Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương năm mươi sáu - BÌ BỘ LUẬN THIÊN
Chương năm mươi sáu - BÌ BỘ LUẬN THIÊN
23/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi:

 - Tôi nghe bì (da) có phận bộ, mạch có kinh kỳ, cân có kết lạc, cốt có độ lượng... Chủ về bệnh đều có khác nhau. Vậy tả, hữu, trên, dưới và âm, dương ở đâu, sinh ra bệnh trước sau thế nào, xin cho biết rõ.

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Muốn biết bì bộ, phải dùng kinh mạch để ghi nhớ. Các kinh khác đều như vậy (1).

***

 Dương mạch của Dương minh gọi là Hai phi. Trên dưới (tức thủ túc Dương minh) cùng một phép xét nhận. Hễ thấy trong bộ phận nào, có "phù lạc" hiện lên, tức là lạc của Dương minh. Trông xem sắc của nó, nếu xanh nhiều là "thống", đen nhiều là "tý", hoàng và xích là nhiệt, trắng nhiều là hàn. Nếu năm sắc đều hiện là vừa hàn vừa nhiệt. Ở lạc mà thịnh (nhiều) sẽ dẫn vào kinh (2). Dương chủ về bệnh ở ngoài, âm chủ về bệnh ở trong (3).

***

 Dương lạc của Thiếu dương gọi là Khu trì. Trên dưới cùng một phương pháp. Hễ thấy trong bộ phận có "phù lạc" hiện lên, tức là lạc của Thiếu dương. Lạc thịnh thì dẫn vào kinh. Cho nên ở dương thì chủ dẫn vào, ở âm thì chủ dẫn ra, để lại thấm vào trong. Các kinh khác đều như vậy (4).

***

 Dương lạc của Thái dương gọi là Quan khu, trên dưới cùng một phương pháp. Hễ thấy trong bộ phận có phù lạc hiện lên, tức là lạc của Thái dương. Lạc thịnh thì dẫn vào kinh.

 Âm lạc của Thiếu âm gọi là Quan khu. Trên dưới cùng một phương pháp. Hễ thấy trong bộ phận có phù lạc hiện lên, tức là lạc của Thiếu âm. Lạc thịnh thì dẫn vào kinh. Khi dẫn vào kinh, qua dương bộ để rót vào kinh; khi dẫn ra, do âm bộ rót vào trong cốt (5).

***

 Âm lạc của Tâm chủ gọi là Hạ kiên. Trên dưới cùng phương pháp. Hế thấy trong bộ phận có phù lạc hiện lên, tức là lạc của Tâm chủ. Lạc thịnh thì dẫn vào kinh ("Trên" tức thủ Quyết âm Tâm chủ, "dưới" tức túc Quyết âm Can).

 Âm lạc của Thái âm gọi là Quan trập. Trên dưới cùng phương pháp. Hễ thấy trong bộ phận có "phù lạc" hiện lên, tức là lạc của Thái âm. Lạc thịnh thì dẫn vào kinh.

 Phàm lạc mạch của mười hai kinh, đều có hiện ra ở bì bộ.

 Xem đó thì biết: Trăm bệnh khi mới phát sinh đều trước từ bì mao. Tà trúng vào nó thì tấu lý mở ra. Tấu lý mở ra thì phạm vào lạc mạch. Nếu cứ để nó ở đó mà không tả bỏ đi, thì nó sẽ truyền kinh. Vào kinh mà vẫn để vậy, thì nó lại truyền vào Phủ, và ký túc ở Trường, Vị.

 Tà khí mới phạm vào bì mao, thì các chân lông đều "sẩn" cả lên, rồi tấu lý mở ra mà dẫn vào lạc. Khi vào lạc thì lạc mạch thịnh, sắc biến đi. Khi dẫn vào kinh, thì khí của Tàng Phủ bị hư mà lõm xuống. nếu lưu ở khoảng cân cốt, hàn nhiều thì cân rút, cốt đau; nhiệt nhiều thì cân trùng, cốt tiêu, thịt sút, xương khoai nứt nẻ, lông tóc cứng thẳng, các bại chứng đều phát sinh.

 - Mười hai bộ của bì, phát sinh bệnh thế nào?

 - Bì là bộ phận của mạch. Tà phạm vào bì thì tấu lý mở ra, do đó tà phạm vào lạc mạch; lại do lạc mạch phạm vào kinh mạch. Kinh mạch mãn thì phạm vào Tàng, Phủ. Vậy biết bì cũng có bộ phận, vì khi bất cập mới gây bệnh, nên bệnh lớn.

Chú giải

 (1) Luồng mạch đi thẳng mà ở sâu gọi là kinh; luồng mạch nổi hiện lên trong da là lạc. Muốn biết phận bộ của bì, nên nhận ở lạc mạch là cái mình có thể trông thấy được để phân biệt. Nhưng vẫn phải lấy kinh mạch làm tiêu chuẩn. Bởi "lạc" chỉ là con đường "nhánh" của "kinh", như kinh mạch của Phế, dẫn đi trong khoảng Ngư tế, thiếu trạch, Nhu lặc, vậy ta cứ dò các nơi đó để tìm nhận lạc mạch của Phế... Mà cái "bì" ở bên ngoài nơi lạc mạch hiện lên đó, tức là bộ phận của Phế làm chủ. Ta trông sắc nó, nếu xanh nhiều thuộc hàn, hoàng hoặc xích thuộc nhiệt. Lạc hư thì dẫn vào kinh. Kinh "mãn" thời ký túc luôn vào Phế tàng... Mười hai kinh kia đều như vậy.

 (2) Phàm tà trúng vào con người, bắt đầu từ bì phu, rồi đến lạc mạch. Nếu cứ lưu ở đó, sẽ truyền vào kinh. Nên nhận xét cái sắc của phủ lạc ở bì bộ, có thể tìm được chứng hậu ra sao. Tà ở lạc đã thịnh mà không "tả" bỏ đi, nó sẽ dẫn vào kinh. Tà ở bộ phận Dương minh, sẽ phát sinh chứng hậu của Dương minh, tại các kinh kia cũng vậy.

 (3) Đây nói về kinh lạc chia ra âm dương và nội ngoại. Kinh nói: "Nội" có âm dương, "Ngoại" cũng có âm dương. Về ngoại, bì phu là dương,, cân cốt là âm. Cho nên hiện ra ở ngoài bì phu và lạc, thuộc dương; mà chủ về bệnh ở bên ngoài. Chằng vào trong khoảng cân cốt là kinh, thuộc âm, mà chủ về bệnh ở bên trong.

 (4) Đoạn này lại nói kinh khí từ trong mà dẫn ra ngoài. Năm Tàng trong hợp với năm hành, tức là âm dương của đất. Sáu kinh ngoài hợp với sáu khí, tức là âm dương của trời. Sáu khí của trời, hợp với năm hành của đất ở dưới; năm hành của đất, hợp lên với sáu khí của trời. Vì vậy, khí của sáu kinh ở ngoài, theo khí dương mà dẫn vào trong; khí của kinh mạch ở trong, theo khí âm mà dẫn ra ngoài. Ra tới bì phu, lại do bì phu mà dẫn vào cơ nhục, cân, cốt để thấm nhuần vào mạc nguyên của Tàng Phủ, rồi lại suốt thẳng vào Tàng, Phủ. Đó là sự tuần hoàn của kinh mạch.

 (5) Đoạn này, nói về sự tuần hoàn của mạch khí, do kinh dẫn ra, lại từ ngoài dẫn vào mà "rót" vào cốt. Các kinh đều thế. Trên đây là nói về ba kinh âm, mà Thiếu âm lại chủ về mùa đông và cốt, nên lại thuật lại cho rõ.

 Án: Câu "Khi dẫn vào kinh, qua dương bộ để rót vào kinh...". Đó là nói tà khí từ ngoài dẫn vào. Câu "Khi dẫn ra, do âm bộ rót vào trong cốt...". Đó là nói chính khí từ trong dẫn ra ngoài.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >