Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 63. Ngũ vị
63. Ngũ vị
26/10/2017
Nội dung: Nói về nơi đến của ngũ vị khi vào cơ thể, nếu dùng quá độ thì có thể bị bệnh.

Hoàng đế: Ngũ vị vào mồm, mỗi vị đến nơi riêng, mỗi vị gây bệnh riêng. Chua đến gân, nếu ăn nó quá nhiều sẽ gây đái không thông. Mặn vào huyết, nếu ăn nó quá nhiều làm ta khát. Cay vào khí, nếu ăn nó quá nhiều làm cho Tâm khí hư. Đắng vào xương, nếu ăn nó quá nhiều làm người ta nôn. Ngọt vào cơ, nếu ăn nó quá nhiều làm người ta rạo rực. Biết chúng, nhưng không biết tại sao lại như vậy.

Thiếu Du: Vị chua vào Vị, do khí của nó sáp trệ, có tác dụng thu liễm - tác dụng này phát huy ở nhị tiêu (thượng, trung tiêu) nên không thể xuất nhập được, không ra được thì lưu ở trong Vị, khi trong Vị ôn hòa (thì không lưu lại) và đổ xuống Bàng quang, (do) Bàng quang mỏng và nếu gặp chua nó sẽ co cuộn lại, cho nên nó không thông và nước không có đường ra nên bí đái. Bộ phận sinh dục ngoài (âm khí) của người là nơi hội tụ nhiều gân, (Can chủ cân, chua vào Can trước) vì vậy ăn chua thì đi vào cân.

Hoàng đế: Vị mặn vào máu, ăn quá mặn làm cho khát, tại sao?

Thiếu Du:  Vị mặn vào Vị, khí của nó lên trung tiêu đổ vào mạch, khí huyết sẽ cùng vận hành với nó, huyết gặp mặn sẽ ngưng (ngưng thì huyết táo) cần dịch ở trong Vị đến tư nhuận, tư nhuận càng nhiều thì dịch của Vị càng kiệt, sẽ gây nên họng khô (do thiếu tân dịch) làm cuống lưỡi khô và thường khát. Huyết mạch (nơi khí huyết vận hành) đều xuất phát từ trung tiêu nên vị mặn vào (trung tiêu hóa thành tân dịch), rồi đi vào huyết.

Hoàng đế: Vị cay vào khí, ăn quá cay làm cho người Tâm khí hư, vì sao?

Thiếu Du: Vị cay vào Vị, khí của nó lên thượng tiêu, thượng tiêu là nơi tiếp thu (tinh hoa) khí và nuôi dưỡng phần dương của thân thể, khí cay của gừng, hẹ chúng bốc lên làm cho khí dinh, vệ thỉnh thoảng lại tiếp thu (kích thích) của nó, khí này lưu lại tại Tâm hạ (Vị) gây nên Tâm khí hư. Vị cay và vệ khí cùng vận hành (có tác dụng mở thấu lý, truyền thông dương khí) nên vị cay vào Vị rồi phát tán và làm ra mồ hôi.

Hoàng đế: Vị đắng vào xương, nếu ăn quá đắng làm nôn, vì sao?

Thiếu Du: Vị đắng vào Vị, khí của ngũ cốc đều không thể thắng vị đắng, vị đắng xuống vùng hạ quản làm cho cả thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu đều không thông (làm chức năng Vị rối loạn, Vị khí không hòa) và nôn. Răng là tận của xương (một bộ phận của xương) nên vị đắng đã vào Vị, rồi lại nôn ra qua miệng răng, làm cho ta cảm giác đắng đã vào xương.

Hoàng đế: Vị ngọt vào cơ nhục, nếu ăn quá ngọt, làm cho người ta rạo rực, vì sao?

Thiếu Du: Vị ngọt vào Vị, khí của nó nhỏ yếu, không thể lên được đến thượng tiêu mà lưu ở Vị cùng với thức ăn, làm người được nhu nhuận. Nếu Vị khí nhu thì hoãn, khí hoãn thì ký sinh trùng trong ruột sẽ quẫy, chúng quẫy thì khí trong người rạo rực không yên. Vị ngọt thuộc Tỳ (Tỳ chủ cơ nhục) nên nó đi ra ngoài để vào cơ nhục, do đó ngọt vào cơ nhục.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >