Trang chủ arrow Bài viết arrow Y âm án - Bệnh án chữa Âm hư hầu tý
Y âm án - Bệnh án chữa Âm hư hầu tý
23/01/2018
Ông Giải nguyên họ Dinh, người làng Tùng Xá huyện tôi, là một bậc danh nho trong huyện, ông không thích đi làm quan, thích nhàn dưỡng ở gia đình, dạy tập hơn ngàn học trò, phàm những người ở trong huyện đỗ đạt, phần nhiều là học trò ông cả. Một hôm ông bị bệnh nặng sai con lại mời tôi, đồng thời có một người ở làng Tự Trì huyện Nam Đường mắc bệnh cấp, từ xa lại mời tôi, tôi đã đi thuyền đến nửa đường, mới nghe ông Giải Nguyên họ Dinh cho con trai đến đón tôi mà không gặp, tôi nghĩ rằng: Ông Giải Nguyên họ Dinh là người văn học, lấy đạo lý tôn trọng thì kính yêu gì bằng! Với người làng Tự Trì mình đã trót hẹn, không muốn để họ phải mất công vất vả mà ôm lòng mong đợi! Nhưng tấm lòng cứu sống người, không kể gì là người với mình, là quý với tiện, lòng lành cứu người biết đặt vào đâu? Nếu không gặp mà đi, thì tình đồng, thanh đồng khí với nhau, lại càng áy náy, được chỗ này hỏng chỗ kia, thực là khó nghĩ. Trong lúc theo tôi đi, có anh học trò họ Lê nói: "Thưa thầy: thầy nên về chỗ ông Giải Nguyên trước, xem qua để rõ bệnh tình nặng nhẹ, cho uống một vài thang, rồi từ biệt ra đi, dặn rõ tên hiệu và đường lối mình đi, nếu có cơ chữa được, thuốc hợp với bệnh, thì bất nhật nhà kia phải tìm đường sang làng Tự Trì, sẽ bàn cách điều trị, như thế thì vẹn cả hai bề". Tôi mừng nói: "Anh bàn rất phải".

 Lúc đó đã cuối giờ mùi, liền ghé thuyền vào bến xã Tùng Xá, báo tin cho nhà ông Giải Nguyên biết, một lúc thấy người nhà và học trò ông Giải Nguyên kéo ra bến đò đón tiếp. Tôi vào xem, thấy ông Giải Nguyên cổ đã nghẹo đi, khôn xiết kinh ngạc, chân tay sưng dữ, rắn như gỗ đá, bộ thốn khẩu da căng như mặt trống, 6 bộ mạch không thấy gì, không biết làm thế nào. Hỏi về chứng, thì nói là mắc bệnh đã 7, 8 tháng nay, chỗ TTTg ngực tựa như đầy trướng, mà không phải đầy trướng, ăn uống khi trệ khi tiêu, trong họng như có vật gì vương vướng, ăn uống trở ngại, đã dùng khắp những thuốc hành khí tiêu đờm giáng hỏa, đều không công hiệu, bệnh ngày càng tăng, trong thời gian đó chỉ có bài Tứ vật hợp Nhị trần uống đến hơn trăm tễ, tuy bệnh có tăng, nhưng trong ngực khoan khoái dễ chịu, từ hơn một tháng nay, cổ họng nhỏ lại, ăn uống khó khăn, mỗi bữa chỉ ăn được một vài viên cơm dẻo bằng quả táo nhỏ, không dám ăn hơn, vì ăn hơn thì đình lại ở mỏ ác, đầy trướng khó chịu, mỗi khi ăn lại phải chiêu theo nước canh, mới xuôi xuống được, không như thế thì không nuốt vào được. Tôi nghe xong thở than không ngớt, và nói: "Lệnh công lúc thường hay uống rượu, nên chân âm hư quá, âm hư thì thủy suy, thủy suy thì hỏa bốc, phàm trong ngực đầy trướng, cổ họng vướng mắc, đều vì giả tượng của hỏa hư, chớ không phải là có vật gì, cái hỏa này không phải thuốc hàn lương mà dẹp được, đờm này không phải thuốc hành khí mà trừ được, huống chi uống bài Trần Vật nhiều quá thì Nhị trần tỉnh táo mà khô chân âm, Tứ vật tính nhu nhuận càng làm tổn Tỳ dương, đều là gãi ngứa ngoài giầy, không biết gốc bệnh. Than ôi! nguồn của bốn loại thể dịch đã hết, bể của tinh huyết đã khô, bẩy tám tháng nay, không được một chút Thục địa điều tinh bổ tủy, để cứu lấy chân âm sắp tắt, một phân Nhục quế bổ hỏa dẫn hỏa, để bổ cho chân hỏa sắp tàn, chỉ dùng những vị hương táo, ngày thêm cháy mòn, đợi đến khi cháy lan khắp đồng điền mới thôi!" Người nhà nói: "Các thầy cho trong ngực cách, chân tay mềm, không dám dùng Thục địa, các hỏa xông ngược lên, trong hầu đau tắc không dám dùng Nhục quế? Tôi nói: "Giữa sông mất chèo, níu lại sao kịp? Nhưng nay không còn mạch để xem khó có thể chữa được". Tôi liền dùng những thứ thuốc tiêu sưng tan rắn như các vị Diêm tiêu, Hải tảo, Ô long, Cam toại, Quế chi đồ nơi Thốn khẩu để nắn bóp, rồi ra thịt được mềm, tôi xem đi xét lại, 3 bộ mạch tay tả, tuyệt không thấy gì, 3 bộ mạch tay hữu hơi lờ mờ, tựa có tựa không, đó là âm mất trước đi, rồi hỏa vô căn không thể sáng mãi được, dương không chỗ dựa rồi cũng dần tắt nốt. Trước mặt ông Giải Nguyên tuy tôi không nói rõ, nhưng thấy bệnh trầm trọng lại càng sợ, ông Giải Nguyên bảo tôi rằng: "Tôi thiết tha mong cụ nghĩ tình đồng đạo, hết sức cứu vãn, may được sống lại, không những cứu được mạng tôi, mà tôi mới tròn được đạo hiếu (mẹ ông Giải Nguyên mới chết chưa xong tang) đó là nhờ ơn cụ cả "Nói xong khóc nức nở, mối tình bù ngùi khôn xiết. Tôi ra ngoài bốc thuốc, trách và nói với người thân của ông rằng: "Tôi với Lệnh công cùng trong một huyện, cũng không phải là xa gì, giá trước đây vài tháng tôi được xem bệnh tuy chưa chắc đã thành công, nhưng ngăn được dùng thuốc hương táo, tất không đến nỗi nguy khốn như ngày nay, nay đón tôi lại, bệnh đã quá rồi, chữa cũng vô ích.Vả ngọn đèn trước gió, còn được là bao! Các ông nên sắp sửa hậu sự đi thôi". 

Tôi chào để đi, các người con và người thân thuộc của ông Giải Nguyên thấy tôi không chữa, cố ý kêu nài cứu vớt không chịu cho đi, tôi không đừng được phải ưng theo, và nghĩ thầm rằng: Họa may là tại thuốc, chớ không phải tại bệnh, ta hãy tạm chữa để hết sức người, tôi bảo họ rằng: "Bây giờ tôi quyết dùng Thục địa để chữa nề cách, Quế phụ để chữa hậu tắc, nếu bớt thì các ông tin lời tôi là đúng", mọi người đều vâng, tôi liền dùng bài Bát vị làm thang, bội Thục địa đến hai lạng, Quế phụ mỗi thứ đều 5 phân, bỏ Đan bì gia Xa tiền, Ngưu tất, Ngũ vị, xen với thuốc hồi dương: 1 lạng Bạch truật, 3 đồng cân Phụ tử, 5 đồng cân Nhân sâm sắc riêng hòa vào cho uống. Uống xong nước thuốc đầu hai thang đến nửa đêm bớt được vài phần, riêng cổ họng khoan khoái được 6, 7 phần, lúc đó mọi người khen ngợi không ngớt và đều hối tiếc. Tôi laị theo phương trước bốc 2 tễ nữa để rồi lại từ biệt ra đi, mọi người đều cố giữ. Tôi nói: "Lệnh công là người tiêu biểu trong phái văn học, đạo lý tôn trọng, ai không có lòng kính mến, còn người kia từ phương xa lại, từ trước chưa từng quen biết, nếu kể thân sơ cao thấp thì khác nhau xa, nhưng vì người kia mới đến, tôi đã hứa lời, có lẽ nào nửa đường mà trở lại. Làm thuốc là nhân thuật, chỉ nghĩ việc cứu sống người, không vì giầu sang mà đổi lòng, không vì ơn thù mà khác chí, làm ơn giúp người là lòng thường, cho nên gọi là "Đạo". Các ông ở hoàn cảnh này, các ông giúp tôi khu xử thế nào cho được chọn nghĩa. Mọi người thấy tình thiệt không thể sao được, vâng dạ không dám giữ nữa, tôi dặn rõ đường lối và tên người bệnh, từ biệt mà lên thuyền đi, lúc đó: 

Hai bên núi nhuộm lam mờ,
Vừng giăng dợn sóng nhấp nhô giữa dòng.
Lửa chài le lói bên sông, 
Canh khuya gà gáy thôn trong rộn ràng.
Giăng soi gối khách mơ màng,
Thuyền đi lớp sóng nhịp nhàng tiễn đưa.

 Sớm mai đi qua bờ sông núi Thành, đến tối mới đến bến chợ Hồng, nhà bệnh cho đem cáng ra đón, soi đuốc mà đi, sang canh hai mới tới nhà bệnh. Nguyên do người đàn bà này mắc chứng Nậu lao (Sản mòn), đã hơn một năm trước đã đến tôi xin thuốc, dáng như có bớt, vì nay giờ bệnh, lại mời tôi chữa, lúc đó thấy bệnh nhân hình thân bắp thịt đã róc hết, nói không ra tiếng, người thì da nóng như đốt, trong thì hàn kết, đi ỉa sột sệt, 6 mạch trầm vi tế sác, âm dương đều bại, tôi chỉ dùng bài Bát vị để cứu căn bản của tiên thiên, lại uống xen với thuốc chữa vị để cứu nguồn sinh hóa của hậu thiên, hoặc bổ âm để tiếp dương, hoặc bổ dương để tiếp âm, cho uống thay đổi. Được vài ngày, tôi lại thấy cháu ông Giải Nguyên lặn lội mà lại, tỏ vẻ mừng rỡ nói: "Chú tôi từ sau khi uống vài tễ thuốc, càng ngày càng bớt, hiện nay chân tay sưng nề đã bớt đến 7, 8 phần, trong hầu khoan khoái ăn uống được khá, tinh thần tỉnh táo hơn, cả nhà và mọi người thân thuộc cho là có thể sống được".

 Tôi nghe nói rất ngờ và sợ, bảo y rằng: "Phép chữa bệnh hư lậu hư nhiều, nếu điều bổ đúng, cần phải khỏi dần thì căn bản mới vững được, nếu một khi thấy hiệu ngay, sợ là giả tượng". Y nói: "Xin cụ đừng ngờ, chắc muôn phần thắng lợi! Chú tôi cho tôi từ xa lại mời, mong cụ ưng cho, tôi xin về đem cái cáng lại đón, đi lối đường núi Thiên Nhẫn, chỉ một ngày là tới". Tôi bảo y: "Từ khi tôi tới nhà này, xem thấy bệnh thế trầm trọng, không thể chữa được nữa, nhà này tuy biết là chết, nhưng vì có lực uống thuốc cũng muốn cố chữa đến cùng sức mới thôi. Vì cảm tấm lòng chân thành không nỡ vội bỏ, ông hãy tạm về, không phải tôi không hết lòng với Lệnh công, nhưng tôi đã trót hứa ở đây để chữa tuy biết bệnh nguy, cũng không lẽ thấy khó lại bỏ đi, đợi khi xong việc thì tôi mới về được. Tôi có ông bạn thân là Nguyễn Tiên Sinh ở làng An ấp làm nhà ở dưới núi Tiên Sơn, đạo học tinh thông, có thể thay tôi được, ông nên về ngay đó, nói rõ tình hình tốt, ông ấy chắc không từ chối". Người kia cười và nói: "Tưởng là ai, con cả cụ này đã đỗ Hương Cống, cũng là học trò chú tôi, trước cụ đã có tới thăm và cho một đơn thuốc, cũng không công hiệu". Tôi hỏi cho uống phương gì? "Bài Lục quân gia vị". Tôi nghĩ thầm cụ này là thầy thuốc giỏi, chứng này cho bài này, tất cũng có duyên cớ sao đây? Tôi nói: "Nguyễn Tiên Sinh học thuật hơn tôi, khi bệnh đang cường, một bài thuốc khỏi ngay sao được, đừng nên vì phương thuốc trước không khỏi mà không dùng nữa, ông nên về ngay mời cụ, có thể chữa được, quyết không ngại chi". Y vâng lời mà về. Quả nhiên sau 5 hôm, người đàn bà đó tắt nghỉ, tôi sai chuẩn bị thuyền nhỏ, không ngại đêm mưa, đến bến Tùng Xá cho người vào báo tin, người nhà ông Giải Nguyên và cụ Nguyễn Tiên Sinh vui mừng khôn xiết, đều ra bến đò đón tiếp. Tôi với Nguyễn Tiên Sinh giắt tay nhau đi vào, nhà đó đã quét dọn sạch sẽ một nhà riêng để mời tôi và Nguyễn Tiên Sinh an nghỉ chế thuốc. Tôi hỏi Nguyễn Tiên Sinh: "Mấy hôm nay cụ cho uống phương gì?" Tiên sinh nói: "Không ngoài hai chữ thủy hỏa". Tôi cười và nói: "Hai chữ thủy hỏa trong bàn tay ý kiến giống nhau". Tôi lại hỏi sẽ: "trước đây Tiên Sinh cho uống Lục quân thang là muốn chữa về gì?" Tiên sinh nói: "Họ coi tôi là thầy thuốc xoàng, nên tôi phải cho uống thuốc xoàng".

 Tôi cười và nói: "Nếu coi là quốc sỹ, thì sẽ báo đền bằng lối quốc sỹ, như thế thật phân biệt rõ ràng!" Nguyễn Tiên Sinh lại hỏi tôi rằng: "Trước đây cụ chữa đã bớt 7, 8 phần, vài hôm sau lại thêm 1, 2 phần, từ khi tôi lại chữa lại bớt một vài phần, ước chừng nay bớt được một nửa". Tôi nói: "Khi lên khi xuống như vậy, là rõ ràng vì nhầm tại thuốc, nếu có thể chữa được thì bớt dần dần, nhưng cho uống thuốc tuấn bổ 10 phần bớt 7, 8 phần, sợ là giả tượng, được to tất phải thua to, tôi chưa dám mừng, nên phải vội về xem qua để rõ chân với giả". Tiên sinh nói: "Như vậy cần nên xem ngay". Vừa nói xong đã thấy nhà đó bưng cơm rượu cỗ bàn đến. Nguyên trước Tiên Sinh là người thích uống rượu, nay gặp tri kỷ, ngại gì uống say! Cùng tôi uống vài chén, Tiên Sinh nói: "Chúng ta đương lúc lên cao hứng lại xem bệnh, nếu đã loáng choáng thì trong bụng rối ren, biết đâu mạch lý phù trầm nữa?" Tôi cười và nói: "Nguyễn Tiên Sinh nói đúng, mới cùng nhau lại xem. Khi ông Giải Nguyên thấy tôi, vui mừng khôn tả, bảo tôi rằng: "Tôi thực vô duyên, trước đây vài tháng đã định lại mời cụ, vì kẻ nói ra người nói vào, nên đến nỗi khốn khổ thế này! dám mong cụ hết sức cứu vớt, ơn tái sinh tôi xin nghi lòng tạc dạ". Tôi xem mạch thì 3 bộ bên tả vẫn không thấy như cũ, tuy uống mấy đại tễ âm dược vẫn không thấy hồi lại, ông Giải Nguyên hỏi sống chết thế nào? Tôi giả vờ nói là không can gì. Lúc lui ra nói nhỏ với Tiên sinh rằng: Chân âm hết trước rồi, chỉ còn một sợi cô dương, hỏa vô căn có thể sáng mãi sao được? chết sắp đến nơi!" chúng ta ở đây cũng vô ích. Tiên sinh nói: "Các chứng đều bớt vả chăng uống thuốc còn thấy đỡ". Tôi nói: "Ta không nên thấy thế mà hàm hồ, nếu có bớt một vài phần, chỉ là giả tượng, ta nên đi ngay". Nguyễn tiên Sinh nói: "Nếu vậy cần phải kiếm kế mà đi, ông Giải Nguyên với con tôi vẫn có tình thầy trò, đi hay ở tôi không thể tự do được. Xin cụ tam ở lại, thì tôi mới có cớ thoát thân về trước được. Tôi ưng theo, rồi Tiên Sinh nói dối là nhà có người mệt cần phải về bất nhật sẽ trở lại, nhà bệnh thấy tôi còn ở lại, dùng cáng đưa Nguyễn Tiên Sinh về, đi được nửa ngày, tôi liền nói với người nhà ông Gải Nguyên rằng: "Tôi muốn cố sức chữa, thế nhưng bệnh đã cùng, không còn có thể cứu vãn được nữa, tôi ở đây cũng không được việc gì, chỉ thêm bận ra thôi, giúp cho tôi một chiếc thuyền nhỏ, đưa tôi về quê nhà". Nhà bệnh thấy bệnh nhân ăn uống và tỉnh táo hơn trước, ngờ hay vì không hậu lễ nên đội không hết lòng, liền nói xin biện tiền tạ và viết giấy để làm tin. Tôi cười và nói: "Các ông không rõ lòng tôi, nếu vì lợi, thì trước ở làng Tự Trì mấy nhà mời, tôi đã ở lại không về, chỉ vì nghĩ đến tình Lệnh công mà tôi phải vội về đây, tiếc rằng giời chẳng chiều người, dù hết sức cũng không sao được, tôi quyết phải về, các ông không nên cố giữ tôi nữa". Lúc đó học trò ông Giải Nguyên cắt phen túc trực ở đây, trong đó có một người nho sinh tên là Quán, vốn biết tôi thích ngâm vịnh, làm hai bài thơ để tỏ ý giữ tôi:

Bài thơ thứ nhất:

Nay được thừa nhan thực rất may!
Tố số được nhờ ơn quý khách;
Mừng lòng may tỏ nghĩa tôn thầy!
Thần đan ví chẳng công rèn trước, 
Diệu tễ sao đà bệnh bớt ngay?
Nguồn đạo từ nay còn mãi mãi,
Tiên công Quốc lão thực là đây! 

Bài thơ thứ hai:

Biển Thước phải đâu chuyện bịa nào.
Non bồng thì mới có tiên sao?
Tháo xe chuyện cũ tình càng thắm;
Buộc ngựa thơ xưa ý mới hào!
Chiếu cố mong lưu vài tối nữa; 
Nhờ ơn riêng đội mấy trời cao.
Trước bàn đánh bạo xin soi xét,
Ơn nặng muôn tầm kể xiết bao!

 Tôi xem xong không nói chi, cầm bút viết luôn một bài để đáp lại:

Sách nát Kỳ Hoàng có mấy sào!
Thuốc phàm bệnh quỷ biết làm sao?
Mang bầu, tai những e còn kém;
Giữ mạng lòng đâu dám tự hào!
Cảm bác bận lòng tròn nghĩa cả,
Buồn tôi đáy giếng ngó trời cao!
Canh ba ngán nỗi xuôi dòng nước, 
Cây ngọc vùi bùn tiếc biết bao!.

 Người học trò đó thấy tôi không phải suy nghĩ cất bút là viết ngay xong, cũng khen là nhanh, nhưng xem lời thơ biết là bệnh nhân không thể sống được, liền sắm một chiếc thuyền chài nhỏ đưa tôi về nhà.

 Sau một ngày một đêm thì ông Giải Nguyên mất. Bệnh này tuy vì thuốc chữa trước mà đến nỗi bệnh phải nguy khốn, tôi theo mạch bốc thuốc, hết sức cứu vãn mà không sao gỡ được, không biết tại sinh cơ đã hết, hay tại phương pháp chưa đúng, xin trình bầy để rõ cái lỗi đó tại đâu?

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >