Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương năm mươi hai - THÍCH CẤM LUẬN
Chương năm mươi hai - THÍCH CẤM LUẬN
23/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết: về phép thích, có chứng cấm (kỵ) gì?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tàng có các chỗ yếu hại, phải xét cho kỹ, Can sinh ra ở bên tả, Phế sinh ra ở bên hữu. Tâm giữ bộ phận ở biểu, Thận chủ trị ở lý. Tỳ là một cơ quan chức sứ, Vị là một cơ quan như nơi chợ. Phía trên Cách, Hoang, trong có cha mẹ (tức âm dương). Bên cạnh đốt xương thứ bẩy, trong có Tiểu tâm (1). Thuận theo thời lành, trái ngược thời dữ (2).

***

 - Thích trúng Tâm, một ngày chết. Lúc mới phát động, là chứng ợ (ợ do Tâm; tức Tâm khí tuyệt)

 - Thích trúng Can, năm ngày chết. Lúc mới phát động là nói luôn miệng.

 - Thích trúng Thận, sáu ngày chết. Lúc mới phát động là chứng ho.

 - Thích trúng Tỳ, mười ngày chết. Lúc mới phát động là chứng thôn (nuốt nước miếng). Tỳ chủ về Diên (nước miếng). Tỳ khí tuyệt, không thể thấm rưới ra bốn bên, nên sinh chứng như vậy (3).

 - Thích trúng Đởm, một ngày rưỡi chết. Lúc mới phát động, là chứng ẩu (ọe).

 - Thích trên phụ (xương khoai) trúng vào đại mạch, huyết ra không dứt, sẽ chết.

 - Thích ở mặt, trúng Lưu mạch, bất hạnh sẽ thành chứng manh (tức thong manh, mắt không hỏng mà không trông thấy, vì mạch này chằng lên mắt).

 - Thích ở đầu, trúng vào não bộ (huyệt của Đốc mạch) chạm vào não, sẽ chết.

 - Thích ở dưới lưỡi (huyệt Liêm tuyền), trúng vào mạch mà thái quá, huyết ra nhiều, sẽ ấm (tựa như câm, không nói được).

 - Thích Bố lạc ở dưới chân, đã trúng mạch, mà huyết không ra, sẽ thành thũng.

 - Thích ở Khích (tức Ủy trung), trúng đại mạch - sẽ ngất đi, sắc mặt bợt.

 - Thích ở Khí nhai, trúng mạch, huyết không ra, sẽ xưng ở hai huyệt Thử, Bộc giáp nhau.

 - Thích ở tích (đường xương sống), trúng tủy sẽ thành chứng gù lưng.

 - Thích ở trên vú, trúng Nhũ phòng, sẽ xưng - rồi loét ra.

 - Thích ở huyệt Khuyết bồn, trúng Nội hãm, khí sẽ tiết ra, thành chứng xuyễn, khái nghịch.

 - Thích huyệt Ngư phúc ở tay, mạch hãm vào trong, sẽ thành thũng.

 - Đừng thích lúc quá say, khiến người khí loạn; đừng thích lúc quá giận, khiến người khí nghịch; đừng thích lúc quá nhọc, đừng thích lúc vừa ăn no, đừng thích lúc đương đói, đừng thích lúc đương khát, đừng thích lúc quá sợ.

 - Thích âm cổ, trúng địa mạch, huyết ra không dứt, sẽ chết.

 - Thích huyệt Khách chủ nhân, hãm vào trong trúng mạch, sẽ thành chứng nội lậu (nước chảy từ trong tai ra), chứng điếc.

 - Thích ở xương đầu gối, rỉ ra nước, sẽ thành chứng bá (thọt, chân cao chân thấp).

 - Thích mạch Thái âm ở tay, ra huyết nhiều, chết ngay (4).

***

 - Thích ở Ưng, trúng huyệt Hãm trung, phạm vào Phế, sẽ thành chứng xuyễn, nghịch.

 - Thích ở khuỷu tay, không tả được tà, khí lại về theo sẽ không co ruỗi được (khuỷu tay, tức huyệt Xích trạch thuộc thủ Thái âm).

 - Thích ở phía dưới âm cổ ba tấc mà nội hãm, khiến người thành chứng di niệu (són đái).

 - Thích ở dưới nách, khoảng Hiếp mà nội hãm, khiến người phát khái.

 - Thích ở Thiếu phúc, trúng Bàng quang, nước tiểu ra rồi mà Thiếu phúc vẫn hư mãn.

 - Thích ở bọng chân mà Nội hãm, sẽ thũng.

 - Thích ở mi mắt, mà hãm vào mạch Cốt trung, sẽ thành chứng lậu, hoặc thong manh.

 - Thích ở trong các quan tiết (khớp xương) mà có nước rỉ ra, chân tay sẽ không có ruỗi được.

Chú giải

 (1) Bên cạnh đốt xương thứ bảy, tức là khoảng Cách du, "tiểu" là nói sự nhỏ nhặt. "Trong có Tiểu tâm", là nói: Tâm khí tiết ra khoảng đó, rất vi tế, không thể nghịch - thích, khiến Tâm khí bị thương. Bởi, bối là Dương, Tâm là dương ở trong Thái dương. Phàm khí của Tàng Phủ đều do Cách mà ra, chỉ có Tâm khí là dẫn lên ở Du.

 (2) Khí của Tàng Phủ đều từ trong Cách mà ra. Nếu nghịch thích Tâm khí, thời sẽ thương Tâm; nghịch thích Can khí thời sẽ thương Can... Chứ không phải châm trúng hẳn vào Tâm hay Can, mới là bị thương đâu.

 (3) Tâm là Thái dương ở trong Dương, Phế là Thiếu âm ở trong Dương, Can là Thiếu dương ở trong âm... Ba tàng đó đều là Dương tàng, nên chết về những ngày 1, 3, 5, thuộc số lẻ. Thận là âm ở trong Thái âm, Tỳ là chí âm ở trong âm, cho nên chết về những ngày 6, 10, thuộc số chẵn.

 (4) Mạch Thái âm ở cánh tay, tức là Phế mạch, Phế chủ về thông hành vinh vệ âm dương. Giờ huyết ra nhiều, thời Doanh, Vệ không tiếp tục được nữa, nên mới chết ngay.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >