Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 28. Hỏi miệng (khẩu vấn)
28. Hỏi miệng (khẩu vấn)
02/10/2017
Nội dung: Nói về 12 loại tà khí lạ vào các khiếu gây 12 loại bệnh với nguyên nhân, triệu chứng, phép chữa riêng. Tà khí lạ là bệnh tà khác thường, tài liệu cổ rất ít ghi lại mà chỉ hỏi miệng để ghi lại.

Hoàng đế: Muốn nghe về tư liệu khẩu truyền?

Kỳ Bá: Các bệnh sinh ra thường do mưa, gió, rét, nắng, âm dương, vui, giận, ăn uống, sinh hoạt, quá sợ, quá lo làm khí huyết phân ly, âm dương phá bại (không cân bằng, không điều hòa). Kinh lạc quyết tuyệt (kinh khí quyết nghịch kinh lạc tắc tuyệt), đường kinh mạch không thông, âm dương tương nghịch, vệ khí lưu trệ lại, kinh mạch rỗng, hư, khí huyết không thể tuần hoàn theo thứ tự trong cơ thể, các hoạt động đều mất bình thường, những bệnh này không luận ở kinh, mà ở nơi nào đó.

Hoàng đế: khí nào làm người ta ngáp?

Kỳ Bá: Vệ khí ngày đi ở phần dương, đêm vào phần âm. Âm thì (tĩnh) là đêm, người ngủ. Dương thăng âm giáng, nên khí âm tích ở dưới, khí dương chưa vào âm hết, vẫn phát huy tác dụng thăng lên dẫn khí lên, khí âm có tác dụng giáng dẫn khí xuống, âm dương lôi kéo nhau lên xuống gây ngáp. Nói chung, khí dương tận, khí âm thịnh (lúc đêm) nên mắt nhắm, ngủ, khí âm tận khí dương thịnh (ban ngày) nên mở mắt, tỉnh. Nếu ngáp nhiều thì tả Túc thiếu âm (Chiếu hải), bổ Túc thái dương (Thân mạch).

Hoàng đế: khí nào làm người ta nấc?

Kỳ Bá: Thức ăn vào Vị (được tiêu hóa để sinh ra các chất tinh vi), lên Phế (và phân bổ cho toàn thân). Nếu Vị có hàn thì cốc khí mới vào sẽ bị ngưng trệ lại ở Vị không lên Phế được, hàn có trước và cốc khí mới vào gặp nhau sinh loạn, tà khí và Vị khí đánh nhau, 2 khí sẽ cùng nghịch lên, ra khỏi Vị (lên cơ hoành) thành nấc. Cần bổ Thủ thái âm, tả Túc thiếu âm để bổ Phế, giáng hàn tà.

Hoàng đế: Khí nào làm người ta nghẹn ngào lúc khóc?

Kỳ Bá: Khí âm thịnh khí dương hư, khí âm mạnh cấp, khí dương hoãn, khí âm thịnh, khí dương kiệt làm ra chứng nghẹn ngào (sụt sịt), chữa nó cần bổ Túc thái dương, tả Túc thiếu âm để chữa (Thân mạch - Chiếu hải).

Hoàng đế: Khí nào làm người ta rét run?

Kỳ Bá: Khí hàn ở da, âm khí thịnh, dương khí hư làm cho rét run. Cần ôn bổ các kinh dương (Cảnh Nhạc: Các huyệt nguyên của kinh dương - Hợp cốc, Xung dương, Uyển cốt, Kinh cốt, Dương trì, Khâu khư, và các huyệt hợp của kinh dương: Khúc trì, Túc tam lý, Thiếu hải, Ủy trung, Thiên tỉnh, Dương lăng tuyền) để chữa.

Hoàng đế: Khí nào làm người ta ợ hơi?

Kỳ Bá: Khí hàn ở Vị làm khí quyết nghịch từ dưới lên trên rồi lại ra Tỳ Vị thành ợ hơi. Cần bổ Túc thái âm, Dương minh, có người lại bổ gốc lông mày (huyệt Toản trúc) để chữa.

Hoàng đế: Khí nào làm người ta hắt hơi?

Kỳ Bá: Khí dương bình hòa thuận lợi, đầy ở trong Tâm (lên Phế rồi) lên mũi gây hắt hơi. Bổ huyêt huỳnh ở gốc lông mày (Toản trúc) của Túc thái dương, có người nói huyệt này ở trên lông mày.

Hoàng đế: Khí gì làm đầu thân mềm không vận động được?

Kỳ Bá: Vì vị không thực thì các mạch đều hư, các mạch hư thì cân mạch rã rời, cân mạch rã rời (vì không được nuôi dưỡng) thì nếu động phòng, nguyên khí không thể phục hồi, gây nên đầu thân rũ xuống. Cần bổ giữa các cơ (của bộ phận bị bệnh).

Hoàng đế: Khí gì làm cho người ta khi buồn khóc chảy nước mắt?

Kỳ Bá: Tâm là chủ của 5 tạng 6 phủ. Mắt là nơi hội tụ của tông mạch (nơi tụ tập tinh khí của 5 tạng 6 phủ), đường đi lên của dịch. Mồm mũi là cửa ngõ của khí. Khi buồn phiền âu sầu thì Tâm sẽ động, Tâm động thì 5 tạng 6 phủ cũng không yên, làm cho tông mạch cảm (động), Tâm mạch cảm (động) thì đường dịch sẽ khác, đường dịch mà khác thì nước mắt chảy ra, dịch là để tưới các khiếu, cho nên đường đi lên của dịch mà khai thì nước mắt chảy, nếu chảy không ngừng thì dịch cạn, dịch cạn thì tinh không tưới thấm cho khiếu được, tinh không lên mắt được thì không nhìn được cho nên gọi là đoạt kinh. Chữa bằng cách bổ huyệt Thiên trụ (của kinh Bàng quang).

Hoàng đế: Khí gì làm cho người ta thở dài?

Kỳ Bá:Âu sầu tư lự thì hệ mạch của Tâm cấp. Cấp thì đường khí bị bó lại, bị bó lại thì đường khí thông không lợi, gây thở dài cho khí tỏa ra. Bổ Thiếu âm tâm, Quyết âm tâm bào, Thiếu dương đởm (để thông khí ở thượng tiêu, sơ khí ở mộc) và lưu kim.

Hoàng đế: Khí gì làm cho người ta chảy dãi?

Kỳ Bá: Thức ăn vào Vị, trong Vị có nhiệt thì giun quẫy , giun quẫy thì khí của Vị hoãn, hoãn thì liêm tuyền khai nên chảy nước bọt. Cần bổ Túc thiếu âm (để tráng thủy lợi hỏa - Cảnh Nhạc; để thông liêm tuyền làm nước bọt chảy xuống dưới - Mã Nguyên Đài).

Hoàng đế: Khí gì làm cho người ta tai ù?

Kỳ Bá: Tai là nơi tụ hội của tông mạch. Nếu Vị rỗng hư thì tông mạch hư, hư thì (khí dương không tăng mà) chảy (giáng) xuống gây khí mạch kiệt, nên tai ù, cần bổ huyệt Thượng quan, và huyệt Thiếu thương (Thượng quan là hội của của các kinh thủ túc thiếu dương, Túc dương minh. Tuy là thuộc Túc thiếu dương nhưng dù tai ù do kinh nào trong 3 kinh trên đều dùng huyệt này và bổ tả theo trạng thái người bệnh).

Hoàng đế: Khí gì làm cho người ta cắn phải lưỡi mình?

Kỳ Bá: Khí quyết nghịch đi lên trên, khí mạch đi theo đều đến các vị trí của mình, khí Thiếu âm (đến cuống lưỡi, nếu) nghịch thì cắn phải lưỡi, khí Thiếu dương (đến tai má, nếu) nghịch thì cắn phải má, khí Dương minh (đến môi, nếu) nghịch thì cắn phải môi. Châm bổ kinh của chỗ bị bệnh để chữa.

- 12 tà khí trên là những tà khí lạ đi vào các khiếu. Chỗ nào tà khí ở được là chỗ đó chính khí suy. Nếu khí ở thượng tiêu không đủ thì não sẽ không đầy, tai sẽ ù không ngừng, đầu nặng và nghiêng (do không đỡ được) mắt sẽ quay cuồng. Nếu trung khí không đủ thì ỉa đái sẽ thay đổi, bụng sôi liên tục. Nếu khí ở hạ tiêu không đủ thì chân yếu teo quyết lãnh, Tâm phiền ngực đầy. Cần bổ huyệt ở mắt cá ngoài (Côn lôn) và lưu kim (huyệt Côn lôn là nơi phát nguyên của tân dịch, thông với trên).

Hoàng đế: Bệnh do tà khí lạ gây nên thì chữa ra sao?

Kỳ Bá: Thận khí không đủ là nguyên nhân của ngáp, lấy Túc thái âm, Túc thái dương để chữa. Phế khí mất điều hòa là nguyên nhân của nấc cụt, lấy Thủ thái âm, Túc thiếu âm để chữa. Sụt sịt là do khí âm thịnh, khí dương tuyệt, dương không dựa vào âm, cần bổ Túc thái âm, tả Túc thiếu âm. Rét run phải bổ các kinh dương. Ợ hơi bổ Túc thái âm, Dương minh. Hắt hơi bổ Túc thái dương Toản trúc. Đầu thân mềm nhũn, bổ phần cơ nơi bị bệnh. Khóc chảy nước mắt bổ Thiên trụ. Thở dài bổ Thủ thiếu âm, Quyết âm, Túc thiếu dương lưu kim. Chảy dãi bổ Túc thiếu âm. Tai ù bổ Thượng quan, Thiếu thương. Tự cắn phải lưỡi, bổ đường kinh qua nơi bị cắn. Mắt hơi quay cuồng, đầu nghiêng, bổ (Côn lôn) dưới mắt cá ngoài, lưu kim. Chân tay teo lạnh giá, Tâm phiền, châm (Thái xung hoặc Thái bạch) trên khe chân cái 2 tấc, lưu kim, hoặc Côn lôn lưu kim.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >