Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 03, 2024, 05:49:15 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phố tên người  (Đọc 3637 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« vào lúc: Tháng Mười Một 15, 2010, 01:52:42 PM »

Từ xungu blog, thấy có những vấn đề rất thiết thực và quen thuộc, nhưng chưa được các cấp chính quyền và người dân quan tâm đúng mức. Xin giới thiệu tại đây để mọi người cùng suy ngẫm và đánh giá.

Phố tên người

Phạm Xuân Nguyên

Hà Nội đã bắt đầu đại lễ kỷ niệm ngàn năm từ Thăng Long. Bao thế hệ tiền nhân hữu danh và khuyết danh đã làm nên đất nước, làm nên kinh thành. Những người khuyết danh để lại tên tuổi họ cùng cỏ cây sông nước xóm làng. Những người hữu danh được lưu tên trong sử sách, được các đời sau nhắc nhở, được lấy tên đặt cho các địa điểm cụ thể. Thăng Long – Hà Nội ngàn năm có biết bao đường phố mang tên các danh nhân, các anh hùng, chí sĩ, các nhà văn hóa, quân sự. Mà không chỉ thủ đô, ở các thành phố tỉnh thành nào cũng đều có những con đường, con phố mang tên các nhân vật lịch sử chung của cả nước, và riêng của từng vùng miền, từng địa phương. Những nhân vật lịch sử nổi tiếng rộng khắp thì ai cũng biết, nhưng phần nhiều là không biết chắc. Còn những nhân vật lịch sử ít nổi tiếng hơn, nhất là ở địa phương, thì hầu như ít ai biết. Đi trên một đường phố mang tên danh nhân, anh hùng, mà không biết họ sống thời nào, họ là ai, thì cảm giác vừa xấu hổ cho mình, vừa băn khoăn cho người đặt tên phố. Trong muôn vàn con người qua lại hàng ngày trên đường trên phố, có mấy ai là người hiểu sâu lịch sử, văn hóa, để mà nhớ kỹ, nhớ sâu, để mà có thể nói vanh vách phố Lê Đại Hành là mang tên thụy của Lê Hoàn, ông vua mở đầu triều đại Tiền Lê (980 – 1009). Tiếp triều đại này sẽ là đời nhà Lý mà mở đầu là việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long cho hôm nay ta kỷ niệm ngàn năm lịch sử.

Giả sử rồi đây Hà Nội sẽ có thêm một đường phố mang tên Đào Cam Mộc thì dân chúng đi đường và nhất là dân cư sống tại đường đó, phố đó, sẽ lại khó biết ông này là ai. Đào Cam Mộc là một đại thần thời Tiền Lê, dưới thời vua Lê Long Đĩnh. Khi Lê Long Đĩnh mất, ông đã thay mặt bá quan văn võ dâng lời mời Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Lời tâu mời của Đào Cam Mộc đã giúp Lý Công Uẩn quyết tâm hơn trong việc nhận lấy sứ mệnh lịch sử của trời và người đặt vào mình, lập nên nhà Lý, tạo ra Thăng Long. Để giúp người qua đường, dù hững hờ đến mấy, bận rộn đến mấy, cũng có thể nhìn biển tên đường phố mang tên người mà biết người đó là ai, thì việc đơn giản chỉ là thế này thôi: thêm vào dưới họ tên nhân vật hai chùm con số niên đại năm sinh năm mất và một danh xưng của người đó. Thí dụ: Lý Thái Tổ (974-1028), vua sáng lập triều Lý; Trần Hưng Đạo (1228-1300), nhà quân sự, Nguyễn Du (1765-1820), nhà thơ, Nguyễn Tuân (1910-1987) nhà văn… Chỉ nhìn vào hai yếu tố sau tên gọi là đã đủ cho người nhìn vào biết ngay nhân vật đó là ai và sống ở thời nào. Từ đó nếu muốn biết thêm, hiểu sâu thì về tra sách vở.

Vâng, ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, chỉ xin đề xuất một việc như thế. Một việc đơn giản cho biển phố mang tên người: họ tên, niên đại, chức danh. Hà Nội làm trước và làm được thì các phố thị trong cả nước sẽ làm được. Như thế, các bậc tiền nhân, danh nhân được xưng tụng, lưu danh mới khỏi chạnh lòng khi nhiều con cháu không biết họ là ai.

Hà Nội 1.10.2010

(Báo Nông Thôn Ngày Nay, 2.10.2010)

 (Đề nghị này tôi đã nêu lên từ năm 2004, nay nhân ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, nhắc lại để mong được mọi người chia sẻ và chính quyền thực hiện).
Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Mười Một 15, 2010, 01:53:39 PM »

Phố mang tên người


Hồi đạo diễn Trần Văn Thủy làm bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai”, ông có cho quay cảnh hỏi chuyện một thanh niên sống ở phố Tô Hiến Thành có biết cái ông mà tên phố này mang là ai không, anh thanh niên lắc đầu rằng là mang máng, rằng là hình như, rằng là… Gần hai mươi năm sau bộ phim của ông Thủy, có một nhà báo khi đi thực tế tìm hiểu vẫn cho hay rằng là đa số người dân không hiểu biết gì về con người được đặt tên cho phố cho đường nơi mình cư trú. Buồn vậy thay. Một nhà văn nào đó từng nói tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu bằng tình yêu cụ thể ngay từ nơi mình sinh sống. Trách người dân vô tình, hờ hững khi không biết "Ai" là người được đặt tên cho con phố mình đang sống ư? Có thể. Nhưng giữa cuộc mưu sinh tất bật trăm bề, chuyện một cái tên phố mang tên ai, người ấy làm gì, hành tích ra sao, có khi chưa phải là chuyện cần kíp, sống còn với người dân. Vậy thì sao chính quyền không giúp dân thêm một bước nữa sau cái bước chọn tên người đặt tên phố. Ở đời ai xưng danh hay xưng danh ai thì cũng phải nói rõ ai đấy là ai. Giá như bây giờ trên các bảng tên đường phố mang tên người ở thủ đô và các thành phố khác khắp cả nước ta thêm vào bên họ tên mỗi vị có năm sinh năm mất và một dòng đề nghề nghiệp của họ. Thí dụ: Lý Thường Kiệt,1019-1105, tướng quân; Nguyễn Du, 1765-1820, nhà thơ; Trần Phú, 1904 – 1931, nhà chính trị; Vũ Trọng Phụng, 1912-1939, nhà văn, v.v.

Xin đừng nghĩ đây là vẽ việc, hay những người nổi tiếng thì ai cũng biết rồi. Thứ nhất, những chỉ dẫn ngắn gọn đó là thông tin tối thiểu và bước đầu, ai vô tâm nhất cũng không thể quên vì hàng ngày đi qua về lại tấm biển tên phố đều đập vào mắt nhìn, còn ai muốn tìm hiểu thêm thì đã có một sự dẫn dắt, gợi mở. Thứ hai, nhiều tên phố ở các địa phương mang tên các nhân vật ở địa phương đó, thêm mấy chữ vào là một cách giới thiệu “nhân vật chí” của quê hương mình. Thứ ba, du khách nước ngoài đến Việt Nam, dù biết tiếng Việt hay không, họ đọc tên phố mang tên người với những thông tin tóm tắt như vậy, bước đầu đã có thể biết sơ lược về văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay, trên mọi mặt chính trị, quân sự, văn hóa. Ở Paris tên phố mang tên người bao giờ cũng có hai yếu tố này. Thí dụ: Rue de Balzac, 1799-1850, écrivain. Nhờ đó du khách đến đây chỉ cần dạo qua phố phường đã biết được khá nhiều các nhân vật nổi tiếng của nước Pháp là họ sống thời nào và làm gì.

Cũng ở thủ đô nước Pháp có một phố mang tên một kỹ sư ở Sở công chánh đã có công hoàn thiện hệ thống cống ngầm Paris . Tôi quên mất tên phố đó nhưng khi ngang qua đấy đọc cái bảng tên phố tôi thực sự ngạc nhiên và xúc động. Không ai bị quên lãng và không cái gì bị lãng quên là ở đấy. Công lao đóng góp của mỗi người dân cho cuộc sống đồng loại dù là ở lĩnh vực nào cũng đáng được ghi ơn và trân trọng. Mà cách lấy tên người đặt cho địa danh là một cách bày tỏ công khai rộng rãi tấm lòng của người đang sống với người đã khuất, của hiện tại đối với quá khứ. Có một sân bay ở thành phố Liverpool được mang tên John Lenon. Ở một nước châu Phi đã có một tượng đài cầu thủ bóng đá.

Tại thị xã Hà Tĩnh, từ nhỏ tôi đã biết có một khu phố Lê Bình, nhưng Lê Bình là ai tôi chẳng biết. Bẵng đi mấy chục năm xa quê, một tên phố ấy ngỡ đã quên chợt lại hiện về khi tôi đọc trên một tờ báo có bài viết “Anh hùng Lê Bình và đội cảm tử lừng lẫy đất Tây Đô”. Tôi thấy mình có lỗi với một người đi trước ở quê mình. Nhưng đoạn kết bài báo có một chi tiết khiến tôi băn khoăn: “Tại thị xã Hà Tĩnh, tên của anh hùng liệt sĩ Lê Bình được đặt thay con đường Nguyễn Công Trứ”. Sao lại lấy người nay thay người xưa như vậy, khi cả hai người đều xứng đáng làm đẹp cho những con đường ngày ngày nâng bước ta đi? Có lẽ ở đây có sự nhầm lẫn gì đó chăng.

Tôi đem chuyện bổ sung yếu tố vào bảng tên phố mang tên người trò chuyện với mấy người bạn. Họ bảo: cứ cho là được đi thì như phố Lãn Ông sẽ đề thế nào, lại còn là Trần Hưng Đạo hay Trần Quốc Tuấn, Lý Thái Tổ hay Lý Công Uẩn, nghĩa là tên phố theo tên người thật hay theo tên hiệu tước hiệu, thì đề thế nào. Phiền phức, tốn kém lắm. Thay bao nhiêu bảng tên phố tên đường đâu phải ít tiền, trong khi còn bao việc quốc kế dân sinh khác cần tiền và tiền...  Không phải ý kiến của mấy người bạn tôi không có căn cứ nhưng tôi thiết nghĩ: có tiền không chắc đã có văn hóa, nhưng có văn hóa sẽ có tiền... Vả lại, việc "gia công" thêm chút văn hoá cho việc ghi bảng tên cho đường tại sao lại không phải là chuyện cần kíp?
Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn