Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 18, 2024, 06:09:13 PM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ẩm thực Sài Gòn  (Đọc 7071 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 12:46:13 PM »

Là trung tâm của vùng đất phương Nam trù phú, sản vật dồi dào, nên món ăn Sài Gòn rất đa dạng. Lại thêm là nơi hội tụ của cư dân từ mọi miền đất nước và cửa ngỏ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên thành phố đã tiếp nhận thêm các dòng ẩm thực của cả nước và thế giới, chọn lọc tinh hoa thành một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn.

Ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy ở Sài Gòn vô số đặc sản Bắc, Trung, Nam hay quốc tế, theo đúng nguyên bản cũng có, nhưng phổ biến hơn vẫn là những món đã được "Sài Gòn hóa" để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Chất Sài Gòn thường thể hiện ở vị ngọt, nhiều rau xanh và nhiều thủy hải sản tươi sống. Chẳng hạn như món canh chua Sài Gòn đã kết hợp cả cái chua- mặn của miền Bắc, cái cay nồng ớt tươi của miền Trung và cái ngọt xởi lởi của miền Nam. Món bún bò Huế được "cải biên" để bớt cay, thêm ngọt, thêm béo và thêm rau. Món bò bít tết của phương Tây thì mỏng hơn, chín hơn, nhiều gia vị hơn và kèm rau sống, đồ chua nhiều hơn…

Khuynh hướng gần đây tìm về những món dân dã chốn đồng quê, món ăn của thời khẩn hoang mở cõi. Kể cả thực đơn của các nhà hàng sang trọng nay có cả món chuột đồng rô ti, châu chấu chiên giòn, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu… Món lẫu sành điệu phải đủ hai mươi mấy thứ rau đồng nội như cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển… Món nướng thì nào là nướng than hồng, nướng trui, nướng mọi, nướng lu, nướng đất sét… Và người Sài Gòn vẫn không ngừng sưu tầm để bổ sung vào thực đơn của mình những món ăn đã một thời bị quên lãng cũng như những món mới từ khắp bốn phương trời.

Cho nên thật không có gì quá đáng khi nói rằng ẩm thực Sài Gòn thuộc loại hàng đầu trong cả nước. Xin đừng quên thưởng thức những món ngon Sài Gòn khi đến với thành phố này.
Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 12:55:58 PM »

Mì gõ Sài Gòn


Mì gõ, một món ăn đã theo chân người Hoa nhập cư vào đất Sài Gòn từ lâu. Cái món mì nấu bằng xương heo ngọt lừ, nước trong veo, sợi mì là loại mì kí lô mua ngoài chợ, nhưng nếu phải tay trụng mì thiện nghệ thì sợi mì vừa chín tới được đồng thời phải nhúng lẹ qua nước lạnh (cái nước lạnh hơi ghê, không biết là nước chín rồi hay nước sống, tùy lòng hảo tâm của người bán mì thôi) cũng trở nên giòn dai như mì Tàu. Mì thường được bán chung với hủ tíu và hoành thánh. Ngoài tiếng gõ lắc cắc mời gọi đặc trưng, mì gõ được người ta nhớ nhiều đến những miếng thịt cắt mỏng đến độ không thể mỏng hơn nữa. Cứ nghe tiếng gõ lắc cắc của thằng bé bán mì gõ thì từ tầng cao của chung cư chỉ cần ới một tiếng, độ năm phút sau mì được bưng lên tận nơi, còn bốc khói nghi ngút, dù một tô hay năm, ba tô cũng được phục vụ nhanh lẹ như nhau. Mì gõ còn một ưu điểm nữa là đến khắp hang cùng ngõ hẻm để phục vụ mọi đối tượng. Càng về khuya, khi các hiệu bán mì khác đã nghỉ nhưng mì gõ vẫn còn phục vụ cho đến lúc hết hoặc đến rạng sáng. Mùa nóng hay mưa dầm, họ vẫn cứ nép ở góc phố quen thuộc trong ánh đèn đêm chờ đón những người khách quen, lạ ghé qua. Nhưng với nhịp sống hối hả, dường như con người ta càng ngày càng quên đi món ăn bình dân này. Những xe mì gõ đã vơi dần, giữa tiếng xe cộ ồn ã của phố phường thật khó để nghe tiếng gõ lắc cắc rao bán mì. Nhất là vào những ngày trời mưa, thật thích khi ngồi ăn một tô mì gõ nóng hổi, vừa ăn vừa xuýt xoa, hơ bàn tay lạnh trên làn khói nghi ngút của bát mì.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 06, 2014, 06:49:21 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #2 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 12:56:46 PM »

Cháo Sài Gòn

Bất kỳ ai trong cuộc đời đều đã ăn cháo. Cháo một món ăn quen thuộc, nó có thể nấu cầu kỳ, cũng có thể nấu rất đơn giản. Cháo đơn giản chỉ là gạo nấu thành, nhưng tùy theo nhu cầu mà nó được cho thêm vào một số nguyên liệu để cảm thấy ngon hơn.

Ở những xóm lao động, thì có món cháo trắng cải muối, cháo đậu đen chan nước dừa ăn với dưa mắm , đôi khi trong chén cháo chỉ có vài miếng tàu hũ ky cho thêm phần bùi và béo. Hơn một chút nữa có lẽ là món cháo huyết. Đó là món cháo nấu chung với huyết heo, thêm vào 2, 3 miếng dồi lợn.

Tại những quán hải sản ta thường thấy các món cháo hải sản. Cháo hải sản có các món như cháo tôm, cháo nghêu, cháo hào, cháo sò huyết... Tuỳ theo loại hải sản mắc hay rẻ mà có giá tương ứng. Ðồ biển còn tươi rói đem nấu cháo thật tuyệt, ngọt lừ, thơm phưng phức. Nhà hàng thường thay tẩy gừng thật đậm, đổ thêm dầu hào cháo tôm, cháo nghêu, cháo hào, cháo sò huyết, nhưng một số người lại không thích ăn gừng như thế, bởi bỏ gừng vào sẽ mất đi hương vị đặc trưng của hải sản.

Có 1 món cháo rất Nam bộ, đó là món cháo đầu cá lóc rau đắng. Cháo được bán thố to phải ba bốn người ăn mới hết. Thố cháo dọn ra bàn còn nghi ngút khói, hành ngò và tiêu xay rắc đầy mặt, bốc mùi thơm lừng. Ðể không làm nát cá trong cháo, khách sẽ vớt đầu cá lóc bỏ vào đĩa nước mắm ớt để riêng bên ngoài. Ðĩa nước mắm nhĩ ngon ánh màu vàng, thơm tuyệt, dầm ớt thật cay, người Nam bộ khó mà không mê cho được. Ðĩa rau đắng đặt kế bên cũng thật xanh, được gắp ăn chung với cá, với cháo, làm cho món cháo càng trở nên hấp dẫn. Bạn có thể tìm thấy món này tại các quán trên đường Thi Sách, Tôn Đức Thắng.

Cháo gà Vườn Mai ở đường Lạc Long Quân, quận 11 được khá nhiều người biết đến. Ở đây có một góc vườn mai khá đẹp đã được chọn luôn để đặt tên cho quán. Ngồi ở bàn đã nghe vẳng tiếng gà kêu quang quác (vừa ăn vừa nghe tiếng gà kêu khá thú vị đó ^^). Cháo gà Vườn Mai đặc biệt nấu chung với đậu xanh. Cháo được nấu thật nhừ, nhựa cháo lềnh lên, hạt cháo vừa tan trong miệng lại nghe thêm có vị bùi của đậu xanh. Gà ta chọn con chỉ độ trên dưới một ký là vừa, thịt vừa mềm lại vừa dai, chặt thành miếng hoặc xé phay, trộn gỏi.

Nhắc đến cháo gà không thể không nói tới cháo vịt.Có thể nói cháo vịt ở Thanh Đa là ngon nhất. Ở đây bán từ rất lâu, từ một quán ban đầu bán ngon được nhiều người biết đã dần trở thành một phố cháo vịt. Cháo nấu nhừ, ngọt thơm, đặc biệt hơn cả là gạo được rang sơ trước khi nấu cháo. Thị vịt thì được lựa khá kỹ càng, thịt miếng dày lại không quá mỡ mà cũng không quá nạc, vừa mềm. Ngoài Thanh Ða cũng có thêm khu cháo vịt Bắc Hải nằm gần khúc trổ ra đường Cách Mạng Tháng Tám.

Nói đến cháo lòng thì có món cháo lòng ở đường Nguyễn Trọng Tuyển được nấu theo phong cách Bắc. Ăn cháo ở đây, thưởng thức loại dồi lợn luộc chứ không chiên như trong Nam. Ngoài dồi, còn có thêm lòng, phèo, tim... Cháo lòng ăn theo người Nam thì có thêm giá sống.

Thời cấp II, Mình đã từng thích nhất là món cháo mực. Nhưng ngày trời mưa, rủ nhau từng đám chen chân trong 1 quán nhỏ. Vừa ăn vừa xuýt xoa. Ăn để cảm nhận cái mùi tanh tanh của mực, giòn của giá, dai dai của miếng quẩy. Bây giờ lên cấp III chẳng có thời gian và lười đi nữa, nên cũng chẳng có mấy khi đi ăn.
Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #3 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 12:57:25 PM »

Tàu Hũ


Tàu hũ, bạn đừng nói bạn chưa ăn nhé. Chén tàu hũ không chỉ đơn thuần là đậu hũ non, ở trong đó còn có nước đường được thắng hơi sánh lại nấu chung với gừng, nước dừa béo béo. Cái nước dừa thì là đặc trưng của người miền nam, người miền bắc chỉ có nước đường thôi. Một bát tàu hũ nóng hổi, chỉ có vị nhạt nhưng lại thêm vào đó là vị ngọt của nước đường, cái vị béo của nước dừa, vị cay cay của những lát gừng. Trong đó có màu trắng của tàu hũ, của nước dừa thêm vào đó là lớp nước đường màu nâu nhạt thêm vào cái mùi thơm của gừng khiến mới nhìn thôi cũng đã thấy hấp dẫn rồi. Mỗi lần có tiếng rao ‘ Ai tàu hũ không’, liền cầm chén chạy vội ra. Thật thích khi nhìn tay cô bán tàu hũ khéo léo hớt từng lớp tàu hũ mỏng cho vào chén. Rồi múc nước đường từ một cái nồi đang bốc ra nghi ngút khói. Mặc dù chén tàu hũ nóng hổi nhưng người ta lại thích ăn nó vào những buổi trưa nắng nóng. Ăn để cho bớt đi cái nóng, bớt đi cái cảm giác khát nước thấy ngộ không. Những ngày trời mưa, thời tiết trở nên lạnh, càng thích ăn tàu hũ hơn. Ăn để hơi nóng của nước đường, vị cay của gừng làm ấm người.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 06, 2014, 06:50:47 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #4 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 12:58:07 PM »

Chè Sài Gòn

Có thể nói, chè Sài Gòn là một sự tổng hợp đa dạng tất cả các trường phái chè. Mỗi quán đều có nhiều loại chè khác nhau. Đầu tiên phải kể đến các loại chè truyền thống. Loại chè này có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều quán. Chè đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, khoai môn, củ năng, chè bắp, khoai lang, chè chuối, chè bưởi... Chỉ từ 1 món đậu, món khoai cũng có thể chế ra vài ba món chè ( cái này hơi bị siêu luôn)

Chẳng hạn như đậu xanh, để nguyên vỏ, nguyên hạt nấu mềm rồi thêm chút phổ tai, nước dừa, bột báng là có ly chè đậu xanh mát lạnh ^^. Đậu xanh đã tách vỏ, nấu với đường rồi đánh nhuyễn, chè đặc để trong ly chắc đến mức có dốc ngược ra cũng không đổ được.

Ngay cả trái chuối bình dân bình thường cũng có thể làm được ba bốn món chè: chè chuối nước, chè chuối chưng, chè chuối nướng.Từng trái chuối chín mềm, đậm vị ngọt béo của nước dừa trong chén chè chuối nước, trong khi với chuối chưng, từng lát chuối vẫn còn dẻo và thơm lừng vị ngọt tự nhiên của chuối sứ.

Ngoài chè truyền thống còn có nhiều loại khác đặc trưng hơn. Nếu đến với khu phố người Hoa ở Quận 5, bạn sẽ được thưởng thức những món chè béo cực lạ. Ví dụ như chè bo bo trứng cút, một chén chè nóng bốc khói, ngọt dịu và thật béo với những hạt bo bo bùi bùi và cái trứng cút trắng muốt chỉ có thể tìm thấy ở cái xe đẩy chiều tối mới xuất hiện bên cạnh khu vực ăn uống của người Chợ Lớn.Người Hoa cũng là tác giả của món thạch chè. Những sợi thạch giống như sợi miến dong hay bún tàu được nấu từ rong biển đặc biệt đặt trong 1 cái nồi lớn. Thạch chè có thể ăn cùng long nhãn, trái vải hay đậu xanh...để tạo thành các món chè tuy không phải là thập cẩm nhưng cũng rất hấp dẫn vì thế nó thường không được để chung với nước dùng. Bên cạnh đó là những món chè mang hương vị của phố người Hoa (quận 5) như sâm bổ lượng, chè hạnh nhân, củ năng, chè mè đen (Chí Mã phù) ...

Chè Thái với tên gọi ban đầu là cocktail sữa, trong ly chè là 1 hỗn hợp đủ màu sắc. Màu vàng của mít, sầu riêng, trắng đục của nước dừa, xanh của sương sa,... khiến ly chè chỉ mới nhìn thôi đã thấy ngon.

Một nét riêng của chè Sài Gòn là phần lớn các món chè đều có thêm một loại “hương liệu” đặc trưng đó là nước cốt dừa vừa thơm, vừa béo. Chính nước dừa đã khiến cho chè Sài Gòn ngọt nhưng không gắt như chè Huế. Ngoài ra trong chè còn có thêm mứt trái cây, cốm,....

Người Sài Gòn thường ăn chè theo thời tiết. Mùa nóng thì ăn những ly chè mát lạnh đầy đá, mùa mưa thì cầm trên tay những bát chè nóng hổi.

Cuộc sống hối hả khiến người ta tạo ra những thứ tiện lợi hơn. Không phải tốn thời gian ngồi trong quá, chỉ cần mua 1 bịch chè là có thể ăn ở bất cứ nơi đâu. Nhưng ăn ở quán, vừa ăn vừa nói chuyện với bạn bè vẫn là thích nhất
Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #5 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 12:58:39 PM »

Xôi Sài Gòn

Nếu như xôi Hà Nội chỉ là xôi cúc, xôi đậu và xôi gà thì xôi Sài Gòn phong phú hơn hẳn. Bạn muốn ăn xôi à, bạn có thể chọn xôi vò, xôi bắp, xôi gấc, xôi vị, xôi mặn, xôi gà, xôi lạp xưởng, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi đậu phụng…. Xôi Sài Gòn rõ ràng không giống miền Bắc, bởi gạo nếp được thổi cùng rất nhiều lạc, đậu xanh và rắc dừa nạo trắng muốt. Ngoài bánh mì, xôi là món được khá nhiều người Sài Gòn ưa chuộng.

Thời gian đầu chỉ là những gánh xôi đi từ con đường này sang con đường khác. Thời gian sau, xôi bắt đầu được chuộng và chỗ bán xôi được “nâng cấp” lên nhiều. Có nơi người ta mở hẳn cả một cửa hàng to xụ chỉ để bán xôi và chè. Xôi ăn với gà xé, đùi gà, lòng gà, thịt nguội, thịt nướng… cũng có khi ăn chung với xá xíu như ăn cơm vậy. Các hiệu bánh lớn như Kinh Đô, Đức Phát (ABC) cũng bổ sung xôi vào thực đơn phục vụ khách hàng.

Nhắc đến xôi Sài Gòn, người ta thường nhớ đến những “khu phố xôi” khá đặc biệt. Trên đường Cao Thắng, từ đầu đường kéo dài đến ngã tư Cao Thắng - Điện Biên Phủ có một dãy xe đẩy bán xôi ngọt. Xe nào xe nấy to, để ba bốn xửng xôi cao, khói bốc nghi ngút. Xôi gấc, xôi tím, xôi nếp than, xôi đậu đều có đủ. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một xe xôi sầu riêng thơm nức mũi.

Xôi không như những món ăn khác, không bán cả ngày như bánh mì, phở mà chỉ bán theo buổi, sáng hoặc chiều tối. Sáng thì hầu như trước cổng trường học nào cũng có ít nhất một xe xôi phục vụ nhu cầu ăn nhanh của các học sinh. Và ở một số nơi thì đặc biệt hơn, thay vì các nơi khác người ta dùng hộp, dùng giấy báo bọc nilon để gói xôi thì ở đây vẫn gói lá. Lá chuối xanh mướt, sạch sẽ khiến xôi vẫn giữ được độ dẻo thơm lâu.

Ngoài những hàng xôi đơn lẻ, người Sài Gòn còn có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng xôi nối tiếp nhau trên các con phố.
Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #6 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 05:13:29 PM »

Chả cá Bình Chánh - TP.HCM


Hà Nội có món chả cá nổi danh với cách chế biến thật cầu kỳ. TP Hồ Chí Minh cũng có một khu bán chả cá được biết tiếng, đó là chả cá Bình Chánh. Nơi bán món ăn này ở một huyện ngoại thành thuộc khu ngã tư Bà Hom - xa lộ Ðại Hàn (quốc lộ 1), huyện Bình Chánh tại đoạn đường hơn một cây số đã có đến 5- 7 quán chuyên bán món chả cá. Chả cá tại đây chỉ dùng một loại cá duy nhất, đó là cá thác lác, một loại cá nước ngọt, mình dẹt, to bản. Chả cá thác lác là một món ăn khá phổ biến trong các gia đình, ngày nay đã trở thành đặc sản của một vùng, được nhiều người ưa chuộng.
 

Chị Tư, chủ quán Nhất Lan đã bán món chả cá trên 10 năm, cho biết: Cá thác lác muốn trở thành món đặc sản phải có một quy trình thực hiện rất tỉ mỉ, công phu. Quan trọng nhất là khâu chọn lựa, phải là cá loại một cỡ từ 3-4 con/kg thì thịt cá mới nhiều, đủ độ ngọt. Cá khi làm phải còn sống, vớt cá lên dùng dao nhọn xẻ, lóc hai bên mình cá bóc lấy ngay phần thịt. Khách gọi đến đâu quết cá đến đó. Những ngày thứ bảy, chủ nhật đông người ăn, quán phải quết mỗi mẻ độ 5 kg, phải có 3 thanh niên thay phiên nhau quết cá liên tục, đến khi nào cá dính vào chày kéo thành sợi mới được. Cá thác lác đặc biệt không thể dùng máy để xay, nếu dùng máy sau khi quết chả không còn ngon, bị rã và mất hẳn độ ngọt. Trong khi quết, cá được tẩm ướp gia vị theo bí quyết riêng của từng quán.

Chả cá được chế biến thành khá nhiều món, khi thực khách gọi món như chả chiên sẽ được quán bê lên một đĩa cá và chảo dầu. Người ăn tự chiên chả tại bàn, muốn chả vàng nhiều hay ít tùy theo khẩu vị, kèm theo là đậu bắp, rau muống chiên cùng lúc với cá. Nước chấm cho chả chiên theo gu miệt ruộng phải là nước mắm nhỉ, cho thêm vài trái ớt hiểm và me chín dầm. Chấm miếng chả cá nóng hổi vào nước mắm mằn mặn, chua chua, cay xé lưỡi cho vào miệng vừa ăn vừa thổi vừa hít hà vì cay, vì nóng. Nhón thêm ít cọng rau đắng hòa cho đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, nhân nhẩn thật là một món ăn tuyệt vời với đủ cung bậc của hương vị đồng nội. Còn người thích món nướng thì đã có những thanh tre tươi, trên đó xiên những viên chả sẵn. Không dùng que xiên bằng kim loại mà bằng những thanh tre để tăng thêm mùi vị thơm ngon của cá.

Cách quán Nhất Lan vài trăm mét là quán Ao Ðôi với những chòi câu cũng là nơi ngồi ăn uống trên mặt ao thoáng mát. Khách vừa có thể buông cần, vừa ngồi tán gẫu và thưởng thức đặc sản chả cá. Ngoài món chả chiên, tại đây món chả cả nướng cũng được khách sành ăn ưa thích. Từng miếng chả được cuộn một lớp lá lốt non, bên ngoài là lớp lá dày hơn. Khi nướng, cuốn chả vẫn được bao bọc bởi lớp lá lốt non vừa chín tới, xanh thẫm. Muốn ăn no bụng thì gọi thêm một cái lẩu cá thác lác với bún gạo. Có thể chọn rau tần ô, cải bẹ xanh hoặc khổ qua. Ðợi nồi lẩu vừa sôi, cho khổ qua và những viên chả cá sống vào nồi. Cái mầu trắng phau, tròn trĩnh của những viên chả cá nổi bật hẳn trên nền xanh của rau cải, thật hấp dẫn.
Logged
THIENCHUVIENTRUYEN
Khách
« Trả lời #7 vào lúc: Tháng Năm 13, 2008, 05:14:26 PM »

Cua Hải Nam hấp xôi


Cua Hải Nam hấp xôi là một món ăn được xếp vào nhóm Dimsum với cả trăm món ăn khác nhau. Tuy nhiên nó lại khác các món Dimsum bình thường ở chỗ không được phân chia riêng lẽ mà được làm thành một xửng chung để mọi người cùng thưởng thức. Nguyên liệu chính làm nên món Dimsum này lại khá đơn giản là cua, gạo nếp, rượu Hoa Điêu đóng “vai chính”, cùng một số gia vị nêm nếm khác giữ “vai phụ” nhưng đã làm nên bản hoà tấu đầy hương vị.

 

Tuy là nguyên liệu thấy bình thường nhưng lại khá cực công bởi những chú cua dùng làm nguyên liệu trong món ăn này được nhập từ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Cua Hải Nam còn có một nét riêng là giống như cua cốm, thực khách nào thích nhai sẽ rất khoái khẩu vì đặc điểm này.

Thịt cua và nhiều loại thuỷ hải sản khác thường có vị tanh, làm thức ăn mất ngon khi nguội. Để giải quyết vấn đề này, các bậc trù sư tài ba của Ming Dynasty đã sử dụng thêm Hoa Điêu tửu (còn gọi là Nữ Nhi tửu hay Nữ Nhi hồng tửu) – loại danh tửu kỳ cựu, nổi tiếng thơm ngon hiệu Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc) từ ngàn năm nay. Rượu này được nấu bằng thứ gạo ngon nhất, để lâu có màu vàng, có mùi thơm nức, sắc nồng vị thuần, khi hâm nóng dậy lên mùi thơm lạ lùng, được xếp vào loại rượu ngon cực phẩm. Thịt cua tươi, ngọt béo có sự bổ trợ của nếp thơm, rượu Hoa Điêu càng trở nên lạ miệng.

 

Gọi là xôi hấp nhưng cách chế biến không đơn giản chỉ cần hấp xôi với cua là xong. Từng hạt gạo nếp dẻo quánh thấm nhuần chất nước ngọt béo của thịt cua xếp phía trên, cùng men nồng rượu Hoa Điêu ấp ủ trong quá trình hấp để thành những hạt xôi trong trẻo như muôn ngàn viên ngọc. Sau đó xôi được áp qua chảo cùng lạp xưởng, gia vị và chút xì dầu để những hạt xôi săn mặt, dậy mùi thơm. Lúc này xôi xen kẽ màu cánh gián và màu ngà như những biến tấu đầy ngẫu hứng. Sau cùng xôi được ra xửng với lớp lá sen lót dưới cùng. Nhờ hơi nóng của xửng hấp, từng hạt xôi trở nên mềm dẻo nhưng không nhão.

Màu sắc của xôi kết hợp với màu mai cua chín ửng, màu gạch cua hồng cam tươi và thịt cua trắng ngần hấp dẫn, mời gọi. Thật khó cưỡng lại, người ăn chỉ nhìn thôi cũng đã thấy ngon mắt, thèm miệng. Hương vị mới của món cua hấp xôi nếp thực sự đem đến cảm nhận lạ, khác biệt với tất cả các hải sản cua biển chế biến tại Việt Nam.

 Nắp xửng hấp được dỡ ra, trong làn khói nóng hôi hổi dậy mùi rượu Hoa Điêu, mùi nếp thơm lừng, mùi  biển, mùi sen thoang thoảng.

Loại rượu vang kết tuyệt vời nhất với món cua Hải Nam hấp xôi phải là vang trắng, thuộc dòng nho Sauvignon Blanc.
Logged
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn