Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 79. Mưa gió trái thường trong năm (Tuế lộ)
79. Mưa gió trái thường trong năm (Tuế lộ)
05/12/2017
Nội dung: Nói về cơ chế bệnh lý, thời gian phát cơn và nguyên nhân phát cơn sớm muộn của sốt rét, với triệu chứng chính của sốt rét là: Sốt và rét tách rời. Cũng nêu lên tác dụng xâm phạm cơ thể của phong tặc, phong tà, nhân tố gây bệnh của hàn thử vào người, rồi nêu lên 3 hư, 3 thực, có tác dụng quyết định đối với ngoại tà có thể gây được bệnh hay không. 

 Đồng thời nói về nguồn gốc của tà hư, tặc phong, cách chẩn đoán và cho là mồng 1 tháng giêng mỗi năm nếu có mưa gió, có thể dựa vào hướng và thời gian phát sinh mưa gió để đoán tình hình bệnh tật lưu hành của 4 mùa, số người mắc bệnh nhiều hay ít, bệnh tình nặng hay nhẹ, nhấn mạnh ảnh hưởng đối với thân thể của khí hậu trái thường của 4 mùa. 

Ví dụ: Nếu có gió Nam vào mùa Đông, mùa Đông lại có khí hậu mùa Hè thì người dễ sinh bệnh, nếu lúc đó phục tà chưa gây bệnh thì sang Lập xuân sẽ bị hư phong, thì 2 tà khí cũ và mới hợp lại sẽ phát bệnh. Nếu năm mới gió không hòa, nắng không ấm, nắng Xuân không đẹp mà ngược lại là mưa gió như mùa Thu sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát sinh của vạn vật. Loại thời tiết mưa gió trái thường đó gọi là Tuế lộ.

 Hoàng đế:Mùa Hè bị thương thử, đến mùa Thu bị bệnh sốt rét. Song cơn sốt rét lại có định kỳ, tại sao?

 Kỳ Bá: Khí tà sau khi vào Phong phủ, dọc lưng, cột sống, xuống dưới, khí vệ tuần hoàn một ngày đêm thường đại hội ở Phong phủ, đến ngày thứ hai mỗi ngày xuống một khớp, nên thời gian lên cơn sốt rét mỗi ngày sẽ chậm hơn một chút. Đó là khí tà vào cột sống. Cho nên mỗi khi vệ khí đến Phong phủ thì tấu lý khai, tấu lý khai thì tà khí thừa cơ vào khe khớp, mỗi khi tà khí vào thì lên cơn sốt, đó là nguyên nhân lên cơn sốt muộn hơn hôm trước. Do khi vệ khí đến Phong phủ, mỗi ngày xuống một đốt, sau 21 ngày xuống đến xương cụt, ngày thứ 22 lại vào ống tủy, đổ vào mạch Xung trong ống tủy, theo mạch lên đến ngày thứ 9 thì đi ra ở giữa 2 hố trên đòn (Khuyết bồn), huyệt Thiên đột, vì ngày khí hành lên dần, nên thời gian lên cơn cũng ngày một sớm hơn. Khí tà theo kinh vào ngũ tạng, đi ngang ra mộ và nguyên, khoảng cách hơi xa, khí của nó vào sâu, tuần hoàn chậm, không thể mỗi ngày mỗi cơn, nên cách ngày mới có cơn.

 Hoàng đế: Vệ khí mỗi khi đến Phong phủ, làm tấu lý khai, tấu lý khai thì khí tà vào gây bệnh. Vệ khí đi mỗi ngày một đốt sống thì (và gặp tà ở đó để phát bệnh, vậy khi lên cơn) vệ khí không ở Phong phủ nữa, làm thế nào để biết?

 Kỳ Bá: Phong tà xâm nhập vào người, nguyên không phải từ một chỗ cố định nào, chỉ cần vệ khí gặp tà khí thì nơi đó tấu lý sẽ khai, đó là nơi tà khí xâm nhập, cũng là nơi phát bệnh [Phong phủ hiểu theo nghĩa: nơi phong tà vào (gáy, lưng, thắt lưng) không nhất định phải đúng là huyệt Phong phủ].

 Hoàng đế: Phong và sốt rét có quan hệ với nhau, lại cùng là tà khí, nhưng phong thường tác động không có nghỉ,còn sốt rét lúc lên cơn lúc không, tại sao?

 Kỳ Bá: Phong khí gây bệnh thường lưu ở nơi nó vào, còn ngược tà (sốt rét) thì đi theo kinh, có thể sâu dần vào đến tạng, đến khi nó gặp vệ khí thì sẽ phát bệnh.

 Hoàng đế: 8 phong của 4 mùa xâm phạm vào người có hàn, thử, nếu là hàn thì da săn lại, tấu lý khép kín, nếu là thử nhiệt thì da mềm dãn, tấu lý khai. Tặc phong tà khí có phải do đó (khí hậu nóng lạnh thay đổi) là có thể vào người hay còn phải bị cả hư tà của 8 tiết trong 4 mùa mới có thể vào người?

 Thiếu sư: Không phải. Tặc phong tà khí vào người không tính thời gian, nhưng phải có tấu lý khai mới có thể (thừa hư mà) vào người được, hoặc trực trúng vào nội tạng, nên bệnh rất cấp nặng, nếu tấu lý đóng, thì dù tà có vào cũng chỉ có thể quanh quẩn ở nông, và bệnh cũng từ từ vào muộn.

 Hoàng đế: Có người thích ứng với thay đổi nóng lạnh của khí hậu, tuy tấu lý không khai, nhưng vẫn bị bệnh cấp đột ngột, tại sao?

 Thiếu sư: Vẫn có tà khí vào người, tuy con người sống yên lành, nhưng sự đóng mở của tấu lý thích ứng mật thiết với sự căng trùng của da và sự thay đổi của khí hậu, vì vậy do cảm phải khí hậu không lành nên sinh bạo bệnh.

 Hoàng đế: Xin nói rõ thêm.

 Thiếu sư: Người và trời đất có quan hệ mật thiết, người cũng ứng với sự di chuyển của mặt trăng, mặt trời, khi trăng tròn thì nước triều dâng ở Tây (Tây là Âm, là mặt trăng), ở người thì khí huyết tích đầy, cơ nhục đầy, da săn, lông chắc, tấu lý kín, da như mỡ có bồ hóng bếp bám. Trong điều kiện nóng dù gặp tặc phong, nó cũng chỉ có thể vào nông và không sâu. Khi mặt trăng khuyết (không có trăng) không có ánh trăng thì nước triều dâng ở Đông (Đông là Dương, là mặt trời), ở người thì khí huyết suy, vệ khí hao tán, hình thể tuy còn nhưng cơ nhục giảm, da nhẽo, tấu lý khai, lông ít, nếp da mỏng, lớp bồ hóng không còn. Trong điều kiện này, nếu gặp tặc phong thì nó chui ngay vào người, vào sâu và gây bệnh nặng, cấp (bạo bệnh).

 Hoàng đế: Có người đột nhiên đột tử, hoặc đột nhiên bị bệnh cấp nặng, tại sao?

 Thiếu sư: Nếu bị 3 hư (hư phong, chính khí hư, tuế khí hư) thì đột tử bạo bệnh. Nếu có 3 thực thì tà khí không vào người được.

 3 hư là: Tuế khí bất cập (năm hư), gặp ngày không có mặt trăng và không phòng bệnh tốt (chính khí hư), bị khí hậu khác thường (tà hư) nên bị tặc phong làm tổn thương. Trong khi luận bệnh không biết 3 nhân tố hư này không phải là thầy giỏi.

 3 thực là: Tuế khí thịnh (năm thực), gặp ngày trăng tròn, thời tiết điều hòa, tuy bị tặc phong, tà khí cũng không bị nguy hiểm.

 Hoàng đế: Nguyên nhân nào làm cho trong một năm nhiều người cùng một lúc bị bệnh?

 Thiếu sư: Đó là do ảnh hưởng của tám phong.

 Muốn tìm nguyên nhân bệnh có quan hệ với khí hậu trái thường đó, thường quan sát vào ngày Đông chí, Thái nhất ở cung Diệp trập, ví khí Thái nhất đi đến cung đó thì nhất định là có mưa gió. Nếu mưa gió từ phương Nam đến thì là hư phong và mang các yếu tố làm hại cơ thể. Nếu mưa gió đến lúc nửa đêm, lúc mọi người đều ngủ ngon thì không xâm phạm được con người, nên năm đó dân ít bệnh. Nếu mưa gió đến ban ngày, lúc mọi người được bảo vệ ít (mùa Đông) thì đều có thể bị trúng hư phong, và người bị bệnh rất nhiều. Nếu hư tà vào ở xương mà không ra ngoài, đến ngày Lập xuân, khí dương phát mạnh, tấu lý khai và trong ngày Lập xuân đó, gặp gió Tây thì mọi người đều bị hư phong. Vì hai tà hư (mùa Đông và gió Tây của Lập xuân - Phục tà và tân cảm) kết lại với nhau làm kinh mạch lưu kết.

 Nếu khí trong năm điều hòa, ít tặc phong thì người bị bệnh ít, chết ít. Nếu trong một năm có nhiều tặc phong, tà khí nóng lạnh không thuận hòa thì dân bị bệnh nhiều và chết nhiều.

 Hoàng đế: Hư tà của phong có thể gây nên bệnh nặng hoặc nhẹ, nhiều người hoặc ít người bị bệnh, làm thế nào để xác định?

 Thiếu sư: Mỗi năm vào ngày mồng một tháng Giêng, Thái nhất đến cung Thiên lưu, nếu ngày đó gặp gió Tây bắc, không mưa, sẽ có nhiều người chết bệnh. Ngày mồng một tháng Giêng, nếu lúc rạng đông mà gió bấc thì mùa Xuân dân sẽ mắc bệnh nặng. Ngày mồng một tháng Giêng lúc rạng đông gió bấc đi qua thì 3/10 dân bị bệnh. Ngày mồng một tháng Giêng vào giờ Ngọ có gió bấc, khí mùa hè năm đó cũng dễ mắc bệnh. Ngày mồng một tháng Giêng lúc hoàng hôn có gió bấc, mùa Thu năm ấy dân cũng sẽ mắc bệnh nhiều. Nếu cả ngày mồng một tháng Giêng đều có gió bấc thì có dịch bệnh đến 6/10. 

 Ngày mồng một tháng Giêng có gió nồm gọi là "Hạn hương" có gió Tây gọi là "Bạch cốt", trong nước sẽ có tai ương, dân sẽ chết nhiều. Ngày mồng một tháng Giêng có "gió Đông nam" thổi rung nhà, cát sỏi bay tứ tung, trong nước tai ương lớn. Ngày mồng một tháng Giêng khí hậu ấm áp (ôn hòa) không có gió, thì được mùa, giá gạo rẻ, dân không có bệnh, nếu lạnh quá và có gió thì mất mùa, giá gạo cao, dân đa nhiều người mắc bệnh.

 Đó là cách xem gió đầu năm để đoán tình hình hư tà ảnh hưởng đến con người.

 Tháng hai ngày Sửu không có gió, dân bị bệnh Tâm bụng nhiều. Tháng ba ngày Tuất không ấm áp, dân bị bệnh hàn nhiệt nhiều. Tháng bốn ngày Tỵ không có nắng, dân dễ bị bệnh đơn (sốt cao) nhiều. Tháng 10 ngày Thân không rét, dân bị đột tử nhiều.

 Cần chú ý: Các gió của ngày 1 tháng 1, và các ngày khác nói ở trên, đều phải là gió có thể thổi bay nóc nhà, gẫy cành đổ cây, bụi cát bay mù làm cho rụng lông, khai tấu lý.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >