Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Tư 29, 2024, 10:51:29 PM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: TRÀ ĐẠO  (Đọc 8169 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tradao
Newbie
*
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1



Email
« vào lúc: Tháng Tư 27, 2008, 03:40:37 PM »

Trà đạo Nhật Bản


Trà đạo là hoạt động uống trà đặc thù mang tính nghệ thuật, mang phong cách tình cảm riêng của người Nhật Bản, mà đặc điểm chính là pha trà và thưởng thức trà. Nghệ thuật này đã có hơn 500 năm lịch sử ở Nhật.


Người sáng lập trà đạo là một hòa thượng tên gọi Muratashu Mitsu. Ông đã tìm thấy hương vị tuyệt vời trong khi uống trà. Sau này, các đệ tử của ông đã phát huy ảnh hưởng và hình thành nên một môn nghệ thuật lưu truyền đến ngày nay.

Những người Nhật thích uống trà thường thành lập những nhóm nhỏ, chọn ngày mời nhau cùng thưởng thức. Số người tham gia mỗi lần không vượt quá 4 người và hoàn cảnh tổ chức một buổi trà đạo cũng có những quy định đặc biệt. Những gia đình khá giả thường cho xây ba căn phòng nhỏ trong vườn riêng nhà mình, hai phòng nối liền nhau, trong đó một phòng là phòng trà - nơi tổ chức trà đạo, phòng kia đặt than, bộ đồ trà và vòi nước. Phòng còn lại là nơi nghỉ ngơi của khách, phải cách hai phòng kia một khoảng nhất định. Trong vườn có những con đường nhỏ lát đá, quanh co với hai bên trồng hoa và cây cảnh làm cho không gian trong vườn yên tĩnh và thanh nhã. Bố trí trong phòng trà cũng rất được chú ý. Thông thường là treo tranh của các danh họa nổi tiếng, có hoa cắm nghệ thuật để khách mời được thưởng thức nghệ thuật mang hương sắc cổ kính.


Thời gian tổ chức trà đạo chia ra làm 4 loại: trà sáng (7h sáng), sau ăn cơm (8h sáng), giữa trưa (12h trưa) và câu chuyện buổi tối (6h tối). Khách mời đúng giờ đến phòng nghỉ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách. Trước cửa phòng trà có đặt một chiếc cối đá đựng đầy nước, khách phải rửa sạch tay trước khi vào phòng. Cửa ra vào có một ô cửa cao gần 3 thước để khách tháo giày đi vào. Khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn. Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình. Trong số khách, người tinh thông trà đạo được cử làm người chủ trì. Người chủ trì phải cạo trọc đầu để biểu thị sạch sẽ, thanh khiết. Trong phòng trà, một góc chiếu có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính. Trong khi chủ nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết. Ví dụ: tổ chức trà đạo vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc. Trà để pha là loại bột trà xanh được chế biến cẩn thận bằng cách giã nát trong cối đá - người Nhật gọi là nghiền trà.

Có hai cách pha trà: pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, hương thơm hơi chát. Chủ nhân múc hai muôi gỗ trà cho vào bát, đổ nước sôi, dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức trà đạo cũng kết thúc. Nhưng đôi khi còn một nghi lễ cao hơn là ăn cơm thường sau khi uống trà. Tuy gọi là cơm thường nhưng cũng thịnh soạn.

Trà đạo đã hình thành nhiều trường phái khác nhau, chủ yếu có ba trường phái lớn là: Risenka, Hyosenka và Bushakoro Senka. Mỗi nhà đều theo chế độ gia truyền - tức là con thường kế nghiệp bố làm người chủ trì trà đạo của gia đình đó.

Chỉ một ly trà xanh nho nhỏ nhưng với người Nhật nó lại như một ốc đảo trong tâm hồn. Họ cho rằng thông qua trà đạo có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân. Có người dùng 4 chữ "hòa, kính, thanh, tịnh" để khái quát tinh thần cơ bản của trà đạo. "Hòa" là hòa bình; "kính" là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; "thanh" tức là thanh tịnh, thanh khiết; còn "tịch" là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo: an nhàn.

Trà đạo ngày nay càng phổ biến hơn ở Nhật Bản, rất nhiều cô gái trẻ dồn tâm sức học tập trà đạo, tu nhân dưỡng tính để cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ hơn.

(Theo sách Phong tục tập quán các nước)
Logged
Vatvakiemtim
Newbie
*
Offline Offline

Bài viết: 1



Email
« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Tư 27, 2008, 04:58:46 PM »

Cái gì cũng có nghệ thuật của nó!
Logged

Đi khắp sông núi nước Nam, tìm cặp bánh mì có chả (Vì đời dường đang nhạt dần)
hoamongtay
Newbie
*
Offline Offline

Bài viết: 2



Email
« Trả lời #2 vào lúc: Tháng Tư 28, 2008, 08:13:11 AM »

Trà đạo có cách thức phức tạp lắm, cần có thì giờ cơ! Mình cứ Trà chanh đánh sữa là xong bữa sáng, khỏe re.
Logged
vuonggia79
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 709


muathuhanoi_2605
Email
« Trả lời #3 vào lúc: Tháng Tám 16, 2008, 11:11:56 AM »

Hầu như mọi dân tộc, mọi xứ sở trên trái đất đều biết uống trà. Ước tính đây là loại nước uống phổ biến nhất sau "nước" và mỗi ngày thế giới tiêu thụ chắc không dưới một tỉ tách trà đủ các loại.
Theo sách vở ghi lại thì tục uống trà của nhân loại bắt nguồn từ Trung Quốc. Lục Vũ là một cuồng sĩ đất Hồng Tiệm đời Ðường, thường lang thang ngâm thơ rồi khóc. Ông để lại cho đời sách Trà Kinh gồm ba quyển bàn về trà, gốm trà, cách pha và uống trà, được người đời sau gọi là ông tiên trà, thờ làm ông tổ của trà đạo Trung Quốc. Sách viết tục uống trà bắt đầu từ thời Thần Nông, truyền sang Chu Công nước Lỗ. Như vậy loài người biết uống trà vào khoảng năm 3300 - 3100 trước Công nguyên. Qua các thời đại, tục uống trà và tác dụng của cây trà ngày được nâng cao và khai thác triệt để. Cách uống trà cũng theo những con đường buôn bán tơ lụa, đồ gốm và qua sự giao lưu của các thương gia tỏa ra khắp thế giới.

Cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, cùng với thiền, trà ở Trung Hoa tràn sang Nhật. Người Nhật tiếp thu cả hai thứ văn hoá vật chất và tôn giáo này, đem nó hoà quyện với văn hoá bản địa và nâng lên thành triết lý riêng của dân tộc Nhật gọi là Trà đạo. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian này, có một vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, sư Eisai mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Phẩm Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Những công dụng của trà về mặt y khoa và hương vị hấp dẫn đặc biệt của trà đã thu hút nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo. Trà đạo phát triển dựa trên triết lý xem uống trà như là một thú tiêu khiển thanh tao và nghi lễ của việc uống trà do các sư Thiền tông đặt ra để giữ cho họ thức tỉnh. Đến đời thiền sư Senno Rikyu (1521-1591) thì trà đạo ở Nhật thực sự trở thành một nghệ thuật gắn liền với đời sống thiền thông qua việc định nghĩa các yêu cầu của trà đạo như là sự hài hòa, tĩnh lặng, thanh khiết và trang trọng. Như Kakuzo Okakura đã viết trong cuốn "Quyển sách về Trà" xuất bản vào năm 1906: "Trà đạo là một giáo phái được sáng lập dựa trên lòng tôn thờ cái đẹp, cái đẹp giữa những thực tế nhớp nhúa trần ai. Trà đạo bao gồm những nghi lễ thiêng liêng thấm đượm chất tâm linh tôn giáo, biến việc uống trà trở thành một cuộc lễ. Bất cứ một thiền thất nào của môn phái Trà đạo đều có những trà thất. Tuy được xây dựng hết sức giản dị, tự nhiên nhưng được coi là nơi thiêng liêng nhất. Đó là những gian nhỏ được ghép bằng tre, gỗ, lợp tranh rất nguyên sơ. Trong nhà bài trí một vài bức thư pháp cổ, hoặc tranh thuỷ mạc. Một bếp đun nước, một lò hương thơm, một lọ hoa cắm chỉ một bông như mọc lên từ kẽ đá. Ngồi trong căn phòng lặng im nghe tiếng nước sôi nhè nhẹ như tiếng gió. Người ta cảm thấy như ngồi giữa một thảo am nơi sơn dã, chỉ có mây trắng và tiếng nhạc thiên nhiên làm bạn, lòng cảm thấy thanh thoát. Con người như vượt lên trên những giới hạn tương đối và một thoáng nhìn vào vĩnh cửu. Ấm trà được sắp lên toả hương thơm thanh cao, tinh khiết. Uống chén thứ nhất thấy lòng tĩnh lặng, tâm không còn dao động, tự soi được vào cõi tâm mình. Thiền nhân gọi đó là trạng thái vấn tuệ. Uống xong chén thứ hai thấy nơi ấn đường ấm nóng, tư duy thiền sắp được khai thông. Uống xong chén thứ ba cả hai trạng thái trên đều biến mất. Thân xác như hoà vào trời đất. Người ta nói đó là đạt tới thiền và là Trà đạo."

Theo hai cuốn sách “The Empire of Tea: The Remarkable History of the Plant That Took Over the World” (Đế Quốc Trà) của vợ chồng Alan và Iris Macfarlane, và “Tea: Addiction, Exploitation, and Empire” (Trà: Nghiện, Bóc Lột, và Đế quốc) của Roy Moxham mới xuất bản gần đây, các tác giả người Anh này cho biết bọn nhà buôn Tây phương để ý đến trà vào khoảng thế kỷ 17. Cuốn “Đế quốc trà” mở đầu với một hồi ký ngắn và cảm động của Iris Macfarlane về nhận thức văn hóa mà bà mang theo cùng chồng đến nông trại trồng trà Assam. Bà viết: "Tôi lớn lên với tất cả những mưu mẹo, những lời nói hoa mỹ : rằng ‘Bên ấy ở Ấn Độ’ có những người da ngăm thấp kém không thể cứu chữa, những người rất may mắn được chúng ta cai trị". Sau đó thì tác giả kể lại những tình trạng đối xử tàn bạo đối với những công nhân làm việc trong các nông trại trồng trà, những hồi tưởng buồn bã. Cuốn "Đế quốc trà" phân tích một cách dí dỏm sắc nước của trà và qua đó suy luận về vai trò của trà trong việc duy trì một hệ thống trật tự xã hội theo đẳng cấp ở Anh. Tác giả còn tìm cách trả lời một câu hỏi: Có phải quả thật trà đã thuần hóa người Anh? Có phải trà làm cho những người da trắng, thích ăn thịt đỏ và uống bia trở thành những người hiền lành hơn và dễ mến hơn? Không! Đó là câu trả lời. Những người Anh, chủ đồn điền trà, khinh miệt công nhân người bản xứ, họ cho đó là những cu-li (coolies). Họ đối xử tàn bạo đối với những phu người địa phương và gây cho cái chết cho hàng trăm ngàn người. Theo thống kê của Moxham, cho đến năm 1900, hơn 200 ngàn mẫu trà được khai khẩn và trồng trong rừng Assam, và nó làm mất đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người phu Ấn Độ nhưng chỉ vài mạng người Anh. Đó chỉ là một thảm nạn trồng trà ở vùng Assam; nhiều thảm nạn còn xảy ra ở Darjeeling, Tích Lan (Ceylon), và nhiều nơi khác. Quy trình sản xuất trà ở Ấn Độ được mô phỏng theo cách tổ chức sau cuộc Cách mạng kỹ nghệ: giờ làm việc dài, điều kiện làm việc cực xấu, và thiếu an toàn. Macfarlane viết: “Công nhân trở thành một phần của bộ máy sản xuất khổng lồ. Trong bộ máy đó họ là những con người làm việc không hồn. Cái giá nhân sinh mà con người phải trả cho những công việc nhàm chán và không cần đến trí óc, đó là chưa kể đến tình trạng công nhân phải đứng hết giờ này sang giờ khác để hái trà. Thật khó tưởng tượng nổi!”

Trà, ngoài là thức uống và những công dụng tốt cho sức khỏe , cái lá cây thơm ngát" này đã là đề tài làm say mê nghệ nhân để sáng tạo ra những bình sứ thời xưa ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Trà đã là chất xúc tác khuyến khích các tay thực dân Âu châu; là chất châm ngòi cuộc chiến tranh Nha phiến; là cảm hứng cho cho những nhà thiết kế thuyền bè vào thế kỷ 19; và là một trong những nguồn cung cấp sinh lực cho cuộc Cách mạng kỹ nghệ.

Gần đây ở Việt Nam có nhiều "trà quán" mở cửa theo nhu cầu của thị trường, tôi tình cờ đọc một số bài viết so sánh và tỏ ý ngưỡng mộ nghệ thuật uống trà của Nhật và Trung Hoa. Phải công nhận là các nước khác thành công hơn Việt Nam trong việc quảng bá truyền thống tốt đẹp của dân tộc họ. Trà đạo của Nhật nổi tiếng đã lâu, và Trung Hoa thì cũng vậy. Mặc dù theo truyền thuyết thì Việt Nam đã biết đến trà từ thời Ðông Hán và trà đạo Việt thành hình khoảng vào đời nhà Ðường. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng "trà là loài cây lớn ở phương nam". Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời Bắc thuộc, lên đến tột đỉnh thời Lý, Trần, thời Phật giáo thịnh nhất trong lịch sử VN. Trà đạo Việt là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan: không cửa vào, không lối ra. Cũng như Việt Nam, lúc bấy giờ Phật giáo ở Nhật bén rễ vào giới thế quyền. Tăng sư là khách quý của các sứ quân và các phú hào. Họ học Phật rồi tiêm nhiễm luôn đạo thưởng trà. Uống trà nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt chỗ rốt ráo của an bần lạc đạo, hòa đồng với Tự Nhiên, tức là Chân Như. Và uống trà, hành trà đạo phải có các trà khí mà ngành gốm Nhật bấy giờ rất phôi thai. Nên trà gốm từ Cao Ly, Trung Hoa, Ðại Việt đưa sang giá đắt, chỉ được sử dụng giới hạn trong hàng sứ quân và đại phú. Thay vì hấp thu nếp thanh bần, họ bèn mượn trà đạo làm trò trà dư tiêu khiển, đặt ra các quy tắc kiểu cách (Cha No Yu), muốn vào phải qua cổng Hữu Môn Quan. Trà đã đưa thiền vị đạm bạc vào trú ngụ chỗ đền các xa hoa. Trong khuôn viên cung đình nguy nga, các lãnh chúa sai dựng nên trà thất bắt chước lều cỏ bần hàn của ẩn sĩ để hành trà đạo. Còn bên nước Việt, đạo đã từ cung cấm ra đi, bỏ phú quý phù vân để phiêu bồng nơi cảnh thật của "rừng trúc lắm chim" (Trúc lâm đa túc điểu) như thơ ngài Huyền Quang. Các vua Lý, Trần bỏ kinh về núi, thực hiện hạnh tầm đạo, dẫm theo bước chân của đức Phật. Đây là chỗ khác biệt trong lịch sử thiền đạo Việt - Nhật.

Thời đại chúng ta đang sống, kỹ thuật hiện đại cho phép mọi người tiếp xúc với môi trường bên ngoài, với các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện cho việc học hỏi các điều mới lạ và bổ ích để mở mang kiến thức , để áp dụng cho lợi ích của bản thân và đất nước . Nhưng chúng ta phải biết gạn lọc và đừng quên gốc rễ của mình. Ngưỡng mộ , thích và trân trọng Trà đạo của Nhật Bản hay Trung Hoa thì cũng tốt, nhưng so sánh và chê bai nghệ thuật và phong cách uống trà hay trà Việt Nam là một điều không đúng và nhất là khi dựa vào chỉ mấy "trà quán" phục vụ nhu cầu nhất thời của thị trường. Cái áo Kimono của Nhật, áo sường - sám của Trung Hoa, cái áo dài của Việt Nam.... mỗi cái có những nét đẹp riêng. Ở đời không có gì là tuyệt đối hoàn hảo. Và người ta thường nói " có nằm trong chăn mới biết chăn có rận", và không có một quốc gia nào hoàn hảo hơn một quốc gia nào. Tách trà thơm ở Việt Nam đã từ lâu là quà đón khách, là tâm tình của chủ nhà với khách viếng thăm. Không thể nói là vì người VN không pha chế trà cầu kỳ như người Nhật hay người Trung hoa và vì vậy mà thịnh tình của chủ với khách suy giảm. Phần tôi thì với nghệ thuật uống trà theo Trà đạo của Nhật bản hay Trung hoa thì cũng rất ngưỡng mộ, và áo Kimono hay sường sám, cũng rất đẹp mắt... Nói cách khác là tôi chỉ "cỡi ngựa xem hoa" . Nhưng tách trà Việt nam tôi sẽ pha đãi khách và chiếc áo dài VN vẫn là đẹp nhất , gần gũi thân thương nhất. Lý do rất đơn giản: Vì tôi là người Việt Nam.

Riêng về phong cách uống trà hay thiền đạo thì vô môn quan (Việt Nam) hay hữu môn quan (Nhật Bản) ... "tốt" hơn ? Tôi xin phép gởi đến các bạn câu truyện "Trà Đạo" dưới đây:

"Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản, khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà v.v. Nghe xong khách nói:

 À, thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.

Rồi khách xuất khẩu ngâm:

Xưa nay trà là đạo.

Khát cứ việc uống thôi.

Nghĩ thêm trà với đạo.

Ðầu thượng trước đầu rồi!"

Mời các bạn tách trà thơm (pha kiểu Việt Nam) và chúc tất cả một cuối tuần như ý.

̣(theo: vnthuquan.net)

Logged

uyennd72
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 895


Email
« Trả lời #4 vào lúc: Tháng Mười Một 17, 2008, 11:41:25 AM »

Tặng Vương


Trà Sen và phong cách uống trà Việt Nam
By JerryLove

Trà Sen
Muốn có trà ngon người ta phải ướp từ những loại trà khô như là trà mộc (black tea), trà xanh (green tea) hay trà Ô long có màu nâu sẫm. Ướp trà là một kỳ công phối hợp tinh tế giữa phong cách tao nhã, sành điệu và "ỷ thuật vi tế”. Ướp trà thường dùng các loại hoa sen, hoa cúc, hoa ngâu, hoa lài, hoa sói. Mỗi loại hoa làm cho trà có một hương vị khác nhau. Ðôi khi người ta ướp với cam thảo hay sâm để khi uống trà cảm thấy vị ngọt ở cổ họng và tinh thần phấn chấn.

Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ðiều này được nhiều nhà trà học lý giải "bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Ðông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa rất thanh cao mọc lên từ bùn lầy, điều đó tương tự như chữ Danh mà người quân tử rất coi trọng vậy". Hương hoa sen là những gì tinh tuý của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý. Còn theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thì "Cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá... đều là những vị thuốc hay".

Sen để ướp trà phải dùng loại sen bách hoa, phía bên trong các cánh hoa lớn có hàng trăm cánh nhỏ ôm sát vào nhau, che úp nhụy hoa, gạo sen và gương sen. Mua sen bách hoa về,(hoa sen phải hái trước lúc bình minh, phải lựa những ngày nắng ráo, tránh sau ngày mưa ) bóc từng lớp cánh sen, kế đến tẽ những hạt trắng ở đầu nhụy hoa (gạo sen), trộn chung với trà, ủ trong vò kín từ một đến hai ngày cho gạo sen quắn lại rồi mới đưa trà lên sấy khô bằng than hay bằng nước nóng cách thuỷ. Phải giữ cho nhiệt độ vừa phải và điều hoà để không mất mùi hoa. Ứơp một kí-lô trà phải dùng tới hàng trăm bông sen, và phải làm nhiều lần như thế mới dùng được. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát. Uống một tách trà vào thấy tinh thần tỉnh táo, thoải mái làm sao! Nhiều nghệ nhân về trà còn tiết lộ: "Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại "một tôm hai lá" và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Ðồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây hoặc là sen ở hồ Tịnh Tâm-Huế (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác)."

Cụ Nguyễn Tuân ca ngợi kiểu ướp hương trà bằng cách bỏ trà mạn vào bông sen mới nở, buộc lại. Thực ra, cách chơi ngông đó của Cụ Nguyễn vừa rất cầu kỳ vừa không để trà được lâu (hay bị mốc) và hay bị mất hương, chỉ có thể dùng cho lượng trà rất ít và phải uống ngay.

Trà Phong Việt Nam (Phong cách uống trà Việt Nam)
Người Nhật có lối uống trà rất khác biệt với các dân tộc khác, khi uống trà họ phải tuân giữ một vài nghi thức nên gọi là Trà đạo. Ðối với Trung Hoa và Việt Nam, lối uống trà chỉ được coi như là nghệ thuật mà thôi, nghệ thuật thì không cần phải khuôn sáo hay công thức.

Phong cách uống trà của Việt Nam không hề bị ảnh hưởng của Tàu hay Nhật như quan niệm cuả nhiều người. Nghệ thuật uống trà phản ảnh phong cách văn hoá ứng xử của người Việt Nam.Trong gia đình truyền thống, người nhỏ pha trà mời người lớn, phụ nữ pha trà mời các ông. Người ta có thể uống trà trong yên lặng suy gẫm như để giao hoà với thiên nhiên, như để tiếp cận giữa con người với môi trường, như để nhận xét, để thảo hoạch những dự án phúc lợi cho đại chúng. Khi đã trở thành thói quen rồi thì khó mà quên được.Trà đồng nghĩa với sự tỉnh thức, sáng suốt, mưu cầu điều thiện, xa điều ác.

Theo truyền tụng, hình thức uống trà được khởi nguồn từ các chùa chiền gọi là Thiền Trà. Các nhà Sư thường uống trà trước các thời công phu sớm chiều. Cuộc đời trần tục nhiều hệ lụy, trà giúp cho con người tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, xoá tan cảm giác tĩnh mịch chốn thiền môn. Ngày nay chỉ còn ngôi chuà Từ-Liêm ngoài Bắc là giữ được nghi thức Thiền Trà này.

Sau đó, trà được ưa chuộng trong giới quý tộc, trong cung đình như là một bằng chứng của sự quyền quý, để phân biệt với giai cấp thứ dân trong xã hội phong kiến.

Kế đến, trà chinh phục các tầng lớp trung lưu, nhất là các nhà Nho, các chú học trò "dài lưng tốn vải ăn no lại nằm", mượn bộ ấm trà để bàn luận văn chương thi phú, để tiêu khiển giải trí sau những giờ điên đầu vật vã với tứ thư ngũ kinh.

Do đó, dần dà uống trà là một lối tiêu khiển thanh đạm được tất cả mọi giới ưa chuộng. Pha trà mời khách cũng phải tốn nhiều công phu hàm dưỡng và trở thành một nghi thức. Trà-phong Việt Nam thật là trân trọng ở cách dâng mời nhiều ngụ ý. Dù mưa nắng, sớm chiều, buồn vui khách không thể từ chối một chung trà trong khi gia chủ trang trọng hai tay dâng mời.

Mời trà là một hành vi biểu hiện phong độ thanh nhã và hiếu khách của hầu hết các gia đình Việt Nam. Kỵ nhất là tiếp khách bằng những tách trà còn đóng ngấn hoen ố nước trà cũ. Cũng không bao giờ tiếp khách bằng một ấm nước trà nguội. Tách trà tiếp khách là thể hiện những tình cảm tối thiểu nhất, không thể tuỳ tiện coi thường, dù không nhất thiết phải là loại trà thượng hảo hạng.

Uống trà cũng phải uống từ ngụm nhỏ, để cảm nhận hết cái dư vị thơm ngon cuả trà, cái hơi ấm cuả chén trà tỏa vào hai bàn tay ấp ủ nâng chén trong muà đông tháng giá, làm ấm lòng viễn khách. Uống trà là một cách biểu thị sự tâm đắc, trình độ văn hoá và cảm tình cùng người đối thoại. Trong ấm trà ngon, người cùng uống tâm đầu ý hợp, dưới ánh trăng thanh gió mát, ngắm khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng mà luận bàn thế sự thì không còn gì thú vị hơn nữa. Chỉ có những tao nhân mặc khách mới thưởng thức được trọn vẹn cái phong vị cuả cách uống trà này, chứ không phải như kẻ phàm phu tục tử bưng ly trà to tổ bố lên uống ừng ực, người ta gọi là "ngưu ẩm" hay là uống như trâu uống nước.

Ngoài các lối uống trà đơn giản đến cầu kỳ trong các gia đình Việt Nam, các cụ ngày xưa còn có những hình thức hội trà. Ðó là uống trà thưởng xuân, uống trà thưởng hoa, uống trà ngũ hương. Hội trà là tụ họp những người bạn sành điệu cùng chung vui trong các dịp đặc biệt hoặc có hộp trà ngon, hay có một chậu hoa quý hiếm trổ bông, hay trong nhà có giỗ chạp.

Thưởng trà đầu xuân là thói quen cuả các cụ phong lưu, khá giả. Trước tết, các cụ tự đi chọn mua các cành mai, đào, thuỷ tiên hay các chậu hoa lan, hoa cúc ở tận các nhà vườn, và chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết, nhất là một hộp trà hảo hạng. Sáng mồng một, cụ pha một bình trà và ngồi chỗ thích hợp nhất, thường là giữa nhà. Cụ ngồi tĩnh tâm, ngắm nhìn những đoá hoa nở rộ, thưởng trà. Khoảng 8 giờ sáng, cả đại gia đình sum họp quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe những lời dặn dò của Cụ. Trẻ con thì chờ lì xì.

Uống trà thưởng hoa quý như hoa Quỳnh, hoa Trà, cũng là cái thú của nhiều người. Khi nhà cụ nào có một chậu hoa trổ, cụ chuẩn bị và mời các bạn già sành điệu tới ngắm hoa, luận bàn thế sự, hay dặn dò con cháu.

Hội trà ngũ hương chỉ giới hạn có năm người thôi. Trên khay trà có năm lỗ trũng sâu, dưới các lỗ trũng đó để năm loại hoa đang độ ngát hương : Sen, Ngâu, Lài, Sói, Cúc. Úp chén trà che kín các hoa lại rồi mang khay để trên nồi nước sôi cho hương hoa bắt đầu xông lên bám vào lòng chén. Pha bình trà cho thật ngon rót đều vào từng chén, mỗi người tham dự sau khi uống trà phải đoán hương trà mình đã uống và nhận xét. Sau mỗi tuần trà lại hoán vị các chén trà để mọi người đều thưởng thức được hết tinh tuý của năm loại hoa.

Cách uống trà của người Việt Nam còn được gọi là "Trà Lễ"


một góc riêng cho trà đạo
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 13, 2008, 06:06:43 PM gửi bởi uyennd72 » Logged

          Thích mùa thu Hà Nội!
uyennd72
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 895


Email
« Trả lời #5 vào lúc: Tháng Mười Hai 13, 2008, 05:50:46 PM »

Lễ hội văn hóa trà Bảo Lộc


Mênh mông xứ trà B''''''''lao - Ảnh: PHẠM BÌNH

Lễ hội văn hóa trà đầu tiên trên xứ trà B’Lao đã khai mạc đêm 4-12 tại quảng trường chính của thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng. Người dân Bảo Lộc đã chuẩn bị hai tuần để trang trí TTTg đèn đỏ đến từng nhà dân, ngõ phố, công sở...


Một bình trà lớn được đặt trên đường phố -






lễ khai mạc Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ 2 với chủ đề “Hương sắc trà B’Lao”. Nghi thức khai mạc được bắt đầu bằng tiết mục hòa nhạc dân tộc “Tiếng vọng Nam Tây Nguyên” với sự diễn tấu của các loại nhạc cụ truyền thống như đàn đá, trống, đàn T’rưng, cồng, chiêng, sáo… do Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng thể hiện





« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 14, 2008, 11:16:26 AM gửi bởi uyennd72 » Logged

          Thích mùa thu Hà Nội!
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn