Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 03, 2024, 02:29:55 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1] 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: BIA CỦA MỘT THỜI  (Đọc 23700 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« vào lúc: Tháng Sáu 26, 2010, 08:38:17 PM »

Đã một thời gian xa xưa thật dài, với hầu hết những đàn ông Việt tử tế, khi muốn cao thượng thăng hoa say sưa thì đồ uống duy nhất chỉ là rượu. Chưa bao giờ cũng như chưa ở đâu, những đấng trượng phu hào sảng khí lớn bụng to Đại Việt của thời Lý Trần Lê Nguyễn lại ngồi trong tửu quán mà nhâm nhi uống bia. Bởi rượu là hành Mộc nơi đắc địa là phương Đông, còn bia thuộc hành Kim có xuất xứ từ trời tây. Lịch sử hành tiến, người Pháp vào Việt Nam, và trong cái hành trang “khai hoá” lổn nhổn vừa hay vừa dở mà họ cầm theo tự nhiên có một thùng bia hơi. Cho đến thập kỷ sáu mươi của thế kỷ hai mươi, nhiều đấng mày râu người Hà Nội khi rụt dè uống bia vẫn phải pha thêm xi-rô, có lẽ họ sành điệu cho rằng nó chỉ là giải khát. Thế rồi với xu hướng khó cưỡng, thế giới dần dần phải phẳng (thuật ngữ trắng trợn của nhà báo Mỹ Thomas Friedman) thì cách ăn uống của đàn ông Việt bỗng chốc trở nên lộn xộn mất dần bản sắc vùng miền. Bia ồn ào lên ngôi, tất nhiên cho đến giờ vẫn chỉ là ngôi vị Á hậu. Khi thấy đàn ông đang đỏ mặt loạng choạng liêu xiêu đi lại, những đàn bà đẫm đầy đạo đức buông ngay một câu “rõ là đồ bia rượu”. Chao ôi, phải chăng nhân loại đã đến thời mạt pháp, bia mà lại được đứng cạnh rượu.

Tất nhiên bình tĩnh công tâm mà nói, thì bia cũng có nhiều cái hay. Khí chất của bia tuy nông nổi nhưng dịu dàng vô tư tươi mát, nó chính là thứ uống tuyệt hảo để thư giãn giải độc giữa cữ nghỉ của cuộc hội thảo phê bình văn học và là đồ giải khát hạng nhất sau khi đã cãi nhau với người tình. Nếu miễn cưỡng phải so sánh thì bia vừa hồn nhiên vừa ngây thơ giống hệt Thuý Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Còn rượu thì vừa đau đớn vừa trầm luân giống hệt Thuý Kiều “giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Có lẽ là thế, tuyệt chưa thấy ai tiêu sầu bằng cách cô đơn ngồi nốc bia.

Về hình tướng, bia dễ đoán hơn rượu. Bia thường đựng trong cốc lớn, khi giao hoà với người uống thì bộ phận vất vả nhất là miệng. Theo “Ma Y tướng pháp” thì miệng còn gọi là “Xuất nạp quan, thuộc hành Thuỷ. Cửa ngoài của Tâm mà cũng là biên ải của thị phi phải trái. Miệng trúng phong thì Tâm tuyệt, bỗng dưng mồm há ba ngày tất sẽ tử vong”. Từ đấy suy ra miệng mà trúng bia thì Tâm thông, mồm nuốt hết cốc to mà há liền trong ba phút thì sinh lực dồi dào lời lẽ khoái hoạt.

Thời bao cấp quý nhất là lấy được vợ làm nghề bán gạo hoặc bán thực phẩm, nhưng sang nhất là yêu được một cô bán bia. Hàng bia là nơi quần long tụ hội, quần ngư tranh thực, quần chúng tranh ẩm. Nó luôn đông nghìn nghịt, cỡ li vờ sâu của Thanh Lam Hồng Nhung Mỹ Linh của thời bây giờ cũng không thể sánh bằng. Mua được bia mà không phải xếp hang đã là điều khác thường, còn có được bia mà không có đồ kèm thì đúng thực phi thường. Nhìn tổng thể cả quán, bàn nào bàn nấy giữa lác đác vài cốc bia là ngồn ngộn đen sì thịt bò xào phở (cứ một cốc lại bị một đĩa kèm). Đấy là còn may, chứ có hôm là cơm rang, là cháo lòng, là bíp tết thịt trâu ế từ buổi sáng. Dân chơi sành điệu của Hà Nội là ba bốn thanh niên tóc dài, mặt mũi vươn cao hút thuốc phì phèo toả khói lên trên mặt bàn xâm xấp khoảng chục cốc bia hơi và xung quanh chỉ trịnh thượng cô đơn một đĩa lạc. Lạy Chúa, cái bàn bia ấy toát một ngạo khí kinh người, các đại gia tham nhũng của trọc phú thời nay ngồi ăn tôm hùm hoặc ba ba trong khách sạn năm sao vĩnh viễn không sánh nổi.

Mối tình đầu của kẻ viết bài này là một thiếu nữ bán bia. Chỗ nàng ngồi bán đơn sơ nhếch nhác vài cái ghế gỗ đang âm thầm ao ước lên hoành tráng một cửa hàng. Giống như những đàn ông trong trắng bắt đầu yêu, khi tỏ tình thì phải là thơ. Mấy chục năm rồi mà đoản thi ấy vẫn sóng sánh trong trí nhớ.

        Em bán bia ơi em bán bia
        Nhìn em nước mắt bỗng đầm đìa
        Tình em cũng giống bia em rót
        Chỉ thấy bọt thôi chẳng thấy bia

Này cô em đong bia có hơi điêu tay của ngày ấy, bây giờ em ở đâu.
(NVH)
« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 30, 2010, 03:47:35 PM gửi bởi Tiêu-diêu » Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Sáu 27, 2010, 10:16:23 PM »

Lược sử bia Hà Nội
Năm 1890 người Pháp đã xây dựng nhà máy bia tại Hà Nội nhân kỷ niệm sự kiện ra đời của một con người sau này rất nổi tiếng là Nguyễn Sinh Cung tức chủ tịch Hồ Chí Minh, thực tế là sau này Bác cũng chuyển về ở gần nhà máy bia đấy thôi. Ban đầu, chủ yếu là để phục vụ họ và những công chức Việt Nam tại một số thành phố lớn ở miền Bắc. Nhà máy bia ban đầu mang tên một người Pháp là Hommel, sản xuất chỉ 150 lít/ngày do 30 người lao động do Pháp đào tạo. Năm 1954, khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng nhà máy bia được đổi tên là nhà máy bia Hà Nội nay là Tổng công ty cổ phần bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội.

Năm 1958 loại bia chai Trúc Bạch được sản xuất. Năm 1960 nhà máy sản xuất được 15 triệu lít/năm, năm 1970 nâng lên 20 triệu lít/năm.

Năm 1978 nhà máy được Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ cải tạo nhà nấu và năm 1983 nhà nấu liên hợp được đưa vào sử dụng, nâng công suất lên 30 triệu lít/năm. Cũng trong năm này nhà máy bia Hà Nội đổi tên thành Công ty Bia Hà Nội. Năm 1989 luận chứng kinh tế kỹ thuật đầu tư, mở rộng sản xuất từ 30 lên 50 triệu lít của nhà máy đã được phê duyệt và được thực thi.
Từ đó đến nay, chủ yếu là chúng ta uống bia dởm hoặc bia pha. Đó lại là một câu chuyện khác gắn với cái tên Đường Bia..
Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #2 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 09:57:26 AM »


Phong cách uống bia của người hà Nội


Bia không chỉ là một thứ đồ uống nó chính là một thứ văn hoá. Nếu như văn hóa là tất cả những gì do con người sống trong một cộng đồng xã hội tạo ra, chi phối tư duy, ứng xử và giao tiếp của cộng đồng ấy thì hoàn toàn có thể nói tới văn hoá bia, vì ngày nay bia đã được toàn cầu hoá, có Bảo tàng bia ở Bỉ (Rodt), ở Pháp (Stenay), có liên hoan bia nổi tiếng thế giới ở Munich, thành phố cổ kính Đức.

Tuy nhiên, chủ đề tôi muốn đề cập đến ở đây đơn giản hơn đời thường hơn, đó là phong cách uống bia của người Hà Nội, một trong những thứ làm nên một thứ rất riêng, một chất rất độc đáo của người Hà thành mà không nơi nào có được. Chỉ cần đến Hà Nội bạn sẽ cảm thấy sự quan trọng của bia trong cuộc sống hàng ngày, nó không chỉ chi phối tới những sinh hoạt hàng ngày, tới công việc và thậm chí nó còn ảnh hưởng tới cả những tình cảm trong gia đình.

Bia và cuộc sống

Bia hiện diện trong cuộc sống hàng ngày trong công việc hàng ngày của người Hà Nội. Khi cần tìm đối tác kinh doanh, hoặc đơn giản là khi tăng thêm mối quan hệ thân thiết với khách hàng hiện tại hay thậm chí là khi muốn ký một hợp đồng kinh tế, người Hà Nội không ngần ngại đưa đối tác của mình tới một quán bia để giải quyết công việc. Thông thường, những giao dịch này sẽ được giải quyết ở những quán bia VIP, những quán bia VIP ngoài loại bia cao cấp thì còn phục vụ rất nhiều đồ nhắm cao cấp và giá cả cũng rất “cao cấp”. Tại đây, các quý ông, quý anh không chỉ được khề khà cụng ly chúc tụng mà khi có tí hơi men vào các đối tác cũng trở nên dễ dãi với nhau hơn, những khúc mắc trong làm ăn có thể dễ dàng được tháo gỡ tại các quán bia nhậu cao cấp này.

Tôi đã từng uống bia rất nhiều lần ở các quán bia dành cho tầng lớp trung lưu có thu nhập cao rất nổi tiếng như ở Lê Hồng Phong, Hàng Bài, Tăng Bạt Hổ, … đến đây bạn sẽ hoa mắt vì những chiếc xe hơi sang, xe máy đắt tiền đỗ thành những hang dài. Những đại gia comple rất nghiêm nghị khi tới đây cũng khác hẳn, phong thái thoải mái bê trễ, cười nói làm cho họ dường như dễ gần hơn chứ không cao cao tại thường như bình thường. “Bác cứ yên tâm, không phải nghĩ, giá cả chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là quan hệ lâu dài của anh em mình” hoặc “Ok, tôi ký hợp đồng này cho anh” là những câu nói nghe thấy thường xuyên tại các nơi này. Các mối quan hệ làm ăn dễ dàng được thiết lập, đuợc duy trì tại những quan bia nhậu là một điều bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác ngoài nơi đây. Có thể bạn cho rằng tôi thật buồn cười khi ca ngợi điều này, tuy nhiên, cá nhân tôi lại cho rằng, làm cho mối quan hệ làm ăn trở nên mềm mại chứ không cứng nhắc cũng là một cách rất tốt để phát triển. Không những thế, tôi cũng cho rằng, có thể các quán bia nhậu chính là nơi duy nhất có thể giúp các quý ông quý anh có thể trút bỏ hết những tác phong nghiêm nghị khó gần hàng ngày, trút bỏ hết những mệt mỏi vất vả của công việc để được xả hơi.

Bia cũng có mặt trong đời sống tình cảm của người Hà Nội, đối với đàn ông, bạn bè qúy mến nhau, anh em thân thiết với nhau, đồng nghiệp gần gũi với nhau thì cách tốt nhất để duy trì hay nối lại tình cảm là thường xuyên cùng nhau đi quán bia quán nhậu, đây là nơi họ có thể thoải mái nói về công việc, về gia đình về hàng ngàn thứ khác trong cuộc sống. Chính vì vậy mà mặc kệ các bà vợ mỏi mắt chờ cơm ở nhà, mặc kệ vợ dằn dỗi rồi cả cãi cọ, các quý ông vẫn cà kê với nhau ở quán bia vào mỗi ngày nghỉ hoặc sau khi hết giờ làm vào buổi chiều. Tại đây, họ có thể tức giận, có thể buồn bã, có thể vui vẻ, có thể hạnh phúc, và nhất là được có bạn bè người thân ở bên, khi vợ sinh con, đi uống bia để chúc mừng, trúng “quả” đi uống bia để chúc mừng, tranh cãi ở công ty đi uống bia cho đỡ bực, mất hợp đồng lớn, đi uống bia để đỡ “đen”, … Hàng triệu lý do để các ông đàn ông đi uống bia nhưng trên hết đó là vì tại đó họ có thể giao lưu tình cảm theo đúng cách của mình.

Bia và sự đổi mới

Phong cách uống bia của người Hà Nội cũng không phải là có sẵn, chúng được hình thành dần dần từ mấy chục năm qua, cùng với sự phát triển, thay đổi, đổi mới liên tục của bia. Từ lúc cánh đàn ông chúng tôi chỉ biết đến duy nhất bia Hà Nội, đến giờ đây có rất nhiều hãng bia từ nước ngoài đã tới và sản xuất bia với những hương vị rất độc đáo.

Tôi còn nhớ rất rõ về bia từ những thời bao cấp, bia được coi là loại đồ uống cao cấp, như thuốc bổ, thời đó để được cốc bia, để được ''''khề khà'''' bên cốc bia mậu dịch với nhau... phải xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt ở những quán bia hơi đông nghịt người mỗi buổi chiều mặc dù bia hơi lúc đó không phải là rẻ. Những quán bia lúc đó dùng những thùng chứa bia với một cái ống nhựa dài, mỗi khi muốn rót bia, người bán phải ghé miệng vào mút một hơi để cho bia chảy ra từ ống nhựa theo nguyên lý bình thông nhau của môn vật lý. Mặc dù rất mất vệ sinh, không sạch sẽ và gây khó chịu cho người dùng nhưng nó tồn tại tới cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Thời đó chẳng ai cảm thấy khó chịu với bia hay người bán bia hay những vòi rót bia mất vệ sinh tuy nhiên, tôi cũng phải thú thực rằng, bây giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu nổi tại sao thời điểm đó chẳng ai cảm thấy uống bia như vậy là có vấn đề.

Cuối thế kỷ 20, các can bia với vòi rót là chiếc ống nhựa dài đã được thay bằng những bom bia bằng nhôm với vòi rót sạch sẽ và vệ sinh hơn rất nhiều. Cùng với nó là sự ra đời của hàng loạt các loại bia mới như bia đen, bia Đức, bia Tiệp, những loại bia này được quảng cáo là bia nhập khẩu tuy nhiên trên thực tế đây là loại bia được nấu trong nước. Gần đây, tôi và mấy ông bạn bia rủ nhau đi uống thử một loại bia tươi mới là Halida Draught Master, loại bia này sử dụng bom bằng nhựa cao cấp thay cho bom bia bằng nhôm và theo như lời giới thiệu của ông chủ nhà hàng thì bom chỉ sử dụng một lần, máy rót bia trông như một chiếc tủ lạnh nhỏ, rất sạch sẽ và tiện lợi. Khi uống bia tươi Halida DraughtMaster tôi cảm thấy rất lạnh, bọt mịn và nhất là bia rất ngon. Có lẽ đây là một trào lưu một phong cách bia mới thay thế cho phong cách cũ bởi vì đây là sản phẩm bia tươi chính hiệu, chất lượng cao vì nguyên liệu nhập khẩu và nấu với dây chuyền công nghệ và công thức chính hãng. Tôi luôn hứng thú với những cái mới vì đối với những tên “bợm nhậu” như chúng tôi, những cái mới sẽ giúp chúng tôi ngày càng được uống nhiều bia ngon và giá cả hợp lý hơn.

Vài dòng về những cảm nhận và những quan sát, đánh giá của tôi về bia và người Hà Nội, tôi thích uống bia, và tôi thích viết về điều đó, và hy vọng những tản mạn của tôi sẽ giúp mọi người hiểu hơn về người Hà Nội và phong cách sống của người Hà Nội và vị trí của bia ở trong lòng người Hà Nội.
Vại uống bia của người Hà Nội.

Chọn lôgô biểu trưng cho Câu lạc bộ Ẩm thực Việt Nam, chúng tôi chọn hình cái niêu đất có từ thời văn hóa Đông Sơn cổ xưa. Còn biểu trưng cho ẩm thực Thăng Long là cái gì? Có thời, công ty Ăn uống Hà Nội đã chọn hình cốc vại bia đặt bên cái bát đang nghi ngút bốc khói. Có lẽ vị họa sĩ nào đó muốn chọn hình ảnh của vại bia hơi và bát phở Hà Nội chăng?

Ờ nhỉ, phở Hà Nội thì quá rõ rồi. Biết bao nhà ẩm thực học Hà Nội của nhiều thế hệ đã luận bàn, ngợi ca về món phở dân tộc đậm đà bản sắc Hà Nội. Còn bia hơi? Bia rõ ràng là thức uống ngoại lai nhưng trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, chẳng có nước nào dám độc quyền cho bia là sản phẩm của riêng mình. Người Hà Nội cũng có thể tự hào mà nói rằng bia hơi là một trong những thức uống đậm đà bản sắc của dân Hà Nội. Vả lại, đố ai có thể tìm ra nơi nào trên trái đất này người làm ra và sử dụng lâu bền cái cốc vại uống bia như những vại bia hơi của người Hà Nội?

Tôi nói cũng không ngoa. Cách đây ngót chục năm, anh bạn Jeffrey người Mỹ của tôi là một nhà nghiên cứu cổ sinh vật học có tiếng và cũng là tay sành bia có hạng đến Hà Nội làm việc. Bạn bè kéo nhau đi uống bia bên gốc cây si gần nhà hát lớn. Cả hội say khướt vì vị men bia đặc biệt Hà Nội mà theo anh bạn tôi thì nó chẳng kém bất kì một loại bia nào trên thế giới. Thế nhưng ở đây có một thứ mà chẳng nơi nào có được, đó chính là chiếc cốc vại thủy tinh dầy, xanh xanh, trăng trắng, đùng đục sần sùi, cầm thì nặng tay, thành cốc đổ mồ hôi lạnh toát. Có thể nhìn rõ lớp bọt bia trắng xốp phồng trên miệng, những dòng tăm sủi bọt liên tục theo nhau nổi lên từ đáy cốc. Tha hồ nâng lên hạ xuống, chạm cạch cạch, canh cách liên tục thoải mái mà không sợ vỡ. Anh bạn tôi may mắn xin được chị bán hàng người Hà Nội tươi trẻ một chiếc cốc vại Hà Nội đem về xếp cạnh mấy chục loại cốc bia của đủ các hãng bia khác nhau trên thế giới. Cho đến bây giờ, anh vẫn luôn tự hào về hiện vật độc đáo mang đậm màu sắc Hà Nội này trong bộ sưu tập độc nhất vô nhị của mình trên đất Hoa Kì.

Có một lần, biết tôi là dân bia Hà Nội sang, nhóm bạn ẩm thực Pháp rủ tôi đi thưởng thức trong một quán bia bình dân ở Paris. Quen lối ăn uống xuềnh xoàng bình dân như còn ở Hà Nội, tôi bảo hãy chọn một cửa hàng nào uống bia hơi thôi. Khi vào đến quán mới vỡ lẽ rằng bên Pháp cũng như ở nhiều nước khác, cùng với một mác bia thì giá của bia hơi tươi là đắt hơn cả. Bia chai và bia lon chỉ thuận lợi cho việc đi picnic hay cất trữ trong nhà, giá lại rẻ hơn và chưa chắc uống bia chai, bia lon đã sang hơn bia hơi. Người ta đem cho tôi một bảng danh mục các loại bia hơi có trong cửa gần bằng nửa chiếc chiếu nhỏ với tên và giá của đủ các loại bia trên thế giới, trông hoa cả mắt và giá thì đắt khủng khiếp nếu so với bia hơi ở ta. Tôi tò mò muốn nếm thử mỗi loại một chút cho biết vị của các loại bia xem sao. Thật lạ lùng là cứ mỗi loại bia được gọi ra thì người hầu bàn lại rót vào một loại cốc của chính loại bia khách thưởng thức. Thì ra ở đây, chiếc cốc uống bia được coi như màu cờ, sắc áo của từng loại bia. Thấy người nâng cốc là biết ngay họ đang uống bia gì, của hãng nào. Có điều đáng chú ý là tuy hình dạng, nhãn hiệu các loại cốc có khác nhau nhưng cốc bia bao giờ cũng được đong rất cẩn thận. Bia rót vào vại đầy bọt dùi lên có ngọn, người rót bia còn dùng một cái gạt gạt ngang cốc và chờ cho lớp bọt trên tan đi lại tiếp tục rót thêm cho thật đầy. Rót đủ, rót đầy, rót chính xác không thiếu một ly, một giọt là tư cách đạo đức của mỗi người bán hàng, của từng hãng bia, từng nhà hàng mà đâu đâu người ta cũng hết sức tôn trọng.

Hóa ra cùng là bia cả nhưng ở mỗi nơi, mỗi chỗ cách uống, cách bán hàng và cả cái thú uống trong cốc loại gì cũng chẳng giống nhau. Chẳng cứ gì Việt Nam Hà Nội khác với bên Mỹ, bên Pháp, cứ đem so sánh cách uống bia hơi và cái cốc uống bia hơi của người Hà Nội với người Sài Gòn và các tỉnh cũng đã khác nhau lắm rồi. Tỉ mỉ hơn nếu đem so sánh những chiếc vại bia của từng nhà hàng ở ngay Hà Nội thôi chắc chắn bạn sẽ có được những điều bất ngờ vô cùng thú vị. Chính vì thế, tôi phải tò mò tìm lại lai lịch của cái cốc vại Hà Nội xem sao.

Qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu về sử học và ngôn ngữ, tôi tạm nêu giả thuyết: “Cái cốc thủy tinh được du nhập vào đời sống, văn hóa Việt Nam chí ít cũng từ thế kỉ thứ XVIII. Đầu tiên có thể do các giáo sỹ phương Tây người Bồ Đào Nha đưa vào. Chiếc cốc tiếng Bồ gọi là Cô pa, sau đó người Việt ta đọc chệch đi thành là cái cốc.

Từ “cốc vại” sau này chính là để chỉ cái cốc lớn dùng để uống bia hơi phổ biến trong nhiều năm ở Hà Nội, khác với những cốc uống nước ngọt hay uống chè, uống thạch có kích thước nhỏ hơn.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình trung lưu. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ trong nhà tôi đã có cốc thủy tinh. Có điều là những loại hình cốc trong nhà cũng có những đổi thay theo từng năm tháng. Vào những năm 50, trong nhà tôi chỉ dùng có vài chiếc cốc thủy tinh. Đó là một hai chiếc cốc Tây bằng thủy tinh trong suốt khá dày, thành thấp mà nhà tôi dùng để uống nước lọc. Trong tủ, bố tôi còn có một bộ sáu chiếc cốc pha lê có viền vàng ở gần miệng cốc. Bộ cốc này năm thì mười họa mới được bố tôi đem ra dùng khi có khách quý đến chơi. Loại cốc này thường được dùng để pha nước chanh đá mời khách uống trong mùa hè. Sau này vào những năm 60, ở Hà Nội xuất hiện nhiều loại cốc hơn. Có nhiều loại được đúc khuôn bằng cách nấu chảy các mảnh thủy tinh vỡ rồi đúc, thổi thành nhiều loại sản phẩm thủy tinh khác nhau như bình dầu đèn, ống thông phong, lọ mực... Những loại cốc và đồ thủy tinh rẻ tiền này được bán buôn ở các chợ Bắc Qua và có ở khắp các chợ nội ngoại thành, các tỉnh. Trong số các loại cốc này, đáng chú ý là một loại cốc thủy tinh dáng cao, bên thân có gờ dọc phần gần miệng không có gờ và nhẵn. Đáy cốc hơi thu lại. Thủy tinh có màu xanh lá cây nhạt hoặc trắng và có nhiều bọt. Loại cốc này thường được dùng ở các quán nước chè tươi pha đường hay bán thạch đen, thạch trắng trong các quán giải khát, các gánh hàng rong. Có thể nói đây là tiền thân của những chiếc cốc vại bán bia sau này.

Trong những năm 70, 80, nhiều người Việt Nam có cơ hội đi học tập và lao động ở nước ngoài họ gửi nhiều thùng đồ từ Tiệp Khắc, Liên Xô… trong đó có đủ loại cốc chén khác nhau. Có những loại cốc chén pha lê cao cấp gửi về tận xứ Bô Hem bên Tiệp Khắc hay những chiếc cốc thủy tinh trắng trong đúc khuôn rất chính xác được đóng gửi về từng thùng tận liên bang Xô Viết và bán đầy ngoài chợ. Sau này, người ta còn nhập về hàng loạt các cốc thủy tinh dày có tay cầm làm đúng kiểu cốc uống bía sản xuất từ Trung Quốc và cả loại cóc uống bia làm bằng nhựa trong, bằng sứ men nâu... Lạ thay, nhiều loại cốc có dung tích chính xác và đẹp như thế nhưng hầu như những loại cốc này vẫn không được thị trường bia hơi Hà Nội chấp nhận, người ta vẫn chỉ ưa dùng loại cốc vại thủy tinh bọt thô cổ truyền và dung tích thì cực kì uyển chuyển.

Vào khoảng giữa những năm 60 của thế kỉ trước, khi nhà máy bia Hà Nội được phục hồi với sự giúp đỡ của công nghệ nấu bia Tiệp Khắc, cả Hà Nội và miền Bắc lúc đó có duy nhất nhà máy sản xuất bia trên đường Hoàng Hoa Thám. Bia thời đầu chỉ có mấy nhãn mác như bia Hữu Nghị, bia Trúc Bạch, bia Hà Nội... những loại này đều đóng chai. Riêng bia hơi thì được đóng vào trong thùng thép và vận chuyển đến các đại lí nội thành. Thoạt đầu, bia bán có bơm ga CO2, do người uống chưa quen nên lượng tiêu thụ còn thấp. Người ta phải quảng cáo uống bia có nhiều chất bổ, bán bia uống lẫn với đường, với sirô cho có vị ngọt, át đi cái vị đắng của hoa Hublông, cái vị không thể thiếu và đặc trưng của bia mà lúc đầu người tập uống chưa quen. Vì tập uống nên người ta chưa uống nhiều và cái cốc thủy tinh nhỏ dùng để uống thạch, uống chè tươi được đem dùng để uống bia trong các cửa hàng mậu dịch. Không hiểu sao khi nhập dây chuyền sản xuất bia vào Hà Nội, người ta nhập cả máy móc, chai lọ nhưng lại không nhập luôn cả các loại cốc và kiểu dáng như kiểu Châu Âu?

Dân uống bia ở Hà Nội ngày một đông lên, cung không đủ cầu. Người uống thì đòi hỏi một lượng bia cho mỗi lần uống một cao hơn thế là trên thị trường bia hơi Hà Nội bắt đầu xuất hiện chiếc cốc vại với dung tích ban đầu là nửa lít và giá bán ban đầu là ba hào một vại.

Thời chiến tranh, bao cấp, cảnh xếp hàng chen chúc để mua bia, uống bia diễn ra hàng ngày. Người ta ngồi xổm trên vỉa hè, trên nắp hầm phòng không để uống bia và xung quanh la liệt những cốc vại. Cả bãi bia như một bãi chợ ngổn ngang những cốc và chút đồ nhậu sơ sài. Nhiều lúc cốc vại thiếu, người xếp hàng phải tự đi nhặt cốc, tráng cốc và xí cốc để khi xếp hàng đến lượt thì có thể mua được. Có người xếp hàng mua bia mất hàng tiếng đồng hồ, mua được tích kê rồi nhưng khi đến cổng rót bia mà không xí được dăm chiếc cốc vại thì coi như nghỉ uống.

Ngày nay bia Hà Nội không thiếu, duy chỉ có chiếc cốc vại đựng bia hơi của người Hà Nội là vẫn trường tồn với thời gian. Người uống bia vẫn ngày ngày cụng ly bằng những chiếc cốc vại xù xì thô kệch muôn thuở.

(monngonhanoi.com)


« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:02:43 AM gửi bởi Khuatlao76 » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #3 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 09:58:29 AM »





Logged
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« Trả lời #4 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 09:58:39 AM »

Bia hơi Hà Nội trong mắt người Mỹ

Len lỏi qua các đường ngang ngõ tắt của Hà Nội, du khách có thể thấy những quán bia hơi ở mọi góc đường với những chiếc bàn nhựa cao đến đầu gối và những chiếc ghế hình bán nguyệt ken dày trên vỉa hè.
Bia hơi Hà Nội trong mắt người Mỹ

Bia hơi ở đây có nồng độ cồn thấp (chỉ từ 2 đến 4%). Bia được làm từ chế độ ủ không tiệt trùng, không chất bảo quản. Nó được sản xuất trước khi mặt trời mọc và thường được uống sạch trước khi hoàng hôn xuống. Nhiều người uống bia từ 8h sáng, bởi theo họ thì sau giờ này, hương vị thơm ngon nhất của bia bị giảm đi nhiều.

Những quán bia hơi ngon nhất ở Hà Nội đều phục vụ loại bia mát lạnh với mùi vị rõ ràng từ gạo và một chút thoang thoảng mùi của cây hoa bia (hublông). Ban ngày đi qua những quán này rất dễ gợi chuyện với dân địa phương. Nhưng vào buổi tối, những khách quen đi nhậu có vẻ quá bận rộn nói chuyện nên không để ý tới du khách ngang qua. Người bán hàng rong thì luôn lượn lờ xung quanh chào mời đồ ăn kèm như thịt nướng, mực khô, bánh bao nhân thịt và mỳ.

Tôi thử uống ở hai quán bia hơi tươi nhất trong thành phố là 22 Hàng Tre và 19C Ngọc Hà. Ở cả hai nơi, bia đều ít gắt, nhẹ và phảng phất mùi rơm và gạo - khác xa với những loại bia nồng độ cồn cao và mạnh mà người Mỹ quen uống. Nhiều tối, tôi đã lang thang ở khu vực ngã tư Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện, khu tập trung đông đúc du khách nước ngoài và những người Việt Nam nói tiếng Anh. Góc đường này còn được biết đến là góc bia hơi.

Bia ở đây lấy từ một nhà máy bia nhỏ, chất lượng thay đổi theo từng mẻ. Giá bia rất rẻ, "rẻ hơn cả nước lã", một người đàn ông Việt Nam nói vậy. Rẻ đến nỗi những dân địa phương thường mua một cốc uống thử xem chất lượng bia trong ngày thế nào trước khi quyết định có ngồi lại không.

Bia cũng giúp việc bắt chuyện ở những góc phố này trở nên thú vị hơn. Một tối tôi nói chuyện về bầu cử Mỹ với một kỹ sư hóa người Việt 26 tuổi. Ngày tiếp theo tôi lại chia sẻ kinh nghiệm trả tiền hoa hồng khi ăn tối ở New York với một cựu đầu bếp đến từ khu Queens, New York.

Vào ngày cuối cùng ở Hà Nội, sau khi thăm lăng Hồ Chủ tịch, tôi dừng chân ở góc bia hơi. Ngồi trên mép ghế nhựa ở vỉa hè, tôi nhìn những người bán hàng rong gánh xoài đi qua, những chiếc xe máy chở nhiều người và hàng hóa đánh võng trên đường. Thỉnh thoảng, tôi thấy các cô thiếu nữ đi dạo cùng bà trong bộ đồ ngủ và dép xỏ ngón.

Ngay sau đó, tôi cũng phải lao vào dòng người xuôi ngược trên phố và bị kẹt cứng trên đường tới sân bay. Thế nhưng sau khi nếm thử văn hóa bia hơi của thành phố này, tôi cũng không vội gì mà gói hành lý.

Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #5 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 09:59:42 AM »







« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:01:34 AM gửi bởi Khuatlao76 » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #6 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:01:12 AM »













Logged
Võ Tòng đả hổ
Newbie
*
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 11



Email
« Trả lời #7 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:04:08 AM »


Chủ đề này hay quá, đọc xong em lại nhớ đến bố em: Tay cầm cốc bia hồ hởi mà chỉ được một cốc, trông thương lắm.
« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:09:10 AM gửi bởi Võ Tòng đả hổ » Logged
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« Trả lời #8 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:10:43 AM »


Chủ đề này hay quá, đọc xon em lại nhớ đến bố em: Tay cầm cốc bia hồ hởi mà chỉ được một cốc, trông thương lắm.
Hình ảnh đẹp nhất của các đấng trượng phu HN mùa hè là khi mồ hôi mồ kê nhễ nhại đầy người, sà xe vào vỉa hè gọi to một cốc. Xe vẫn nổ máy, làm một hơi cạn bay. Làm thêm cốc nữa, vẫn vậy. Trả tiền xong đoạn đưa tay lên quẹt ngang đám bọt trắng xóa bám trên bộ ria. Khà một tiếng rồi từ từ đi, nét mặt rạng rỡ hân hoan tràn đầy viên mãn của kẻ đắc đạo.
Ôi, địa đàng hay niết bàn chính là đây chứ còn đâu nữa.
« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:13:05 AM gửi bởi Tiêu-diêu » Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #9 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:20:05 AM »

























Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #10 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:21:23 AM »



Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #11 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:28:47 AM »


« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:33:20 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #12 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:29:11 AM »


« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:34:32 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #13 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:30:01 AM »


« Sửa lần cuối: Tháng Sáu 28, 2010, 10:35:44 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Hương mắt Tây
Jr. Member
**
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 79



Email
« Trả lời #14 vào lúc: Tháng Sáu 28, 2010, 10:49:16 AM »



Em chỉ nhớ hình ảnh bố em cứ chiều chiều đội mũ phớt chống batoong ra công viên uống bia.
Logged
Trang: [1] 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn