Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 05, 2024, 09:33:26 PM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU TIẾNG CƠTU Ở QUẢNG NAM  (Đọc 3710 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Lee Young Ae đi học Tiến sĩ
Newbie
*
Offline Offline

Giới tính: Nữ
Bài viết: 12



Email
« vào lúc: Tháng Năm 26, 2009, 10:40:25 AM »


QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU TIẾNG CƠTU Ở QUẢNG NAM


Dân tộc Cơtu là một dân tộc có số lượng người tương đối đông, nằm rải rác ớ các xã của huyện Nam Đông, Alưới (Thừa Thiên - Huế), xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang, chiếm toàn bộ huyện Hiên (25.000 người), 3/4 huyện Nam Giang (5.200 người Cơtu/6000 người) và một số ít nằm ở huyện Phước Sơn. Ngoài ra, dân tộc Cơtu còn một số nằm dọc theo biên giới Việt -Lào thuộc địa phận Lào. Dân tộc này có truyền thống, bản sắc dân tộc mạnh mẽ; có nền văn hóa văn nghệ phong phú và đặc sắc nhưng chưa có chữ viết.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Ban cán sự miền Tây gồm các đồng chí đã từng hoạt động, lãnh đạo cách mạng miền núi tại hai huyện Hiên, Nam Giang không đi tập kết tiếp tục ở lại hoạt động tại vùng này nhận thấy : việc chuyển tải các nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa cho người dân Cơtu, làm bàn đạp cho cuộc cách mạng xã hội miền núi một cách triệt để cần thiết phải phiên âm tiếng Cơtu thành chữ viết theo dạng tự La tinh để ghi văn bản. Các đồng chí Cónh Axơơp (Quách Xăng), Lê Hồng Mao (Tơ Lăng) và Lê Nam (Iêm) là những người đứng ra làm công tác này. Nhận thức rõ : "Phiên âm không phải là đặt một thứ chữ riêng cho dân tộc rồi xây dựng cho họ một chương trình, một hệ thống giáo tục từ vỡ lòng lên đến đại học, tạo một sự chia rẽ sâu sắc về giáo dục trong lòng một nước Việt Nam thống nhất. Phải dựa chính vào vần quốc ngữ để phiên âm tiếng dân tộc làm cho đồng bào dân tộc khi học xong vần và viết được chữ dân tộc chỉ cần học thêm một vài nguyên phụ âm của chữ quốc ngữ mà vần dân tộc không có là có thể đọc và viết được chữ quốc ngữ."(1)

Các nhà cách mạng này đã nhiệt tình đi đến từng vùng nghe tiếng nói của từng lớp người nhất là phụ nữ và trẻ em và phát âm cho họ nghe lại, ghi âm một cách chính xác. Sau một năm tiến hành công việc hết sức thận trọng, cầu toàn, các đồng chí cán bộ đã thu thập được kết quả : xây dựng được bộ vần Cơtu, in Lipto phục vụ cho các lớp học (1959). Lớp học đầu tiên được tổ chức tại thôn Zra dọc theo suối Zhương huyện Nam Giang. Đây là nơi ươm giống chữ đầu tiên cho người Cơtu, chấm dứt những thế hệ chỉ biết thắt gút để nhớ và đếm không quá số 10. Thắng lợi to lớn này chứng minh chính sách dân tộc của Đảng, củng cố lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, phát động phong trào học văn hóa ở các làng bản. Sau đó ban cán sự còn mở thêm 3 trường ở Hiên và Trhy, động viên số học sinh vừa ra trường về dạy vở lòng ở các thôn bản. Chỉ trong hai năm cả hai huyện Hiên, Nam Giang đã cơ bản xóa xong nạn mù chữ. Các phong trào văn hóa văn nghệ cũng được phát động rộng khắp, các điệu múa truyền thống dadă, tântung, những làn điệu bơboch, pơnoch... rộn ràng khắp chốn. Các bô lão đón học sinh từ các lớp học trở về như ngày xưa ta đón trạng vinh quy. Người người phấn khởi gọi cái chữ Cơtu lúc đó là chữ của Bác Hồ.

Từ giữa năm 1959, những cán bộ dân tộc đã biết đọc và biết chữ Cơtu, huyện đã sử dụng chữ Cơtu để viết công văn, chỉ thị; các cơ sở thì cùng chữ Cơtu để viết báo cáo chứ không báo cáo miệng nhớ trước quên sau như trước nữa. Ban cán sự quyết định bộ phận tuyên huấn phát hành một tờ báo song ngữ : tờ Gung Dứr (vùng lên). Tờ Gung Dứr gồm một bài xã luận viết theo giọng "nói lý" của người Cơtu và những tin rức về phong trào đoàn kết chống âm mưu của địch, về sản xuất, phòng chống bệnh, cải .tiến phong tục tập quán có hại, tin tức về các lớp học... Các nội dung trên được đồng chí Tơlăng viết lại bằng chữ Cơtu. Trong điều kiện ấn hành hạn chế (mỗi tháng 1 số, mỗi số 200 bản, sau đó lên 300 bản), nhưng tờ Gung Dứr thực sự là công cụ đẩy mạnh phong trào cách mạng, thúc đẩy

phong trào học tập và rèn luyện của nhân dân Cơtu. Nó được nhân dân phấn khởi đón nhận, đến kỳ báo về người người trông mau đến tối để tập trung dưới mái nhà Guơl nghe đọc báo bằng chính tiếng mẹ dẻ của mình. Đã qua rồi thời kỳ cán bộ người Kinh mang công văn, chỉ thị bằng tiếng Kinh xuống bản đọc rồi nói lại nội dung cho nhân dân nghe. Các tập tục dã man như làm "giặc mùa'', "trả đầu" (Tr''cha, Tr''đăh) hay lạc hậu như "đầu tôi" cũng từng bước được vận động xóa bỏ hoặc làm cho phai nhạt dần.

Nhận thúc văn hóa văn nghệ là thế mạnh, là niềm yêu thích của người dân miền núi; sống giữa đại ngàn hùng vĩ, người Cơtu có nhu cầu đêm đêm tụ tập bên bếp lửa hát múa, thổi kèn. Ngày ngày bên con suối lưng đồi ứng tác những câu hát (boboch) ca ngợi thiên nhiên, gửi nỗi lòng đến với người thương. Đồng chí Tơlăng đã dịch những bài hát cách mạng ra chữ Cơtu, phổ biến rộng rãi trong nhân dân như : Chiến sĩ Việt Nam, Người Mèo ơn Đảng, Nhớ ơn cụ Hồ, Hành quân xa, Kết đoàn... bằng một văn phong vừa chuẩn xác lại rất mực tài hoa.

Bài Chiến sĩ Việt Nam ông đã viết : Đênh đía ăt bông xrdô, nâu cếi căh ngai chiu prngâu. Thanh niên ơi gung dứr hêê ! Chô jrơngmoong zư catiêc cách mạng giúp đhanuar. Dadinh cacaong hêê nâu zâp oy cađhap choom đếch choom lơơp đhrđrơc đhrluônh zâp đhỉ trang chăn, bơc đhỉ crơng bhơi, hêê choop pènh arâp đoo căh bươn nal. (Đã lâu lắm rồi sống trong cảnh đọa đày, bây giờ không ai chịu im lặng nữa. Thanh yên ơi ta hãy vùng lên ! Về làm cây cột chính trong ngôi đình giữ đất nước cách mạng giúp đồng bào. Rừng núi ta giờ chỗ nào cũng hiểm trở khuất lấp, lên dốc xuống đèo nơi nào cũng đầy hẽm vực, chỗ nào cũng có cây cỏ ta ẩn nấp bắn địch mà chúng không hay).

Hay bài Người Mèo ơn Đảng: Prang dadinh bol chăng concoh ca hát. Măt tơngây giỡ ang loom hêê giở Đảng. (Nơi sườn núi dốc cao vực thẳm, người vùng cao ca hát. Mặt trời còn sáng lòng ta còn Đảng).

Mặt trời còn sáng lòng ta còn Đảng. Câu hát đó giờ đây là lời tâm nguyện cua người Cơtu. Chúng ta thắp một nén hương tưởng niệm các đồng chí Quách Xăng, người chiến sĩ, nghệ sĩ Tơlăng - những cái tên đã trở nên thân thương như tên một già làng của người Cơtu - những người đã đem hết tâm huyết phục vụ cách mạng, phục vụ miền núi Quảng Nam trong những ngày đầu tăm tối. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình trong thời điểm cách mạng ở đồng bằng đang trải qua một giai đoạn thoái trào nặng nề thì họ đã làm nên những diều kỳ diệu mà lịch sử và con người Cơtu muôn đời khắc ghi vào bia đá.

Cũng trong thập niên 60 tổ chức SIL (Summer Instidtute of Linguisties : Viện chuyên khảo ngữ học mùa hè) cũng chế tác chữ viết cho người Cơtu. Chữ viết này được các cha cố dùng để giảng đạo và dịch kinh thánh, in thành những cuốn sách rất đẹp nhưng có những hạn chế lớn là không phù hợp với vần quốc ngữ. Ví dụ : từ nước : tiếng Cơtu là đac nhưng SIL lại viết là đak, từ khuất lấp ta viết là lơơp thì SIL lại viết là lơv. Cách phiên âm này tạo khoảng cách giữa vần Cơtu và vần quốc ngữ gây khó khăn cho người Cơtu khi chuyển sang học chữ quốc ngữ. Ngoài ra, tinh thần yêu nước của đồng bào rất cao, họ không bao giờ sử dụng thứ chữ do các tổ chúc phản động ngoại lai làm nên.

27 năm sau (năm 1986) cũng chính bác Quách Xăng, bác Lê Nam giờ tóc đã hoa râm lại một lần nữa cùng một số cán bộ, giáo viên ngành giáo dục hai huyện Hiên, Nam Giang tập trung tại Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để cùng soạn thảo giáo trình dạy chữ Cơtu cho lớp 1. Với một tháng làm việc cật lực để chỉnh lý cải biên cho phù hợp với tình hình mới, cuốn Boop Cơtu lớp 1 được ra đời, đưa vào giảng dạy thí điểm tại hai huyện Hiên, Nam Giang. Ở huyện Hiên lớp thí điểm được mở ở Caong Areh-Đhơrôông, ở huyện Nam Giang triển khai ở xã Tàbling.

Sau một niên khóa dạy thí điểm (1986-1987) vì học sinh chưa học qua chương trình mẫu giáo mà bộ vần Cơtu có quá nhiều nguyên âm (39) và phụ âm (20) cùng 17 phụ âm kép như : đh, bh, mr, jr, gr, cr, br, pr, xr, bhl, đhr, bl, phr, chr, cl ql pl cùng rất nhiều vần đặc biệt do một nguyên âm kết hợp với phụ âm h, l một cách phức tạp như oh, ôh, ơh, uh, ưh, il, ol, ôl, al,... và các vần có phụ âm r cuối như : ar, âr, er, ir, ur... gây khó khăn cho việc bồi dưỡng giáo viên và giáo dục cho học sinh. Sau một năm thực hiện, mặc dầu có những ưu điểm trong nội dung giáo dục như đưa vào những câu khóa : Bêl boo oỏ ắt đhở tơơm hlaong (Khi mưa đừng ở dưới gốc cây); Amoó oỏ ắt camơơ (Em gái đừng ở bẩn); Atưch tcăr - Đhađhâm cmơr - Mhjưah hêê méh - Dưr hoc bhơar (Gà đã gáy - Thanh thiếu niên - Cùng thức dậy - Để học bài).

Nhưng chất lượng học sinh không cao. Đến niên khóa 1987-1988, do thiếu giáo viên am hiểu sâu sắc về chữ Cơtu, ngay cả ở Sở Giáo dục cán bộ chuyên trách cũng thiếu nên một lần nữa chữ Cơtu lại bị rơi vào quên lãng. Ngày nay, tổ chức SIL đã làm chữ Cơtu cho người Cơtu ở Lào, hiện đang ở Úc cũng xin vào trong vòng hai năm để làm chữ Cơtu cho người Cơtu ở Quảng Nam nhưng chính quyền Việt Nam không chấp nhận.

Tại tỉnh Quảng Nam, thực hiện Nghị quyết TW 5 và chính sách dân tộc của Đảng, nhu cầu điều tra, sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể, chú trọng đến nền văn hóa của các dân tộc ít người có nguy cơ bị đồng hóa, mai một đòi hỏi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước kịp thời có kế hoạch cải tiến bộ chữ Cơtu cũ hay làm một bộ chữ Cơtu mới khoa học, hiện đại và dễ tiếp thu cho người Cơtu. Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua, tỉnh ta có lúc đã rót đến 1/4 kinh phí cho việc xây ựng miền núi nhưng kết quả thật đáng suy nghĩ. Điện, đường, trường, trạm đã mọc lên giữa các bản làng của người dân tộc Gạo cứu đói được đưa đến cho từng bếp. Cuốc, xẻng, máy tuốt lúa, chăn màn,... đã được cấp đến từng người dân mà sao cuộc sống của người dân tộc nói chung và người Cơtu nói riêng vẫn còn phát triển chậm. Chiêng trống nằm yên trên kệ; các bài hát, câu chuyện cổ ngủ yên trong tiềm thức của các cụ già, nhưng "rường cột" của đồng bào đang vật vờ trong men rượu, bên bàn bia, trong phòng karaoke,... ruộng lúa không nước tưới, không phân bón, vườn tược xơ xác, cây quế Thanh Hóa nằm trên sườn đồi không ai buồn nhìn, cây quế con nhiều nơi phát không ai thèm nhận...

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam, một người có tâm huyết, có hoài bão chuyển đổi cơ cấu kinh tế - văn hóa - xã hội miền núi từ gốc rễ, trao lại quyền làm chủ núi rừng cho chính người dân tộc đã mời Viện ngôn ngữ học, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia giúp tỉnh ta làm bộ chữ Cơtu mới. Để khỏi rơi vào tình trạng đáng buồn như bộ chữ Cơtu trước - sau một thời gian sử dụng lại phải sửa chữa bổ sung hay bị rơi vào quên lãng cần thiết phải "nuôi" chữ. Việc "nuôi" chữ đòi hói phải nghiên cứu biên soạn cuốn từ điển Cơtu - Việt. Đề tài cấp nhà nước này được giao cho Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Nam với sự hỗ trợ của Viện ngôn ngữ học, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, một số người am hiểu sâu sắc về chữ Cơtu như bác Lê Nam và một vài thành viên là người Cơtu thực hiện. Kế hoạch đề tài dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2005 sẽ được đưa vào sử dụng, giảng dạy tại hai huyện Hiên và Nam Giang.

Việc UBND tỉnh chủ trương tiến hành nghiên cứu, biên soạn bộ chữ Cơtu góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Cơtu; nâng cao trình độ dân trí của đồng bào dân tộc nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng tây Quảng Nam.

NGUYỄN THỊ XUÂN BỐN
(theo tạp chí Khoa học & Sáng tạo, số 07(08) - 2001)

---------------------------------------------------------------------
(1) Lời đồng chí Quách Xăng.


Logged

Lee Young Ae tốt nghiệp Đại học Hanyang với bằng cử nhân tiếng Đức. Sau đó, cô vào Đại học Joongang và lấy bằng Thạc sĩ về sân khấu điện ảnh. Cô tiếp tục học chương trình Tiến sĩ về sân khấu điện ảnh tại trường Hanyang vào học kỳ hai năm nay.
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn