Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 01, 2024, 10:00:58 PM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: 1 ... 3 4 [5] 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu một ký ức  (Đọc 71451 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #60 vào lúc: Tháng Bảy 07, 2012, 08:31:21 AM »

CHUYỆN TÊ GIÁC


Thánh Khâu ở Lỗ, Kỵ mới nói với Quí Tôn Tư muốn yên thiên hạ tất phải dùng đến Khâu. Vừa hay có người ở ấp Phi đến rập đầu thưa chuyện đào được con dê ở dưới đất rỗng, chẳng biết ý tứ ra làm sao. Tư quay ra hỏi đến Thánh Khâu, mới biết thú ở núi là Quy Võng Lạng, ở nước là Long Võng Tượng, ở đất gọi là Ly Phần Dương, liền cho người ra khảo ở đất Phi, quả đúng như vậy, mới ngửa lên giời mà than rằng: “Khâu là bậc bác văn, không sự gì là không biết vậy”.

Sau người xứ Phật Lăng đóng trại ở đất Việt, ăn quả của người Mễ mà nhường sáu động phía Nam, giằng co với người đất Bốc ở Gia Định, đang đêm thấy Nho, Phật, Thích, Gia khóc cười sau Bảy Núi, đoạn lại lắc đầu bay mất. Quân các doanh nghe chuyện, quay giáo nhổ trại rút về, từ đó mới gây dựng nền văn, bỏ hẳn việc chém giết.

Người Mễ đi rồi, trong thành sinh ra giống đầu đỏ, ngày ngày ra đất Ba Vì hái cỏ Vô phong động dao, chế ra thuốc uống vào lắc lư múa hát suốt ngày, lại lấy lá cây nhuộm tóc thành ra xanh vàng, lấy hình thù quái dị ở xứ Phù Tang làm vui, xăm trổ đầy mình cả, thành ra thứ người hình dong hung hãn, gọi là nạn A Tu La.

Người A Tu La đua xe bốn ngựa, bắn súng điểu thương, tung tạc đạn, nhốn nháo cả ngoài thành, lính đuổi theo đến mấy ngày, chuyện buồn rầu vào tận trong cung, bấy giờ mới cho sửa đàn Xã Tắc, đường xá đào ngổn ngang cả.

Qua mấy ngày, lại thấy đào được vật lạ ngay trước cửa Nam Đồng Hương Hạng, chẳng ra ống, chẳng ra cần, trước sau hai sừng bốn chân, ai cũng cho là việc quái lạ. Vua bày lễ Thái Lao hỏi Thánh Khâu, lúc ấy đang ở Tề. Thánh Khâu đến nơi, bấy giờ mới đốt trầm lên nói: “Xưa người ấp Phi đào được Phần Dương, sau người Phật Lăng ăn quả người Mễ ra tận Gia Định, giằng co với người xứ Bốc đến hai mốt năm mới về, súng đạn vứt đầy trong đất, hóa thành quái thú cả. Vật đào được ở đàn Xã Tắc do một trong các thứ súng ấy hóa thành, bốn chân hai sừng, gọi là Tê Giác, vốn dùng để dập lửa, hễ mỗi khi có việc chém giết thì hóa ra mưa tắm mát, tướng sĩ ai nấy hả giận đều quay về cả. Sau người A Tu La còn ương ngạnh, bản tính thô lậu, chưa biết đến chuyện giáo hóa mới đem moi thứ ấy lên, chế ra ống phóng dồi đạn bắn nhau, gầy chuyện chém giết hằn học trong thiên hạ, gọi là súng A Ca vậy”.

Nhời vừa xong, trong thành mưa liền mấy ngày, phút chốc cầu vồng mọc ở trên nóc điện, thấy người A Tu La đứng đầy ngoài phố, thi nhau gội đầu tắm táp, phút chốc thánh thiện, khoanh tay đọc chuyện Mạnh Hoạch, thành ra giống hiền hậu cả.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
(Nhân việc bác Lỗ Tấn được tặng đôi Tê Giác).
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 31, 2021, 06:22:28 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #61 vào lúc: Tháng Bảy 07, 2012, 09:39:58 AM »

Chuyện nạn độc thân


Vân Hải bái biệt thầy trò Tam Tạng, quay về quán ở Tứ Tổng, đã thấy Ngân Giác Đại Vương và Kim Giác Đại Vương đứng ở trước cửa động Độc Thân, tay cầm hồ lô rượu rầy rà ở trước cửa. Cách một năm, ở phía Tây mọc ra ngọn núi lửa, gầy khí giời nóng bức khôn tả, thành ra nạn đến bảy tám năm.

Bấy giờ giời sang thu, trong phố mưa sa lác đác, người người gấp chăn tính chuyện hôn sự, vứt cốc chén không quản việc cửa giả, Ngân Giác, Kim Giác càng được thể ra quấy rối ở Tứ Tổng, quân sĩ không sao dẹp được.

Rằm tháng tám, nhân ngồi ở vườn thượng, vua cho nhạc công chơi ở gần cửa sông, gọi là dụ thuồng luồng vào cúng, nghe chuyện buồn phiền của Vân Hải ở Tứ Tổng mà thở dài, trong đám ấy có người mới lấy vợ ở Ngọc Lũ là Huy Sáo, xin lập đàn cầu đảo cho chuyện được yên.

Tháng chín, Vân Hải ra chơi sau núi, nghe ồn ã, mùi rượu Lạc Đạo sực nức, nhác thấy bóng Kim Giác, Ngân Giác, mới lấy tay chỉ mặt quát nhớn mấy tiếng ruổi dài vào trong động, tới ngã ba đã thấy có ông già đứng đấy, tay cầm hồ lô hút hai con yêu quái ấy vào trong bình rượu. Phút chốc mưa xuống, Tứ Tổng cây cỏ xanh tốt trở lại.

Vân Hải bấm đốt, biết là Thái Thượng lão quân biến hóa, liền bái mà hỏi, chỉ thấy ông già cười bảo: “Hồng hồ lô  là bầu ta đựng thuốc, Tịnh bình là bầu ta đựng nước, gươm Thất tinh là đồ ta trộn thuốc, Ba tiêu phiến là đồ quạt lửa, Hoảng kim thằng là dây đai lưng của ta. Kim Giác Khánh là đồng tử coi lò vàng, Ngân Giác Hạnh là đồng tử coi lò bạc, ngày mùng năm tháng năm, nhân lúc ta về quê lấy ngải cứu, chúng vốn chưa vợ, quen ăn không ngồi rồi, lấy trộm năm thứ báu ấy, xuống trần làm yêu quái, trú trong động Độc Thân, ta tìm không sao đặng, may thay có Đại Tiên mới lấy lại được các thứ ấy”.

Vân Hải trách chuyện Lão Quân không quản việc núi lửa, gây chuyện nóng bức ở nhân gian, lại thấy ông già cười bảo: “Chắc Đại Tiên hẳn quên rằng năm xưa ngài hút thuốc, gạt tàn đầy cả sân, ngày này qua ngày khác mới thành ra đống lửa ấy. Kim Giác Khánh nghe chuyện mới lén lấy trộm gạt tàn, đặt ra ngoài rệ đường mà đến nông nỗi như vậy đấy”.

Vừa dứt nhời thấy giời lại đổ mưa to, bao thuốc Thăng Long mềm rơi lả tả ngoài cửa. Bấy giờ đúng vào dịp giáp Tết âm lịch, giai gái cưới rộn rã.

Vân Hải trở về, từ đó mới thoát được nạn yêu quái.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
(Giời ạ bao giờ mới lấy vợ).
« Sửa lần cuối: Tháng Tám 03, 2021, 08:44:47 AM gửi bởi Đom đóm » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #62 vào lúc: Tháng Bảy 07, 2012, 10:45:54 AM »

CHUYỆN PHẾ DU


Làng Trầu, tên tục là Bồ Lồ, một năm sông đổi dòng thành ra ngòi chảy qua cổng, nước trong leo lẻo nhìn thấy cả đáy, uống vào mát như dưa, con gái tắm gội thì tóc đen da trắng, trai tráng lại càng uống lại thành ra càng khỏe mạnh. Đàn bà thấy thế cứ hối thúc đàn ông ra uống thật lực.

Một năm, trong làng phát ra chứng mắt đỏ, trai tráng ai nấy lên lẹo lớn như quả cam, sụp cả mí mắt, đau đớn không chịu nổi, thành ra bê trễ cả việc đồng áng, cày bừa. Đàn bà hồ đồ được thể đổ tội cho nước trong ngòi, lâu nay chắc sinh ra bẩn thỉu, hò nhau ra đứng trên bờ, ném đất xuống sông mà chửi.

Bấy giờ có người làm thuốc ở Phú Hà, lắc đầu thấy chuyện vô lý, ai đời cùng chung dòng nước mà chỉ có đàn ông trai tráng bị bệnh, mới lấy gai bồ kết, chích vào huyệt Phế Du, vốn ở chỗ tay vắt ngang qua đầu ra sau lưng.

Gai chích vào huyệt, lẹo vỡ, nứt ra quyển sách, thảy đều vẽ hình xem trộm đàn bà tắm sông cả. Ai cũng cho là chuyện lạ, mới chép ra thành chuyện vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
 (Nhân xem huyệt Phế Du).
« Sửa lần cuối: Tháng Tám 03, 2021, 08:44:09 AM gửi bởi Đom đóm » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #63 vào lúc: Tháng Bảy 07, 2012, 11:25:08 AM »


Tháo chặt cây ở miếu, bị bệnh nằm trong xó, Hoa Đà đòi bổ đầu Tháo lấy ra con chim sẻ, bị Tháo nhốt chết trong ngục, nghề chỉ còn lại chuyện thiến gà thiến lợn.

Đời chúa Trịnh, đàn em Cậu Giời là Cả Xú quấy nhiễu trong thành, chặt phải cây chuối trăm nải trong chùa Cửa Bắc, thành ra điên dở, suốt ngày đòi ra sông uống nước. Ai cũng bảo đáng đời.

Sau trong thành phát ra chứng háo sốt, cuồng nhiệt phiền khát, có người mới lấy ống tre vót nhọn, cắm vào thân cây chuối, lấy nhựa cho uống thì khỏi. Đến khi chuối bị chặt sạch bách cả, vua phải cho lái buôn giong buồm chở giống chuối ở tận Xiêm La, Trảo Oa về mà vẫn không đủ.

Mùa hè, giời nóng nực, vua cho cưỡi thuyền rồng qua Nghĩa Tân, miệng khô kháo mới truyền ghé vào bờ lệnh dân làng hãm tiết canh vịt.

Tiết hãm từ giờ Thìn đến giờ Tị, mãi không xong, các thứ mắm muối đều không dùng được, ai nấy lo sợ cho người đi tìm khắp mới lấy được nhựa chuối. Nhựa chuối đến đâu tiết hãm được đến đấy, tiết canh ăn vào lại hết chứng háo sốt nhiệt phiền. Ấy cũng là chuyện lạ ghi ra đây vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 24, 2021, 08:40:43 AM gửi bởi Đom đóm » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #64 vào lúc: Tháng Bảy 07, 2012, 02:08:59 PM »

CHUYỆN YÊU QUÁI


Kiến Hưng thứ ba, Thục Hậu Chúa A Đẩu nghe lời hoạn quan xiểm nịnh, chỉ vui thú chọi dế nơi hậu điện.

Diên Hi năm thứ hai, Tứ Xuyên có nạn châu chấu, bọ ngựa bay kín giời, dế đực cắn thủng hộp giấy, bò ra ngoài ăn Nhân Sâm, con nào con nấy béo tròn trục, lâu ngày hóa thành quái vật, hình dong thành ra như người, áo giáp cánh trụ, cũng may cờ, rèn khí, lui vào núi làm loạn, quân Gia Cát ruổi dài mấy lần mới dẹp yên được.

Trinh Quán năm thứ nhất, có người ở Thanh Hóa học được phép tiên, chế ra túi đựng nhời ăn tiếng nói, nằm ngủ để mỡ phần giây vào bị chuột cắn, khiến bao nhiêu lời văng tục chửi bậy bay ra ngoài, hóa thành yêu quái tám mốt nạn, quấy nhiễu thầy trò Tam Tạng suốt đường đi Tây Trúc.

Đến năm Bính Tý, người xứ Phù Tang là Satoshi Tajiri bắt bọ cho vào hũ, nghe theo tiếng Pocket Monster của người Tây Dương, chế ra trò Pokémon Red và Blue, trẻ con vô cùng thích thú, bỏ cả ăn học, bố mẹ nói thế nào cũng không được.

Năm Nhâm Thìn, bấy giờ thế sự quái gở, mùa hè sĩ tử chép chữ lí nhí nhì nhằng vào mảnh giấy mang vào phòng thi, vứt trắng xóa cả sông Tô Lịch, trong kinh người người theo thói mới ghét bỏ, vứt sách văn sử, ngáp ngắn ngáp dài bàn câu tác tộ, lúc ấy mới sinh ra thú học trò thừa giấy vẽ voi, ngồi chán trong giờ bôi trát nham nhở vào giấy vở tranh ảnh, thành ra toàn hình thù dị hợm, nhe nanh múa vuốt đến đáng sợ, cho đấy là chuyện vui vẻ sướng khỏe của tuổi trẻ. Cách đó mấy năm, xảy đến trong thành yêu thú quỉ quái ngày càng nhiều, đổ ra nườm nượp, ở lẫn cả với người, chẳng biết cơ sự là ra sao cả. Ai cũng bảo hay là từ những hình vẽ nhăng cuội kia chui ra vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 31, 2021, 06:41:08 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #65 vào lúc: Tháng Bảy 08, 2012, 10:58:59 AM »


Hè nóng bức như thiếu canh chua, dân bảo nhau thèm ăn ghẹ luộc, sò huyết này, nướng lên, đổ vào giữa xanh xanh cái khoảng mù tạc, hàu này, ngao này, tu hài, đều là giấc mơ Đồ, Sầm cao cả.

Năm nay cô bé bán diêm chia tay Hans Christian Andersen, lột bỏ vẻ nghèo túng nơi rì dọt, vứt vào văn chương thối nát cái đôi giày khổ rộng, mạnh dạn xé tay con ngỗng to, của đêm giáng sinh, thèm thuồng, của hôm nay nhồm nhoàm, hể hả.

Cách đó không xa, những người cũng cách đó không xa, cầm tay nhau đọc truyện: “Giờ thì là Noel, các cửa sổ đã sáng đèn và mùi ngỗng quay thơm lừng tỏa ra, con  bé vẫn biết hôm nay là giao thừa nhưng không dám về nhà, chắc bố sẽ đánh đòn vì cả ngày chưa bán được lấy một xu, với lại ở nhà nào có hơn gì, nó chỉ có mỗi cái mái dột nát mặc cho gió rít. Cuộn người trong góc giữa hai ngôi nhà nhưng tay chân vẫn đóng băng vì lạnh, em chợt nghĩ biết đâu bật diêm lên sẽ tốt hơn, chí ít cũng có thể sưởi ấm những ngón tay. Que thứ nhất bật lên, hơ tay trên ngọn lửa ấm áp sáng bừng như cây nến nhỏ, em tưởng mình đang ngồi trước chiếc lò sưởi sắt to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở đến bẽ bàng”.

“Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, bé nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt”.

“Bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, em thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống, "Ai đó đang từ giã cõi đời", em bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này”.


Cô bé bán diêm vẫn ở trong rì sọt, trên tay những thúng diêm to, bán chạy như tôm tươi, mười đô lại mười đô, cho lũ đàn ông hối hả chen vai như đoàn tem phiếu. Cách đó không xa, những người đàn ông, lại những người đàn ông, thi nhau đánh diêm, soi ngấu nghiến vào những người đàn bà trần trụi.

Rạng sáng hôm sau, người ta thấy cô bé ngồi uống sữa tươi, má ửng hồng, nụ cười nở trên môi, giàu sang, đắt đỏ, chạy như những que diêm, đốt cháy những trang truyện Andersen, cả cái cơ hàn trong đêm giáng sinh thánh thiện.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 21, 2017, 12:23:27 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #66 vào lúc: Tháng Bảy 16, 2012, 04:16:46 PM »


Tháng bảy, lũ trẻ đen đi vì nắng, bà Toán ngồi tính chuyện Tết này luộc nhiều bánh chưng, cô con dâu bảo khai xuân mà có Pizza hải sản ăn thì hết sẩy. Nói đến chuyện hải sản, cả nhà lặng đi nghe tin đài báo tàu bè Trung Quốc.

Ngoài đường, dân xơi quà rủ nhau đi ăn bánh cuốn, xớt chia vào bát cái tinh túy của con Cà Cuống, người già nói chuyện Úy Đà, đôi mắt ánh lên cái cổ tích Nam Việt.

Góc phố, người Tàu ngao ngán uống trà, nóng thế này từ sáng chả thấy ma nào vào xời mì Vằn Thắn cả, đành vội cời lấy cái quạt phe phẩy mấy cái vào lòng, ngợi về cái mối thân tình ngàn năm với người Việt.

Cả phố vẫn qua ngày như thế, đông vui, tuy chưa sung túc mà thật chan hòa, bởi dù có ngàn kế sinh nhai, họ giờ đang sống chung trong một nguồn nước.

Lũ trẻ thì vẫn tắm, con trăm nhà dội nước lên mình, cho vợi đi cái nóng mùa hè, cho dầu nước chảy hiếm hoi, dòng càng ngày càng nhỏ. Người già thì vẫn lo toan, cứ thế này lấy đâu ra nước. Nhưng trong lòng vạn người ấy, cuối cùng cũng sẽ hiểu rằng, nước mát trong mùa hè nóng nôi, thì hãy cùng chung vui với Biển Đông hữu nghị. Và đại dương bao la sẽ mát mẻ nhường nào.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười 04, 2021, 10:31:35 AM gửi bởi Đom đóm » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #67 vào lúc: Tháng Bảy 17, 2012, 02:59:03 PM »


Chuyện về bảy đốt sống cổ thì người ta nói nhiều, được ví như cái then chốt nơi cột chống giời, chênh vênh dễ đổ. Giãi bày thêm về những gì hằng hà trên báo, âu e cũng chỉ làm tốn thêm giấy mực.

Người xưa tính một vòng Giáp 甲、Ất 乙、Bính 丙、Đinh 丁、Mậu 戊、Kỉ 己、Canh 庚、Tân 辛、Nhâm 壬、Quý 癸 cả thảy là mười, đấy là đi một vòng từ đầu đến cuối một cơ thể, trong đó Giáp là đầu, Ất là cổ, Bính là ngực và hai vai, Đinh là xương sống, Mậu là xương sườn, Kỉ là bụng, Canh, Tân, Nhâm là các loại xương, Quý là từ xương chậu trở xuống dưới chân vậy.

Giờ người ta không quan tâm đến điều ấy. Ngồi với nhau, giữa quán nước, bên chén chè, một người có thể xòe tay đếm chuyện Giáp, Ất, Bính Đinh, khoe ra cái phong độ làm thầy, mong được cái cung kính của nhân quần xung quanh cái kẹo lạc. Giới nhạc Hoa một thời phát sốt với những cái tên Hứa Chí An, Trương Học Hữu với bài hát Giáp Ất Bính Đinh, đại loại lòng vòng nhiều chuyện như vậy, dài dằng dặng như thể khối La tinh ngồi kể chuyện A, B, C, D đến X, Y, Z.

Loanh quanh mãi rồi thì những cơn đau lại là những chuyện có thật. Một sáng ra quán nước cổng viện, thấy ông chủ nhăn nhó chuyện cổ không ngoái đi ngoái lại được, ngồi ăn trưa thấy chị cùng phòng kêu đau vai, lan xuống tay ê ẩm, đến tối thấy ông hàng xóm đi vẹo vẹo sang nhờ người châm hộ mấy cái kim. Toàn chuyện đau vai gáy cả.

Ngồi ở Trung tâm Tác động cột sống, thấy quá nửa kêu đau đớn vai cổ, cánh tay, thế mới biết cái gọi là Giáp, Ất, Bính, Đinh nếu không phải tay thợ khéo xử lý thì cũng thật phiền toái và lắm chuyện.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười 04, 2021, 10:32:56 AM gửi bởi Đom đóm » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #68 vào lúc: Tháng Bảy 18, 2012, 11:30:54 AM »

Vào viện mới thấy số người đau vai gáy nhiều thật.
Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #69 vào lúc: Tháng Bảy 20, 2012, 07:54:46 AM »


Trâu Huyến ở đất Yên Cổ, mười tuổi đứng ở đầu ngõ, gặp ông già đưa cho quả bầu, từ đó ngón tay cái thành ra lớn mãi, cầm bút không nổi, đâm ra thứ vô học, suốt ngày la liếm ngoài chợ. Mùa đông, bò dê chết lăn ngoài nội, Huyến manh áo chẳng có, cứ ngồi mút tay mà no căng bụng.

Lê Như Hổ, người đất Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, làng Tiên Châu, nhà nghèo mà học giỏi, phải đỗi ăn khỏe quá, mỗi bữa đến một nồi bảy cơm, cứ thế phải mươi người ăn mới xuể, ấy mà một loáng còn thòm thèm không no, thành ra chẳng đủ tiền ăn học, hình dong càng ngày càng xanh xao vàng vọt. Có người hàng xóm cười bảo, ôi dào thế thì đọc sách làm cái nỗi gì, rồi ngồi xó nhà mà mút tay trừ bữa, da dẻ vẫn béo tốt hồng hào.

Đời Nguyễn, tháng chạp chết đói, chợ búa xơ xác, có người ngón cái to như quả bí lớn, ngồi ở vệ đường mà hát:

Mút tay ta đây,
Bằng chín bát cơm.
Mười mươi bát cháy,
Bảy bát mày mạy.
Tám bát cua rang,
Ngón tay ngọt như đường,
Khác gì ăn mười hai bát.

Dân tình đổ xô vào xem, quả nhiên thấy ngón tay cái mỡ màng như miếng thịt.

Sau, người Phúc Kiến vào buôn thuốc, nghe chuyện, mới viết lên cổng nhà hai chữ Cự Phách 巨擘, nghĩa là ngón cái to, ý trỏ mọi sự tốt đẹp vậy. Cái tục giơ ngón tay cái lên trên xuống dưới tỏ việc buồn vui cũng là từ ấy.

Đến thời bao cấp, có người là Hạnh ở phường Công Bộ, nay là khu Tập Thể Thành Công, học hành dốt nát, tính nết dở ương, năm gần bốn mươi chẳng thèm lấy vợ, ai cũng cho là đồ cám hấp. Hạnh người nhỏ bé, phải đỗi ngón cái to quá khổ, do từ bé mỗi lần phụng phịu lại ngồi xó mút tay nhiều. Bấy giờ đến năm Nhâm Thìn mới phải lòng người đàn bà ngoài chợ, cả ngày cứ ngồi nhìn, chả biết làm gì cả. Người đàn bà ngấy đến tận cổ, được mấy bữa trốn biệt, Hạnh cũng vì thế bỏ đi đâu mất. Được vài hôm, thấy Hạnh ngồi quắt khô dưới gốc mít, trong thế kiết già, duy mặt mũi vẫn tươi như hoa nở, chung quanh mùi rượu Lạc Đạo sực nức. Dân tình cả sợ, xô Hạnh đổ xuống, được một lúc thấy ở ngón tay cái nứt ra cơ man nào là sách, toàn hình chuyện giai gái yêu đương ong bướm cả. Người đàn bà nghe chuyện, tất tả chạy đến thì đã muộn. Lúc ấy vào rằm, trẻ con ngoài chợ hát:

Làm giai cho đáng nên giai,
Không dài ngón cái phải tài chữ Nho.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Ngẫm tuổi bốn mươi).
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 16, 2017, 10:30:38 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #70 vào lúc: Tháng Bảy 20, 2012, 03:53:07 PM »


Bé năm tuổi, bố chỉ vào tủ lạnh, bên trong ấy là thịt thà, cá, trứng, là Chocolate của con, là Thạch rau câu của mẹ, là chai bia của bố. Tủ lạnh mở ra, mát rười rượi. Còn ông mặt trời ngoài cửa sổ kia kìa, đang cười hích hích.

Tuổi thơ của bố những thứ ấy không có, mọi thức ăn xong cất trong cái chạn có bốn chân cao, sơn tróc nham nhở xanh vàng, cái then cài chặt phòng con mèo nhà hàng xóm, mới hôm qua thôi vào trộm miếng thịt hiếm hoi, giữa bát nước mắm thừa, dưa cà, bát tóp mỡ rán quắt queo của thời bao cấp. Cái chạn ấy, bốn chân được kê lên bát nước đầy, bà bảo, để ngăn cho bằng lũ kiến.

Mấy hôm giời nóng gắt, con cá lờ đờ trong lọ, bé bảo, ông mặt trời thật hư, vung vãi cái lò cho bố mẹ đổ mồ hôi, còn bé thì cứ chốc lại phải tắm. Bố chỉ cười, thôi vào nhà thôi, bố bật cái điều hòa, ra mà xem Facebook.

Cuối tuần, bố cùng mẹ đưa bé đi thăm ông, ngồi ở nhà sàn trên Ba Vì. Nhà sàn chân cao, đứng giữa hồ, mát rượi, cả nhà ai cũng vui tươi, bữa cơm nhiều thức ăn ngon lắm. Bé bảo, ô nhà sàn như cái chạn, lại đứng giữa hồ, thế thì còn lo gì kiến. Cả nhà bật cười, ông lúc đấy quay ra, cứ gió giời thế này, giữa hồ bao la, cần gì điều hòa nhỉ.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười 25, 2021, 06:38:38 PM gửi bởi Đom đóm » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #71 vào lúc: Tháng Bảy 21, 2012, 06:08:12 PM »




Võ đường dựng cây gỗ, gắn chân tay, thành ra chỗ luyện Tiểu Niệm Đầu小念頭, Tầm Kiều寻桥, Bưu Chỉ 彪指, bộ pháp步法 tiến lùi. Người ta gọi đấy là Mộc nhân木人, tức là thằng người bằng gỗ.

Đánh mộc nhân, bấy giờ người hô khẩu quyết, Mã Khai Bán Bộ 馬開半步, Giao Thoa Than Thủ 交叉攤手, Nhật Tự Xung Quyền日字沖拳, tiếng gỗ va kịch liệt, nhiều khi nghe ra ý tứ sát phạt:

"Trời nổi cơn lốc
Cảnh càng u sầu
Tiếng loa vừa dậy
Hồi chiêng mớm mau
Ta hoa thanh quất
Cỏ xanh đổi màu
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Người ngồi cho vững
Cho ngọt nhát đao
Hỡi hồn !
Hỡi quỷ không đầu ! "

Nghe nói Cống Xếnh Sáng dạy các cụ ngoài Bắc đánh mộc nhân không chân, khéo thì vờn chạy khắp nơi, không khéo sẽ đổ kềnh ra sân tập, đến đây sự nhớ đến cách tập với lật đật gỗ của Thái Cực Quyền. Con lật đật xoay tròn, càng nặng tay càng bật mạnh. Ấy thế mới thấy phải chăng có người nói đánh mộc nhân ấy, là cách hành xử chơi đùa cùng cái cọc gỗ có chân tay, có hẳn đâu là sự nghiến răng nghiến lợi.

Chuyện võ thuật là thế, gần đây lại mới được nghe kể ở nhà nọ, có hai vợ chồng mới cưới, thuê thầy thợ dựng cuối nhà cái mộc nhân, hễ mỗi lần bực tức trong mình lại rủ nhau ra lấy roi quật vào đấy, gọi là cho bõ cơn tam bành.

Việc sử dụng mộc nhân như thế, quả thực lần đầu tiên nghe thấy, tiện bút bèn chép ra đây vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.

Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #72 vào lúc: Tháng Bảy 23, 2012, 04:11:15 PM »


Bác Lê Tâm viết thế này:

Phố Hàng (Chuyện của Tim 4 tuổi rưỡi)
bởi Nguyễn Lê Tâm vào ngày 22 tháng 7 2012 lúc 2:22 chiều· (Facebook)

Phố Hàng Giầy nằm trong khu vực Hàng Buồm nối với Đồng Xuân bán toàn bánh kẹo rượu bia. Hôm qua đứng ở phố Hàng Giầy chờ mẹ mua sữa. Tim thắc mắc: Sao phố Hàng Giầy lại toàn bán kẹo?

Bố Tâm: Chắc là người ta chán giầy và chỉ thích ăn kẹo.

Đúng là các phố Hàng đã hết thời. May còn Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Mã, Hàng Chiếu là còn bán đúng sản phẩm… Còn lại bỏ hết.

Hàng than thì bán bánh cốm, Hàng Gà thì chẳng có con gà nào, Hàng Chuối thì chẳng ai bán chuối, Hàng Mắm thì bán bia mộ, phố Hàng Khoai thì khoai không còn một củ...

Lưu Quang Vũ có viết thế này:

Phố Hàng Buồm không còn một cánh buồm

Phố Hàng Lược chẳng còn ai bán lược

Phố Hàng Bạc những người thợ bạc

Đã chết cùng đêm hội ngày xưa

Chợ Mơ không còn mơ

Cửa Hà Khẩu đã thành phố xá

Qua Ngõ Trạm chẳng còn ai đổi ngựa

Đường Cựu Lâu lầu cũ cháy lâu rồi

Người ta uống bia hơi

Dưới tấm dù xanh đỏ

Phố Hàng Bài bán giầy da dép nhựa

Đông Bộ Đầu thành bến ô tô…


Tim thắc mắc: Sao phố Hàng Cháo toàn bán máy khoan?

Bố Tâm chả biết giải thích thế nào. Chẳng lẽ bảo những người ăn cháo đều đã bỏ cháo và làm nghề khoan phá bê tông.

NLT 22 – 7 - 2012
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 23, 2012, 06:23:56 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #73 vào lúc: Tháng Bảy 23, 2012, 04:12:54 PM »


Đêm, Tim ngủ rồi, ông Andersen mới thả các sinh vật trong chuyện của mình ra hiên, hóng mát. Chuông điểm mười hai tiếng, chiếc hộp bật mở, con quỷ sứ trốn đi chơi cùng chú Hạnh, hoàng đế cởi chuồng đi trình diễn thời trang, chim họa mi đi thi Sao Mai Điểm Hẹn, các chú thiên tinh bay lượn ngoài giời, mặc cho đôi giày đỏ nhảy nhót trước sân nhà thờ, còn chú bé Tí hon đang trên hành trình trở về nhà, rủ Tim vào giấc mơ đẹp.

Tất cả quay cuồng trong đêm như thế, qua bao phố xá, giữa Hà Nội chín bậc tình yêu, qua Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Mã, Hàng Chiếu, rồi thì Hàng Than, Hàng Chuối, Hàng Mắm, Hàng Khoai, Hàng Gà, ba sáu phố Hàng đẹp như bài hát bố Tâm và các chú các bác M6 thường kể.

Khi ấy, giữa nhà, trên sân khấu le lói ánh đèn xa xưa, cụ Vũ giọng sang sảng:

Phố Hàng Buồm không còn một cánh buồm,
Phố Hàng Lược chẳng còn ai bán lược,
Phố Hàng Bạc những người thợ bạc,
Đã chết cùng đêm hội ngày xưa,
Chợ Mơ không còn mơ,
Cửa Hà Khẩu đã thành phố xá,
Qua Ngõ Trạm chẳng còn ai đổi ngựa,
Đường Cựu Lâu lầu cũ cháy lâu rồi,
Người ta uống bia hơi,
Dưới tấm dù xanh đỏ,
Phố Hàng Bài bán giầy da dép nhựa,
Đông Bộ Đầu thành bến ô tô…

Lúc ấy, trong xó nhà, giày và tất cãi nhau kịch liệt, ấy chỉ là chuyện sao phố Hàng Giầy giờ lại bán toàn bánh kẹo rượu bia, tiếng cãi cọ vang xa, ai cũng chầu mồm, há hốc. Bấy giờ giầy và tất kiện nhau ra cửa quan, quan cũng không xử được, đành phải hỏi cái ngón chân cái xem thế nào. Chỉ thấy ngón chân cái cúi đầu thưa: “Dạ, lâu nay tiểu nhân ở bên ngoài, chuyện bên trong giầy tất thế nào, đâu có biết gì đâu” .

Khi ấy, mọi người mới ồ ra vỡ lẽ, thì ra giầy và tất đều rách cả rồi, thế thì đúng là Hàng Giầy giờ chỉ toàn rượu bia bánh kẹo. Ông Andersen lắc đầu, thật Hà Nội giờ không thể hiểu được. Ngoài kia, quân sĩ trong thành hò như dậy đất: “I’m sorry, I don’t know!”.

Sáng ra, mọi việc lại sạch bong, chuyện cổ tích xếp lại như Phép lạ hàng ngày, Tim mới hỏi bố: “Sao phố Hàng Cháo toàn bán máy khoan ạ?”

Một câu hỏi nhớn không nhời đáp, cho đến tam tầm mặt vẫn chau.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Tiếp chuyện Phố Hàng của anh Tâm).

« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 23, 2012, 04:15:51 PM gửi bởi KHUATLAO » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
KHUATLAO
Jr. Member
**
Offline Offline

Bài viết: 87


Email
« Trả lời #74 vào lúc: Tháng Bảy 27, 2012, 06:49:04 AM »


Ông Tây ở phe ta (Người Việt xấu xí chuyện)
bởi Nguyễn Lê Tâm vào ngày 17 tháng 7 2012 lúc 6:03 chiều trên Facebook·


1. Ông Tây ở phe ta

Paul có khuôn mặt đẹp thiên thần của ông Tây thực sự. Đôi mắt hóm hỉnh như biết xuyên thấu tâm can người đối diện. Nhưng anh không hẳn là Tây hoàn toàn vì có nửa dòng máu là người Kinh. Tuy vậy, anh vẫn là một ông Tây mũi lõ.

Vì những biến cố gia đình, anh sống ở Pháp từ nhỏ. Mãi khi ngũ tuần mới về Việt Nam để thực hiện những mong ước của mình. Anh vốn là chuyên gia về nghệ thuật học. Có thể chơi nhạc như một nhạc công nhà nghề, có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ và là chuyên gia về âm thanh và hình ảnh. Nhưng đáng kính nể nhất là khả năng thực hiện những dự án độc đáo mà chính anh là tác giả. Trong đó, anh đã phục hồi được một số vốn cổ thất truyền mà chính dân mình cũng mù mờ nguồn gốc.

Paul có cách sử dụng tiếng Việt ở tầm quái nhân. Ngữ điệu của anh thì biểu cảm phong phú không kém bất kỳ một người Việt nào. Nếu nghe qua điện thoại thì người ta tưởng một người Kinh đang chém gió.

Anh không đồng ý việc người Việt ta cứ phải làm thuê cho Tây. Để rồi, bao nhiêu mồ hôi công sức xây dựng đổi lấy ít tiền còm mà bản quyền nhãn hiệu lại thuộc về ngoại quốc. Paul muốn người Việt phải có thương hiệu của người Việt trên thế giới.

Anh đã phục hồi được một số di sản của người Việt và được đánh giá cao. Nhưng anh muốn hơn thế. Đơn cử một dự án của anh đã thực hiện tại châu Âu với một nhóm cộng sự người Việt, gây tiếng vang suốt mấy năm nay.

Để làm công việc này, anh yêu cầu tất cả anh em, từ người học vấn cao đến người thợ cần đưa ra các ý tưởng sáng tạo của mình. Đó là làm việc theo nhóm mà chúng ta vẫn nói ra rả, nhưng thực hiện thường thất bại. Nhưng với Paul thì luôn thành công. Sau 1 tháng, anh có 9 ý tưởng để thực hiện 9 "cú đấm" khác hẳn nhau. Thương hiệu người Việt được nhắc đến một cách trân trọng. Mang chuông đi đấm và chuông kêu vang mãi.

Khi xem lại sản phẩm. Bạn bè lè lưỡi thán phục: Anh Paul thực sự điên đấy!

Ý là khen ngợi.

Paul nhún vai: Mình đầu có điên được đến thế. Đây điên tập thể. Mấy chục con người cùng điên nó mới ra được sản phẩm điên như vậy.

Nhưng tác phẩm này của Paul không chỉ điên, mà còn được kính nể và quan trọng không kém là bán rất tốt, nhất là bán ở nước ngoài.

Có lúc uống trà, Paul bức xúc: Dân Kinh mình lạ lắm. Khi bị thằng nào đè đầu cưỡi cổ, bóc lột thì phẫn uất tìm cách đánh đổ nó đi. Khi đất nước về tay rồi, rũ bùn đứng dậy sáng lòa thì lại chả biết làm gì.

Bí quá lại mời bọn Tây nó vào. Nó lại bóc lột cho  lần nữa. Mà cái thằng Tây nó cũng hay ho gì đâu... Nó lại bóc lột tinh vi chứ đâu có san nhà sẻ cửa gì.

Mọi người ngắm ông Tây nói về "bọn Tây nó" cứ xơi xơi. Ai cũng thấy đúng nhưng chẳng biết hưởng ứng thế nào cho phải phép.

2. Tây có gì mà phải sợ!

Paul có một trung tâm riêng đầy đủ máy móc thiết bị tân kỳ tại thủ đô, được gọi là phòng thí nghiệp chuẩn châu Âu. Anh hy vọng sẽ cho ra những sản phẩm cao cấp của made in Vietnam tại đây.

Ở đây có cả Việt cả Tây làm các ông việc hậu kỳ.

Paul bảo: Việc của mình là không cho bất kỳ thằng Tây nào được bắt nạt thằng Việt. Ngược lại, mình cũng không cho thằng Việt nào được lừa thằng Tây. Phải sòng phẳng mà hợp tác với nhau…

Anh đưa ra ý tưởng rồi yêu cầu cộng sự cùng chia sẻ những sáng kiến.

Cộng sự người Kinh thì hỏi Paul muốn gì. Cho tiêu chí cụ thể đi.

Paul kêu trời: Tôi đang muốn các ông tự bật ra những gì độc đáo nhất mà tôi không thể biết được. Thế mà các ông lại yêu cầu tôi phải cụ thể thì làm sao còn đất sống cho những ý tưởng lớn.

Lần sau họp, cộng sự bảo: Có lẽ Paul nên quy hoạch rõ ra để làm nó đỡ mất thời gian.

Paul bảo: Ta hãy đưa ra thật nhiều sáng kiến. Sau đó mới bàn thêm và bớt để tạo ra những hay nhất. Giai đoạn này, đừng tiếc những suy nghĩ mà không chia sẻ. Lẽ ra chưa cần thiết phải nói đâu, nhưng bây giờ tôi phải nói với các ông là:

1 – Các ông đã sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ chưa?

2 – Các ông có đủ dũng cảm để sẵn sàng xé bỏ những ý tưởng của mình, cho dù trong đầu tin rằng nó tuyệt đỉnh không?

3 – Các ông có quên được thói quen làm thuê không?

Tóm lại. Cái quan trọng nhất để sản phẩm trở nên mạnh chính là ý tưởng. Chứ phần thi công đâu phải quan trọng nhất. Ý tưởng tốt, sẽ cho ta bản quyền thương hiệu Việt. Phần thi công, nếu thiếu lực lượng, ta thuê. Có những phần thuê hẳn Tây làm luôn. Nhưng phải giữ lấy bản quyền cho Việt Nam.

Có thể lấy thí dụ 266 tập phim hoạt hình "Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch" là một phim khá hay mà trẻ con, người lớn đều thích. Cứ đinh ninh đó là sản phẩm Tây  thì té ra không hẳn. Phim này có phần ý tưởng, phác thảo và chút hậu kỳ là Tây. Giám đôc sản xuất phim là Marc du Pontavice. 90% còn lại do các họa sĩ Việt Nam tại TP HCM vẽ. Chất ượng phim tuyệt vời và thương hiệu vẫn thuộc về Tây cả. Giá như người Kinh chúng ta biết làm việc theo nhóm thì cũng mạnh lắm chứ chả vừa.

Paul rất phàn nàn về thói sợ Tây của người Kinh. Cứ thấy Tây nó làm gì cũng không dám cãi. Dường như Tây là cái chuẩn mực gì đó mà tầm người Kinh bất khả với tới.

Có lần đang đứng trước cửa Studio, thì thấy có taxi bò chầm chậm tới. Tài xế ngó vào nhóm của Paul và các cộng sự một cách e dè.

Paul cười bảo: Đấy đấy… Tưởng mình là Tây… sợ không dám hỏi đường đấy.

Y như rằng, anh taxi cho xe chạy ra chỗ khác hỏi thăm đường.

Đôi khi Paul vui. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt, niềm vui của người Việt. Nhưng cũng không ít lần Paul cáu. Đó là cái cáu của người Âu. Một trong những thứ Paul cáu nhất là thói quan liêu của cơ quan quản lý. Thói phá thối của những tay trung gian. Những ý tưởng của Paul lẽ ra sẽ ra có thành quả từ lâu hững lại bị xì tốp bởi những lý do không đâu. Điên lắm.

Paul luôn bực mình về những đường mòn trong suy nghĩ của người Việt: Ơ hay nhỉ. Tại sao cứ phải sống theo kịch bản: Hết phổ thông rồi vào đại học nhỉ? Ra trường kiếm công việc nhà nước ấm chỗ rồi mong được sinh hoạt chi bộ. Rồi nhảy từ cái ghế thấp đến cái ghế cao rồi thì hạ cánh an toàn... Thời bây giờ có rất nhiều cơ hội để người ta thể hiện cái khát vọng của mình chứ có phải chỉ vài thứ lèo tèo ấy đâu. Nếu ai cũng chỉ có khát vọng nhảy lên mấy cái ghế cầu lợi rồi chết thì nghèo nàn quá.

3. Ngộ rồi

Thỉnh thoảng, Paul lại kêu với bạn bè vì dự án của anh bị những cơ quan quản lý quan liêu làm hỏng; Những cán bộ gây khó dễ; Những tay thọc gậy bánh xe; Nạn hối lộ tham nhũng v v…

Tóm lại là thể thao 7 môn phối hợp. Đây là cách tự giễu chính mình của người Việt. Không lạ gì. Nhưng cũng có người xa quê quên mất nên phải nhắc lại cho dễ hình dung. Các môn như sau:

1- Ném đá giấu tay

2 - Qua cầu rút ván

3 - Đổ dầu vào lửa

4 - Gắp lửa bỏ tay người

5 - Ăn cháo đá bát

6 - Ăn không nói có

7 - Chọc gậy bánh xe

Còn rất nhiều những thứ phiền toái khác nữa.

Lúc đấy lại hiện ra một ông Tây Paul nhún vai lắc đầu thất vọng. Làm ăn thế này thì chết... làm sao tránh khỏi tụt hậu với thế giới… Quản lý thế này thì chết… Lãnh đạo thế này thì chết.

Nhiều năm Paul luôn có vẻ mặt thất vọng như vậy những vẫn nhẫn nại "vượt chướng ngại vật" để các dự án của anh thành công tại nước ngoài. Con đường thành công của anh và cộng sự luôn phải cực nhọc vượt qua những barie mang tên "Quan liêu", "Vô cảm"...

Cách đây không lâu, đột nhiên Paul vui vẻ tưng bừng. Đó là khi anh rủ cộng sự đi uống cà phê:

Paul hồ hởi khoe: Các bạn của tôi… Các ông có biết vì sao tôi vui không. Bởi vì cả tháng nay, tôi đã cởi bỏ được hoàn toàn những u uất dồn nén suốt chục năm qua.

Cộng sự: Giời phật phù hộ hay sao mà anh thay đổi thế?

Pual: Thay đổi hoàn toàn. Chỉ mới khoảng một tháng nay thôi, mình ngộ…

Cộng sự: Ngộ à…  Hết tự kỷ rồi à? Tìm ra chân lý à Paul?

Paul: Còn hơn cả chân lý. Bắt đầu từ đây, mình không bất mãn với quản lý nữa. Mình không thất vọng với tầng lớp  lãnh đạo nữa. Mình ngộ rồi.

Cộng sự: Tóm lại là ngộ thế nào?

Paul nhìn mọi người một lượt hết sức hóm hỉnh rồi ngửa mặt giơ tay lên giời:

Mình ngộ ra… rằng lãnh đạo của chúng ta là đại diện chân chính nhất của nhân dân Việt Nam. Nói xong câu này, Paul nhìn mọi người một lượt đắc ý rồi dừng hình. Khuôn mặt anh giữ nguyên một nụ cười kiểu nhà tư tưởng đang truyền giáo.

Cộng sự: Này Paul. Đừng đùa. Bao nhiêu năm bất mãn rồi...

Paul: Ai đùa? Mình và các bạn biết thừa rằng những người lãnh đạo không phải từ Lào Sang, không phải từ Cam về, không phải từ Âu - Mỹ đến nhé . Họ thực sự từ nhân dân mà ra. Vì cái gì mà lãnh đạo thì hậu xét, nhưng chắc chắn họ kế thừa toàn bộ những phẩm chất riêng có của nhân dân ta.

Thấy cả nhóm cộng sự trố mắt ra, Paul mỉm cười nhấn bằng tay kèm theo cái đầu gật gù:

- Nhân dân ta trong công việc cẩu thả thế nào thì lãnh cũng... đạo cẩu thả như thế ấy.

- Nhân dân ta gian dối điêu ngoa thế nào thì lãnh đạo cũng... gian dối điêu ngoa  như thế ấy.

- Nhân dân ta bớt xén nguyên vật liệu, tráo hàng kém chất lượng thế nào thì lãnh đạo cũng... bớt xén nguyên vật liệu, tráo hàng kém chất như thế ấy…

- Nhân dân ta kỷ luật kém thế nào thì lãnh đạo cũng... kỷ luật kém như thế ấy.

- Nhân dân ta cảm tính ngẫu hứng thế nào thì lãnh đạo cũng... cảm tính ngẫu hứng như thế ấy.

- Nhân dân ta manh động thế nào thì lãnh đạo cũng... manh động như thế ấy.

- Nhân dân ta tham gia giao thông chen lấn xô đẩy thế nào thì lãnh đạo khi tiến thân cũng... chen lấn xô đẩy  như thế ấy.

Rất nhiều... Tóm lại. Trước đây, mình hay nổi giận, tranh luận với lãnh đạo thì bây giờ mình thấy lãnh đạo không có lỗi chính. Chống lãnh đạo là rất vô duyên. ha ha ha... Lãnh đạo chỉ là dự nối dài của cái nền tảng kia thôi.

Nếu có muốn chống ai thì đầu tiên là phải là chống nhân dân...

Paul cười ha hả: Phải cải tạo nhân dân rồi từ đó mới may ra có lãnh đạo tốt được.

Chao ôi, Một ý tưởng điên rồ nữa. Có đến trên 80 triệu nguyên vật liệu để nâng cấp đấy.

Paul đã mất đến chục năm để ngộ ra cái điều mà học giả Trần Trọng Kim đã viết trong cuốn Việt Nam Lược Sử từ đầu thế kỷ 20. Cụ Trần Trọng Kim viết ở trang 6 rằng:

"Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật…"

(Trích Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim)

Nhưng không phải lãnh đạo nào cũng tương ứng với nhân dân. Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Nhân vật Hoàng rất sùng bái cụ Hồ, có lẽ anh tin rằng cụ từ giời xuống trần gian chứ chả phải từ nhân dân mà ra. Hoàng bảo rằng:

"... Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm…"

(Trích truyện ngắn "Đôi mắt" cúa Nam Cao)

Quả thực, không thể nhập khẩu nhân dân các nước về đây mà dạy dỗ họ được. Vậy thì phải nâng cấp nhân dân sẵn có ở đây một cách dần dần thôi.

Paul vui lắm, vừa uống cà phê vừa tủm tỉm.  Muốn thay đổi thì đầu tiên cần biết chúng ta dở ở chỗ nào cái đã. Paul đã nhìn thấy căn cốt của cái dở rồi… Ngộ rồi… Chúc mừng Paul. Giá mà anh đọc Trần Trọng Kim và Nam Cao sớm hơn thì đã đỡ nhăn nhó suốt chục năm nay.

Paul cười ha hả về cái điều mà cộng sự của anh đã biết từ lâu. Nhưng cái cố hữu của cộng sự người Việt ta là có biết cũng chẳng mấy tin là mình đúng. Chưa nói đến chuyện phát biểu cho ra tấm ra món.

Gì thì gì, Paul đã ngộ rồi…
 

Nguyễn Lê Tâm 17 – 7 - 2012.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 27, 2012, 06:53:33 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

thà chết còn hơn phải chịu cảnh tù túng
Trang: 1 ... 3 4 [5] 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn