thủy, hỏa, bốn khí đó cùng giao với nhau, nên dân mắc chứng hàn, nhiệt.

 (28) Về gia lâm của “tứ chi khí…” khách khí là Thái dương hàn Thủy, chủ khí là Thái âm thấp Thổ, cho nên hàn võ xuống. Nửa năm trở về sau, do Thiếu âm quân hỏa chủ khí, lại bị khí hàn thấp nó tương gia (cùng lẫn lên), cho nên dân mắc các chứng run rẩy, nói mê v.v. đều bởi hàn thủy ngưng ở bên ngoài, hỏa uất ở bên trong mà sinh ra.

 (29) Quyết âm phong mộc gia lâm lên ngũ khí, cho nên xuân lệnh lại lưu hành… Loài cỏ được sinh khí nên lại tốt tươi; cái uất của Thiếu âm nhờ ở Mộc khí mà thư xướng, điều đạt, cho nên dân khí hòa.

 (30) Cái khí của Thiếu âm quân hỏa, gia lâm lên Chung khí, cho nên cái dương khí Tại toàn, được dễ thư xướng tán bố, mà cái tiết hậu mùa đông trở lại ôn noãn. Cho nên loài chập trùng (loài sâu nằm kín trong hang, trong ổ) không ẩn nấp, mà nước không thành băng. Địa khí được thư xướng, cho nên dân mới an khang. Nếu có tai sảnh xảy ra sẽ là bệnh ôn, tức là Đông ôn. Bệnh này với thương hàn khác nhau rất xa.

 (31) “Tuế cốc” tức là một thứ lúa cảm thụ khí Tư thiên, Tại toàn mà sinh ra. “Gián cốc” tức là một thứ lúa cảm cái gián khí của trời đất mà sinh ra.

 (32) Nên dùng vị hàn, để thanh cái nhiệt của Quân hỏa; nên dùng vị tân, để nhuần cái táo của Dương minh; nên dùng vị khổ để tiết bỏ cái hỏa uất ở trong. Dùng phép phát hãn để giải bỏ cái hàn ở ngoài biểu; dùng phép thanh để tiêu giải cái tà lọt vào trong; dùng phép tán để giải bỏ cái khí Đông ôn.

 (33) Vì vận khí bất cập nên phải làm cho yên, đừng để tà thắng.

 (34) Chiết bỏ cái khí Tư thiên, Tại toàn để giúp cho cái hóa nguyên của năm vận.

 (35) Dùng hàn để làm cho thanh cái hỏa nhiệt Tại toàn; dùng nhiệt để chế cái táo kim Tư thiên. Nếu “đồng” thì dùng nhiều; nếu “dị” thì dùng ít. Vậy phải xét sự khinh trọng của hàn nhiệt, để chế hoặc nhiều hoặc ít. Như: Những vận thuộc về Thiếu chủy, Thiếu giác, cùng với các nhiệt của Thiếu âm, nên lấy nhiều cái khí thanh lương do thiên hóa để chế lại; những vận thuộc về Thiếu dương, Thiếu cung, Thiếu vũ… cùng một cái thanh của Dương minh, nên lấy nhiều cái khí hỏa nhiệt do địa hóa để chế lại. (Thiên hóa tức là khí thanh lương của táo kim; địa hóa tức là khí hỏa nhiệt Tại toàn).

 (36) Cái khí thanh lương của Dương minh Tư thiên, lẽ tất nhiên là nên dùng ôn nhiệt rồi. Nếu “nhị chi khí” lại là hai thứ hỏa quân, tướng, thì lại phải cách xa thời kỳ đó 60 ngày, mới có thể dùng ôn nhiệt; cái khí Thiếu âm quân hỏa Tại toàn, lẽ tất nhiên là nên dùng hàn lương rồi. Nếu chủ khách của “tứ chi khí” lại là hàn thủy, thấp thổ… thì lại phải xa thời kỳ đó 60 ngày, mới có thể dùng hàn lương… “Có giả v.v.” là nói về cái khí hàn, nhiệt, ôn, lương của bốn mùa, không phải là Tư thiên, Tại toàn, với cái chính khí của Gián khí, lại cần phải “trái ngược lại” để điều trị. Đó là cái phương pháp làm cho điều hòa thiên, địa, âm, dương vậy. Nếu làm trái phương pháp đó, sẽ làm loạn mất sự kinh thường của Tư thiên, Tại toàn và rối mất “kỷ bộ” của âm dương, gián khí…

 (37) Những năm Dần, Thân chủ về thái quá. Sáu khí đều trước thiên thời mà đến.

 (38) “Thiên khí chính”, là nói về: Thiếu dương Tư thiên, mà khí hóa lại lưu hành ở trong khoảng “khí giao”; bởi vì “Nhị âm, Tam dương” ở dưới, cho nên dẫn chủ về Tư thiên, mà khí dẫn xuống ở khoảng giữa (trung). Tiết dưới “Quyết âm Tư thiên”, mà ghi là “địa khí chính”… Đó là nói cái khí Thiếu dương Tại toàn, mà cũng lưu hành ở khoảng trung, vì Thiếu dương là “trung kiến” của Quyết âm, nên mới như vậy.

 (39) Quyết âm Tại toàn, nên địa khí nhiễu (nhiễu, tức là nhiễm loạn, do sự hành động của phong) cây đổ, cát bay v.v. Do sự hành động của phong và hỏa. Khí của Quyết âm, thượng hành để theo sự hóa của Thiếu dương, nên “mưa thường xuống”. Bởi hai khí của Thiếu dương lưu hành đến đâu là sinh ra hỏa; do hỏa sinh ra oi bức; do oi bức sinh ra mưa, đó là lẽ thường của đức hóa.

 (40) “Nghiêm” là chính của hỏa, “nhiễu” là lệnh của phong.

 (41) “Phong nhiệt cùng tán bố v.v.” là do cái khí của Thiếu dương, Quyết âm, cùng tham hợp với nhau, để cùng tán bố vào trong khí giao… “Mây khói tung bay v.v.” là do địa khí bốc lên; “Thái âm tràn lan v.v.” tức là bởi sự oi bức nấu nung, rồi biến thành mưa.

 (42) Cái khí phong nhiệt ở ngoài, thì cái khí hàn thấp ở trong, vì thế nên bên ngoài sinh mụn lở, mà bên trong sinh chứng hàn trung tiết, mãn. Thánh nhân gặp trường hợp đó biết làm cho điều hòa hai khí hàn nhiệt, không để cho trong ngoài giao tranh. “Vãng phục” tức là ra vào. Như khí ở trong ngoài đồng thì vãng; phục thì sẽ phát sinh ra chứng ngược hàn, nhiệt; các chứng tiết tủng, ẩu, thổ… là do cái khí phong nhiệt lấn ở bên trong; “mặt sưng và biến sắc v.v.” là do cái khí hàn thấp phạm ở bên ngoài.

 (43) “Sơ chi gián khí” là Thiếu âm quân hỏa, chủ khí là Quyết âm phong mộc. Vì vậy nên phong mới động giao, khí ấm và cỏ cây sinh trưởng v.v. Thiếu dương Tư thiên mà lại gặp Quân hỏa chủ khí, cho nên dù có thời khí là “hàn” đưa đến, mà cũng không thể giảm bớt được sức ôn nhiệt của “nhị hỏa”. Các chứng “huyết giật v.v.” đều do phong hỏa gây nên.

 (44) “Nhị chi khách khí” là Thái âm thấp thổ, vì thế nên cái hỏa khí của Tư thiên lại bị uất. “Bụi bay v.v.” đều do cái hỏa của chủ khí là thấp Thổ gây nên. Quyết âm phong khí dù theo Thiếu dương, mà cũng không thể thắng được khí “võ thấp”, vì phong hỏa khí thịnh, lại được cái khí âm thấp để hòa hợp thêm vào, cho nên dân dù an khang, mà tai sảnh thời sẽ phát ra các chứng nhiệt uất v.v

 (45) Cái khí Tư thiên, thượng lâm lên Tam khí, cho nên "thiên chính mới tán bố"; cái khí chủ thời, cũng thuộc Thiếu dương, cho nên viêm hỏa đến. Vì Thái âm hoàn lưu nên "mưa sẽ tràn". Dân bệnh Nhiệt trung v.v... đều do cảm cái khí phong hỏa mà sinh ra.

 (46) Gián khí gia lâm, lại là cái khí thanh lương của Dương minh, cho nên khí mát đến, bạch lộ xuống; cái hỏa của Thiếu dương, cùng với cái khí phong nhiệt, cùng giao nhau ở trong khí giao, cho nên "viêm, thử gián hóa" (khí viêm, khí thử cùng biến hóa xen lẫn nhau). Phong nhiệt chủ tuế, mà lại gặp thanh lương như vậy, nên dân khí hòa bình. Còn bệnh mãn v.v. là do cảm cái khí thấp Thổ của chủ thời mà sinh ra.

 (47) "Ngũ chi gián khí" là Thái dương hàn thủy, cho nên "dương nhiệt rút lui mà khí hàn đưa lại". Vì khoảng hai mùa thu, đông giao nhau, mà thi hành cái chính sách bế tàng của Đông lệnh, cho nên "khí môn mới đóng" (tức là giữ kín cái thân thể). Giữ gìn kín đáo để lánh hàn tà. Phàm gọi là thánh nhân quân tử v.v, là có ý tỏ ra rằng: Các bực kiến thức biết theo thời để điều dưỡng, cho khí trong mình được hòa, dù có gặp thời tiết độc dữ cũng không sinh tật bệnh.

 (48) Quyết âm phong mộc chủ về "chung khí", cho nên phong mới đến (tức là thời kỳ đó hay có gió to). "Địa khí chính v.v." là bởi Quyết âm do trung kiến cái hóa của Thiếu dương mà nên; muôn vật gặp được "sinh khí" mà lại sinh trưởng, địa khí không thăng lên, nên mây khói mới lưu hành. Do cái thời kỳ bế tàng mà lại thi hành cái lệnh phát sinh, cho nên phát các chứng quan bế v.v. (Quan bế nghĩa đen là đóng cửa, nói về một chứng bệnh bị nghẽn tắc ở vị quản, ăn vào lại thổ ra...); "Tâm thống" là do Thận khí phạm ngược lên Tâm mà sinh ra. Phế chủ khí mà Thận là cái gốc sinh khí, cho nên Thận là gốc mà Phế là ngọn. Dương khí đến mùa đông thì về "tàng" (ẩn nấp) ở Thận tàng, giờ khí đó lại ngược phạm lên Phế, nên thành bệnh khái (ho).

 (49) Vận khí thái quá nên cần phải nén xuống, "sở bất thắng", như năm Nhâm, Giác (thái giác) vận thái quá thì Thổ khí bất thắng; năm Mậu, hỏa vận thái quá, thì Kim khí bất thắng; cho nên phải nén bớt cái thái quá, để giúp thêm cho cái "sở bất thắng". "Chiết bỏ cái uất khí v.v.". Như những năm Canh Dần, Canh Thân, Thiếu dương Tư thiên, thì Thương vận (tức là Kim) sẽ bị uất; những năm Giáp Dần, Giáp Thân, Quyết âm Tại toàn, thì cung vận (tức là Thổ) sẽ bị uất. Vậy nên chiết bỏ cái khí gây nên uất. Trước lấy ở cái hóa nguyên của hai vận, chiết bỏ cái thái quá, để giúp thêm cho cái "sở bất thắng", nên "bạo vận" không thể sinh ra mà bệnh độc cũng không khởi lên được. "Bạo..." tức là nói về cái vận khí của những năm Thái cung, Thái dương chủ về thái quá, mà lại bị uất, nên phát ra quá bạo và gây thành bệnh nặng.

 (50) Ở trên: Thái dương Tư thiên, Thái âm Tại toàn, thì nói trước "dùng hàn nên xa thời kỳ hàn v.v."; đến Thiếu dương Tư thiên, Quyết âm Tại toàn, thì nói trước: "dùng nhiệt xa thời kỳ nhiệt v.v.". Đó là nói về phàm dược, thực thuộc về tuế vận hàn hay nhiệt, nên xa lánh cái khí Tư thiên, Tại toàn đó.

 (51) Thái âm Tư thiên, hàn thủy Tại toàn, cho nên Âm khí chuyên chính, mà Dương khí rút lui. Thổ lệnh bất cập, phong lại thắng được, cái khí hàn thấp của trời đất hỗ giao với nhau, nên đồng ruộng khói tỏa, bụi trắng tung bay... "Dân bệnh v.v." đều cảm cái khí hàn thấp mà gây nên.

 (52) Thấp khí của Thái âm ngưng ở trên, hàn khí của Thái  dương tích ở dưới. Hàn Thủy thắng Hỏa, nên mới gây nên băng, bộc. Dương khí ở trên, bị âm ngưng nó thắng, nên cái khí túc sái mới lưu hành.

 (53) Đây nói về thổ địa của năm phương đều có cao, thấp, hậu, bạc khác nhau. Cho nên tuế khí hữu dư thì thổ địa nên cao, hậu; tuế khí bất cập thì thổ địa nên ti hạ (thấp thũng). Bởi cái khí thái quá thì nên hoãn, cái khí bất cập thì nên trước; địa thổ cao hậu thì khí tiết ra hoãn; thổ địa ti hạ thì khí dễ thăng lên; khí hữu dư thì nên đến chậm, khí bất cập thì nên đến sớm... Đó là "địa lợi có cao hạ, khí đến có sớm muộn, mà dân khí cũng theo đó" vậy.

 (54) Chủ, khách của "sơ" đều là phong khí. Vậy nên địa khí của năm trước thay đổi, cái hàn của Đông lệnh mới thay đổi; mà xuân khí chính, gió mới tới, muôn vật mới tốt tươi v.v. Các chứng bệnh huyết giật... đều do khí của phong thấp gây nên.

 (55) Chủ, khách của "nhị chi khí" là hai thứ hỏa quân, tướng, cho nên hỏa mới thịnh. Vì Hỏa Thổ hợp đức, nên vật loại mới sinh hóa v.v.

 (56) Cái khí Tư thiên "lâm" lên tam khí, mà khí hàn thấp thì "lâm" ở khí giao.

 (57) "Tứ chi khách khí", là Thiếu dương tướng hỏa; hàn thủy Tại toàn, cho nên sợ Hỏa nó gia lâm; "tứ chi chủ khí" là Thái âm thấp thổ; thấp với nhiệt cùng hợp, thì hơi nóng nung nấu mà khí đất bốc lên; cái khí ẩm thấp với Hỏa khí không tương hợp, nên thiên khí bĩ cách; thấp hỏa không lưu hành được xuống dưới, nên bạch lộ âm bố mà thành thu lệnh. Các chứng bệnh phát sinh v.v. đều do ba khí hàn, thấp, nhiệt lẫn lộn dồn đến mà sinh ra.

 (58) Chủ khách của "Ngũ..." đều là cái khí thanh lương của Dương minh, cho nên tiết hậu hàn lãnh.

 (59) Chủ khách của "Chung..." là khí hàn thủy Tại toàn, cho nên hàn khí đại cử (rét nhiều); cái khí hàn thấp, trên dưới cùng giao, nên thấp khí đại hóa...

 (60) Tuế vận bất cập, nên phải giúp thêm; "Tà khí" tức là cái khí mình "sở bất thắng".

 (61) Khổ là vị của Hỏa, cho nên có thể táo được thấp và ôn được hàn.

 (62) Về những năm thái quá, khí, vận đều trước thiên thời mà đến. Táo kim Tại toàn, nên địa khí nghiêm khắc; quân hỏa Tư thiên, nên thiên khí quang minh. Chung khí của năm trước là Thiếu dương tướng hỏa; sơ khí của năm nay là Thái dương hàn thủy, vậy là hàn giao với thử; mà những khí thủy, hỏa, hàn, nhiệt, cùng lẫn lộn ở trong khí giao, nên mới bắt đầu sinh ra tật bệnh.

 (63) Các chứng khái, suyễn, thũng,  thượng v.v... đó là nhiệt bệnh sinh ra ở bộ phận trên; các chứng huyết tiết v.v... đó là thanh (cũng như lãnh hoặc hàn) bệnh sinh ra ở bộ phận dưới; các chứng vào Vị, Tâm thống v.v... là do hàn nhiệt giao tranh ở bên trong.

 (64) Sơ chi khí là Thái dương hàn thủy, cho nên cái khí táo nhiệt ở năm trước sắp hết, mà mới bắt đầu hàn và chập trùng lại ẩn nấp, băng sương lại kết... Sơ chi khí là Quyết âm phong mộc, cho nên "phong mới đến"; cái khí dương xuân đã bị uất, mà dân lại kín đáo; Thái dương chủ cân, mà là phủ của Thận, nên quan tiết và yêu chùy thống. Thời kỳ đó, giao tiếp với hai khí quân hỏa, cho nên viêm thử đến.

 (65) Nhị chi chủ khí, hợp với Tư thiên Quân hỏa, mà khách khí lại là Quyết âm phong mộc, cho nên "dương khí tán bố" và thường có gió.

 (66) Tam chi chủ khí là Quân hỏa, Tướng hỏa, cho nên thiên chính bố tán, và đại hỏa lưu hành... Hàn khí ở dưới thỉnh thoảng đến, nên dân mắc bệnh khí quyết, Tâm thống. Hàn khí phạm lên Phế, nên khái và suyễn... Và bạch quân hỏa bốc lên, nên mắt đỏ.

 (67) "Tứ chi chủ khí" là thấp Thổ chủ khí; hàn khí thấp nhiệt giao với nhau nên nóng bức đến và thường có mưa lớn. Các chứng ách Can, Hoàng đản v.v. đều do khí thấp nhiệt gây nên.

 (68) Từ nửa năm về sau, và cái chủ của khí "ngũ" đều thuộc Dương minh tư lệnh. Giờ bị Thiếu âm tướng hỏa gia lâm, nên úy (sợ); vì úy khí thượng lâm, cho nên "thử" lại đến, dương mới hóa v.v...

 (69) Chung khí là Dương minh tư lệnh, cho nên táo lệnh lưu hành; cái dư nhiệt của khí giao cách trở ở trong, nên mới thành các chứng khái, suyễn v.v... Hàn thủy chủ thời, cho nên hàn khí đến luôn, hợp ở ngoài bì tấu mà sinh bệnh. Địa chi bắt đầu từ Tý, mà sáu khí đối với Tý, Ngọ đã hết, sắp đổi để bàn giao sang năm Vị... Cho nên nói: "Địa khí sắp thay đổi".

 (70) Vận khí thái quá, nên cần phải nén bớt, để giúp cho cái sở thắng của tuế khí.

 (71) Hàn do thủy hóa, nên có năng lực làm nhuyễn (mềm) được các chất kiên (cứng), dùng để điều hòa cái Quân hỏa ở trên; quá lắm thì dùng vị khổ để phát bỏ hỏa uất; Kim khí chủ thâu, cho nên cần dùng vị toan cho thâu để yên bộ phận dưới; quá lắm thì dùng vị khổ cho tiết bỏ bớt khí táo.

 (72) Đồng cái nhiệt khí Tư thiên, thì nên dùng hàn thanh; đồng cái thanh lương Tại toàn, thì nên dùng ôn, nhiêt.

 (73) Đây nói về Quyết âm, Thiếu dương tiêu, bản cùng hợp với nhau. Thiếu dương Tư thiên thì thiên khí chính; Thiếu dương Tại toàn thì địa khí chính. Nói Quyết âm cùng với các chính tuế của Thiếu dương. Như Quyết âm Tại toàn, thì cái khí của Quyết âm sẽ cùng với cái vận của Thiếu dương cùng lưu hành; Quyết âm Tư thiên, thời cái khí của Thiếu dương sẽ cùng với cái vận của Quyết âm Tư thiên cùng lưu hành. Cho nên nói: "phong sinh ra ở nơi cao xa, khí viêm nhiệt nối theo...". Bởi Quyết âm, Thiếu dương tiêu, bản cùng hợp, mà Quyết âm lại không theo khí hóa của Thiếu dương. Trong sáu khí, chỉ có hai khí này là tương hợp.

 (74) Vì tính của phong hay lay động, nên "thiên khí nhiễu"; khí của Thiếu dương vận hành ở trong, nên "địa khí chính" phong khí ở trên trời, nên nói: "Phong sinh ra ở nơi cao xa" khí của Thiếu dương trở nên cùng hợp với Quyết âm, nên "viêm nhiệt nối theo" v.v.. "Mây theo mưa xuống" v.v. là nói theo về sự thắng chế của phong với hỏa, phong với hỏa cùng theo về chính tuế, nên nói là "hợp đức"; "phục, thắng đổi thay" v.v. là nói về khí viêm nhiệt theo lên ở trên, mà lại cùng xen vào ở trong khí giao. "Chập trùng bò ra" v.v. là nói về tướng hỏa Tại toàn. Cảm phong khí thì bệnh sinh ở trên, cảm nhiệt khí thì bệnh sinh ở dưới; phong, táo thắng phục cùng lấn nhau, thì hình hiện ra ở trong khí giao.

 Án: Trên đây nói: "Sinh ở trên", "sinh ở dưới" và "sinh ở giữa...". Mà không có đến bệnh. Đó là nói về cái khí phong hỏa tràn lan ở trên dưới mà lại hỗ giao ở giữa. Viêm nhiệt theo lên trên, tức là con theo mẹ. "Thắng phục đổi thay v.v." là nói về cái khí của Quyết âm lại quay về "chính". Cho nên Quyết âm Tại toàn thì địa khí chính. Giờ Quyết âm Tư thiên mà thiên khí cũng chính, nên mới nói là: "Đồng với các chính tuế".

 (75) Sơ chi khí là Dương minh thanh Kim tư lệnh, cho nên khí hàn mới nghiêm túc mà sái khí mới đến...

 (76) Nhị chi khí là Thái dương hàn thủy, vì vậy nên hàn không dứt, mà sương mới xuống. Nhị chi chủ khí là Thiếu âm quân hỏa, mà hàn thủy gia lâm lên trên, cho nên cỏ "đét" ở trên mà dương lại hóa ở dưới. Dân mắc bệnh "trung nhiệt" là vì cái khí Quân hỏa, bị khí hàn nó làm "uất" lại ở bên trong mà sinh ra.

 (77) Tam chi khí là phong khí của Tư thiên chủ lệnh, nên "thiên chính bố tán...". Dân mắc bệnh "tai ù v.v.", là do phong bệnh phát sinh ở bộ phận trên.

 (78) Tứ chi khách khí là Thiếu âm quân hỏa; chủ khí là Thái âm thấp Thổ, vì vậy nên khí nhục thử với thấp nhiệt cùng xen nhau... "Giao tranh ở phía trên bên tả v.v..." là nói về Thiếu âm ở bên tả Tư thiên Quyết âm.

 Án: Cái gián khí Tư thiên của Quyết âm, bắt đầu từ Dương minh ở dưới, mà giao lên Thái dương; cái gián khí Tại toàn của Thiếu dương, bắt đầu từ Thiếu âm ở trên, mà giao với Thái âm... Cho nên nói: "Dân mắc bệnh hàn ở phía bên hữu v.v.". Tức là nói do ở dưới mà lên trên; nói: "Giao tranh ở phía trên bên tả v.v.". tức là do trên mà xuống dưới.

 (79) Ngũ chi khách khí là Thái âm thấp Thổ, chủ khí là Dương minh táo Kim, vì vậy nên hai khí táo và thấp thay nhau để "thắng"...

 (80) Chung chi chủ khí là Thái dương hàn thủy, mà Tướng hỏa gia lâm ở trên, cho nên "úy hỏa tư lệnh"; khách thắng chủ, nên Dương khí đại hóa v.v. Cái khí Thiếu dương Tại toàn rất phát triển, loài cây cỏ cảm cái khí sinh trưởng mà nảy nở; loài người cảm cái khí ấm áp mà dễ chịu... Về bệnh, mắc bệnh ôn lệ, tức sau gọi là Đông ôn.

 (81) "Hóa nguyên" tức là năm vận. Vì năm vận chính là nguồn sinh hóa của sáu khí... Như về vận Thiếu cung, Quyết âm Tư thiên, thì Thổ khí sẽ bị uất. Về vận Thiếu dương, Thiếu dương Tại toàn, thì Kim khí sẽ bị uất. Cho nên phải chiết bỏ bớt cái khí gây nên uất, để giúp cho hóa nguyên của năm vận. Trở lên, sáu khí tương đồng, tuế vận đều bất cập, cho nên phải nâng đỡ cái vận khí, khiến cái tà "sở bất thắng" sẽ thắng được... Trở lên tam khí bất cập đều tương đồng.

 (82) Tân theo Kim hóa, để điều hòa cái thắng của phong mộc, hàm theo thủy hóa, để điều hòa cái râm của hỏa nhiệt. Quyết âm không theo tiêu bản, theo cái "hỏa hóa" của Thiếu dương "trung kiến". Thế là trong suốt một năm, đều hỏa tư lệnh. Cho nên cần phải sợ cái khí của Hỏa, đừng phạm càn vào nó.

 (83) Đây nói về cái khí Tư thiên, Tại toàn, sáu năm hoàn chuyển, đều có định vị. "Đi có thứ tự" như: Bên hữu Thiếu dương, Dương minh chủ trị; bên hữu Dương minh, Thái dương chủ trị v.v. Sáu khí chọn một năm, mà sáu năm lại cũng hoàn chuyển. "Ngừng có định vị" là: trên dưới có vị, tả hữu có kỳ... Mỗi khí đều chủ sáu mươi ngày có lẻ... "Lấy tháng giêng v.v." là nói về lấy Dần làm đầu năm, sóc làm đầu tháng, Dần lại là ngày đầu, để bắt đầu tính về "sơ khí". Đã biết được cái định vị của Tư thiên, Tại toàn tức là đã biết được sáu khí ở đâu rồi.

 (84) "Vận" tức là hóa vận của sáu khí, như những năm Tí, Ngọ, Dần, Thân, Thìn, Tuất v.v... Sáu khí chủ về hữu dư; cái khí chủ tuế chủ thời, đều trước thiên thời mà đến. "Chính tuế" là nói về cái "kỷ của tuế hội", không thái quá, bất cập, khí ứng đúng với mùa.

 (85) "Không phải khí hóa v.v.". Tức là không phải sự hóa do vận khí. Tỷ như năm Đinh Mão, Đinh Dậu, vận của nó là phong, thanh nhiệt. Phong là khí hóa của Thiếu giác; còn thanh nhiệt là cái khí tiềm phục... Như thế, là không phải khí hóa mà là tai sảnh.

 (86) "Số của trời đất v.v." chữ "giờ" ở đây là nói về Tư thiên; chữ "đất" ở đây là nói về Tại toàn. "Số bắt đầu khởi từ trên..." là nói: số bắt đầu từ số "một" và khởi từ "thiên nhất". "Chung ở dưới..." là nói về: thiên số bắt đầu từ "một", mà cuối cùng ở "địa lục". "Nửa năm về trước, nửa năm về sau v.v." là nói về cái khí của trời đất, trên dưới đều có định vị. "Khí giao" là nói về cái khí của trời đất trên dưới cùng giao với nhau. "Vị" tức là cái vị Tư thiên, Tại toàn và tả hữu gián khí; "khí, nguyệt" là nói về mỗi khí đều là chủ trong một thời gian là hai tháng.

 (87) Đây nói về năm vận, sáu khí, có cái sự thịnh suy, đồng hóa, nên có sự bất hợp, "không hợp với số", tức là không hợp với cái số của sáu khí. "Khí dụng có nhiều ít v.v." là nói về công dụng của sáu khí có hữu dư và bất túc. "Hóa trị có thịnh suy v.v." là nói về cái hóa của năm vận có thái quá và bất cập. "Phong ôn v.v." là nói về Quyết âm với gia vận đồng hóa. "Thắng với phục v.v." là nói về thắng khí với phục khí, cùng với sáu khí tương đồng. Tỷ như thanh Kim thắng Giác mộc, cái "thắng khí" lại tức đồng với Dương minh. Viêm hỏa phục thu Kim, cái "phục khí" lại tức là đồng với Thiếu âm, Thiếu dương. Đó là sự biến hóa thay đổi do năm vận, sáu khí của trời đất, và cái lẽ thường thịnh suy, nên có khi không hợp. Như khí xuân ôn nhiều, hợp với sự thịnh của xuân hóa, thế là khí với vận đồng sự hóa; như sự ít của sáu khí, hợp với sự thịnh của năm vận; sự suy của năm vận, hợp với sự nhiều của sáu khí... Thế là sự thịnh suy thay đổi có khi không hợp.

 (88) Đây nói thái mà quá đồng địa hóa với thiên phù tương đồng; bất cập mà đồng địa hóa thời với tuế hội tương đồng. Ở dưới mà đè lên trên gọi là "gia"; ở trên mà trông xuống dưới gọi là "lâm".

 (89) Nói về: trong 12 năm thái quá và bất cập đều gọi là Thiên phù. Nhưng tựu trung có biến thành nhiều ít khác nhau. Nhiều, ít tức là sự biến của thái quá và bất cập. Thái quá thì chóng (bạo), bất cập thì chậm (từ). Chóng thì bệnh nặng, chậm thì bệnh nhẹ.

 (90) Đấy nói tổng quát trong một năm, có sáu vị ứng (đúng) thời mà khởi. Mỗi vị đều làm chủ 60 ngày linh 87 khắc rưỡi; đều có đủ bốn khí hàn, nhiệt ôn, lương... Đều nên xa lánh mà đừng phạm. Như "sơ chi khí" thiên khí còn hàn, lẽ nên dùng nhiệt; nhưng "thời" đó gặp Thiếu dương tướng hỏa tư lệnh, lại nên xa lánh một vị đó mà đừng phạm. Như "Nhị chi khí" thiên khí đã ôn, lẽ nên dùng lương; nhưng "thời" đó gặp Thái dương hàn Thủy tư lệnh, lại nên xa lánh một vị đó mà đừng phạm. Phàm sáu khí trong một năm đều như vậy.

 (91) Đây chưa nói về Tư thiên, Tại toàn, với gián khí đều không nên phạm. Như Thiếu âm ở trên, tư khí là nhiệt (chữ tư  tức ty là coi, chủ trương), mà muốn dùng nhiệt, thì lại nên xa lánh cái nhiệt của Thiếu âm đó mà đừng phạm. Lại như: Dương minh Tại toàn, tư khí là lương, mà muốn dùng lương, thì nên xa lánh cái lương của Dương minh đó mà đừng phạm. Các khí khác đều theo một nguyên tắc như vậy. Lại như gián khí với cái chủ khí của Tư thiên, Tại toàn tương đồng, thì không thể phạm; với chủ khí "dị" thì có thể tiểu phạm. Giả như: Thiếu dương Tư thiên, sơ khí là Thiếu âm quân Hỏa, thế là với cái khí Tư thiên tương đồng, thì đừng phạm cái nhiệt của nó. Lại như Thiếu âm Tại toàn, mà "tứ chi khí" là Thái dương hàn thủy, thế là với chủ khí tương dị, có thể dùng một ít nhiệt mà tiểu phạm vào nó... Vậy đó là hàn, nhiệt, ôn, lương "tứ úy", phải xét cần thận.

 (92) "Thiên khí trái thời", như tư khí là nhiệt, mà thiên khí lại lương, thế thì nên theo thời mà dùng ôn; như tư khí là nhiệt, mà khí hàn lại thắng, thế thì lại có thể dùng nhiệt, mà phạm cái nhiệt của chủ khí. Nhưng chỉ lấy khí bình quân làm giới hạn, mà không thể quá dụng. Làm thương đến nguyên chân của tư khí.

 (93) "Thiên tín" tức là sự "tin đúng" của thiên khí, mình đừng có nhầm lẫn mà phạm đến nó; "Khí nghi" tứ là sáu khí đều có cái "sở nghi" của nó, ta không nên làm trái nó. Nếu có thắng khí, thì nên chiết bớt nó đi, đừng đỡ thêm nó lên (như tục ngữ nói: nối giáo cho giặc), đến như phục khí (cái khí báo phục, khác với chữ phục là tiềm phục), lại nên nén xuống, đừng giúp thêm lên. Chí trị, cũng như thịnh trị, tức là an toàn.

 (94) Chương này với chương trên, đại nghĩa hơi giống nhau. Chương trên lấy Thái dương bắt đầu, để chia thứ tự sáu khí của Tam âm, Tam dương, lấy Giác vận làm "sơ", rồi chia Giác, Chủy, Cung, Thương, Vũ là năm âm, nên niên tuế có chỗ không đều nhau. Nên ở đây, lấy thiên Can bắt đầu từ Giáp, địa chi bắt đầu từ Tý, từ Giáp Tý đến Quý Tỵ, 30 năm làm một kỷ; lại từ Giáp Ngọ đến Quý Hợi, 60 năm làm một chu. Như thế thì tuế vận mới thuận.

 (95) Thiên theo số "nhất" sinh ra Thủy, địa theo số "lục" để hợp thành; địa theo số "nhị" sinh ra Hỏa, thiên theo số "thất" để hợp thành; thiên theo số "tam" để sinh ra Mộc, địa theo số "bát" để hợp thành; địa theo số "tứ" để sinh ra Kim, thiên theo số "cửu" để hợp thành; thiên theo số "ngũ" để sinh ra Thổ, địa theo số "thập" để hợp thành. Thiên Can bắt đầu từ Giáp, địa chi bắt đầu từ Tý. Cho nên về "số" bắt đầu từ cái sinh ra.

 (96) Hỏa vận ở vào giữa. Thái quá thì theo về số "thành", bất cập thì theo về số "sinh". Võ do Thổ hóa; Thổ thường là "sinh", nên về số là "năm".

 (97) Thuộc về những năm Kỷ Mão, Kỷ Dậu, "kỷ" chủ bất cập, nên số chủ về "sinh".

 (98) Không có một sự tà hóa của thắng phục, nên gọi là chính hóa. "Ngày", vì mỗi vận tóm chủ một ngày, mà năm vận lại lấy Giác vận là "sơ"; vũ, Võ là cuối, đều chủ 72 ngày có lẻ.

 (99) Đây nói về những thực vị, dược phẩm do Tư thiên nên dùng. Bởi về năm thái quá Thổ thắng Thủy, cho nên dùng vị hàn để giúp Thủy.

 (100) Đây nói về những thực vị dược phẩm, trong thời kỳ Thổ vận nên dùng.

 (101) Đây nói về những thực vị dược phẩm, trong thời kỳ Tại toàn nên dùng.

 (102) "Trên" chỉ về Tư thiên, "dưới" chỉ về Tại toàn, "giữa" chỉ về hóa vận. Vì quân hỏa Tư thiên, cho nên phải dùng hàm hàn để chế hóa; Thái âm thấp Thổ vận hóa ở giữa, cho nên, nên dùng khổ để táo thấp, dùng nhiệt để ôn ấm; Dương minh thanh lương Tại toàn, cho nên dùng vị toan để giúp sự thâu, dùng vị nhiệt để ôn bệnh lương... Đó là sự thích nghi của thức ăn và thuốc uống. Dưới đây cũng theo một nghĩa như vậy.

 (103) Về vận bất cập, có thắng, phục. Kim vận bất cập thì hỏa nhiệt thắng được. Con của Kim là hàn Thủy lại để phục. Có cái tà khí thắng và phục, cho nên gọi là "tà hóa". Còn về "nhật", là lại nói cái thắng khí thắng cái 72 ngày của nó sở chủ; mà cái phục khí thì phục 72 ngày nó sở tư.

 (104) Ất chủ bất cập nên số theo về "sinh". 

 Án: Ất vận bất cập, thì Tư thiên, Tại toàn của những năm Sửu, Vị cũng chủ về bất cập, tức là khí và vận giống nhau.

 (105) Vận bất cập, nên số theo về "sinh". Các năm bất cập đều khác nhau theo một nguyên tắc như vậy.

 (106) Tức là những năm Canh Thìn, Canh Tuất chủ về thái quá, nên số theo về "thành".

 (107) Thấp hóa "ngũ", thanh "tứ", hàn hóa "lục", đều chủ về chính hóa, không có tà khí thắng phục, khí của năm vận, lại đều chia chủ 72 ngày, cái khí của Tư thiên, Tại toàn đều chủ 60 ngày có lẻ.

 (108) Đây nói về những thực vị, dược phẩm do Tư thiên nên dùng.

 (109) Đây nói về những thực vị, dược phẩm do Kim vận nên dùng.

 (110) Đây nói về những thực vị, dược phẩm  Tại toàn nên dùng.

 (111) Kim khí chủ thâu, vậy nên dùng vị toan để thâu lại. "Hóa", là nói về cái khí của năm vận, dẫu đều chủ một năm, mà trong mỗi năm, lại có riêng năm vận sinh, trưởng, hóa, thâu, tàng. Lại nên dùng năm vị để điều hòa. Cam là vị của Thổ, có thể chế được hàn thủy.

 (112) Hỏa lâm ở trên, thủy theo chế lại, cho nên chủ về bất cập.

 (113) Vận thái quá, cho nên số theo về "thành". Các năm Thái quá đều theo một nguyên tắc như vậy.

 (114) Tức là những năm Tân Tỵ, Tân Hợi. Tỵ, Hợi chủ về bất cập, nên số theo về "sinh".

 (115) Không phải thắng, không phải phục, tức là cái ngày sở hóa của chính khí.

 (116) Đây nói về những thực vị, dược phẩm, Tư thiên nên dùng.

 (117) Đây nói về những thực vị, dược phẩm, Thủy vận nên dùng.

 (118) Đây nói về những thực vị, dược phẩm, do Tại toàn nên dùng.

 (119) Thủy vận chủ về hàm, mà lấy vị hàm để giúp thêm. Cái hóa vận sau đây, phần nhiều dùng những vị để hòa, giúp. Tức là theo nguyên tắc "chiết bớt uất khí, giúp thêm hóa nguyên" vậy.

 (120) Về năm Ủy hòa, thượng thương với chính thương tương đồng, cho nên chủ về số "thành". Bởi Mộc vận bất cập, Kim khí thắng được, giờ lại táo hỏa lâm ở trên, thì Kim khí lại càng thịnh.

 (121) Đây nói về Mộc vận bất cập, nên chủ số "sinh".

 (122) Đây tức là những năm Nhâm Tý, Nhâm Ngọ. Tý, Ngọ chủ về thái quá, nên số theo về "thành".

 (123) Đây tức là cái ngày sở hóa của chính khí.

 (124) Đây nói về những thực vị, dược phẩm do Tư thiên nên dùng.

 (125) Đây nói về những thực vị, dược phẩm, Mộc vận vận nên dùng.

 (126) Đây nói về những thực vị, dược phẩm do Tại toàn nên dùng.

 (127) Thìn, Tuất chủ về thái quá, nên số theo về "thành".

 (128) Đây nói về Hỏa vận, Mậu Thìn đối hóa theo số (7), Mậu Tuất chính hóa theo số (2).

 (129) Tức là những năm Quý Sửu, Quý Vị (Mùi). Sửu và Vị chủ về bất cập, cho nên theo về số "sinh".

 (130) Tức là những ngày hóa của chính khí.

 (131) Nhân thắng mà phục. Cái ngày tà khí sở hóa.

 (132) Tý, Hợi chủ về bất cập, nên theo về số "sinh".

 (133) Đây nói là Thổ vận.

 (134) Tức là những năm Mậu Dần, Mậu Thân, đều chủ về thái quá nên theo về số "thành".

 (135) Tý, Ngọ chủ về thái quá, cho nên theo về số "thành".

 (136) Kim vận thái quá. Kim vận về những năm Canh Ngọ, cũng theo số về số "sinh" của chính hóa, chủ thanh hóa "tứ"; năm Canh Tý cũng theo đối hóa thành số, chủ về thanh hóa "cửu".

 (137) Tức là những năm Ất Mão, Ất Dậu.

 (138) Nhân thắng mà phục, đó là cái ngày tà khí sở hóa.

 (139) Sửu, Vị (Mùi) chủ về bất cập, nên theo về số "sinh".

 (140) Ở hóa vận chủ về bất cập, nên theo về số "sinh".

 Ở Tại toàn, thuộc về những năm Bính Thìn, Bính Tuất. Thìn, Tuất thuộc về Thủy của Thái dương, hợp với hóa vận của Bính mới sinh, nên theo số "một".

 (141) Những năm Nhâm Thân, Nhâm Dần là đồng Thiên phù, cho nên theo về "sinh" số.

 (142) Ở trung vận, chủ Giác hỏa thái quá, cho nên số theo về "thành"; ở Tại toàn, tức là những năm Đinh Tỵ, Đinh Hợi.

 (143) Thìn, Tuất chủ về thái quá, nên theo về số "thành".

 Án: Thổ thắng, mà không thắng Thủy, đó là năm thuộc về tuế hội, tức là khí bình. Nên không có thắng và phục.

 (144) Sửu, Vị (Mùi) chủ về bất cập, nên số theo về "sinh".

 (145) Về năm Tùng cách, Thượng giác với Chính giác đồng, nên số chủ về "thành". Bởi Kim vận bất cập, sinh khí thuộc dương, mà lại trên lâm với Tư thiên, thì khí sẽ rất thịnh.

 (146) Đây nói về Kim vận, Ất Hợi, thanh hóa "bốn"; Ất Tỵ, thanh hóa "chín".

 (147) Tức là Canh Dần, Canh Thân.

 Án: Ở đây, nên chủ về số "thành", có lẽ sách cổ bị khuyết.

 (148) Hỏa tư ở trên, thủy theo chế lại, cho nên chủ về bất cập. 

 (149) Đây nói về Thủy vận thái quá, nên theo về số "thành".

 (150) Tức là những năm Tân Mão, tân Dậu. Mão, Dậu chủ về bất cập, nên theo về số "sinh".

 (151) Thanh thì thắng mà nhiệt thì phục.

 (152) Sửu, Vị (Mùi) chủ bất cập, nên theo số "sinh".

 (153) Đây là Mộc vận bất cập.

 (154) Tức là những năm Nhâm Thìn và Nhâm Tuất. Cái thủy của Thìn, Tuất hợp với hành Thủy mà mới sinh, cho nên theo số "một" (nhất).

 Án: Cái Thủy do "Thiên nhất" sinh ra, gọi là "thiên quý". Nhưng cái Thủy của Thái dương, chỉ hợp với hóa khí của Bính, mà không hợp với Tân, Quý. Bởi Tân với Bính đã hợp, và Nhâm với Quý đã hợp rồi. Nghê Trọng Tuyên nói: Hàn thủy tại toàn, Thổ chế ở trên, cho nên chủ bất cập.

 (155) Dần, Thân, Thái chủy... đều chủ về Hỏa vận thái quá, nên theo số "thành".

 Án: Đây nói về Tư thiên và nói rõ về Thiên phù. Tư thiên với vận hợp, cho nên chỉ nói "Hỏa hóa thất", vì đó tức là vận khí của Thái chủy. Nếu là khí của Thiếu dương Tư thiên, thì Mậu Dần hỏa hóa hai, Mậu Thân hỏa hóa bảy...

 (156) Tức là những năm Quý Tỵ, Quý Hợi. Tỵ, Hợi chủ về bất cập, nên theo về số "sinh".

 (157) Mộc thì thắng mà Kim thì phục.

 (158) Kim bất cập mà Thổ vận sinh ra. Cho nên khí thịnh.

 (159) Đây nói về Thổ vận. Tức là những năm Giáp Tý, Giáp Ngọ. Tý, Ngọ chủ về thái quá, nên theo số "thành".

 (160) Thổ chế Thủy, nên chủ bất cập.

 (161) Kim vận thái quá nên theo số "thành".

 (162) Tức là những năm Ất Sửu, Ất Vị (Mùi). Sửu, Vị chủ về bất cập, nên theo về số "sinh".

 (163) Tỵ, Hợi chủ bất cập, nên theo về số "sinh".

 (164) Thủy vận bất cập, nên cũng theo về số "sinh".

 (165) Tức là những năm Bính Dần, Bính Thân. Dần và Thân chủ về thái quá, cho nên thuộc về số "thành".

 (166) Bị Nhâm thủy nó chế, cho nên chủ bất cập.

 (167) Thủy vận thái quá, nên theo về số "thành".

 (168) Tức là những năm Đinh Mão, Đinh Dậu. Mão, Dậu chủ bất cập, nên theo về số "sinh".

 (169) Sửu, Vị (Mùi) chủ bất cập, nên theo về số "sinh".

 (170) Hỏa vận bất cập, nên cũng theo về số "sinh".

 (171) Tức là những năm Mậu Thìn, Mậu Tuất. Thủy bị Thổ chế, nên chủ về bất cập.

 (172) Dần, Thân chủ thái quá, nên theo về số "thành". 

 Đây nhầm, nghi có khuyết văn.

 (173) Đây là Thổ vận, nên theo về số "sinh".

 (174) Tức là những năm Kỷ Tỵ, Kỷ Hợi. Thượng giác với Chính giác đồng, nên chủ về số "thành".
 
 (175) Mão, Dậu chủ về bất cập, nên cũng theo về số "sinh".

 (176) Kim vận bất cập, nên theo về số "sinh".

 (177) Tức là nhứng năm Canh Tý, Canh Ngọ. Đồng với Thiên phù nên cũng theo về số "sinh".

 (178) Thái vũ chủ thái quá, cho nên theo số "thành". Đây là vận với Tư thiên, đều là thủy vận, cho nên chỉ nói "hàn hóa lục", hàn hóa lục là vận hóa của Thái vũ. Nếu là hóa của Thái dương Tư thiên thì Bính Tuất hàn hóa nhất, Bính Thìn hàn hóa lục.

 (179) Những năm Tân Sửu, Tân Vị (Mùi). Sừu, Vị chủ bất cập, cho nên theo số "sinh"

 (180) Kỷ Hợi, Thiếu giác đều chủ về Mộc vận bất cập, cho nên theo về số "sinh".

 (181) Tức là những năm Nhâm Dần, Nhâm Thân. Dần, Thân chủ về thái quá, cho nên theo về số "thành".

 (182) Tý, Ngọ, Thái chủy, đều chủ về thái quá, cho nên theo về số "thành".

 (183) Những năm Quý Mão, Quý Dậu. Về kỷ Phục minh, Thượng thương với Chính thương đồng, cho nên chủ về số "thành". Bởi trưởng khí không tuyên đạt ra được, thâu khí tự giữ chính quyền, mà lại với Mão, Dậu cùng hợp, Kim khí sẽ thịnh, nên theo số "chín".

 (184) Sửu, Vị, Thiếu cung đều chủ bất cập, nên theo về số "sinh".

 (185) Tức là những năm Giáp Thìn, Giáp Tuất. Dần, Thổ thịnh và Thủy suy, nên chủ bất cập.

 (186) Dần, Thân chủ thái quá, cho nên theo số "thành".

 (187) Kim vận thái quá, cho nên theo số "thành".

 (188) Tức là những năm Ất Tỵ, Ất Hợi. Dần, Tỵ, Hợi chủ bất cập, nên theo về số "sinh".

 (189) Hóa của khí thanh lương, Thiếu vũ với Thiếu thương đồng. Cho nên theo số "thành". Bởi Tàng lệnh không phát triển, hóa khí sẽ thịnh. Thổ thịnh, thì Kim sinh, do đó Kim khí sẽ thịnh.

 (190) Thủy vận bất cập, nên theo số "sinh".

 (191) Tức là những năm Bính Tý, Bính Ngọ. Tý, Ngọ chủ về thái quá, cho nên theo số "thành".

 (192) Thìn, Tuất chủ về thái quá, nên theo số "thành".

 (193) Mộc vận thái quá, nên cũng theo số "thành".

 (194) Tức là những năm Đinh Sửu, Đinh Vị (Mùi). Sửu, Vị chủ bất cập, nên theo số "sinh".

 (195) Thiên Can cuối cùng ở Quý, địa chi cuối cùng ở Hợi, cho nên theo số "thành".

 (196) Ở hóa vận chủ Thiếu chủy, cho nên theo số "hai".

 Ở Tại toàn là Mậu Dần, Mậu Thân, Tuế chủ Thiên phù, nên theo số "sinh".

 (197) Những "kỷ" định kỳ, tức những thiên Can bắt đầu từ Giáp, địa chi bắt đầu từ Tý. Tý với Giáp cùng hợp, 30 năm là một "kỷ"; 60 năm là một "chu". Thắng với phục là những năm bất cập; chính với hóa là những năm "kỷ" thái quá. Đều có cái số kinh thường không thể thay đổi. "Cốt yếu" tức là sự thịnh suy của âm, dương.

 (198) Đây bàn hóa của năm vận, bị cái "thắng, chế" của tư thiên và Tại toàn. Uất cực thì phát, để báo phục lại tuế khí, cho nên nói: "Chiết bỏ uất khí, giúp cho hóa nguyên". Đó là do tuế khí nó thắng chế được hỏa vận, cần phải lấy cái vị sở thắng để chiết bớt nó xuống, mà đừng để cho nó uất mà báo phục nữa. Như những năm Đinh Mão, Đinh Dậu, Thái thương Mộc vận mà thượng lâm Dương minh, thì Mộc khí sẽ bị uất. Những năm Mậu Thìn, Mậu Tuất, Thái chủy hỏa vận mà thượng lâm Thái dương (hàn thủy), thì hỏa khí sẽ bị uất. Những năm Kỷ Tỵ, Kỷ Hợi, Thiếu cung Thổ vận, mà trên là Quyết âm, thì Thổ khí sẽ bị uất. Những năm Canh Tý, Canh Ngọ, Thái dương Kim vận, mà trên lâm Thiếu âm thì Kim khí sẽ bị uất. Những năm Tân Sửu, Tân Vị, Thiếu vũ thủy vận mà trên lâm Thái âm, thì Thủy khí sẽ bị uất. Những năm Canh Dần, Canh Thân, Thái dương Kim vận, mà tướng hỏa Tư thiên thì Kim sẽ bị uất. Lại như những năm Ất Tỵ, Ất Hợi, Thiếu dương Kim vận mà tướng Hỏa Tại toàn, thì Kim khí sẽ bị uất; những nă Nhâm Tý, Nhâm Ngọ, Thái giác Mộc vận mà Dương minh Tại toàn, thì Mộc khí sẽ bị uất; những năm Quý Sửu, Qúy Vị, Thiếu thủy hỏa vận mà Thái dương Tại toàn, thì Hỏa khí sẽ bị uất; những năm Giáp Dần, Giáp Thân, Thái cung Thổ vận mà Quyết âm Tại toàn, thì Thổ khí sẽ bị uất; những năm Ất Mão, Ất Dậu, Thiếu dương Kim vận mà Quân hỏa Tại toàn thì Kim khí sẽ bị uất; những năm Bính Thìn, Bính Tuất, Thái vũ thủy vận mà Thái âm Tại toàn thì Kim khí sẽ bị uất... Phàm trong mười hai vận đó có thái, có thiếu, đều bị cái uất của Tư thiên và Tại toàn mà báo phục... Cho nên nói: "Thái quá thì bạo, bất cập thì từ...".

 (199) Cái vận của năm thái quá bị uất, nó phát ra bạo; cái vận của năm bất cập bị uất, nó phát ra từ... sự khác nhau ở đó.

 (200) Cái khí "sở sinh" thì "vi" (nhỏ, bé), cho nên chủ về bất cập; cái khí "dĩ thành" (đã thành, nên) thịnh, cho nên chủ thái quá. Thiên theo chỗ "nhất" sinh ra hành Thủy, địa theo số "lục" để hợp thành lại; địa theo số "nhị" sinh ra hành Hỏa, thiên theo số "thất" để hợp thành lại; thiên theo số "tam" để sinh ra hành Mộc, địa theo số "bát" để hợp thành lại, địa theo số "tứ" để sinh ra hành Kim, thiên theo số "cửu" để hợp thành lại; thiên theo số "ngũ" để sinh ra hành Thổ, địa theo số "thập" để hợp thành lại... Cái khí của năm hành, cảm về "thiên sinh, địa thành" và "địa sinh, thiên thành". Những điểm có thể nhận biết rành mạch. "Thổ thường là số sinh", vì vị trí của Thổ ở trung ương, cảm thiên Can mà mới hóa... Mà khí của trời đất đều gốc ở "năm" mà cuối "chín"... Đó tức là cái số của Lạc thư. Cho nên nói: Ở khoảng trời đất, không tránh khỏi số "ngũ" (thiên số ngũ, địa số ngũ), mà người cũng ứng theo đó.

 Vương Long Khê nói: Năm hành có "khí" lại có "chất" đều phải nhờ ở Thổ. Như "Thiên nhất sinh Thủy", đó là cái khí của Thủy, "nhất" được "ngũ" mà thành "lục", bấy giờ cái "chất" của Thủy mới thành.

 Nghệ Trọng Tuyên nói: Thổ vị trí ở trung ương, số là "ngũ" hợp với cái "sinh số" của trời "ngũ" được "ngũ" mà thành "thập". Vậy cái số của trời đất chẳng qua chỉ ở trong "ngũ".

 (201)

 (202) Đây nói về sự phát tiết do Thổ uất, có những biến tượng hiện ra ở trong khoảng trời đất núi sông; có những triệu chứng phát sinh ra khắp cây cỏ côn trùng; lại có những tai sảnh sinh ra ở con người, có những sự thay đổi của khí hàn nhiệt... Chỉ xem cái lúc "phát" mà đã có thể biết được cái sự "phục" của nó ra làm sao... Sấm, là khí của Hỏa; "tam chi khí" chủ về Hỏa, "tứ chi khí" chủ về Thổ. Cho nên sấm vang phát ra ở bên dưới Thổ. Hỏa với Thổ hợp đức, mà phát ra ở trong khoảng tam khí, tứ khí hỗ giao với nhau. "Khí trắng" tức là Kim khí; tức là Thổ được thư xướng mà Kim hóa ra vậy. Các chứng hậu "Tâm phúc trướng v.v..." đều do cảm Thổ khí mà sinh ra.

 Án: Ở đây nói về "năm sự phát ra..." cùng với thiên khí giao, nói về "uất phục" không giống. Ở cuối thiên khí giao, cũng tựa với chương trên nói: "Thanh, nhiệt thắng và phục đồng". Vận của nó là phong, thanh và nhiệt. Bởi nhân cái vận chủ tuế, không kịp cái khí "sở thắng", nó thắng rồi, mà "tứ khí" lại mẫu (mẹ) phục thù... Đó là điểm "tự tương thắng và phục" của vận khí. Ở chương này nói về "phục tuế", tức như ở đoạn trên nói: Chiết bỏ khí uất, giúp cho hóa nguyên...". Bởi khí của năm vận ở vào khoảng giữa, trên bị cái thắng của Tư thiên, dưới bị cái chế của Tại toàn, không chia gì thái quá và bất cập, đều phải bị cái "uất mà lại phát". Cho nên phàm những cái phát ra, tức là cái bản khí "sở uất", chứ không phải là "con vì mẹ báo phục". Vì vậy "phục khí" với "dân bệnh" đều có điểm không giống nhau. Học giả phải phân biệt cho rõ mới được.

 (203) "Sáng sủa" là cái lệnh của Kim; "gió mát, khí lạnh" là cái khí của Kim. Đó là do cái Kim khí bị uất mà lại phá, chính lệnh lại phát triển thi hành. Khái nghịch v.v... Đều là bệnh của Phế. Về "khí ngũ v.v..." là nó: Phát ra bởi "ngũ chi khí..."

 Đọan trên nói về mọi hiện tượng phát ra do Kim uất, có khí hóa, có dân bệnh, có thời hậu, có tiên triệu... Về những năm Ất, Canh hoặc thái quá mà không chăm ở đức; hoặc thuộc năm bất cập, mà Hỏa thắng, Thủy thắng v.v... thì sẽ uất. Mà uất thì sẽ phát ra các hiện tượng, chứng trạng, biến huyễn như trên.

 (204) Yêu chùy thuộc về Phủ của Thận; quan tiết v.v... Do bệnh ở cân, "quyết nghịch v.v..." do Dương khí tàng xuống dưới, khiến cho "trung hàn" mà gây nên. "Hai hỏa", tức là Quân hỏa chủ "nhị chi khí" và Tướng hỏa chủ "tam chi khí". Khí đó phát ra ở trước sau hai vị Quân hỏa và Tướng hỏa.

 (205) Các chứng Vị quản thống v.v... Bởi Mộc thắng, Thổ bị thương mà sinh ra... "Đau ngang hai hiếp v.v." là những bệnh phong khí gây nên.

 (206) Vì Hỏa bị uất, nên vừng ô cũng bị ẩn khuất. Các chứng thương, dương, ung, thũng v.v... đều do hỏa nhiệt thịnh, tinh huyết bị thương mà gây nên "thiểu khí", tức là Hỏa làm hại khí. "Mâu muộn" là bệnh ở Phế khí. Hỏa thịnh, tinh bị thương, nên hay bạo tử. "Khí cuối..." là nói về: mỗi khí chia chủ 60 ngày, linh 87 khắc rưỡi. Như về cuối "tam khí", mà đại ôn, sắp phát với "tứ chi khí". "Động cực thì tĩnh, dương cực lại âm v.v..." tức là nói về: Thiếu âm đến đâu là nhiệt bắt đầu sinh mà cuối là hàn... Bởi Thiếu âm theo "bản" theo "tiêu". "Thấp lệnh mới hóa mới thành" v.v... Đó là bởi Thiếu dương đến đâu là Hỏa bắt đầu sinh, mà cuối cùng là oi bức.

 (207) ... "Dương cực lại âm, núi sông băng tuyết v.v..." Đó là nói về uất cực. Phong khí lưu hành suốt bốn mùa, nên Mộc phát không có thời kỳ nhất định. Thủy phát ra ở trước và sau hai hỏa quân, tướng, cho nên trên đây nói: "Thủy theo Hỏa...".

 (208) "kỹ xét ở thời, bệnh có thể dự biết, cũng có thể dự để điều trị". "Lỡ thời", tức là bỏ lỡ cái thời "sở chủ' của ngũ âm, lục khí; "Trái với tuế v.v..." tức là trái với tuế khí Tư thiên và Tại toàn...

 (209) Đây là nói về cái uất của năm vận, bị sự thắng chế của sáu khí.

 Án: Lục vi chỉ đại luận nói: Bên hữu Hiển minh là vị của Quân hỏa; bên hữu Quân hỏa, lui đi một bộ, Tướng hỏa chủ trị; lại đi một bộ, Thổ khí chủ trị; lại đi một bộ, Kim khí chủ trị; lại đi một bộ, Thủy khí chủ trị; lại đi một bộ, Mộc khí chủ trị; lại đi một bộ, Quân hỏa chủ trị; phía dưới Tướng hỏa, Thủy khí chủ trị; phía dưới Thủy vị, Thổ khí "thừa" theo; phía dưới Thổ vị, phong khí thừa theo; phía dưới phong vị, Kim khí thừa theo; phía dưới Kim vị, Thủy khí thừa theo; phía dưới Quân hỏa, âm tinh thừa theo. Đó là sáu khí đều có định vị, đều có "thừa, chế" ở phía dưới. Cho nên nói: "Xét cả ở phía dưới, mà có thể biết..." tức là xét về sự "thừa chế" của sáu khí ở dưới, thì sẽ thấy: "Thủy phát là bộc tuyết, thổ phát là phiêu sậu v.v." đều có thể biết được. "Khí có nhiều ít v.v." là nói về cái khí của năm vận có thái quá và bất cập. "Đúng với khí v.v." tức là đúng cái thời kỳ của bản khí mà tự phát; "kiêm cả dưới v.v." tức như: đương "thủy phát" mà lại kiêm cả "phiêu sậu" của Thủy; "Thổ phát" mà lại kiêm cả "bộc tuyết của Thủy"; "Mộc phát" mà lại kiêm cả "thanh minh" của Kim; "Kim phát" mà lại kiêm cả "Thanh minh" của Kim; "Kim phát" mà lại kiêm cả "huân, muội" của Hỏa v.v... Ở đây, phân biệt về sự "phục" là do sự uất của sáu khí, chứ không phải là trường hợp tư tương thắng và phục của năm vận.

 (210) "Vị", tức là cái thời "sở chủ" của năm vận. Nói về năm vận phát ra, không đúng với "Vị" mà phát, đó là vì cái chính lệnh lưu hành không được đúng. Như thủy vị về mùa đông, mà lúc phát lại ở trước hai "Hỏa" là tháng giêng, tháng hai; Thổ vị về mùa Trưởng hạ, mà lúc phát ra lại ở vào thời kỳ "tứ khí" là tháng bảy, tháng tám; Kim vị về mùa thu mà lúc phát ra lại ở vào thời kỳ "ngũ khí" là tháng chín, tháng mười; Hỏa vị ở về mùa hạ, mà lúc phát ra lại ở vào thời kỳ "tứ khí" là tháng bảy, tháng tám v.v... đều phát chậm lại: linh 30 ngày. Vì uất cực rồi mới phát, nên mới cách bản vị như vậy.

 (211) Đây nói về sáu khí của chủ thời, có thái quá bất cập khác nhau. Sáu khí, mỗi khí đều chủ linh 60 ngày. Như cái khí thanh túc lưu hành ở mùa xuân, cái khí viêm nhiệt lưu hành ở mùa thu, cái khí ngưng hàn lưu hành ở mùa hạ, cái khí chưng nhục lưu hành ở mùa đông... Đó là không phải thời mà hóa. Bởi thái quá, là đúng với thời mà đều "tư" cái khí ôn, lương, hàn, nhiệt; bất cập là về "kỷ thắng" tức là theo về cái khí "thắng kỷ", và là cái hóa không phải thời. Chương trên, nói về sự chủ tuế của năm vận, sáu khí mà có thịnh, suy; đây lại nói về sự chủ thời của năm vận, sáu khí mà cũng có thái quá bất cập.

 (212) Đây nói về khí của bốn mùa có thái quá và bất cập. "Sớm muộn" tức là nói về đến trước, đến sau. Thuận thời như: xuân khí đi về bên Tây, hạ khí đi về bên Bắc, thu khí đi về bên Đông, đông khí đi về bên Nam... Nghịch là phản thuận làm nghịch. Xuân khí phát sinh ở phương Đông, nên từ phương Đông mà đi về phương Tây; Hạ khí phát sinh ở phương Nam, nên từ phương Nam mà đi về phương Bắc; Thu khí phát sinh từ phương Tây, nên từ phương Tây đi về phương Bắc... Đó là bốn mùa ứng với bốn phương. Cho nên xuân khí từ dưới mà sinh, thu khí từ trên mà xuống; cái khí hạ hỏa từ giữa mà tán bố ra bốn phương; cái khí Đông tàng, từ biểu mà trở về nội Phủ. Bên tả là Đông, bên hữu là Tây, đằng trước là Ly, đằng sau là Khảm... Đó là cái khí bốn mùa có cao, thấp, tả, hữu... Từ phía dưới mà lên trên, từ bên trong mà ra ngoài...

 (213) Ở chương trước, nói về "sơ chi khí, nhị chi khí v.v." chỉ bàn về khách khí gia lâm, do sáu năm hoàn chuyển đều có Mộc mùa xuân, Hỏa mùa hạ, Kim mùa thu, Thủy mùa đông... Đều chủ về linh 72 ngày. Lại có "sơ khí" là Quyết âm, "nhị khí" là Thiếu âm, "tam khí" là Thiếu dương, "tứ khí" là Thái âm, "ngũ khí" là Dương minh, "lục khí" là Thái dương... Đều chủ 60 ngày linh 87 khắc rưỡi... Đó là cái khí bốn mùa không thể thay đổi nó; có cái chính, lệnh, hàn, nhiệt, ôn, lương và sinh, trưởng, thâu, tàng... Nên gọi là "thương".

 "Khí khi đến v.v." tức là nói về bốn mùa có cái khí của năm vận sáu khí dẫn đến. Thiếu âm tuy chủ Quân hỏa mà bản hàn, nên ở vào chỗ giao tiếp của hàn với nhiệt, để chủ về khí ôn hòa. Ở tiết này, lấy Quyết âm phong mộc chủ xuân; Thiếu dương viêm thử chủ hạ; Dương minh thanh lương chủ thu; Thái dương hàn thủy chủ đông... Đó là khí hóa thường của bốn mùa. Cho nên lại lấy Thái âm chuyển xếp lên trước Thiếu dương, vì là Thổ khí chia vượng ở tứ quý, nên trước bắt đầu từ xuân hạ.

 (214) "Phiêu nộ" (tung bay, giận dữ) hình dung biến thái của phong; "Mát nhiều..." tức là Kim khí "thừa" theo; "đại huyên" là ấm nhiều, tức là sức quá độ của Hỏa, "hàn" tức âm tinh "thừa" theo; "sấm sét mưa to v.v." là trạng thái biến chuyển của thấp Thổ, đến "cực độ" thì phong khí "thừa" theo... Trở lên là nói về: "Cực" thì biến, biến thì hại, rồi do "thừa" theo "chế lại".

 (215) "Lý cấp" là một chứng khí nghịch nghẽn lên. Quyết âm chủ về mùa xuân, xuân khí bắt đầu từ dưới mà dẫn lên trên, nên thành chứng "lý cấp". Dương minh chủ về mùa thu, thu khí bắt đầu từ trên, nên thành chứng phù hư; Hỏa sinh ra ở Mộc phong, với Hỏa cùng quạt dồn, nên mới thành các chứng lở láy và mình nóng; Thổ vị trí ở trung ương mà chia vượng ra tứ quý, cho nên ở bốn mùa gây thành các chứng bí, tích, và trung mãn; Thái dương chủ về cân, bị phong khí nó phạm, cho nên mắc míu mà thành co duỗi không lợi.

 (216) Tâm chủ về nói; hỷ là Tâm chí. Quân hỏa bị cái hàn thủy của Đông lệnh nó bách, thì Tâm khí hóa thực mà thành chứng nói lại cười v.v...Trở lên, các bệnh thuộc về bốn mùa, có khi phát sinh bởi sáu khí, có khi phát sinh bởi bốn mùa... Học giả nên lấy ý mà suy thời nghĩa lý tự rõ. Đây là nói về vận sáu khí của bốn mùa, có đức, có hóa, có chính, có lệnh, có biến, có bệnh...

 (217) "Nhân ở đâu để nhận xét v.v...", như khí của Thái âm ở về Trưởng hạ, khí của Thái dương ở về mùa đông, khí của Thiếu dương ở về mùa hạ, khí của Dương minh ở về mùa thu, khí của Quyết âm ở về mùa xuân... Lại như đông có nhiệt hóa, để nghiệm cái thắng của Thái âm; mùa hạ có hàn hóa, để nghiệm cái thắng của Thái dương v.v...

 (218) Đúng với bản vị, như Quyết âm bản vị ở tháng giêng, tháng hai v.v... "Phương", như về năm Quyết âm chủ tuế khí, thì Thái âm tự đặc ở Tây, Bắc; Thái dương tự đặc ở Đông nam; Thiếu âm tự đặc ở Tây, Nam; Thiếu dương tự đặc ở chính Bắc v.v...

 (219) Đây nói về sáu khí chủ thời, cũng có chia ra trời đất doanh, hư, mà trên dưới cùng thắng. Nửa năm về trước, khí trời làm chủ; nửa năm về sau khí đất làm chủ. Vận ở vào khoảng giữa trời và đất, thường đến trước cái khí của trời đất để gây nên sự "thắng". Cho nên nói: "Theo vận về thuận để sinh ra bệnh v.v...". Tức là nói cái khí của trời đất, theo với vận khí mà "bi, thử" tương thắng lẫn nhau. "Khí giao v.v..." là nói về tam khí, tứ khí giao hỗ với nhau. Như "thiên khí bất túc, địa khí sẽ theo". Thời cái "tứ chi Thổ khí" trước giao hỗ với "tam khí" là Hỏa; như "địa khí bất túc, thiên khí sẽ theo...". Thì cái "tam chi Hỏa khí, trước giao hỗ với tứ khí là Thổ v.v.". Đó là: hỏa, thổ, tử, mẫu tương hợp, gọi là "về với đồng hóa...". Tức là thắng mà "vi" (nhỏ) vậy. "Vi thời tiểu sai..." "Tiểu sai" ở "kỷ" của "thiên", vẫn chiếm bảy phần, mà ba phần thì chiếm ở "địa", vẫn chiếm bảy phần, mà ba phần thì ở hỗ giao với "thiên". Đó là trên dưới khí giao, không sinh ra bệnh. "Ghét cái bất thắng..." là ghét cái khí mình bất thắng. Thái dương hàn hóa, truyền sang Thái âm; Dương minh táo hóa, truyền sang Quyết âm. Đó là dưới thắng thời địa khí đổi mà lên Quyết âm phong hóa, truyền sang Thái âm; Thiếu âm hỏa hóa , truyền sang Dương minh... Đó là trên thắng thì thiên khí giáng mà xuống...tức là thắng một trình độ "thậm". "Thậm" thời đại sai: "Đại sai" thì ở "kỷ" của thiên chiếm năm phần, còn năm phần thì giáng thẳng xuống dưới; ở "kỷ" của địa chiếm năm phần; còn năm phần lại đổi lên trên... Cho nên nói: "Thậm" thời vị đổi, khí giao. "Đổi" thì đại biến sinh ra, mà bệnh gây nên. "Vị đổi" là việt qua cái vi của tam khí, tứ khí, mà sơ khí, nhị khí thì lại đi sang ngũ vị, lục vị; ngũ khí, lục khí lại đi sang sơ vị, nhị vị... Đó là cái khí "sở bất thắng" nó thắng lại được.

 (220) Chương này, nói sáu khí chủ thời, cũng có hàn, nhiệt, ôn, lương, khác nhau. Những vị tân cam nó có cái tính chất phát tán, thuộc dương. Cho nên có khi gặp chứng bệnh nên phát tán, thì phải xa lánh nhiệt; do đó, ngay mùa xuân cũng phải lánh xa nhiệt rồi. Những vị toan  khổ, nó có cái tính chất dũng tiết, thuộc âm. Nếu gặp chứng cần phải công lý, thì dù phải lánh xa hàn, mà lại không phải cần lánh xa hàn...
 
 (221) Đàn bà khi mới kết thai được một tháng đến hai tháng, là nhờ sư tư dưỡng của Mộc khí; tháng thứ ba, thứ tư... chủ về Hỏa khí; tháng thứ năm, thứ sáu... chủ về Thổ khí; tháng thứ bảy, thứ tám chủ về Kim khí... tháng thứ chín, thứ mười chủ về Thủy khí. Đến thời kỳ Thái dương là năm hành đã đầy đủ, do đó âm, dương, thủy, hỏa chia đều mà thành thân hình. Nhưng trước khi chưa sinh, cái khí của năm hành đều có thịnh, có hư, có thắng, có uất, nên dùng những vị có khí vị hàn, nhiệt, ôn, lương để thuận nghịch mà điều trị. Ví phỏng có bệnh mà muốn không lánh xa hàn, hoặc nhiệt... Mà cũng không hại gì đến thai khí. (Nguyên văn chữ Hán câu này là: "hữu cố, vô vẫn; diệc vô vẫn dã..."). Nếu phạm quá thì sẽ chết. Xem đó thì "hàn, nhiệt, ôn, lương" gọi là "tứ úy", phải tinh tế và cẩn thận lắm mới được.

 Án: Thai mới được bảy tháng mà sinh, phần nhiều nuôi được mà cũng thọ, là vì: tháng thứ bảy thuộc về Phế tàng tư dưỡng. Phế thuộc thiên mà chủ khí, chủ huyết. Thiên theo số "nhất" sinh ra hành Thủy, cảm cái khí của trời đất mà sinh ra, cho nên nuôi được. Tháng thứ 9, thứ 10 thuộc về sở chủ của Thiếu âm, Thái dương, đều cảm được cái khí của âm, dương, thủy, hỏa mà sinh. Nhưng nếu là tháng thứ "tám" thì thuộc Dương minh Đại trường chủ khí, vì cảm cái Phủ khí Dương minh mà sinh, nên ít khi sống được.

 (222) Đây nói về trị bệnh có phép "giả tá" (tạm mượn), vì chủ khí bất túc mà khách khí thắng. Trên kia, trị về các chính bệnh Tư thiên, có những phương pháp "dùng ôn" xa ôn, dùng lương xa lương, dùng hàn, dùng nhiệt v.v... Đó là chính pháp trị bệnh. Ở trong có ngụ cái phương pháp: "Có giả, thời trái lại v.v.". Thì tức là dùng hàn, nhiệt, ôn, lương... Mà có thể cứ phạm. Như ở trên: "Không lánh xa nhiệt, không lánh xa hàn v.v.". Vì là phát biểu, công lý mà tà khí còn ở đó.

 Nếu dùng phép "phản thường", thì dù nội thương cũng có thể "phản thường". Vậy! Hoàng Đế mới hỏi lại.

 Kỳ Bá nói: Mỗi năm sáu khí, tự có một khí làm chủ, chủ lại có khách khí nó gia lâm. Duy chủ khí bất túc, mà khách khí lại thắng, thì giả tá cái khí hàn, nhiệt, ôn, lương, để giúp đỡ chủ khí mà ứng với khách khí... Cho nên dù phạm mà cũng không phải cấm kỵ.


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >