Trang chủ arrow Đông Y arrow Y dương án - Bệnh án chữa chứng sườn đau đầy tức
Y dương án - Bệnh án chữa chứng sườn đau đầy tức
16/01/2018
 Viên quan giữ đồn Vĩnh dinh về kinh đô triều yết, lúc đó khí trời nóng nực, bà Thái phu nhân nhiều tuổi, công tử thơ ấu, nhờ tôi sắp sửa thuốc men đi theo, đường qua núi Trường sơn ở Thanh hóa, nước thủy triều xuống thuyền bị cạn hơn một tuần, tôi nhân khi nhàn rỗi, thường bầu rượu túi thơ lên núi ngắm cảnh, uống say ngâm hão, tuy một hòn đá, một cái cây cũng đủ cung cấp cho cao hứng, ngày nào cũng đến tối mới về. Một hôm tôi vào chơi chùa cùng nhà sư trò chuyện, trong nhà chùa có một người ốm, bàn bạc mời thầy thuốc chữa, một người nói: "Trong địa phương tôi chỉ có một tiên sinh là người học lực tinh thông, thực là tay giỏi". Tôi hỏi: "Ông thầy thuốc đó nay ở đâu?" người kia nói: "Chỗ cây cối um tùm ở mé hồ lớn phía đồng núi Trường sơn, là nơi tiên sinh làm thuốc". Tôi nghe nói chỗ đó thú vị thanh u, trong lòng khích động, từ giã Sơn tăng rồi ra đi. Lại tới một ngôi chùa có cảnh đep như cũ liền giắt tiểu đồng thẳng tới gõ cửa, thấy một chú tiểu chạy ra hỏi: "Quý khách ở đâu? tên họ là gì? đến nhà tôi có việc gì?" Tôi nói: "Tiên sinh có ở nhà không?" Chú tiểu nói: "Thưa có, thầy tôi đang dậy học ở dưới mái nhà tranh", Tôi nói: "Tôi là khách ở dưới thuyền, vì thuyền bị cạn, tôi lên xem cảnh, muốn vào thăm Tiên sinh nói chuyện cho vui, chú về bẩm tiên sinh rõ". Chú tiểu đi rồi, tôi ở sân chùa ngắm cảnh, thấy ở phía tây sân trồng mấy cây mai già, xen vài khóm trúc, mầu xanh lẫn trắng, bóng thưa xế ngang, chỗ thắm chỗ nhạt như tranh vẽ, trong mé tường phía đông có một cây to cao vượt lên phô biếc khoe vàng như gấm dệt, cành cành mềm mại rung rinh trước gió. Giữa sân có một cột Thiên đài dưới đài giồng toàn hoa thơm cỏ lạ, mùi thơm sắc đẹp thật ưa. Tôi nghĩ người ta có câu "Vào nhà ai chỉ một chén nước chè, có thể biết vợ người chủ thế nào?" Nhìn thấy cảnh thanh u này thì phong vị của chủ nhân đây cũng biết rõ được.

 Một lát chú tiểu ra nói: "Mời quý khách vào", tôi đi theo tới dưới mái nhà tranh, cùng cụ lang đó vái chào, mời ngồi đâu đấy rồi cụ lang nói: "Quý khách vì cạn thuyền, lên đây ngắm cảnh xem núi, thơ rượu làm vui, tôi thật vô duyên, không được gặp sớm!" Tôi nói: "Cảnh ít tình nhiều, khó lòng đền đáp! Huống lại một mình vơ vẩn, bỗng ở chùa bên kia được biết Tiên sinh học rộng biết nhiều, tôi cũng gọi là biết thuốc, không ngại vội vàng tới đây yết kiến, chính là muốn được hiểu biết thêm những chỗ tôi còn thiếu sót đó". Cụ lang nói: "Tôi là lang vườn nơi thôn dã, kiến thức hẹp hòi, thực đáng thẹn với lời khen ngợi!" Trong lúc trò chuyện, cụ lang này chỉ biện luận về khí huyết tạng phủ, tương thừa tương ứng với nhau, tôi thì đem Âm dương ngũ hành, dịch số, y lý, đạo thể quan hệ với nhau, để làm lời bàn cao thượng. Cụ lang cũng tâm phục tôi học rộng nhớ nhiều, tôi thấy cụ lang này nói chuyện đoạn nào cũng không ngoài phạm vi bộ y học, nhưng không mấy người nhớ kỹ được như thế, đáng khen là bậc nho y.

 Đến gần tối cụ lang nói: "Tôi mắc một cố tật, đã hơn năm nay, thuốc nhà không khỏi, nhờ bạn bè chữa cũng chưa đỡ chút nào! Ngờ đâu người lành trời giúp, may gặp bậc cao y, xin cho phương thuốc thần kỳ, để hai con ma bệnh không lẩn đâu được nữa. Xa xôi gặp gỡ ,không phải việc tình cờ". Tôi cũng không từ chối và nói: "Vâng, tôi không dám không cố sức để tỏ tình quen biết". Cụ lang nói: "Tôi vốn là người huyết hư, hình thể gầy yếu, đầu mùa hè năm ngoái vì dầm mưa mà mắc bệnh. Khi mới phát bệnh, dưới sườn bên trái thấy nổi một hòn nhỏ, nhức như dùi đâm cho là đàm thấp, chữa chẳng thấy công hiệu gì; hòn đó to dần, nghĩ là chứng hiếp ung, uống Thác lý tiêu độc, hòn đó mòn dần đi, nhưng đau vẫn chưa khỏi, đến nay đã hơn một năm, mỗi khi gặp tiết dâm lạnh thì hai sườn đều đau, lại thêm đầy tức và sinh ra ọe luôn, chỗ Đản trung buồn bực, chỗ ngang với tim, nóng như lửa đốt, trong miệng dào nước dãi nhổ đi không kịp.

 Lúc đó chỉ lấy vật nóng chườm vào thì thấy hơi đỡ, hoặc một ngày hoặc nửa ngày, rồi lại như cũ. Nhưng sườn bên trái hơi hơi đau tức, không lúc nào ngớt, nhưng ăn uống không đều. Đã vài tháng nay, miệng tuy muốn ăn, khi nuốt xuống lại no đầy đại tiện sột sệt, mỗi sáng sớm đi tả một lần, tiểu tiện ngày thì đỏ, đêm thì trong lợi lúc thức thì đi luôn, lúc ngủ thì ra mồ hôi trộm, khi thức dậy thì lại tự ra mồ hôi khắp lưng, trong tâm nẩy động như sợ sệt". Tôi nói: "Vọng, Văn, Vấn, Thiết bốn phép chẩn này không thể thiếu một phép nào. Hỏi chứng để biết ở ngoài, xem mạch để biết ở trong, thì thực hư không thể giấu được". Cụ lang này nhờ tôi xem giúp, tôi thấy hai tay tả hữu, bộ thốn bộ quan mạch đều phù hồng vô lực, hai bộ xích rất vi, bộ hữu xích yếu hơn. Tôi nói: "Tôi xem cụ thể chất da trắng, tiếng nói ngắn hơi, tiếng không tiếp tục, thì biết rõ là chân Âm chân Dương của tiên thiên đều kém cả, mà chân hỏa lại càng kém quá".

 Nội kinh nói: "Năm tạng đều có tướng hỏa, chỉ có hỏa ở Can là mạnh hơn các thứ hỏa khác, lúc chính thường thì giúp cho sự phát sinh, mà lúc trái thường thì thành ra làm hại. Khi mới mắc bệnh sườn bên trái có hòn, tuy cho là đờm là thấp là ung đó là tật bệnh hữu hình, phi cái nọ thì cái kia, cần gì xét kỹ, đều không ngoài là hỏa suy khí trệ, hoặc huyết hoặc đờm, hoặc tân dịch ngừng đọng lại mà sinh bệnh. Mỗi khi gặp lạnh lại phát, chả phải là khí hư ở biểu mà dương không tự vệ được là gì? Trong ngực buồn bực, nóng như lửa đốt, sinh ra trướng ọe, đều là hỏa vô căn bốc qua trung tiêu, Nội kinh có câu: "Mọi chứng nôn xốc lên đều thuộc về hỏa" là thế đó. Còn trong miệng ứa nước dãi thì: "Hỏa họp thì thủy tụ", Nội kinh lại có câu: "Tỳ hư không giữ được dãi". Chườm nóng thì đỡ như thế thì biết rõ là trong lạnh, lại có ý nghĩa cam ôn trừ được nóng dữ, cùng khí tìm nhau mà triệu chứng hư nhiệt đã rõ. Miệng muốn ăn mà bụng không đói là vì Mệnh môn hỏa suy, không nung nấu được Tỳ thổ, nên Tỳ mất tác dụng chuyển vận, ví như dưới đáy nồi không có lửa thì sao nấu chín được cơm nước, cho nên muốn ăn mà không ăn được.

 Đại tiện sột sệt là vì trong tạng hàn, hỏa ở Hạ tiêu suy thì Tiểu trường không thấm ra, Bàng quang không thấm vào được, Lan môn không chủ trì thì lọc sao được thủy cốc, cho nên dồn về Đại trường mà hàng ngày đi ỉa sột sệt, mỗi sáng đi tả một lần, Nội kinh nói: "Sắc đen ở phương Bắc, thông vào Thận, khai khiếu ở tiền âm và hậu âm", cho nên nói "Thận là cửa của vị". Lại nói: "Thận là chức vụ củng cố toàn thân", Thận lấy nghĩa hai hào âm bọc một hào dương là quẻ Khảm, vượng ở Tý, Hợi, nửa đêm trở đi thì một khí dương sinh, lúc này dương không sinh được, Khảm không vượng nữa, cho nên hay đi tả về sáng sớm. Tiểu tiện ngày thì đỏ, đêm thì trong lợi, là vì chân âm hư quá, ban ngày các dương khí vận hành, âm càng suy mà tiểu tiện đỏ sẻn; phần ban đêm các âm khí vận hành, âm được âm giúp cho nên nước tiểu trong, nhưng lợi quá thì vong âm, Nội kinh có câu: "Trung khí hư nước tiểu đổi mầu...". Người không tinh lấy đỏ với trắng chia ra nhiệt với hàn là không đúng. Không ngủ được lại đi đái luôn, Nội kinh nói: "Khi ngủ thì vệ khí đi vào phần âm mà chủ tĩnh; khi không ngủ thì phần dương không tàng được, âm không được yên lặng mà càng táo cho nên tiểu tiện đi luôn. Ngủ thì ra mồ hôi trộm, chợt tỉnh thì tự ra mồ hôi, Nội kinh nói: "Tự ra mồ hôi là dương hư, đổ mồ hôi trộm là âm hư", lại nói: "Dương giúp đỡ cho Âm, Âm giữ gìn cho Dương, Âm không giữ gìn ở trong mà ra mồ hôi trộm, Dương không giúp đỡ ở ngoài, mà tự ra mồ hôi". Trong Tâm sợ sệt là cái hiện tượng Tâm Thận không giao nhau, Tâm chứa thần, Thận chứa chí, Nội kinh nói: "Tinh của hỏa là thần, tinh của thủy là chí", thủy hỏa không giao nhau là thần khí không vững mà hồi hộp sợ sệt. Vả lại ngoài theo vào chứng, trong tham khảo với mạch, rút cục không gì là không vì cớ chân âm chân dương đều khuy.

 Cách chữa hiện nay nên hoàn toàn chú ý ở gốc, nếu chỉ chú ý về khí huyết, khác nào gãi ngứa ở ngoài giầy. Cụ lang đó than rằng: "Tôi bây giờ mới thấy là như người trong giấc mơ mới tỉnh dậy, bấy nay như nhìn trời qua ống không biết là trời rộng! Tôi ở hang cùng ngõ hẻm, làm nghề thuốc vài chục năm nay, tuy chưa nghiên cứu khắp sách vở, nhưng cũng đã là hạng thầy thuốc khá ở địa phương. Nay được nghe ngài phân tích bệnh tình vạch rõ nghĩa kinh hết thảy có bằng cứ rõ ràng manh mối rành mạch thì từ trước tới nay, học tập nghe biết của tôi đều trật ra ngoài những điều đó, đáng thẹn cho tôi là gần chữa mình xa chữa người, nay mình chưa chữa được, còn chữa được ai? Nhưng có chỗ đáng ngờ là ngài bảo chỉ toàn chú ý vào gốc, không chú ý ở khí huyết. Từ trước đến nay, tôi chỉ biết hỏa là dương thủy là âm, thì thủy hỏa cũng là âm dương, âm dương cũng là khí huyết". Tôi cười mà rằng: "Âm dương là tên trống thủy hỏa là chất thực".

 Khí huyết là chất thực có hình của hậu thiên; thủy hỏa là tiếng hư vô hình của tiên thiên. Trong sách nói: "Bệnh nhỏ là do khí huyết bị thương, bệnh to là do thủy hỏa làm hại. Chữa bệnh nhỏ mà bỏ khí huyết, chữa bệnh to mà bỏ thủy hỏa, thì cũng như người leo cây tìm cá, đánh dấu thuyền vào gươm", cho nên nói: "Chữa các bệnh lấy thủy hỏa làm căn bản, lấy khí huyết làm tác dụng". Lại nói: "Làm cho đầy đủ chỗ trống rỗng là khí huyết, hóa sinh ra khí huyết là thủy hỏa". Phàm gặp chứng hư tổn, chỉ nên để ý ở căn bản, căn bản vững thì tự hóa được khí huyết, trong sách nói: "Khí huyết lại có gốc của khí huyết, âm dương lại có chốn của âm dương", cho nên tôi dùng sức toàn ở hai chữ "gốc" và "chốn" mà thôi, cứ gì phải khu khu ở khí huyết, cho nên nói: "Làm mạnh chân thủy, bổ thêm chân hỏa". "Từ dương dẫn đến âm, là cái khéo bổ thủy ở trong hỏa; từ âm dẫn đến dương là cái phép bổ hỏa ở trong thủy" đó đều là cái lẽ "tìm gốc" cả. Cụ lang nghe tôi nói những điều đó, ngẩn ra một lúc mới tỉnh ngộ, liền đó đem thuốc của nhà ra nhờ tôi bốc giúp. Tôi nói: "Trong thuyền tôi dự bị đủ cả hà tất phải thế. Cụ lang kêu nài, tôi nói: "Không phải là tôi có bí hiểm gì, nhưng nghĩ rằng loài thảo mộc được linh nghiệm là nhờ ở thủy hỏa nấu luyện thì công dụng có hơn kém khác nhau. Và cách bào chế của tôi, hoặc nhân sách thay đổi, hoặc tự ý chế ra, cũng như quân biết tướng, tướng biết quân, cho nên nhiều ít khó dễ tự giúp đỡ được nhau". Tôi sai chú bé về thuyền đem hòm thuốc lại điều chế, để rõ là không hiểm bí. Khi thuốc mang đến tôi chế bài Bát vị làm thang gia Ngũ vị chưng mật ong, Mạch môn sao với gạo, Ngưu tất để sống làm 3 tễ to cho uống. Cụ lang thấy thuốc chế tinh tế không ngớt miệng khen và nói: "Ngài học đã tinh, dùng thuốc lại cẩn thận, những người cẩu thả không thể bì kịp".

 Lúc đó mặt trời sắp lặn tôi từ biệt mà về. Được vài ngày, sáng sớm nghe trên bờ sông có tiếng gọi, tôi mở cửa thuyền trông ra đã thấy cụ lang đứng ở bên bờ suối mời tôi. Tôi chưa muốn đi, cụ lang đứng mãi cố mời. Tôi biết là bệnh đã bớt rồi, tôi liền cùng chú bé đi. Khi đến nhà cụ lang đã thấy trong nhà bầy biện rượu nhắm cỗ to. Cụ lang cười mà rằng: "Bữa trước ngài ngẫu nhiên lại chơi tôi không kịp chuẩn bị, nay gọi có chút sơn hào dã vị, để đãi tỏ tấm lòng thành". Tôi nói: "Tình chơi với nhau chưa mấy, mà đã hiểu nhau sâu sắc là lẽ thế nào?" Cụ lang nói: "Thực là trời đưa ngài đến giúp tôi, ơn tái sinh này không biết lấy chi báo đáp! Chút lễ vật nhỏ mọn, xin chớ bận lòng". Tôi hỏi: "Từ khi cụ dùng thuốc tôi đến nay, bệnh bớt như thế nào?" cụ lang vừa cười vừa nói: "Đau đã khỏi hẳn, sự cử động mang nặng đã không chút trở ngại nữa, ăn đã biết ngon, đi tả về sáng cũng khỏi, chỉ còn đại, tiểu tiện và mồ hôi mới bớt chút đỉnh, nhưng khí lực so hơn trước nhiều". Tôi nói: "Nắng lâu mới gặp mưa dào, lấy đâu được cả kho khao tưới nhuần!" Tôi lại bảo: "Chế phương thuốc trước làm viên uống với nước thang Quy tỳ, cứ phương này uống liền vài tháng, không những khỏi bệnh mà tinh thần lại hơn lúc còn trẻ". Từ đó cụ lang không ngày nào là không thết cơm rượu, thân đến mời tôi, khi thì ở gác chuông, khi lên núi đá, uống rượu nói chuyện, thật là vui vẻ! khi tôi không tới thì cụ lại mang rượu tới thuyền tôi uống rượu nói chuyện càng thêm thân mật. Bỗng thấy nước đã lên to, tôi lại chào cụ lang rồi lên kinh đô, cụ lang lấy một cân Thanh sâm, nửa lạng Nhục quế để tiễn hành. Tôi nói: "Ngàn dặm gặp nhau, cần chi phải thế", cụ lang cố nài nhận cho, tôi nói: "Nhân sâm là của địa phương, tôi xin vâng nhận, còn Nhục quế là của quý như vàng ngọc, dám xin lưu lại, hai lần cụ mới nghe, lại bảo bà vợ sắp sửa rượu, cá khô với các thập vật khác vừa một gánh, mang đến thuyền tôi, nói mãi tôi phải nhận,lúc đó nước triều lên mạnh thuyền đi như tên bắn, cụ lang đứng trên bờ đá, ân cần tiễn tôi, có ý luyến tiếc và làm một bài thơ tiễn biệt, làn sóng theo gió đi cuồn cuộn, thuyền đã xa mà còn ngậm ngùi trông với. Bài thơ là: 

Có duyên gặp gỡ khách xa xôi
Bệnh nặng nhờ tay chữa khỏi rồi
Ơn tựa ngàn non không báo đáp
Nhớ ai chỉ vái phương trời

 Tôi thấy bài thơ này có vẻ thanh nhã đáng yêu, rất giầu âm điệu, tiếc rằng đến chiều tôi đã đi khỏi Trường sơn, rồi cả một tuần đi đường độc ngâm độc ẩm, mỗi khi hào hứng một mình, tôi thường ngâm đi ngâm lại bài thơ này, không ngờ đêm đến nằm mơ thấy trò chuyện với cụ lang vài bốn lần.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >