Trang chủ arrow Tản mạn arrow LẠI BÀN VỀ HAI TỪ NÕn NƯỜNG
LẠI BÀN VỀ HAI TỪ NÕn NƯỜNG
01/03/2008

 

Nõn nường phố thị rong chơi,
Chỉn e tiêu tán cái phơi phới tình.

Xét trong cái kho từ vựng Việt Nam, có nhiều tồn đọng khiến người đời mất bao công giấy mực. Hai cái Nõn Nường ấy xuất hiện với danh nghĩa mỹ cảm tôn sùng cái đẹp ngọc ngà của người đàn bà đầy gợi cảm dục vọng, đã trở thành đề tài khá hóc búa cho những người tò mò khảo cứu.

Nõn nường là cái gì nhỉ? Chỉ biết để khen một người đàn bà trần trụi, da thịt ngẩn ngơ, điên rồ xác thịt, người ta nói đến Nõn Nường. Xa hơn từ Nõn Nường còn được ngầm hiểu là cái nơi đẹp nhất của người phụ nữ, sâu kín mà nõn nà. Chính vì thế mà phải chăng từ nõn nà là biến âm của nó? Thực sự xung quanh hai từ Nõn và Nường có khá nhiều câu hỏi.

Nói thì vòng vo và thiếu tính thuyết phục, thế nhưng không phải là không có cứ liệu để đi sâu vào từ nguyên của nó. Có một sự kiện cần được nhắc đến rằng ngày xưa, trong lễ hội ở khá nhiều địa phương vùng trung du và miền đồng bằng Bắc Bộ, người ta háo hức rước hai lễ vật một làm bằng gỗ đẽo gọi là Nõn, một làm bằng mo cau gọi là Nường với ý nghĩa qua những hành vi mô phỏng động tác nam nữ giao hợp mà cầu đến ước vọng sinh sôi, mùa màng vạn bội.

Chúng ta hãy để ý chi tiết cái Nường được làm bằng mo cau, thứ quả mà tiếng Hán có âm đọc là Lang, một biến âm của từ Nang trong từ vựng Việt cổ và đa đảo. Đến nay, vẫn còn có thể thấy được dấu vết của từ này trong tên của bang Pulau Pinang hay Penang của Malayxia với ý nghĩa đảo Cau (Areca catechu). Vào thế kỷ 15, đô đốc Trịnh Hòa, nhà du hành nổi tiếng thế giới đã dịch và gọi tên đất này là 檳榔嶼 Tân Lang Dự. Như vậy chúng ta đã có thể rất dễ thấy được mối liên quan giữa các biến âm Lang - Nang - Nường chỉ nghĩa quả Cau, có liên quan đến câu chuyện tình Trầu Cau, đến quan hệ nam nữ.

Tiếng Việt cổ gọi trầu là Blù, Blầu, được dịch ra chữ Hán là Phù Lưu, vốn bắt nguồn từ một từ khá chung trong dòng đa đảo Blau. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng thật thú vị khi tên gọi cổ của đảo Cau Penang lại là Pulau Pinang, phải chăng là Phù Lưu - Tân Lang?

Thế là câu chuyện lại được mở ra thêm một lần nữa khi ta xét thấy từ Blù chỉ Trầu, người Việt cổ có một biến âm mang chiều giản hóa là Lù, cái biến âm đã tạo điều kiện cho người Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một phiên âm Lưu sau này. Từ khi bỏ đi tiền tố B' trong Blù cổ, Lù được biến âm nhiều lần để thành Nù, Nầu và thậm chí chúng ta cũng có thể nghĩ đến một sự biến âm khả quan là Blù - Lù - Lầu - Lưu - Nù - Nầu - Nò. Chính từ Nò sau bao biến đổi của ngữ âm mà có thể thành Nọ, Nỏ, Nõ...

Câu chuyện vẫn chưa hết khi những nhà nghiên cứu tiếp tục lần giở cảo thơm, tìm sâu trong cổ tịch. Bằng nhiều cứ liệu thuyết phục, người ta đã chứng minh được rằng Nõn sau khi biến đổi theo chiều giản hóa tất yếu sẽ có kết quả Nõ. Như thế Nõ Nường và Nõn Nường là một, là từ vựng được coi có liên quan đến quan hệ nam nữ thời sơ khai và hoang dã.

Có một chủ thuyết khác về Nõn Nường khi người ta dựa vào từ vựng tiếng Hán. Theo những người theo chủ thuyết này, Nõn Nường là biến âm của hai chữ Nộn Nương 嫩娘, với Nộn nghĩa là non, và Nương (Chữ Nôm đọc là Nàng) chỉ người con gái trẻ. Như vậy phải chăng Nõn Nường với biến âm như thế nhằm chỉ những gì liên quan đến con gái, đến sự sinh sôi, đến thân thể phụ nữ?

Lại có người cho rằng Nõn Nường là biến âm của Noãn Nang (Noãn: Trứng; Nang: Túi), chỉ bộ phận sinh sản mang tính Âm, nữ giới.

Có những điều xa xưa, đã trở thành những trầm tích sâu xa, tạo nên điều thú vị cũng như khó khăn cho bao kẻ mang tâm bới lục.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >