Trang chủ arrow Trang chủ
KHÁI NIỆM VỀ MỘT CHÂN NGÔN PHẬT GIÁO
28/09/2006

Những khi vào chùa hay các lễ động thổ, chúng ta thường thấy họ niệm những câu nghe ra rất huyền bí khó hiểu. Đó gọi là chân ngôn. Vậy thì chân ngôn là gì? Hãy tìm hiểu những lời mà vô tình lâu nay người đời quên đi để có cái nhìn đúng đắn hơn khi khấn vái tổ tiên hay khi đứng trước bàn thờ Phật.

 

Chân ngôn (zh. zhēnyán 真言, sa. mantra, ja. shingon) hoặc Chân âm, phiên âm sang tiếng Hán là Mạn-đát-la ( 曼怛羅), các cách dịch ý khác là Chú (咒), Minh (明), Thần chú (神咒), Mật ngôn (密言), Mật ngữ (密語), Mật hiệu (密號), cũng được đọc thẳng âm tiếng Phạn là Man-tra, có nghĩa là “lời nói chân thật”, là biểu hiện của chân như.

Chân ngôn có thể là một câu chú, hay một Đà la ni ngắn. Lời nói huyền nhiệm chứa đựng năng lực đưa đến kết quả siêu nhiên hay thế tục. Vốn xuất phát từ đạo Bà la môn Ấn Độ, Chân ngôn có thể là một âm tiết, một chữ hoặc câu kệ được tiết lộ cho những vị Thấu thị  trong lúc thiền định.

Trong Phật giáo, người ta cho rằng Chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái, Chân ngôn hay được lặp lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim cương thừa ở Tây Tạng. Ở đây Chân ngôn trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba ải thân, khẩu, ý thì Chân ngôn thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Chân ngôn phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một án  (sa. mudrā) nhất định như các bài Thành tựu pháp (sa. sādhana) chỉ dẫn.

Câu Chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng là:

Hán-Việt: Úm ma ni bát ni hồng ( 唵嘛呢叭 吽), cũng đọc Án ma ni bát mê hồng.
Phạn: OṂ MAṆI PADME HŪṂ ॐ मणि पद्मे हूं
Tạng: ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་,
được xem là Chân ngôn cầu Bồ Tát Quan Âm.

Trong các trường phái tại Phật giáo chân ngôn thì chức năng của các Chân ngôn của mỗi cấp Đát đặc la (sa. tantra) khác nhau. Có khi, trong lúc niệm Chân ngôn hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Chân ngôn này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó. Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh. Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó. Chương 5 của tác phẩm Subāhupariprcchā có ghi:

Lúc đọc Chân ngôn,
Đừng quá gấp rút,
Đừng quá chậm rãi,
Đọc đừng quá to tiếng,
Đừng quá thì thầm,
Không phải lúc nói năng
Không để bị loạn động.

 Nguyễn Hạnh (Viết với lòng tôn kính nhất)

A di đà Phật.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >