Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 02, 2024, 05:31:14 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1] 2 3 ... 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu một ký ức  (Đọc 71461 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Khuatlao76
Khách
« vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 11:49:56 AM »

秧歌 - ƯƠNG CA



插秧歌


Sáp ương ca
Bài ca cấy lúa (Người dịch: Hoa Bằng)
 
田夫抛秧田妇接,
小儿拔秧大儿插。
笠是兜鍪蓑是甲,
雨从头上湿到胛。
唤渠朝餐歇半霎,
低头折腰只不答。
秧根未牢莳未匝,
照管鹅儿与雏鸭。

Phiên âm:

Điền phu phao ương điền phụ tiếp
Tiểu nhi bạt ương đại nhi sáp
Lạp thị đâu mâu, suy thị giáp
Vũ tùng đầu thượng thấp đáo giáp
Hoán cừ triêu san yết bán sáp,
Đê đầu chiết yêu chỉ bất đáp
Ương căn vị lao thì vị táp
Chiếu quản nga nhi dữ sô áp.

Bản dịch:
  
Chồng chuyển bó mạ vợ đón lấy
Cu nhỏ nhổ mạ cu lớn cấy
Tơi là áo giáp, nón đâu mâu
Từ đầu đến lưng mưa cứ chảy
Gọi chàng tạm nghỉ ăn cơm mai
Làm thinh, khom lưng không ngửng dậy
Mạ chưa bén chân, cấy chưa xong
Đã phải trông nom vịt ngỗng đấy

Những câu thơ của Tiến sỹ người Giang Tây Dương Vạn Lý (楊萬里) (1127-1206), Thượng thư tả tư lang thời Nam Tống đã đi theo tôi suốt chặng hành trình tới vùng đất cổ Bách Việt - Nam Ninh 南甯, nơi những điệu Ương ca 秧歌 đã gần như trở thành một phần máu thịt của mẹ tôi thời xuân sắc.

Ương ca vốn là điệu múa Sáp ương 插秧, một hình thức cầu mùa thời cổ đại, hàm chứa tinh hoa của nhiều chủng dân ca 民歌, hý khúc 戏曲, tạp kỹ 杂技 và võ thuật. Kể đến khi được lưu truyền đỉnh thịnh vào đời nhà Thanh (1644–1911), loại hình ca múa tập thể này đã được nhiều địa phương tiếp thu và phát triển thành nhiều biệt chủng đa dạng: Cổ Tử Ương ca 鼓子秧歌(Sơn Đông), Thiểm Bắc Ương ca 陕北秧歌, Địa Ương ca 地秧歌 (Hà Bắc, Bắc Kinh, Liêu Ninh), Mãn Tộc Ương ca 满族秧歌, Cao Khiêu Ương ca 高跷秧歌.v.v...

Tại Hồng Kông 香港 và một số địa khu phương Nam Trung Quốc đặc biệt là Quảng Đông 广东, tồn tại một điệu múa gọi là Anh Ca 英歌, thực chất cũng là một hình thức của điệu Ương ca nói trên.

Lang thang trên đường phố Nam Ninh, ngắm nhìn địa khu nằm cách biên giới Việt Nam đến gần 200 km này, xếp hàng ăn một bát mì, chả hiểu cái thời mà đám thanh nữ những năm 60, tóc bím kết nơ, áo xanh xi-lâm, nhảy múa hát Ương ca sẽ còn không nếu cứ đà này?! Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi vào ngày Nguyên Tiêu ngay tại thành cổ Tấn Hưng, con trẻ sẽ nhảy Audition, và tiếng trống Ương ca sẽ dần dần biết mất.

“.....Anh muốn làm gì thì làm, có thể nhảy Ương ca giữa dòng người nườm nượp, lái xe không tông xe vào anh...”, tự sự của kẻ giả điên trong Báu Vật Của Đời của Mạc Ngôn cứ đeo đuổi tôi suốt quãng đường từ Nam Ninh về xứ Lạng. Hoài niệm vùng ven biên một thời đầy bản sắc, nỗi bồi hồi của một kẻ cứ muốn nom lại thời thơ trẻ của mẹ,..., cơ hồ những băn khoăn đeo đuổi trong cuộc sống thường ngày như thế liệu bản thân tôi có phải là một kẻ điên?

Khuất Lão động chủ Nguyễn Hạnh (Kỷ niệm Nam Ninh)
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 14, 2017, 06:12:12 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:10:17 PM »

SANG QUẢNG ĐÔNG CHƠI BI


Các bậc Khổng, Thích, Lão không chép BI KINH. Bi kinh dành cho lũ trẻ chưa nghĩ đến cái điều Mãn Triều Chu Tử Quý.

Mấy nghìn năm nay con người đã biết chơi bi, vốn từ tiếng Pháp là bille, trò chơi bắn phá đầu tiên của loài người. Họ chơi bi đá, bi gạch nung, bi mã não瑪瑙.v.v.....

Trái đất là một hòn bi cực lớn, các thiên thể khác cũng vậy, chỉ khác chúng thỉnh thoảng mới bắn vào nhau, chứ không chủ đích như ý nghĩ loài người.

Ngồi xem chơi bi sực nghĩ đến Đạo Đức, hóa ra các bậc Khổng, Thích, Lão có viết BI KINH đấy chứ, thế này nhé, Đạo là con đường đi, còn Đức là các mối ràng buộc, các thiên thể theo đạo Trời mà thực hành Đức, có Đức để tránh va chạm vào nhau, có Đức để bình ổn cân bằng, không như các viên bi từ tay con trẻ.

Lẩn thẩn nhớ lại một loạt nào là Bi hòm, Bi lồ, Bi hào, Bi tàng. Bi biển, Bi bể, Bi gẩy......, các luật chơi từ hồi tiểu học, lại nghĩ đến cách điều cơ trong thụt Bida, rồi thì lại ngồi bốc phét với BI KINH.

Ở Quảng Đông, lũ trẻ con chơi bi, gọi là chơi Ba Tử 波子 (Thực ra là từ chữ Ball trong tiếng Anh) , trông hồn nhiên lắm, mình cũng xúm vào chơi. Biết đâu có ngày lại viết được BI KINH nhỉ, hoặc là BA KINH cũng được.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 14, 2017, 06:13:47 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #2 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:12:37 PM »

ĐÁNH QUAY


Hồi nhỏ còn sống trong cái khu tập thể cũ kĩ, niềm tự hào của thời kỳ đầu xây dựng CNXH sau hòa bình, đứa trẻ con cứ quanh quẩn trong những chiếc TTTg cọp, ngó ra đường chờ mẹ về là tót ra đường bắn bi, đánh cù.

Đánh cù hay đánh quay những năm 80 là một trong những trò chơi phổ biến của tuổi thơ Việt, những bàn tay giờ đây như múa trên bàn phím của Đế Chế, Võ Lâm Truyền Kỳ..... lúc đó thành thạo với hàng loạt kỹ thuật ra quay, bổ thượng, bổ vát, đầu thì nhớ nào là vố, ngủ, vu, TTTg bàn, đinh mũ....còn hơn cả bình luận viên bóng đá Quang Huy - Quang Tùng nhớ tên cầu thủ bây giờ.

Lớn lên, đi chơi cũng nhiều, còn được tham gia đánh quay bên Trung Quốc, thấy họ chơi những con quay cỡ lớn, gọi là Đà Loa 陀螺 (Tuóluó), con quay dán giấy, sơn xanh đỏ, khiến ngày hội quay bên ấy đầy màu sắc, khiến người xem cứ nán lại chẳng muốn về.

Thế nhưng rồi đi mãi vẫn phải về, về chứ, về với quê hương có con đường đi học, mỗi buổi tan trường có tiếng quay lộc cộc lộc cộc.

Về nước rồi cũng đi chơi, lên vùng cao xem người Mông chơi quay Tulu, thực ra là biến âm của chữ Đà Loa, cứ nằng nặc vào bổ thử, nhớ trong chuyện vợ chồng A Phủ có đoạn: ".....Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi.....", mắt cứ ngó quanh ngó quẩn xem có cô Mỵ nào nhìn mình không, vậy mà đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 31, 2021, 05:56:53 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #3 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:14:28 PM »

Tào phớ

Đậu hoa, hay đậu phụ hoa, tức Tào Phớ, chủ yếu từ đậu nành, ăn với đường, là một món quà ăn vặt phổ biến ở nhiều nước Châu Á. Ở Việt Nam, ai ở Hà Nội cũng có lần được ăn Tào Phớ. Sang Hồng Kông, món này tương đối được ưa chuộng.

Tào Phớ Hồng Kông có nhiều loại đẹp mắt, có loại ba màu pha Chocolate, sữa, trứng gà, giàu dinh dưỡng nhưng vào trai kỳ không dùng được.

Tào Phớ - món chay giải khát mùa hè.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 31, 2021, 05:57:16 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #4 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:15:31 PM »

Tóp mỡ


Tóp mỡ là một món ăn để lại nhiều kỷ niệm. Đứa trẻ con thời bao cấp trong giấc mơ có cả những miếng tóp mỡ trắng ngà như khối bạch ngọc, đựng trong âu sành, lôi cuốn, thèm thuồng bên chiếc chảo sôi tí tách. Tóp mỡ vừa rán xong, ăn giòn tan mà ngầy ngậy, được mẹ để dành trong chiếc lọ thủy tinh, lần hồi đem ra xào nấu. Chiếc lọ ấy cứ vơi dần mỗi khi một đứa trẻ ăn vụng mở chạn.

Tôi nhớ hồi còn học đại học, thấy trên vách hàng cơm bình dân nào cũng có một túi nilon lớn đựng tóp mỡ khét lẹt, dùng để chưng với cà chua, nấu canh dưa như là một thứ xa xỉ.

Về chợ quê, có nơi tóp mỡ ê hề, khét lẹt, được trưng ra trên cái sàng đầy bụi, bám toàn muối hạt trắng xóa, bữa cơm của người nông dân có cả món ấy, mặn chát, nhưng cũng ăn dè được vài bữa.

Lâu rồi không được ăn tóp mỡ thấy thèm thèm, nhớ ngày nào mẹ đi chợ về, trong làn có miếng thịt mỡ trắng phau, lát nữa sẽ biến thành những miếng tóp mỡ nóng hổi, dính ít thịt cháy thơm thơm. Thế đấy, lúc ngồi đầy bàn cao lương mỹ vị, chỉ ước trở về tuổi thơ, ăn những thứ mà giờ ở chốn thị thành chỉ còn là dĩ vãng.

Đi ăn chay, có lần bắt gặp một miếng, rất giống tóp mỡ, cũng dai dai, ngầy ngậy, hỏi ra mới biết đó là tóp mỡ chay, làm bằng cùi bưởi rất khéo. Cùi bưởi hăng hăng đắng đắng, phải ngâm nhiều lần, biến thành ra một thứ gần như mỡ phần, các sư thầy mỗi lần nấu canh, xào rau, cho vào, rất béo và bùi lúc ngấm gia vị.

Tóp mỡ, đó là tuổi ấu thơ, là ký ức thời bao cấp, là niềm vui bỏ lọ, là sự thèm thuồng tiếc nuối. Và giờ đây, tóp mỡ chay, sự tài hoa, kết tinh trong tình yêu chay tịnh.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 14, 2017, 06:21:13 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #5 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:16:43 PM »

Dầu ăn


Giờ thì người ta chuyển sang ăn dầu, ăn dầu là văn minh, là sành điệu. Các bà nội trợ phân định đẳng cấp bằng cách hỏi nhau về dầu. Nhà nào ăn dầu xịn là nhà ấy tất phải giàu có.

Chỉ vài chục năm trước đây thôi người ta ăn mỡ, tất nhiên ở quê bây giờ vẫn có nhà ăn mỡ, đây là nói ở nơi đô hội phố phường. Một bà dạng háng ra ở giữa Hàng Ngang, Hàng Đào nấu gì cũng dùng dầu, sẵn sàng nhổ nước bọt khinh bỉ những người mà giờ vẫn còn đề cập đến mỡ. Người nông dân đi qua cổng làng, trong gánh gồng từ chợ có khi có miếng mỡ, về rán đút vào cái thẩu đất xó bếp, lúc ăn mới cẩn trọng xúc một thìa cho vào chiếc chảo không bao giờ rửa, đen ngòm, chỉ cần đặt lên lửa là đã thấy bóng nhoáng. Chả biết là ăn cái gì mới là quý tộc, cũng không quan tâm đến ăn dầu hay ăn mỡ thì nhân cách còn người ta thăng tiến ra sao, nhưng rõ ràng có những món ăn những kẻ khôn mồm cứ khăng khăng là phải dùng mỡ.

Thế kỷ 21 rồi, cũng không thấy ai sang vay gạo, mắm, mỡ nữa, thì mình lại muốn đi vay vào quá khứ một chút dư thừa, cái di sản trong xó bếp, chẳng hạn một cái hũ gốm Luy Lâu đáng giá hàng ngàn đô đựng mỡ chẳng hạn.

Còn người ăn chay thì lại khác mình nhiều lắm, không dấy lên trong quá khứ, chẳng tưởng về tương lai, cứ hằng thường trong hiện tại, nên chuyện dầu mỡ đối với sư thầy dành cho các bà vãi lo toan, đến nỗi mà chai dầu nành kia có cạn mấy hôm rồi cũng chẳng bấn loạn gì.

Bởi nhà chùa trước kia cũng chả dùng dầu, thảng hoặc có món xào thì đều dùng nước cơm cả. Rau muống sau mưa, non nõn, nhặt, rửa sạch, chần qua cho mềm, bắc chảo lên, rồi khi đến khi đủ độ nóng mới rưới nước cơm vào, đảo đều cho ngấm gia vị, ăn cũng chẳng khác xào với mỡ là mấy.

Thế mới biết đằng sau bậc tam quan nâu sồng, cũng nhiều chuyện mà người phàm tục thấy lạ.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 31, 2021, 05:59:22 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #6 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:18:19 PM »

Trám


Những chuyến tàu thu từ vùng cao đem về nụ cười sơn cước, óng ánh như những quả Trám đen trong hành lý của những người con Cao - Bắc - Lạng.

Mẹ tôi hồi nhỏ có lần suýt chết chỉ vì một cây Trám cổ thụ bị mọt lâu ngày đổ gục giữa rừng xứ Lạng. Cây Trám to lắm, bản thân tôi từng nhìn thấy ở quê nội - Tam Nông - Phú Thọ những cây Trám cao ngót nghét chục mét, rộng một hai người ôm. Thoạt nhìn thế thì có vẻ thu hoạch Trám là quá khó khăn bởi cây Trám thẳng đứng, quả lại ở trên cao.

Đến mùa Trám, người ta lấy đinh hoặc đai sắt đóng hoặc đánh vào thân Trám. Thế là chỉ một đêm Trám đã rụng đầy, tha hồ lượm.

Trám ở chợ xuôi giờ cũng nhiều, cả Trám trắng Trám đen, người ăn chay mua về luộc, muối, ăn với muối vừng rất bùi, béo, dân dã mà thanh tịnh.

Sau mỗi buổi ngồi Thiền, một bát cháo trắng ăn với Trám muối là nếp thực dưỡng của những hành giả vùng cao.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:25:36 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #7 vào lúc: Tháng Bảy 11, 2009, 12:29:04 PM »

河内 - HÀ NỘI


Sống mãi trong cái thành phố đến 6,233 triệu người cũng chán, quyết định đi một vòng rồi lại về nằm mà nghe những gì thuộc đồng bằng sông Hồng trù phú này kể lể. Đếm đi đếm lại một hồi cả lượt Nhị Thập Bát Tú thấy cái việc băn khoăn cái xứ Đại Việt này nằm trong vòng phân dã của Dực Chẩn (Hán Thư Thiên Văn Chí) hay Ngưu Nữ (Tấn Thư Thiên Văn Chí) cũng chả làm gì. Quay ra nhìn Cống, Cán, Hỗ, Kinh, Cao Ly, Nhật Bản mãi cũng chỉ là chuyện xứ người. Mà dù quanh Hồ Gươm không ai còn bàn chuyện vua Lê thì Hà Nội vẫn nằm mãi rồi trong cái ký ức khó tẩy, Công viên Thống Nhất vẫn nhớ cái Quán Gió bà chị dẫn đi ăn kem, Cái cột cờ vẫn uy nghi trên nền trời vàng y như ở cái vỏ hộp bánh quy thời bao cấp, Hồ Tây tuy khang trang hơn nhưng vẫn xứng với cái tên Dâm Đàm, gió vẫn chẳng mát hơn xưa, Tháp Rùa vẫn đấy cái kỳ tích của Bá hộ Kim, còn Văn Miếu vẫn mấy ngày  Tết toàn gặp những thằng nhẵn mặt hí hoáy nét câu nét lặc như đang níu kéo lại cả bầu trời cổ xưa trông vàng vàng khó tả.....Một buổi sáng bị cuộc đời tát vào mặt, mở cửa sau cơn ngủ, một loài sâu đang hít thở trong bầu không khí trong lành vùng Thái Bình Dương chợt "Hữu thời trực thướng cô phong đính...": Hà Nội đẹp sao!...
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 14, 2017, 06:26:03 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #8 vào lúc: Tháng Bảy 14, 2009, 05:15:43 PM »

油炸鬼 - TẢN MẠN DU TẠC QUỶ


Quẩy nóng đem về cho Hà Nội của thế kỷ trước cái hôi hổi và nồng nhiệt. Thập kỷ 90, hít hà trong không khí thu đông, trai gái thời kỳ mới mở cửa thi nhau ăn diện theo Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc, tràn ra đường ăn quẩy nóng. Quẩy nóng Phan Bội Châu, Cầu Gỗ.v.v... đã trở thành những cái tên mà học sinh trung học Hà Nội ngày ấy không thể quên được.

Cấp III, tôi học tại trường PTTH Trần Phú, nghĩa là xét về mặt địa lý thì không xa phố quẩy nóng Phan Bội Châu là mấy, ngoại trừ trường Hoàn Kiếm là anh em sinh đôi, các trường Lý Thường Kiệt, Việt Đức cũng có vị trí khá gần. Vậy là vô hình chung đây là điểm hẹn của học sinh những trường này. Từ xế chiều đến tận đêm, phố quẩy nóng Phan Bội Châu vào thời kỳ vàng son đông đến nghẹt thở. Nghẹt thở đến nỗi hôm nọ ghé vào đó để mua giày và ví da tôi vẫn thấy nghẹt thở.

Có ai ngờ câu chuyện giữa nguyên soái họ Nhạc và Tần Cối tận bên Tàu đời Tống lại có kết cục ẩm thực, rồi thì nở rộ ở Việt Nam . Tôi thì ghét ăn quẩy sữa đậu nành Bắc Kinh, cho là lỗi cách, nhưng lại yêu quẩy nóng Hà Nội đến vô cùng, như yêu nghệ sỹ Xuân Bắc với chương trình ĐUỔI HÌNH BẮT CHỮ vậy, còn anh Bắc thì nghe đâu thích ăn quẩy nóng còn hơn cả nghề của mình.

Quẩy ở Việt Nam có nhiều tên gọi, như Quỷ, Cối, Dầu Cháo Quẩy, Dầu Đìu.v.v..., còn người Trung Hoa thì gọi là Du Tạc Quỷ, Du Tạc Quả, Du Tạc Cối, Du Điều...., thực ra đều là từ nguyên của Dầu Chao Quẩy, Dầu Đìu vừa nhắc ở trên cả.

Người Nhật cũng dùng chữ Du Điều để gọi quẩy, trong khi người Hàn gọi là Yucho, tựu chung đều từ chữ nghĩa Trung Hoa tất thảy. Người Mỹ ăn Pop-corn chán rồi đến khi ăn quẩy thì cứ loay hoay tìm mãi từ để miêu tả món ăn này, rốt cục lại phải đem ngay cái phiên âm Youtiao (Du Điều) mà về làm giàu cho vốn từ vựng của mình.

Còn người Việt Nam thì có lẽ rất đáng tự hào về thành ngữ XOẮN NHƯ QUẨY!
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 14, 2017, 06:27:13 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #9 vào lúc: Tháng Bảy 19, 2009, 12:39:36 PM »

NHÂN NGHĨ VỀ 飴細工 - DI TẾ CÔNG (Ame-zaiku) - TÒ HE NHẬT BẢN


Lang thang cùng chiếc Tò He trong chợ đời, nồi niêu cũng đã nặn, công đức cũng đã cố nặn, tay nải cũng trữ đủ rồi những chàm, gấc, hoa hòe,..., cuối cùng rồi cũng thấy ở dưới trời người ta còn to gan nặn cả ra những sinh phẩm vô hồn nữa, nặn cả Trời - Đất - Người.

Thuở nhỏ xúm quanh ông lão Tò He răng đen sì râu bạc như mây, lũ trẻ con tranh nhau những tuyệt tác tỉnh lẻ, chỉ tổ để bố mẹ vứt đi, quăng đi theo những đòn roi và những lời mắng nhiếc có khi vào cả Andecxen lẫn Lý Bạch.

Năm tháng qua đi,  đồ hộp từ phương Tây đã hóa thành niềm ham muốn được ăn trê đồng, châu chấu, chiếc kẹo kéo, nắm Tò He thế là có dịp khăn gói quả mướp trảy hội Bàn Đào, tham dự cả vào chủ trương BẢO TỒN DI SẢN VIỆT.

Bây giờ soi gương thấy tóc đã bắt đầu có sợi bạc, Tò He có lên ngôi thì cũng chả còn là cô bé quàng khăn đỏ nữa rồi, nhưng âu cũng thấy vui cho các cháu mình ngoài việc Chat ảo trên mạng còn biết đến ông Thừa Ân tác giả Tây Du Ký không phải làm nghề trồng Ngô...

Ở Nhật Bản, xu hướng bảo thủ lưu giữ lại khá nhiều nghệ nhân nặn Ame-zaiku (飴細工 - DI TẾ CÔNG), một hình thức nặn kẹo kéo thành hình con giống như Tò He của người Việt.

Cũng Trư Bát Giới, cũng Tề Thiên,..., đại loại đứng giữa Tokyo mà dường như ở góc chợ quê của mình, trong khoảnh khắc ấy, hà nhân bất khởi cố viên tình, tôi không tránh khỏi bồi hồi xúc động......
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 14, 2017, 06:28:55 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #10 vào lúc: Tháng Bảy 21, 2009, 11:55:21 AM »

酸粉 - TOAN PHẤN


Tới Dương Sóc (阳朔, Quảng Tây), bác già Mễ Tây Cơ (México) cứ kể mãi chuyện mục sư Miguel Hidalgo y Costilla , tay đưa tôi tờ báo tiếng Tây Ban Nha in hình một đĩa mì Pasta spinach trông đến ngán ngẩm. Cô gái Choang đầu cài miếng ngọc bích, tiếng phổ thông ríu rít, cầm tay du khách sờ vào má, chỉ vào mồm, ý nói của ngon vật lạ?

Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ,
Dương Sóc sơn thủy giáp Quế Lâm.

(Phong cảnh Quế Lâm đầu thiên hạ,
Núi non Dương Sóc nhất Quế Lâm).

Người Quảng Tây có ba thứ: Tôn kính Phùng Tử Tài (冯子才), kể chuyện khởi nghĩa Bách Sắc (百色起义) của Đặng Tiểu Bình và ca tụng món TOAN PHẤN 酸粉 danh bất hư truyền:

Năm Hoàng Hựu - Bắc Tống thứ năm 北宋皇祐五年(1053), Khu mật Phó sứ Địch Thanh 狄青 nam chinh, phạt thảo Nùng Trí Cao 侬智高 tại Tân Châu 宾州, do phần đông quân ngũ đều là người phương Bắc, không quen ăn cơm, bởi vậy mới cùng dân chúng bản địa đem gạo làm thành bánh Phở, trộn cùng dấm ớt, dưa chuột, rau sống....thành một món ăn giải khát, khai vị rất thích hợp với khí hậu nóng nực tại Quảng Tây, gọi là TOAN PHẤN.

TOAN PHẤN từ đó trở nên nổi tiếng, những sợi Phở được làm thủ công tại Tân Châu, vị chua cay, hanh mát được truyền tụng vào tận sân rồng bệ chúa.

Từ chợ Đông Kinh, nếm vị Phở chua Tam Thanh - Nhị Thanh, đi Nam Ninh ăn Phấn Giác (粉角), thấy phong vị tha hương, nhưng một lần qua Dương Sóc, bát TOAN PHẤN phố Tây khiến lòng mình như đang ở ngay giữa lòng xứ Lạng.

Khuất Lão động chủ Nguyễn Hạnh (Kỷ niệm Quảng Tây)
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:28:53 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Cổ Trại Giao Lang
Khách
« Trả lời #11 vào lúc: Tháng Bảy 24, 2009, 02:47:26 PM »

KUYTEAV & NOM BAGNCHOK - BÚN KHMER


Ăn uống ở Giản Phố Trại 柬埔寨 Cambodia, nghĩa là chưa thoát khỏi vùng ảnh hưởng văn minh lúa nước, hết mắm bồ hóc rồi lại côn trùng, những đồ mới thoạt nhìn thì một người Châu Âu phải quay đi kinh tởm, nhưng ăn thì lại thấy cũng có lý. Bon chen trong cái địa bàn yêu gạo tẻ, thích cá ghét thịt này, tìm mãi mới được một cô bé nói tiếng Anh theo kiểu "Xờ ten đợt Ing Lís" (Standard English), tuy cũng thấy khốn nạn vì nhiều lúc thấy toàn Br với R, nghe rất khó, bụng nghĩ ối chao ôi thứ tiếng Anh xứ Thốt nối, ấy vậy mà cũng học được một từ khá hay, Khmer noodle, chỉ chung Kuyteav và Nom Bagnchok, tức cái mà người Việt mình gọi là Hủ tiếu Nam Vang vậy.

Kuyteav và Nom Bagnchok chế nước dùng từ xương lợn, ngọt đậm vị thịt băm, sợi hủ tiếu dai luộc qua, trộn tỏi, hành phi bỏ vào bát lớn, bày lên trên tôm, cua, mực, gan lợn, tim lợn, bầu dục, trứng chim cút hoặc trứng bồ câu, giá đỗ, hành, mùi, cần tây, hẹ, tần ô, tỏi rồi chan nước dùng đang sôi vào, vắt chanh, ăn nóng. Ngoài nước dùng bằng xương lợn,  có thể dùng canh tôm hoặc canh cua.

Kuyteav và Nom Bagnchok là nguồn sống của hàng nghìn thị dân Kampot, những người hàng ngày quần quật tay quay nước mía, miệng nói bún Khmer.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:30:35 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
uyennd72
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 895


Email
« Trả lời #12 vào lúc: Tháng Bảy 24, 2009, 04:02:21 PM »

Nói về món hủ tiếu nam vang và Cambodia, quan vạn lý làm uyennd72 nhớ về một chuyện cũng "dở khóc dở cười" trên bước đường rong ruổi của mình.
Năm 2003, uyennd72 đi công tác Campuchia cùng tư lệnh quân khu 9 bằng xe quân sự, theo cửa khẩu Dinh Bà, Tân Hồng, Đồng Tháp.
Tới thủ đô, Phía nước bạn rất hiếu khách, đải ê hề thức ăn, nhưng nhìn khắp một lượt trên dưới 15 món toàn nấu bằng thịt bò.
Nhưng trong những các món "sơn hào hải vị" đó có 1 tô to tướng đựng một dung dịch gì đó sền sệt màu đen nâu, mùi hăng kinh khủng (mùi mắm tôm còn dể chịu hơn), đó là "mắm bò hóc".
Cả đoàn chỉ có 2 nữ là uyennd72 & chị Thùy Mai (nhưng cả 2 đều kén ăn) nên lại được "chiếu cố" hết mình. Nhưng không biết hạnh phúc hay đau khổ vì các bạn Campuchia cứ " tình thương mến thương" múc mắm bò hóc đổ vào chén uyennd72 và cứ hối ăn. Bí quá, uyennd72 phải nói mình bị say xe nên mệt ăn không nổi.
Báo hại, khi chiều quay về Đồng Tháp 2 chị em đói nhừ tử, còn các anh thì nói: " Trời ơi, tui phải nốc mấy ly rượu thốt nốt mới đủ can đảm nuốt cái món "quốc hồn quốc túy" đó của tụi Miên."
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 24, 2009, 04:04:05 PM gửi bởi uyennd72 » Logged

          Thích mùa thu Hà Nội!
Cổ Trại Giao Lang
Khách
« Trả lời #13 vào lúc: Tháng Bảy 26, 2009, 12:37:28 PM »

三英战吕布 - TAM ANH CHIẾN LÃ BỐ - TỰ SỰ MỘT THẾ HỆ TEEN


Vận Hán đến Hoàn Linh suy thế,
Vầng thái dương đã xế về đoài.
Gian thần Đổng Trác ra oai,
Phế vua; Lưu Hiệp rụng rời thất kinh.
Hịch Tào Tháo truyền nhanh các trấn,
Chư hầu cùng nổi giận dấy binh.
Bản Sơ thủ lãnh đồng minh,
Thề nhau giúp Hán yên bình non sông.
Kia Lã Bố anh hùng ai sánh,
Khắp mọi người dũng mãnh nào bằng?
Áo ngoài giáp bạc sáng choang,
Đầu trên nhấp nhoáng mũ vàng ngù bông.
Mặt thú dữ trập trùng bảo đái,
Cánh phượng bay phấp phới cấm bào.
Vó câu gió chạy ào ào,
Kích hoa sáng quắc soi vào nước trong.
Ra cửa ải tranh hùng ai dám?
Các chư hầu thất đảm kinh hồn.
Trương Phi nhảy vọt ra liền,
Xà mâu một ngọn trận tiền giương uy;
Vểnh râu hổ gầm ghì thét mắng,
Xoe mắt tròn lóng lánh lân la.
Đánh nhau mê mải chưa tha,
Vân Trường nóng tiết nhảy ra xông vào.
Nhoáng màu tuyết, ngọn đao sắc nước,
Áo chiến bào quắc thước màu hoa.
Quỷ thần thét, tiếng ngựa ra,
Căm căm khí tức, mắt hoa đỏ ngầu.
Huyền Đức cũng giục mau ngựa nhảy.
Múa đôi gươm vùng vẫy ra oai.
Ba người vây bọc vòng ngoài;
Kẻ đâm người đỡ liền tay không rời.
Tiếng quát háo lay trời động đất,
Sát khí bay cao ngất mây xanh,
Ôn Hầu thế núng nhìn quanh,
Quay đầu ngựa chạy về nhanh núi nhà,
Cán họa kích đảo đà tếch trước,
Cán họa kích đảo đà tếch trước,
Cờ ngũ hành xơ xác bướm bay.
Giật cương chạy rẽ đường mây,
Hổ Lao trại ấy tọt ngay vào thành.


Lũ lính lê dương gọi bố tôi là Bê Công, tức là Bé Con, một thằng bé được mệnh danh là Chimmist (Thằng bắn chim), bởi ông bắn rất giỏi, bắn cụt được cả mỏ một con chim đậu lấp ló đầu tường.

Sống một thời dưới sự bảo hộ và giáo dục của người Pháp, bố tôi được đại diện Mẫu quốc mũi lõ dạy thế này:

Hỡi các cậu bé con,
Đang lúc tuổi còn non.
Các cậu phải chăm học
Có học mới nên khôn.

Chả biết khôn hay dại nhưng bố tôi đã lấy Catapult (Súng cao su) bắn vỡ mặt thằng đồn trưởng Pháp, rồi bỏ đi làm liên lạc, trong hành trang của thằng Bê Công ấy vẫn còn đầy truyện tranh La Fontaine.

Chiến thắng Điện Biên long trời lở đất, câu sấm Trạng Trình kể chuyện Dương Đầu Mã Vĩ, còn bố tôi thì lại kể cho các con nghe chuyện anh La Văn Cầu dĩ nghĩa quyên khu trong trận Đông Khê - Chiến dịch biên giới (1950).

Có lần vào Đà Lạt, gặp một người đàn ông răng gãy đến một nửa tự xưng từng là Chuẩn tướng của chính phủ Việt Nam cộng hòa bê ra khoe một đống truyện tranh Sài Gòn, từng tập từng tập toàn truyện mà cái thời ông Diệm ông Thiệu gọi là quốc hồn.

Đống truyện tranh khiến đứa trẻ con trong tôi khóc nức nở, nghĩ lại cái thời kỳ một thằng bé mặc quần thủng đít bị cấm đoán đọc cả cái tờ truyện Timua mà người lớn đã rọc cẩn thận xếp thành chồng thẳng thớm để làm cái chuyện trong Totlet.

Năm 1989, những cú đá của Lý Tiểu Long làm rung chuyển màn bạc, những đầu óc ngây thơ hằng ngày vẫn chỉ nghĩ đến anh Hồ Giáo nay bắt đầu mơ tưởng đến những phương trời xa lạ, nơi có một cuộc sống nhà lầu xe hơi, những người đẹp và quái thú, những anh hùng không phải đi dép đúc đội ổi tàu sẵn sàng cởi vét tây ra lót đường cho gót ngọc.

Thế rồi thế hệ Tam Anh chiến Lã Bố xuất hiện thay thế những Mít đặc, Hãy đợi đấy..., trẻ con thi nhau vót giáo gọt tên, cũng xông pha trong vòng vây của cô chủ nhiệm, mặc cho người lớn bất lực hô hoán trong cố gắng đắp đê ngăn lũ của tuổi dậy thì.

Tuổi dậy thì của tôi là một sự phản kháng, cũng như hàng ngàn chiến hữu tuổi Teen thời ấy, thà nhiều lần răn đe kiểm thảo, cuốn sổ tu dưỡng của một thằng học sinh cá biệt vẫn phải lóng lánh truyện tranh.

Năm tháng qua đi, khi đứa trẻ đã bắt đầu thèm nhìn cặp đùi của cô hàng xóm, và những vui buồn truyện tranh cũng đã dần lùi xa, nhưng trong bản hùng ca của thời kỳ đổi mới, những tâm hồn thế hệ TAM ANH CHIẾN LÃ BỐ vẫn còn hằn sâu những khắc nghiệt phần nào cướp đi trong giấc mơ trẻ thơ những ao ước thơ ngây của truyện tranh Việt.

Giống như truyện tranh Hoa Kỳ, truyện tranh Manga (Tiếng Nhật: kanji: 漫画, Hiragana: まんが, Katakana: マンガ, Hán-Việt: Mạn họa) từng bị ngành giáo dục Nhật Bản lên tiếng chỉ trích kịch liệt về mặt đạo đức và tình dục, cụ thể là vấn nạn Hentai (Tiếng Nhật: 変態 hay へんたい; phiên âm từ chữ Hán là "biến thái") đang vượt qua biên giới của xứ sở Mặt Trời mọc, ồ ạt xâm thực vào thị trường truyện tranh Việt. Nhưng liệu vì đôi mắt trẻ thơ, thay vì điều mô huấn, đòn roi và sự cấm đoán có phải chăng là một cỗ chỉ nam?
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:34:18 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #14 vào lúc: Tháng Bảy 26, 2009, 10:28:20 PM »

吃宵夜 - NGẬT TIÊU DẠ, KIN XÍU DẸ Ở ĐÀI TRUNG


Lời mời Kin xíu dzẹ (Ăn quà đêm) hơn chục năm trước để ở trong hành lý, xuôi tàu lên xứ Lạng, đến giờ theo chân khách bộ hành, thao thức cùng thị trấn trong tầm tay.....

Đồng bào phố chợ Kỳ Lừa đội ơn Hán Quận Công Thân Công Tài (1619-1683), người thời Hậu Lê, có công khai thông chuyện sinh ý Hoa - Việt, để con cháu ngày nay khách sạn ô tô, cửa hàng san sát, hóa vật ê hề, từ Black Berry đến xxxy Doll, đồ sinh hoạt tình dục......

Giờ Hợi, Thanh niên Kinh - Thổ Kin xíu dzẹ hò hét tưng bừng, rượu Mẫu Sơn lít, gà luộc, ốc xào..., gái Cao Lộc cười tít mắt, trai ba toa mắt hoang dã, dò hỏi nhìn vài cái mặt lạ đóng áo vét xuất hiện....

Tục Kin xíu dzẹ của người Tày – Nùng đã có từ lâu, mẹ bảo cứ đến đêm đồng bào xứ Lạng lại có một bữa ăn nhẹ, cho người già cứng cáp miếng cao, cho đàn ông hùng hồn chén rượu, cho đàn bà má đỏ môi hồng với bát canh pha rượu củ nghệ củ gừng...

Người Hoa thì có tục Ngật Tiêu Dạ (Chi Xiaoye), có lẽ thế nào lại biến thành Kin xíu dzẹ, cũng chỉ là ăn đêm, cái cớ để đám thanh niên Phản Slình bây giờ mò ra chợ Đông Kinh tán gái.....

Đến thăm thành phố Đài Trung, miền trung Đài Loan, trực thuộc cấp tỉnh của Trung Hoa Dân Quốc, nhớ đời trận ăn đêm với cơm và sủi cảo, rượu Mễ Tửu Đầu, thuốc lá Trường Thọ hắc xì, tiếng đi chảo, đi thớt, đi đồ,...., náo nhiệt, ồn ã.

Đi ăn Ngật Tiêu Dạ trên xứ Đài, mồm mỏi, tai căng, mắt soi mói vào quyển thực đơn toàn chữ phồn thể đến mệt, về ăn Kin xíu dzẹ với anh em Tày - Nùng, nghe mợ kể chuyện chàng Chóp Chài, tự dưng thấy cái ông già nát rượu ở chỗ tượng đài Hoàng Văn Thụ hay ngâm nga câu này chả hề say chút nào:

"Lai cần chượng lai cần lẻ loóc,

Cò toọc chượng cò toọc lẻ thai"

(Bên nhau thì mới thành người,

Âý mà cô độc thành loài thây ma)

Vài hình ảnh Ngật Tiêu Phạn tại Lý Hải Lỗ Nhục Phạn, số 223, đường Trung Chính, Đài Trung:



« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:38:52 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Trang: [1] 2 3 ... 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn