Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương bốn mươi sáu - BỆNH NĂNG LUẬN THIÊN
Chương bốn mươi sáu - BỆNH NĂNG LUẬN THIÊN
20/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Người mắc bệnh Vị quản ung, chẩn thế nào có thể biết được? (1)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Chẩn bệnh đó, nên "hậu" ở Vị mạch. Mạch đó sẽ trầm, tế; trầm, tế là do khí nghịch. Nghịch thì mạch ở Nhân nghinh tất phải rất thịnh, rất thịnh nên nhiệt. (2)

 Nhân nghinh là mạch của Vị. Nếu nghịch mà thịnh thì đó là do nhiệt tụ ở Vị khẩu, mà không dẫn đi được, nên mới thành chứng ung ở Vị khẩu.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Vì sao bệnh nhân không thể nằm yên?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Vì Tàng bị thương, tinh không thể dẫn đi, quy tụ cả vào Vị, nên không thể nằm yên.

 - Không thể nằm ngửa được, là vì sao?

 - Phế, như cái lọng che cho các Tàng. Phế khí thịnh nên mạch đại, mạch đại nên không thể nằm ngửa. Đã bàn rõ ở thiên Kỳ hằng âm dương.

 - Có người mắc bệnh quyết, chẩn mạch bên hữu trầm mà khẩn, mạch bên tả phù mà trì... Vậy chủ bệnh ở đâu?

 - Nếu chẩn về mùa đông, mạch bên hữu vốn trầm, khẩn, đó là ứng với bốn mùa; mạch bên tả phù mà trì, đó là trái với bốn mùa. Ở bên tả, nên chủ về bệnh ở Thận, cũng có quan hệ đến Phế và đau ở "yêu".

 - Vì sao?

 - Vì mạch của kinh Thiếu âm suốt qua Thận, chằng lên Phế. Giờ chẩn được Phế mạch, đủ biết là Thận cũng mắc bệnh mà thành chứng đau ở "yêu".

 - Có người mắc chứng cảnh ung (mụn ở cổ), hoặc dùng đá, hoặc dùng châm và cứu, mà đều khỏi, vậy chính bệnh nó ở đâu?

 - Đó, danh tuy giống nhau, nhưng bệnh chứng lại có khác. Về khí túc của bệnh ung, nên dùng châm để khai trừ bỏ đi; nếu do khí nhiều và huyết tụ thì nên dùng đá để tả... Vi vậy nên bệnh danh không khác mà trị pháp lại khác.

 - Có người mắc bệnh "giận dữ, rồ dại", nguyên nhân bởi đâu?

 - Đó là sinh ra bởi khí dương...

 - Khí dương, sao lại có cuồng?

 - Dương khí vì bị nén ép, không phấn phát lên được, mới thành chứng cuồng nộ (3). Bệnh đó gọi là dương quyết.

***

 - Điều trị bằng phép nào?

 - Dương minh thì thường động; Cự dương, Thiếu dương không động. Giờ lại động mà đại, tật, nên mới thành bệnh. Vậy giờ chỉ giảm bớt ăn, sẽ khỏi. Phàm ăn thì nhờ ở sự biến hóa của Thái âm mà trướng khí ở Dương minh. Dương minh là một cơ quan vừa nhiều khí lại nhiều huyết, nếu lại cho thêm thức ăn vào thì dương càng thịnh mà cuồng càng tăng. Vậy điều cần nhất là giảm bớt ăn, rồi cho uống nước "sinh thiết lạc" (4), vì nó có cái năng lực hạ khí rất hay.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Có người mắc bệnh mình nóng, rã rời, hãn ra như tắm, ố phong và thiểu khí... Đó là bệnh gì?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bệnh đó gọi là tửu phong.

 - Điều trị như thế nào?

 - Dùng Trạch tả, Truật, mỗi vị 10 phân, Mi hành thảo (tức Vô tâm thảo, hoặc Vô phong thảo) năm phân, dùng ba nhúm tay, uống sau khi ăn cơm.

 Như nói: "mạch trầm mà tế ..." tức là khi chẩm mạch tin vào tay chỉ như hình "châm"; lấy tay miết mạnh xuống, nếu Tỳ khí tụ ở Tỳ thì mạch sẽ "kiên"; nếu Thận khí dồn lên Can, Can dồn lên Tâm thì mạch sẽ "đại" (5).

Chú giải

 (1) Từ đây trở xuống bốn thiên, đều nói về các bệnh Kỳ hằng. Đầu thiên gọi là "bệnh năng", tức là nói về bệnh không nhân bốn mùa, sáu khí, mà cũng có thể làm cho Tàng Phủ và kinh mạch mắc bệnh. Về quyển này 15 thiên, từ thiên Nhiệt bệnh luận đến thiên Quyết luận, bàn về sự biến hóa của tật bệnh, mà đem bốn thiên Kỳ hằng nói tóm về cuối, cho biết ngoài sự biến hóa của tật bệnh lại còn có thứ bệnh gọi là "Kỳ hằng". Chẩn mạch chứng của bệnh Kỳ hằng, nên hợp xét với "Bệnh năng", ngõ hầu khỏi cái nhầm về "ngũ quá" và "tứ thất" (năm điều lỗi và bốn sự sai). Bắt đầu nói chứng Vị quản ung (mọc mụn ở cuống dạ dầy), để tỏ cho biết rằng phàm vinh, vệ, khí, huyết... Đều do Dương minh sinh ra. Huyết khí nghẽn tắc, thì thành chứng ung thũng. Tỷ lệ với các chứng "tứ thời, lục dâm" và "ngũ chí, thất tình" khác nhau rất xa.

 (2) Vị mạch tức là Hữu quan mạch của thủ Thái âm. "Nhân nghinh" là động mạch ở hai bên kết hầu (chỗ lộ hầu ở cổ). Vì Vị khí nghịch, không tự dẫn đến thủ Thái âm, do đó Vị mạch hóa ra trầm, tế. Khí nghịch ở Vị, khiến cho Nhân nghinh thịnh... Tức là nhiệt sẽ tụ ở Vị.

 (3) Đây nói: về Can khí nghịch lên, thì Dương khí bị nén mạnh xuống, không tiết ra  được; do đó không còn đủ sức để lưu hành, Can khí cũng nhân đó không được điều hòa nên giận.

 (4) Sinh thiết lạc tức là dùng sắt mài lấy nước cho uống. Thiết thuộc loài kim, kim khắc được mộc, nên Can khí hạ xuống, mà chứng cuồng nộ sẽ khỏi.

 (5) Đoạn này nói qua về phương pháp chẩn mạch bệnh kỳ hằng.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >