Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 30. Phân loại khí (Khí quyết)
30. Phân loại khí (Khí quyết)
13/09/2018
Nội dung: Nói về sự hình thành và công dụng của tinh khí, tân dịch, huyết mạch, và đặc điểm của chúng khi ở trạng thái không đủ. Nêu rõ nguồn gốc của chúng, đều là tinh vi của thức ăn và đều do khí hậu thiên - chân khí hóa thành. Quyết có nghĩa là phân, một khí phân thành sáu loại.

Hoàng đế: Người có tinh, khí, tân, dịch, huyết, mạch, tuy có gốc là cùng một khí, song lại chia làm 6 loại. Tại sao?

Kỳ Bá: Lưỡng thần tương tác (nam nữ giao hợp), có thai thành hình, (vật chất) sinh ra trước thân thể nên gọi là tinh.

Hoàng đế: Khí là gì?

Kỳ Bá: Thượng tiêu đưa tinh vi của thức ăn uống đi toàn thân để ôn dưỡng da, bổ sung cho thân thể, nhuận lông tóc, chất tinh vi đó như sương sa gọi là khí.

Hoàng đế: Tân là gì?

Kỳ Bá: Mồ hôi chẩy dầm dề khi tấu lý phát tiết gọi là Tân.

Hoàng đế: Dịch là gì?

Kỳ Bá: Thức ăn vào vị, sinh ra khí huyết, làm khí đầy ắp, tràn trề ra để tưới vào xương, làm cho khớp trơn, để vào trong nuôi nhuận não tủy, làm nhuận da là dịch.

Hoàng đế: Huyết là gì?

Kỳ Bá: Trung tiêu tiếp thu thức ăn uống, hấp thu tinh vi của nó, qua tác dụng khí hóa biến tinh vi thành mầu đỏ là huyết.

Hoàng đế: Mạch là gì?

Kỳ Bá: Như ống dẫn để dinh khí tuần hành không cho đi lung tung gọi là mạch.

Hoàng đế: 6 khí này (tinh, khí, tân, dịch, huyết, mạch) có lúc thừa, có lúc thiếu. Vậy khí nhiều hay ít, não tủy hư hay thực, huyết mạch thanh hay trọc, làm thế nào để biết được?

Kỳ Bá: Tinh thoát thì ù tai; Khí thoát thì mờ mắt; Tân thoát thì tấu lý khai, ra mồ hôi nhiều; Dịch thoát thì xương co duỗi khó, sắc mặt khô không nhuận, nước não tủy ít nên sức não yếu, bắp chân nhức mỏi, tai ù từng cơn. Huyết thoát thì sắc trắng bệch, (khô) không nhuận, mạch rỗng hư.

Hoàng đế: Tình hình thịnh suy của 6 khí này như thế nào?

Kỳ Bá: Trong 6 khí, mỗi khí đều có vị trí và tạng phủ của nó (Khí nuôi da, Tân phát ra ở tấu lý, Dịch nhuận khớp, nuôi não. Mạch đi vào tạng phủ và toàn thân; Thần chủ tinh, Phế chủ khí, Tỳ chủ tân dịch, Can chủ huyết, Tâm chủ mạch). Trong lúc đúng hoặc không đúng thời tiết, trong khi sáu khí này tương sinh bình thường, hoặc thái quá hay bất cập, thường lấy cái chuẩn là tính chất tạng phủ có quan hệ với chúng. Do chúng có cùng nguồn gốc là thức ăn uống, và thức ăn đã được tiêu hóa hấp thụ vận chuyển ở tỳ vị, cho nên vị được gọi là bể của thức ăn uống, là nguồn gốc của 6 khí (Thủy cốc chi hải).


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >