Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 80. Luận về sự mê hoặc (Đại hoặc luận)
80. Luận về sự mê hoặc (Đại hoặc luận)
08/12/2017
Nội dung: Nói về các trạng thái khi trèo lên cao thì sinh ra thần hồn mắt hoa, đầu váng và các trạng thái hay quên, chóng đói, mất ngủ, nhắm mắt hay nằm, ít nằm. Đầu tiên nói về tính khí của 5 tạng 6 phủ đều đổ lên mặt, hệ mắt (thuộc vào não), nếu đột nhiên thấy vật dị thường là thần hồn đã tán, tinh khí đã loạn sẽ có đầu óc quay cuồng, kéo theo hệ mắt căng thẳng và sinh ra huyễn vựng. Nguyên nhân của hay quên do Trường vị thực, Tâm Phế hư, ở phần trên khí bất túc, ở phần dưới khí hữu dư, hay đói là do Vị nhiệt tiêu hóa thức ăn, không muốn ăn là do khí hành ở vị quản tắc. Vệ khí lưu ở phần Dương không đi vào phần Âm, Dương sẽ đầy Âm (sẽ) hư, và thành mất ngủ. Vệ khí lưu ở phần Âm không ra phần Dương, Âm (sẽ) thịnh và Dương (sẽ) hư, thành ra hay nhắm mắt. Nếu thể tích của dạ dày, ruột khá lớn, da sáp trệ, thì vệ khí lưu ở trong tạng khá lâu, vận hành tương đối chậm, khí của nó không thăng, nên chỉ muốn ngủ. Nếu thể tích dạ dày, ruột khá nhỏ, da hoạt nhuận, vệ khí lưu ở phần biểu tương đối lâu, sẽ ít nằm. Những chứng đó tuy không là bệnh chứng nặng, nhưng lại là thuộc loại hay gặp, một lúc khó chẩn đoán ra.

 Hoàng đế:Trèo lên đài cao đến một chừng, nhìn ra bốn phía phải phủ phục và bò đi, vừa bò lên thấy thần hồn kinh hãi, mắt hoa cả lên, trong lòng lấy làm lạ bèn nhắm mắt lại rồi lại mở mắt ra, an tâm định khí để trấn tĩnh lại mãi mà không được. Lên đến đài cao, nhìn bốn phía cũng thấy chóng mặt, tim đập, quỳ cúi đầu xuống đài vẫn không hết, xong đột nhiên lại hết, khí nào làm ra hiện tượng đó?

 Kỳ Bá: Tinh khí của 5 tạng 6 phủ đều lên tụ ở mắt để thành tinh (nên mắt nhìn thấy), nơi tinh đó hội tụ là mắt, trong đó tinh của xương đổ vào đồng tử, tinh của cân đổ vào lòng đen, tinh của huyết đổ vào huyết lạc của mắt, tinh của khí đổ vào lòng trắng, tinh của cơ nhục đổ vào tròng mắt. Tinh của gân xương, khí huyết và lạc mạch hợp lại với nhau thành mục hệ. Phần trên của nó thuộc về não, phần sau liên thông với gáy. Cho nên nếu tà khí trúng vào gáy, vừa gặp lúc thân thể hư, tà khí vào sâu, theo hệ mắt để vào não. Tà khí vào não sẽ gây ra đầu óc quay cuồng và kéo theo hệ mắt căng thẳng, hệ mắt căng thẳng sẽ gây chóng mặt hoa mắt, nhìn thấy quay cuồng. Đồng thời tà khí vào tinh (ngũ tạng ở mắt) làm tinh của 5 tạng mất điều hòa với nhau gây nên tinh hao tán. Vì tinh hao tán nên xuất hiện song thi (nhìn 1 thành 2 vật). Tóm lại mắt của người là nơi hội tụ thành tinh của 5 tạng 6 phủ, nơi đi qua của dinh, vệ, hồn, phách, cũng là nơi sinh ra thần khí (để nhìn thấy vật). Nếu thần mệt mỏi sẽ gây hồn phách tán, ý chí loạn. Do tinh của xương đổ vào con ngươi ở mắt thuộc Thận, tinh của Can ở lòng đen mắt thuộc Can, cả hai đều là tạng Âm, nên lấy Âm làm chuẩn, tinh của khí ở lòng trắng thuộc Phế, tinh huyết ở mạch máu của mắt thuộc Tâm, cả hai đều là tạng Dương, nên lấy Dương làm chuẩn.

 Khí (4 tinh) Âm Dương trên dưới điều hòa, và chuyển đổ lên trên để thành tinh và nhìn rõ. Đặc biệt mắt là sứ giả của Tâm (bị Tâm sai khiến), Tâm là nơi ở của thần (nguồn gốc của tinh thần ý thức), do đó khi thần tinh bị loạn, thì tinh sẽ không chuyển lên mắt được. Trèo cao nhìn lên bốn phía, đột nhiên thấy cảnh tượng rất khác, thường đó là tinh thần hồn phách bị tán loạn không hợp với nhau (làm cho thần hồn đầu váng mắt hoa). Đó là trạng thái mê hoặc.

 Hoàng đế: Sau lần trèo cao ở Đông uyển, rồi mỗi lần đến Đông uyển đều có thần hồn đầu váng mắt hoa, có phải là do chỉ đến Đông uyển thần mới mệt mỏi không, tại sao lại có tình hình đó?

 Kỳ Bá: Không phải. Ở lúc nào đó trong lòng tuy thích thú, nhưng thần gặp phải cảnh vật chán ngán (ghét và yêu) đột nhiên đến tranh nhau, làm tinh khí loạn, mắt nhìn sẽ sai đi, nhìn không rõ gây nên thần hồn đầu váng mắt hoa, sau khi rời nơi đó thì lại trở lại bình thường. Trong trường hợp đó nhẹ thì gọi là mê, nặng thì gọi là hoặc.

 Hoàng đế: Khí nào làm cho người hay quên?

 Kỳ Bá: Ở trên khí bất túc, ở dưới khí hữu dư, là trường vị thực, và Tâm Phế hư do (ở trên) hư, nên dinh vệ lưu ở dưới trường vị, nếu qua một thời gian dài không đưa đổ lên Phế để đi toàn thân, sẽ làm khí huyết hư và hay quên.

 Hoàng đế: Khí nào làm người hay đói nhưng không muốn ăn?

 Kỳ Bá: (Ăn uống vào Vị) tinh khí cùng vào Tỳ, khí nhiệt lưu ở Vị, vì nhiệt nên tiêu hóa nhanh, tiêu nhanh nên chóng đói. Khí Vị nghịch lên vị quản sẽ hàn (tắc - khó tiếp thu thức ăn) nên không muốn ăn.

 Hoàng đế: Khí nào làm cho có bệnh mà ngủ không ngon?

 Kỳ Bá: Vệ khí không vào được phần Âm, thường lưu ở phần Dương. Nếu nó lưu ở phần Dương thì khí Dương phải đầy. Khí Dương mà đầy thì Dương kiểu thịnh, không vào được Âm và khí Âm phải hư (ngoài thừa trong thiếu) nên không ngủ được.

 Hoàng đế: Khí nào làm cho người bệnh không nhìn được?

 Kỳ Bá: Vệ khí lưu ở phần Âm không đi ra để hành ở phần Dương. Nó lưu ở phần Âm thì khí Âm thịnh, khí Âm thịnh thì (khí của) Âm kiểu thịnh, nó không ra được phần Dương thì khí dương suy, nên mắt nhắm (không nhìn được).

 ("Thiên hàn nhiệt" viết :Âm kiểu, Dương kiểu, Âm Dương tương giao, Dương vào Âm, Âm ra Dương, giao nhau ở đầu mắt, khí dương thịnh thì mở mắt, khí âm thịnh thì nhắm mắt).

 Hoàng đế: Khí nào làm người ta nằm nhiều?

 Kỳ Bá: Người đó có trường vị to, da ẩm thấp, giữa các cơ không hoạt lợi. Trường vị to thì vệ khí lưu lại lâu, da ẩm thấp thì các cơ vận động không linh hoạt, nên vận động chậm chạp. Do vệ khí ban ngày tuần hành ở phần Dương, ban đêm ở phần Âm, nên khi Âm tận (tức Dương bắt đầu) thì thức dậy. Vì vậy nếu thể tích trường vị to thì vệ khí sẽ lưu ở đó lâu, da ẩm thấp thì bắp thịt không hoạt lợi và vận động chậm chạp. Nếu vệ khí lưu ở phần Âm lâu, thì khí của nó không trong (không tuần hoàn tốt) nên chỉ muốn nhắm mắt và nằm nhiều. Nếu thể tích trường vị nhỏ, da hoạt nhuận, mềm, cơ hoạt lợi thì vệ khí lưu ở phần dương lâu, nên không nhắm mắt, không muốn ngủ.

 Hoàng đế: Khí nào làm cho người bình thường đột nhiên ngủ nhiều?

 Kỳ Bá: Khí tà lưu ở thượng tiêu thì khí ở thượng tiêu (tắc) không thông, lại thêm ăn no hoặc uống nhiều canh, làm vệ khí lưu lâu ở phần Âm, không hành (ra phần Dương) nên ngủ nhiều.

 Hoàng đế: Làm thế nào để chữa các chứng trên?

 Kỳ Bá: Trước hết làm cho chức năng 5 tạng 6 phủ cân bằng điều hòa, chữa ngay các tà nhỏ (chứng nhẹ), rồi điều khí, nếu thịnh thì tả nó, nếu hư thì bổ nó. Tất nhiên cần hiểu (hoàn cảnh sinh sống) sự mệt mỏi của tinh thần và thể xác của người bệnh, để định hướng chữa (tâm thần khổ thì thương thần - thể xác khổ thì thương tinh khí).

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >