Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow BÁNH TRÔI CHAY
BÁNH TRÔI CHAY
10/10/2006

 

 

  Thân em thì trắng, phận em tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.

(Bánh Trôi nước-Hồ Xuân Hương)

Làm bánh trôi, bánh chay vào mồng 3/3 nhưng không mấy người Việt Nam nhớ đến sự tích ông Giới Tử Thôi mà chỉ nhớ đó là ngày Tết Hàn thực.

   
Tết Hàn Thực nghĩa là Tết ăn đồ nguội. Tết này vào ngày mồng 3 tháng Ba âm lịch. Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, công Tử Trùng Nhĩ, về sau là vua Tấn Văn Công, khi gặp cảnh hoạn nạn, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi của mình, nấu dâng cho ăn. Sau 19 năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ lại được trở về nắm giữ vương quyền nước Tấn. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Tử Thôi. Tử Thôi cũng không oán hận, vì nghĩ việc giúp đỡ Trùng Nhĩ là một nghĩa vụ của kẻ bầy tôi. Và Tử Thôi đưa mẹ vào sống ở núi Ðiều. Lúc vua nhớ ra cho người tới mời mà không được, liền sai đốt rừng để Tử Thôi phải đi ra. Tuy nhiên Tử Thôi không ra, và hai mẹ con cùng bị chết cháy. Hôm ấy đúng ngày 5 tháng Ba. Ðau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi,và đổi

Tên núi đó là Giới Sơn. Người quanh vùng thương Tử Thôi nên hằng năm từ ngày mồng 3 đến mồng 5 tháng Ba thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn. Từ thời Nhà Lý, người Việt đã tiếp nhận Tết này nhưng chỉ tổ chức vào một ngày mồng 3 tháng Ba mà thôi, không kiêng đốt lửa và thường làm bánh trôi, bánh chay, thay cho đồ nguội, mục đích chủ yếu là để cúng gia tiên chứ ít người

Hiểu rõ chuyện Giới Tử Thôi. Hiện nay, Tết này vẫn thường đậm nét ở miền Bắc, nhất là các tỉnh quanh Hà Nội.

Sách Vân Đài loại ngữ ghi: “Tục nước Nam ta rất thích bánh Trôi nước: Cứ đến mùng 3 tháng 3 thì làm. Người Trung Quốc cũng có bánh ấy, gọi là Thuỷ Đoàn”.

Sách Sơ Thực Phổ của Trần Đạt Tẩu cũng nói đến món Thuỷ Đoàn, chua rằng: “ Bánh bột nếp bọc đường, nấu xong vẩy nước hoa vào”, lại có bài thơ:

“Đoàn đoàn nọa phấn,
Điểm điểm giá sương,
Dục dĩ trầm thuỷ,
Thanh cam thả hương”.

(Tròn tròn bánh nếp,
Óng ánh màu đường,
Nấu trong nước chín
Ngọt mát thơm lừng ).

Sách Trung Quỹ lục lại ghi: “Hoà đường cát với bột đậu xanh, ngoài bao bột gạo nếp, nặn thành bánh, đem hấp hay luộc…”. 

Công đoạn đầu tiên để làm thức bánh này là việc chuẩn bị mọi nguyên liệu từ gạo nếp, đỗ xanh, đường kính, đường phên, vừng, bột đao và cầu kì đúng công thức là phải có một lọ nước hoa bưởi hay dầu chuối. Gạo ngâm rồi xay để ráo từ tối hôm trước đế hôm sau bột ráo nước dễ nặn.

Ngày nay công đoạn chuẩn bị bột rất dễ dàng vì các bà, các mẹ có thể mua bột hoặc ướt hoặc khô bán sẵn bên ngoài cửa hàng về ủ vài tiếng cho mềm là được.

Trong khi đợi gạo ráo nước, người ta chặt đường phên ra từng miếng nhỏ. Khi bột dính tay là lúc bỏ ra nặn thành những viên tròn bằng quả táo Tàu, gói đường vào giữa rồi vo tròn lại. Tiếp theo bỏ nồi nước lên bếp, đun sôi rồi thả bánh vào. Cuối cùng chỉ việc đợi bánh nổi lên xuống vài lần là có thể vớt ra đĩa. Thường thì người ta xếp từ 5, 10 hay 15 viên mỗi đĩa và một người ăn khoẻ chỉ ăn hai, ba đĩa là đã cảm thấy ngấy rồi. Cái ngấy không phải vì không ngon mà do bánh làm bằng bột gạo nếp lại có đường ngọt khé cổ. Tuy nhiên, ăn nó man mát, thơm thơm, dẻo dẻo thật nên thơ. Đúng là món quà dành để ăn chơi, để thưởng thức, nhất là cánh đàn ông chót nghiền thức bánh này mỗi lần nếm cái vị ngòn ngọt ấy như được thưởng thức nụ hôn đầu tiên của một cô gái trinh trắng, như được uống cả “Nàng” vào trong.

Thời tôi còn bé, cứ đến ngày mùng 3 tháng 3 nhà nào cũng làm bánh này. Nhưng càng về sau, tập quán làm thứ bánh dân gian này đã phai nhạt trong tâm thức mỗi gia đình. Chỉ cần cầm tiền ra chợ mua là có, kể cả ngày thường đều thấy cửa hàng bán sẵn từ bình dân như chợ Thành Công, chợ Nam Đồng đến những hàng có đẳng cao hơn như chợ Hôm Đức Viên, 23 Lê Văn Hưu.v.v… Khắp nơi Bánh Trôi, Bánh Chay nhưng đúng dịp Hàn Thực bánh bao giờ cũng hết từ chiều, làm cho nhiều người đẹp tiếc ngẩn tiếc ngơ vì không còn dịp tự mình nhâm nhi bài thơ, ăn bánh và cảm thông với nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào “Chính hội” nữa. Bánh Trôi Chay đã là một nét Văn hoá ẩm thực của Hà Nội xưa.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >