Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 21, 2024, 02:59:09 PM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: 1 [2] 3 4 ... 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu một ký ức  (Đọc 71842 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #15 vào lúc: Tháng Tám 01, 2009, 10:21:44 AM »

TẮM SUỐI TẠI VÂN NAM

Suối nước nóng Mường Lạt - Kim Bình (Nam Vân Nam - Trung Quốc), mệnh danh thiên đường khỏa dục, nam phụ lão ấu tắm chung, giữa một bầu thiên nhiên hoang dã. Du khách một lần tới đây, có lẽ chẳng muốn cất bước trở về.

Hà Nội những ngày hè nóng nực, Dr, Thanh chỉ càng tưới tắm thêm cho ký ức Vân Nam, tươi trong và lành lặn.



























































« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 25, 2012, 04:08:55 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Cổ Trại Giao Lang
Khách
« Trả lời #16 vào lúc: Tháng Tám 01, 2009, 12:00:56 PM »

ƯỚC GÌ QUA CỔNG LÙ THÀNG



Chuyện gã ba toa Mường So tay dao tay thớt mang Net lên núi, thế rồi văn minh cũng bắt đầu bò ra từ quả bầu, sinh con đẻ cái như trong chuyện cổ tích. Đi giữa đất Lai Châu ngắm núi rừng đẹp, vỗ Klong klóng, ăn xòe ngủ xòe, nghe ông già đánh tính tẩu vằn mắt quát mấy thằng trai Kinh chót lên giường cùng đám hoa hậu núi, trắng ngần và xinh xắn lạ kỳ, thấy sao mà thèm được nhìn một lần em tắm, giữa đất trời Phu Nhụ Khụ nhà ai Nậm So mưa xa khơi.

Tựa lan can trên bản Vàng Pheo, nhìn sang bên kia Ma Lù Thàng, không biết sau cái lần đồng chí La Sùng Mẫn, Bí thư Châu ủy châu Hồng Hà (Vân Nam) sang thăm và làm việc tại Lai Châu, ký xoẹt xoẹt hiệp ước Giáp Thân (2004), bao nhiêu giấy mực đã được đổ ra cho dự án, chỉ thấy sung sướng đến tột đỉnh khi đọc cái chương trình của hãng Du lịch Màu Đỏ dán trên mái vách: Thắng cố Dê Di Lặc, Tắm khỏa thân suối nóng, Bún qua cầu gió bay,......

                
 Ước ăn bống vùi tro, ước gì  đến được  Mường So thăm nàng
                Ước gì qua cổng Lù Thàng, ước gì sang tắm Kim Bằng một phen.....
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:46:57 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #17 vào lúc: Tháng Tám 08, 2009, 06:27:06 PM »

龍虎鳳 - LONG HỔ PHƯỢNG


Những năm mới về hưu, ông ngoại tôi có ý định xuất bản một cuốn sách về các món ăn của người Tày, từ đó cứ nửa đêm, bật dậy như người điên, thấy người kẻ vẽ nhiều lắm, sáng ra hỉ hả đọc cho mọi người nghe những gì mình đã nhớ lại đêm qua, tới những món ăn dân tộc từng được thấy trong cuộc đời của mình.

Cái khổ của học giả nghèo, viết thì toàn của ngon vật lạ, nhưng đến bữa cơm thì chỉ thấy rau cỏ, nhớ có lần cụ Đào Duy Anh đến chơi, chỉ có đĩa muống xào và bát tóp mỡ mà hai cụ ngồi đến khuya mới chịu dừng.

Thời bao cấp khó khăn, một học giả về hưu chỉ muốn đem những sức lực cuối cùng cống hiến nhưng rồi cũng đành  gói gém cuốn bản thảo để đấy. Năm 1991, ông tôi qua đời tại Lạng Sơn, nhẹ nhàng và lặng lẽ, mang theo nhiều thứ mà cháu con chưa và không bao giờ học được. Một con người thuộc lớp kế nhiệm - Gs, Ts Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, lặn lội từ Hà Nội đến viếng, nhìn mặt lần cuối cùng một người đồng chí, một đồng nghiệp thế hệ cha anh đã ra đi với nhiều bản thảo mà phần nhiều cháu con đã để thất lạc. Buồn ơi là buồn!

Cuốn bản thảo về các món ăn người Tày viết bằng thứ ngòi chấm bụng chửa, mực tím, nét bút cổ điển, diêm dúa trên nền giấy đen, đó là tất cả những gì còn lại trong ký ức của tôi, ngoài một món ăn tên gọi là Long Hổ Phượng.

Long Hổ Phượng 龍虎鳳, một món ăn được làm từ thịt rắn đen, mèo đen và gà đen, phong thái rất cung đình, một  món ăn mà các quan lại vùng cao thường ăn vào mùa Thu - Đông.

Những năm sau đó lên Lạng Sơn, kể lại món ăn này, tôi đều nhận được những cái xua tay chán chường, cho là hão huyền, là hoang tưởng. Nghĩ cũng phải thôi! Kể ra nói chuyện này với những người tối ngày chạy hàng trên biên giới quả là khó!

Sang bên kia Hữu Nghị Quan, vòng qua Đông Bắc đến Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc), mới phát hiện ra món Long Hổ Phượng này vốn được xếp vào dòng Việt Thái 粤菜, rất phổ biến ở Quảng Đông như là một bài thuốc gia truyền. Có lẽ trên bước đường thiên di, sự giao lưu Hán - Choang đã đem món ăn này hiện diện trong vốn ẩm thực của người Tày.

Ngồi trước nồi canh sôi sùng sục, mặc dù lệnh cấm ăn thịt Mèo của chính phủ Trung Quốc đã ban hành từ lâu, mọi người đều ăn ngấu nghiến bởi một ngày đường thấm mệt, chỉ còn tôi, lúc này sao da diết nhớ tới tiền nhân!
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:48:37 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #18 vào lúc: Tháng Tám 16, 2009, 07:15:19 PM »

冰棍冰棒雪條 - BĂNG CÔN BĂNG BỔNG TUYẾT ĐIỀU


QUYỂN NHỊ THẬP NHẤT, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên thứ XXI, Kỷ Hoàng Triều Nhà Lê, Thần Tông Uyên Hoàng Đế chép:

Tháng 3, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Nguyễn Minh Triết gồm 7 người. Có người tố cáo Nguyễn Văn Quang (người xã Đặng Xá, huyện Cẩm Giàng) thiếu điểm mà vẫn trúng tuyển, bèn bỏ tên đi. Thi đình, cho Nguyễn Minh Triết đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh; bọn Lê Biện 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Danh Thọ 3 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Xứ Hải Dương mưa đá, hòn to như đầu ngựa. Ngày Bính Thân, chính phi của chúa [trịnh Tráng] là Nguyễn Thị Ngọc Tú [16b] mất, tên thuỵ là Từ Thuận. Bà là con gái của Nguyễn Hoàng, sinh ra Sùng quận công Trịnh Kiều và hoàng hậu Ngọc Trúc. Bà có cô cháu gái, đó là con gái của anh bà là Nguyễn Hán, cô này cũng được vào hầu ở Đông cung.

Trong đó có đề cập đến mưa đá ở Hải Dương, hòn to như đầu ngựa. Xuyên suốt Đại Việt sử ký, còn có rất nhiều cứ liệu nhắc đến mưa đá. Như vậy, từ thời xa xưa, ông cha ta đã từng được làm quen với sự hiện diện của những hòn đá lạnh. Rất có thể chăng liệu vào thời đó, người Việt đã biết dùng những hòn đá này làm đồ uống lạnh để giải khát vào mùa hè? Và nếu như thế, liệu có chăng những cách chế biến và bảo quản những sản phẩm lạnh từ đá, thậm chí là những gì tương tự như kem chẳng hạn.

Tại Trung Quốc, hơn hai nghìn năm trước, Thi Kinh – Mân Phong 《诗经·豳风》có câu: Nhị chi viết? Tạc băng xung xung, tam chi viết nạp chi lăng âm (二之曰?凿冰冲冲,三之曰纳之凌阴, Hai là lấy đục phá băng, ba là lấy đá cho vào nhà kem). Vào thời nhà Chu , người ta đã biết dùng đá để tế lễ và đãi thực khách, cho nên Chu Lễ 《周礼》viết: Lăng nhân chưởng băng, dĩ cung  tế tự, tân khách (Có quan Lăng Nhân 凌人coi trông việc làm đá, dùng việc tế tự, đãi tân khách). Tả truyện - Chiêu công tứ niên《左传 - 昭公四年》ghi lại rõ ràng:  Cổ giả viết tại Bắc lục nhi tàng băng, Tây lục triều địch nhi xuất chi, kỳ tàng chi dã, thâm sơn cùng cốc, hác âm hỗ hàn. Kỳ dụng chi dã, lộc vị tân khách tang tế”. (古者曰在北陆而藏冰,西陆朝觌而出之,其藏之也,深山穷谷,涸阴互寒。其用之也,禄位宾客丧祭: Thời cổ mùa đông cất trữ băng, cuối hạ đầu thu khi sứ vào chầu đem ra dùng, nơi cất trữ ấy là chốn thâm sơn cùng cốc, khô ráo lạnh lẽo, dùng trong việc tế lễ đãi đằng).

Sách Dậu Dương 《酉阳杂俎》tạp trở đời Đường có ghi chép cách làm đồ uống mát, Tiến sỹ Dương Vạn Lý 楊萬里 thời Nam Tống cũng từng có bài thơ Vịnh Băng Lạc 《詠冰酪》viết về váng sữa đông đánh đá. Chừng ấy đủ khiến người Trung Hoa tự hào cho rằng Mã Khả Bột La 馬可·孛羅 (Mã Khả Ba La 马可·波罗, Marco Polo) từng đến Trung Quốc học được phép làm kem rồi đem kỹ thuật này quay về Ý Đại Lợi 意大利, từ đó đánh dấu nền công nghiệp làm kem ra đời.

Ở Phương Bắc, người Trung Quốc gọi kem que là Băng Côn 冰棍, ở Hồng Kông gọi là Tuyết Điều 雪條, Đài Loan gọi là Băng chi 冰枝, Băng chi tử 冰枝仔, gọi chung là Băng bổng 冰棒, ăn hết một lượt những thứ đó rồi nhớ mãi trưa hè Hà Nội vã mồ hôi, trẻ con cạy tủ lạnh ra ăn vụng cục đá, ăn trộm đôi dép nhựa lén ra ngoài đường đổi lấy những que kem toàn nước lã, đường hóa học đủ màu xanh đỏ tím vàng nghi ngút trong hộp xốp đằng sau xe đạp với tiếng kem mút píp po píp po.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:51:00 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #19 vào lúc: Tháng Tám 16, 2009, 07:22:13 PM »

衡祁古道 - HÀNH KỲ CỔ ĐẠO


HÀNH KỲ CỔ ĐẠO 衡祁古道, kéo dài từ Hành Dương 衡阳 đến Vĩnh Châu cổ đạo 永州古道 (Gọi tắt là Hành Vĩnh cổ đạo, 衡永古道 ), khởi từ Tần - Hán, xuyên suốt Lãnh Nam, trải Đường, Tống, Nguyên, Minh xe bon ngựa trạm.

Từ Hành Dương chí Nam, xưa nay vẫn bị coi là cõi Việt Man chi địa (越蛮之地), là nơi cuồng phong cánh mỏi, đến loài ác điểu cũng phải dừng chân, là chốn lưu đày của bách quan thụ tội, nhưng cũng là nơi hun rạng nét tơ hào trên tầng tầng bia đá. Từ những Nguyên Kết 元结, Lã Ôn 吕温, Liễu Tông Nguyên 柳宗元, Lưu Vũ Tích 刘禹锡 đời Đường đến Phạm Thành Đại 范成大, cha con Trương Tuấn 张浚, Trương Thức 张栻 đời Tống và rất nhiều chí sỹ tấn thân sau này từng bị biếm tới nơi đây.

Vốn là con đường của các thương buôn trà muối, Hành Kỳ cổ đạo xuyên qua Lưỡng Quảng, chuyên chở phẩm vật đến tận xứ An Nam.

Trong bàng bạc của kỳ hoa dị thạch, vượt qua vạn dặm từ châu quận Kimi, nhiều văn nhân Giao Chỉ cũng đã đến đây, để lại thần anh trên đá tạc, khí khái nan lường, dẫu giữa thanh thiên ngàn năm cũng chẳng hề tu hổ......


Đề Thạch Kính thi (An Nam Nguyễn Huy Oánh)


Kính Thạch bi (Việt Nam Trịnh Hoài Đức)
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:53:44 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Cổ Trại Giao Lang
Khách
« Trả lời #20 vào lúc: Tháng Tám 20, 2009, 08:10:36 AM »


哀牢犒盆 - AI LAO KHAO BỒN

Nghe nói dọc dòng Lan Thương 澜沧江 thổ sản dồi dào, cơ man vàng sắt, mật ong, tê giác, đồi mồi... Xứ Nam Chưởng Mường Xoa 南掌勐岔 (Luang – Prabang), miền trung Lào hoàng gia của Gà - Trâu - Vịt, nhan nhản biển hiệu nông lâm chẳng khác gì đường Láng - Hòa Lạc.

Mấy lần lai vãng ăn chán Fish BBQ, món cá sông nướng chua me ở Lào - một đất nước Đông Nam Á không có biển, uống Fanthong cho đến món Láp sang trọng, lần này đành phải quay ra ăn mấy bát Phở kiểu Sài Gòn do người Lào đạo diễn với rau diếp cá, bạc hà...

Ở Lào thế nào đâm nghiện uống NamSa, hút Hồng Tháp Sơn, người khô đi vì ăn  gạo nếp (Khau nyao). Món ăn ở đây nhiều ớt, những quả ớt luộc bày lên mâm trong bữa cơm như người Việt mình ăn rau muống, ớt khô cay chảy nước mắt, rất hợp với món gỏi tôm vắt chanh đánh từ sông Mekong.

Sáng sớm, vừa rửa mặt đã phải ăn cơm, cơm nắm, cơm gói trong lá sen, cơm chuối..., khô, nóng, nhiều khi phải chạy đi mua mấy chai bia Lào loại mười mấy ngàn kip uống thay canh.

Loanh quanh mấy hàng mì thấy người bản địa ăn một món gọi là Khau poon, người Thái Vân Nam gọi là Khao Bồn 犒盆 , ăn từa tựa như bún bò trộn chua ngọt bên mình, gọi là khả dĩ cho một lần lót dạ nhẹ nhàng, ngon gấp nhiều lần cả một suất cơm nặng nề.



Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #21 vào lúc: Tháng Tám 22, 2009, 11:55:58 AM »

土用の丑の日 - DOYO NO USHI



Tokyo tiết Đại Thử, trời trong xanh, đứng trong quận Kasumigaseki 霞が関 lẩm nhẩm đọc:

Tháng Năm ngày tết Đoan dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Ở Hà Nội diệt sâu bọ, bà cô cười bảo: "Ôi dào! Khuất Nguyên quái gì! Mày có ăn rượu nếp thì ở trong cái âu xanh ấy!", đoạn lấy vôi bôi vào cổ cười hì hì. Ra ngoài đường kiếm cốc trà đá, thấy bán nếp cẩm đánh sữa chua, kể cũng thấy lạ, lần chần chưa dám ăn, mấy em Cave thì ăn hăng lắm, cố gạt cái thìa như xua đi hàng rổ xúi quẩy, áo ngực mùa hè trễ cả ra, trông sung túc chứ không teo tóp như bí cuối mùa. Chợt nhớ tới quả khoe hàng của Hà Kiều Anh, đốt nóng cả ban giám khảo, đúng là: Vú đàn bà, quà đàn ông!

Bến xe buýt ở Nhật người xếp hàng ngay ngắn lắm, lần lượt trật tự, phía trước có mấy em nữ sinh nói ríu rít, toàn ô với ê, làn da Châu Á, chân dài thủy thủ mặt trăng làm người đứng dưới cứ sốt sình sịch. Một ông già thấp đậm, đội mũ phớt, mắt híp tịt, chỉ tay vào cái biển 土用の丑の日 (Doyo no Ushi) bên đường, mới nghĩ ra cái từ Thổ Dụng 土用, cách ghi lạc khoản của người Nhật, chỉ món lươn om nồi đất, ăn trong những ngày hè nóng nực.

Hồi còn học trong trường SPNN, bà chuyên gia Mỹ có nói đến The day of the ox, giải thích kiểu người Việt búi tó là ngày của bò, mấy thằng sinh viên thì có vẻ hàn lâm hơn: Ông dốt bỏ mẹ! Ngày Sửu mới đúng! Ừ thì đúng thật! Thế cho nên Oxford mới được người Trung Quốc dịch sang thành Ngưu Tân 牛津 - Bến thả bò trâu thứ thiệt.

Còn ở Nhật, cái biển 土用の丑の日 (Doyo no Ushi) chính là The day of the ox, ngày Sửu trong vòng 18 ngày trước Lập Thu 立秋, tiết trời nóng nực, cũng là lúc người ta rồng rắn trước cửa hàng chạch lươn, uống Sake, ăn hành sống, hoặc mua hàng túi lươn khô Danh Cổ Ốc, Quan Tây ( 名古屋, 関西 - Nagoya, Kansai).
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 16, 2017, 08:59:34 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
uyennd72
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 895


Email
« Trả lời #22 vào lúc: Tháng Tám 23, 2009, 07:08:06 PM »

Khuatlao76 làm uyennd72 nhớ tới món "Hotdog", nếu dịch ra theo lối "Vietnamese Style" thì sao nhỉ?
Uyennd72 nhớ có lần  gặp tên tây ba lô trên đường Phạm Ngũ lão -Q1 - Sài Gòn khoảng năm 1996 -1997 gì đó. Hắn gọi món hột vịt lộn là " baby duck: Huh
Logged

          Thích mùa thu Hà Nội!
Cổ Trại Giao Lang
Khách
« Trả lời #23 vào lúc: Tháng Tám 24, 2009, 06:13:08 PM »

SAVON DE MARSEILLE - XÀ PHÒNG MẠC XÂY


Marseille soap - Savon de Marseille – loại xà phòng chế tạo từ công nghệ cổ điển từ sáu thế kỷ trước bằng dầu thực vật tại Marseille, Pháp. Năm 688, Vua Louis XIV ra luật Edict of Colbert hạn chế việc chỉ sử dụng tên Savon de Marseille cho các loại xà phòng từ dầu olive trong nội hạt Marseille.


Tại Việt Nam, xà phòng này xuất hiện dưới cái tên Mạc Xây, còn gọi là xà phòng hôi để phân biệt với xà phòng thơm dùng để tắm, thường dưới dạng 300g đến 1kg, trên khắc chữ 72%, được liệt vào một sản phẩm mà sau này cùng xà phòng Liên Xô CCCP là xà phòng 72 phần dầu.


Thủ phủ của xà phòng Mạc Xây 72% dầu

Xà phòng 72 nói chung không dùng gội đầu bởi rít tóc, nhưng trong thời kỳ khó khăn, hiếm khi thấy việc sử dụng thả cửa, một bánh xà phòng Mạc Xây mua về được các bà lấy dao chia thành từng miếng nhỏ, gói gém thật kĩ vào giấy, chỉ khi nào tổng vệ sinh chăn chiếu mới dám cạo một ít hòa với nước ấm mà dùng. Sáng nay, nhìn bánh xà phòng Safeguard lĩnh theo tiêu chuẩn Văn phòng phẩm của Bệnh viện đã hết gần quá nửa, mới hay dạo này rửa tay quá nhiều, kiểu này thì một tháng phải mất đến năm bánh, thế mới thông cảm cho việc thiếu nữ lấy tay che chỗ ấy, nấp ở thành giếng xin xà phòng, mới hay chuyện bánh xà phòng 72% đi đổi được gà chẳng có gì là lạ.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 16, 2017, 09:01:01 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #24 vào lúc: Tháng Chín 07, 2009, 12:18:45 PM »

HỒ ĐẠI LẢI


Lên núi Thằn Lằn, nhìn về Hà Nội, ngóng dãy Tam Đảo, tìm dấu vết Quận Hẻo một thời, ôi sông nước mênh mông, đâu rồi nguy nga thành quách.

Đại Lải dưới ánh hồng phô sắc biếc, rừng xanh gió mát thổi ý thanh tao, Mê Linh một bình minh lên, ôn hòa và nhuần nhụy.

Trên thế đất rồng cuộn, Đại Lải thời bình bề thế oai phong, tuy nhược địa cằn khô, thế thời chiến không bền mà ngắn ngủi. Thời Lê Trịnh, Nguyễn Danh Phương hùng cứ, biết đâu phút chốc lạc vào hãm địa của Trịnh Doanh. Chân trời xa xa, Đảo Chim trắng xóa cánh cò, như cũng ngậm ngùi cùng người thiên cổ.

Mỗi lần đến Đại Lải, lại nhớ đến Đạt Lai Hồ 达赉湖, nằm trong nội cảnh Nội Mông bao la, lạc vào giữa vùng bình nguyên khéo ru vó ngựa.

Kiến tạo năm 1986, Đạt Lai Hồ được công nhận là một trong những khu bảo hộ thiên nhiên lớn nhất Trung Quốc, sóng sánh dưới bầu trời mệnh danh THIÊN TỰ KHUNG LƯ 天似穹庐, sáng xanh những đôi cánh Bạch Tì Lộ 白琵鹭.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 06:55:50 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Cổ Trại Giao Lang
Khách
« Trả lời #25 vào lúc: Tháng Chín 26, 2009, 04:33:10 PM »

CHEE CHEONG CHOOK


Người Xá 畲 (輋族) - một chi của người Dao đã để lại dấu vết tại Hồng Kông, minh chứng cho những gì tồn tại trước đây hàng ngàn năm với các chiến cụ Bách Việt. Từ Hà Nội tới thăm vạn chài Hương Cảng khô cằn, bàn tay hằng nâng niu tiền Việt, giờ nắm chắc Dollar trong nỗ lực tìm kiếm được một nơi nào mang đậm bản sắc anh hùng, giàu có màu cổ trang, hoặc câu chuyện họ Lý đã kể những năm thập kỷ bảy.

Trong khi Hồng Kông mở liên hoan điện ảnh cho gái điếm, các cô gái làng chơi đẹp như minh tinh, tràn trề ham muốn nhục dục ở Sai Yeung Choi (西洋菜街)
 bước ra từ các bộ phim xxx kéo tay, những mong muốn thám hiểm trên lại được đền đáp bằng những bát cháo Chee Cheong Chook nóng hổi.


Có du khách nói nếu đến Hồng Kông và Tân Lang (Penang), chỉ cần một lần nếm món cháo Chee Cheong Chook thì sẽ không có thấy các món khác còn xứng đáng gọi là cháo nữa. Ở Penang, những ông chủ hàng Chee Cheong Chook liền tay, mồ hôi nhễ nhại khiến tôi nhớ đến món cháo chửi ở Hà Nội, nhất là vào khoảng hơn một giờ chiều, khi các thực khách bu kín như đèn cù.

Thực chất Chee Cheong Chook là Trư Trường Chúc 猪肠粥, chính là món cháo lòng quen thuộc. Liếc nhìn những cặp môi đất khách, móc bóp cho vững lòng rồi mạnh dạn, đĩnh đạc bước vào một quán nhỏ ven đường vào một buổi chiều, chỉ mong thấy được phong vị Việt trong cái nồi đang sôi sùng sục.


Chee Cheong Chook trơn tuột trong cổ họng, cũng khúc lòng, dạ dày, lẫn bên trong vài miếng lưỡi lợn, nóng nảy giữa cái ngột ngạt, nhưng không hề gì, cả không gian nhường chỗ và e ngại khom mình trước mùi lòng rán thơm lừng.


Ở Hà Nội, ăn cháo lòng người ta ăn tiết canh, trước khi đụng đũa vào đĩa lòng tổng hợp đầy đủ, tim gan phổi phèo với lệ bộ húng quế, rau thơm. Vượt qua vị trí bình dân, cháo lòng vươn lên những buổi chiêu đãi tầm nhà nước trong các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Trong cơ quan, giờ nghỉ trưa, có thể thấy đầy đủ trưởng phó các kiểu mặt đỏ ngừ, chém tay ở các quán cháo lòng Hai Bà, Chợ Đuổi....


Sau những phút hùng hồn, những cuộc diễn thuyết say sưa, chữ ký, các dự án mới được khóa đuôi bằng bát cháo lòng thơm phức, được một em váy ngắn đùi dài bê tới, xinh đẹp, ngon lành, cay rồ dại như ớt bột, hạt tiêu, đỏ đen, mê man bất tận.

Nhớ thời xưa đàn ông thèm lắm một bát tiết, nhà nào thịt lợn là sáng sớm đã có ông quần Pické mông thật lớn, cưỡi chiếc xe đạp Phượng Hoàng đạp nặng như cái cùm, dõng dạc đứng đầu ngõ nói vọng vào, hỏi thăm rằng tiết canh đã đánh, quả bầu dục cháu bé đã ăn chưa..., bữa liên hoan gia đình tôi thuở ấy, có những con mắt thèm khát nhòm từ ngoài vào, có những tiếng xuýt xoa, tiếng bố mắng sao mà ăn nhiều, húp cháo xùm xụp. Nhìn tấm ảnh cũ thấy thời gian đáng sợ biết bao!
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 16, 2017, 09:02:51 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #26 vào lúc: Tháng Chín 29, 2009, 06:08:41 PM »

문케이크 - MOON CAKE


Đêm trước ngồi bên song, trong làn gió thoang thoảng thấy mùi bánh trái, nghe bà hàng xóm khấn vái Đông bình Tây quả, giật mình mới nhớ đã gần tới Trung Thu, ngày nào đi làm qua phố Bà Triệu cũng thấy hai bên đường đỏ rực đèn hoa phường bánh , thế mà cũng chẳng để ý, có lẽ vì đã quá tuổi thiếu nhi rồi chăng?


Bánh Trung Thu giờ khác lạ, mọi thứ đều WIKI hóa ngày càng biệt ly lối truyền thống, thứ bánh nướng bánh dẻo nhân thịt mỡ, lạp tràng, lá chanh thời bao cấp hôi hôi mùi chương lang thảy chỉ còn được nhắc lại trong thứ văn chương ôn nghèo kể khổ, thay vào đó là tràn ngập nơi môn tiền náo nào bánh Kinh, Bi, Quảng, Cảng..., Trung Thu  Nguyệt Bỉnh 中秋月饼 xanh xanh đỏ đỏ.


Trung Thu ở Nhật Bản, mọi người ăn bánh Dango 団子, uống rượu Sake, mình lấy xâu hạt bưởi đem từ Việt Nam ra đốt, làm cô bé đang rước đèn cá Chép cứ mắt tròn mắt dẹt, ông già ngâm thơ Haiku gật gật, mấy cô thiếu nữ mặc Kimono cười đến tình tứ, kín đáo, trông khác xa những hình vẽ trong chuyện Manga.

Mấy hôm trước viết hai chữ 추석 (秋夕) cho một Chaebol, được tặng một hộp bánh Trung Thu Hàn Quốc Mooncake (문케이크), trông ngon lắm, ăn vào mang phong vị tha hương, chả giống gì thứ quà cáp quê nhà, tự dưng nhớ đến tuổi thơ phá cỗ trông trăng da diết.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 16, 2017, 09:05:25 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #27 vào lúc: Tháng Mười Hai 21, 2009, 01:42:41 PM »

ĐI THĂM ĐỀN SÓC


Ngày bé mẹ dạy có ông Gióng khổng lồ, cưỡi ngựa sắt hí ra lửa, đánh giặc Ân. Ở trường cô giáo kéo tai bảo: "Bảy nong cơm, ba nong cà, đánh tan giặc, còn bây giờ cũng ăn gạo mà chỉ nghịch thôi". Chạy ra ngoài, khóc cả một ngày giời, truyện ông Gióng thì thích, còn làm như ông Gióng thì ai làm được.


Lên cấp II, mấy lần tham gia Hội Khỏe Phù Đổng, rồi được chọn vào đội tuyển điền kinh, biết thế nào là mùi vị để khỏe như ông Gióng, sáng chạy 10 cây, chiều tập thể lực nặng, ăn uống xa xỉ lắm là bát Phở, quả trứng vịt lộn, người cứ sắt lại. Cái khẩu hiệu: "Khỏe để bảo vệ tổ quốc" cứ đeo đuổi hằng năm trời.


Nghiên cứu cuốn Đông Phương Thần Thoại Truyền Thuyết 东方神话传说 của NXB Đại Học Bắc Kinh 北京大学出版社, thấy có truyện Thánh Đổng Thiên Vương 圣董天王传, ngồi hồi lâu nghĩ về hai chữ Đổng - Dóng (Gióng), mới mở Đại Việt Sử Ký toàn thư đọc lại:

"Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng)."


Sáng Chủ Nhật đi đền Gióng cùng hội xe cổ, giữa trưa đứng tần ngần trước Hồ Sóc Sơn, xem dấu chân ngựa thuở nào, đâu rồi vết người xưa diệt giặc. Cả đoàn ai cũng bảo lẩn thẩn, có khi còn hơi điên cũng nên. Điên cũng được, miễn là sống được trong thế giới của mình.


Nhiều lúc sống cùng cổ nhân cũng thú vị, mọi người lo mua sắm, chụp ảnh, mình tranh thủ đọc lại mấy câu đối trước cổng đền, câu đối sửa lại, thợ đắp phần nhiều không biết chữ Hán, nét chữ xấu đi nhiều.


Quá trưa, thời gian đã muộn, trưởng đoàn quyết định cử người đại diện đi thắp hương ở đền Trình để vào thẳng đền Thượng.



Sau đền Trình là đền Mẫu.



Đền Thượng


Ban thờ đền Thượng uy nghi, bức hoành phi Càn Khôn Lập Trĩ 乾坤立峙 nét bút sắc xảo và tài hoa, đứng dưới chân bậc Thánh Nhân, nghe cụ từ đền kể về gốc cây Trầm Hương vắt áo, về Đức Phù Đổng Thiên Vương, ông Lê Hoàn, Na Tra thái tử, về ông nông dân ở Bắc Ninh, thấy hình như cổ nhân đang đứng cạnh mình.


Gần đền Thượng là Chùa Đại Bi, vì thời gian có hạn nên đoàn không vào thăm, đành hẹn khi khác.


Sực nhớ cách đây nhiều năm, lên núi Vệ Linh, bậc đá thăm thẳm lên cao như dẫn vào nơi tiên cảnh.


Nhà bia đền Sóc Sơn, nơi cùng thằng Tuấn ngồi cả buổi trưa ngồi đọc. Thấm thoắt đã gần chục năm.


Đường đi ăn trưa bụi bặm, cả đoàn tiến về một khu du lịch ẩm thực gần đền.


Nhà sàn ẩm thực, mô hình mình đã thấy nhiều ở Vân Nam, nhìn phong cảnh lẫn trong hoang sơ, dường như chén rượu bên những người bạn không thể nào dứt.


Ăn trưa xong, cả đoàn lên Chùa Non Nước, nơi có bức tượng Phật rất lớn mà hồi cùng thằng Tuấn lên thăm còn đang đúc dở dang.


Xe hỏng phanh tay, mình quay xuống, leo lên cao, nhìn phong cảnh Sóc Sơn, lại nhớ đến câu:

Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.


Cả một ngày ở đất Sóc Sơn, trên đường về cứ băn khoăn câu của Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược: “Một trong những hiểm họa luôn rình rập đất nước ta đó là lụt lội. Cho đến giờ, một năm chúng ta phải đối mặt với không biết bao nhiêu trận bão lũ, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu này”. Qua đó ông cho rằng Đức Thánh Gióng trong Thần Phả từng được coi là anh hùng trị thủy.


Đường về qua Học Viện Phật Giáo Việt Nam, tự dưng thấy một chút gì lưu luyến, rồi mình sẽ đi đâu, giữa Đời và Đạo, liệu một bước chân nơi Thiền Viện có giúp người ra khỏi nỗi trầm luân?
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 15, 2017, 07:02:57 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #28 vào lúc: Tháng Một 01, 2010, 06:15:24 PM »

ĐÊM TẤT NIÊN


Hà Nội của một người hoang tưởng, như ở bên thành Viên nước Áo, như trong chuyện Andecxen, cổ kính, âm u và lạnh lẽo, chứa đựng đâu đây hơi hướng cái quỷ quyệt theo kiểu tháng củ mật, cái tàn độc của Nữ Thần Băng Giá, giấu trong những đợt gió rét thổi o o, ẩm ướt, thấm buốt nước mưa trên những cành khô mộc yêu tinh, nguều ngào cố vươn những tiếng gọi thất thanh, u uẩn cuối cùng rồi đây sẽ giẫy chết trong ánh nắng của mùa xuân đang vẫy gọi.


Thần Lửa, phải, Thần Lửa, người sẽ đem đến đây bữa tiệc cuối cùng, nguồn sáng của cây nến đêm Chúa Giáng Sinh, rồi bùng lên ấm cúng trong ngày tất niên, khi tòa lâu đài thời gian đóng kín quanh năm, cổng thành lại mở, gã Thần Giờ cáu bẳn, khó tính lúc nửa đêm sờ soạng tìm đèn nến, khua cây gậy đánh lên 12 tiếng chầm chậm, nhanh dần rồi từ đau khổ thành hân hoan, cho nụ cười bật ra từ những kìm nén lâu ngày, và lời thỉnh nguyện kiều diễm lại vang lên: CHÚC MỪNG NĂM MỚI. Chiều nay, ngóng về phía Thủ Đô, đôi mắt những bà mẹ trông chờ, đôi tay bấm đốt của những người cha nhẩm tính một năm tròn trở lại, trong khi đứa em đứng ra bụi tre đầu dốc, mong những người con, anh chị trở về, và bập bùng trong khói bếp, ấm nước tẩy trần đang sôi, nồi nước canh luộc gà cho bữa cơm năm hết.


Đã lâu rồi cái tiết nhật tha hương, ngày cuối năm đứng bên này quan tái, rót chén rượu xứ lạ, nói câu chữ Thánh Hiền. Bắc Kinh cuối đông trắng mênh mang, rét như cắt da thịt, sức vóc người Nam đứng trước ngọn Sóc phong, tuy bành trướng và dữ dằn, ấy mà quyết không thể bị quật đổ, duy đôi mắt thấy đỏ quạch như triền sông, như chứa nặng cái tình phù sa châu thổ, nơi ấy chắc nhiều nỗi ngóng chờ.


Có một lần nói chuyện với Lily Hoang, một học viên ở Canada, nghe nỗi lòng của một trời hải ngoại, tự dưng thấy muốn kể thật nhiều, thật nhiều, về mùa muỗm Dâm Đàm năm xưa, về Đấu đong quân, này núi Non Nước, kia đỉnh Vô Vi, nọ chân Tử Trầm nữa sườn Hương Tích, đâu đâu cũng bàng bạc phong khí nước Nam, khiến tấm lòng của những người xa quê hàng năm trỗi dậy, đặc biệt vào dịp cuối năm. Thời gian vùn vụt trôi, từ khi Lily Hoang trở về Canada, lâu không gặp lại, tất niên này đã nhiều mùa xuân.


Chiều cuối năm, ngồi sắp xếp lại tài liệu trên bàn trước khi niêm phong, bắt gặp những gì đã đi qua trong quá trình sống và làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, những danh sách học viên, những đoàn khách vào ra, những ấn bản chứa đựng bao công sức lao động của các giáo sư, bác sĩ: Nghiên cứu bào chế 50 cây thuốc thường dùng, Sổ tay cán bộ Y học cổ truyền tuyến cơ sở, bản thảo Bảng chuẩn thuật ngữ quốc tế của WHO về Y học cổ truyền.


Thế là một năm cũ lại sắp qua, đất nước trước những vận hội mới, nhiều người lại đặt thêm niềm hy vọng, có thể là những trọng đại quốc gia, nhưng có khi chỉ là những ước ao bình dị, thôi thì nếu không thể làm ngọn đuốc lớn, thì hãy làm ngọn nến soi sáng trong nhà mình. Chiều cuối năm buông ra những tiếng thở dài, có thể là của một Lưu Bị thời Hán mang chí chim bằng, có thể là một chuyến hàng bán buôn thua lỗ, có khi là của cô gái vừa bán đi cái trinh tiết ngày hôm qua, của một anh khóa hỏng thi nơi hý trường bạc bẽo, và có cả tiếng thở dài thật tự tin trước thời cuộc:

Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân
Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương
Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ
Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai
Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm
Có mùa xuân nào đẹp bằng.

Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới
Chứa chan niềm tin đường ta đi xanh thắm mộng đời
Về tương lai, đàn chim ơi,
Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu
Có cơn gió mừng buồn thương mùa đông và mây mù sẽ tan.


Hà Nội đêm tất niên không còn là của kẻ hoang tưởng, nhưng đẹp huyền thoại, thời khắc này ghi dấu những bước chân của những người con Trăm Trứng tiến vào cái tuổi nghìn năm, có già cỗi không nhỉ, khi sức xuân còn quá sung mãn, dồi dào, như cô gái đang đến thì Cách Nương Long, đột khởi sau làn áo những mầm ươm của một thời thì dậy.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 16, 2017, 09:07:38 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Khuatlao76
Khách
« Trả lời #29 vào lúc: Tháng Hai 08, 2010, 09:28:32 AM »

LẠP XƯỜNG


Quang Tự thập nhị niên 光绪二十年 (1894), có người bán cháo tên Vương Hồng 王洪, nảy ra ý đem thịt lợn thừa, ướp muối đường nhồi vào vỏ lòng lợn, đem phơi, đem ra ăn thấy ngon miệng, từ đó chiếc lạp xường 腊肠 ra đời. Đến nay dừng chân ở Quảng Đông 广东, Hương Cảng 香港, Áo Môn 澳门, ra ngoài chợ đều thấy bán nhan nhản thứ này cả.

Lạp xường đi khắp thế giới, sang Tây với cái tên Chinese Sausage (Xúc xích kiểu Tàu), theo bước chân người Hoa xuất hiện trong các ngoài chợ, siêu thị, các phố mua bán và trong các bữa ăn. Những đầu bếp Châu Âu sau khi học lỏm được bí quyết nhồi lạp xường, cũng đã đem về nước mình, chế tạo ra những sản phẩm riêng với những gia vị bản địa, làm dài thêm bản danh sách các món ăn.

Ở Việt Nam, Sóc Trăng là nơi làm lạp xường ngon nổi tiếng. Ngày còn nhỏ thấy các cụ kháo nhau về lạp xường Mai Quế Lộ, rồi Tết đến đôi khi thấy trong bữa ăn, được mẹ đem ra rán, thái thành lát mỏng, chấm nước mắm mặn ăn dè, gọi là chút chút sang trọng. Lạp xường Mai Quế Lộ theo phong cách người Hoa, ướp muối, đường, ăn thơm nhưng vị ngòn ngọt là lạ, nên cũng chả đọng lại trong ký ức ấn tượng gì ngoài là một món ăn mà chỉ Tết mới nhìn thấy.

Thời mở cửa cuộc sống cũng dễ thở nhiều rồi, những gì mà thành phố ruồng bỏ thì người quê bây giờ thịnh hành, trong khi người thành phố thích ăn gà luộc thì một người ở quê sẵn sàng đem lọc thịt gà ra xào xả ớt, gọi là cho có phong vị thành phố, còn những gì ở những nước tân tiến đã quá chán thì người Việt mình lại đang ưa dùng. Giao lưu Đông - Tây, lạp xường chạy sang Tây, xúc xích chạy sang ta, thế nên nhiều lúc đi ăn tiệc, đều có một khay than với các cô tiếp viên nướng xúc xích váy ngắn đến tận bẹn, làm nhiều đức ông chết mê chết mệt, không biết vì xúc xích hay ở cái bắp vế trắng ngần khiêu khích kia. Tuần trước có người đem cho một gói xúc xích tươi của Ý, vẫn cứ vứt trong tủ lạnh, chẳng thèm ăn, với mình những thứ ấy dường như chả có sức hấp dẫn gì lắm.

Thế mà từ hôm qua câu chuyện lại khác, một người bà con đem xuống một cân lạp xường Lạng Sơn, thơm mùi rượu, mềm mại, ăn không ngấy mà hơn hết là không hề ngọt chút nào, có lẽ hợp với người Bắc kỳ hơn. Một khúc lạp xường Lạng Sơn, đem nướng vàng trên than hoa, chấm tương ớt cay sẽ là một món ăn thích hợp và tiện lợi khi tiếp khách ngày Tết.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 11, 2015, 06:12:33 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Trang: 1 [2] 3 4 ... 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn