Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương ba - SINH KHÍ THÔNG THIÊN LUẬN
Chương ba - SINH KHÍ THÔNG THIÊN LUẬN
16/12/2017
KINH VĂN

 Hoàng Đế nói:

 - Các bậc Thánh triết đời xưa hiểu suốt (thông) lẽ trời, biết rằng "khí trời là cái gốc của tính mệnh con người". Trời lấy hai khí Âm Dương để sinh ra muôn vật, mà tính mệnh của người là gốc của Âm Dương; cho nên ở trong khoảng sáu cõi (2) khí đó phân tán ra ở trên mặt đất, chia làm chín châu (3), khí đó phân tán ra ở con người, thành ra chín khiếu (4). Năm Tàng (5) và mười hai khớp xương (6) đều cùng thông với thiên khí. Những phần tử để sinh ra con người nhờ ở năm hành và ba khí (7). Nếu không cẩn thận, hằng phạm phải những khí đó, sẽ sinh tật bệnh. Trái lại, nếu biết cẩn thận, sẽ được sống lâu. Thiên khí là một thứ rất trong sạch, ta hay thể theo cái khí trong sạch ấy mà giữ mình, thì "chí ý" tự an tĩnh, mà cái dương khí bao bọc quanh mình ta cũng kín đáo, dù có "tặc tà" cũng không làm gì được. Chỉ có bậc Thánh nhân là hay đề phòng như vậy. Còn người thường thì trái với lẽ đó, nên trong thì chín khiếu bế nghẽn, ngoài thời cơ phu bị vít, cái Dương khí bao bọc bên ngoài tan rã, đó là tự mình gây nên bệnh.

* * *

 Dương khí ở con người, như "thiên" với "nhật". Nếu làm sai lạc mất địa vị của nó, sẽ không thể sống được. Thiên đức lúc nào cũng kiện vận không ngừng, nên mặt trời sáng tỏ; Dương khí ở con người cũng do đó mà bao bọc ở bên ngoài. Dương khí vốn gốc ở Chí âm, bên ngoài gặp phải khí hàn, tức thì Dương khí từ bên trong ứng ra để cản lại. Sự ứng ra ấy nhanh chóng như xoay cối cửa (nên gọi là vận khu) (VIII).

* * *

 Gặp phải "thử" và "hãn" sẽ thành ra phiền và thở gấp. Nếu không phiền, sẽ nói nhiều; mình nóng như than, hãn ra thì khỏi(9).

* * *

 Gặp phải thấp (khí ẩm), đầu nặng như đội; thấp phạm vào Dương khí, nhân đó mà hóa nhiệt. Dương khí vốn là một vật nhuần nuôi các đường gân, giờ Dương khí bị thương; gân sẽ mắc bệnh. Các gân nhỏ co rút lại, các gân lớn buông chùng ra, thành ra bệnh câu loan và túng thi (co quắp rã rời không cử động được). Có khi lại sưng thũng cả tứ chi (bởi Dương khí không vận hành ra tứ chi nên sưng thũng).

 Nếu lại quá nhiều phiền lao thì Dương khí bị phân tán ra bên ngoài, không có đủ năng lực để bảo vệ Âm khí ở bên trong, tinh sẽ tự tiết ra mà háo kiệt. Nếu ở mùa Hạ thì thành chứng tiên quyết (tức chân tay giá lạnh); tinh khí hư, nên mắt mờ, trông không tỏ, tai ù không nghe rõ.

 Dương khí thông ra bì phu, tấu lý (thớ thịt, bắp thịt), nếu tức giận quá độ thì khí nghịch lên, huyết cũng theo mà uất lên bộ phận trên, gây nên chứng "bạc quyết" (toàn thân giá lạnh), gân nhờ có huyết mới thấm nhuần mềm mại; giờ huyết bị uất, gân không được thấm nhuần, nên mới thành ra rã rời không thể cử động.

 Nếu hãn ra chỉ có nửa mình (10) sẽ sinh ra chứng thiên khô (11), nếu hãn ra mà gặp thấp, sẽ thành chứng mọc các mụn nhỏ lấm tấm (12). Những người mà ăn nhiều thức cao lương, phần nhiều mọc đinh (13). Hãn ra gặp gió, khí lạnh át lại, sẽ uất thành các mụn nhỏ như nốt sởi (14). 

***

 Dương khí, cái chất "tinh" của nó thì nuôi thần, cái tinh "nhu" của nó thì nuôi gân (15). Nếu sự "khai hạp" (16) của nó bị vướng mắc, sẽ bị hàn tà phạm vào. Phạm vào đường xương sống, thì thành bệnh "gù". Nó lưu luyến ở trong mạch máu, trong thớ thịt, thì làm thành chứng "tê", hoặc phạm vào Tâm tàng thì thành chứng hay sợ, hay hãi, hoặc phạm vào khí phận ở trong các thớ thịt thì thành chứng mụn sưng (17).

 Nếu hãn ra chưa hết, nhiệt còn lưu luyến ở trong tấu lý, huyệt Du (18) bị vít, sinh chứng phong ngược (19).

* * *

 Ta nên biết rằng, "phong" đứng vào hàng đầu mối trăm bệnh. Nếu tấu lý bền kín, thì dù có gió độc cũng không làm gì được (20).

 Bệnh tà nếu để lưu luyến lâu, nó sẽ truyền hóa, trên dưới không thông. Lương công không để cho như vậy, phải chính trị ngay từ trước (21).

 Dương khí ban ngày thì chủ về bên ngoài. Lúc mờ sáng khí ấy mới phát triển, đúng trưa thời toàn thịnh, quá chiều thì đã hư, khí môn bắt đầu đóng (22).

* * *

 Vậy nên về phần đêm nên giữ gìn, đừng quá dùng sức gân xương, đứng ra hóng xương móc. Nếu trái lẽ ấy sẽ không khỏi mắc bệnh (23).

 Kỳ Bá nói:

 - Âm chủ về tàng tinh, mà thường bồng lên để ứng với bên ngoài; Dương chủ  về bảo vệ ở bên ngoài cho Âm được bền vững kín đáo (24).

 - Âm không thắng được Dương thì luồng mạch chảy gấp, sẽ phát bệnh cuồng (25).

 - Dương không thắng được Âm thì khí của năm Tàng tranh giành nhau, do đó chín khiếu không thông (26).

* * *

 Chỉ bậc Thánh nhân biết điều nhiếp Âm Dương, khiến cho gân mạch điều hòa, xương tủy bền chặt; khí huyết đều thuận, nên trong ngoài hòa hợp, "tà" không thể làm hại, tai mắt sáng tỏ (27).

 Phong phạm vào khí, tinh sẽ mất; nhân lại phạm vào cả Can (28). Nếu lại thêm sự ăn quá no, gân mạch tức thời sụt lỏng, Đại trường nhiệt tích mà gây nên bệnh trĩ (29). Hoặc vì uống quá nhiều thì khí nghịch; nếu lại quá dùng sức, Thận sẽ bị thương, do đó thành chứng đau ở cao cốt (30). Tóm lại, cái cốt yếu của Âm Dương, dương có bền bỉ thì sinh mệnh mới được vững vàng (31).

* * *

 Hai khí ấy nếu không điều hòa, như có Xuân không có Thu, có Đông không có Hạ. Nếu làm cho nó điều hòa tức là phương pháp của bậc Thánh nhân.

 Nếu Dương bị tà phạm, không thi hành cái nhiệm vụ làm bền ở bên ngoài, Âm sẽ bị mất ở bên trong.

 Âm bình Dương bí tinh thần sẽ trị, Âm Dương ly biệt tinh khí sẽ tuyệt.

 Gặp phải lộ (móc) và phong sẽ sinh bệnh hàn nhiệt. Mùa Xuân bị thương về phong tà, khí lưu liên sẽ thành chứng đỗng tiết (tả); Hạ bị thương về thử, tới mùa Thu sẽ sinh chứng ngược; Thu bị thương về thấp, ngược lên thành chứng ho, phát ra thành chứng nuy quyết; Đông bị thương về hàn, sang Xuân sẽ thành ôn bệnh (33).

 Tà khí của bốn mùa, lại làm thương cả năm Tàng (34).

 Âm tinh sinh ra, gốc từ năm vị; Thần của năm Tàng, bị thương bởi năm vị (35).

 Vì vậy nên: - Vị nếu quá chua, Can bị đẫm ướt, Tỳ khí sẽ bị tuyệt (36).
                   - Vị nếu quá mặn, đại cốt nhọc mệt, cơ nhục bị sút, Tâm khí bị chèn nén (37).
                   - Vị nếu quá ngọt, Tâm khí thở gấp và đầy, da sạm đen, Thận khí không yên (38).
                   - Vị nếu quá khổ (đắng), Tỳ khí không thấm nhuần, vị khí sẽ quá hậu (39).
                   - Vị nếu quá tân (cay), gân mạch rã rời, tinh thần sẽ bị hại (40).

 Vì thế phải cẩn thận điều hòa năm vị, khiến cho xương cứng, gân mềm, khí huyết lưu thông, tấu lý sẽ bền chặt kín đáo. Như thế sẽ được vô bệnh và sống lâu (41). 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >