Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 4. Tình hình bệnh tật của Tạng Phủ khi bị tà khí (Tà khí tạng phủ bệnh tình
4. Tình hình bệnh tật của Tạng Phủ khi bị tà khí (Tà khí tạng phủ bệnh tình
27/06/2017

Nội dung: Nói về sự khác nhau của cơ thể khi bị tà khí xâm nhập vào các vị trí khác nhau, trúng âm, trúng dương, nói lên các nguyên nhân làm tà khí tác động vào cơ thể, và nói lên tầm quan trọng trong chẩn đoán của xem sắc, xem mạch và xem da. Nêu lên tình hình bệnh tật của 5 tạng biểu hiện ra các loại mạch hoãn, cấp, đại, tiểu, hoạt, sác vv...và cách châm, tình hình bệnh tật của 6 phủ, cách lấy huyệt và cách châm.

Trọng điểm thảo luận là nguyên nhân để tà khí tác động vào cơ thể, tình hình bệnh của 5 tạng 6 phủ khi tà khí tác động vào.

Hoàng đế: Tà khí trúng vào người thì thế nào?

Kỳ Bá: Các tà khí phong, hàn, thử, thấp, đầu tiên tác động vào chỗ cao (phần trên của cơ thể).

Hoàng đế: Cao thấp có phân biệt gì không?

Kỳ Bá: 1/2 người trên thường là trúng tà (phong hàn). 1/2 người dưới thường là trúng thấp. Tà khí vào người, bệnh không nhất thiết phải sinh ở nơi tà khí vào. Tà khí trúng kinh âm (Tạng) có thể chuyển sang phủ (kinh dương).

Nếu kinh dương bị tà khí xâm nhập thì có thể truyền ngay ở kinh đó.

Hoàng đế: Kinh âm dương tuy khác tên nhưng cùng hệ kinh lạc trên dưới tuần hoàn thông suốt với nhau, vậy tại sao khi tà khí xâm nhập cơ thể, có lúc bệnh ở kinh âm, có lúc bệnh ở kinh dương và chỗ bị bệnh lúc ở bên trái, lúc ở bên phải, lúc ở trên, lúc ở dưới không cố định ở đâu cả?

Kỳ Bá: Mặt là nơi hội tụ của các kinh dương. Tà khí thường thừa hư như vừa làm mệt, hoặc ăn uống ra mồ hôi hoặc tấu lý khai (vệ khí yếu) để tấn công cơ thể. Trúng ở mặt là vào kinh Dương minh ở chân. Trúng ở gáy là vào kinh Thái dương ở chân. Trúng ở má là vào kinh Thiếu dương ở chân, nếu trúng vào lưng ngực cạnh sườn thì (tùy vị trí) vào (từng đường) kinh (khác nhau trong 3 kinh dương ở chân).

Hoàng đế: Tà khí tác động vào (kinh) âm như thế nào?

Kỳ Bá: Thường bắt đầu từ cánh tay hoặc cẳng chân. Vì mặt trong của chúng có da mỏng, cơ nhu nhuận hơn do đó dễ bị tà khí tác động (vào kinh âm) hơn.

Hoàng đế: Nếu (kinh) âm bị thì tạng có bị không?

Kỳ Bá: Thân bị trúng phong không nhất thiết tạng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tà khí vào tạng thì tạng khí thực và tà khí sẽ bị đẩy lùi ra phủ, do đó nếu trúng (kinh) dương thì bệnh ở kinh, nếu trúng (kinh) âm thì bệnh ở phủ (có quan hệ biểu lý).

Hoàng đế: Tà khí trúng tạng thì thế nào?

Kỳ Bá: Buồn lo, khiếp sợ có thể thương Tâm. Thân thể bị lạnh, lại ăn lạnh sẽ thương Phế. Vì hàn ở ngoài và hàn ở trong làm cả trong lẫn ngoài đều bị thương, do đó có thể gây suyễn do khí nghịch. Nếu ngã từ trên cao xuống ác huyết ứ ở trong. Nếu giận quá khí sẽ lên mà không xuống, tích ở dưới sườn sẽ thương Can. Nếu ngã hay bị đánh (chạm thương) hoặc say mà ngủ với vợ (chồng), hoặc ra mồ hôi mà đứng giữa gió thì thương Tỳ. Lao lực hoặc nâng nặng rồi nhập phòng quá độ, hoặc ra mồ hôi mà tắm thì thương thận.

Hoàng đế: Trúng phong của ngũ tạng là thế nào?

Kỳ Bá: Nếu cả âm (ngũ tạng) lẫn dương (lục phủ) đều bị thương thì trong ngoài đều hư, do đó phong tà thừa hư mà trúng vào ngũ tạng.

Hoàng đế: Đầu mặt thân thể gắn với nhau bởi gân xương và là nơi khí huyết hợp lại và tuần hành. Lúc trời rất lạnh, đất có thể nứt, băng giá, nếu đột nhiên lạnh thì người co ro, tại sao mặt lại chịu được rét?

Kỳ Bá: Vì khí huyết của 12 kinh mạch và 365 lạc đều tuần hành lên mặt và các khiếu rỗng. Chất tinh của khí dương nên mắt nên nhìn được, nhánh của nó vào tai nên nghe được, tông khí lên mũi nên ngửi được. Trọc khí (khí của ngũ cốc) ra ở vị, lên môi lưỡi nên nếm được. Tân dịch của các khí đó xông bốc lên mặt nên ở đó da dầy, cơ chắc do đó dù khí trời rất lạnh cũng không thắng được (làm cho mặt lạnh được).

Hoàng đế: Tình trạng bệnh tật khi bị trúng tà khí như thế nào?

Kỳ Bá: Hư tà (tà khí 4 mùa) tặc phong thừa hư thâm nhập cơ thể gây nên gai rét sợ gió, bệnh ở biểu. Chính tà (khi làm việc ra mồ hôi, tấu lý mở và tiết, bị phong tà) tác động, bệnh rất nhẹ, chỉ thấy hơi thay đổi sắc, còn thân thể như có lại như không có bệnh, như là tà đã đi rồi lại như tà còn lưu lại ở trong, như còn tý bệnh lại như không có bệnh, rất khó nhận ra bệnh tình của nó.

Hoàng đế: Tại sao nhìn khí sắc có thể biết bệnh tình mà gọi là minh, xem mạch có thể biết diễn biến của bệnh gọi là thần, hỏi có thể biết được bệnh gọi là công?

Kỳ Bá: Vì sắc, mạch, da ở mặt trong cánh tay và bệnh có quan hệ tương ứng nhất định, như dùi đánh trống có liên quan đến tiếng trống, như gốc và ngọn, như rễ và lá. Nếu rễ cây mà chết thì lá sẽ héo khô. Sự thay đổi của sắc, mạch, thịt không thể tương thất được (thường tương ứng) do đó nói, thầy thuốc biết một trong 3 nội dung trên là có công (phu), biết 2 trong 3 nội dung trên là thần (giỏi) biết cả 3 là thần (giỏi) và minh (sáng suốt).

Về sắc mạnh: Sắc xanh đi với mạch huyền, sắc đỏ mạch câu (hồng đến mạch đi yếu), sắc vàng mạch đại, sắc trắng mạch mao (phù, hư, nhẹ), sắc đen mạch thạch (trầm, cứng). Nếu mạch không tương ứng với sắc, không những vậy mạch tương khắc với sắc là mạch chết. Mạch tương sinh với sắc, bệnh sẽ khỏi (mạch khắc với sắc: Ví dụ sắc xanh, thường mạch huyền (can), nay lại là mạch mao (phế), phế kim khắc can mộc - mạch mao khắc sắc xanh. Mạch sinh với sắc: Ví dụ sắc xanh, thường mạch huyền, nay mạch thạch Thận), Thận thủy sinh Can mộc - mạch thạch sinh sắc xanh.

Hoàng đế: Sự biến hóa bệnh tình ở ngũ tạng như thế nào?

Kỳ Bá: Chỉ cần xác định quan hệ tương ứng giữa 5 mạch và 5 sắc là có thể phân biệt được bệnh tình của chúng.

Hoàng đế: Xác định sắc và mạch rồi làm thế nào để phân biệt?

Kỳ Bá: Xem kỹ tình trạng hoãn cấp, to nhỏ, hoạt sắc của mạch là có thể xác định là bệnh gì?

Hoàng đế: làm thế nào để định các loại mạch trên?

Kỳ Bá: Mạch đến cấp, da ở bộ xích cũng cấp (căng); mạch đến từ từ (hoãn), da ở bộ xích cũng hoãn; mạch nhỏ da ở bộ xích mỏng, gầy và ít khí; mạch to, da ở bộ xích như nổi lên; mạch hoạt, da ở bộ xích hoạt lợi; mạch sáp, da ở bộ xích cũng sáp trệ. Những thay đổi đó ở thể đó có ít, có nhiều, vì vậy nếu giỏi quan sát da ở bộ xích, có thể có lúc không cần xem mạch thốn. Nếu giỏi xem mạch, có lúc có thể không xem sắc. Nếu nắm cả 3 (da, mạch, sắc) là thầy thuốc giỏi, chữa 10 khỏi 9. Nếu nắm được 2 là thầy thuốc vừa, chữa 10 khỏi 7. Nếu chỉ biết 1 là thầy thuốc kém, chữa 10 khỏi 6.

Hoàng đế: Tình hình bệnh tật của các mạch hoãn, cấp, tiểu, đại, hoạt, sáp như thế nào?

Kỳ Bá: Xin xem lần lượt từng tạng. Tạng tâm: mạch tâm rất cấp làm chân tay co quắp - Hơi cấp thì đau vùng tim xuyên ra lưng, ăn không được. Mạch tâm rất hoãn là cuồng, cười không thôi; hơi hoãn là phục lương (bệnh tích của ngũ tạng do khí huyết tích tụ) ở thượng vị. Khi nó di động lên xuống có thể nôn ra máu. Mạch tâm rất to, thì họng như có vật làm tắc lại, mạch hơi to thì tâm tý (do mạch không thông) đau lan ra lưng, có lúc chảy nước mắt, mạch rất nhỏ sẽ nấc, mạch hơi nhỏ thì tiêu khát. Mạch tâm rất hoạt - thường rất khát, mạc hơi hoạt có thoát vị (tâm sán) dẫn đến rốn, sôi bụng dưới (Tâm - Tiểu trường quan hệ biểu lý). Mạch tâm rất sáp sẽ câm, mạch hơi sáp (làm tổn thương huyết) sẽ nôn ra máu, chảy máu mũi. Bốn mạch âm duy, dương duy bị quyết nghịch (chân tay bị gía lạnh), tai ù, bệnh điên.

Xem tiếp bảng

Hoàng Đế: 6 biến của bệnh (thay đổi biểu hiện ra 6 loại mạch) cần châm như thế nào?

Kỳ Bá: Mạch cấp thường là hàn, mạch hoãn thường là nhiệt, mạch to thường khí nhiều huyết ít, mạch nhỏ thường khí huyết đều ít, mạch hoãn thường dương khí thịnh, hơi có nhiệt, mạch sáp thời huyết nhiều khí ít, hơi có hàn. Châm cho người bệnh có mạch cấp, phải sâu và lưu kim (vì tà hàn, thường khó đuổi đi). Châm cho mạch hoãn phải nông mà rút kim nhanh (để nhiệt theo kim ra dương biểu). Châm cho mạch đại có thể hơi tả khí của nó, không nên xuất huyết. Châm cho mạch hoạt phải châm nông, rút kim nhanh, sơ tiết dương khí để đuổi nhiệt ra, châm cho mạch sáp, phải trúng mạch, châm theo thuận hoặc nghịch hướng của khí hành và lưu kim lâu, phải làm xoa bóp theo kinh trước để giúp khí huyết vận hành, rút kim rồi phải bịt lỗ châm ngay, không cho máu ra để điều hòa khí huyết trong mạch. Châm cho mạch nhỏ, do âm dương hình khí đều kém, không nên châm mà dùng thuốc ngọt để chữa.

Hoàng đế: Khí của 5 tạng 6 phủ chảy ở tỉnh, huỳnh, du, kinh rồi đổ vào hợp bằng đường nào? Khi vào thì có quan hệ tương quan với kinh mạch tạng phủ nào?

Kỳ Bá: Đi từ kinh dương ở chân tay vào trong và liên hệ với phủ.

Hoàng đế: Các huyệt huỳnh, du và hợp có định danh không?

Kỳ Bá: Huyệt huỳnh, huyệt du đều ở nông, chữa bệnh ở kinh mạch và ở biểu. Huyệt hợp ở sâu, dùng chữa bệnh ở tạng phủ. Như vậy chữa bệnh ở phủ thì dùng huyệt hợp của các kinh.

Hoàng đế: Tên của các huyệt hợp là gì?

Kỳ Bá: Tên của chúng là Túc tam lý, hợp của vị, Thượng cự hư của đại tràng, Ủy dương của tam tiêu, Ủy trung của bàng quang, Dương lăng tuyền của đởm.

Hoàng đế: phải lấy huyệt như thế nào?

Kỳ Bá: Lấy huyệt Túc tam lý phải để xuôi bàn chân xuống; lấy huyệt Cự hư phải vểnh bàn chân lên; lấy huyệt Ủy dương phải co duỗi chân; lấy huyệt Ủy trung phải co chân lại; lấy huyệt Dương lăng tuyền phải ngồi thẳng, co gối, thõng bàn chân, huyệt này ở phía ngoài của Ủy dương, lấy các huyệt ngoài kinh phải để chân tay ở tư thế thoải mái.

Hoàng đế: Bệnh của 6 phủ ra sao?

Kỳ Bá: Của túc Dương minh là mặt có biểu hiện nhiệt; của thủ Dương minh là xung huyết ở lạc của Ngư tế (mô cái); huyệt Xung dương (trên mu bàn chân có mạch đập) đầy thực và cứng hoặc hư yếu và sa xuống đều là bệnh của túc Dương minh - (kinh này là một kinh mạch quan trọng trong chẩn đoán bệnh nguy kịch) đó là mạch của Vị.

Bệnh ở Đại trường, đau trong ruột và sôi bụng, mùa đông lạnh nếu lại bị lạnh sẽ ỉa chảy, đau vùng rốn không thể đứng lâu được. Đại trường đồng khí với Vị, nên lấy huyệt (du ở dưới) Thượng cự hư để chữa.

Bệnh của Vị, ngực bụng đầy tức, đau ở vị quản, cạnh sườn hoành, họng bị tắc không thông, ăn uống không được, lấy huyệt Túc tam lý để chữa.

Bệnh của Tiểu trường, đau bụng dưới, đau xuyên lưng, tinh hoàn, có lúc ỉa đái không lợi, trước tai nóng hoặc chỉ có vai rất nóng và nóng ở giữa ngón út và đeo nhẫn, hoặc kinh mạch suy lõm xuống. Đó là những chứng của tiểu trường, có thể lấy huyệt Hạ cự hư (hợp dưới) để chữa.

Bệnh của tam tiêu: Bụng đầy khí (trệ), bụng dưới cứng, không đái được làm người bệnh mót đái quẫn bách, nước tràn ra nên bị phù làm thành trướng, nó biểu hiện ra ở đại lạc của túc Thái dương, đại lạc nằm ở giữa Thái dương và Thiếu dương, có thể thấy phản ứng của kinh mạch, phải dùng huyệt Ủy dương để chữa.

Bệnh của Bàng quang, bụng dưới hơi thũng (phù) và đau, ấn chỗ đau thì muốn đái nhưng không đái được, nóng ở tai, có thể mạch lõm xuống; dùng huyệt Ủy trung để chữa.

Bệnh của Đởm, hay thở dài, mồm đắng, nôn ra mật đắng, tâm thần bất an ủy mị, lo sợ người ta đến bắt mình, họng như vướng cái gì luôn muốn khạc ra. Ở huyệt gốc của kinh túc Thiếu dương nếu thấy mạch lõm xuống thì dùng cứu. Còn nếu thấy chứng hàn nhiệt vãng lại thì dùng huyệt (hợp của kinh) Dương lăng tuyền để chữa.

Hoàng đế: Cách châm các huyệt đó như thế nào?

Kỳ Bá: Trước hết phải châm trúng huyệt, không châm vào nhục tiết (cơ khớp). Châm trúng huyệt thì dọc kinh sẽ có cảm giác. Còn châm vào cơ khớp thì da bị đau. Nếu bổ tả ngược với bệnh thì bệnh sẽ nặng lên. Nếu châm trúng gân sẽ làm thương gân, vận động khó, tà khí không ra ngược lại, lại đấu tranh với chân khí và vào sâu thêm. Nếu dùng châm không cẩn thận, thì đã biến thuận thành nghịch vậy. Đó là hậu quả của châm sai. 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >