Trang chủ arrow Bài viết arrow MÁY CHỮA BỆNH MANG TÂM HỒN LƯƠNG Y
MÁY CHỮA BỆNH MANG TÂM HỒN LƯƠNG Y
01/05/2008

 

TUỔI TRẺ THỦ ĐÔ 3/2005
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2


Đã nhiều năm âm thầm cống hiến cho nền y học cổ truyền Việt Nam, cần mẫn nghiên cứu những bài thuốc hay, phương pháp chẩn đoán bệnh hiệu quả để phục vụ cho nhân dân, lương y Lê Văn Sửu với hàng chục cuốn sách đã được xuất bản, thực sự là những tài liệu quý báu hữu ích đối với những lương y trẻ khi bước vào nghề.


 Thầy Lê Văn Sửu và môn sinh trong ngày 20/11/2004

Mới đây, thầy Sửu mới hoàn thành một công trình có ý nghĩa khoa học cũng như nhân văn rất lớn - phương pháp "Chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh bằng đo nhiệt độ kinh lạc". 20 năm kiên trì nghiên cứu, xây dựng dữ liệu và thử nghiệm mô hình chữa bệnh tối ưu, thầy Sửu luôn mong muốn làm sao chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh nhất, giảm chi phí cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo trong xã hội. Với sự tham gia của nhiều kỹ sư tin học điện tử và đặc biệt là sự trợ giúp tích cực của người học trò - Kỹ sư điện tử Đinh Lai Thịnh, những ý tưởng của thầy giờ đây đã được phát triển hoàn thiện thành phần mềm "Đo nhiệt độ kinh lạc để chẩn bệnh". Phương pháp này được hội sinh lý học Việt Nam đánh giá là "phương pháp rất có giá trị". Nó đã tạo ra một bước tiến mới cho nền y học cổ truyền Việt Nam.

Từ năm 1963, khi đọc và nghiên cứu các cuốn sách y học Phương Đông, thầy Sửu đã chú ý đến phép "Trị nhiệt cảm độ" của Xích Vũ người Nhật bản. Thầy đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp này một thời gian và sau đó nhận ra sự chưa hoàn thiện nên quyết định nghiên cứu phát triển hơn nữa. Năm 1984, Khi tham gia đề tài Nhà nước của Học viện quân y, có dịp ứng dụng máy đo nhiệt độ da do Liên Xô chế tạo, thầy đã nhận thấy tính ưu việt của chiếc máy này hơn phép "Tri nhiệt cảm độ" trước đây. Dần từng bước, với kinh nghiệm đúc kết nhiều năm vừa chữa bệnh cho mình vừa giúp người, cũng như dựa trên việc ứng dụng máy đo nhiệt độ da, thầy Sửu đã bắt đầu có cơ sở để nghiên cứu phương pháp đo nhiệt độ kinh lạc để tìm ra bệnh và bắt đầu mở lớp để truyền thụ kiến thức về Đông y châm cứu, trong đó có phép đo nhiệt độ kinh lạc để chẩn đoán bệnh. Khóa học đầu tiên của thầy phần lớn là đào tạo cho cán bộ y tế của Học viện Quân y. Đến nay thầy đã đào tạo được 27 khoá học và không ít môn sinh sau khi học xong đã ứng dụng tốt phương pháp "Đo nhiệt độ kinh lạc" của thầy.

Tâm huyết với công trình này, thầy đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu và ứng dụng làm phép đối chiếu bằng cách so sánh kết quả của nhiều bệnh nhân đi xét nghiệm bằng phương pháp Tây y xem có chính xác so với cách chẩn đoán của mình và thầy đều có kết quả tương ứng. Cảm thông với niềm mong ước của thầy Sửu, một bệnh nhân đã tìm người chế ra máy đo đồng bộ 24 điểm cùng lúc và viết phần mềm tính toán sơ bộ và được giới thiệu tại Đại hội Hội nghị  ngành Sinh lý Việt Nam (năm 1999). Tại đây hội nghị yêu cầu hoàn thiện máy viết thêm phần mềm chẩn bệnh cho các bác sĩ và lương y tiện dùng. Thầy Sửu đã kết hợp với các kỹ sư điện tử Viện Công nghệ thông tin Bộ Quốc phòng để đưa phần mềm đó vào máy tính. Lúc đầu, phần mềm chỉ áp dụng được với máy đo đơn chiếc. Mãi tới tháng 10/2004, thầy cùng môn sinh là kỹ sư Đinh Lai Thịnh mới hoàn thiện đầy đủ yêu cầu tính năng của máy đo nhiệt độ kinh lạc lên phần mềm máy tính. Với phần mềm này, nhà chuyên môn có thể sử dụng cho cả 3 loại máy đo: Máy đơn chiếc (đo tay ghi số rồi nạp vào máy tính toán và in ra kết quả chẩn bệnh); dùng cho máy đo đồng bộ 24 đầu đo trên 24 điểm huyệt cùng lúc và máy một đầu đo có kết quả nối với máy tính truyền thẳng kết quả đo vào máy tính và in ra kết quả chẩn bệnh. Phần mềm này của thầy Sửu đã được đăng ký bản quyền tác giả.

Phương pháp này có nhiều ưu việt, với máy một đầu đo kết nối máy tính có thể tìm ra mô hình bệnh lạ do rối loạn nhiều chức năng đồng thời mà phương tiện chẩn đoán của y học hiện đại chưa cập nhật; có thể đánh giá tức thì một bài tập dưỡng sinh hay một bài thuốc hay hoặc đánh giá kết quả một giai đoạn điều trị... Máy gọn nhẹ, có thể di chuyển, chế tạo được trong nước với giá thành hạ, nhân viên kỹ thuật sử dụng máy đào tạo nhanh và đặc biệt cán bộ chẩn đoán qua số đo có thể đào tạo từ các y bác sĩ đông y, lương y, giúp họ phát huy được kinh nghiệm sẵn có của mình để chẩn bệnh. Khi nghiên cứu phương pháp này và viết những cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm quý báu của mình trong lĩnh vực Đông y, thầy Sửu luôn có một tâm nguyện: Thầy rất vui vì với phương pháp này, những bệnh nhân nghèo sẽ có khả năng được chẩn bệnh và điều trị mà không sợ tốn công, tốn của. Khi được hỏi về mong ước, thầy tâm sự: Phương pháp chẩn bệnh của thầy được nhân rộng ra cả nước, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều bệnh nhân nghèo. Ngoài ra thầy luôn mong muốn thế hệ trẻ tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu và từ đó nghiên cứu phát triển hơn nữa, xứng đáng với vai trò của những người thầy thuốc.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >