Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 74. Chẩn đoán bệnh qua da phía trụ (Luận tật chẩn xích)
74. Chẩn đoán bệnh qua da phía trụ (Luận tật chẩn xích)
14/11/2017
Nội dung: Nói về từ các hiện tượng ở da phía trụ cánh tay (nhuận, bóng, khô, cơ teo, cơ yếu, nóng lạnh) có thể đoán ra tình hình thịnh suy của tạng phủ. Nếu nó hoạt (trơn) và trạch (bóng) là bệnh phong. Nếu sáp là phong tý. Nếu thô, khô như vẩy cá là bệnh ẩm, nếu nóng mạch thịnh thao động là bệnh ôn. Nếu nóng bỏng tay, nóng trước lạnh sau là bệnh hàn nhiệt vv...Lại nêu muốn dùng chẩn đoán da ở phía trụ, cần kết hợp với vọng chẩn, mạch chẩn và tình hình nóng lạnh ở khuỷu, cánh tay, gan tay. Ngoài ra còn nói đến xem hướng đi của mạch máu ở mắt, số lượng mạch xuất hiện ở đồng tử, để đoán bệnh ở kinh nào, hoặc dự đoán thời gian chết. Về mạch của người có thai, bệnh trẻ con dễ chữa, khó chữa, chứng chết, các bệnh dễ mắc do phục tà 4 mùa vv...cũng được giới thiệu kỹ càng.

Hoàng đế: Làm thế nào để không cần qua vọng sắc, chẩn mạch, mà chỉ qua kiểm tra da ở phía trụ tay mà xác định được là bệnh gì, để từ biểu hiện bên ngoài của thân thể mà đoán thay đổi bên trong của nó?

Kỳ Bá: Quan sát kỹ trạng thái hoãn cấp, to nhỏ, hoạt sáp, cơ săn chắc hoặc mềm yếu của da phía trụ tay, có thể xác định được loại bệnh gì.

- Nhìn mắt thấy mi mọng lên như vừa ngủ dậy, mạch cổ đập, có lúc ho, ấn tay, chân có lõm xuống là phù do phong thủy.

- Da tay phía trụ hoạt, nhuận, sáng là do phong. Cơ tay phía trụ yếu, không có sức, chỉ nằm yên, cơ teo (Âm Dương suy bại) là bệnh hàn nhiệt (hư hao) khó chữa. Da tay phía trụ hoạt (trơn) nhờn bóng là bệnh phong. Da tay phía trụ sáp (do huyết ít, không nuôi được da) là phong tý. Da khô sáp như vẩy cá khô là bệnh tật ẩm (thủy thấp tràn ra chân tay). Da tay phía trụ rất nóng, mạch thịnh thao động là bệnh ôn, mạch thịnh hoạt là bệnh tà đã bị đuổi ra (sắp khỏi). Da tay phía trụ hàn, mạch nhỏ là tiết tả hoặc thiểu khí. Da tay phía trụ sờ nóng, rát tay, trước nóng sau lạnh là bệnh hàn nhiệt. Da tay phía trụ lạnh trước, dần dần chuyển nóng cũng là bệnh hàn nhiệt (sốt rét).

- Chỉ có da ở khuỷu nóng là nhiệt từ thắt lưng trở lên. Chỉ da ở tay nóng là nhiệt từ thắt lưng trở xuống. Chỉ da ở phía trước khuỷu nóng là nhiệt ở trước ngực, chỉ da ở khuỷu tay nóng là nhiệt ở lưng vai (mặt ngoài cánh tay). Chỉ giữa cánh tay nóng là thắt lưng bụng nhiệt. Chỉ da dưới bờ sau khuỷu 3 tấc - 4 tấc nóng là trong ruột có giun. Da gan tay nóng là trong bụng có nhiệt, da gan tay lạnh là trong bụng có hàn. Thịt trắng ở mô cái có mạch xanh nổi lên là Vị hàn.

- Da tay phía trụ nóng rát, mạch nhân nghinh to, là đang mất máu. Da tay phía trụ chắc to, mạch lại rất nhỏ là thiểu khí, nếu lại thêm bồn chồn khó chịu trong ngực thì chết ngay.

- Mắt đỏ là bệnh tại Tâm, mắt trắng là bệnh tại Phế, mắt xanh là bệnh tại Can, mắt vàng là bệnh tại Tỳ, mắt đen là bệnh tại Thận. Nếu mắt vàng và có màu lờ mờ khác, bệnh ở trong ngực (khí 5 tạng từ ngực bắt đầu ra, nhưng có gốc là Tỳ, vì vậy có màu vàng (Tỳ) và màu lờ mờ khác (ngực).

- Trong chẩn đoán đau mắt, khi mạch máu đi từ trên xuống dưới là bệnh Thái dương chân (vì Thái dương chân là lưới ở trên mắt), nếu mạch máu đi từ dưới lên là bệnh ở Dương minh (vì Dương minh là lưới ở dưới mắt), nếu mạch máu đi từ ngoài vào trong là bệnh Thiếu dương (vì Thiếu dương đi ở khóe ngoài mắt).

- Trong chẩn đoán bệnh hàn nhiệt, nếu trong mắt có một mạch máu đi từ trên xuống đồng tử thì 1 năm sẽ chết; nếu thấy 1,5 mạch máu thì 1,5 năm sẽ chết; nếu thấy 2 mạch máu thì 2 năm sẽ chết; nếu thấy 3 mạch máu thì 3 năm sẽ chết.

- Trong chẩn đoán đau, sâu răng, xem đường Dương minh chân tay, nếu chỉ nơi đi qua của kinh mạch có nhiệt, nếu đó là kinh trái thì bên trái có nhiệt, nếu đó là kinh phải thì bên phải có nhiệt, nếu đó là ở trên thì trên có nhiệt, nếu đó là ở dưới thì ở dưới có nhiệt.

- Trong chẩn đoán vị trí của huyết mạch, nếu màu đỏ nhiều là nhiệt nhiều, nếu xanh nhiều là đau nhiều, nếu đen nhiều là bệnh tý lâu ngày, nếu có cả đỏ nhiều, đen nhiều, xanh nhiều là bệnh hàn nhiệt.

* [Bì bộ luận Tố Vấn có đoạn như thế này và chú thích như sau: Da ở trên dọc đường kinh Dương minh đều thuộc kinh Dương minh, nếu có nổi mạch lạc, là của kinh Dương minh. Màu xanh (do huyết mạch lưu thông không tốt, huyết không hành được) thì đau, màu đen (do khí huyết tắc lại) là cửu tý, màu trắng (do Tâm hỏa suy không làm máu vận hành bình thường để duy trì thể nhiệt) là hàn, màu vàng đỏ (do thấp nhiệt chứng nhau ở trong) là nhiệt. Năm màu đều xuất hiện là bệnh có cả hàn và nhiệt].

- Người mình đau có màu da hơi vàng, men răng vàng, móng tay vàng là bệnh vàng da. Thích nằm nghỉ, nước tiểu vàng đỏ, mạch tiểu, sáp là không muốn ăn (là thuộc âm, âm đản là Tỳ hư, nên không muốn ăn).

- Người có bệnh nếu có mạch cổ tay to hoặc nhỏ như mạch nhân nghinh, phù hoặc trầm cũng thế (nghĩa là cả 4 mùa đều giống nhau) là bệnh khó chữa (vì mạch cổ tay mùa Thu phù, mùa Đông trầm, mạch nhân nghinh mùa Xuân nhỏ, mùa Hè to. Nay trong 4 mùa cả hai mạch đều như nhau là mạch đã bị loạn).

- Nữ có mạch Thiếu âm (Tâm) đập mạnh là có mang (Tâm chủ huyết mạch, có mang không có kinh, máu trong mạch sẽ nhiều, nên mạch Thiếu âm tâm đập mạnh và hoạt).

- Anh nhi có bệnh (tuổi vườn trẻ), nếu lông tóc đều dựng ngược là bệnh chết (do huyết khô không nuôi được lông tóc, nên chúng khô như cỏ khô). Khi ở vành tai (nhĩ gian) có mạch xanh nổi lên là đau do gân cơ co rút (tai thuộc Thiếu dương chân, xanh là màu của Can, xanh chủ đau, Can chủ cân, nên đau do gân co rút). Thiên kim phương: Trích nặn máu mạch xanh phía trên huyệt Hoàn cốt (sau tai).

- Còn trong phân có chất không tiêu đỏ (các sách Mạch kinh, Giáp ất kinh viết xanh) là ỉa chảy do rối loạn tiêu hóa, nếu thêm mạch nhỏ chân tay lạnh thì khó chưa (hư hàn).

* Trong sự biến hóa của khí hậu 4 mùa, thì hàn nhiệt thay đổi nhau, trùng Âm tất Dương, trùng Dương tất Âm (thịnh cực tất suy, vật cực tất biến), do Âm chủ hàn, Dương chủ nhiệt, nên hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn, và hàn sinh nhiệt, nhiệt sinh hàn. Đó là sự tiến hóa của Âm Dương vậy.

 - Vào mùa Đông bị hàn làm tổn thương thì mùa Xuân dễ bị bệnh ôn. Vào mùa Xuân bị phong làm tổn thương thì mùa Hè dễ sinh chứng ỉa chảy, lị. Vào mùa Hè bị thử làm tổn thương thì mùa Thu dễ sinh bệnh ngược (sốt rét). Vào mùa Thu bị táo làm tổn thương thì mùa Đông dễ sinh ho. Đó là tình hình bệnh bốn mùa.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >