Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 03, 2024, 10:45:20 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Có một nguyên nhân dời đô khác? (Tạ Chí Đại Trường)  (Đọc 4109 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« vào lúc: Tháng Chín 25, 2010, 12:12:39 AM »

Có một nguyên nhân dời đô khác? (Tạ Chí Đại Trường)
(xungu'' blog)

Việt Nam tưng bừng chuẩn bị kỉ niệm Ngàn năm Thăng Long. Một lễ hội Nhà nước tân thời, bởi vì trong quá khứ không có triều đại nào định ôm tròn cả lịch sử của triều đại khác thu về tay mình như thế, và cũng chẳng ai kịp có phương tiện thừa mứa của thế giới kĩ thuật để mưu cầu hạnh phúc vật chất, thoả mãn tính phô trương, làm một cuộc kinh doanh quyền lực chính trị to lớn như bây giờ. Con người trên đà đi tới, có lúc phải sống trong một thế giới ảo được tạo dựng để lừa dối nhau, rồi cũng đi đến chỗ tự gạt gẫm mình, vì phải sống ở đó như là sự thật, và để chính trị trở thành lịch sử tiếp nối. Lịch sử đó đến nay đã ngập chìm trong một không khí huyền thoại, “truyền thống”, mang đầy những tin tưởng lí số quê mùa mà cao ngạo có vẻ không gì lay chuyển nổi. Nhưng quá khứ thì dù sao cũng không thể cải sửa. Ngàn năm trước, cuộc sống nhỏ bé hơn, bình thường hơn. Sử gia không đi tìm quần chúng thuộc hạ, sử gia cố gắng / may mắn vượt ra ngoài sự hấp dẫn / ràng buộc của miếng đỉnh chung thì chỉ thấy còn lại có những tờ giấy cũ nát, những chứng cớ tản mạn để gom lại thành cái gọi là quá khứ. Cho nên dù muốn đi tìm một lí do dời chuyển lịch sử khác của người ngàn năm trước thì tuy chỉ là không chịu làm người “chép” sử nhưng cũng thấy không phải cưỡng ép ai.

Chuyện chuyển đổi triều đại, trần trụi

Sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ ý kiến thì phải chịu vướng mắc của thành kiến tích tụ trong lời nói nên có lúc phải lo phân trần trước. Theo thói quen đọc từ các bài sử thông dụng, chữ “triều đại” và các từ liên hệ về ngôi (vua), chức phẩm... gợi ý về một tình trạng tổ chức cao cấp, phức tạp mang dáng vẻ đường bệ cao sang... có khi che khuất những sự thật tầm thường, vốn thật ra là bình thường của bản thân chúng. Sự huyễn hoặc của ngôn ngữ đánh lừa ngay cả những người vẫn tự cho là thông minh, thuộc tầng lớp cao trong xã hội. Không hề gì, lầm lạc là chuyện của muôn đời, của con người vốn không thể vượt thoát khỏi khung không gian sống trong thời gian mình được đào tạo nên. Các ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... học sách Thánh Khổng nhuần nhuyễn, thấy các ông chủ Đinh, Lê, Lí xưa của mình phong một loạt năm/ba bà vợ làm Hoàng hậu, liền chê trách người đương thời là ngu dốt, đâu có nghĩ rằng các ông chủ buôn làng lớn đó không phải chịu chế độ một vợ một chồng thời nay, mà cũng đâu có biết chuyện cấp bực hệ thống cung đình không có trong hang núi, đồng ruộng của các ông? Cho đến nay vẫn không tìm thấy sử gia Việt Nam nào chịu bỏ quan niệm về tính chất “trung ương tập quyền” gán cho các triều Lí, Trần, không chịu nhận rằng ngoài các ông vua nằm/ngồi ở Thăng Long / Đông Đô còn có các ông chúa nhỏ ở các địa phương mà sử quan của tông tộc cầm quyền không ghi chép, hay có ghi nhưng với địa vị khác. Còn nói gì đến chuyện “triều đại” chuyển tiếp qua ông vua muốn đi đến “đô cũ của Cao Vương [thành Đại La cũ]... chốn thượng đô kinh sư mãi muôn đời”!

Vậy thì hãy nhìn vào thực chất của các “triều” Đinh, Lê. Ông Lê Hoàn và xứ sở, dân chúng ông ta cai trị đã được một chứng nhân đương thời là sứ Tống Tống Cảo đến nơi, ghi chép để báo cáo với Hoàng đế của ông ta rồi. Không tin chuyện đó thì chớ dùng, ví dụ các bản tường trình, thăm viếng ngày nay của các phái đoàn đi đây đi đó về báo cáo với Quốc hội trong nước nữa. “Kinh đô” Hoa Lư còn lại cho thấy không phải là một thành luỹ liên tục mà là một hệ thống “rào làng”, lợi dụng các cao độ của địa mạo karstic làm bờ chắn thiên nhiên, đắp thêm các tường vách đất/gạch bịt kín các hẻm hở, tạo thành một hang ổ kháng cự cuối cùng. Dấu vết đó, chứng cớ kia vẽ ra một khung cảnh tổ chức chính trị xê xích mà các nhà dân tộc học thế giới còn quan sát được để biểu hiện bằng các từ chief, chiefdom, đã thấy bắt đầu được trong nước sử dụng thay thế cho các loại “công xã / phương thức sản xuất...” này nọ. Mà cũng không phải đợi người khác chỉ dẫn. Trong tiếng Việt, trong sử sách cũ đã có một từ chỉ về con người, thể chế như thế sở dĩ bị phủ nhận chỉ vì ngại ngùng, sợ xấu hổ mà thôi, đó là chữ "Thủ lãnh".

Đất nước nằm trong tổ chức Hán hoá cả ngàn năm nên chữ "Thủ lãnh" đã che khuất một ý niệm về quyền lực không-Hán, của địa phương, được nhà khoa học bây giờ moi móc cũng chữ không-Hán, của hệ thống ngôn ngữ nền Nam Á, chỉ ra từ kurung tương đương. Thật ra thì thực tế tổ chức đó cũng vẫn không mất hẳn, duy đã lẩn khuất trong các biến động, các tên người, tên tập đoàn được biểu diễn lệch lạc, như nhóm từ Khu Liên chỉ các biến động trên vùng cực nam thuộc địa nhà Hán đã dẫn đến sự thành lập nước Lâm Ấp. Hãy nghĩ rằng âm Hán không có vần R nên phải mượn các hình thức khác thay thế, để các tên Bà Rịa phải viết là Bà Địa (Hán), Phan Rang, Phan Rí là Phan Lang, Phan Lí... Như thế thì Khu Liên vốn có thể là Khu Riên, nghĩa là các ông thủ lãnh Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lí Công Uẩn cũng là những kurung của địa phương, của thời đại. Những thủ lãnh khu riên / kurung như thế dễ dàng xuất hiện trong thế tan rã của thuộc địa An Nam Đô hộ Phủ, làm chủ từng vùng, thanh toán nhau để còn một người nổi bật, hay nhường nhịn nhau để cùng tồn tại... Đó là tình trạng giữa các “quốc” đã gả con gái / kết thông gia với Hoa Lư để có các bà hoàng hậu Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Trịnh Quốc...

Ông “hoàng đế” làm chủ nhiều sở ruộng – “quan điền”, do chiếm đoạt mà có, để cho người khác cày, hay tự mình cày vài miếng làm cảnh nên nuôi bò/trâu đầy đàn, được gọi là “quan” ngưu. Vượt lên trên tầm mức một điền chủ giàu có, ông hoàng đế phải có sức mạnh, có khả năng riêng biệt để điều khiển một lớp chiến binh dưới tay đã được mang danh hiệu cao quý “thiên tử binh” khắc trên trán để bảo vệ cho triều đại ông, gia đình ông, đàn áp khuất phục những kẻ chống đối khác. Đây là những ông điền chủ thủ lãnh nhỏ, yếu hơn, “ở trần mà cũng xưng vương” như Triệu Đà từng xác nhận, nhưng rủi ro không được sử ghi rõ tên họ nên chúng ta ngày nay không có thêm một triều đại để tuyên dương. Có mẫu hình chính quyền từ phương Bắc đem lại nên tổ chức diện địa cũng bắt chước Đường, Tống gọi là (10) đạo, (12/24) lộ để ba ngàn Thiên tử binh kia cũng được gọi là quân Thập đạo, quân toàn quốc, tuy không thể nào đạt tới số triệu như các ông quan triều Nguyễn tính ra, và để bây giờ còn nằm trong sách Bộ Giáo dục dạy cho học trò Việt Nam ngông nghênh bước vào thế kỉ XXI.

Cho nên cái được gọi là “triều đại” ở thế kỉ X trên phần đất Bắc Việt Nam chỉ là hiện thực quyền lực, trước hết là của một người, của các thủ lãnh có tính chất cá nhân vượt trội. Và tất nhiên việc đời không lúc nào là giản dị nên việc tranh đoạt quyền lực lúc này vẫn có thêm những yếu tố khác tác động vào, hoặc từ quá khứ lâu dài hoặc từ công tích mới tụ tập. Cho nên Ngô Quyền chết đi, quyền lựa chọn người nối nghiệp về tay Cậu Ba họ Dương, người cậu trong gia đình mẫu hệ, theo truyền thống là được đại diện dòng họ – như ông kouny trong một nhóm Chàm gần đây. Chính hình bóng người đàn bà họ Dương đã khiến Đinh “Tiên hoàng” chọn con nít làm người nối ngôi để đổ vỡ cả cơ nghiệp dày công xây dựng. Rồi cũng một người đàn bà họ Dương “khoác long cổn” chuẩn nhận chức quyền sau khi ông tướng Thập đạo tung quân giết người đối kháng. Người phụ nữ đó làm Hoàng hậu vua mới mà mang danh hiệu ông chồng cũ, năm chết (1000) được ghi cẩn thận – sự kiện không có bà hoàng nào khác được vinh danh chia sẻ, được làm thành phần Bộ Ba Táo quân, ngang nhiên ngồi chung hưởng cúng tế với hai ông chồng Hoàng đế, qua hơn bốn thế kỉ rưỡi. Và ưu thế dòng mẹ vẫn còn xuất hiện qua nhiều thế kỉ sau, nơi các “triều đại” tiếp tục.

Thấy có sự tranh giành quyền lực – và quyền lợi, người ta dễ nghĩ đến sự tàn sát của phe thắng, như bằng chứng của sự chuyển đổi từ Đinh qua Lê. Tuy nhiên có vẻ như một thể chế chuyển tiếp, một khi đã thành nếp thì cũng trở thành tự nhiên để người ta dễ dàng chấp nhận sự hơn thua, khỏi kéo dài hận thù hay gợi ý đề phòng lâu dài. Bằng chứng cũng lấy từ sự chuyển tiếp Đinh Lê. Đinh Toàn bị Lê Hoàn chiếm quyền (979), tiếng đồn qua Tống là bị bắt nhốt nhưng hai mươi hai năm sau (1001) thấy chết trong một trận bị phục kích khi theo quân phục vụ vua mới (chắc không phải chỉ một lần này!), và được sử ghi Lê Hoàn “kêu trời” thương tiếc, thúc quân đánh trả thù tiêu diệt quân địch! Thế là nảy sinh một vấn đề khác: Sự đề phòng về phía tập đoàn bị lật đổ có thể không đến nỗi gay gắt như người ta tưởng. Nhận định đó cũng có thể áp dụng cho vấn đề liên hệ giữa các tập đoàn thù nghịch nói chung, không phân biệt chủng tộc. Người nữ tù binh Chàm của Lê Hoàn có hai con lên làm vua nước Đại Cồ Việt: Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh. Nếu nhìn về khía cạnh liên hệ theo dòng mẹ còn thấy rõ rệt trên đất Hoa Lư thì có thể nói đây là hai ông vua Chàm trên đất Việt mà sự xung đột xảy ra với những anh em khác có nguyên nhân là tranh chấp quyền bính hơn là vì sự khác biệt chủng tộc của những người mẹ, bởi vì họ đều được vua cha phong tặng vương tước như nhau.

Thời trước, ông Tổng Tham mưu trưởng / Thập đạo Tướng quân chiếm quyền, đáng lẽ phải về tay con nhỏ ông Tổng Tư lệnh đã bị ám sát cùng người con lớn. Bây giờ ông Tổng trấn Thủ đô Hoa Lư / Tả Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ giành quyền con nhỏ của ông được gọi là Ngoạ Triều. Sử quan vẽ vời chuyện thăng trầm gian khổ, chuyện thiên mệnh báo trước tột đỉnh vinh quang, chuyện âm mưu đảo chính phức tạp nhưng đọc kĩ văn bản lằng nhằng thì thấy có sự kiện tóm gọn: Vua chết, ông tướng mang quân vào “nhà”/điện vua, cách một ngày là gạt ông phó sang bên, hạ ông vua nhỏ xuống, chiếm quyền! Sử đương thời không phải của nhà nho mà (chắc là) của Bà Thầy Ni sư Trương Ma, đã cẩn thận ghi bằng ngày can chi cho đúng phép sử dụng vào những sự kiện trọng đại như thế: Ngoạ Triều chết ngày Tân Hợi, (qua một ngày Nhâm Tí), đến ngày Quý Sửu thì Lí Công Uẩn chiếm quyền! Chuyện bình thường của hệ thống tổ chức thủ lãnh đương thời.

Chỉ có điều khác tiếp theo là việc DỜI ĐÔ. Tại sao?
Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Chín 25, 2010, 12:13:37 AM »

Có một nguyên nhân dời đô khác? (Tạ Chí Đại Trường) - tiếp

Mặt trận phía Nam không yên tĩnh

Tất nhiên cứ giở sử cũ thì có ngay câu trả lời giản dị: Đi tìm nơi “hổ cuộn rồng nằm” như định mệnh sắp đặt sẵn cho những người cầm quyền vĩ đại thời bây giờ. Không ai dám cãi về những gì “hoành tráng” đã chuẩn bị trong hơn mười năm, đang được sơn phết tô điểm trước mắt, vọng tưởng chờ đón bằng sắc của UNESCO.

Nhưng có thể viện dẫn lí do khác hiền lành hơn, khiêm tốn, dễ thương hơn: Về Quê hương Yêu dấu. Đóng “đô”, đặt trọng tâm quyền lực nơi quê hương bản quán, không phải chỉ là một hoài niệm tình cảm mà là một bảo đảm cụ thể về phe phái, về nơi chốn tung hoành quen thuộc bắt nguồn từ cơ sở truyền đời, hay ít ra cũng là có căn bản tạo dựng ngay chính trong đời mình. Họ Ngô có quyền lực thì đóng đô ở Cổ Loa, ít ra cũng gần quê hương Đường Lâm hơn là xứ Ái Châu làm-rể xa xôi. Họ Đinh vững tin đặt vạc dầu, chuồng cọp nơi xứ Mường của mình. Còn về sau họ Hồ dời về Tây Đô, họ Trần, họ Lê thiếu khả năng vật chất xây dựng đô mới, cũng ráng giữ một đô phụ: Thiên Trường, Lam Kinh!

 Cũng không biết xứ Cổ Pháp mang thực tế vật chất ra sao khi toán lưu vong họ Lí từ đất Mân đến trú ngụ làm người địa phương mà đủ uy danh để được mời chào phục vụ Đinh Lê. Bây giờ thì chỉ còn đền Lí Bát Đế / Đền Đô nhưng rõ ràng họ không sa sút khi mất quyền chủ nước đến hơn cả trăm năm sau, nên còn làm ông nhà giàu vào cung đánh bạc với ông chủ vườn tỏi Trần Dụ Tông (1341-1369). Vùng đất chôn cất tám ông vua còn là rừng rậm lớn rộng hồi đầu thế kỉ XIX, làm chỗ ẩn nấp của trộm cướp, của loạn quân đe dọa Bắc Thành nên bị ông Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho “khai quang” dọn sạch. Cho nên gán cho việc ông vua dời Đô cốt để gần quê hương bản quán cũng chỉ là chuyện phỏng đoán, nói mò.

Điều chắc chắn nhất vẫn là căn cứ trên bằng chứng, trên Chiếu Dời Đô. Nhưng sự việc có giản dị như thế không? Ông vua có chịu nói hết các lí do không? Ngô Quyền đã không chọn phủ Đô hộ dù rằng đó là nơi kinh dinh phồn thịnh với chợ Đông đe dọa ông phù thuỷ Cao Biền, với thành luỹ vòng trong (La Thành), vòng ngoài (Đại La Thành), chắc chắn từng là nơi trú đóng của toán thuyền chiến và quân binh “chế độ cũ” giúp ông chiến thắng trên sông Bạch Đằng! Ấy thế mà vùng đất này cũng còn đầy sông rạch với bầy cá sấu bỏ chạy trước chiến thuyền binh tướng từ Hoa Lư kéo ra ngày tháng 7âl. 1010 năm ấy. Trên đất đã xây cất nhà cửa, cung điện mà cá sấu còn bò lổn ngổn trên sân, chui vào nhà, leo lên gác, chắc đi kiếm đồ ăn vương vãi rồi thấy người thì bỏ chạy khiến chỉ có kẻ-ăn-người-làm-gái / cung nữ trông thấy mà thôi!

Ngay trên đất Hoa Lư, họ Lí cũng không cô đơn vì tính chất lưu vong của mình. Lê Hoàn có Hồng Hiến “người Bắc, thông hiểu kinh sử... làm quân sư... mưu bàn việc nước”. Ông này chết đi (988), chính sách còn lại đủ cho các quan ngăn vua đừng phế trưởng lập thứ. Lí cũng không bị đe dọa vì đã đảo chính, chứng cớ là Lê Hoàn vẫn ở Hoa Lư dù từng làm con nuôi đất Thanh Hoá, dù ngày nay đất Hà Nam giành là quê gốc của ông. Sau khi đảo chính, Lí Công Uẩn không bị phe phái Hoa Lư đe doạ nhiều vì ông đã tổ chức được cơ sở vật chất cai trị trong ngoài, với đủ phe phái chia quyền, có cả hệ thống tăng đạo yểm trợ về mặt thần quyền, nghĩa là có vẻ vững vàng hơn Đinh Lê. Gần một năm sau ông mới dời đô, sau chuyến về thăm quê cũ như một hành động “áo gấm (rồng) về làng”. Đe dọa nếu có, thực sự là đến từ phía khác. Bên ngoài. Từ vùng đất phía Nam Hoa Lư.

Ngô, Đinh phải nhường quyền nơi này cho ông được coi là Khâm sai triều đình: “Ái Châu, Cửu Chân Đô (Hộ) Quốc Dịch sứ” Lê Lương. Lê Hoàn bị sự đe doạ của các quản giáp Dương Tiến Lộc, Lưu Kế Tông trong vùng. Và sau này (1012) Lí Thái Tổ đánh Diễn Châu vì dân “không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn... tội ác chồng chất...” Và với tay được tới Diễn Châu vì năm trước ông đã đánh dẹp toán giặc Cử Long từng tung hoành dọc theo sông Mã, lấn ra đến cửa sông Đáy, đe doạ Hoa Lư thật sự.

Toán “giặc” ở Ái Châu này, theo Lí Công Uẩn, là “hung hăng dữ tợn, trải hai triều Đinh, Lê không đánh nổi”. Chiến tích đầu tiên xuất hiện trong sử là trận phục kích quân của ông Hoàng đế Lê, khiến cựu Hoàng đế Đinh Toàn bị trúng tên chết (1001). Khi Lê Hoàn chết (tháng 3âl. 1005), các con tranh quyền, Hoàng tử Long Tích, người có tư thế tiếp ngôi nhất, thua Ngoạ Triều (tháng 10âl.), chạy vào nương nhờ sự che chở của Cử Long. Ngoạ Triều đang giành quyền với anh em ở phía Bắc cũng phải bỏ về Nam vì tin báo “giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa Thần Đầu”, một cửa sông Đáy tiếp cận vùng Hoa Lư, cửa Thần Phù nổi danh trong truyền thuyết, ca dao! Lí Công Uẩn đã ra Thăng Long (1011), nghe tin Cử Long “nổi dậy càng dữ, phải đem quân đi đánh, đốt bộ lạc, bắt kẻ đầu sỏ đem về”.

Địa điểm tung hoành của “Man” Cử Long được sử quan Nguyễn ghi là Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) nên giúp cho sử gia ngày nay chú thích thêm “thuộc vùng đất Mường”, hàm ý Cử Long là một bộ lạc Mường. Một cái tên xuất hiện tất có nguyên do của nó. Sử quan không thành thạo về dân tộc học thì gán cho bọn “giặc” là loài Man Mọi cũng phải. Người nay chi li hơn, thấy ra chữ Mường chắc cũng cho là hợp lí nhưng e rằng đó là “lấy nay làm xưa”. Theo tình hình chung của các thế kỉ xảy ra biến cố thì hiện tượng tràn lấn của các tập đoàn Thái qua đông, xuống nam thật rõ rệt trên các trang sử Việt. Thời Bắc thuộc có chủ trương Thác Đông (đi về phía đông) của Nam Chiếu làm bận tâm Cao Biền, và cũng khiến Lí chưa hết lo lắng. Những người mang họ Trịnh khiến Lê Hoàn, các vua Trần mang quân chống đánh, rõ là gốc Thái. Thấy họ cứ loay hoay ở vùng núi Tản Viên, thần sơn của Đại Việt, lăm le tràn xuống kinh thành. Không phải chỉ là suy đoán từ “chiềng”, một địa điểm, qua “trịnh”, một họ, mà dấu hiệu còn rõ rệt hơn với tên Ngưu Hống giao tiếp với Lí (1067), quấy rối Trần. Ông Hà Văn Tấn dò sát phiên âm, cho thấy gốc “ngù háu” có nghĩa là “rắn hổ mang”, dấu hiệu riêng biệt cho tộc Thái còn giữ lại đến ngày nay, khi trước 1975, một chiến đoàn Thái đến đóng ở Tây Ninh (?) còn lấy tên (Việt) là Mãng Xà Vương Hậu.

Sự tiếp xúc dân tộc trên vùng phía bắc hẳn là sát sao hơn nên còn giữ nguyên âm vận tên tộc đoàn. Còn trên vùng dọc sông Mã, không hiểu vì lẽ gì người ta lại dịch ra âm Hán cho tập đoàn quấy đảo phía nam Hoa Lư này: “cử long” là “rắn ngóc đầu lên”, con cobra / rắn hổ mang! Vậy là quanh các năm 1000 đã có một tập đoàn Thái tràn lấn dọc sông Mã, xuống đến bờ biển phía đông, chứa chấp kẻ “phản loạn”, đe doạ Hoa Lư nhiều mươi năm liền. Tuy sử nói rằng trong trận chiến 1011, Lí Thái Tổ “bắt kẻ đầu sỏ đem về, giặc ấy bèn tan...” nhưng khu vực họ lấn chiếm đã rộng đến như thế thì “dư đảng” hẳn không dễ biến mất mà còn lẩn khuất trong lịch sử để xuất hiện với nhóm Lam Sơn gần đó, không xa, ở thế kỉ XV. Ông Đạo Cham hàng Minh được lãnh đất Nga Lạc hẳn là đã cai trị trên con cháu những người bà con đồng thời. Phần đất phía nam kinh đô Hoa Lư rõ là không được yên tĩnh cho lắm để ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định dời đổi chỗ ở của ông vua muốn mở thời mới.

Một điều gợi bất an lẻ loi không khiến người ta phải hoảng hốt quay cuồng nhưng nhiều yếu tố bất an dồn dập gồm lại sẽ mang tính đe dọa tổng hợp to lớn, vẽ ra mức độ trầm trọng chết người hơn. Lí Công Uẩn chiếm đất đai, kho tàng của người khác, nội bộ cũng không tin cậy nhau (vụ bỏ trốn của một nhóm nhân vật đất Mân, vụ tướng tá, anh em âm mưu chống đối...), bên ngoài phải chịu đựng tộc lạ thù nghịch, ông vua hẳn là phải nghĩ về một nơi cho là an toàn hơn. Một chuyến đi li khai có phối hợp tình thế trong ngoài. Và sự lựa chọn đúng đắn đã mở ra được một thời mới, cho bản thân gia tộc, và cho những tộc đoàn nối tiếp.
Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Tiêu-diêu
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 1079


« Trả lời #2 vào lúc: Tháng Mười 01, 2010, 08:27:17 PM »

LÝ THÁI TỔ VÀ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Minh Mẫn

 

Nếu tính đời người là một trăm năm thì một ngàn năm chỉ bằng mười đời người hoặc mười người cộng lại; vả lại, không gian vô tận, thời gian vô cùng thì một ngàn năm là giấc chiêm bao còn lưu trên hoang tích của vôi vữa, đá gạch nằm trong lòng đất!

Thế nhưng, một ngàn năm đó chỉ như mơ hồ trên sách vở, hoặc ảo ảnh giữa hư vô kể từ Minh Vương Lý Thái Tổ di đô từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010 ( Thuận Thiên thứ 1, vào tháng 7 ), mà di tích được khám phá trên một vùng rộng lớn tại thủ đô Hà nội vẫn còn là minh chứng thật cho một huyền sử xa vời!

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam suốt chiêu dài trên bốn ngàn năm danh sử, những vị vua từng có công dựng xây và chấn hưng đất nước là chuyện bình thường, cũng như có những đời vua làm băng hoại tổ quốc và trụy lạc cá nhân cũng không thiếu, thế nhưng, Lý Công Uẩn, mở đầu cho những triều đại kế tục, suốt hơn bốn thế kỷ đem lại thái bình cho nhân dân và thống nhất giang san một mối, tạo sự kiêng nể cho ngoại xâm, dẹp tan ý đồ bá quyền của nước lớn và bình định lân bang bằng ngoại giao, bằng uy tín, bằng chiến lược và kể cả sức mạnh quân sự. Phải nói hai đời Lý và Trần thực sự là thời đại vàng son của một dân tộc, vừa củng cố an ninh quốc nội, vừa phát triển ngoại giao, vừa hưng thịnh kinh tế, vừa ổn cố chính trị, và quan trọng nhất đã thống nhất lòng dân bằng Tam giáo mà Đạo Phật là chủ lực tạo một tiềm lực đáng kinh ngạc trong những lúc đất nước hưng thịnh, ngoại trừ có những hôn quân phế truất Phật giáo thì những lúc đó, đất nước lâm vào suy vong như lịch sử đã minh chứng.

Như lịch sử đã ghi nhận, Lý Công Uẩn vốn xuất thân từ nhà chùa, con nuôi của Lý Khánh Vân và là đệ tử truyền thừa của Thiền sư Vạn Hạnh. Từ bé đã không cha, mang một lý lịch huyền thoại, nhưng cốt cách sinh hoạt thường nhật của một chú bé ở chùa chứng tỏ một con người không mang tính huyền thoại để bước vào đời nhận lãnh trách nhiệm gánh vác giang san trên đôi vai một Phật tử. Triều đại Lê Long Đỉnh, Lý Công Uẩn làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Trong hàng quan tướng tứ trụ vương triều thì Lý công Uẩn tỏ ra nhân hậu, nhiệt tình, trung thành, được lòng quan triều và tín nhiệm của Lê ngọa Triều. Tuy Lê Long Đỉnh tỏ ra hư hỏng, tha hóa và độc ác đối với lê dân cũng như thô bạo đối với sư sãi, giải khuây bằng sự chết chóc của tội nhân, tham dâm vô độ, giết anh cướp ngôi (1)…đã làm mất lòng dân cực độ, thế mà Lý Công Uẩn vẫn tròn đạo nghĩa vua tôi, chính vì thế mà Lý Công Uẩn được Lê Long Đỉnh rất tin tưởng. Lê Long Đỉnh băng hà lúc 24 tuổi, con còn quá nhỏ. Đào Cam Mộc và quần thần tôn Lý Công Uẩn lến ngôi vua, ứng với điềm lành báo trước cây gạo ở chùa làng Diên Uẩn, (Cổ Pháp) bị sét đánh mà Vạn Hạnh tiên đoán nhà Lê suy Lý Thịnh; Cho dù Lý Công Uần được Đào Cam Mộc và Vạn Hạnh thiền sư hậu thuẩn, nhưng không có thần khí nhân từ, chơn mạng đế vương được lòng thiên hạ thì cũng khó mà cửu trụ.

Lý Công Uẩn lên ngôi chưa tới 40 tuổi, thế mà có tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài; Hoa Lư là mãnh đất từng chống ngoại xâm cũng như dẹp loạn sứ quân của nhị vị Tiên đế Đinh- Lê, có nghĩa Hoa Lư chỉ là vùng tử thủ, chứ không thể là địa công; vùng chiến lược quân sự mà không là chiến lược kinh tế và phát triển cơ đồ. Từ xưa, các triều đại từng có việc dời đô, nhưng việc di đô lại thể hiện tính dân chủ trong thời phong kiến như Lý Thái Tổ:

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời 6]
Bề tôi đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo". Vua cả mừng

Việc dời đô là hệ trọng. Sau khi kế nghiệp, vua tức tốc đi tìm địa lợi, vừa ổn cố cơ đồ, vừa phát triển kinh tế dân sinh; Sau khi an cư, Lý Thái Tổ đã triệt để áp dụng Phật giáo vào đời sống xã hội, đây là một sách lược tâm lý chính trị để đoàn kết lòng dân:

Tôn giáo

Triều Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nên những người đi tu, lấy tiền kho ra để xây chùa, đúc chuông được nhà vua trọng đãi. Tháng 6 năm Thuận Thiên thứ 9 (Mậu Ngọ 1018),[7] Lý Thái Tổ sai quan là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nhà Tống (Trung Quốc) thỉnh kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại

Chính vì thế mà nho gia bất mãn:

: Sử gia Lê Văn Hưu phê bình trong Đại Việt sử ký:
“Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”

—sách này không còn, dẫn lại theo Đại Việt sử ký toàn thư.[13]

Chiến Lược Tôn Giáo:

Việc di đô là tầm nhìn chiến lược, nhưng bảo vệ và phát triển chiến lược được lâu bền, không thể duy ý chí, hay thuần túy pháp quy; Lý Thái Tổ đã biết áp dụng tinh hoa Đạo Phật vào xã hội, làm chất keo sơn đoàn kết quần chúng; Kinh nghiệm thể chế phong kiến áp dụng pháp quyền cộng thêm bạo lực của Lê Long Đỉnh. Quần chúng tuy sợ sệt nhưng ngấm ngầm bất mãn. Bề mặt xã hội được trấn áp bởi bạo lực nhưng tảng băng ngầm chứa đựng sự rạn nứt trong lòng dân. Lý Thái Tổ khác với Constantinope, áp dụng tôn giáo vào xã hội bằng lòng nhân và đạo đức tôn giáo, mục đích duy trì nền độc lập tổ quốc và ổn định sinh hoạt xã hội; Trong khi đó, Constantinope dùng tôn giáo như lưỡi gươm và cây thập giá để bành trướng vương quyền, mở mang bờ cỏi, tạo bao chết chóc, máu đổ đầu rơi.

Một tinh thần bất bạo động, khoan dung của Phật giáo đã tránh được bao cuộc xô xát đẫm máu vì tranh giành ảnh hưởng giữa tôn giáo với tôn giáo, đồng thời, với tinh thần đó, cũng đã kích thích tăng trưởng tính ổn định trong mọi xã hội mà Phật giáo là chủ đạo. Những dân tộc nhạy bén về dân trí, Đạo Phật cũng giúp phát triển những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, ngay cả khoa học và các bộ môn tâm lý.

Tuy nhiên, nếu Phật giáo được hỗ trợ để phát triển thuần túy về xã hội và hình thức tín ngưỡng, dễ đưa đến sự lạm phát và lạm dụng mà Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa…những trang giáo sử cũng từng bị hoen ố, đến độ Quang Trung phải ra lệnh thanh lý tu sĩ, có những triều đại phải cấp độ điệp và kiểm tra nội điển để kiểm soát tình trạng thừa cung thiếu cầu!

Việc tạo lập Tam bảo và tiếp Tăng độ chúng không phải là thừa, nhưng đó cũng không là cần thiết nếu lượng số tu sĩ quá mức cần thiết mà nội lực hành trì không được triển khai, và quần chúng chỉ biết lễ lạy mà không hiểu biết giáo lý để áp dụng vào cuộc sống thường nhật.

Một số sai lầm của những nhà cầm quyền trong quá khứ ở những nước Đạo Phật là quốc giáo, đã yểm trợ hình thức mà không chú trọng nội dung, thay vì làm lợi cho xã hội, biến thành tệ hại cho đất nước, và số tu sĩ gần bằng phân nửa dân số đó, là gánh nặng kinh tế cho quốc dân. Tuy nhiên, Đài Loan, Nam Triều Tiên ngày nay, tuy Phật giáo không là chủ đạo của một dân tộc, nhưng biết chuyển mình hợp cách với trào lưu tiến hóa xã hội. Các tu sĩ đã xã hội hóa hoạt động pháp sự như Phật giáo Viên của Nam Triều Tiên và hội Từ Tế Đài Loan do ni sư Cheng yen khởi lập vào ngày 14/5/1966, đã có nhiều chi nhánh trên thế giới vừa giúp xã hội, trên phương diện từ thiện, y tế, giải quyết cuộc sống cho quần chúng Phật tử và hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo! So với dân số Nam Triều Tiên là 45.182.000 người, Phật giáo chiếm 25,3%; Đài Loan 23 triệu dân, Phật giáo chỉ 35.1% thì Việt Nam 86 triệu dân, đã có 45 triệu tín đồ, tức 55%, thế mà mãi đến ngày nay, về mặt nổi, chùa am phát triển gần 15 ngàn, tu sĩ có 44.500 vị, vẫn chưa có một cơ sở xã hội mang tầm vóc quốc gia chứ chưa nói đến quốc tế như Đài Loan và Nam Triều Tiên. Tuy vậy, một bộ phận khác của Phật giáo, Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã đóng góp thiết thực cho xã hội bằng những phần cơm chay miễn phí mỗi ngày lên đến 10 ngàn suất ăn cho các bệnh nhân nằm viện từ TP HCM đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một vài quán chay từ thiện miễn phí trong thành phố do lòng hảo tâm của những thiện tín giúp đỡ người lao động có thu nhập thấp.

Những cố gắng trên đây do tự phát của quần chúng. Phật giáo Việt Nam tuy thống nhất một khối, nhưng vì cơ chế chưa thông thoáng, bản thân Giáo hội chưa thể hiện tính chủ động, nên tầm vóc hoạt động còn hạn chế; Phật giáo là cội cổ thụ Bồ Đề, cần một không gian thoáng đạt và gốc rễ tự bám sâu vào lòng đất mẹ, có như thế mới phủ mát cho xã hội; ngược lại xem Phật giáo là loại bonsai làm đẹp hoa kiểng, tự thân nó bị tiêu hao sinh lực, chẳng những không thành công của loại cây kiểng vì bị sâu mọt đục khoét, mà còn chướng ngại, vướng bận cho cảnh trí chung quanh.

Tinh Thần vô ngã:

Trên thế giới không thiếu những vị lãnh đạo đất nước tài ba, sau chiến tranh , một thời gian ngắn đã đưa đất nước từ kiệt quệ lên hàng phát triển quốc tế mà mọi quyền lợi của người dân vẫn không bị hạn chế. Sau hai quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki, trong vòng 30 năm, các nhà lãnh đạo Nhật và Minh Trị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật đứng hàng thứ nhì trong các các quốc gia phát triển. Sau thế chiến thứ hai và sau cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa kỳ, không những đất nước cờ hoa giải phóng được chế độ nô lệ mà còn là đất nước tuyên dương dân chủ qua bản tuyên ngôn nhân quyền. Suốt thế kỷ 17 – 18, Mỹ luôn trong tình trạng tranh chấp chiến tranh, thế mà, một đất nước non trẻ thoát thai từ Anh, không lâu sau đó, nền dân chủ làm cơ sở cho sự phát triển vượt bực, dẫn đầu thế giới về nhiều mặt tiến bộ, nhất là khoa học kỷ thuật.

Tuy nhiên, tùy tình hình địa lý và thời cuộc mà giới lãnh đạo một số quốc gia đã giữ vững độc lập, tuy không phát triển nhiều. Và dĩ nhiên cũng có những lãnh đạo yếu kém trong một giai đoạn của một quốc gia nào đó. Riêng những nước chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Phật giáo, đã có một thời sản sanh ra những minh quân biết áp dụng đạo Phật vào pháp trị, vừa chấn hưng Phật giáo, vừa thạnh trị quốc gia. Một Asoka đại đế của Ấn Độ, một Trần Nhân Tông và các đời vua Lý Trần tại Việt Nam. Người ta tự hỏi lý do nào những quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo có những nét đặc thù về sự đoàn kết, tính tự chủ, tinh thần độc lập và lòng ái quốc?

Một Thái tử Si Đạt Đa từ khước vương vị để truy cầu chân lý cho nhân sinh thì cũng đã có một Trần Nhân Tông Việt Nam nhường ngôi vua cho con để làm nhà sư hạnh đầu đà, vừa phát triển Phật giáo vừa mở mang bờ cõi và bảo vệ tổ quốc

Thế thì cũng không lạ một Lý Công Uẩn, xuất thân từ nhà chùa, áp dụng Phật giáo vào quản trị đất nước để đoàn kết toàn dân. Một vị vua không tham cầu vương vị, không hưởng thụ vật dục, xem phú quý vinh hoa như cỏ rác, biết hy sinh cho dân cho nước thì lòng dân nào không hậu thuẩn cho vua? Mọi người dân được tôn quý và quyền lợi không bị xâm phạm, xem tình tự dân tộc như ruột thịt một nhà, không sở hữu những báu vật bất chánh, không làm giàu trên xương máu kẻ khác vì hiểu rõ luật Nhân quả công bằng. Đượm nhuần tinh thần Vô Ngã vị tha của đạo Phật thì xã hội bấy giờ không lượm của rơi, nhà không đóng cửa…Từ vua quan đến thảo dân đều hiểu đời là giả tạm. Quyền lợi tập thể, quyền lợi quốc gia là quyền lợi chung cho mọi cá nhân, họ sẳn sàng xả kỷ hy sinh cho đất nước cho dân tộc. Một tinh thần tập thể vô ngã như thế, Phật giáo cung ứng cho xã hội những Bồ tát hạnh và sản sanh cho đất nước những minh vương như Lý công Uẩn, mở đầu cho những thời đại thạnh trị cho đất nước là chuyện dễ hiểu.

Lịch sử đã nói nhiều đến những chiến công hiển hách của dân tộc chống ngoại xâm. Phạt Tống bình Chiêm; Quân Mông cổ từng làm cỏ những đất nước vó ngựa đi qua, quân Nguyên và những triều đại ấp ủ tham vọng lấn chiếm phương Nam đều bị các triều đại Lý Trần cho chui vào ống đồng thoát thân hoặc phơi thây nơi trận địa.

Thế nhưng, cũng với tinh thần dĩ hòa vi quý của Đạo Phật, sau khi đánh bại quân xâm lược, vua quan nước ta vẫn triều cống ngoại giao để vững an bờ cỏi. Tuy triều cống, nhưng cha ông ta chưa hề để mất một tấc đất. Lê Thánh Tôn ( 1460-1497), vị anh quân tài giỏi của Đại Việt vào cuối thế kỷ 15 đã dạy ‘Ta phải gìn giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của đất nước‘

Tuy hậu Lê như Thánh Tôn ưu đãi Nho gia, lập thể chế phong kiến giúp cho xã tắc có nề nếp quy củ, nhưng tinh thần Phật giáo đã ngấm vào xương tủy suốt nhiều thế kỷ trước đó trong mọi tầng lớp, vì thế, lòng ái quốc và đức hy sinh cho đại cuộc luôn nuôi dưỡng dân tộc; Đến ngày nay sau hơn 20 thế kỷ, tinh thần theo giáo lý Vô Thường- giả tạm- nhân quả- vị tha vẫn bàng bạc trong dân ta. Ai đó có thể không bao giờ đi chùa, chưa bao giờ biết đến giáo lý nhà Phật, nhưng vẫn có thể nói: kiếp trước vụng tu, nhân nào quả đó, oan gia nghiệp báo…Chính vì thế, lòng vị tha, thương người cứu vật sẵn có trong mọi người, biến dân tộc thành một đất nước hiếu hòa độ lượng.

Nếu chỉ có Nho giáo thì xã hội đưa vào giai cấp phong kiến bị trị bởi tinh thần Tam cương ngũ thường, Tam tùng tứ đức. Xã hội bị ràng buộc trong một khuôn khổ cố định, chỉ biết chấp hành; Đạo gia chỉ thích hợp với tầng số tâm linh vô vi siêu nhiên, xem như thụ động trong một xã hội hoạt náo.Nho giáo và Đạo gia là hai thể trạng Nhân giáo và Tiên giáo, khó mà dung hòa hai trong một; Phật giáo mang đủ tính chất nhân thừa thiên thừa, ngay cả Phật thừa, có thể dung dị những cá biệt trong cuộc sống một cách linh động hài hòa. Tinh thần hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn đã giúp hành giả thỏng tay vào chợ, lăn xả hy sinh mà không cần lợi dưỡng, không sợ nhiễm ô. Đó là một trong 10 điều tâm niệm của nhà Phật: Thi ân bất cầu báo.

Tinh thần cộng đồng và tính dân chủ có rất sớm trong giáo đoàn thời Phật còn hiện tiền, để bảo tồn tính cộng đồng mà Phật dạy Lục hòa; để giải quyết phạm quy trong đoàn thể tu sĩ, Phật dạy Yết ma, tôn trọng ý kiến tập thể. Những sinh hoạt như thế nói lên tính vô ngã vị tha, không xây dựng và hành sự trên nền tảng cá nhân mà là tập thể cộng đồng, đó là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách của xã hội dân chủ ngày nay!

Ngay cả cách bố thí Ba la Mật cũng nói lên tính vố chấp, không thấy có người bố thí và kẻ được bố thí. Những tinh thần vô ngã vị tha như thế, Phật giáo đã giúp cho Lý Trần xuyên suốt 4 thế kỷ hiên ngang trước họa xâm, hy sinh cá nhân và đoàn kết tương trợ trong xã hội. Một đất nước mạnh không phải có nhiều vũ khí tối tân hay kinh tế dồi dào, mà là lòng dân được thống nhất một khối. Hội nghị Dziên Hồng đã minh chứng châu chấu đá xe!

Xuất thân từ nhà chùa, Lý Công Uẩn đã học được tính dân chủ và tinh thần tự giác, giác tha. Sinh khí nhà Phật đã phủ trùm trong cung viện đến xã tắc thứ dân; Xây dựng tinh thần Phật giáo bàng bạc trong dân chúng là đã xây dựng được bức tường thành vững chắc cho một chế độ lẫn chế ngự gót chân xâm lược từ mọi phía. Tinh thần Phật giáo nghiễm nhiên là chính sách thân dân, chính vì thế trong cơ quan, công ty xí nghiệp, trong quân ngũ, những Phật tử chân chánh luôn tạo được sự tôn kính với đồng nghiệp, niềm tin với kẻ trên và thân thiện với người dưới.

Một đất nước giàu sang vì kinh tế, vững mạnh phải là lòng dân. Lý Thái Tổ không dùng uy quyền để xây dựng thể chế, không dùng bạo lực để giáo dục nhân sinh. Cả Lý lẫn Trần đều lấy Đạo Phật làm nền tảng cho đất nước vững mạnh về ngoại giao, phồn vinh trong kinh tế và tình thương đối với muôn dân như giảm thuế. Nhà Lý mở đầu cho kế sách chiến lược xây dựng tổ quốc bằng tâm linh để những thế kỷ sau đó phát triển vững mạnh, từng làm cho kẻ nuôi mộng bá quyền phải kiêng dè trước tinh thần uy vũ bất năng khuất của một dân tộc. Đồng thời, Lý Thái Tổ đã củng cố kỷ cương quốc pháp mà thời gian dài tao loạn đã không còn tồn tại .

Lý Thái Tổ và các vua đời Trần đã biết kích thích cho cây Bồ Đề phát triển và phủ bóng tự nhiên trong lòng dân tộc. Tuy nhiên, nếu dùng đạo Phật như một khí cụ mưu đồ chính trị, tự thân Phật giáo bị tàn lụn mà ngay cả thế lực lạm dụng Phật giáo cũng bị một kết quả tương phản bởi ý đồ thiếu trong sáng và thiếu tôn kính. Tuy sách sử chỉ nêu việc xây chùa đúc chuông tạo tượng của Lý Thái Tổ mà Nho gia từng phê phán, đố kỵ, nhưng không nói rõ sự phát triển của đạo Phật thời bấy giờ về mặt tâm linh, sở chứng như thế nào. Nhưng chắc chắn Phật giáo đương thời không thể thiếu vắng nội lực mà có thể làm linh hồn cho một dân tộc. Bằng chứng một Vạn Hạnh, một Lý Khánh Vân, một khuông Việt…đủ nói lên khả năng tâm linh của cộng đồng tu sĩ lúc bấy giờ để Phật giáo cắm sâu vào xã hội quần sanh, vực một đất nước thoát khỏi nội loạn ngoại xâm mà giặc Phương Bắc phải xem tổ quốc Việt Nam ngang hàng với đế vương Hán tộc.

Lý Thái Tổ không chỉ có óc chiến lược về địa hình khi dời đô về Đại La, (Thăng Long nằm giữa sông Nhĩ Hà và Tô Lịch, có cả Kim Ngưu, sông Nhuệ và sông Cà Lồ, Nhất là sông Hồng đã đem phù sa bồi đắp cho ruộng đồng màu mỡ và nới rộng vùng châu thổ); mà còn mưu lược về chính trị khi lấy Phật giáo làm sinh lực cho dân tộc. Người ta không còn lạ gì khi đặt câu hỏi: Tại sao Phật giáo thịnh, dân tộc thịnh, Phật giáo suy thì tổ quốc nguy!!!

Hãy tạo điều kiện cho cây Bồ đề phát triển tự nhiên, đừng biến cây Bồ đề theo dạng bonsai một cách vô ích. Lý Thái tổ nói riêng và các vua chúa LÝ Trần nói chung đã làm được việc đó, một bài học lịch sử cho dân tộc mãi mãi về sau.

Logged

Ẩm giả lưu kỳ danh
Bí thư đảng đoàn Tứ Hải
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn