Trang chủ arrow Trang chủ
KINH NGHIỆM NHỚ ĐỜI
23/09/2006

 

Cha tôi là một bác sĩ quân y kiêm phiên dịch. Ông là người thương con nhưng ác khẩu, thường thì ở nhà hai cha con tôi rất khó nói chuyện với nhau. Thôi thì cứ câu trước câu sau là bất đồng quan điểm, cha vào phòng làm việc, con quay ra đọc sách, như thế chẳng khi nào hai bên hiểu được cho nhau.  

 

Nhớ về ông nội.
 
Tôi giống cha tôi cái nghịch táo tợn là rõ nhất. Lúc còn bé ngày nào cũng đánh lộn, trèo cây…đủ trò làm mọi người phải phát sốt phát rét.

Ham mê tuyệt thú của tôi thời ấy là bắn chim, trong góc học tập la liệt súng cao su to nhỏ. Ấy là bé thì chơi bắn súng cao su, chứ nếu có thứ gì bắn được, đánh được chim là tôi mò tuốt.

Ngày ấy có một thứ trong sân mà cha tôi cấm chỉ động tới, đó là chiếc Câu liêm khá dài đặt cạnh cái thùng phi nuôi cá. Nghe mẹ tôi nói đó là kỉ vật của ông nội tôi để lại.

Với một người bình thường thì việc cấm đoán đó đã là một sự thách thức, còn với tôi, một thằng nhóc thì quả là đã kích thích vào ý thức chống đối và tò mò rồi.
…Giờ đây sờ tay lên vết sẹo tôi vẫn không khỏi bàng hoàng…
…Hôm ấy cả nhà tôi đi vắng, chỉ có cha tôi đi đâu về ngủ ở trong nhà. Một mình tha thẩn ngoài sân, lũ chim bay cao quá mà súng cao su đã bị mẹ tôi vứt đi từ mấy hôm trước. Buồn vì chẳng có ai chơi, tôi lang thang quanh sân như con gà, như con gà…tha thẩn, tha thẩn…
Xoẹt!...một chú chim đậu ngay ở gốc cây táo…Này! Ô kìa hình như lại một con chim nữ.

A…Hai con trên cao cao ấy làm gì nhỉ!?Quan sát kĩ tôi phát hiện thì ra có một tổ chim đã được xây tự lúc nào trên cành táo chìa ra phía ao, trong đó tôi còn nhìn rõ cả những chiếc mỏ tham ăn của lũ chim non đang háu đói. Thoáng một cái tôi đã tưởng tượng ra trước mắt một chiếc lồng chim với những chú chim nho nhỏ, còn tôi thì thay mặt bố mẹ chúng hàng ngày cho chúng ăn, rồi thì lũ bạn sẽ phải phát ghen lên mất…

Nhưng khổ nỗi tôi thì thấp, cành cây thì cao, vậy thì chỉ còn cách kều mà thôi. Kiếm đâu được chiếc sào dài bây giờ…!?...Đây rồi! Chiếc câu liêm đứng đó như thằng bạn tốt nhưng ham chơi chào mời, tôi với lấy và quật mạnh…

…Tôi thức giấc trong cơn đau rát và bủn rủn, chỉ thấy mờ mờ bóng cha mẹ tôi ngồi bên giường. Thì ra chiếc dây phơi đã hại tôi, một vết sẹo mất nhiều máu đã cho tôi một bài học nhớ đời!

Hôm sau và mấy ngày sau nữa cha tôi không nói gì, chỉ nhìn tôi lặng lẽ. Trong con mắt ông, một người lính chiến vào sinh ra tử, nhìn thấy máu me đổ vỡ đã nhiều nhưng vết thương này lại là của đứa con trai mình, chắc ông giận nhưng thương tôi lắm.

Vào cấp III, tôi thi vào 10 đạt điểm khá, cha tôi mừng lắm. Tôi vẫn nhớ hôm ấy lúc ăn cơm xong, cha tôi trịnh trọng ngồi vào bàn nước và gọi tôi vào. Nhìn tôi ông chậm rãi:
-Vết sẹo có còn không?
Tôi hơi bàng hoàng, một cảm xúc hơi xấu hổ ngượng ngùng pha lẫn lòng biết ơn vô hạn. Thì ra lâu nay ông không nói gì nhưng vẫn luôn để ý tới tôi.

Rồi tôi lặng thing…Còn cha tôi cứ nói…Ông kể nhiều lắm, và bí mật chiếc Câu liêm cuối cùng tôi cũng đã hiểu…

…Thuở ấy ở vùng Tam Nông Vĩnh Phú, đột nhiên trộm nhiều vô kể, có nhà bà goá trộm còn lẻn vào từ đêm mà cướp của giết người, cả làng chìm trong lo sợ. Ông tôi vốn nghề giáo, bà nội mất sớm nên ông chủ trương dạy con cái rất nghiêm và tất nhiên là ghét cay đắng bọn trộm cướp. Ông lập hẳn chế độ phòng thủ nghiêm nhặt, cứ tối đến là cửa đóng then cài, hơn nữa lại còn sắm cả chuông trống, vài thứ súng kíp và vũ khí, trong đó có cả thanh câu liêm dài quá khổ.

Thế rồi trộm ở quanh ta rồi trộm vào nhà mình, cái đêm ấy khi cha tôi tròn 17 tuổi cũng là ngày trộm đến thăm nhà…

…Hôm đó trăng sáng vằng vặc, thế nhưng ở ngoài đường chẳng có ai vác cái gì đi chơi cả. Nghe nói những đêm sáng trăng ma sói đi chơi rất nhiều, thế cho nên mới chập tối người nào cũng cửa đóng then cài. Nhà ông tôi lại càng chắc hơn.

Chừng nửa đêm thì trộm mò vào, tiếng hô của ông tôi khiến tên trộm chạy thốc tháo ngoài vườn, người người đốt Hoả bả (đuốc) sáng trưng. Cha tôi cũng hào hứng góp sức, Câu liêm cầm tay…

…Tên trộm nấp sau chuồng gà, phải thật khéo mà đến gần. Mọi người ùa vào, chiếc Câu liêm trên tay cha tôi giật mạnh…

…Và lại chiếc dây phơi…vết sẹo giữa sống mũi cha tôi mà lâu nay tôi không để ý giật giật…
Thế là tuổi 17 và sự thiếu kinh nghiệm cũng đã cho cha tôi một bài học nhớ đời…

Mắt nhìn xa xăm, cha tôi ôn tồn:

-Con ạ! Ông dạy Câu liêm tính dài, không ưa dùng ngắn. Địa hình chật hẹp, chẳng thích tính dài. Khi dài phải biết thu ngắn, khi ngắn phải biết dùng dài. Lời ông như thế trẻ tuổi hiểu được không? Vết sẹo lại càng không hiểu!...

…Tôi nhìn ra sân, chiếc Câu liêm còn đó… “Có dài phải biết thu ngắn, có ngắn phải biết dùng dài”, cha ơi! Con sẽ không bao giờ cãi cha nữa!...

Nguyễn Hạnh (Viết với lòng tôn kính nhất)

 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >