Trang chủ arrow Trang chủ
TÌM HIỂU VỀ VĂN HOÁ QUAN HỌ
25/09/2006

 

 Văn hoá Quan họ là một loại hình sinh hoạt văn hoá tổng hợp gắn liền với những sinh hoạt văn hoá cộng đồng của cư dân Bắc Ninh với lễ hội truyền thống.  

Đã từ lâu, trong dân gian nước ta truyền nhau về những lễ hội Quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc như: Hội Lim, hội Ó, hội Diềm, hội Nhồi... Quả đúng như vậy, những lễ hội này là của những làng Quan họ gốc có qui mô lớn và đặc sắc bởi văn hoá Quan họ gắn chặt cả phần lễ và phần hội. Tục lệ của các làng trên qui định chặt chẽ: phần lễ là để thờ Thần, thờ Phật; Quan họ phần hội là để các bọn Quan họ nam, nữ của các làng đến tham dự hội hát đối đáp giao duyên, vui chơi giải trí.
 
Quan họ thờ Thần: Không chỉ những làng Quan họ gốc nổi tiếng nêu trên, mà hầu hết các làng Quan họ gốc khác đều có tục lệ hát Quan họ thờ Thần (hoặc thờ Phật) phần lễ và hát Quan họ giao lưu phần hội. Theo tục lệ của các làng Quan họ gốc, hát thờ Thần được qui định chặt chẽ như: Chỉ có bọn Quan họ nam hoặc nữ của làng được hát. Trong hát thờ chỉ được hát những những giọng lề lối (giọng cổ) như: Hừ la, La rằng, Tình tang, Cây gạo... có nội dung ca ngợi công đức của Thần. Hệ thống giọng cổ này có vị trí là khởi nguồn của các làn điệu sau này. Tuyệt đối không được hát giọng vặt có nội dung nam nữ yêu đương. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều làng Quan họ không còn giữ nguyên được những qui định trên. Ví như các làng Bồ Sơn, Y Na, Yên Mẫn... còn mời các bọn Quan họ nam, nữ của các làng khác đến dự hội hát thờ Thần.
 
Quan họ phần hội: Quan họ phần hội là để các bọn Quan họ nam và nữ của các làng hát đối đáp giao duyên nhằm tạo không khí vui vẻ, giải trí với nhau. Hội của các làng Quan họ hấp dẫn và quyến rũ nhất chính là phần các bọn Quan họ hát đối đáp giao duyên với nhau. Bởi các liền anh, liền chị bằng những làn điệu, Những lời ca ngọt ngào đầy tình cảm thể hiện những tâm trạng yêu đương, nhớ nhung, đằm thắm, da diết, quyến luyến của những lứa đôi. Sách “Kinh Bắc phong thổ” ghi lại tục hát Quan họ ở làng Xuân Ổ (Ó) rằng con gái làng này hát rất hay và coi việc đón bạn trai về nhà trong ngày hội là điều may mắn. Hẳn vì thế, ở những hội Quan họ như Diềm, hội Lim, hội Ó, hội Nhồi... người ta thấy từng tốp các bọn Quan họ nam và nữ say sưa hát ở sân đình, sân đền, sân chùa, trên đồi núi, quanh đình chùa... có khi tràn cả xuống bờ ruộng, trên thuyền giữa sông nước.
 
Hát Quan họ giao lưu bao giờ cũng hát đôi và hát đối giữa các bọn Quan họ nam và nữ. Có nghĩa là khi một đôi nam (hay nữ) của bọn Quan họ bên này cất tiếng hát thì bọn Quan họ bên kia cũng chuẩn bị sẵn một đôi để hát đối lại . Trong cặp hát, người ca chính bắt giọng trước, người ca luồn bắt giọng sau. Bên kia hát giọng nào thì bên này phải hát đối bằng giọng ấy. Cũng vì hát đối mà dân ca Quan họ đã có sự phát triển vượt bậc cả về làn điệu. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được gần 400 làn điệu và gần một nghìn lời ca.
 
Sau khi các bọn Quan họ tham gia hát ở hội (còn gọi là ca sự tại đình), họ kéo nhau về nhà ông (bà) Trùm có nhà chứa của mình hỏi han, động viên nhau và ở đây diễn ra hát canh Quan họ (còn gọi là ca sự tại gia). Vào canh hát bao giờ người ta cũng hát đôi và hát đối theo lề lối. Hát theo lề lối có nghĩa là các đôi  Quan họ bắt đầu hát bằng hệ thống giọng cổ như: Hừ la, La rằng, La hời, Tình tang, Cây gạo, Cái ả, Lên núi, Xuống sông... Hát chừng 10 bài giọng lề lối, chuyển sang giọng sổng vài câu, tiếp đến là giọng vặt và cuối cùng là giọng giã bạn. Giữa canh hát bao giờ chủ nhà cũng mời Quan họ bạn xơi cơm, uống nước  Quan họ (cỗ mặn, chè nước, bánh ngọt...). Tất cả các cử chỉ mời trầu, mời nước, mời ăn... đến ca hát đều lịch thiệp, khéo léo, tế nhị với những lời ca tiếng hát ngọt ngào, đằm thắm. Khi Quan họ bạn xin phép ra về thì Quan họ chủ sẽ tiễn ra tận cổng làng. ở đây họ còn dùng dằng lưu luyến nhau bằng một số câu giã bạn.
 

                             (Ths Đỗ Thị Thủy, Bảo tàng Bắc Ninh)



Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >