Trang chủ arrow Trang chủ
QUAN HỌ VÀ MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ
06/10/2006
Image

Quan họ là loại dân ca hát đối đáp giao duyên đặc sắc của vùng Kinh Bắc xưa và nay là tỉnh Bắc Ninh. Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong sáng tác "Những cô gái quan họ" đã viết "Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca..."

Nội dung chính trong buổi hát quan họ thường là khi hai bên nam-nữ hát đối nhau. Bên nam gọi là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng đến khi ra đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên. Các chàng trai, cô gái xứ sở quan họ hào hứng, hồi hộp đón chờ ngày hội làng, bởi trong những ngày hội đó, họ được thức thâu đêm, suốt sáng để được nghe, được hát và thi hát. Qua đó, họ học thêm ở nhau những câu ca, những làn điệu mới, họ tìm thấy ở nhau sự đồng cảm qua những ánh mắt, nụ cười.

Quan họ hiện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Bộ Văn hóa Thông tin có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
 
Định vị địa lý Bắc Ninh
 
Diện tích: 804 km2
Dân số (2002): 971 300 người
Tỉnh lỵ: Thị xã Bắc Ninh
Các huyện: Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài
Dân tộc: Việt (Kinh), Nùng, Mường,Tày
 
Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Phía bắc giáp Bắc Giang, phía đông và đông nam giáp Hải Dương, phía tây giáp Hà Nội, phía nam giáp Hưng Yên. Tỉnh lỵ Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30 km, theo quốc lộ 1A. Tỉnh có nhiều sông lớn, vì vậy hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông đều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và văn hoá. Địa hình chủ yếu là đồng bằng, có nhiều địa danh đẹp đã nổi tiếng trong thơ ca: sông Cầu, núi Thiên Thai...

Thế mạnh kinh tế: Kinh tế nông nghiệp là chính.

Thắng cảnh du lịch: Khu chùa Phật tích, vùng núi chè (gắn với sự tích bà Ðặng thị Huệ - vợ chúa Trịnh), trại cò (Tiên Sơn) ...
Các lễ hội như Hội đền Bà chúa kho, Hội Lim với lối hát quan họ, một lối hát giao duyên truyền thống còn lưu truyền tới ngày nay.

Di tích - Danh thắng: Chùa Phật Tích; Chùa Dâu; Chùa Bút Tháp; Đền Đô; Đền Bà Chúa Kho; Đình làng Ðình Bảng; Đình Cổ Mễ; Đình Đông Hồ; Di tích phòng tuyến sông; Như Nguyệt; Di tích núi Dinh; Làng tranh Đông Hồ .

Lễ hội: Hội Lim; Hội Đình Bảng; Hội Đông Hồ; Hội chùa Phật Tích; Hội đền Đô; Hội chùa Dâu; Hội chùa Tổ.
 
Định vị sông Cầu 

Sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Thị Cầu hay sông Nhật Đức) là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình.

Lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như về lịch sử phát triển kinh tế - xã hội.

Không gian văn hoá Quan họ Bắc sông Cầu, một điển hình về môi trường Quan họ: 
 
Sau hơn một năm nghiên cứu và sau hai tháng tiến hành điều tra sinh hoạt văn hoá Quan họ vùng Bắc sông Cầu (thuộc tỉnh Bắc Giang), Sở Văn hoá Thông tin (VHTT) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện VHTT (trực thuộc Bộ VHTT) tổ chức báo cáo kết quả điều tra.

Đoàn khảo sát đã tiến hành điều tra tại 24 làng có sinh hoạt văn hoá quan họ truyền thống thuộc 9 xã ở các huyện Việt Yên, Hiệp Hoà, Yên Dũng; trong đó có 5 làng trong danh sách 49 làng quan họ đã được công bố. Qua kết quả điều tra, các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết “phải chăng sinh hoạt văn hoá Quan họ chạy dọc hai bờ sông Cầu, bắt đầu từ Lục đầu Giang (Yên Dũng) đến hết đất Hiệp Hoà”. Từ các nguồn nhân chứng, tài liệu cũ để lại đã thấy rằng tục hát quan họ có ở vùng này từ xa xưa. Theo báo cáo, đoàn điều tra đã xác định được khoảng trên 30 nghệ nhân hát quan họ (đều trên 75 tuổi) với các bài quan họ cổ, phong cách thể hiện còn giữ nguyên bản sắc “vang, rền, nền, nảy”; đồng thời, đoàn cũng thu thập được khoảng 200 bài hát chép tay của các nghệ nhân chưa được công bố và trực tiếp ghi âm gần 100 bài hiện đang tồn tại ở các làng, một số bài mang tính dị bản so với các bài quan họ đã biết.

Theo Tiến sỹ Bùi Quang Thanh (Viện VHTT), xét theo các tiêu chí về hiện trạng sinh hoạt, việc hiện diện của các nghệ nhân và các làng có ít nhất 3 thế hệ hát quan họ… thì các làng quan họ ở bờ Bắc sông Cầu không khác gì so với 49 làng quan họ đã được công bố trước đây.

Kết luận của đoàn điều tra chỉ rõ: sinh hoạt quan họ phía Bắc sông Cầu có mối liên hệ chặt chẽ với sinh hoạt quan họ phía Nam sông Cầu; nó tạo thành một vùng văn hoá Quan họ có những biểu hiện hết sức độc đáo. Sự phổ biến, ổn định và tương đối thống nhất của ngôn ngữ, hệ thống bài bản, lối chơi trong sinh hoạt văn hoá quan họ vùng Bắc sông Cầu cho thấy có nhiều nét tương đồng với vùng Nam sông Cầu, chứng tỏ nó có chung một cội nguồn lịch sử và do chính cư dân bản địa sáng tạo ra. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy nhiều nghệ nhân hát quan họ cổ đã mất, một số tuổi đã quá cao không còn khả năng thể hiện giọng hát; việc nhớ và hát lại các làn điệu bị hạn chế… Để góp phần tích cực vào việc bảo tồn văn hoá quan họ, đoàn điều tra đã nêu ra một số kiến nghị, như: hỗ trợ kinh phí hoạt động, tổ chức hội thi hát quan họ cho nhiều lứa tuổi (nhất là các nghệ nhân cao tuổi); tổ chức giao lưu giữa các làng theo truyền thống; sưu tầm các bài hát quan họ cổ…

Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền cho biết, đây là một trong những hoạt động của Viện VHTT trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. 
 
Văn hóa truyền thống làng -Môi trường sống của Quan họ cổ:
 
Dưới góc độ văn hoá, Quan họ cổ phải được đánh giá một cách khoa học về vai trò chức năng của nó trong vùng văn hoá Bắc Ninh nói riêng và kho tàng nghệ thuật dân gian nói chung để có những chính sách và biện pháp hữu hiệu để bảo tồn.

Qua khảo sát ở các làng quan họ có thể nhận thấy nguy cơ biến dạng Quan họ cổ là có thật. Những năm qua nhiều nghệ nhân Quan họ cao tuổi đã buộc phải giã biệt hội Lim, mặc dù trong tâm thức họ, hội Lim luôn là cội nguồn Quan họ. Nhiều nghệ nhân đã tâm sự: Họ không muốn hát ở chốn nhốn nháo và ầm ĩ đó (các lều quán Quan họ thi đấu độ to, ồn ào của loa phóng thanh, cộng với âm thanh quảng cáo và trò chơi hiện đại lấn át tính trữ tình của nghệ thuật chơi Quan họ).
 
Tục kết chạ làng Diềm (Yên Phong) với làng Hoài Thị (Tiên Du) từ ngàn xưa đến nay vẫn được người dân hai làng duy trì một cách tự nguyện, bền vững – thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn Quan họ cổ. Bởi chỉ có những dịp này, các nghệ nhân cao tuổi mới có một môi trường thuận lợi để hát xướng theo cách cổ.
 
Ở làng Diềm và một số làng nữa ở Bắc Ninh, người ta thấy nhiều thiết chế văn hoá truyền thống vẫn đang được duy trì (đình, chùa, đền...) đi kèm với chúng là những phong tục, lễ hội truyền thống. Chắc chắn rằng, nếu không có môi trường văn hoá này, người ta sẽ khó có dịp chứng kiến và cảm thụ được Quan họ cổ là như thế nào. Vào những ngày lễ hội, đặc biệt là vào ban đêm, làng Diềm thường tổ chức những canh Quan họ cổ. Người làng và khách từ nơi khác đến luôn háo hức để tham dự vào những canh hát ấy-những canh hát không cần đến sự trợ giúp của những động tác sân khấu mà lớp trẻ thường sử dụng. Qua đó có thể thấy rằng Quan họ cổ trên thực tế vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó. Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc vào môi trường văn hoá truyền thống ở từng cộng đồng làng. Nói cách khác, nếu Quan họ cổ đứng tách riêng khỏi môi trường sống của nó là văn hoá cổ truyền của làng thì nó không mang tính tổng thể, toàn vẹn nữa, và vì thế giá trị của nó sẽ bị suy giảm.
 
Muốn bảo tồn Quan họ cổ thì có một biện pháp quan trọng mà các nhà quản lý cần quan tâm là cộng đồng nào đã có môi trường văn hoá cổ truyền thì cần phải được tác động để nó tốt hơn. Làng nào mà các thiết chế và hoạt động văn hoá cổ truyền còn ít và yếu thì cần phải được đầu tư về chuyên môn để khôi phục lại những giá trị văn hoá phi vật thể đã mất. Qua đó tạo môi trường cho Quan họ cổ tồn tại.
 
Đầu năm 2006, Viện Văn hoá-Thông tin đã thực hiện 3 dự án nhằm phục hồi một số lễ hội và lễ tục cổ truyền đã bị thất truyền năm, sáu mươi năm nay, thậm chí hàng trăm năm nay. Đó là: Lễ rước Bà Đống và tục chọc gậy của hai thôn Hoà Đình (thành phố Bắc Ninh) và Đống Cao (Yên Phong); Lễ rước nước của thôn Duệ Khánh lên đồi Lim; Lễ rước của tổng Nội Duệ (cũ) và lễ tế ở khu lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim; Lễ Cầu đảo (cầu mưa) và tục cướp cầu ở làng Diềm (Yên Phong). Kinh nghiệm qua một số trường hợp phục hồi các phong tục, lễ hội ở Bắc Ninh cho thấy: Nhân dân, kể cả các tầng lớp thanh niên ở các làng quê Bắc Ninh có nhu cầu được phục hồi lại những phong tục bị lãng quên. Sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong quá trình phục dựng (luyện tập), thái độ nghiêm túc của họ trong các lễ nghi... chứng tỏ nhu cầu nội tại của họ đối với những hình thức văn hoá truyền thống đã thất truyền này.
 
Ngành Văn hoá-Thông tin cần có những cuộc khảo sát chuyên sâu về trữ lượng văn hoá phi vật thể ở các làng Bắc Ninh, nhất là với các làng quan họ cổ. Trên cơ sở đó có kế hoạch trùng tu, phục hồi những thiết chế văn hoá và lễ hội cổ truyền nhằm tạo môi trường sống cho Quan họ cổ. Khi phục hồi những phong tục lễ hội cổ các nhà quản lý cần kết hợp với các nhà chuyên môn và nhất thiết có nghiên cứu cộng đồng, trưng cầu ý kiến của của người dân để hiểu rõ nguyện vọng nhu cầu thực tế của cộng đồng. Cũng nên khuyến khích các làng quan họ cổ đã có quan hệ kết chạ thời xưa, nay đã bị đứt đoạn hoặc phai nhạt nối lại hình thức giao lưu văn hoá này. Khuyến khích các làng xưa nay không có tục kết chạ có thể kết chạ với một làng khác theo tinh thần Quan họ cổ. Ngoài ra cũng cần tuyên truyền rộng rãi trên các phương truyền thông đại chúng về chủ trương phục hồi hình thức văn hoá cổ truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia vào quá trình bảo tồn Quan  họ cổ.
 
Phụ lục:
 
Các loại làn điệu quan họ:
 
Có rất nhiều làn điệu dân ca quan họ cổ đã được sáng tạo trong quá trình tìm tòi, lao động nghệ thuật của cha ông. Đại thể ngày nay có thể tìm lại trong di sản những làn điệu dân ca quan họ cổ như: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, cái ả, Gió mát trăng thanh, Tứ quý...
 
Một số bài hát quan họ

Trống cơm

Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ
Ố mấy bông mà nên bông
Ố mấy bông mà nên bông
Một bầy tang tình con nít
Một bầy tang tình con nít
Ố mấy lội, lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Một bầy tang tình con nhện
Ô ố ô ô mấy giăng tơ
Giăng tơ ô mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Duyên nợ khách tang bồng
Duyên nợ khách tang bồng...


Trúc xinh
Cây (i) trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc
Qua (i) lối nọ (i) như bờ ao
Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng
đứng, đứng nơi nào qua lối như cũng xinh (láy)
Cây (i) trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc
Qua (i) lối nọ (i) như bên đình
Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng
đứng, đứng một mình qua lối như cũng xinh (láy)
Cây (i) trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc
Qua (i) lối nọ (i) cơn mưa rào
Lòng tôi yêu tang tình là chị Hai có
có dạ nào qua lối như làm ngơ (láy)

Còn duyên

Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng.
Còn duyên ngồi gốc cây thông,
Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa.
Còn duyên buôn nụ bán hoa,
Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi chờ.
Đừng thấy lắm bạn mà ngờ,
Lắm bạn thời lắm vẫn chờ người ngoan.
Người ở đừng về
Con nhện giăng mùng
Kẻ Bắc, người Nam.

Trịnh Vân Hải-Võ Trung (theo nhiều tư liệu ) 


                                                                                                        


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >