Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương hai - TỨ KHÍ ĐIỀU THẦN LUẬN
Chương hai - TỨ KHÍ ĐIỀU THẦN LUẬN
14/12/2017
KINH VĂN

 Ba tháng mùa Xuân gọi là Phát trần (2), khí của trời đất mới phát sinh, muôn vật đều nảy nở tươi tốt. Đêm nằm, dậy sớm, đi dong dẻo ngoài sân, buông xõa tóc, nới rộng áo, để cho "chí" sinh ra (3). Chỉ sinh mà không sát; chỉ cho mà không đoạt (cướp lấy), chỉ thưởng mà không phạt (4). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Xuân, tức là cái đạo dưỡng sinh vậy. Nếu trái lại, sẽ thương đến Can, không đủ khí giúp sự phát triển của Tâm, tới mùa Hạ biển ra bệnh hàn... (5).

* * *

Ba tháng mùa Hạ gọi là Phồn tú (6). Khí của trời đất giao nhau (7) muôn vật nở hoa, kết quả. Đêm nằm dậy sớm, chớ ngại ngày dài (VIII). Đừng để trong "chí" có sự giận dữ, cho thần khí được thư thái. Để cho khí bên trong được tuyên tiết ra bên ngoài, không bị vít lấp (9). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Hạ, tức là cái đạo dưỡng sinh vậy. Nếu trái lại sẽ thương đến Tâm, đến mùa Thu biến ra bệnh ngược (sốt rét, úi...). Tâm khí ít không giúp được sự thu liễm của Phế, mùa đông tất lại mắc thêm bệnh (10).

 Ba tháng mùa Thu gọi là Dung bình (11), khí trời hanh ráo, khí đất trong sáng (12). Nằm sớm, dậy sớm theo tiếng gà gáy (13). Để cho "chí" được an ninh, làm dịu bớt sự túc sái của mùa Thu; thâu liễm thần khí, cho Phế khí được trong sạch (14). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Thu, tức là phương pháp giúp sự thâu liễm vậy. Nếu trái lại, sẽ thương đến Phế; không đủ khí giúp cho sự thu tàng, mùa Đông sinh ra bệnh xôn tiết (thổ tả) (15).

* * *

 Ba tháng mùa Đông gọi là bế Tàng (16). Nước đóng thành băng, đất nứt nẻ, không nên làm phiền nhiễu Dương khí (17). Nằm sớm, dậy muộn, nên đợi lúc mặt trời mọc, khiến cho "chí" như ẩn nấp, như giấu giếm, để cho khí của Tâm với Thận giao nhau, lánh nơi rét tới nơi ấm, đừng để bì phu bị lõa lồ tuyên tiết, làm động tới căn khí ở bên trong (18). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Đông, tức là cái đạo giúp sự thâu tàng vậy. Nếu trái lại sẽ thương đến Thận, không đủ khí giúp sự sinh trưởng của Can, tới mùa Xuân, tất sinh bệnh nuy, quyết (19).

* * *

 Thiên khí vốn trong sạch, sáng sủa (20), "tàng đức" vận động không ngừng, nên không cần phải giáng xuống mà cũng như giáng xuống (21). Nếu thiên khí không "tàng" mà lại sáng tỏ, thì nhật nguyệt sẽ không còn sáng, mà hư tà sẽ làm hại không khiếu (22). Nếu Dương khí bị vít lấp, thì địa khí sẽ tràn ngập lên (23), khiến cho mây mù đông đặc, bạch lộ không thể xuống (24), các loài cỏ cây cũng bị khô héo, úa vàng (25). Do đó, tặc phong, bạo vũ, dồn dập tới luôn; cái khí hậu của bốn mùa cũng thành ra trái ngược lẫn lộn. Con người sinh sống trong khoảng đó, nếu không biết giữ mình cho đúng phương pháp thì tránh sao khỏi nguy đến tính mệnh.

 Chỉ có bậc Thánh nhân là hay thuận theo thời khí để giữ mình, cho nên không mắc phải những tật bệnh lạ lùng, mà sinh khí cũng còn được lâu bền mãi mãi (26).

* * *

 Làm trái khí mùa Xuân thì Thiếu dương không thi triển được các công năng sinh phát, Can khí sẽ uất mà biến bệnh; làm trái khí mùa Hạ thì Thái dương không thi triển các công năng trưởng dưỡng (nuôi lớn), Tâm khí sẽ bị rỗng không mà sinh bệnh; Làm trái khí mùa Thu thì Thái âm không thi triển được cái công năng thâu liễm, Phế khí bị đầy trướng mà sinh bệnh; Làm trái khí mùa Đông thì Thiếu âm không thi triển được cái công năng thâu tàng, Thận khí bị chìm lấp mà sinh bệnh (27).

 Nghĩ như, khí Âm Dương của bốn mùa thực là gốc rễ của muôn vật: vì vậy, bậc Thánh nhân, về hai mùa Xuân, Hạ thì nuôi khí Dương; về hai mùa Thu, Đông thì nuôi khí Âm, tức là bồi dưỡng ngay từ nơi gốc rễ (28), cho nên mới có thể cùng với muôn vật cùng chìm nổi ở trong vòng sinh trưởng (29). Nếu làm trái mất ngay từ nơi gốc rễ, thì không sao toàn được (30). Cho nên nói rằng: hai khí Âm Dương ở trong bốn mùa, nó là trước sau của muôn vật, là gốc của sự sống, chết. Trái nó thì tai hại sẽ sinh ra, thuận nó thì bệnh tật không mắc phải. Chỉ có bậc Thánh nhân là hay thuận theo được lẽ đó, còn kẻ ngu thì rất dễ sao nhãng.

 Thuận theo lẽ Âm Dương thì sống, trái thì chết, theo thì trị, trái thì loạn (31).

 Vì thế Thánh nhân không trị khi đã mắc bệnh, mà trị từ lúc chưa mắc bệnh; không trị khi đã loạn mà trị từ lúc chưa loạn. Nếu bệnh đã mắc mới uống thuốc, loạn đã thành mới sử trị, khác chi lúc khát nước mới đào giếng, sắp đánh nhau mới đúc đồ binh, chẳng cũng muộn lắm ru (32).

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >