Trang chủ arrow Tản mạn arrow TẢN MẠN VỀ NÀNG TÔ THỊ
TẢN MẠN VỀ NÀNG TÔ THỊ
14/02/2008

 

 Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

 

Lúc còn nhỏ, khi được nghe kể truyền thuyết về nàng Tô Thị, tôi cứ phân vân liệu người ta đợi nhau có thể hóa thành đá thật không. Ngày ấy tôi phải đi sơ tán về vùng nông thôn, sống trong nhà kho của hợp tác xã cùng với con em cán bộ công nhân viên khác trong cơ quan của mẹ. Hai, ba tuần có khi cả tháng trời bố mẹ tôi mới lên thăm một lần. Sau này chị cả tôi thay bố mẹ lên thăm các em. Mỗi khi chị về, tôi cứ ra cổng đứng nhìn theo cho đến khi chị bóng khuất hẳn mới thôi. Tôi không còn nhớ được bao nhiêu, nhưng chị tôi kể lại, lần nào tôi cũng nói: "chị để cho em nhìn theo chị, em không khóc đâu". Nhưng lúc ấy, mắt tôi đã đầy nước rồi. Chiều thứ bảy, tôi đứng ngoài cổng đợi chị tôi đến thăm cho đến khi tối mịt. Các cô bảo mẫu thấy tôi đứng lâu ngoài sân thì hay dọa: "cứ đứng đợi như thế thì có ngày sẽ hóa đá như nàng Tô Thị". Không muốn bị hóa thành đá, tôi chui vào góc nhà ngồi khóc một mình.

Lớn lên, tôi có dịp đi nhiều nơi trên đất nước, nhưng chưa một lần đặt chân tới Đồng Đăng. Cách đây 3 năm, tôi đã đến được chùa Tam Thanh, nhưng nàng Tô Thị đã bị nung thành đá vôi mất rồi. Có lẽ đất nước mình đã hết chiến tranh nên không cần đến một Hòn vọng phu nữa chăng? Nhiều khi tôi cứ băn khoăn tự hỏi, sao các cụ ngày xưa không để cho Tô Thị hóa đá chờ người đàn ông đích thực của đời mình? Có tàn nhẫn quá không khi bắt nàng đợi chờ trong vô vọng vì người đó sẽ mãi mãi chẳng bao giờ quay về? "Nếu biết được người đó ra đi như một lần chạy trốn - Liệu có ai còn hóa đá chờ chồng?". Nhân khi blogger Tha Hương Viễn Xứ (THVX) đăng lên mấy bài thơ Đường Luật xướng họa về Thạch nữ cùng blogger cao niên Hoa cuối mùa , tôi có hỏi ở phần cảm nhận: "nếu Tô thị biết chồng mình chính là người anh trai lưu lạc năm xưa thì sẽ ra sao?". THVX trả lời: "Nếu thế chắc nàng đã đâm đầu xuống biển".

Chưa có một truyền thuyết nào trong lịch sử làm cho tôi phải trăn trở nhiều đến thế. Bài thơ đầu tiên tôi viết về Tô Thị vào năm 2002. Ba năm sau, vẫn dùng đến hình ảnh Tô Thị, tôi lại viết: "Những tháng năm mòn mỏi không anh - Em từng mong giá như mình hóa đá - Cho lòng bớt chòng chành". Rồi cách đây một năm, nhân chuyện các em nhỏ đi học bị đắm đò, tôi lại viết: "Nếu cứ đợi chờ nhau rồi hóa đá - Cõi nhân gian nước mắt sẽ không còn".

Tôi muốn hiểu tại sao, các cụ ngày xưa phải đẩy Tô Thị vào bi kịch loạn luân. Đất nước mình máu lửa, binh đao suốt chiều dài lịch sử. Để người lính yên tâm ra trận, chúng ta rất cần có những tấm lòng "thủy chung - hóa đá chờ chồng". Nếu Tô Thị lấy một người trai cùng làng, cùng có những kỷ niệm tuổi thơ chăn trâu căt cỏ, nhất định chàng sẽ phải trở về cùng vợ con sau khi đã đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Và nếu chàng trở về thì Tô Thị của chúng ta sẽ không cần hóa đá. Thế thì tại sao không để cho chàng hy sinh nơi hòn tên mũi đạn? Liệu có nhân đạo không khi bắt người phụ nữ phải hóa đá đợi chờ một người đã chết? "Gió đưa cây cải về trời - Rau răm ở lại chịu lời đắng cay". Người chết đã ngậm cười nơi chín suối vậy thì cớ sao lại để người còn sống hóa đá ngàn năm trông về phương bắc? Tôi tin rằng, những người lính của chúng ta cũng không nỡ bắt người vợ góa con côi của mình đợi chờ trong vô vọng như vậy. Blogger cao niên Hoa cuối mùa đã từng là người lính, và đây là hai câu kết của bài xướng họa: "Thôi đừng đăm đắm sầu thương nữa - Hãy bế con quay về láy chồng". Vậy thì hãy để cho nàng nuôi hy vọng đợi chờ một người còn sống. Nhưng phải tìm ra được lý do để cho chàng không thể trở về gặp lại vợ con. Hãy để cho chàng chạy trốn khỏi cuộc đời nàng mà không bị mang tiếng là kẻ "đổi dạ thay lòng". Thế thì chỉ còn cách duy nhất là cho cả hai cùng chung huyết thống. Anh trai của nàng đi mãi, đi mãi không bao giờ trở lại vì muốn nàng quên đi mối tơ duyên ngang trái. Biết đâu nàng sẽ chẳng gặp một người đàn ông tử tế sẽ chăm lo cho cả hai mẹ con? Thôi thì cứ để cho nàng không biết tấn bi kịch của gia đình, để cho nàng đợi chờ người nàng thương yêu - biết đâu sẽ có ngày người ấy trở về. Dẫu xót xa, nhưng Tô Thị vẫn là một nét nhân văn trong văn hóa Việt Nam.

P/S: Bài này tôi viết hưởng ứng theo lời "kêu gọi" của blogger Nguyễn Linh Giang (NLG): Nhân dịp đón xuân, chúng ta cùng hướng về Trường Sa và viết về người lính. Tôi không có vốn sống nhiều về người lính. Vậy tôi xin chia sẻ với những người mẹ, người vợ và người yêu của lính.

Từ http://jolicoeur.blogtiengviet.net/


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >