Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương năm mươi tám - KHÍ HUYẾT LUẬN THIÊN
Chương năm mươi tám - KHÍ HUYẾT LUẬN THIÊN
23/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe khí huyết có ba trăm sáu mươi nhăm huyệt để ứng với một năm, xin cho biết rõ ra làm sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bối với Tâm cùng rút nhau vào mà đau, nên trị ở Thiên đột, Thập trùy với Thượng ký. Thượng ký tức là Vị quản; Hạ ký tức là Quan nguyên (1).

***

 Tà khí ở bối và hung, nó liên lạc với âm dương, tả hữu như vậy, phát sinh ra bệnh tiền hậu đau và rít, hung hiếp đau không thể thở, không thể nằm, khí ngược lên ngắn hơi và thiên thống. Mạch của nó "phình to ra", lệch sang cầu mạch, chằng qua hung hiếp, rẽ vào Tâm, suốt lên cách, vòng lên vai, qua Thiên đột, lệch xuống dưới vai, hỗ giao ở dưới Thập trùy (đốt xương sống thứ mười).

 Về Tàng du có 50 huyệt:

 Mỗi Tàng có năm huyệt, 5 lần 5 là 25 huyệt. Mỗi huyệt lại chia làm tả hữu 2 huyệt, nên mới thành 50 huyệt.

 Phủ du 72 huyệt (1):

 1) Sáu Phủ, mỗi Phủ có 6 huyệt, 6 lần 6 là 36. Mỗi huyệt lại chia làm tả hữu 2 huyệt, nên mới thành 72 huyệt.

 Nhiệt du 59 huyệt (1):

 1) Ở trên đầu có 5 hàng, mỗi hàng 5 huyệt, thành 25 huyệt; Đại chữ, Ưng du, Khuyết bồn, Cốt du, mỗi huyệt có 2, thành 8 huyệt; Khí nhai, Tam lý, Cự hư, Thượng, hạ liêm, mỗi huyệt có 2, thành 8 huyệt; Vân môn, Ngu cốt, Ủy trung, Túy không, mỗi huyệt có 2, thành 8 huyệt; bên cạnh Du có năm Tàng, đều có 2 huyệt, thành 10 huyệt. Hợp cả lại thành 59 huyệt.

 Thủy du 57 huyệt (1):

1) Trên xương "khu" 5 hàng, mỗi hàng 5 huyệt thành 25 huyệt; trên Phục thỏ đều có 2 hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, thành 20 huyệt; trên Khỏa đều có 1 hàng, mỗi hàng có 6 huyệt, thành 12 huyệt. Tổng cộng thành 57 huyệt. Trở lên cộng 116 huyệt.

 Trên đầu 5 hàng, mỗi hàng 5 huyệt, thành 25 huyệt (1):

 1) Trên đây lại nói về huyệt của nhiệt du một lần nữa, vì Nhiệt du tức cũng là khí huyết. Do ở nó "có thể lấy khí, có thể tả nhiệt", lại có thể khiến nhiệt tà theo khí mà tiết ra, cho nên dưới đây lại nói: "Nhiệt du tại khí huyết".

 Hai bên Trung lữ đều có 5, thành 10 huyệt. Trên hai bên Đại trùy, đều có 1, thành 2 huyệt. Phù bạch bên đồng tử mắt có 2 huyệt. Lưỡng bễ áp hai huyệt. Độc tỵ 2 huyệt. Huyệt đa sở văn ở sau tai, 2 huyệt. Hạng trung ương 1 huyệt. Chẩm cốt 2 huyệt. Thượng quan 2 huyệt. Đại nghinh 2 huyệt. Hạ quan 2 huyệt. Thiên trụ 2 huyệt. Cự hư, Thượng, Hạ liêm 4 huyệt. Khúc nha 2 huyệt. Thiên đột 1 huyệt. Thiên phủ 2 huyệt. Thiên dũ 2 huyệt. Phù đột 2 huyệt. Thiên song 2 huyệt. Kiên giải 2 huyệt. Quan nguyên 1 huyệt. Ủy dương 2 huyệt. Kiên trinh 1 huyệt. Ân môn 1 huyệt. Tề 1 huyệt. Hung du 12 huyệt. Bối du 2 huyệt. Ưng du 12 huyệt. Phận phục 2 huyệt. Khỏa thượng hoành 2 huyệt. Âm, Dương kiều 4 huyệt.

 Thủy du ở các phận nhục; nhiệt Du đại khí huyết; hàn nhiệt Du tại "lưỡng hài" (2).

 Áp trung 2 huyệt.

 Một huyệt đại cấm (cấm rất ngặt) 25 thích, ở dưới huyệt Thiên phủ 5 tấc (3).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Tôi đã được biết rõ khí huyết ở những nơi đâu, nhờ cách dùng châm rất được dễ dàng. Nhưng còn tôn lạc và khê, cốc tương ứng như thế nào, xin cho biết...

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tôn lạc có 365 huyệt hội, cũng để ứng với một năm, vừa để thông vinh, vệ, có khi lại sinh những bệnh lạ lùng.

 Nếu vinh, vệ bị ngừng đọng. Vệ tán, vinh tràn, khí kiệt, huyết nghẽn, thì bên ngoài sẽ phát hàn nhiệt, bên trong thì thành thiểu khí... Phải "tả" ngay đừng chậm, để cho vinh, vệ lại được giao thông. Vậy thấy sắc lại hiện lên thì tả ngay, không cần phải xét đến "sở hội" (4).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết huyệt hội của khê, cốc thế nào?

 Kỳ Bá thưa:

 - Nơi đại hội của nhục gọi là cốc, nơi tiểu hội của nhục gọi là khê, ở trong khoảng phận nhục và nơi hội của khê cốc, là để hành vinh, vệ, để tụ hội đại khí (5).

***

 Tả nhiều, khí nghẽn, mạch nhiệt, nhục bại, vinh vệ không lưu hành được, sẽ phải hóa thành mủ; trong làm tiêu hao cốt tủy, ngoài làm nứt vỡ bọng chân... Rồi lưu hành mãi ở các khớp xương, sẽ cùng gây nên tật bệnh.

 Hàn tích ở bên trong vinh, vệ không thuận, thịt nhăn, gân co, khuỷu tay không duỗi ra được. Bên trong thành chứng cốt tý, bên ngoài thành chứng bất nhân. Gọi là "bất túc" đó là bởi khí đại hàn ngừng trệ ở khê, cốc mà gây nên.

 Khê và cốc, 365 huyệt hội, cũng để ứng với một năm. Nếu khí vít tầm thường, chỉ tràn lan đi lại ở trong mạch, châm nhẹ có thể tới, thì phép châm cũng như các nơi khác. Vậy về mạch tôn lạc, cũng còn thứ khác hẳn với kinh mạch. Nếu huyết thịnh thì cần phải tả bỏ đi, cũng có 365 mạch, đều rót vào lạc, rồi lại truyền sang 12 lạc mạch, chứ  không chỉ riêng 14 mạch lạc mà thôi.

Chú giải

 (1) Trên đây nói Tâm, tức là bao quát cả Tâm hung. Bối thuộc dương, phúc thuộc âm, Đốc mạch vòng ở lưng, "tổng đốc" toàn thể khí dương ở thân hình; Nhâm mạch vòng ở phúc, "thống nhậm" toàn thể khí âm ở thân hình. Đoạn này chỉ nói về hai khí Âm Dương, đều thuộc về chuyên chủ của hai mạch Đốc, Nhâm, rồi mới nói đến khí của âm dương đều có huyệt riêng làm nơi phát nguyên cả.

 (2) Đoạn này nói: Cái tà hàn nhiệt, đều do khí phận mà ra. Trăm bệnh khi mới phát sinh, đều phát sinh bởi phong, vũ, hàn, thử. Phong với thử là khí dương nhiệt của trời; vũ với thủy là khí âm hàn của đất. Cảm cái khí hàn nhiệt của trời đất, thì phát bệnh tại âm dương của con người. Vậy cái tà ở khí phận phải do khí phận mà ra, nên thiên này gọi là Khí huyết luận. Đó là nói: Trở lên 365 độ, để ứng với cái khí số của chu thiên, để mà "thủ khí" và "tả tà". "Các phận nhục", tức là đại, tiểu phận nhục và khí phận ở bì phu cơ tấu. "Khí huyệt" tức là nơi vinh, vệ, khí huyết "rót" cả vào đấy. "Lưỡng hài" và "Áp trung" hai huyệt, tức là huyệt Dương lăng toàn của túc Thiếu dương. Phàm khí của mười một Tàng, Phủ đều "thủ quyết" ở Đởm, vì Thiếu dương chủ về cái khí sơ sinh. Cho nên về khí hàn nhiệt, chuyên "lấy" ở Lưỡng hài và Áp trung... Đủ chứng tỏ rằng: Dù ở Tàng, dù ở Phủ, cái tà hàn nhiệt đều theo khí của Thiếu dương để thăng giáng.

 (3) Huyệt này tức là huyệt Ngũ lý thuộc thủ Dương minh Đại tràng kinh. Nếu thích ở huyệt này tới 25 thích, thì khí của năm Tàng sẽ kiệt mà chết, nên phải đại cấm.

 Tổng cộng ba trăm sáu mươi lăm huyệt, đều là nơi dùng châm để thích (1).

 1) Án: Từ huyệt Thiên đột, Thập trùy, Thượng ký, Quan nguyên... Đến Áp trung, cộng được 364 huyệt, mà tựu trung còn có nhiều chỗ trùng phúc, chắc vì lâu ngày sách vở rách nát thiếu sót nên mới thành như vậy. Nhưng cũng không biết kê cứu vào đâu để bổ khuyết chỗ đó. Nên trên đây đành để là một đoạn khuyết nghi.

 (4) Tôn lạc bên ngoài thông với bì phu, bên trong liền với kinh mạch để giao thông với vinh, vệ. Cho nên hễ tà phạm vào, thì vinh, vệ ngưng đọng, không thể cùng lưu hành được với nhau, do đó khí bị kiệt mà huyết bị nghẽn. Tà khí ở bên ngoài thì phát hàn nhiệt; ở bên trong thì thành thiểu khí. Phải dùng châm tả ngay đi để cho vinh, vệ lại được giao thông. Vậy hễ thấy chỗ nào huyết lưu sắc biến thì thích ngay, không cần phải hỏi huyệt hội của nó ở đâu nữa.

 (5) Về nhục (thịt) có chia ra đại phận và tiểu phận. Đại phận như thịt ở cánh tay, bắp đùi, đều có giới hạn, tiểu phận như bên trong cơ nhục đều có văn lý (thớ, khe). Nhưng đường lối dù khác nhau mà vẫn cùng hội hợp với nhau. Vậy cái nơi đại phận, tức là cái nơi đại hội; mà nơi tiểu phận, tức là nơi tiểu hội; Trong khoảng "phận hội" đó, cốt để giao thông cái khí của vinh, vệ. Nên mới gọi là khê, cốc. Đại khí tức là Tông khí.

 Án: Vinh khí phát sinh tự Trung tiêu do cái chất tính của thủy cốc chảy ràn vào trong mạch, phân tán ra ngoài mạch. Cái thứ chuyên ở kinh, thì dẫn đi ở trong kinh toại (luồng mạch). Kinh toại là đại lạc của Vị, cùng một công dụng với các đại lạc của năm Tàng sáu Phủ; Vậy vinh khí có một phần lưu hành ở trong mạch, cũng lại có một phần lưu hành ở ngoài mạch, lại có một phần cùng với Tông khí phát sinh bởi Kinh toại của Vị, rồi "rót" vào đại lạc của năm Tàng, để dẫn ra ngoài khoảng Cơ tấu. Hai thứ khí đó vẫn cùng hội hợp, cho nên nói: "Để hành vinh vệ, để hội đại khí...". Tiết trên nói về vinh khí ở trong mạch, cùng vệ khí giao thông ở khoảng tôn lạc. Tiết này nói về cái vinh khí phân tán, cùng với vệ khí, tông khí, đại hội ở ngoài phận nhục. Nghĩa là vệ khí thông vào trong mạch và vinh khí dẫn hành ở ngoài mạch vậy.

 (6) Đây là nói: ngoài 14 mạch lạc, còn 12 mạch lạc, Mười bốn mạch lạc, tức là mạch của 12 Tàng, Phủ và hai mạch Nhâm, Đốc. Cộng với 14 đại mạch. Còn 12 mạch lạc tức là chính kinh của 12 Tàng, Phủ. Vậy là 12 chính kinh, cộng với 14 đại lạc cùng thông mà 14 đại lạc cùng 365 lạc cùng thông. Sự giao thông rất phức tạp, nếu không tinh, không sao nhớ được.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >