Trang chủ arrow Tản mạn arrow NHÃN LỒNG HƯNG YÊN
NHÃN LỒNG HƯNG YÊN
14/02/2008

 Ở chùa Hiến (Hưng Yên ), có cây nhãn cổ thụ, nghe đồn là đồ cúng dường và tiến vua, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là tiêu biểu địa phương. Cây nhãn này đã được dựng bia ghi danh.

 

Nhân vừa rồi về Kim Động, có vị sư trụ trì chùa Bồng Lai gửi một gói quà có món nhãn khô, chợt nhớ tới chuyện cụ Bảng Đôn ăn vải bên Trung Quốc.

Đất Hưng Yên nổi tiếng Nhãn Lồng. Đã có bao giấy bút đã được đem ra dành cho việc bàn luận cái từ nguyên của nó. Người ta bảo có lẽ vào mùa nhãn chín, phải đan lồng để bảo quản khỏi nạn răng dơi nanh chuột lại đảm bảo được an toàn khi vận chuyển nơi xa. Có người lại bảo, vì ngày xưa chuyển nhãn lên kinh đô, để khỏi mắc tội rẻ rúng đồ ngự dụng, khỏi mắc tội khi quân, người dân buộc nhãn lên đầu ngựa rồi quất roi chạy lồng đến sân rồng, thế là có cái tên như thế. Còn riêng tôi, cứ nghĩ vơ vẩn xem cái tên này có liên quan gì đến từ Long Nhãn (Mắt rồng) không nhỉ?

Nói về nhãn lồng, phẩm chất của nó thì phải chăng những tinh túy của vùng châu thổ sông Hồng đã chắt  chiu cho nó nơi đây. Cái câu các cụ dạy: “Đói lòng vác cái Dao phay, em tìm quả nhãn bổ cùi anh ăn” nhắc nhớ đến câu: “Nhãn lồng bổ ngập dao phay”, ý nói đến loại nhãn thượng hạng Hưng Yên quả to, hạt nhỏ cùi dày. Quả nhãn lồng Hưng Yên mỗi khi bóc ra cắn vào thấy êm ru vì ngọt và rồi giật mình vì giòn sần sật. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng mô tả: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Nằm trên một vùng văn hóa của văn minh phố Hiến xưa, người dân Hưng Yên đã thừa hưởng được cái tâm thức làm ăn lối cầu cảng đã ngấm vào tiềm ẩn. Cả vùng Hưng Yên giờ trồng nhãn, hái sen như là những nghề nuôi sống khá chủ yếu ở khu vực. Với sản lượng tính bằng trăm tấn nhãn tươi, chỉ riêng thị xã Hưng Yên, người ta làm ra trung bình khoảng vài chục cho đến trăm tấn nhãn  khô, được xuất khẩu sang bên kia biên giới.

Cây nhãn như bám chắc vào đời sống người dân Hưng Yên, nó được ưu ái trồng nhiều ở đất ven đê từ Đằng Châu, Xích Đằng đến cửa sông Luộc. Đây là thứ cây cho  quả nhưng cũng cho thứ gỗ bền chắc, màu sắc đỏ hồng rất đẹp. Cây trồng quanh nhà cản gió, cho mùi thơm khi vào mùa, than cháy đượm, quả và lá là những vị thuốc quý dùng trong Y học cổ truyền. Được bày trên bàn thờ ngày Tết, lá là lộc hái đầu năm, làm quà biếu , thực phẩm, nhãn lồng nói riêng, nhãn Hưng Yên nói chung cùng với hạt sen xứng đáng là những sản phẩm quý và là thế mạnh của quê hương chiếu chèo này.

Ngồi nhâm nhi chén rượu nhãn tại cơ quan đầu năm mới với các bạn đồng nghiệp, câu chuyện nhắc tới vị thuốc long nhãn bổ âm huyết, lại nhớ đến Hưng Yên, nơi : “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm”, nơi mùa quả chín vào âm tháng sáu.

“Đố anh thức ấy hoa gì
Anh giải được nhãn Hương Chi em dành”

Nguyễn Hạnh (Trong loạt bài viết sau khi đi Hưng Yên)

 

 

 


 
.



Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >