Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 06, 2024, 01:10:29 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1] 2 3 ... 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nội kinh tố vấn  (Đọc 30625 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« vào lúc: Tháng Tám 29, 2017, 05:12:12 PM »

23. Tuyên minh ngũ khí thiên


Sự dẫn vào Tàng của năm vị: Toan vào Can, Tân vào phế, Khổ vào Tâm, Hàm vào Thận, Cam vào Tỳ.

Năm khí gây bệnh: Tâm phát ra chứng nấc; Phế đưa ra chứng khái; Can đưa ra chứng nộ, muốn nói luôn; Tỳ phát ra chứng miệng thường phải nuốt nước miếng; Thận phát ra chứng hay vươn vai và hắt hơi; Vị phát ra chứng khí nghịch, chứng ọe (ợ) và chứng khủng (sợ); Đại trường, Tiểu trường phát ra chứng tiết (tả); Hạ tiêu ràn thành chứng thủy; Bàng quang không lợi thành chứng long (tiểu tiện vít, đau), hoặc bất cước (tức tiểu tiện bất cấm) và di niệu (són đái); Đởm phát ra chứng nộ. Đó là năm bệnh của năm Tàng, hợp với khí của năm hành.

Tinh của 5 Tàng cùng dồn lại, sẽ phát các chứng: Tinh khí dồn lên Tâm thì thành chứng hay hỷ; dồn lên Phế thì thành chứng hay bi; dồn lên Tỳ thì thành chứng hy úy; dồn xuống Thận thì thành chứng hY khủng. Năm chứng "dồn" đó, bởi vì hư mới có thể dồn.

Năm sự ghét của năm Tàng: Tâm ghét nhiệt; Phế ghét hàn; Can ghét phong; Tỳ ghét thấp; Thận ghét táo.

Năm tàng hóa ra các chất lỏng: Tâm hóa ra hãn; Phế hóa ra thế (nước mũi); Can hóa ra lệ (nước mắt); Tỳ hóa diên (nước dãi); Thận hóa ra thóa (nước miếng).

Sự cấm kỵ của 5 vị: vị tân dẫn vào khí, khí mắc bệnh không nên ăn nhiều vị tân; vị hàm dẫn vào huyết, huyết mắc bệnh không nên ăn nhiều vị hàm; vị khổ dẫn vào xương, xương mắc bệnh không nên ăn nhiều vị khổ; vị cam dẫn ra thịt, thịt mắc bệnh không nên ăn nhiều vị cam; vị toan dẫn vào cân, cân mắc bệnh không nên ăn nhiều vị toan.

Các bwnhj chứng phát ra ở năm Tàng: Thận âm mắc bệnh phát ra ở cốt; Tâm dương mắc bệnh phát ra ở huyết; Tỳ âm mắc bệnh phát ra ở nhục; Can dương mắc bệnh phát về mùa đông;; Phế âm mắc bệnh phát về mùa hạ.

Năm sự rối loạn phát sinh bởi tà khí: Tà lấn vào dương thì phát bệnh cuồng; tà lấn vào âm thì phát bệnh tý; Dương khí dồn lên thì phát chứng đau ở đầu; Âm khí dồn lên thành chứng không nói được; tà ở dương phận lấn vào âm thì bệnh nhân yên tĩnh; tà ở âm phận lấn vào dương thì bệnh nhân hay nộ.

Năm tà khí hiện ra mạch: Mùa xuân hiện mạch của mùa thu, mùa hạ hiện mạch của mùa đông, mùa Trưởng hạ hiện mạch của mùa xuân, mùa thu hiện mạch của mùa hạ, mùa đông hiện mạch của mùa Trưởng hạ...Đó gọi là từ âm phận hiện ra dương phận đều là tà khí thắng, khó chữa.

Các thứ "tàng" của năm Tàng: Tâm tàng thần, Phế tàng phách, Can tàng hồn, Tỳ tàng ý, Thận tàng chí.

Các thứ sở chủ cho năm Tàng: Tâm chủ về mạch, Phế chủ về bì (da), Can chủ về cân, Tỳ chủ về nhục, Thận chủ về cốt.

Năm sự thái quá (lao, nhọc) làm thương đến năm Tàng. Trông lâu làm thương đến huyết; nằm lâu làm thương đến khí; ngồi lâu làm thương đến nhục; đứng lâu làm thương đến cốt; đi lâu làm thương đến cân.

Năm mạch tương ứng với bốn mùa: Mạch của Can Huyền, mạch của Tâm câu, mạch của Phế mao, mạch của Tỳ đại, mạch của Thận thạch
« Sửa lần cuối: Tháng Năm 04, 2018, 07:03:18 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Mười Hai 12, 2017, 09:38:23 AM »

Chương một

THƯỢNG CỔ CHÂN THIÊN LUẬN (1)



KINH VĂN

 Hoàng Đế (2) hỏi Thiếu Sư (3):

 - Tôi nghe, người đời Thượng cổ đều sống tới trăm tuổi mà sức khỏe không kém sút, đến người đời nay tuổi mới năm mươi mà sức khỏe đã kém sút. Đó là vì thời thế khác chăng ? Hay là lỗi tại người chăng?

 Kỳ Bá thưa rằng: Người thời thượng cổ, những người biết đạo (4), bắt chước ở Âm Dương; điều hòa với thuật số (5), ăn uống có mực, khởi cư theo lẽ thường, không làm quá sức, cho nên gìn giữ được cái hình hài và tinh thần, sống trọn số trời, linh trăm tuổi mới thác (6).

 Người đời nay thì không thế; lấy rượu thay làm nước uống; lấy sự càn bậy làm sự thường; đương lúc say sưa lại nhập phòng (7), lấy sắc dục làm cho tinh khí bị hao kiệt, hao tán mất chân nguyên, họ không biết giữ gìn cẩn thận, không theo đúng sự thay đổi khí tiết bốn mùa để bảo dưỡng tinh thần, họ chỉ muốn làm cho khoái cái tâm (VIII), làm trái nghịch lại cái vui thú của sự dưỡng sinh; khởi cư không điều độ...Cho nên mới độ nửa trăm tuổi đã rất là suy yếu.

 Bậc thánh nhân thời Thượng cổ đã răn dạy người dưới mình biết xa lánh hư tà tặc phong (9), trong lòng điềm đạm hư vô (10), chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được; vì vậy chí nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ, hình mệt mà không quá, chân khí điều hòa, mọi sự đều được mãn nguyện (11).

 Ăn đã đủ ăn, mặc lại đủ mặc, phong tục vui vẻ, trên dưới êm hòa không hề ganh tỵ...Nên dân thời đó gọi là "Phác" (12).

 Do đó những điều dâm tà không thể làm bận tâm họ, những điều ham muốn không làm mỏi mắt họ. Kẻ ngu, người khôn, người hay, kẻ kém, không phải sợ đến ngoại vật, nên mới hợp với đạo...Vì thế nên mới có thể sống linh trăm tuổi, mà sức khỏe vẫn không kém sút...Đó là bởi "Đức toàn" (13) vậy.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Người đến tuổi già thì không sinh con, vì tinh lực hết chăng? Hay là tại số trời?

 Kỳ Bá thưa:

 - Con gái 7 tuổi thì Thận khí đầy đủ, răng thay tóc dài. Hai lần 7 (14 tuổi) thì thiên quý sinh ra (14), Nhâm mạch thông, Thái xung mạch thịnh (15), kinh nguyệt đúng kỳ xuống nên mới có con. Đến năm ba bẩy (21 tuổi), Thận khí điều hòa, chân nha mọc hết (16). Đến năm bốn bẩy (28 tuổi), gân xương đều bền rắn, tóc dài hết mực, thân thể khỏe mạnh. Đến năm năm bẩy (35 tuổi), Dương minh mạch suy, vẻ mặt bắt đầu khô khan, tóc bắt đầu rụng (17). Đến năm sáu bẩy (42 tuổi), mạch của ba kinh dương suy kém ở trên, vẻ mặt khô khan hẳn, tóc bạc (18). Đến năm bẩy bẩy (49 tuổi), Nhâm mạch hư, Thái xung mạch kém sút, thiên quý hết, địa đạo không thông, cho nên thân thể hao mòn mà không có con (19).

 - Con trai, tám tuổi thì Thận khí đầy đủ, tóc dài răng đổi (20). Đến năm hai lần tám (16 tuổi), Thận khí thịnh, thiên quý đến; tinh khí đầy tràn, âm dương hòa nên mới có con (21). Đến năm ba tám (24 tuổi), Thận khí điều hòa, gân xương cứng mạnh, chân nha mọc hết. Đến năm bốn tám (32 tuổi), gân xương đầy đủ, cơ nhục nở nang. Đến năm năm tám (40 tuổi), Thận khí suy dần, tóc rụng, răng se (22). Đến năm sáu tám (48 tuổi), dương khí suy kiệt ở trên, vẻ mặt khô khan, râu tóc đốm trắng. Đến năm bẩy tám (56 tuổi), Can khí suy, sự cử động của gân yếu, thiên quý hết, tinh ít, Thận tạng sút, toàn thân mỏi mệt (23). Đến năm tám tám (64 tuổi), răng tóc đều rụng.

 Thận chủ về thủy (nước), chứa đựng "tinh" của năm Tạng, sáu Phủ. Năm Tạng có đầy đủ (thịnh) mới có thể tả ra. Giờ năm Tạng đều suy, gân xương rã rời, thiên quý hết rồi, cho nên râu tóc bạc, thân thể nặng nề đi đứng không vững, mà không có con (24).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Có người già rồi mà còn sinh con, là vì cớ sao?

 Kỳ Bá thưa:

 - Những người tu đạo, có thể không già và giữ vẹn được thân hình, vậy tuổi dẫu nhiều, vẫn có thể sinh con được.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Đời Thượng có có bậc chân nhân (25) có thể xoay chuyển được trời đất, điều hòa được Âm Dương, thở hút tinh khí, giữ vững hình thần, da thịt không lúc nào thay đổi...Nên mới có thể sống cùng trời đất, tới mãi vô cùng tận. Đó là hạng người sống hợp với đạo (26).

 Về đời Trung cổ, có bậc Chí nhân, sửa đức hợp đạo, hòa với Âm Dương; thuận với bốn mùa, xa đời, lánh tục, chứa tinh, vẹn thần, rong chơi trong khoảng trời đất, xa trông ra ngoài tám cõi...Đó là bởi biết giữ gìn tu luyện, nên mới được mạnh mẽ và sống lâu. Bậc này rồi cũng được như Chân nhân.

 Về bậc thứ, có hạng gọi là Thánh nhân, ở trong vòng trời đất, thuận theo lẽ tám phương, tuy cũng có thị dục như người thế tục, nhưng không có lòng hờn giận, cũng áo, mũ, cũng miếu đường; bên ngoài không thể nhọc hình vì việc; bên trong không thể nhọc vì lo; lấy vui vẻ làm hay, lấy tự đắc làm thích...Do đó hình thể không mỏi mệt, tinh thần không lìa tan...Nên cũng có thể sống được linh trăm tuổi (27).

 Lại bậc thứ nữa, có hạng gọi là Hiền nhân, bắt chước sự vận hành của trời đất và mặt trời, mặt trăng; thuận theo lẽ nghịch và thuận của hai khí Âm Dương, với sự thay đổi của bốn mùa. Cố tu luyện theo đời người Thượng cổ, cho hợp với đạo...Như thế cũng có thể sống lâu mãi mãi (28).

Chú giải

 (1) Những tên thiên ở đây, phần nhiều trích một vài chữ ở trong bài để đặt. Bốn thiên ở đầu bộ này đều bàn về phương pháp điều dưỡng "tinh, thần, khí, huyết"...

 (2) Theo Sử ký: Hoàng Đế họ Công Tôn, tên Hiên Viên, là con vua nước Hữu Hùng, nối vua Thần Nông lên làm vua, trị thiên hạ, đóng đô ở gò Hiên Viên, vượng về Thổ Đức, nên gọi là Hoàng Đế.

 (3) Danh từ tôn xưng Kỳ Bá.

 (4) Đạo, tức là cái phương pháp điều dưỡng tinh thần khí huyết.

 (5) Thuật số tức là phương pháp bắt chước âm dương. Âm dương là cái gốc của vạn vật, thuận với nó thì sống, trái với nó thì chết. Cho nên cần phải điều hòa mà thuận theo nó.

 (6) Khởi cư có thường thì nuôi được thần; không làm quá sức thì nuôi được tinh. Thần với tinh đầy đủ lo gì không sống lâu.

 (7) Rượu làm hại Tỳ, Tỳ khí bị thương thì không tiêu hóa được thức ăn, sinh khí vì đó mà bị thương; làm càn bậy thì thương thần; say rượu nhập phòng thì thương tinh. Như thế gì mà không chóng chết.

 (VIII) Tâm chứa thần, khoái tâm thì thần bị thương.

 (9) Hư tà tức là khí độc; Tặc phong tức là gió độc.

 (10) Lão Tử nói: "Trong xem tâm mình, tâm không có gì là tâm; ngoài xem hình mình, hình không có gì là hình; xa xem muôn vật, vật không có gì là vật... Ba điều đó đã hiểu thấu, thì sẽ còn chỉ thấy có "không". Rồi xem không cũng không, không không còn không. Cái không đã "vô", vô "vô" cũng "vô"; vô "vô" đã "vô", trong trẻo thường lặng; lặng không còn lặng, "dục" sinh sao được; "dục" đã không sinh, tức là "chân tĩnh". Chân thường ứng với vật, chân thường hợp với tính; thường ứng thường tĩnh, sẽ được thường "thanh tĩnh".

 Đoạn nói của Lão Tử trên này thật là một phương pháp "không" rất hay. Đem mà giải nghĩa bốn chữ "điềm đạm hư vô" trên này cũng rất đúng.

 (11) Vì điềm đạm hư vô nên mới chí nhàn mà ít dục; vì tinh thần bền vững, nên mới tâm yên mà không sợ; dân khắp bốn phương đều được an cư lạc nghiệp, nên mới mãn nguyện.

 (12) Dân chúng đã biết vâng theo lời dậy của người trên, nên mọi sự đều cứ tới "mực" vừa đủ thì thôi, không hề ham muốn xa hoa, cho nên phong tục mới được vui vẻ, không còn sự ngờ vực ghen ghét; do đó, người trên không hiếp kẻ dưới, kẻ dưới không ghen ghét người trên, không còn ai làm điều gì quá cái phạm vi địa vị của mình. Dân như thế đã thuộc vào hạng thành thực và chất phác. Nghĩa chữ "phác" có vẻ như quê mùa mà thành thực, khác với tiếng quê mùa của ta thường dùng.

 (13) Đức tức là "minh đức" của trời phú cho; toàn tức là không để vật dục nó làm hại tới. Trang Tử nói: "Người giữ đạo thì đức toàn; Đức toàn thì hình toàn; Hình toàn tức là hợp với đạo của Thánh nhân vậy".

 Từ đoạn này trở lên, ông Kỳ Bá đã trả lời Hoàng Đế được đầy đủ về cái cớ người xưa sống lâu.

 (14) Thiên quý cũng như Thiên ất, đều là chất nước, tức là huyết, tức là kinh nguyệt. Đàn bà chủ về việc sinh đẻ, thuộc âm; mặt trăng cũng thuộc âm. Mặt trăng có khi tròn khi khuyết, nên thiên quý cũng theo đó mà đúng kỳ tiết ra, nên gọi là kinh nguyệt.

 (15) Thái xung, Nhâm mạch là hai thứ mạch thuộc kỳ kinh. Hai mạch này đều phát sinh từ Thiếu phúc, do bụng dẫn lên, làm một nơi để chứa kinh huyết, gọi là huyết hải. Nhâm mạch chủ về ràng buộc bào thai, Xung mạch chủ về huyết hải, giờ hai mạch đều đã thông, nên kinh nguyệt mới đúng kỳ xuống mà thụ thai.

 (16) Chân nha tức là một thứ răng thực mọc sâu nhất, chân nó rẩt sâu. Thận khí tức là một thứ khí do Thận sinh ra. Khí sinh ra bởi tinh, cho nên thiên quý đến trước rồi Thận khí mới điều hòa đầy đủ. Đến lúc đó chân nha mới mọc.

 Lại án: Con gái sinh theo số 7 như trên, 7 thuộc về số của Thiếu dương. Con gái thuộc âm, mà tính theo số dương, đó là trong âm có dương.

 (17) Mạch của kinh Dương minh dẫn lên mặt, vòng lên đầu tóc, cho nên đến lúc suy thì vẻ mặt thành ra khô khan và tóc rụng. Phàm khí thuộc về dương mà huyết mạch thuộc về âm, cho nên con gái thì mạch suy trước mà con trai thì khí suy trước.

 Lại án: Đường mạch của kinh túc Dương minh hợp với hai mạch Xung, Nhâm vòng qua rốn mà đi lên. Nên chi khí Xung Nhâm đã hư thì Dương minh cũng phải hư.

 (18) Mạch của ba kinh dương đều dẫn lên đầu. Đến khi mạch đó suy thì vẻ mặt tất phải khô khan và tóc tất phải bạc.

 (19) Địa đạo tức là những mạch thuộc về hạ bộ - bộ phận dưới. Lại như Thiên tam bộ cửu hậu nói: Hạ bộ tức chỉ về kinh túc Thiếu âm (Thận). Thiên quý chứa ở Thận, đến khi thiên quý hết, tức là các đường mạch của túc Thiếu âm thuộc về bộ phận dưới không thông, do đó mới thân thể hao mòn mà không có con.

 (20) "Tám" là số của Thiếu âm. Con trai vốn là dương thổ mà lại tính theo âm số, đó là trong dương có âm.

 (21) Linh khu nói: Xung mạch, Nhâm mạch đều phát sinh tự trong "bào", dẫn lên phía trong "phúc", là cái gốc của các kinh lạc; cái nổi ra bên ngoài, do bên hữu phúc dẫn lên họp ở yết hầu, chẽ ra dưới miệng và xung quanh môi. Người huyết khí đều thịnh thì tràn tới ngoài da, làm nóng trong thịt. Người thịnh riêng về huyết thì thấm tới ngoài da, mọc thành lông nhỏ. Người đàn bà khí có thừa mà huyết thì thiếu - vì thường tiết ra nguyệt kinh - khiến hai mạch Xung, Nhâm không đầy đủ ở xung quanh miệng nên mới không có râu.

 Án: Thiên quý tức là âm tinh, cho nên tinh khí của con trai cũng gọi là  thiên quý. Như Vương Băng nhận thiên quý là huyết, thì thiên quý của con trai cũng là huyết hay sao? Thuyết đó không đúng.

 (22) Thận là nơi gốc của sinh khí. Con trai suy về khí trước, cho nên khi Thận khí suy thì tóc rụng răng se.

 (23) Can do Thận sinh ra (tức là Thủy sinh Mộc), Thận khí suy cho nên mới lây đến Can. Can chủ về Thận, vì Can khí suy nên sự cử động của gân phải yếu. Thận chủ về xương. Giờ gân với xương đều suy, cho nên toàn thân mới mỏi mệt.

 (24) Đoạn này lại nói rõ thêm cái nghĩa thiên quý của Tiên thiên, phải nhờ sự giúp ích do tân dịch của Hậu thiên. Vì năm vị vào Tỳ, đều dẫn tới cái nơi sở thích của nó. Thận là thủy Tàng, thu hút và chứa đựng các chất tinh dịch của năm Tàng, rồi lại bố tán ra. Chất ấy dẫn lên Tâm, hóa sắc đỏ thành ra máu; máu ấy dẫn tới hai mạch Xung, Nhâm làm thành cái biển chứa kinh huyết, để nuôi cơ nhục và mọc ra lông tóc. Cho nên về bên con trai, khi thiên quý đã đến thời tinh khí đầy tràn, hóa đỏ làm ra máu, dẫn ra Xung, Nhâm mà mọc râu ria; còn bên con gái, khi thiên quý đến thời kinh nguyệt đúng kỳ dẫn xuống. Vậy tinh với huyết đều gọi là thiên quý.

 Lại án: Kinh nói: Con đường của vinh huyết, chủ ở sự ăn uống. Thức ăn vào Vị rồi truyền lên Phế, tràn ngập ở bên trong, phân tán ra bên ngoài. Cái chất tinh khiết hơn nhất, thường lưu thông ở trong kinh mạch, để thấm nhuần và nuôi nấng cơ nhục. Con trai tám lần tám, con gái bẩy lần bẩy, cái "số" của trời đất đã đến cực độ, cho nên thiên quý hết. Nhưng cái chất huyết dẫn ở trong kinh mạch vẫn không hết. Cho nên những người già cả ăn uống được, Tỳ Vị khỏe thì gân xương vẫn còn mạnh.

 Lại án: Về con gái, có người đã quá cái giới hạn "bẩy bẩy" mà kinh nguyệt vẫn lôi thôi không dứt, đó là do cái huyết ở trong kinh toại tràn vào Xung, Nhâm mà tiết ra cho nên mặt vàng, mình gầy, xương đau, gân mỏi.

 Ta nên nhớ rằng: huyết của Kinh tọai dẫn ở trong mạch, huyết của Xung, Nhâm, thấm ra ngoài mạch.

 (25) Bắt đầu sinh ra hợp ngay với đạo, giữ vẹn được thiên chân, nên gọi là Chân nhân.

 (26) Từ đoạn này trở xuống là Hoàng Đế thuật lại những chuyện nghe được từ đời trước, để giải thêm về lẽ sống của con người.

 (27) Hai bậc Chân nhân và Chí nhân, xa đời lánh tục, tu đạo để giữ vẹn lấy thiên chân, không có tình hệ luyến của vợ con, không có thói thèm muốn của thế tục, đó là một bậc đi ra ngoài cõi tục, khác hẳn với người đời. Đến như bậc Thánh nhân thì vẫn ở trong vòng trời đất, vẫn có luân lý cương thường, nhưng chỉ dùng cái phương án "vô vi" để sự trị tự thân và thiên hạ, nên không phải nhọc đến thân thể và tinh thần... Do đó, cũng có thể sống tới linh trăm tuổi. Bậc này, như năm đời Đế, ba đời Hoàng và Chu Công, Khổng Tử v.v...

 (28) Bậc hiền nhân tuy ở trong trần tục, nhưng không bị vật dục nó che lấp. Dù có đôi khi cũng bị mờ ám đi đôi chút, nhưng lại sửa sang được ngay, cũng sáng sủa như nhật, nguyệt, tinh, thần; có thứ tự như bốn mùa và sự điều tiết của âm dương... Như thế thì tuy cái địa vị là Hiền nhân, mà cũng có thể đạt tới được bực Thánh nhân hoặc Chân nhân cũng chưa biết chừng... Đó là cái ý khuyết miễn của Hoàng Đế.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 15, 2018, 03:16:05 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #2 vào lúc: Tháng Mười Hai 12, 2017, 03:50:12 PM »

Chương hai

TỨ KHÍ ĐIỀU THẦN LUẬN (1)



KINH VĂN

 Ba tháng mùa Xuân gọi là Phát trần (2), khí của trời đất mới phát sinh, muôn vật đều nảy nở tươi tốt. Đêm nằm, dậy sớm, đi dong dẻo ngoài sân, buông xõa tóc, nới rộng áo, để cho "chí" sinh ra (3). Chỉ sinh mà không sát; chỉ cho mà không đoạt (cướp lấy), chỉ thưởng mà không phạt (4). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Xuân, tức là cái đạo dưỡng sinh vậy. Nếu trái lại, sẽ thương đến Can, không đủ khí giúp sự phát triển của Tâm, tới mùa Hạ biển ra bệnh hàn... (5).

* * *

Ba tháng mùa Hạ gọi là Phồn tú (6). Khí của trời đất giao nhau (7) muôn vật nở hoa, kết quả. Đêm nằm dậy sớm, chớ ngại ngày dài (VIII). Đừng để trong "chí" có sự giận dữ, cho thần khí được thư thái. Để cho khí bên trong được tuyên tiết ra bên ngoài, không bị vít lấp (9). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Hạ, tức là cái đạo dưỡng sinh vậy. Nếu trái lại sẽ thương đến Tâm, đến mùa Thu biến ra bệnh ngược (sốt rét, úi...). Tâm khí ít không giúp được sự thu liễm của Phế, mùa đông tất lại mắc thêm bệnh (10).

 Ba tháng mùa Thu gọi là Dung bình (11), khí trời hanh ráo, khí đất trong sáng (12). Nằm sớm, dậy sớm theo tiếng gà gáy (13). Để cho "chí" được an ninh, làm dịu bớt sự túc sái của mùa Thu; thâu liễm thần khí, cho Phế khí được trong sạch (14). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Thu, tức là phương pháp giúp sự thâu liễm vậy. Nếu trái lại, sẽ thương đến Phế; không đủ khí giúp cho sự thu tàng, mùa Đông sinh ra bệnh xôn tiết (thổ tả) (15).

* * *

 Ba tháng mùa Đông gọi là bế Tàng (16). Nước đóng thành băng, đất nứt nẻ, không nên làm phiền nhiễu Dương khí (17). Nằm sớm, dậy muộn, nên đợi lúc mặt trời mọc, khiến cho "chí" như ẩn nấp, như giấu giếm, để cho khí của Tâm với Thận giao nhau, lánh nơi rét tới nơi ấm, đừng để bì phu bị lõa lồ tuyên tiết, làm động tới căn khí ở bên trong (18). Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Đông, tức là cái đạo giúp sự thâu tàng vậy. Nếu trái lại sẽ thương đến Thận, không đủ khí giúp sự sinh trưởng của Can, tới mùa Xuân, tất sinh bệnh nuy, quyết (19).

* * *

 Thiên khí vốn trong sạch, sáng sủa (20), "tàng đức" vận động không ngừng, nên không cần phải giáng xuống mà cũng như giáng xuống (21). Nếu thiên khí không "tàng" mà lại sáng tỏ, thì nhật nguyệt sẽ không còn sáng, mà hư tà sẽ làm hại không khiếu (22). Nếu Dương khí bị vít lấp, thì địa khí sẽ tràn ngập lên (23), khiến cho mây mù đông đặc, bạch lộ không thể xuống (24), các loài cỏ cây cũng bị khô héo, úa vàng (25). Do đó, tặc phong, bạo vũ, dồn dập tới luôn; cái khí hậu của bốn mùa cũng thành ra trái ngược lẫn lộn. Con người sinh sống trong khoảng đó, nếu không biết giữ mình cho đúng phương pháp thì tránh sao khỏi nguy đến tính mệnh.

 Chỉ có bậc Thánh nhân là hay thuận theo thời khí để giữ mình, cho nên không mắc phải những tật bệnh lạ lùng, mà sinh khí cũng còn được lâu bền mãi mãi (26).

* * *

 Làm trái khí mùa Xuân thì Thiếu dương không thi triển được các công năng sinh phát, Can khí sẽ uất mà biến bệnh; làm trái khí mùa Hạ thì Thái dương không thi triển các công năng trưởng dưỡng (nuôi lớn), Tâm khí sẽ bị rỗng không mà sinh bệnh; Làm trái khí mùa Thu thì Thái âm không thi triển được cái công năng thâu liễm, Phế khí bị đầy trướng mà sinh bệnh; Làm trái khí mùa Đông thì Thiếu âm không thi triển được cái công năng thâu tàng, Thận khí bị chìm lấp mà sinh bệnh (27).

 Nghĩ như, khí Âm Dương của bốn mùa thực là gốc rễ của muôn vật: vì vậy, bậc Thánh nhân, về hai mùa Xuân, Hạ thì nuôi khí Dương; về hai mùa Thu, Đông thì nuôi khí Âm, tức là bồi dưỡng ngay từ nơi gốc rễ (28), cho nên mới có thể cùng với muôn vật cùng chìm nổi ở trong vòng sinh trưởng (29). Nếu làm trái mất ngay từ nơi gốc rễ, thì không sao toàn được (30). Cho nên nói rằng: hai khí Âm Dương ở trong bốn mùa, nó là trước sau của muôn vật, là gốc của sự sống, chết. Trái nó thì tai hại sẽ sinh ra, thuận nó thì bệnh tật không mắc phải. Chỉ có bậc Thánh nhân là hay thuận theo được lẽ đó, còn kẻ ngu thì rất dễ sao nhãng.

 Thuận theo lẽ Âm Dương thì sống, trái thì chết, theo thì trị, trái thì loạn (31).

 Vì thế Thánh nhân không trị khi đã mắc bệnh, mà trị từ lúc chưa mắc bệnh; không trị khi đã loạn mà trị từ lúc chưa loạn. Nếu bệnh đã mắc mới uống thuốc, loạn đã thành mới sử trị, khác chi lúc khát nước mới đào giếng, sắp đánh nhau mới đúc đồ binh, chẳng cũng muộn lắm ru (32).

Chú giải

 (1) Thần chứa ở năm Tàng, nên phải điều hòa bốn khí để giữ thần.

 (2) Nảy nở cái mới để thay đổi cái cũ. Xuân khí bốc lên, sinh muôn vật, thay cũ đổi mới, nên gọi là phát chẩn.

 (3) Cái khí phong mộc của phương Đông (tức là Can khí) dẫn thẳng lên đầu óc, nên phải xõa tóc cho nó được sơ tán điều đạt. "Chí" tức là cái cơ phát sinh của năm Tàng. Chí với ý dùng để giá ngự tinh thần, thâu liễm hồn phách, thông đạt ấm lạnh... Vì vậy, nên suốt cả bốn mùa, lúc nào cũng làm cho thuận "chí".

 (4) Đều là để cho hợp với cái lẽ dưỡng sinh.

 (5) Can thuộc Mộc, vượng về mùa xuân. Giờ làm trái ngược mất cái khí xuân sinh, thì sẽ thương Can. Can bị thương, thì đến mùa hạ sẽ biến ra bệnh hàn. Vì mùa hạ thuộc Tâm hỏa. Can mộc đã bị thương thì không thể sinh được Tâm hỏa... Đến mùa hạ sẽ biến thành bệnh hàn... Sở dĩ như vậy là vì Tâm hỏa đã không được cái khí "sinh" (của Can mộc), tự nhiên "Thủy" nó sẽ đến khắc "Hỏa" nên mới phát bệnh hàn.

 (6) Tươi tốt, rậm rạp vì muôn vật được hấp thụ Dương khí.

 (7) Mùa hạ, Âm khí đã hơi bốc lên, Dương khí đã hơi giáng xuống, cho nên gọi là "giao nhau".

 (VIII) Không nên ngại ngày dài, phải thường vận động.

 (9) Về tháng trưởng hạ (tháng 6) thuộc về thời kỳ phát triển của hai hành Hỏa và Thổ (tức Tâm và Tỳ). Nếu giận dữ thời Can khí phát động, sẽ làm thương đến Tỳ thổ. Hạ khí bồng nổi ra ngoài, nên phải để cho tuyên tiết, không bị vít lấp, thời Can sẽ được thư xướng, không sinh bệnh hoạn.

 (10) Tâm thuộc Hỏa, vượng về mùa hạ, nếu làm trái với cái khí của mùa hạ thì Tâm sẽ bị thương. Tâm bị thương, đến thu sẽ thành bệnh ngược. Đó là vì cái khí của mùa hạ phù việt ra bên ngoài, đến mùa thu thì thâu liễm vào trong. Giờ không thâu liễm được khiến cho hai khí âm dương cùng chọi lẫn nhau nên mới thành bệnh ngược. Lại như: Dương khí vốn phát sinh từ âm Tàng tại hạ tiêu, mùa xuân dẫn lên bộ phận trên, mùa hạ dẫn ra bộ phận ngoài, mùa thu liễm vào bọ phận trong, mùa đông ẩn ở bộ phận dưới. Giờ mùa hạ đã bị thương ở trên rồi, đến mùa thu không còn gì để thâu liễm. Sự thâu liễm đã bị sút kém, đến mùa đông không còn gì để bế tàng,  Dương khí không về nơi căn bản; đến mùa đông là thời kỳ phát triển của hàn thủy, không có khí dương ấm áp để cho nó được quân bình điều hòa, nên mới lại mắc bệnh và nguy hiểm.

 (11) Muôn vật đến mùa thu đều đã đầy đủ, bình tĩnh nên gọi như vậy, tức là hìnhd ung từ.

 (12) Về mùa thu khí lạnh bốc lên, nên khí trời hanh ráo; Dương khí giáng xuống nên mặt đất trong sáng.

 (13) Về mùa thu, gà gáy sớm nhưng xuống chuồng muộn. Người cũng nên thức từ lúc gà gáy, nhưng tới khi gà xuống chuồng sẽ dậy. So với xuân, hạ dậy hơi muộn hơn. Đó là thuận theo sự  “thâu liễm” của mùa thu.

 (14) Phế thuộc hành Kim, chủ về mùa thu. Người đến mùa thu cũng phải thâu liễm thần khí, khiến cho Phế khí cũng được ấm áp trong sạch.

 (15) Mùa thu chủ về hành Kim, Phế cũng thuộc hành Kim. Làm trái thu khí thì thương đến Phế kim. Phế kim do đó không sinh được Thận thủy là một Tàng thuận về mùa đông, nên mới sinh ra bệnh xôn tiết – Sở dĩ sinh ra bệnh đó, là vì: Phế thuộc “táo Kim” của Dương minh; Tỳ thổ ghét thấp (ẩm) ưa táo (ráo), giờ Phế kim đã suy, không thể sinh Thủy; Thận khí  lại suy, không gìn giữ được Thủy; Tỳ thổ cũng lại không chế được Thủy, nên mới bị “thấp” nó xâm lấn; Tỳ bị thấp xâm lấn thì tránh sao khỏi sinh chứng xôn tiết (vì ăn uống không tiêu hóa được, hoặc thổ (mửa) hoặc tả (ỉa) ra, có khi còn nguyên cả thức ăn).

 (16) Che đậy, cất kín. Tới mùa đông, khí trời hình như đã thâu liễm, không biết dương, muôn vật cũng phải theo đó mà giữ gìn thân thể.

 (17) Về mùa đông, bên ngoài khí trời rét, nên Dương khí của con người cũng thâu tàng cả vào bên trong, nên giữ gìn, không làm việc quá sức,  khiến phiền nhiễu đến Dương khí, phải tuyên tiết ra bên ngoài.

 (18) Lánh rét, tới ấm là cốt để nuôi cái bộ phận “tiêu dương”, ngoài bì phu thuộc về nơi chủ của Dương khí. Nhưng Dương khí vốn gốc từ bộ phận Chí âm, rồi mới phát sinh ra ngoài bì phu. Nếu bên ngoài không giữ gìn ấm kín, thì khí dương ở bên trong tất phải phát ra để tiếp viện, đó tức là làm lay động đến căn khí, rất có hại.

 (19) Thận thuộc Thủy, vượng về mùa đông. Nếu mùa đông trái mất sự bế Tàng, thì sẽ thương đến Thận. Thận đã bị thươg, không còn đủ sức để sinh Can mộc, nên sang mùa xuân, Can mộc cũngc bị suy yếu. Can chủ cân, Can suy yếu thời cân mắc bệnh, nên thành chứng nuy – tức là gân giãn ra, không cử động được – hoặc cái sinh khí của Can quay nghịch xuống bộ phận dưới, thì thành chứng quyết – chân tay giá lạnh.

 (20) Mấy đoạn trên, bàn về nên thuận theo cái khí của bốn mùa để điều dưỡng tinh thần của mình. Nhưng muốn được bốn mùa thuận tự, không trái ngược, trước phải nhờ thiên khí êm hòa. Nếu thiên khí không êm hòa, thì bốn mùa cũng không thể thuận tư. Nên từ đây trở xuống, lại bàn về khí của trời đất.

 (21) Khí trời cần phải vận động không ngừng, đã không ngừng nên không cần phải giáng xuống mà cũng như giáng xuống.

 (22) Thiên khí vốn sáng sủa, nhưng cốt ở sự “ẩn tàng” nên mới cần đến sự sáng sủa của nhật nguyệt, không còn giữ được cái địa vị thanh tĩnh cao minh nữa. Tỷ như khí dương (ấm) của con người không giữ gìn che chở ở các bộ phận trên và ngoài, thì hư tà (tức là khí độc) sẽ lọt vào các khiếu (lỗ hổng như tai, mũi v.v…) mà làm hại.

 (23) Nếu thiên khí đã bị vít lấp, thì địa khí sẽ tràn ngập lên trên, tức là chỉ có lên mà không có xuống, khí của trời đất còn êm hòa sao được.

 (24) Địa khí bốc lên thành ra mây mù, thiên khí giáng xuống thành ra  mưa móc, giờ chỉ có thăng mà không có giáng, nên không có bạch lộ (giọt móc trong trắng).

 (25) Khí của trời đất đã không hòa, hoặc sinh ra mưa dầm, thối đất, gió nóng héo cây, không những cây cỏ chết mà con người cũng không sao khỏi sinh bệnh tật…

 (26) Xét qua muôn vật, giống nào cũng có được một thứ sinh khí tự nhiên, dù có gặp sự bất hòa của âm dương, thì nó cũng không đến nỗi tuyệt diệt. Duy có giống người là bị tấm lòng thị dục nó làm trác táng mất nguyên khí rồi, nếu lại gặp sự bất hòa của thời tiết, thì không sao khỏi chết. Đến bậc Thánh nhân thì đã biết thuận theo sự bất hòa của thời tiết để thi hành mọi phương pháp tu dưỡng, đề phòng, nên sinh khí lúc nào cũng dồi dào, không khi nào hết được.

 (27) Đoạn này nói về hai khí Âm Dương, tùy thời thay đổi; nếu làm trái ngược nó, thì những Tàng Phủ sở chủ về từng mùa, tự nó cũng bị bệnh, chứ không đợi thiếu sự giúp ích của Tàng nọ khiến cho Tàng kia cũng bị bệnh nữa. Thiếu dương (Đởm) chủ về cái khí sinh tươi của mùa xuân. Nếu làm trái khí mùa xuân, thì khí của Thiếu dương không bốc lên, sẽ khiến Can bị uất mà sinh bệnh (vì Can Đởm là biểu lý với nhau). Thái dương chủ về cái khí trưởng dưỡng của mùa hạ. Nếu Thái dương không trưởng dưỡng, thời Tâm khí sẽ bị thiếu sút mà sinh bệnh. Thái âm chủ về cái khí thâu liễm của mùa thu. Nếu Thái âm không thâu liễm, thì Phế (lá phổi) sẽ sưng lên mà sinh bệnh. Thiếu âm chủ về cái khí bế tàng của mùa đông. Nếu Thiếu âm không bế tàng, thì Thận khí sẽ hư mà sinh bệnh.

 Án: Thiếu dương Đởm kinh, Đởm là Giáp mộc, Can là Ất mộc, nên Can với Đởm cùng làm biểu, lý. Thủ Thái dương Tiểu trường kinh, Tiều trường là Bính hỏa, Tâm là Đinh hỏa, nên Tâm với Tiểu trường là biểu lý. Trên đây nói Đởm không sinh phát mà Can mắc bệnh v.v… là do chỗ “cùng làm biểu lý” đó.

 (28) Cái khí Âm Dương ở bốn mùa, “sinh, trưởng, thâu, tàng” hóa nuôi muôn vật, cho nên làm gốc rễ cho muôn vật. Về hai mùa xuân, hạ, dương thịnh ở bên ngoài mà hư ở bên trong; về hai mùa thu đông, âm thịnh ở bên ngoài mà hư ở bên trong. Cho nên Thánh nhân nuôi khí dương về mùa xuân hạ, mà nuôi khí âm về thu đông, tức là bồi dưỡng từ nơi gốc rễ vậy. Hoặc có người hỏi: tiết trên nói “hai mùa thu đông, khí âm chủ về việc thâu tàng”, đây lại nói: “khí âm thịnh ở bên ngoài…”. Vậy âm dương lại có hai “lẽ” chăng? Xin đáp: Trời thuôc dương, đất thuộc âm; trời bọc ở ngoài đất, đất lọt ở trong trời. Hai khí âm dương đều tự đất phát ra, rồi lại thâu tàng vào trong đất, thì gọi là “âm ở trong âm”, khi đã thoát ra khỏi mặt đất thì gọi là “dương ở trong âm”. Vậy trên kia nói: “âm chủ về thâu tàng”, tức là thâu tàng cái dương đã thoát ra vậy.

 (29) Muôn vật có cái gốc ấy, mới có thể sinh trưởng; Thánh nhân biết bồi dưỡng cái gốc ấy, nên mới có thể cùng muôn vật chìm nổi ở trong vòng sinh trưởng.

 Lại án: Tiết trên nói Thiếu dương, Thái dương… thì đủ biết Dương khí ở trong con người cùng hòa hợp với Dương khí của trời đất, nên chi Thánh nhân ở hai mùa ấy mới bồi dưỡng Dương khí. Tiết trên nói Thiếu âm, Thái âm… thì đủ biết Âm khí ở trong con người cùng hòa hợp với Âm khí của trời đất, nên chi Thánh nhân ở hai mùa ấy mới thâu tàng Âm khí, chính là điều dưỡng ngay từ nơi gốc rễ.

 (30) Tỷ như “trái với khí mùa xuân… trái với khí mùa hạ v.v…”

 (31) “Thuận” là nói về âm dương cùng hợp, ngũ hành cùng sinh, như Đông phương Can mộc sinh Nam phương Tâm hỏa, rồi Hỏa sinh Tỳ thổ, Thổ sinh Phế kim, Kim sinh Thận Thủy, Thủy sinh Can mộc v.v… Cái khí của năm Tàng cùng liên lạc đều có thứ tự; nếu làm trái sẽ loạn mà sinh bệnh.

 (32) Kim Quỹ Ngọc Hàm nói: Bậc thượng công (thầy thuốc giỏi) chữa từ lúc chưa mắc bệnh như thế nào? – Thầy (Trọng Cảnh tự xưng) đáp: Tỷ như thấy Can mắc bệnh, biết là sẽ phạm đến Tỳ (Can mộc khắc Tỳ thổ), nên bổ ngay Tỳ, khiến cho Tỳ đủ năng lực để kháng cự lại sự khắc của Can, do đó Can khí bắt buộc phải theo lẽ chính mà truyền sang Tâm (Can mộc sinh Tâm hỏa). Đó là xoay nghịch làm cho thuận, đổi loạn làm cho trị vậy. Nếu đợi đến lúc khí của năm Tàng đã loạn; bệnh của năm Tàng đã thành, bấy giờ mới theo để điều trị, thì kịp sao được nữa?...

 Án: Thiên này, nói về lấy cái khí Âm Dương trong bốn mùa của trời đất để nuôi cái khí Âm Dương ở trong năm Tàng của con người, lại đem năm Tàng để ứng với năm hành. Nghị luận rất thấu triệt.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 15, 2018, 03:17:19 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #3 vào lúc: Tháng Mười Hai 13, 2017, 06:38:27 PM »

Chương ba

SINH KHÍ THÔNG THIÊN LUẬN (1)



KINH VĂN

 Hoàng Đế nói:

 - Các bậc Thánh triết đời xưa hiểu suốt (thông) lẽ trời, biết rằng "khí trời là cái gốc của tính mệnh con người". Trời lấy hai khí Âm Dương để sinh ra muôn vật, mà tính mệnh của người là gốc của Âm Dương; cho nên ở trong khoảng sáu cõi (2) khí đó phân tán ra ở trên mặt đất, chia làm chín châu (3), khí đó phân tán ra ở con người, thành ra chín khiếu (4). Năm Tàng (5) và mười hai khớp xương (6) đều cùng thông với thiên khí. Những phần tử để sinh ra con người nhờ ở năm hành và ba khí (7). Nếu không cẩn thận, hằng phạm phải những khí đó, sẽ sinh tật bệnh. Trái lại, nếu biết cẩn thận, sẽ được sống lâu. Thiên khí là một thứ rất trong sạch, ta hay thể theo cái khí trong sạch ấy mà giữ mình, thì "chí ý" tự an tĩnh, mà cái dương khí bao bọc quanh mình ta cũng kín đáo, dù có "tặc tà" cũng không làm gì được. Chỉ có bậc Thánh nhân là hay đề phòng như vậy. Còn người thường thì trái với lẽ đó, nên trong thì chín khiếu bế nghẽn, ngoài thời cơ phu bị vít, cái Dương khí bao bọc bên ngoài tan rã, đó là tự mình gây nên bệnh.

* * *

 Dương khí ở con người, như "thiên" với "nhật". Nếu làm sai lạc mất địa vị của nó, sẽ không thể sống được. Thiên đức lúc nào cũng kiện vận không ngừng, nên mặt trời sáng tỏ; Dương khí ở con người cũng do đó mà bao bọc ở bên ngoài. Dương khí vốn gốc ở Chí âm, bên ngoài gặp phải khí hàn, tức thì Dương khí từ bên trong ứng ra để cản lại. Sự ứng ra ấy nhanh chóng như xoay cối cửa (nên gọi là vận khu) (VIII).

* * *

 Gặp phải "thử" và "hãn" sẽ thành ra phiền và thở gấp. Nếu không phiền, sẽ nói nhiều; mình nóng như than, hãn ra thì khỏi (9).

* * *

 Gặp phải thấp (khí ẩm), đầu nặng như đội; thấp phạm vào Dương khí, nhân đó mà hóa nhiệt. Dương khí vốn là một vật nhuần nuôi các đường gân, giờ Dương khí bị thương; gân sẽ mắc bệnh. Các gân nhỏ co rút lại, các gân lớn buông chùng ra, thành ra bệnh câu loan và túng thi (co quắp rã rời không cử động được). Có khi lại sưng thũng cả tứ chi (bởi Dương khí không vận hành ra tứ chi nên sưng thũng).

 Nếu lại quá nhiều phiền lao thì Dương khí bị phân tán ra bên ngoài, không có đủ năng lực để bảo vệ Âm khí ở bên trong, tinh sẽ tự tiết ra mà háo kiệt. Nếu ở mùa Hạ thì thành chứng tiên quyết (tức chân tay giá lạnh); tinh khí hư, nên mắt mờ, trông không tỏ, tai ù không nghe rõ.

 Dương khí thông ra bì phu, tấu lý (thớ thịt, bắp thịt), nếu tức giận quá độ thì khí nghịch lên, huyết cũng theo mà uất lên bộ phận trên, gây nên chứng "bạc quyết" (toàn thân giá lạnh), gân nhờ có huyết mới thấm nhuần mềm mại; giờ huyết bị uất, gân không được thấm nhuần, nên mới thành ra rã rời không thể cử động.

 Nếu hãn ra chỉ có nửa mình (10) sẽ sinh ra chứng thiên khô (11), nếu hãn ra mà gặp thấp, sẽ thành chứng mọc các mụn nhỏ lấm tấm (12). Những người mà ăn nhiều thức cao lương, phần nhiều mọc đinh (13). Hãn ra gặp gió, khí lạnh át lại, sẽ uất thành các mụn nhỏ như nốt sởi (14).

***

 Dương khí, cái chất "tinh" của nó thì nuôi thần, cái tinh "nhu" của nó thì nuôi gân (15). Nếu sự "khai hạp" (16) của nó bị vướng mắc, sẽ bị hàn tà phạm vào. Phạm vào đường xương sống, thì thành bệnh "gù". Nó lưu luyến ở trong mạch máu, trong thớ thịt, thì làm thành chứng "tê", hoặc phạm vào Tâm tàng thì thành chứng hay sợ, hay hãi, hoặc phạm vào khí phận ở trong các thớ thịt thì thành chứng mụn sưng (17).

 Nếu hãn ra chưa hết, nhiệt còn lưu luyến ở trong tấu lý, huyệt Du (18) bị vít, sinh chứng phong ngược (19).

* * *

 Ta nên biết rằng, "phong" đứng vào hàng đầu mối trăm bệnh. Nếu tấu lý bền kín, thì dù có gió độc cũng không làm gì được (20).

 Bệnh tà nếu để lưu luyến lâu, nó sẽ truyền hóa, trên dưới không thông. Lương công không để cho như vậy, phải chính trị ngay từ trước (21).

 Dương khí ban ngày thì chủ về bên ngoài. Lúc mờ sáng khí ấy mới phát triển, đúng trưa thời toàn thịnh, quá chiều thì đã hư, khí môn bắt đầu đóng (22).

* * *

 Vậy nên về phần đêm nên giữ gìn, đừng quá dùng sức gân xương, đứng ra hóng xương móc. Nếu trái lẽ ấy sẽ không khỏi mắc bệnh (23).

 Kỳ Bá nói:

 - Âm chủ về tàng tinh, mà thường bồng lên để ứng với bên ngoài; Dương chủ  về bảo vệ ở bên ngoài cho Âm được bền vững kín đáo (24).

 - Âm không thắng được Dương thì luồng mạch chảy gấp, sẽ phát bệnh cuồng (25).

 - Dương không thắng được Âm thì khí của năm Tàng tranh giành nhau, do đó chín khiếu không thông (26).

* * *

 Chỉ bậc Thánh nhân biết điều nhiếp Âm Dương, khiến cho gân mạch điều hòa, xương tủy bền chặt; khí huyết đều thuận, nên trong ngoài hòa hợp, "tà" không thể làm hại, tai mắt sáng tỏ (27).

 Phong phạm vào khí, tinh sẽ mất; nhân lại phạm vào cả Can (28). Nếu lại thêm sự ăn quá no, gân mạch tức thời sụt lỏng, Đại trường nhiệt tích mà gây nên bệnh trĩ (29). Hoặc vì uống quá nhiều thì khí nghịch; nếu lại quá dùng sức, Thận sẽ bị thương, do đó thành chứng đau ở cao cốt (30). Tóm lại, cái cốt yếu của Âm Dương, dương có bền bỉ thì sinh mệnh mới được vững vàng (31).

* * *

 Hai khí ấy nếu không điều hòa, như có Xuân không có Thu, có Đông không có Hạ. Nếu làm cho nó điều hòa tức là phương pháp của bậc Thánh nhân.

 Nếu Dương bị tà phạm, không thi hành cái nhiệm vụ làm bền ở bên ngoài, Âm sẽ bị mất ở bên trong.

 Âm bình Dương bí tinh thần sẽ trị, Âm Dương ly biệt tinh khí sẽ tuyệt.

 Gặp phải lộ (móc) và phong sẽ sinh bệnh hàn nhiệt. Mùa Xuân bị thương về phong tà, khí lưu liên sẽ thành chứng đỗng tiết (tả); Hạ bị thương về thử, tới mùa Thu sẽ sinh chứng ngược; Thu bị thương về thấp, ngược lên thành chứng ho, phát ra thành chứng nuy quyết; Đông bị thương về hàn, sang Xuân sẽ thành ôn bệnh (33).

 Tà khí của bốn mùa, lại làm thương cả năm Tàng (34).

 Âm tinh sinh ra, gốc từ năm vị; Thần của năm Tàng, bị thương bởi năm vị (35).

 Vì vậy nên: - Vị nếu quá chua, Can bị đẫm ướt, Tỳ khí sẽ bị tuyệt (36).
                   - Vị nếu quá mặn, đại cốt nhọc mệt, cơ nhục bị sút, Tâm khí bị chèn nén (37).
                   - Vị nếu quá ngọt, Tâm khí thở gấp và đầy, da sạm đen, Thận khí không yên (38).
                   - Vị nếu quá khổ (đắng), Tỳ khí không thấm nhuần, vị khí sẽ quá hậu (39).
                   - Vị nếu quá tân (cay), gân mạch rã rời, tinh thần sẽ bị hại (40).

 Vì thế phải cẩn thận điều hòa năm vị, khiến cho xương cứng, gân mềm, khí huyết lưu thông, tấu lý sẽ bền chặt kín đáo. Như thế sẽ được vô bệnh và sống lâu (41).

Chú giải

 (1) Thiên này nói về “khí trời giao thông với khí ở trong thân thể con người”. Đầu thiên có hai chữ “thông thiên” nên đặt làm tên bài.

 (2)   Trên, dưới và bốn phương là sáu cõi.

 (3)   Ký, Duyện, Thanh, Từ, Kinh, Dương, Dự, Đương, Ung là chín châu.

 (4)   Hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, miệng và tiền hậu âm là chín khiếu.

 (5)   Năm Tang là Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận.

 (6) Hai tay hai chân đều có ba khớp lớn, cộng thành 12 khớp. Linhkhu nói: Đất có chín châu, người có chín khiếu; trời có năm âm, người có năm Tàng; năm có 12 tháng, người có 12 khớp xương lớn; năm có 365 ngày, người có 365 đốt xương nhỏ; đất có 12 nguồn nước, người có 12 đường kinh mạch. Khớp xương là một nơi thần khí qua lại, cho nên hợp với năm tháng của trời; mạch là một nơi lưu thông của huyết dịch, cho nên hợp với nguồn nước chảy của đất; chín khiếu là một nơi ra vào của Tàng khí; năm Tàng là nơi tụ họp và biến hóa của hai khí Âm Dương, cho nên đều phối hợp với thiên khí.

 (7) Ba khí là ba khí thuộc âm và ba khí thuộc dương. Ba khí thuộc âm là hàn, táo và thấp. Ba khí thuộc dương là: phong, hỏa, thử (khí nắng).

 (VIII) Phàm cái độc của khí “phong, hàn” đều bắt đầu phạm vào khí phận ở bì mao. Vì thế nên Dương khí ở bên trong mới ứng ra để cản lại – do đó, gây nên sốt nóng – Mạc Trọng Siêu nói: Án: Bệnh thương hàn bắt đầu phạm vào khí phận ở bì mao, gặp Dương khí ở bên trong ứng ra nên hóa nhiệt, nhiệt dù nhiều cũng không chết – Tỷ như bệnh ở kinh Thái dương, phát nhiệt nhức đầu, mạch “lại” trầm (bệnh Thái dương, đáng lẽ mạch phù, nên đây dùng chữ “lại”) nên kịp cứu “lý” (trong) đó là bởi Dương khí không “vận khu” được ra bên ngoài, nên kíp dùng Can khương, Phụ tử để cứu Dương khí ở “lý” cho nó ra ngoài. Nguyên Hán văn đoạn này chỉ có một câu: “Nhân ư hàn dục như vận khu”, theo nghĩa đen thì là: “Nhân ở khí hàn muốn như xoay cối cửa” vì dịch như thế thì khó hiểu, nên phải giải dài như trên.

 (9) Dương tà của trời (tức hơi nắng) phạm vào Dương khí của người, khí bị thương không vệ ngoại (giữ bên ngoài) được, nên hãn (mồ hôi) mới thoát ra. Cái “tà” ở khí phận nhiệt quá bách vào Tâm, nên Tâm phiền. Bộ vị của Tâm ở trong Phế, Tâm mắc bệnh Phế cũng bị lây, Hỏa khắc (Kim) nên mới thành thở gấp. Nếu không phiền, thì tà khí vẫn còn ở khí phận; khí phận bị thương nên khí hư; khí hư nên nói nhiều. Dương tà của trời phạm vào Dương khí của người, hai khí đó cùng chọi nhau, nên mình mới nóng như than. Tà nhiệt đó gặp được chất âm dịch thì giải, nên mồ hôi ra mới khỏi.

 Án: Thương hàn luận nói rằng: Phàm bệnh  thường tự hãn là do khí không hòa, lại dùng thuốc cho “phát hãn” thêm, khiến cho (vinh, vệ) điều hòa sẽ khỏi. Xem như vậy thì biết: vì gặp khí thử mà hãn ra, là vì “thử” làm thương đến khí dương, khiến cho vệ khí (dương) không hòa. Đến khi hãn ra mà khỏi, tức là vinh vệ hòa vậy – Trương Khiết Cổ nói: Do sự hành động mà mắc phải, gọi là trúng nhiệt; do sự yên lặng mà mắc phải, gọi là trúng thử. Trúng nhiệt thuộc dương chứng; trúng thử thuộc âm chứng. Lý Đông Viên nói: Về những tháng thử nhiệt, những người nhàn hạ lánh nắng ở những nơi buồng sâu nhà rộng… Trong thời kỳ đó mà mắc bệnh, gọi là trúng thử. Chứng trạng tất nhức đầu ố hàn, thân hình co rút, các khớp xương đau nhức, trong lòng buồn bực, da thịt rất nóng và không có hãn. Đó là bởi cái khí âm hàn ở nơi buồng sâu nó cản át lại mà sinh bệnh. Nếu do người lao động mắc phải ở ngoài trời nắng thì gọi là trúng nhiệt, chứng trạng tất nhức đầu, buồn bực, ố nhiệt, da thịt nóng như đốt, khát nhiều uống lắm, hãn ra như tắm… đó là bởi nhiệt độc phạm tới Phế khí mà sinh bệnh.

 (10) Vì Dương khí không bao bọc được khắp mình.

 (11) Khô đét một nửa mình.

 (12) Các nốt nhỏ, bên trong có mủ, tên chữ Hán gọi là “tỏa phí”.

 (13) Vì cái nhiệt độc của thức ăn nhiều chất mỡ “béo ngậy” hay mọc đinh, mụn hoặc kiết lỵ v.v…

 (14) Vì dương khí bị át lại, không tiết ra được, nên mới mọc những nốt như vậy.

 (15)   Dương khí là cái chất “tinh” của thủy cốc cho nên trước nuôi “thần khí” của năm Tàng, tính “nhu” là cái khí sơ dương của Thiếu dương.

 Án: Đầu bài nói về “thần khí”, vốn gốc ở thiên chân; đây lại nói “thần khí” do năm vị sinh ra, đó là bởi: “tinh, khí, thần” đều có cả tiên thiên và hậu thiên. Cái “thần khí” của Tiên thiên lại phải nhờ cái khí “Thủy cốc” của Hậu thiên, để sinh dưỡng nên có câu rằng: “Hai tinh cùng cọ sát nhau, gọi là thần”, hai “tinh” đó là tinh của Thiên ất và tinh của Thủy cốc vậy.

 (16)   Khai hạp là mở đóng, tức là nói khí ấy vận ra hoặc thu vào, tựa như cánh cửa mở và đóng.

 (17)   Đây nói sự bảo vệ của Dương khí không được bền chặt, khiến hàn tà phạm vào mà gây nên các chứng trạng. Ta cần phải bảo trọng khí đó. Tế Công nói: Bảo vệ bên ngoài không gì bằng bì mao (da lông); nếu bì mao không bền kín thì tà sẽ phạm ngay vào tấu lý (mạch lạc). Mạc Tử Tấn nói: Cái nhiệt độc của thức ăn cao lương, phạm vào nhục lý sẽ mọc đinh lớn; cái tà khí ở bên ngoài phạm vào nhục lý sẽ mọc mụn sưng. Xem đó thì biết bì mao, nhục lý đều thuộc địa hạt cai quản của Dương khí. Vậy ta giữ gìn cho Dương khí đầy đủ không bị hao hụt, tự nhiên các bệnh không phát sinh được…

 (18)   Huyệt du tức là một huyệt thuộc Phế bộ - tấu lý bị thưa rỗng, thì biểu dương với tà khí đều ẩn nấp ở đó. Hàn tà ở biểu thì theo dương mà hóa nhiệt; tà lọt vào tấu lý mà biểu khí không trở về được “kinh” là nơi cư trú của mình, vì thế nên huyệt Du mới bị vít.

 (19) Phong ngược là một chứng sốt vùi chỉ nóng mà không rét.

  (20) Đoạn này nhắc lại: nên phải bảo trọng Dương khí để cho tấu lý được bền kín. Đại phàm: hàn thử trước phạm vào bì mao, còn phong tà thì thấu thẳng vào tấu lý – Phong là một thứ đi nhanh và biến hóa luôn; khi đã phạm tới cơ tấu, thì sẽ đi tới ngay kinh mạch. Khi đó hoặc thành chứng “hàn trúng”, hoặc thành chứng “nhiệt trúng”, hoặc thành chứng “thiên khô”, hoặc thành chứng “tích tụ”… Nên mới gọi là “đầu trăm bệnh”. Tiết trên nói về “hàn, thử, thấp” làm thương biểu dương, nên cần phải giữ sức cho biểu dương khỏi bị yếu: đoạn này nói: phong tà phạm thẳng vào tấu lý, nên cần phải bảo vệ nguyên chân cho được bền kín.

 (21) Truyền hóa như hoặc hóa làm hàn, hoặc hóa làm nhiệt, hoặc hóa làm táo kết, hoặc hóa làm thấp tả v.v… Bởi ở trời có cái tà khí lục dâm, mà trong thân con người cũng có sáu khí để hòa theo.

 (22) Đóng, tựa như đóng cửa. Theo kinh Linh khu: Mùa xuân thì sinh, mùa hạ thì trưởng, mùa thu thì thâu, mùa đông thì tàng, đó là lẽ thường của thiên khí. Trong thân con người cũng ứng theo như vậy. Lấy một ngày chia làm bốn mùa, sáng sớm là xuân, về đêm là đông… Sáng sớm Dương khí mới phát triển, cho nên người ta phần nhiều sáng sớm hay tỉnh táo và lanh trí khôn, đúng trưa thì khí trưởng, trưởng thì thắng được tà…

 (23) Gần tối, nhân khí bắt đầu suy; đến đêm, khí đó thu vào Tàng, nên phải giữ gìn, đừng quá nhọc mệt, không để lõa lồ, để phòng ngoại tà xâm phạm.

 (24) Sinh mệnh con ngời, gốc ở âm dương. Dương lại sinh ra bởi âm. Nên trên kia Đế nói về dương, đây Kỳ Bá lại nói về âm.

 (25) Khí thuộc dương, huyết mạch thuộc âm. Dương thịnh mà âm không thắng được, nên mới phát bệnh cuồng.

 (26) Năm Tàng thuộc âm, chín khiếu là nơi cửa ngõ của thủy khí. Nếu âm thịnh mà dương không thắng được, thì cái khí của năm Tàng giao tranh ở bên trong, chín khiếu do đó mà không thông. Bởi cái khí của năm Tàng, ra ngoài thì là dương, ở trong thì là âm. Tàng thuộc âm, tinh huyết thuộc âm; khí thuộc dương, chín khiếu thuộc dương, ở trong là âm ra ngoài là dương. Năm Tàng chủ về tàng tinh; Bàng quang là một cơ quan chứa tinh dịch. Cái khí biểu dương, do tinh thủy tự Bàng quang sinh ra, cái khí ở cơ tấu, lại do nguyên chân ở năm Tàng. Đó tức là Dương khí sinh ra bởi âm tinh. Nên mới nói rằng: “Cái gốc của sinh mệnh con người là ở âm dương” v.v…

 (27) Âm dương điều hòa, tà không phạm tới; tinh khí thông lên tai, thần khí thông lên mắt, nên tai mắt tỏ sáng.

 (28) Phong là Dương tà, nếu phạm vào phu biểu thì khí sẽ bị thương. Dương khí bị thương thì âm tinh sẽ bị mất (hoặc như chứng tiết tinh). Can thuộc Mộc, phong với Mộc là đồng khí; nếu phong phạm vào, tất phải động đến Can khí. Can khí bị phong tà phạm thì huyết bị thương (vì Can tàng huyết). Câu này lại nêu rõ cái nghĩa dương phải giữ bền cho âm.

  (29), (30) Can chủ huyết và cân. Thức ăn vào Vị, tán bố cái tinh khí lên Can, rồi thấm nhuần vào cân. Giờ tà đã làm thương Can mà lại ăn quá no, không đủ sức để bố tán thực khí cho được thấm nhuần vào cân, nên gân bị sụt lỏng, khiến thực khí đình trệ ở Đại trường, hóa thành thấp nhiệt, mà gây nên bệnh trĩ. Nước uống vào Vị, chuyển Du lên Phế. Phế chủ về khí ở toàn thân. Giờ khí bị tà làm thương, mà lại uống nhiều, thủy tinh không thể tán bố, nên mới thành chứng khí nghịch. Cao cốt tức chỗ xương ngang lưng.

 (31) Mấy câu này tổng kết cái nghĩa ở mấy đoạn trên, và lại nêu rõ "cần phải chú trọng về Dương khí".

 (32) Bình là quân bình, bí là kín đáo, bền chặt. Tức là ý nói hòa hợp với nhau, riêng dương vẫn phải giữ bền bên ngoài.

  (33) Lộ thuộc âm, phong thuộc dương; hàn là âm bệnh, nhiệt là dương bệnh. Bị thương về phong, bộ phận trên chịu trước; bị thương về thấp, bộ phận dưới chịu trước. Dương bệnh, ở trên đi hết rồi thì quay trở xuống, vì thế nên xuân bị thương về phong, mà thành chứng đỗng tiết. Âm bệnh ở dưới đi hết rồi quay trở lên, vì thế nên thu bị thương về thấp , mà lại thành chứng ho. Đó là cái lẽ âm dương cùng trao đổi vậy. Hạ bị thương thử, “thử hãn” không tiết ra được, khí nóng ẩn nấp ở bên trong, tới mùa thu,  Âm khí phát ra, gặp phải khí nhiệt, nên thành chứng ngược. Đông bị thương về hàn, tà không phát ngay, hàn khí ẩn nấp ở bên trong, tới mùa xuân Dương khí phát ra, tà sẽ theo Dương khí mà hóa nhiệt, phát ra ôn bệnh (danh từ, tên một chứng sốt nóng thuộc về mùa xuân). Đó là đường lối ra vào và sự biến hóa của âm dương vậy.

 (34) Khí của bốn mùa là phong, hàn, thử, thấp. Câu này tỏ rằng: chẳng những sự khí hóa của âm dương mắc bệnh, mà cả vật hữu hình là năm Tàng cũng mắc bệnh, vì bệnh lâu thì truyền hóa.

 (35) Thần khí sinh ra bởi âm tinh; tinh của năm Tàng sinh ra bởi năm vị - thương bởi năm vị, vì trong năm vị có một vị “thiên thắng” nhiều hơn – Toan sinh Can, Khổ sinh Tâm, Cam sinh Tỳ, Tân sinh Phế, Hàm sinh Thận… Đó là âm sinh ra bởi năm vị.

 (36) Vị toan (chua) vào Can. Nếu chua quá thì Can nhiều tân dịch nên đẫm ướt; Can đã bị đẫm ướt, Tỳ không chuyển du vào đâu, nên Tỳ khí bị tuyệt.

 (37) Đại cốt tức là Phủ của Thận. Vị mặn quá thì thương Thận, nên đại cốt bị thương; Thủy tà thịnh phạm lên Thổ (tỳ) nên cơ nhục sút; thủy dẫn ngược xâm lấn vào Tâm, nên Tâm khí như bị chèn nén.

 (38)  Vị quá ngọt, thì Thổ khí (Tỳ) quá đầy đủ rồi. Thổ đã quá đầy đủ, thì Tâm không còn có thể truyền sang cho con nó nữa (Hỏa sinh Thổ, Tâm là mẹ, Tỳ là con), vì thế nên thành chứng thở gấp và đầy; Thận chủ về Thủy, sắc nó đen; Thổ cang (khô ráo, quá găng) quá thì làm thương đến Thận, nên mới hiện ra ngoài da sạm đen và Thận khí không yên.

 (39) Đường “lạc” của Dương minh thuộc Tâm, cái khí của “tử mẫu” cùng giao thông liên lạc với nhau. Năm vị vào Vị, vị đắng dẫn lên Tâm trước. Vậy nếu quá đắng thì mẫu khí thịnh (Tâm) mà Vị sẽ cường. Vị cường thì cùng với Tỳ âm không liên lạc nữa. Do đó Tỳ không chuyển Du tân dịch cho Vị, mất cái năng lực thấm nhuần. Vị khí sẽ thành quá hậu (hậu là tà khí hữu dư có thừa).

 (40) Kim khí (Phế) thiên thịnh thì Can sẽ bị thương, gân mạch do đó mà rã rời (vì Can chủ cân), do đó tinh thần cũng bị hại lây.

 (41) Thận tàng tinh mà chủ về xương, Can tàng huyết mà chủ về gân. Phong phạm vào Dương khí (tức thứ khí bảo vệ ngoài bì phu) thì cái “tà” đó sẽ làm thương đến Can, tinh cũng nhân đó mà bị mất. Giờ biết cẩn thận điều hòa năm vị, thì xương sẽ cứng mà gân cũng mềm, tấu lý do đó mà bền chặt kín đáo (tà còn phạm vào sao được). Đó chính là bởi Dương khí sinh ra tự âm tinh mà thi hành cái nhiệm vụ đối với bên trong bên ngoài của nó, mà đừng làm quá nhọc mệt để hại đến dương, cẩn thận điều hòa năm vị để nuôi lấy âm, thì âm dương sẽ hòa bình, còn ngại gì tật bệnh, còn lo gì không sống lâu…
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 15, 2018, 03:18:40 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #4 vào lúc: Tháng Mười Hai 16, 2017, 11:01:37 AM »

Chương bốn

KIM QUỸ CHÂN NGÔN LUẬN (1)



KINH VĂN

 Hoàng đế hỏi:

 - Trời có tám thứ gió, kinh có năm thứ gió, là nghĩa thế nào? (2)

 Kỳ Bá thưa:

 - Tám thứ gió nếu là "tà phong", phạm vào kinh, tức thành kinh phong, nó xâm vào năm Tàng, bệnh sẽ do đó mà phát sinh (3).

***

 Chỉ cần được cái sở thắng của bốn mùa, tỷ như: Xuân thắng Trưởng hạ, Trưởng hạ thắng Đông, Đông thắng Hạ, Hạ thắng Thu, Thu thắng Xuân. Đó là cái sở thắng của nó. (4)

***

 Đông phong sinh về mùa Xuân, bệnh phát tại Can du; Nam phong sinh về mùa Hạ, bệnh phát tại Phế du và kiên bối; Bắc phong sinh về mùa đông, bệnh phát tại Thận du và yêu cổ; Trung ương là thổ, bệnh phát tại Tỳ du và tích. (5)

 Cho nên, về xuân khí, thường phát bệnh tại đầu (6); về hạ khí , thường phát tại Tàng; về thu khí, thường phát bệnh tại kiên bối; về đông khí, thường phát bệnh tại tứ chi.

***

 Cho nên, mùa Xuân thường hay sinh bệnh tỵ nục; tháng trọng hạ (tháng 5) thường hay sinh bệnh đỗng tiết, hàn trung (đi tả và lạnh ở bên trong); mùa Thu thường hay sinh bệnh phong ngược; mùa Đông thường hay sinh bệnh tý, quyết (tê đau và lạnh giá tay chân). (7)

***

 Cho nên về mùa Đông biết giữ gìn cẩn thận, không để cho Dương khí quá hao tán ra ngoài, thì sang Xuân sẽ không bị các chứng như tỵ nục và bệnh ở cảnh hạng. Trọng hạ không bị bệnh ở hung hiếp; Trưởng hạ không bị bệnh đỗng tiết, hàn trung; Thu không bị phong ngược; Đông không bị tý, quyết và xôn tiết hãn xuất. (VIII)

***

 Nghĩ như tinh, là cái gốc của sinh mệnh con người. Cho nên người biết tàng tinh (giữ gìn, dè dặt) thì mùa Xuân không mắc bệnh ôn. Về mùa Hạ, nếu thử hãn (nóng nực ra mồ hôi) không tiết ra được, sang Thu sẽ thành bệnh phong ngược... Đó là mạch pháp của bình nhân người thường, vô bệnh. (9)

***

 Cho nên nói rằng trong Âm có Âm, trong Dương có Dương. Từ sáng sớm tới đúng trưa là Dương ở trong Dương; từ đúng trưa tới hoàng hôn là Dương ở trong Âm; từ chập tối tới gà gáy là Âm ở trong Âm; từ gà gáy tới sáng sớm là Dương ở trong Âm. Tấm thân của con người cũng ứng theo như vậy. (10)

***

 Nói về Âm Dương thuộc con người thì ngoài là Dương, trong là Âm; nói riêng về tấm thân con người thì sau lưng là Dương, trước bụng là Âm; nói về Âm Dương ở trong Tàng Phủ con người thì Tàng là Âm, Phủ là Dương. (11)

 Can, Tâm,Tỳ, Phế, Thận là năm Tàng đều thuộc Âm; Đởm, Vị, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu là sáu Phủ, đều thuộc Dương. (12)

***

 Sở dĩ muốn biết Âm ở trong Âm, Dương ở trong Dương, là vì: Mùa Đông bệnh tại Âm, mùa Hạ bệnh tại Dương, mùa Xuân bệnh tại Âm, mùa Thu bệnh tại Dương... Biết được bệnh tại đâu có thể dùng châm thạch để điều trị. (13)

***

 Cho nên, lưng thuộc Dương, mà Dương ở trong Dương tức là Tâm; nếu Âm ở trong Dương lại là Phế. Phúc thuộc Âm, mà Âm ở trong Âm tức là Thận; nếu Dương ở trong Âm lại là Can. Phúc thuộc Âm nếu chí Âm ở trong Âm lại là Tỳ. (14)

 Đó đều là sự du ứng của Âm, Dương, Biểu, Lý, nội, ngoại, tàng, Phủ vậy.

***

 Hoàng đế hỏi:
 
 Năm Tàng ứng với bốn mùa, vậy có sự thâu thụ (tiếp nhận, liên lạc) gì không? (15)

 Kỳ Bá thưa:

 Có. Đông phương sắc xanh, thông vào với Can khai khiếu lên mắt, Tàng tinh ở Can (16). Phát ra bệnh thành chứng kinh sợ (17). Về vị là chua, thuộc về loài thảo mộc (18) Thuộc về lục súc là gà (19). Thuộc về ngũ cốc là lúa mạch. Thuộc về bốn mùa, trên ứng với sao Tuế tinh (21). Xuân khí thuộc bộ phận đầu (22). Thuộc về âm là tiếng Giác (23). Thuộc về số là số tám (24). Thuộc về sú (mùi, hơi ngửi thấy) là mùi hôi (25). Do đó, biết là thường phát sinh bệnh ở gân.

***

 Nam phương sắc xích (đỏ), thông vào với Tâm, khai khiếu lên tai, Tàng tinh ở Tâm (27). Bệnh phát sinh ở cả năm Tàng (28). Về vị là vị khổ (đắng) và thuộc về Hỏa (29). Thuộc về lục súc là dê. Thuộc về ngũ cốc là thử (30). Thuộc về bốn mùa, trên ứng với sao Huỳnh hoặc (31). Thuộc về âm là tiếng Chủy (32). Thuộc về số là số bảy (33). Thuộc về mùi là mùi hắc (34). Do đó, biết là thường sinh bệnh ở mạch (35).

***

 Trung ương sắc vàng, thông vào với Tỳ, khai khiếu lên miệng, Tàng tinh ở Tỳ (36). Bệnh phát sinh ở cuống lưỡi (37). Về vị là cam (ngọt) và thuộc về Thổ (38). Thuộc về lục súc là bò (39). Thuộc về ngũ cốc là tắc (40). Thuộc về bốn mùa, trên ứng với sao Chấn (41). Thuộc về âm là Cung (42). Thuộc về số là số năm (43). Thuộc về mùi là mùi thơm (44). Do đó, biết là thường sinh bệnh tại nhục (thịt) (45).

***

 Tây phương sắc trắng, thông vào với Phế, khai khiếu ở mũi, Tàng tinh ở Phế (46). Bệnh phát sinh ở vai. Về vị là tân (cay) và thuộc về Kim (47). Thuộc về lục súc là ngựa (48). Thuộc về ngũ cốc là đạo (49). Thuộc về bốn mùa, trên ứng với sao Thái bạch (50). Thuộc về âm là Thương (51). Thuộc về số là số chín (52). Thuộc về mùi là mùi tanh (53). Do đó biết là thường sinh bệnh tại bì mao (54).

***

 Bắc phương sắc đen, thông vào với Thận, khai khiếu ở nhị âm, Tàng tinh ở Thận (55). Bệnh phát sinh ở khê (56). Về vị là hàm (mặn) và thuộc về Thủy (57). Thuộc về lục súc là lợn (58). Thuộc về ngũ cốc là đậu (59). Thuộc về bốn mùa, trên ứng với sao Thần (60). Thuộc về âm là Vũ (61). Thuộc về số là số sáu (62). Thuộc về mùi là mùi húc mục. Do đó, biết là thường sinh bệnh tại xương.

***

 Vậy nên người giỏi về xem mạch phải xét rõ sự "nghịch tòng" của năm Tàng, sáu Phủ và cái giường mối của Âm, Dương, Biểu, Lý và Tàng, Phủ... ghi nhớ ở trong tâm ý, hợp với tinh thần, sẽ biết được rõ rệt, khỏi phải hồ đồ thế là đắc đạo (65).

Chú giải

 (1) "Kim quỹ" là cái hòm bằng vàng, "chân ngôn" một lời nói rất đúng, chỉ bậc Thánh nhân biết đạo mới có thể nói.

  (2) Tám thứ gió, tức là luồng gió của tám phương. Kinh tức là đường kinh mạch của năm Tàng. Năm thứ gió, tức là phong tà phát sinh từ năm kinh.

 (3) Đây nói, thứ gió đó, nếu ở trời thì là luồng gió của tám phương; nếu ở người thì nó sẽ biến thành tà phong của năm kinh và năm Tàng.

 (4) Cái sở thắng của bốn mùa (tức là cái chủ khí, cái vượng của nó) như: xuân chủ Mộc, hạ chủ Hỏa, Trưởng hạ chủ Thổ (tháng 6), thu chủ Kim, đông chủ Thủy… Vậy nó sẽ thắng như: xuân thắng Trưởng hạ v.v… (tức là khắc – Mộc khắc Thổ v.v…). Bởi năm Tàng nhân thời mà vượng, nên mới có thể thắng được cái không thắng. Tiết trên nói về tám thứ gió (phong) sinh bệnh, tức là do cái “phong sở thắng” nó khắc “cái thời bất thắng”; tiết dưới nói được cái “khí sở thắng” của bốn mùa, nên mới có thể thắng được cái bất thắng.

 (5) Đoạn này nói về chính khí của bốn mùa, cũng có thể gây nên bệnh cho kinh du thuộc năm Tàng. Người ta sinh ra bởi năm hành, nhờ có phong khí (như giờ gọi là không khí) mà sinh trưởng. Nhưng phong khí dù sinh ra muôn vật nó cũng có thể làm hại muôn vật. Cũng như nước có thể làm nổi được thuyền, mà cũng có thể làm đắm được thuyền. Vì vậy nên đây bắt đầu nói ngay đến phong khí làm hại năm Tàng, rồi sau mới nói đến năm Tàng nhờ ở năm khí của năm phương mà sinh ra. Dù là cái huyệt của kinh khí,phát sinh ra từ đấy. Trên đây nói: Đông phong sinh về mùa xuân v.v… Đó là nói về Tàng khí thực, thì chỉ bệnh ở khí, nếu Tàng khí hư sẽ bệnh Tàng… Từ đây trở xuống nói phân biệt thêm cho rõ. Cảnh là cổ, hạng là gáy; Hung hiếp là TTTg ngực và sườn; Kiên bối là vai và lưng; Yêu cổ là ngang thắt lưng và vế; Tích là đường xương sống.

 (6) Khí, tức là chỉ về khí của bốn mùa và năm Tàng. Can du ở Cảnh hạng, mà mùa xuân lại phát bệnh tại đầu, là vì xuân khí thắng lên, Dương khí cũng về ở bộ phận trên. Cho nên, nếu bệnh về khí thì phát tại trên, nếu bệnh về “kinh” thì lại phát tại Cảnh hạng. Vì thế nên dưới đây, có chỗ nói về bệnh tại khí, có chỗ nói về bệnh tại kinh v.v… Đều là phân biệt sự hư thực của Tàng khí và kinh Du vậy.

 - Mùa hạ Dương khí phát tiết ra ngoài, Tàng khí bị hư ở bên trong, nên phong khí thừa mà phạm vào Tàng.

 - Thu khí chủ về sự thâu giáng, không thể bảo vệ được bì phu, cơ tấu, nên phong khí mới phạm vào Du.

 - Tứ chi là nơi gốc của khí dương, đông khí ẩn nấp vào bên trong, Dương khí bị hư ở bên ngoài, nên mới phát bệnh tại tứ chi – Trở lên, nói về cái khí của bốn mùa và năm Tàng.

 (7) Trên đây, dùng hai chữ “thường hay”, là nói về kinh du của năm Tàng đều ở bộ phận ngoài, phong làm thương cơ tấu thì dễ lọt vào kinh. Tỵ nục tức là đổ máu cam (máu chảy ra ở mũi), vì bệnh ở đầu nên tỵ nục.

 Kinh Du của Tâm ở hung hiếp, nên bệnh tại đấy, Chu Tế Công hỏi: Chỉ nói bệnh tại hung hiếp, mà không nói chứng trạng, là vì sao? – Đáp: về ba đoạn trên và dưới đây, đều phản phúc biện luận về sự “xuất nhập” của Tàng khí và kinh Du, cho nên chỉ nói: “bệnh tại đầu, bệnh tại Tàng, bệnh tại kiên bối và hung hiếp” v.v… mà không nói là bệnh gì, đến như nói về các chứng: “tỵ nục, đỗng tiết v.v…” là nói về bệnh thuộc kinh mà tại đầu thì có chứng tỵ nục; bệnh thuộc kinh mà tại phúc thì có chứng đỗng tiết và hàn trung v.v… Tuy nhiên, mấy đoạn đây vẫn không chú trọng về chứng trạng.

 Mùa hạ, Dương khí ở bên ngoài, nên lý khí hư hàn. Tháng Trưởng hạ thấp Thổ chủ khí, phong lọt vào kinh Du, tức phạm vào trong mà thành chứng đỗng tiết, đó là “phong Mộc thừa hư mà thắng Thổ”; Tỳ là một chí âm ở trong âm không thể hóa nhiệt được, nên mới thành chứng hàn trung.

 Mùa thu, Dương khí thâu liễm vào bên trong, Âm khí dẫn ra bên ngoài. Tà với chính cùng gặp nhau ở khoảng “nội với ngoại” giao tiếp, hai bên  cùng xung đột lẫn nhau nên mới thành chứng phong ngược (sốt, úi).

 Tứ chi là gốc của mọi khí dương. Mùa đông, Dương khí ẩn nấp ở bộ phận dưới, khiến cho kinh khí bị hư ở bên ngoài. Bị phong lọt vào kinh, nên tức chi mắc chứng quyết. Trở lên, nói về bệnh tại “kinh, lạc”.

 (VIII) Đoạn này lại nói thêm: Nếu giữ được Dương khí bền bỉ thì bốn mùa kinh Du không bị mắc bệnh. Lại nói thêm hai chứng xôn tiết và hãn xuất để tỏ cho người ta biết rằng: con người nếu hay bảo trọng và giữ gìn cái khí nguyên chân, thì không khi nào tà còn phạm được vào kinh mạch mà gây nên cái bệnh tại bên trong là xôn tiết, cũng không khi nào còn phạm được vào Dương khí mà gây nên cái bệnh ở bên ngoài là hãn xuất vậy.

 (9) Thần khí với huyết mạch đều sinh ra bởi tinh, cho nên nói: “tinh là gốc của sinh mệnh”. Biết tàng được tinh thì huyết khí giữ bền ở bên trong, còn tà nào phạm được vào bên ngoài, cho nên không mắc phải bệnh ôn. Về mùa hạ, cần phải có thử hãn, nếu thử hãn không tiết ra được, đến mùa thu gặp tiết thâu tàng, hai khí xung đột nên mới sinh chứng phong ngược. Thiên này chuyên bàn về “kinh mạch”, nên đây nói là mạch pháp của bình nhân.

  (10) Từ gà gáy tới sáng sớm, Dương khí mới phát triển, ứng với cái khí xuân sinh, cho nên thuộc về dương ở trong âm; từ sáng sớm đến đúng trưa, Dương khí đương lúc thịnh ứng với cái khí Trưởng hạ, cho nên thuộc về dương ở trong dương; từ đúng trưa đến hoàng hôn, Dương khí mới bắt đầu suy, ứng với cái khí mùa thu, cho nên thuộc về âm ở trong dương; từ chập tối đến gà gáy, Dương khí thu về bên trong, ứng với khí mùa đông, cho nên thuộc về âm ở trong âm. Cho nên nói rằng: trong một ngày có bốn mùa. Vì thế nên mạch pháp của bình nhân cũng ứng theo như vậy.

  (11) Thiên này bắt đầu nói đến đường lối của kinh mạch. Kinh mạch bên trong liền với Tàng, Phủ; bên ngoài chăng khắp thân mình. Âm dương ra vào, trong ngoài tuần hoàn. Vì thế những tác dụng “sinh, trưởng, thâu, tàng” đều ứng theo với mạch pháp của con ngời. Trong thân con người, Đốc mạch dẫn lên lưng, cai quản toàn thể khí dương trong thân hình; Nhâm mạch vòng lên bụng, cai quản toàn thể khí âm trong thân hình… nên mới nói “lưng là dương, bụng là âm” v.v…

 (12) Kinh mạch sinh ra bởi năm hành thuộc đất, ứng với sáu khí thuộc trời… Cho nên phàm nói về kinh mạch, trước phối hợp với năm Tàng, năm hành, rồi sau mới bàn tới sáu Phủ.

 (13) Đông bệnh tại Thận, Thận là âm ở trong âm, nên nói: “đông bệnh tại âm”; Hạ bệnh tại Tâm, Tâm là dương ở trong dương, nên nói: “hạ bệnh tại Tâm”; Xuân bệnh tại Can, Can là dương ở trong âm, nên nói: “xuân bện tại dương”; Thu bệnh tại Phế, Phế là âm ở trong dương, nên nói: “thu bệnh tại âm”; Châm (kim) thạch (đá) là hai thứ dùng để chữa bệnh tại kinh mạch. Biết được âm trong âm và dương trong dương thế nào rồi, mới nhằm vào kinh du của năm Tàng, dùng châm thạch để điều trị.

 (14) Vương Thị nói: Tâm thuộc về dương Tàng, bộ vị nó ở vào thượng tiêu, dương ở vào địa vị dương, nên nói là “dương ở trong dương”; Phế thuộc về âm Tàng, bộ vị nó ở vào thượng tiêu, âm ở vào địa vị dương, nên nó là : “âm ở trong dương”; Thận thuộc về âm Tàng, bộ vị của nó ở vào Hạ tiêu, âm ở vào địa vị âm, nên nói là “âm ở trong âm”; Can thuộc về dương Tàng, bộ vị của nó ở vào Hạ tiêu, dương ở vào địa vị âm, nên nói là: “dương ở trong âm”; Tỳ thuộc về âm Tàng, bộ vị nó ở vào Trung tiêu, Thái âm mà ở vào địa vị âm, nên nói là: “chí âm ở trong âm…”.

 (15) Ý nói năm Tàng đã ứng với âm dương và bốn mùa vậy, vậy tất phải có khí sắc gì để hợp với khí sắc của năm phương và âm dương của bốn mùa…

 (16) Tinh khí của Can khai khiếu lên mắt, mà lại thông với thiên khí… Đó tức là trời thông với người mà người lại thông với trời. Còn âm tinh thì lại Tàng về chính Tàng của nó.

 (17) Mùa xuân Dương khí bốc lên, nên bệnh phát sinh cũng có vẻ chấn đãng mà thành kinh sợ.

 (18) Can thuộc Mộc, với thảo mộc cũng một loài.

 (19) Kê (gà) thuộc quẻ Tốn, chủ về phương Đông.

 (20) Mạch là một thứ đứng đầu hạng ngũ cốc, nên ứng về Đông phương.

 (21) Tinh khí của Mộc ứng lên Tuế tinh.

 (22) Xuân khí bốc lên, xuân phong cũng phát sinh ở trên, nên bệnh tại đầu, đó là do lẽ “đồng khí tương cảm” mà sinh ra. So với các Tàng khác “nhân khí hư mà mắc bệnh” không giống nhau.

 (23) Giác là một âm thuộc về Mộc, ứng về mùa xuân.

 (24) Dịch nói: Thiên do số ba sinh ra Mộc, địa do số tám mà hợp thành, nên nói “số của Can là tám”.

 (25) Hôi, một thứ khí thuộc Mộc.

 (26) Can chủ gân, nên bện tại gân. Ngũ âm, ngũ số, ứng theo với khí vô hình của trời; bì, nhục, gân, xương ứng theo với cái hữu hình của đất. Lấy cái ứng vô hình của trời mà sinh bệnh tới cái hữu hình là gân xương của người, đó là do sự khí hóa giao cảm mà nên. Âm tinh của năm Tàng, nhờ tâm thần hóa ra sắc đỏ mà thành máu, ở đây bàn về huyết mạch của Tàng, Phủ, nên nói: “tàng tinh ở Can”.

 (27) Tâm thuộc Hỏa, nên cũng sắc đỏ. Tà khí Tàng phủ luận nói: Bao khí huyết ở mười hai kinh mạch với 365 lạc... đều dẫn lên mặt rồi chạy ra không khiếu (lỗ hổng, chỗ rỗng), riêng một thứ khí khác thì chạy ra tai để làm thành sự "nghe" - "Biệt khí" tức là khí của Tâm.

 (28) Bệnh... ở cả năm Tàng, tức là chỉ về các khí của năm Tàng, Tâm là một cơ quan chủ tể cả năm Tàng sáu Phủ, cho nên Tâm khí mắc bệnh, thì khí của các Tàng khác cũng đều mắc bệnh.

 (29) Đắng là vị của hỏa, Tâm khí thông với Nam phương, nên cùng với hành Hỏa, ở trong ngũ hành cùng loài.

 (30) Thử là một thứ lúa có sắc đỏ, mà tính ôn (ấm), nên là thứ lúa của Tâm.

 (31) Huỳnh hoặc là "tinh" của Hỏa.

 (32) Chủy là một âm thuộc Hỏa, ứng về mùa hạ.

 (33) Dịch nói: Thiên do số hai sinh ra Hỏa, địa do số bảy mà hợp thành, nên nói: "số của Tâm là bảy".

 (34) Khí bị Hỏa đốt cháy, thì thành mùi hắc - nguyên chữ hán là "tiêu".

 (35) Tâm chủ về mạch, nên bệnh tại mạch.

 (36) Thổ vượng về cuối bốn mùa, bộ vị ở vào khoảng giữa, Tỳ thuộc về Thổ Tàng, nên khí cùng thông nhau.

 (37) Linh khu nói: "Tỳ chủ về việc đón tiếp lương thực, lấy miệng lưỡi để biện biệt sự yêu ghét và cát hung", xem đó thì biết Tỳ khí thông lên lưỡi.

 (38) Tỳ thuộc Thổ, không có vị, lấy vị của lúa nên ngọt, thuộc hành Thổ ở trong năm hành.

 (39) , nguyên chữ Hán là "ngưu". Còn về trâu, nguyên chữ Hán là "thủy ngưu". Bò sắc vàng, nên là giống nuôi của tỳ.

  (40) Lúa “tắc” sắc vàng, vị ngọt, nên cũng thuộc Tỳ.

 (41) Sao Chấn thuộc Thổ.

 (42) Tiếng Cung thuộc Thổ.

 (43) Dịch: Thiên lấy số năm sinh ra hành Thổ, địa lấy số mười mà hợp thành. Thổ chuyên ở trong ngôi “năm”, nên riêng chủ về “sinh số”.

 (44) Khí nhân Thổ biến, thành mùi thơm.

 (45) Tỳ chủ cơ nhục, nên sinh bệnh tại nhục.

 (46) Phế thuộc Kim, nên theo sắc trắng của Tây phương, mũi là khiếu của Phế.

 (47) Cảm thu khí, sinh bệnh tại vai và lưng.

 (48) Quẻ “Càn” thuộc ngựa, Phế thuộc Càn kim.

 (49) Đạo sắc trắng, nên là thứ lúa của Phế - Tỳ cốc.

 (50) Tinh khí của loài Kim, ứng lên sao Thái bạch.

 (51) Thương, một thứ tiếng chủ về phương Tây.

 (52) Dịch: Địa lấy số bốn sinh ra Kim, Thiên lấy số chín mà hợp thành. Nên Phế số chín.

 (53) Khí nhân Kim biến thành mùi tanh (tinh).

 (54) Phế chủ bì mao, nên biết là bệnh tại bì mao.

 (55) Thận thuộc thủy, nên theo sắc đen của Bắc phương, bộ vị của Thận ở dưới nên khai khiếu ra nhị âm.

 (56) Chỗ đại hội của nhục gọi là "cốc", chỗ tiểu hội của nhục gọi là "khê". Đại hội, tiểu hội tức là nơi khớp xương nhỏ liên lạc với nhau, một làn thịt mỏng bao bọc ngoài xương tức là "khê". Thận vốn chủ xương, mà "khê" là do khí của "cốc" sinh ra.

 (57) Mặn là nguyên chất của nước.

 (58) Lợn sắc đen, thuộc Hợi, nên là giống nuôi của Thận (Thận súc).

 (59) Đậu đen sắc đen, tính trầm xuống, nên là Thận cốc.

 (60) Thần minh thuộc Thủy.

 (61) Một thứ tiếng thuộc Thủy.

 (62) Dịch: Thiên lấy số một sinh ra Thủy, địa lấy số sáu mà hợp thành, nên số sáu thuộc Thận.

 (63) Thận chủ về xương, nên bệnh tại xương. Kinh nói: Can sinh cân, Tâm sinh huyết, Tỳ sinh nhục, Phế sinh bì mao, Thận sinh cốt... Vậy cân, cốt, bì mao, đều do năm Tàng sinh ra, nên Tàng nào mắc bệnh thì cái "sinh ra" cũng mắc bệnh. Lại như trên nói: xuân khí tại đầu, hạ khí bệnh tại Tàng, thu khí bệnh tại kiên bối, đông khí bệnh tại tứ chi... Đó là Tàng khí làm ra bệnh.

 (64) Đoạn này nói tổng kết cái đường lối của kinh mạch sinh ra ở năm Tàng, liên lạc với sáu Phủ, ngoài hợp với năm phương, năm hành và âm dương sáu khí. Trái với bốn mùa là "nghịch", thuận với bốn mùa là "tòng".
« Sửa lần cuối: Tháng Hai 12, 2019, 07:38:44 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #5 vào lúc: Tháng Mười Hai 21, 2017, 07:17:06 AM »

Chương năm

ÂM DƯƠNG ỨNG TƯỢNG ĐẠI LUẬN (1)



KINH VĂN

Hoàng đế nói:

 - Âm Dương là đạo của trời đất (2), là giường mối của muôn vật, là cha mẹ của sự biến hóa (3), là gốc ngọn của sự sinh sái (4), là cái kho chứa mọi sự thần minh (5).

***

 Trị bệnh phải tìm tới gốc (6). Nên biết rằng: tích lũy nhiều Dương là trời, tích lũy nhiều Âm là đất (7); Âm thì tĩnh, Dương thì táo (VIII); Dương sinh ra, Âm nuôi lớn; Dương giảm đi, Âm tiềm tàng (9); Dương hóa khí, Âm thành hình (10); hàn cực sinh ra nhiệt, nhiệt cực sinh ra hàn (11); khí hàn sinh ra chất trọc (đục), khí nhiệt sinh ra chất thanh (trong). Thanh khí ở bộ phận dưới thì sinh chứng xôn tiết, trọc khí ở bộ phận trên thì sinh chứng điền trướng (đầy, tức). Đó là Âm Dương ở trong người do sự "nghịch tùng" mà sinh bệnh vậy (12).

***

 Cho nên thanh dương là trời, trọc âm là đất, khí đất bốc lên thành mây, khí trời giáng xuống thành mưa, mưa làm ra bởi địa khí, mây làm ra bởi thiên khí (13). Thanh dương tiết lên thượng khiếu, trọc âm tiết xuống hạ khiếu (14); thanh dương phát ra tấu lý, trọc âm chạy vào năm Tàng (15); thanh dương đầy đủ ở tứ chi, trọc âm quy tụ về lục Phủ (16).

***
Thủy là Âm, Hỏa là Dương, Dương là khí, Âm là vị. Vị theo về hình, hình theo về khí, khí theo về tinh, tinh theo về hóa (18). Tinh nhờ ở khí, hình nhờ ở vị (19).Do hóa sinh ra tinh, do khí sinh ra hình (20).

***

 Vị làm thương hình, khí làm thương tinh (21). Tinh hóa làm khí, khí thương bởi vị(22). Âm vị tiết ra hạ khiếu, Dương khí tiết ra thượng khiếu (23). Vị hậu thuộc về Âm, bạc thuộc về Dương. Khí hậu thuộc về Dương, bạc thuộc về Âm (24). Vị hậu thì phát tiết, bạc thì không; khí bạc thì phát tiết, hậu thì phát nhiệt (25). Cái khí của Tráng hỏa suy, thì cái khí của Thiếu hỏa tráng; Tráng hỏa "thu hút" khí, khí "thu hút" Thiếu hỏa; Tráng hỏa làm tán khí, Thiếu hỏa sẽ sinh khí (26).

***

 Khí vị tân, cam, công năng của nó chuyên về phát tán, thuộc Dương. Khí vị toan, khổ, công năng của nó có thể dũng liệt hơn, thuộc Âm (27).

 Âm thắng thì Dương sẽ mắc bệnh, Dương thắng thì Âm sẽ mắc bệnh. Dương thắng thì nhiệt, Âm thắng thì hàn (28).

 Hàn làm thương hình, nhiệt làm thương khí, khí bị tổn thương thành bệnh đau, hình bị thương thành bệnh thũng (30).

 Nếu trước đau mà sau mới thũng, đó là khí làm thương hình; nếu trước thũng mà sau mới đau, đó là hình làm thương khí (31).

***

 Phong thắng thì sinh ra động; nhiệt thắng thì sinh ra thũng; táo thắng thì sinh ra can (khô ráo, se); hàn thắng thì sinh ra "phù" (thần khí phù việt); thấp thắng thì sinh ra "nhu tiết" (ẩm thấp, tiết tả) (32).

***

 Trời có bốn mùa, năm hành để thi hành sự sinh, trưởng, thâu, tàng và để sinh ra các khí hàn, thử, táo, thấp, phong (33).

 Người ta có năm Tàng hóa ra năm khí, để sinh ra hỷ, nộ, bi, ưu, khủng (34).

 Cho nên, hỷ với nộ làm thương đến khí, hàn với thử làm thương tới hình (35). Bạo nộ thì thương đến Âm, bạo hỷ thì thương đến hình. Nếu khí dẫn ngược lên, mạch sẽ bị đầy tràn, ly thoát mất cái hình của chân Tàng (36).

 Hỷ, nộ không hạn chế, hàn thử để quá độ, sinh mệnh sẽ không được bền (37).

 Cho nên "trùng âm" tất bệnh dương, "trùng dương" tất bệnh âm (38).

 Mùa Đông bị thương về hàn, tới mùa Xuân tất phát bệnh ôn; mùa Xuân bị thương về phong, tới mùa Hạ tất phát bệnh xôn tiết; mùa Hạ bị thương về thử, tới mùa Thu tất phát bệnh hơi ngược; mùa Thu bị thương về thấp, tới mùa Đông tất phát bệnh khái thấu (39).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe các bậc Thánh nhân đời thượng cổ hiểu rõ thân thể con người: Về Tàng, Phủ thì phân biệt rõ ràng; về kinh mạch thì xét rõ đầu mối; về "lục hợp" của mạch, nên rõ sự hội thông của nó; về các "khí huyệt" thì chỉ rõ từng nơi và ấn định cái danh của nó; về các "khê, cốc" đều chỉ rõ cái chỗ bắt đầu của nó; về bộ phận bì phu, có nghịch có tùng, đều có điều lý; về bốn mùa, Âm Dương, đều có kinh hỷ, và ứng vào thân thể con người đều có biểu, lý liên lạc với nhau... Có thật thế chăng (40).

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đông phương sinh ra phong (gió), phong sinh Mộc, Mộc sinh toan, toan sinh Can, Can sinh cân (gân), cân sinh Tâm, Can chủ về mắt.

 Theo lẽ đó, ở trời gọi là "huyền", ở người gọi là "đạo", ở đất thì là "hóa", hóa sinh năm vị. Đạo sinh ra trí, huyền sinh ra thần.

 Thần ở trời tức là khí phong, ở đất tức là hành Mộc, ở thân thể con người là cân, ở Tàng Phủ con người tức Can.

 Ở sắc là mầu xanh, ở âm là âm Giác, ở tiếng là tiếng hô (thở ra, reo hò), ở sự biến động là ác (nắm tay lại, hình dung sự co gân), ở khiếu là mắt, ở vị là toan, ở chí là nộ.

 Nộ (giận) làm thương Can, bi sẽ thắng nộ; phong làm thương cân, táo sẽ thắng phong; toan làm thương cân, tân sẽ thắng toan (41).

***

 Nam phương sinh nhiệt (nóng), nhiệt sinh Hỏa (42), Hỏa sinh khổ, khổ sinh Tâm, Tâm chủ huyết (44), huyết sinh Tỳ (45), Tâm chủ về lưỡi (46).

 Theo lẽ đó, ở trời là nhiệt, ở đất là hành Hỏa, ở thể là mạch, ở Tàng là Tâm (47).

 Ở sắc là xích (đỏ), ở âm là âm Chủy, ở tiếng là tiếng cười, ở sự biến động là ưu (lo) (48), ở khiếu là lưỡi, ở vị là khổ, ở chí là hỷ.

 Hỷ quá thì thương Tâm, khủng sẽ thắng hỷ (khủng là Thận chí và là thủy thắng hỏa); nhiệt quá thì thương khí, hàn sẽ thắng nhiệt; khổ làm thương khí (khổ là hỏa vị, nên cũng thương khí), hàn sẽ thắng khổ (Thủy khắc Hỏa).

***

 Trung ương sinh thấp (49), thấp sinh Thổ (50), Thổ sinh cam, cam sinh Tỳ (51), Tỳ sinh nhục, nhục sinh Phế (52), Tỳ chủ về miệng.

 Theo lẽ đó, ở trời là khí thấp, ở đất là hành Thổ, ở thể là nhục, ở Tàng là Tỳ. Ở sắc là sắc vàng, ở âm là âm Cung, ở tiếng là tiếng hát (53), ở sự biến động là uế (54), ở khiếu là miệng, ở vị là cam, ở chí là tư (nghĩ ngợi).

 Tư quá thương Tỳ, nộ sẽ thắng tư; thấp quá thì thương nhục, phong sẽ thắng thấp; cam quá thì thương nhục (vị làm thương hình), toan sẽ thắng cam.

***

 Tây phương sinh táo (56), táo sinh Kim (nhân khí mà sinh hình), Kim sinh tân (nhân hình mà sinh vị), tân sinh Phế (nhân vị mà sinh Tàng), Phế sinh bì mao (nhân Tàng mà chủ về hình), bì mao sinh Thận (57), Phế chủ về mũi.

 Theo lẽ đó, ở trời là khí táo, ở đất là hành Kim, ở thân thể là bì mao, ở Tàng là Phế, ở sắc là sắc trắng, ở âm là âm Thương, ở tiếng là tiếng khóc (58), ở sự biến động là khái (ho), ở khiếu là mũi, ở vị là tân, ở chí là ưu (lo).
 
 Ưu làm thương Phế, hỷ sẽ thắng ưu (Hỏa khắc Kim), nhiệt làm thương bì mao, hàn sẽ thắng nhiệt; tân làm thương bì mao (59), khổ sẽ thắng tân.

***

 Bắc phương sinh hàn (bắc thuộc Thủy, nên sinh hậu), hàn sinh Thủy (60), Thủy sinh hàm (mặn, vị của thủy), hàm sinh Thận, Thận sinh cốt tủy, tủy sinh Can (61), Thận chủ về tai (Thận khí thông lên tai).

 Theo lẽ đó, ở trời là khí hàn, ở đất là hành Thủy, ở thân thể là xương, ở Tàng là Thận (62), ở sắc là đen, ở âm là âm Vũ, ở tiếng là tiếng thở dài (63), ở sự biến động là run rẩy, ở khiếu là tai, ở vị là hàm, ở chí là khủng.

 Khủng quá thương Thận, tư sẽ thắng khủng; hàn quá làm thương huyết (64), táo sẽ thắng hàn (65), hàm quá làm thương huyết, cam sẽ thắng hàm (tức Thổ khắc Thủy).

 Cho nên nói rằng: Trời đất là một bộ vị trên và dưới của muôn vật (66); Âm với Dương, đối với người là huyết khí của nam nữ (67); tả với hữu là đường lối của Âm Dương (68); Thủy với Hỏa là triệu chứng của Âm Dương (69); Âm với Dương là trước sau của muôn vật.

 Nên chú ý rằng: Âm ở bên trong, nhờ có sự gìn giữ của Dương ở bên ngoài. Dương ở bên ngoài nhờ sự sai khiến của Âm ở bên trong (70).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Nên bắt chước Âm Dương như thế nào? (71)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 Dương thắng thì mình nóng, tấu lý vít lấp, thở mạnh và khó cúi hoặc ngửa, hãn không ra mà nhiệt, răng se; do đó thành phiền oán (bực dọc, nóng nảy), bụng đầy, thuộc chứng chết, chỉ qua được mùa Đông, không qua được mù Hạ (72).

 Âm thắng thì mình lạnh, hãn ra, mình thường mát, thường run và rét. Rét thì quyết, quyết thì bụng đầy, thuộc chứng chết, chỉ qua được mùa Hạ, không qua được mùa Đông. Đó là sự biến của Âm Dương "thiên thắng" và là chứng trạng phát hiện vậy.

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Muốn điều dưỡng hai khí ấy, làm thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 Nếu biết được cái lẽ "thất tổn, bát ích" thì hai khí ấy có thể điều hòa. Nếu không biết, sẽ là cái cơ tảo suy vậy (74).

 Con người, năm bốn mươi tuổi, Âm khí đã tới phân nửa, sự khởi cư đã suy rồi (75).

 Tới năm năm mươi tuổi, thân thể nặng nề, tai mắt không còn sáng tỏ nữa (76).

 Tới năm sáu mươi tuổi, thì Âm suy, khí đã rất suy, chín khiếu không thông lợi, dưới hư trên thực, nước mũi nước mắt thường chảy ra (77).

 Cho nên nói: Biết thì khỏe mạnh, không biết thì chóng già (78).

 Thần khí vốn "cùng" sinh ra ở âm tinh, mà về sau cái danh nó "khác" đấy thôi (vì chia ra tinh, khí, thần ba danh từ).

 Người trí xét rõ từ chỗ "đồng" (cùng), còn kẻ ngu trí biết xét rõ ở chỗ "dị" (khác); kẻ ngu thường bất túc, người trí thường hữu dư (79).

 Vì hữu dư nên tai mắt sáng tỏ, thân thể khỏe mạnh, đã đến tuổi lão mà vẫn được như trai tráng; đã tráng mà lại càng đầy đủ thêm (80).

 Vì thế nên bậc Thánh nhân làm cái việc "vô vi", vui cái yên "điềm đạm", thuận dục khoái chí ở trong cái phạm vi "hư vô". Cho nên thọ mệnh vô cùng, sống chung trời đất... Đó là phương pháp trị thân của bậc Thánh nhân vậy (81)

***

 Trời "bất túc" về phương Tây bắc. Tây bắc thuộc Âm, do đó con người tai mắt bên hữu không sáng bằng bên tả; đất "bất mãn" về phương Đông nam. Đông nam thuộc Dương, do đó, con người tay chân bên tả không mạnh bằng bên hữu (82).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Vì cớ sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 Phương Đông thuộc Dương. Vì là Dương, nên tinh khí dồn lên trên thì trên sáng mà dưới hư, cho nên khiến tai mắt sáng tỏ mà tay chân không mạnh. Phương Tây thuộc Âm. Vì là Âm, nên tinh khí dồn ở dưới; dồn ở dưới thì dưới thịnh mà trên hư, cho nên khiến tai mắt không sáng tỏ, mà tay chân được mạnh (83).

 Cho nên, đều là cảm phải tà khí, mà về bộ phận trên thì bên hữu nặng hơn, về bộ phận dưới thì bên tả nặng hơn. Đó chính vì thiên địa Âm Dương không thể toàn vẹn được, nên tà khí cũng do chỗ thiếu hụt ấy để mà xâm lấn (84).

***

 Cho nên, trời có tinh, đất có hình, trời có tám cõi, đất có năm hành, vì thế mới có thể làm được cha mẹ của muôn vật (tức là sự sinh hóa ra muôn vật đều phải gốc ở trời đất).

 Thanh dương bốc lên trời, trọc âm theo xuống đất.

 Nhân có sự động tĩnh làm giường mối cho sự "thần minh", nên mới phát triển được cái công năng sinh, trưởng, thâu, tàng hết rồi lại có (85).

 Chỉ bậc người hiền, về bộ phận trên biết bắt chước trời để nuôi đầu, bộ phận dưới biết bắt chước đất để nuôi chân, về bộ phận giữa biết lựa theo nhân sự để nuôi năm Tàng (86).

 Thiên khí thông vào Phế, địa khí thông vào ách (thực quản), phong khí thông vào Can, lôi khí thông vào Tâm, cốc khí thông vào Tỳ, vũ khí thông vào Thận (87).

 Sáu khí coi như sông, Trường vị coi như biển, chín khiếu là nơi tiết ra của hơi nước (88).

 Lấy Âm Dương của trời đất làm Âm Dương của con người.

 Dương hãn, mượn tiếng "vũ" của trời đất để đặt làm tên (89).

 Dương khí, mượn tiếng "lôi" của trời để đặt tên (9-0).

 Bạo khí tượng với lôi, nghịch khí tượng với dương (91).

 Vậy về phương pháp trị liệu, nếu không bắt chước cái lý Âm Dương của trời đất, sẽ khó thoát tai hại.

***

 Cho nên khi tà phong nó đến, gấp hơn gió mưa (92). Người thiện trị (chữa bệnh gỏi) ngay từ lúc tà còn ở bì mao (93); bực thứ nữa, chữa khi tà vào tới cơ phu (94); bực thứ nữa, chữa khi tà vào tới cân mạch (95); lại bực thứ nữa, chữa khi tà vào tới sáu Phủ (96); lại bực thứ nữa, chữa khi tà vào tới năm Tàng. Để tà vào tới năm Tàng thì nửa chết, nửa sống (97).

 Nếu cảm nhiễm phải tà khí của trời thì sẽ hại tới năm Tàng, nếu cảm nhiễm về sự nóng lạnh của loài thủy cốc (thức ăn, do sự ăn uống) thì sẽ hại tới sáu Phủ; nếu cảm nhiễm phải thấp khí của đất thì sẽ hại tới bì, nhục, cân, mạch (98).

 Cho nên người khéo dùng châm (99), từ âm phận dẫn qua dương phận, từ dương phận dẫn qua âm phận: Lấy bên hữu để trị bệnh bên tả, lấy bên tả để trị bệnh bên hữu; lấy ngoài biểu để biết trong lý, lấy tinh thần của mình để hiểu biết bệnh tình của người bệnh. Do đó, để xem cái nguyên nhân của bệnh nó phát sinh từ đâu, và cái lý tà, chính, hư, thực như thế nào... Như thế mới khỏi gây tai hại (100).

***

 Người khéo "chẩn", xét ở sắc, ấn vào mạch, phải phân biệt Âm Dương trước đã (101). Xét rõ thanh hay trọc để biết thuộc về bộ phận nào (102); coi hơi thở , nghe tiếng nói, mà biết được sự đau đớn thế nào xem quyền, hành, quy, củ để mà biết được bệnh nó chủ về đâu (103), án tay vào bộ Xích, Thốn nhận rõ phù, trầm, hoạt, sắc... mà biết được bệnh nó vì đâu sinh ra (104). Rồi lại xem đến cả người không có bệnh để rút kinh nghiệm, như thế sẽ không nhầm lẫn nữa (105).

***

 Bệnh khi mới phát, có thể dùng châm chích cho khỏi (106); khi bệnh thế đã thịnh, đừng vội vứt bỏ châm, đợi tà khí suy dần, sẽ thôi (107).

 Nhân cái lúc bệnh tà còn nhẹ, mà phạt dương cho nó tiết ra (108); đến khi bệnh thế đã thịnh, phải để cho nó giảm bớt dần; đên khi bệnh thế đã suy thì phải giúp ích chính khí cho nó đầy đủ thêm (109).

 Hình bất túc dùng khí để ôn; tinh bất túc dùng vị để bổ (110).

 Nếu bênh tà ở ộ phận cao, làm cho nó vọt lên; nếu bệnh tà ở bộ phận dưới, dẫn cho nó hạ xuống;nếu đầyở bộ phận giữa, nên do bên trong mà tả (111)

 Nếu là tà ở biểu, tẩm vào nước cho phát hãn (112); nếu ở bì mao làm cho phát tán (113); nếu tà khí quá mạnh, nên dùng phép án ma cho thâu dẫn (114); nếu là thực, nên tán và tả (115).

 Xét rõ Âm Dương, để chia cương nhu (116). Dương bệnh trị ở Âm, Âm bệnh trị ở Dương(117)

 Định rõ khí huyết, cần giữ bộ vị (118). Nếu huyết thực, làm cho nó hành: nếu khí hư, nên tuyên dẫn cho thông sướng (119).

Chú giải

 (1) Thiên này nói về: Trời, đất, thủy, hỏa, bốn mùa, năm hành, hàn nhiệt, khí, vị hợp với Tàng, Phủ của con người, hình, thân, thanh, trọc, thành tượng, thành hình… đều hợp với cái đạo của âm dương. Cho đến chẩn mạch, sát sắc, trị liệu, châm biếm v.v… đều phải bẳt chước ở âm dương, nên gọi là “Ứng tượng đại luận”.

 (2) “Đạo” tức là cái lẽ của âm dương. Thái cực “tĩnh” mà sinh âm, “động” mà sinh dương. Trời sinh ra bởi động, đất sinh ra bởi “tĩnh”, nên gọi âm dương là đạo của trời đất.

 (3) Vật sinh ra gọi là “hóa”, vật đến cực gọi là “biến”. Dịch nói: “Ở trời thành tượng,ở đất thành hình, sự biến hóa phát hiện ở đó”. Chu Tử nói: “Biến” là cái “tiệm” của hóa, hóa là sự “thành” của “biến”. Âm có thể biến thành dương, dương có thể biến làm âm, cái đạo lý biến hóa do âm dương sinh ra, nên gọi là cha mẹ.

 (4) Trời lấy dương để sinh ra, lấy âm để nuôi lớn; Đất lấy dương để giảm đi, lấy âm để tiềm tàng.

 (5) Âm dương biến hóa không thể lường được nên gọi là thần minh.

 (6) “Gốc” tức là chỉ về âm dương. Tàng, Phủ, khí, huyết, biểu, lý, thượng, hạ ở trong tấm thân con người, đều gốc ở âm dương, cho tới cái khí phong, hàn, thử, thấp, bốn mùa, năm hành… do từ bên ngoài phạm vào, cũng đều thuộc về hai chữ âm dương. Đến về phương diện trị bệnh, lựa cái khí vị của dược vật, dùng “châm” nên tả hay hữu, xét mạch xem trì hay tật, cũng không thể ra ngoài cái lý của âm dương. Cho nên nói: “Trị bệnh phải cầu tới gốc”… Bệnh đó thuộc dương tà hay âm tà? Thuộc âm phận hay dương phận? Khí phận hay huyết phận? Rồi nhân đó để đưa lựa chọn đến dược vật, xem nên dùng những vị khí nó thăng hay vị nó giáng? Âm để bổ hay khổ để tiết?... Đó, phương pháp cầu tới gốc là như vậy…

 (7) Tích tức là “tích lũy”, chứa chất rất nhiều. Rất cao là trời, rất dày là đất. Tiếp theo câu trên, nói việc trị bệnh nên bắt chước cái âm dương của trời đất.

 (VIII) Chất âm của đất chủ tĩnh mà có thường. Khí dương của trời chủ động mà không ngừng…

 (9) Mùa xuân với mùa hạ là hai khí Âm Dương của trời, cho nên chủ về sinh và trưởng; mùa thu với mùa đông là hai khí Âm Dương của đất, cho nên chủ về sái và tàng.

 (10) Trời chủ về sinh ra vật, đất chủ về gây thành vật. Cho nên dương hóa cái khí của muôn vật, mà cái khí ở trong thân con người cũng do dương hóa ra; Âm thành cái hình của muôn vật, mà cái hình của con người cũng do âm gây nên.

 (11) Âm hàn dương nhiệt là cái khí chính của âm dương. Hàn cực sinh nhiệt, là âm biến làm dương; nhiệt cực sinh hàn, là dương biến làm âm. Thiệu Tử nói: Lúc bắt đầu động thì dương sinh, động đến cực độ thì âm sinh; lúc bắt đầu tĩnh thì “nhu” sinh, tĩnh đến cực độ thì “cương” sinh. Đó tức là cái nghĩa “lão biến mà thiếu không biến” ở Chu dịch. Cho nên cái lý âm dương, hễ đến cực độ thì sinh biến. Tật bệnh ở con người cũng vậy. Như nhiệt quá thì lại hàn. Như những chứng nội nhiệt đến cực độ, thì bên ngoài hiện ra rét run. Hàn quá thì lại nhiệt, như bệnh thương hàn mà phát nhiệt. Về phép trị bệnh cũng vậy, như người uống quá nhiều những vị khổ hàn, rồi biến thành hỏa nhiệt.

 (12) Hàn khí đọng xuống dưới, nên sinh ra trọc âm; nhiệt khí thượng thăng, nên sinh ra thanh dương. Thanh khí chủ về dương nên ở trên, giờ lại ở dưới nên sinh chứng xôn tiết (ăn vào lại tả ra), bởi vì chỉ giáng mà không thăng; trọc khí chủ về âm nên ở dưới, giờ lại ở trên nên sinh chứng điền trướng, bởi vì chỉ có thăng mà không có giáng. Đó là âm dương tương phản mà sinh bệnh, như thế tức là “nghịch”, nếu trái lại là “tùng”. Cho nên nói:”Trị bệnh phải cầu tới gốc”, chính là vì tấm thân con người “hữu bệnh hay vô bệnh” đều do âm dương “nghịch, tùng” mà ra vậy.

 Án: Từ câu “dương hóa khí” trở xuống, đều đem âm dương của trời đất hợp với âm dương trong tấm thân con người để tỷ lệ, không chuyên nói hẳn về bên nào.

 (13) Đoạn này tiếp với đoạn trên, nói về: cái địa vị của âm dương có trên dưới khác nhau, mà cái khí của âm dương có “hỗ giao” rồi sau mới thành được cái biến hóa “mây lên, mưa xuống” để hóa sinh muôn vật. Thanh dương là trời, trọc âm là đất. Đất dù ở dưới mà hơi đất bốc lên làm mây; trời dù ở trên mà khí trời giáng xuống làm mưa. Trời nhờ mây mà sau mới có mưa, nhưng mưa từ trên trời giáng xuống, mà thực là do cái mây của hơi đất bốc lên, cho nên nói: “mưa làm ra bởi địa khí”. Nhờ có mưa giáng xuống, mà sau mới có mây bốc lên. Nhưng mây tuy từ dưới đất bốc lên, mà thực là do cái mưa của khí trời giáng xuống; cho nên nói: “mây làm ra bởi thiên khí”. Đó là cái hiện tượng “giao hỗ” của âm dương, mà trong tấm thân của con người cũng có một hiện tượng như vậy.

 (14) Thanh dương của người ứng theo với “thiên” mà tiết ra thượng khiếu; trọc âm của người ứng theo với “địa” mà tiết ra hạ khiếu. Cũng như sự “lên xuống” của mây mưa.

 (15) Đây nói: Cái khí thanh đương dẫn đạt ra tấu lý mà cái “tinh huyết” thuộc về trọc âm, thì chạy tới năm Tàng. Vì năm Tàng chủ việc tàng tinh.

 (16) Câu này nói: Cái khí thanh dương do ặn uống sinh ra thì dẫn ra tứ chi, còn những chất hỗn trọc (cặn bã) thì dồn về sáu phủ.

 (17) Tính của Thủy thấm nhuần xuống nên là âm, tính của hỏa bốc ngược lên nên là dương. Thanh dương bốc lên là khí, trọc âm giáng xuống nên là vị (ngũ vị, các thức ăn). Đó là do Thủy Hỏa mà xét ra âm dương của khí và vị.

 (18) Âm là Vị, âm gây nên hình; đất cho người ăn năm vị để nuôi cái hình ấy, cho nên nói: “vị theo về hình”. Dương hóa khí, cái khí của “chư dương” xuất dẫn ra bì phu cơ tấu, để sinh ra cái hình ấy, nên nói “khí theo về hình”; nhờ cái tinh khí của thủy cốc để hóa sinh ra các tinh ấy, nên nói “tinh theo về hóa”.

 (19) Nhờ tinh khí của thủy cốc để sinh ra tinh, đó tức là “tinh nhờ ở khí”; nhở năm vị vào Vị để nuôi cái hình ấy, nên nói: “hình nhờ ở vị”.

 (20) Nhờ tinh khí của thủy cốc để sinh ra tinh, nhờ cái thần khí của “chư dương” để nuôi cho hình; ấy nên mới nói: “do hóa sinh tinh, do khí sinh hình”.

 (21) Hình ăn về vị, tinh ăn về khí (vì do nó mà sinh ra nên gọi là ăn), nhưng sự “ăn” đó nếu thái quá thì sẽ bị thương, cũng như sự ăn uống thường vậy

 (22) Tinh là gốc của nguyên khí, mà khí lại do tinh hóa ra. Hình ăn Vị mà Vị theo về hình. Đến khi vị làm thương hình thì sẽ lây cả đến khí.

 (23) Vị thuộc về loài có chất, nên dồn xuống hai khiếu “tiện, niệu” (đại tiện và tiểu tiện); khí thuộc về loại vô hình nên tiết lên trên khiếu hô hấp

 (24) Vị thuộc về âm, mà “vị hậu” là thuần âm, nếu bạc lại là dương ở trong âm; khí thuộc về dương, mà “khí hậu” là thuần dương, nếu bạc lại là âm ở trong dương. Đó là âm dương mà lại chia thêm một thứ âm dương khác nhau vậy.

  (25) Vị hậu là âm ở trong âm, tính giáng xuống, nên chủ về hạ tiết; vị bạc là dương ở trong âm, tính bốc lên, nên chủ về tuyên thông. Khí bạc là âm ở trong dương, tính giáng xuống, nên chủ về phát tiết; khí hậu là dương ở trong dương, tính bốc lên, nên chủ về phát nhiệt. Tiết này bàn về âm dương, khí, vị và thăng giáng.

 (26) Khí là dương, Hỏa là dương, hợp lại mà nói thì khí tức là Hỏa. Cái khí của Thiếu dương Tam tiêu, sinh ra tự Mệnh môn, dẫn đi khắp trong ngoài, hợp với Bao lạc (thuộc Tâm) mà làm Tướng hỏa. Cái khí sơ sinh của Thiếu dương, dẫn xuống Hạ tiêu để chủ về việc thâu nạp, dẫn tời Trung tiêu mà chủ về việc sinh hóa. Nạp và hóa các chất tinh vi của thủy cốc để sinh ra khí và nuôi hình… Cho nên mấy câu này tiếp với đoạn trên nói về “năm vị thái quá” thì sẽ thương đến khí, mà Tráng hỏa thái quá cũng thương đến khí (Tráng hỏa là một thứ hỏa nóng quá, Thiếu hỏa là một thứ hỏa vừa vậy. Đoạn này có hai tiếng Tráng hỏa và Thiếu hỏa, là nói về cái nhiệt độ hơn kém của hỏa). Bởi những vị mà khí vị quá hậu, tức là hỏa nó “Tráng”. Dùng những vị Tráng hỏa thì cái khí của con người không thể chống nổi, do đó mà hóa và suy (như dùng những vị Ô đầu, Phụ tử, khí của con người không thể chống lại được nên phát nhiệt); những vị mà khí vị ôn, tức là hỏa nó “thiếu”. Dùng những vị Thiếu hỏa, thì cái khí của con người sẽ dần sinh vượng mà thành tráng (như dùng những vị Nhân sâm, Đương quy v.v… khiến cho khí huyết của con người dần nên sinh vượng). Vì sao mà cái khí của Tráng hỏa suy? Vì Tráng hỏa có thể “thu hút” cả cái khí của con người, nên cái khí của Tráng hỏa sẽ tự suy. Vì sao mà cái khí của Thiếu hỏa lại tráng? Vì cái khí của con người có thể “thu hút” được cái khí của Thiếu hỏa, nên cái khí của Thiếu hỏa sẽ thành tráng. Bởi vì Tráng hỏa có thể “thu hút” cái khí của con người, nên nó lại có thể làm “tán” cái khí của con người; nên mới nói: “khí của Tráng hỏa suy”; bởi vì cái khí của con người có thể “thu hút” được cái khí của Thiếu hỏa, nên nó lại có thể sinh ra cái khí của con người; cho nên mới nói: “khí của Thiếu hảo tráng”. Chữ “thu hút” trên đây, nguyên Hán văn là chữ “thực, ăn”. Chú giải của Trương Ẩn Am: “Thực cũng như nhập vào, tức là dồn vào làm một”. Nguyên Hán văn là “Tráng hỏa thực khí, khí thực Thiếu hỏa” chữ đặt rất gọn, mà ý nghĩa hay, tiếc không tìm tiếng gì thay thế được. Trương Ẩn Am nói: Tướng hỏa là “tặc” của nguyên khí, muốn bảo dưỡng “tinh, khí, hình” ta nên dẹp yên hỏa ấy. Vương Tử Phương nói: “Khí của Tráng hỏa, khí của Thiếu hỏa”, chữ “khí” đó tức là khí của hỏa.

 (27) Khí với vị vốn đã chia âm dương, mà trong "vị" lại chia ra âm dương khác nhau. Tân dẫn về khí phận mà tính tán. Cam là một vị thuộc về trung ương (thổ) mà lại có cái năng lực tưới rội ra tứ bàng, vì thế nên phàm vị "tân và cam" thì phát tán và thuộc dương. Vị khổ chủ về tiết trở xuống, mà lại kiêm có cái tính chất bốc ngược lên (vì là hỏa), vị toan chủ về thâu giáng, mà lại là một thứ "Mộc vị" phát sinh về mùa xuân... đều có cái năng lực thượng dũng (vọt lên) và hạ tiết (tháo chụt trở xuống). Vì thế nên phàm vị "toan và khổ" thì "dũng, tiết" và thuộc âm.

  (28) Mã Thị nói: Dùng vị toan khổ mà đến thái quá thì âm sẽ thắng. Âm thắng thì về dương phận ở trong con người không địch được với âm hàn, do đó dương sẽ mắc bệnh. Dùng vị tân cam mà đến thái quá thì dương sẽ thắng. Dương thắng thì âm phận ở trong con người không địch nổi với dương nhiệt, do đó âm sẽ mắc bệnh.

 (29) Khổ hóa Hỏa, toan hóa Mộc. Nếu uống nhiều các vị toan, khổ, thì sẽ gây nên sự “nhiệt hóa” của Mộc với Hỏa, tân hóa Kim, cam hóa Thổ. Nếu uống nhiều vị tân, cam thì sẽ gây nên sự “hàn hóa” của âm thấp. Phàm dùng thuốc, nếu lâu thì tăng khí, đó là cái lẽ thường của vật hóa. Nếu để cho khí tăng lên mãi, sẽ là cái nguyên nhân chết non.

 (30) Dương hóa thành khí, âm gây nên hình. Hàn thì âm nhiều, nên thương hình. Nhiệt thì dương thịnh, nên thương khí. Khí vô hình, nên đau; hình có Hình, nên thũng.

 (31) Hình theo về khí, mà khí sinh ra hình… Đó là sự tương hợp của âm dương và hình khí. Cho nên, khí bị thương thì lây đến hình, hình bị thương thì cũng lây đến khí.

 Từ đây trở lên, nói về: khí, vị, âm, dương, hàn, nhiệt… do “thiên thắng” mà sinh bệnh.

 (32) Từ đây trở xuống, bàn về bốn mùa, năm hành của trời và năm Tàng, năm khí ở con người, với bên ngoài cảm về lục dâm, bên trong thương về năm chí… đều có âm, dương, hàn, nhiệt khác nhau. Tính của phong lay động, nên “phong thắng thì sinh lay động”. Nhiệt nhiều làm thương khí, nên nhiệt thắng thì thũng “sưng”. Táo làm thương đến tân dịch, cho nên táo thắng thì sinh ra can (khô ráo, se); hàn làm thương đến dương, cho nên thần khí sẽ phù việt ra ngoài. Thấp thắng thì Tỳ thổ bị thương nên thành ra chứng nhu tiết (tiết tả). Phong với nhiệt là dương khí của trời; hàn, táo, thấp là Âm khí của trời. Đó là sự thiên thắng gây nên bệnh của bốn mùa và năm hành vậy.

 (33) Mười Can của trời, hóa sinh năm hành của đất, năm hành của tật, hợp với sáu khí của trời. Cho nên ở đất hành Thủy thì ở trời là khí hàn; ở đất là hành Hỏa, ở trời là khí thử; ở đất là hành Kim, ở trời là khí táo; ở đất là hành Thổ, ở trời là khí thấp; ở đất là hành Mộc, ở trời là khí phong… Đó là sự ứng tượng rất rõ rệt vậy.

 (34) “Hóa ra năm khí”, tức là hóa cái khí của năm hành. Chí của Can là nộ, chí của Tâm là hỷ, chí của Tỳ là bi, chí của Phế là ưu, chí của Thận là khủng (nghĩa chữ “chí” ở đây, có ý như phát sinh ra…). Đó là do năm khí mà sinh ra chí của năm Tàng. Câu này nói về năm Tàng của người hóa sinh ra năm khí và năm chí, đều thuộc về âm dương.

 (35) Hỷ, nộ do bên trong phát ra, cho nên làm thương đến hai khí Âm Dương; cái tà ngoại dâm do bì mao mà lọt vào cơ lạc, Tàng Phủ, cho nên nói: “hàn thử thì thương hình”. Mã Thị nói: “chỉ nói hỷ, nộ” mà ngoài ra như “ưu, tư, khủng” có thể suy ra biết được. Chỉ nói “hàn, thử” mà ngoài ra như “táo, thấp, phong” có thể suy ra biết được.

 (36) Nhiều dương thì nhiều hỷ, nhiều âm thì nhiều nộ, bởi hỷ thuộc dương mà nộ thuộc âm. Vì vậy nên bạo nộ thì thương âm, bạo hỷ thì thương dương. Cái khí Âm Dương một khi đã “quyết nghịch” dẫn lên, thì cái khí của năm Tàng sẽ đầy tràn ở trong mạch, mà thoát ly mất cái hình của chân Tàng.

 (37) Kinh nói: Kẻ tri giả đối với sự dưỡng sinh, tất phải thuận theo cái khí của bốn mùa và thích hợp với khí hàn thử, điều hòa sự hỷ nộ và tiết độ việc cư xử, trái lại, nếu mọi việc cẩu thả quá độ, thì còn sống lâu sao được?

 (38) Về thời tiết thuộc âm, mà lại cảm phải khí hàn, như thế là “trùng âm”, tất sẽ sinh ra chứng dương nhiệt; về thời tiết thuộc dương, mà lại cảm phải khí nhiệt, như thế là “trùng dương” tất sẽ sinh ra bệnh âm hàn.

 (39) Mùa đông bị thương về khí hàn, cái độc của khí hàn ẩn nấp ở trong cơ phu, tới mùa xuân, tất phát ra bệnh ôn; mùa xuân bị thương về phong, phong khí thông vào với Can. Can tà hữu dư, tới phạm Tỳ thổ, dằng dai đến mùa hạ tất thành chứng xôn tiết. Mùa hạ bị thương về khí thử, thử hãn không tiết ra được, tới mùa thu gặp phải lương phong, hai bên xung đột lẫn nhau, thành ra chứng ngược “hàn nhiệt vãng lai” (lúc nóng, lúc rét cứ lần hồi thay đổi). Mùa thu bị thương về khí thấp, thấp nung nấu biến thành nhiệt, nhiệt thuộc hỏa, hỏa phạm lên Phế kim, dằng dai đến mùa đông, hàn với nhiệt xung đột lẫn nhau, gây nên bệnh khái thấu. Xem những bệnh thuộc về hai mùa xuân hạ, thì rõ được cái nghĩa “trùng âm tất bệnh dương”; xem những bệnh thuộc về hai mùa thu đông, thì rõ được cái nghĩa “trùng dương tất bệnh âm” như nói ở trên.

 (40) Đoạn này dẫn câu hỏi của Hoàng Đế làm tổng mạo cho mấy đoạn dưới đây. Lục hợp (6 hợp), tức là sự tương hợp của 12 kinh, tỷ như:Túc Thái dương với túc Thiếu âm là một hợp; Túc Thiếu dương với túc Quyết âm là hai hợp; Túc Dương minh  với túc Thái âm là ba hợp; Thủ Thái dương với thủ Thiếu âm là bốn hợp; Thủ Thiếu dương với thủ Quyết âm là năm hợp; Thủ Dương minh với thủ Thái âm là sáu hợp… Nó đều theo chính kinh của nó để giao thông liên lạc lẫn nhau.

 Khí huyết tức là nơi kinh khí quy tụ ở đó. Trong thân thể con người tổng cộng có 365 huyệt, để ứng với 365 ngày trong một năm.

 Những chỗ đại hội của nhục (thịt) gọi là cốc, những chỗ tiểu hội của nhục gọi là khê. Các nơi đó đều có cái chỗ bắt đầu sinh ra nó, tỷ như gân, ta thấy là gân, nhưng phải biết do từ đâu sinh ra gân v.v…

 (41) Từ đoạn này trở xuống với bốn đoạn nữa là lời nói của Kỳ Bá thưa lại, đem những cái liên lạc của năm Tàng với “tam tài” (trời, đất, người) phân tách rõ ràng; để chứng thực người xưa sở dĩ được như lời của Đế hỏi trên, chẳng qua chỉ hiểu thấu được hết “tam tài” mà thôi.

 - Đông phương chủ về mùa xuân, cái tính chất của Dương khí là bốc lên, nên mới sinh ra phong; phong cổ động thì loài cây tươi tốt, nên phong sinh Mộc; cái tính của Mộc là “toan”, nên Mộc sinh toan.

 Trong thân con người, Can thuộc Mộc, Mộc tính toan, nên nói: “toan sinh Can”.

 Mộc chủ về sinh ra Hỏa, nên nói: “cân sinh Tâm”.

 Mắt là khiếu của Can, nên nói: “Can chủ về mắt”.

 Giờ đem hợp cả “trời, đất, người” lại mà xét, thì chẳng qua chỉ cùng chung có một Lý. Lý đó, ở trời gọi là huyền (hình dung sự xa xôi bí mật). Ở người gọi là đạo (đạo là một cái lý ai cũng phải có, phải theo). Ở đất gọi là hóa (tức là hóa sinh muôn vật).

 Bởi đẩ có sự hóa, nên mới chia ra mọi vật và sinh ra năm vị,

 Bởi người có biết đạo, nên đạo mới tỏ rõ mà minh trí mới sinh ra.

 Bởi trời có sự huyền, nên mới có cái hành động khôn ngoan khéo léo, biến chyển như thần… Do đó ta có thể biết được “tam tài” cũng chỉ là một lý.

 Nhân đó lại suy rộng ra, ở trong năm khí của trời đã là phong, thì ở năm hành của đất sẽ là Mộc, mà ở năm thể của người sẽ là cân, và ở trong năm Tàng sẽ là Can… Suy mãi ra đến năm sắc là xanh, năm âm là giác, năm tiếng là hô, năm biến là ác, năm khiếu là mắt, năm vị là toan, năm chí là nộ… Cái danh của nó tuy khác nhau, mà cái lý thì vẫn chỉ có một, tức là đều thuộc về Mộc mà thôi.

 Tuy nhiên, nếu ở bản Tàng mà có sự thái quá, thì Tàng sẽ bị thương. Khi đã bị thương, thì chỉ cái nào mà “Mộc Tàng” không thắng được nó, nó sẽ chế lại được. Cho nên “ở chí là nộ”, nếu nộ thái quá thì thương Can. Chỉ có Phế kim chủ về “bi” là có thể thắng được nộ (Kim khắc Mộc).

 Ở trời là phong. Phong khí thông vào Can, thì sẽ làm thương đến cân, chỉ có cái khí táo Kim thuộc phương Tây là có thể thắng được phong (vẫn là Kim khắc Mộc).

 Ở vị là toan. Toan thái quá thì thương cân, chỉ có cái vị tân thuộc Tây phương là có thể thắng được toan… Đó đều là cái lý “Kim khắc Mộc”, nó tương chế nhau như vậy.

 (42) Nam phương chủ về thời tiết mùa hạ, nên sinh nhiệt.

 (43) Khổ là vị của Tâm. Vị thuộc âm, Tàng cũng thuộc âm, nên vị mới sinh Tàng (Tâm).

 (44) Huyết là một chất “lỏng” phát sinh tự Trung tiêu, phụng tâm thần hóa ra đỏ. Nên huyết tức là thần khí.

 (45) Tức Hỏa sinh Thổ.

 (46) Tâm khí thông lên lưỡi. Tâm hòa thì biết được năm vị.

 (47) Phong, hàn, thử, thấp, hỏa là âm dương của trời. Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy là âm dương của đất. Người có năm Tàng hóa năm khí để sinh ra hỷ, nộ, bi, ưu, khủng, đó là âm dương của người. Tại trời gây nên tượng, tại đất gây nên hình. Về con người thì hợp cả trời đất lại làm một. Ở đây, trước nói thế, rồi sau mới nói đến Tàng, vì con ngời hấp thụ cái khí của trời đất trước từ ngoài rồi mới đến trong vậy.

 (48) Các Tàng đều có “Du”, duy Tâm không có “Du”, cho nên sự biến động phát sinh bởi “chí”. Tâm chí dồn vào Phế (Hỏa khắc Kim) nên thành ưu.

 Dịch giả án: Về thiên này, bàn đến những “sở thương”.

 - (Cái làm thương) có ba điểm khác nhau. Như: Về Đông phương, nói: “Phong làm thương cân; toan làm thương cân…”

 - Về trung ương, nói: “Thấp thương nhục; cam thương nhục…”. Đó là một sự “tự thương” (tức là sự bản Tàng làm thương đến bản Tàng).

 - Về Nam phương, nói: “Nhiệt thương khí; khổ thương khí…”.

 - Về Bắc phương, nói: “Hàn thương huyết; hàm thương huyết…”. Đó là làm thương đến cái mình thắng.

 - Về Tây phương, nói: “Nhiệt thương bì mao…” thế là bị cái khí thắng mà thương mình; nói: “tân thương bì mao…” thế chính là tự mình làm thương mình. Duyệt giả nên nhận kỹ những điều đó.

 (49) Trung ương chủ về Thổ, để thấm nhuần khắp cả xung quanh, nên sinh thấp.

 (50) Ở trời là khí, ở đất thành hình… tức là do khí sinh ra hình.

 (51) Đất dùng năm vị để nuôi người. Vị cam vào Tỳ trước cho nên chủ về sinh Tỳ.

 (52) Tức là Thổ sinh Kim.

 (53) Chí của Tỳ là tư (nghĩ ngợi). Khi đã nghĩ được điều gì thì phát ra tiếng hát. Tức là sự vui vẻ.

 (54) Uế là “ợ”, cũng là “nấc”. Hơi ngược lên trên khoảng Phế vị thành ra nấc. Phía trên Vị, phía dưới Phế, là bộ vị của Tỳ. Nên Tỳ khí biến động thì thành uế.

 (55) Những sự “thắng” ở trên đây đều do sự chế khắc mà sinh ra.

 (56) Tây phương chủ về thời tiết của thu Kim, nên khí táo.

 (57) Phế khí chủ về bì mao, nhân Kim khí sinh Thận (tức Kim sinh Thủy).

 (58) Chí của Phế là bi (thương), vì bi nên sinh ra khóc.

 (59) Khí chủ về bì mao, tân làm tán khí, nên thương bì mao.

 (60) Tức là hình chủ khí, mà khí lại sinh hình.

 (61) Tinh tủy của Thận lại sinh Can mộc – thế tức là: năm Tàng cũng sinh ra nhau nhưng đều phải do năm khí của trời và năm vị của đất rồi mới cùng sinh vậy.

 (62) Nói về: Năm phương sinh ra năm khí; năm khí sinh ra năm hành; năm hành sinh ra năm vị; năm vị sinh ra năm thể và năm Tàng… Đó tức là con người phải gốc ở hình khí của trời đất mà sinh ra vậy. Đến như nói: ở trời là khí hàn, ở đất là hành Thủy, ở tủy là cốt, ở Tàng là Thận v.v… Đó là nói: trời đất sở dĩ thành tượng thành hình được đều gốc ở sự biến hóa bất trắc của âm dương vậy.

 (63) Thở dài, nguyên chữ Hán là “thân”, lại có nghĩa là tiếng “rên”. Thận khí ở bộ phận dưới, nên phải lên tiếng thở dài mới tiết lên được.

 (64) Hàn quá thì huyết bị đọng lại, nên nó thương huyết – Hoặc có người hỏi: “Phong thương cân, thấp thương nhục” đó là do bản khí làm thương đến bản thể. Ở Tâm thì nói: “nhiệt thương khí”, ở Thận thì nói: “hàn thương huyết” là cớ sao? – Xin đáp: Khí là dương, huyết là âm; Hỏa là dương, Thủy là âm. Tâm chủ Hỏa mà sinh nhiệt, Thận chủ Thủy mà sinh ra hàn… Vì thế nên “nhiệt thương khí” và “hàn thương huyết” là sự đồng khí tương cảm vậy. Như về đoạn dưới đây, nói: âm dương ấy là nam nữ của khí huyết, Thủy Hỏa ấy là triệu chứng của âm dương, Tâm Thận ấy là chủ tể của Thủy Hỏa, âm dương… cho nên lời nói trên đây tuy với Tàng khác có hơi không giống, nhưng cũng chỉ là cái ý “bản khí tự thương” mà thôi.

 (65) Táo chủ về khí nhiệt của mùa thu, nên thắng được hàn.

 (66) Trời che ở trên, đất trở ở dưới. Trời với đất đã đứng yên bộ vị, muôn vật sẽ hóa sinh ở khoảng đó.

 (67) Trườn Ẩn Am nói: “Cái lý âm dương ở người thì nam với nữ, ở thể thì là khí với huyết”. Mã Nguyên Đài nói: “Muôn vật sinh ra bởi dương, thành được bởi âm. Nói về tấm thân con người thì huyết là âm, khí là dương. Cho nên con trai thuộc dương mà không chuyên có khí, lại có cả huyết đó là trong dương có âm. Con gái thuộc âm mà không chuyên có huyết, lại có cả khí, đó là trong âm có dương”. Vậy thì âm dương ở con người tức là nam nữ có khí có huyết đó.

 (68) Ở trong khoảng trời đất và sáu cõi, Đông nam là tả, Tây bắc là hữu. Hai khí Âm Dương với trên dới bốn bên, ngày đêm tuần hoàn… Mà cái khí Âm Dương ở con người cũng cùng với cái khí của trời đất ngày đêm tuần hoàn. Cho nên nói: “Tả hữu là đường lối của âm dương”.

 (69) Thiên theo số 1 sinh ra hành Thủy, địa theo số 2 sinh ra hành Hỏa. Hỏa là dương, Thủy là âm; Thủy Hỏa là một vật hữu hình, nên làm triệu chứng của âm dương.

 (70) Âm tĩnh ở bên trong, dương động ở bên ngoài. Do sự động và tĩnh của âm dương mà hóa sinh ra muôn vật. Tiết trên nói về cái khí Âm Dương của trời đất, vận dụng khắp trên dưới bốn bên; tiết này nói về cái khí Âm Dương lại có cái trách nhiệm, trong ngoài khác nhau. Nói về trời đất, thì trời bao bọc bên ngoài đất. Nói về người, thì dương lại là một hào lũy hộ vệ cho âm.

 (71) Bắt chước âm dương để thi hành việc trị liệu.

 Cao Sĩ Tôn nói: Xét những lời Kỳ Bá giải đáp ở dưới, như “dương thắng thì thân nhiệt, âm thắng thì thân lạnh…”, đó là cái hại gây nên bởi âm dương thiên thắng. Như nói: “Hay biết được cái nghĩa thất tổn, bát ích…”. Đó là nói về biết điều hòa cái khí Âm Dương ở trong thân mình thì tà không thể xâm phạm gây nên tật bệnh. Như nói: “Con người, tai mắt bên hữu không sáng tỏ bằng bên tả; tay chân bên tả không mạnh bằng bên hữu v.v…”. Đó là bắt chước sự thịnh suy của trời đất và bốn phương. Như nói: “Người hiền, bên trên bắt trước trời để nuôi đầu, bên dưới bắt chước đất để nuôi chân, khoảng giữa bắt chước việc người để nuôi năm Tàng…”. Đó là bắt chước trời đất để nuôi người. Như nói: “Khí trời thông với đất, khí đất thông vào cuống họng; phong khí thông vào Can, lôi khí thông vào Tâm…”. Đó là cái khí của trời đất ứng vào người. Như nói: “Bạo khí hình tượng với lôi (sấm), nghịch khí hình tượng với dương…”. Đó là khí của con người ứng tượng với trời đất. Như nói: “Khéo dùng châm ấy theo âm để dẫn dương, theo dương dẫn âm…”. Đó là bắt chước cái lý của âm dương để làm cái phương pháp dùng châm. Như nói: “Khéo chẩn ấy, xét sắc để nghe mạch, biết phân biệt âm dương…”. Đó là bắt chước cái lý âm dương để thi hành việc trị liệu. Tóm lại, toàn thể thiên này bàn về âm dương của trời đất và cái khí của năm phương, năm hành, để phối hợp với thân hình, Tàng Phủ của con người… Đến cả việc chẩn trị điều dưỡng, cũng đều bắt chước ở âm dương nên mới đặt tên thiên này là “Âm dương ứng tượng đại luận”.

 (72) Dương thắng là do khí hỏa nhiệt dụng sự, nên mình nóng. Nhiệt ở biểu phận, nên tấu lý bị vít lấp, nhiệt ở lý nên hơi thở to; dương thắng ở phúc bộ nên cứ phải cúi xuống; dương thắng ở bối bộ nên cứ phải ngửa lên; dương thắng ở toàn thân nên hãn không ra mà mình nóng. Thận chủ về  tinh dịch, răng se, tức là tân dịch đã khô kiệt; Tâm chủ về huyết, nếu phiên oán, tức là huyết bị khô ráo. Phúc mãn, tức là sinh khí ở Trung tiêu bị tuyệt. Đó là cái tử chứng thuộc về “dương nhiệt thiên thắng”. Dù có dai dẳng được qua mùa đông, cũng khó lòng “hãnh miễn” được ở mùa hạ. Đoạn này nói về âm dương ở con người, lại phối hợp âm dương về bốn mùa của trời đất để tạo thành sự sống chết.

 (73) Âm thắng thì dương hư nên hãn ra. Âm thắng ở bộ phận biểu, nên mình thường mát; nếu ở lý thì hay run mà rét. Tứ chi là gốc của chư dương, biểu, lý đều hàn thì tứ chi quyết lãnh; tứ chi quyết lãnh thì phúc bộ sẽ hư và đầy. Đó là tử chứng thuộc về “âm hàn thiên thắng”. Nếu nhờ được cái khí dương nhiệt của mùa hạ còn có thể cứu được cái nạn âm hàn. Đó là sự biến của âm và dương mà gây nên tật bệnh.

 (74) “Thất tổn, bát ích”. Con gái lấy số “thất” (bẩy) để tính, con trai lấy số “bát” (tám) để tính (như nói: con gái hai bảy thì có thiên quý, con hai tám thì có thiên quý v.v…). Vậy về số “thất” không nên để cho (tổn – giảm bớt), về số “bát” không nên để cho “ích” (thêm lên). Nói rõ hơn, tức là chỉ về cái nghĩa “Dương thường hữu dư âm thường bất túc” vậy. Nhưng Dương khí vốn sinh ra tự âm tinh. Đã biết là âm tinh thường bất túc, mà đừng để cho nó bị khuy tổn nữa, thì hai khí đó sẽ quân bình nhau. Nếu không biết cái lẽ tương sinh của âm dương, theo pháp để điều dưỡng, thì tuổi chưa đến nửa trăm mà đã suy rồi.

 (75) Con trai lấy số “bát” làm giới hạn, cho nên đến 40 tuổi mà âm khí đã tới phân nửa (âm khí tức là Thận khí, tinh khí). Âm đã hư, nên khởi cư mỏi mệt.

 (76) Kinh nói: “Thận hư, Can hư, Tỳ hư đều làm cho con người thân thể nặng nề và “phiền oán”". Lại nói: “Tân dịch bị thoát (hết đi) khiến cho xương thịt co duỗi không dễ dàng. Tuổi đến năm mươi thì tinh dịch, huyết dịch đều hư, nên thân thể nặng nề. Tinh khí hư không thể dẫn lên bộ phận trên, nên tai mắt không sáng tỏ.

 (77) Con người tới tuổi sáu mươi đã quá cái thời kỳ “bảy tám” (tức 56), thiên quý kiệt, Thận khí đại suy, vì thế nên âm suy (sinh thực không cử động). Chín khiếu là nơi hơi nước do đó mà tiết ra: tinh thủy kiệt mà tinh khí suy, vì thế nên chín khiếu không thông lợi. Tinh kiệt ở bộ phận dưới, nước dàn lên bộ phận trên, nên nước mũi nước mắt chảy ra. Vương Tử Phương nói: “Trên nói điều dưỡng hai khí…” chú trọng về bên “thất tổn”, nên nói: “âm khí tới phân nửa…”, nói: “thân thể nặng nề…”, nói: “âm suy” v.v… Con người về sự khởi cư, động tác thuộc về dương, tai, mắt chín khiếu thuộc về dương… Giờ nói: “Khởi cư suy”, nói: “tai mắt không sáng tỏ”, nói: “chín khiếu không thông lợi” v.v… Đó là do âm hư mà làm lây đến dương vậy.

 (78) “Biết” là biết cái lẽ “thất tổn bát ích” ở trên, để cố gìn giữ lấy tinh, thì âm dương đều thịnh, mà gân xương khỏe mạnh. Nếu không biết cái nguồn gốc của âm dương mà để lòng “dục” kiệt mất tinh và háo tán mất chân nguyên thì tránh sao khỏi suy yếu.

 (79) Người khôn xét rõ âm dương "cùng" sinh xuất bởi “thiên chân” không làm quá sức. Dương đầy đủ mà âm bền chặt. Tinh thần giữ vững ở bên trong, thì âm thịnh mà khí bên ngoài cũng mạnh, biết âm dương cùng “sinh” và “cố” (bền) thì tinh sẽ được hữu dư (có thừa). Kẻ ngu chỉ biết cái “danh” nó khác, như “phiền lao thì Dương khí phát lộ ra bên ngoài…” mà không biết là tinh cũng sẽ tuyệt ở bên trong; chỉ biết: “làm trái ngược thì thương Thận, do đó cái khí xuân dương cũng không nhờ đâu mà sinh ra được…”. Nhưng không biết: dương vốn để giữ bền cho âm, mà âm thì là gốc của dương, tinh khí đồng thời lâm vào tình trạng bất túc…

 (80) “Hữu dư” thì tai mắt sáng tỏ; tinh huyết đủ nên tinh thần cường kiện, tinh thần bền vững… nên tới tuổi lão mà vẫn tráng.

 (81) Làm theo cái lẽ “vô vi” (có việc mà coi như không có việc) thì bên ngoài không nhọc hình, bên trong không nhọc nghĩ. Điềm đạm, hư vô thì tinh thần bền giữ ở bên trong, chân khí cũng thuận theo, nên thọ mệnh vô cùng…

 (82) Đoạn này nói: Nhờ âm dương tinh khí vận hành nên mới thi triển được cái công năng sinh, trưởng, thâu, tàng để hóa sinh muôn vật. Ở con người cũng nên phối hợp với trời đất để nuôi đầu và chân, đừng để cho tà khí có thể xâm chiếm làm nơi ký túc. Trên nói: “Trời bất túc ở Tây Bắc” là nói cái âm ở trong dương bất túc. Tây bắc thuộc âm, mà ở con người tai mắt bên hữu không sáng tỏ bằng bên tả. Tả là dương và hữu là âm. Vì âm bất túc ở trên nên như vậy. Trên nói: “Đất bất mãn ở Đông Nam” là nói cái dương ở trong âm bất túc, Đông Nam thuộc dương, mà ở con người tay chân bên tả không mạnh bằng bên hữu. Vì hữu là âm mà tả là dương, vì dương bất túc ở bộ phận dưới nên như vậy.

 (83) Trời có tinh, đất có hình. Đông phương thuộc dương, tinh khí bốc lên mà dồn cả lên bộ phận trên; vì dồn cả lên bộ phận trên nên trên thịnh  dưới hư, khiến cho tai mắt sáng tỏ, mà tay chân không mạnh. Tây phương thuộc âm, tinh khí giáng xuống mà dồn cả tới bộ phận dưới; vì dồn cả tới bộ phận dưới nên dưới thịnh trên hư, khiến cho tai mắt không sáng tỏ mà tay chân lại mạnh.

 (84) Đây, đem thân hình con người để nói; ở về bộ phận trên thì bên hữu hư, về bộ phận dưới thì bên tả hư. Xem đó thì biết thiên địa, âm dương vốn không thể toàn vẹn mà ở trong người cũng có sự bất túc về hai bên tả hữu… Xem đó thì biết hình thể con người không thứ gì là không phối hợp với trời đất. Vì lẽ đó, nên cần phải bắt chước âm dương.

 (85) Thần minh tức là sự biến hóa bất trắc của âm dương.

 (86) Bên trên phối hợp với trời để nuôi sự sáng tỏ của tai mắt, bên dưới phối hợp với đất để nuôi sự bất túc, từ “yêu” (tức ngang chỗ thắt lưng) trở xuống. Dè dặt năm vị, thích thuận năm chí, để nuôi sự thái hòa cho năm Tàng… Vậy dù có tặc tà, cũng không thể làm hại được.

 (87) Phế Tàng thuộc về Càn kim, bộ vị ở rất cao, mà làm chủ tể cả các khí ở toàn thân, nên cùng thông với thiên khí. Đây lại nói “đai lại”: Chẳng những cái khiếu ở trên đầu thông với trời, từ “yêu” trở xuống là thông với đất, mà từ năm Tàng, sáu Phủ, chín khiếu, sáu kinh v.v… đều cùng thông với khí của trời đất. Chỉ có bực người hiền là bắt chước được cái lẽ âm dương của trời đất để trị thân, nên tật bệnh không sinh ra được.

 - Ách (thực quản) tức là cửa của Vị phủ.

 - Phong sinh Mộc, Mộc sinh Can. Đó là do cái khí của trong và ngoài cùng giao với nhau.

 - Lôi (sấm) là do hỏa phát thành tiếng. Tâm là Hỏa Tàng, khí cùng cảm triệu, nên cùng thông với Tâm.

 - Cốc khí tức là thực phẩm do loài ngũ cốc. Tỳ là Thổ Tàng, chủ về chuyển vận, tiêu hóa, nên thông với Tỳ.

 - Thận là thủy Tàng. Vũ khí (hơi mưa) tức là cái khí của hàn thủy, nên cùng thông.

 (88) Tinh khí thông lên khiếu trên, trọc khí thông xuống khiếu dưới.

 (89) Hãn sinh ra bởi âm dịch, nhưng nhờ bởi Dương khí làm cho nó tuyên tiết ra, nên mới gọi là dương hãn.

 (90) Dương khí phát sinh gốc bởi lý âm. Sở dĩ gọi là “tật phong” (gió mạnh, nhanh), vì Dương khí vận hành khắp thân thể, không chút chậm chạp.

 (91) Bạo khí như lôi hỏa bốc cháy, nghịch khí như dương nhiệt tràn lan…

 (92) Tà phong tức là gió độc. Phàm gió độc phạm vào người, trước từ bì mao, rồi tới cơ nhục và kinh mạch, rồi lại do kinh mạch mà vào Tàng Phủ… Sự tràn lan của nó rất chóng, nên nói: “nhanh hơn gió mưa”. Ở đây chỉ nói một “tà phong”, mà không nói đến các bệnh khác, vì “phong” đứng đầu trăm bệnh và khai phát “bì tấu” rất chóng.

 (93)   Dương khí là một thứ để bảo vệ bên ngoài, thì âm ở bên trong mới được bền vững. Phàm Dương tà (tức tà phong) phạm vào người, phạm vào khí phận ở ngoài bì mao. Người thiện trị, giúp sức cho Dương khí, để làm cho tuyên tán. Bỏ tà phong đi thì không khí nào nó còn lấn vào bên trong được nữa.

 (94)   Tà ở bộ phận bì mao, nếu không làm cho nó tuyên tán được, thì nó sẽ cứ lưu lại đấy rồi dần dần phạm vào bộ phận cơ phu (lượt da và  thịt mỏng ở bên trong). Cơ phu cũng còn thuộc về khí phận bên ngoài, nên cũng có thể hòa giải cho tiết ra ngoài bì mao.

 (95)   Tà ở cơ phu không làm cho nó giải đi được, nó sẽ cứ yểm lưu tại đấy, rồi dần dần lấn vào bộ phận kinh lạc (kinh là những mạch máu chạy dọc, lạc là những mạch máu chạy ngang). Kinh lạc bên trong liền với Tàng Phủ, bên ngoài chằng khắp thân hình. Khi tà đã vào đến đấy, nên kịp làm cho nó theo kinh mà giải, đừng để nó lại vào Tàng, Phủ.

 (96)   Kim quỹ yếu lược nói: “Kinh lạc bị tà phạm vào Tàng Phủ, đó là cái nguyên nhân bệnh ở bên trong”. Vậy khi tà đã vào tới Phủ, tức là “lý” rồi, chỉ có thể cho nó bài tiết theo cái đường lối của Phủ, mới mong khỏi được.

 (97)   Mạch của sáu Tàng, do Tàng chằng vào Phủ; mạch của sáu Phủ, do Phủ chằng sang Tàng. Vậy nên kinh khí của Tàng Phủ, lúc này cũng liên lạc hỗ thông với nhau. Khi tà đã vào tới Phủ, mà không làm cho nó giải theo đường lối của Phủ, thì lẽ tất nhiên là nó phải phạm tới Tàng. Tà còn chập chờn ở vào khoảng “kinh khí” của Tàng, còn hy vọng liệu trị; nếu đã phạm hẳn vào Tàng thì thật là hết hy vọng. Trên đây dùng chữ “nửa sống nửa chết” cũng chỉ là nói “gượng” vậy thôi. Ta nên nhận rằng: bì phu khí phận thuộc dương, kinh lạc huyết phận thuộc âm, bên ngoài là dương, bên trong là âm; Phủ là dương, Tàng là âm… Tà ở dương phận còn dễ chữa; tà tới âm phận rất khó chữa… Y giả nên đề phòng ngay từ trước, đừng bỏ dễ làm khó mà lại hối hận về sau.

 (98) Tà khí của trời do bì phu mà phạm vào lý âm, nên nói rằng: “hại năm Tàng”. Thủy cốc vào Vị, do sự nóng lạnh không thích hợp, hoặc nhiều ít không điều độ, thì bệnh sinh ra ở Trường vị, nên nói rằng: “hại sáu Phủ”. Thấp khí do đất phát sinh, khi phạm vào người, tất do từ chân trước, nên mới nói: “hại bì nhục cân mạch”. Tóm lại, Tàng là âm, Phủ là dương; cân mạch huyết phận là âm, bì nhục khí phận là dương. Cái tà khí của trời có âm có dương, cái khí của thủy cốc có nhiệt, có hàn… Mà sinh ra bệnh ở thân hình, Tàng Phủ con người cũng có âm dương khác nhau. Người thiện trị phải phân biệt cho rõ mới được.

 (99) Châm: một thứ kim dùng để tiêm vào các huyệt và mạch máu, làm cho bệnh tà tiết ra ngoài. Về phương pháp dùng châm này có cả “bổ” chứ không chỉ “tả” mà thôi. Mấy thiên sau đây cũng có nói đến, nhưng tường tận thì ở bộ Linh khu, sẽ dịch tiếp theo bộ Tố vấn này.

 (100) Trong thân thể con người, âm dương, khí huyết, nội ngoại, tả hữu đều có giao thông, liên lạc với nhau. Người dùng châm biết rõ rằng: bệnh ở dương tất phải đi qua âm, cho nên nhằm vào âm để dẫn cho ra dương… hoặc nhằm vào dương mà dẫn cho ra âm; cũng vậy, cho đến cả hai bên tả  hữu, cũng “thích” bên này cho giảm bên kia… Phương pháp này rất huyền diệu, xem mãi về sau sẽ rõ.

 (101) Chẩn, tức là ấn ba ngón tay vào bộ vị “quan, xích, thốn” của bệnh nhân để nhận luồng của mạch máu chạy ở trong. Đó là “chẩn mạch”. Chữ chẩn ở đây thì lại bao gồm cả ba phương pháp: “vọng văn vấn”. Nên về sau đối với việc thăm bệnh, thường gọi là “tứ chẩn” (bốn phép chẩn) tức là “vọng, văn, vấn, thiết”. Thiết cũng tức là để tay nhận mạch. Trên đây nói: sắc là dương, huyết là âm; nhưng tự trong “sắc” cũng lại có âm dương khác nhau. Ở trong mạch cũng có âm dương khác nhau. Vậy người khéo chẩn cần trước phải phân biệt âm dương, mới có thể hiểu được đích xác

 (102) Về sắc mặt có sáng sủa (thanh) hay ảm đạm (trọc) khác nhau; nhận rõ bộ phận của nó sẽ biết được sự đau đớn của bệnh nhân như thế nào. Hai điều này thuộc về "vọng" và "vấn".

 (103) Xem sự phản ứng của mạch hợp với bốn mùa như thế nào. Về mùa xuân, mạch ứng với quy (thước tròn), vì Dương khí mềm mại, có vẻ như thước tròn; về mùa thu, mạch ứng với hành (cán cân), vì âm dương lên xuống, cao thấp phải đều, có vẻ như cán cân; về mùa đông, mạch ứng với quyền (quả cân), vì mùa đông, Dương khí sụt xuống ở bộ phận dưới, có vẻ nặng như quả cân.

 (104) Thốn chủ về bộ phận trên, thuộc dương; Xích chủ về bộ phận dưới, thuộc âm. Mạch phù là bệnh ở biểu, thuộc dương; mạch trầm là bệnh ở lý, thuộc âm; mạch hoạt là bệnh tại khí, thuộc dương; mạch sắc là bệnh tại huyết, thuộc âm. Xét mạch nó ở trên, dưới, biểu, lý, hay khí, huyết... để nhận xem bệnh vì đâu sinh ra.

 (105) Chẩn mạch người mắc bệnh, lại chẩn cả người vô bệnh, để cùng so sánh, suy nghiệm. Đó chính là một phương pháp học chẩn rất cần thiết.

 (106) Thích: dùng mũi "châm" tiêm vào trong "huyệt" ở da thịt. Khi bệnh mới phát sinh, tà khí còn ở ngoài bì phu, nên dùng châm để "thích", có thể khỏi được ngay.

 (107) Nếu bệnh đã nặng, tức là tà khí tụ nhiều, để châm thong thả, đừng rút ra vội, để cho tà khí rút bớt dần.

 (108) Bệnh mới phát sinh, dùng châm nhẹ mà nông; bệnh đã lâu thì dùng châm mạnh mà sâu.

 (109) Đến lúc cuối cùng, bệnh thế đã suy; nên nhân cái lúc tà khí đã suy làm cho chính khí được mạnh thêm lên. Đây nói về phương pháp dùng châm, chia làm ba thời kỳ, tức là "sơ, trung, mạt". Sơ, tức là thời kỳ "công" (đánh đuổi bỏ tà khí đi); Trung, tức là thời kỳ "điều hòa" (dùng cách dịu dàng êm ái để dần dần dồn bỏ bệnh tà); Mạt (cuối cùng), tức là thời kỳ thâu bổ. Tiết này tuy nói về phương pháp dùng châm, mà về phương pháp "dụng dược" cũng không ra ngoài phạm vi ấy.

 (110) Hình tức là hình thể cơ nhục; Tinh tức là âm tinh của năm Tàng. Câu này dạy cho y giả biết dùng thuốc không nên thiên về một bên. Như trên kia có nói: "Vị theo hình, hình nhờ về Vị", vậy nếu hình bất túc thì nên lấy Vị để làm cho ôn; đây lại nói: "dùng khí để ôn...". Nhưng trên lại có nói: "Vị làm thương hình...". Xem đó thì biết "Vị" cũng có khi làm thương hình. Nhưng Vị lại không thể không có khí, nên mới nói: "dùng khí để ôn", không nên chuyên dùng Vị, tức là theo cái nghĩa "độc âm thì không sinh" vậy (như dùng âm dược phải kèm cả dương dược). Trên kia có nói: "khí theo về tinh, tinh nhờ ở khí...". Vậy nếu tinh bất túc thì nên lấy khí để bổ. Đây lại nói: "lấy Vị để bổ"? Nhưng trên lại nói: "khí làm thương tinh..." thì thiên về bên khí, cũng có thể làm thương đến tinh, nên khí tất lại phải có cả Vị. Nên mới nói: "dùng Vị để bổ", không nên chuyên dùng khí. Tức là cái lẽ "cô dương thì không thành" vậy (như dùng dương dược phải kèm cả âm dược).

 (111) Con người chia làm ba bộ phận, ở trên thuộc dương, ở dưới thuộc âm. Nếu ở vào khoảng hung cách, nên làm cho nó vọt lên (tức là dùng phương pháp thổ). Nếu bệnh tà ở bộ phận dưới, nên dẫn cho nó hạ xuống (tức là thấp ở bộ phận dưới), nên dùng phép làm cho lợi tiểu tiện.

 - Đầy ở bộ phận giữa (tức là trung mãn), phần nhiều do súc tích, tà khí hữu dư, thì dùng phép tả đi (tức là dùng thuốc hạ).

 Án: Theo kinh Linh khu bàn về chứng trướng mãn có nói: Năm Tàng sáu Phủ đều chứng trướng… Mà nói: “không cần hỏi hư thực”, cần phải “tật tả” (tức tả ngay, mau). Nhưng các y giả đời nay, không ai dám nói đến tả (tức hạ) mà bệnh nhân cũng rất sợ tả, để cho cái chứng “trung mãn” dằng dai mãi không khỏi, dần dần kinh lạc vít lấp mà chết. Vậy thì, nếu vì sợ tả mà chết, chi bằng tả sớm mà sống, chả còn hơn ư? Ngẫm vậy, mới biết cái nghĩa “tật tả” ở Linh khu là rất đúng vậy.

 (112) “Tẩm vào nước”. Đời xưa có phép dùng nước tẩm vỗ vào bệnh nhân cho ra mồ hôi. Để trị chứng tà ở biểu. Án: Ở ta có phép “xông”, cũng hơi giống phép này.

 (113) Tà ở bộ phận bì mao thì làm cho ra mồ hôi, để phát tán đi.

 (114) Án ma: Tức là đấm bóp để cho khí huyết lưu thông (nhưng đấm bóp cũng phải có phương pháp).

 (115) “Thực” có chia ra âm dương khác nhau. Dương thực thì nên dùng phép tán; âm thực thì nên dùng phép tả.

 (116) Âm dương thuộc về thiên đạo, nhu cương thuộc về địa đạo. Con người phải hợp cả lại để thi hành phép điều dưỡng.

 (117) “Trị” là làm cho quân bình. Như cảm phải Dương tà của trời thì phải “trị” từ Âm khí của con người; khiến Âm khí thịnh thì cái tà dương nhiệt kia sẽ tự lui. Nếu cảm về Âm tà của trời thì phải trị từ Dương khí của con người, khiến Dương khí thịnh thì Âm tà tự tán. Xem đó thì biết: “tà chính, âm dương đều có đối đãi với nhau” điều trị phải có khuôn phép mới được.

 (118) Hai câu nối tiếp với nghĩa hai câu trên: như tà khí ở dương phận thì nên bảo vệ phần âm huyết, đừng để cho tà lọt vào huyết phận; như tà khí ở huyết phận thì nên bảo vệ phần Dương khí, đừng để cho lọt vào dương phận… Bởi Dương tà làm thương khí, Âm tà thương huyết… Vậy phải giữ cho nó tự yên ở bộ vị, thì tà mới khỏi xâm lấn.

 (119) Kinh nói: “Tà phạm vào được, do bởi chính hư…”. Vậy trên đây nói chữ “thực” là chỉ về tà khí, nói chữ “hư” là chỉ về chính khí. Trên đây nói: tà ở huyết phận, mà huyết thực, nên hành huyết để khu tà; tà ở khí phận, mà khí hư, nên dẫn lên Dương khí để giúp chính khí. Bởi Dương khí vốn phát nguyên từ bộ phận dưới.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 18, 2018, 03:41:25 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #6 vào lúc: Tháng Mười Hai 27, 2017, 10:08:11 AM »

Chương sáu

ÂM DƯƠNG LY HỢP LUẬN (1)



KINH VĂN

Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe: Trời là Dương, đất là Âm; nhật là Dương, nguyệt là Âm. Hợp cả tháng đủ, tháng thiếu, cộng có 360 ngày, thành một năm. Con người cũng ứng theo như vậy. Nay xét về ba kinh Âm, ba kinh Dương, lại có khi không tương ứng là vì sao? (2)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Về cái lẽ Âm Dương, lúc bắt đầu, đếm có thể đến số mười, suy ra có thể đến số trăm; do trăm đếm tới nghìn; do nghìn đếm tới vạn... rồi đếm không thể đếm. Nhưng về cốt yếu, vẫn chỉ là có "một" (2).

***

 Trời che, đất chở, muôn vật mới sinh. Khi chưa tiết ra khỏi mặt đất, mệnh danh là âm xử, tức là Âm ở trong Âm; khi đã tiết ra khỏi mặt đất, mệnh danh là Dương ở trong Âm (3).

 Dương phát tiết ra chính khí, Âm đứng vào vị trí chủ trì (4). Nhờ đó sự sinh phát triển ở mùa Xuân, sự trưởng phát triển ở mùa Hạ, sự thâu phát triển ở mùa Thu, sự tàng phát triển ở mùa Đông. Nếu trái lẽ thường đó, khí bốn mùa của trời đất sẽ bị vít lấp (5).

 Vậy cái lẽ biến của Âm Dương, hợp với thể chất của con người, cũng có thể đếm mà biết được (6).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Xin cho biết ly hợp của ba kinh Âm, ba kinh Dương?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thánh nhân ngoảnh mặt sang phương Nam để trị dân (7), phía trước gọi là Quảng minh (VIII), phía sau gọi là Thái xung.

 Cái nơi phát sinh ra Thái xung gọi là Thiếu âm (tức Thận); phía trên Thiếu âm gọi là Thái dương (tức Bàng quang). Thái dương, gốc phát khởi từ Chí âm, kết ở Mệnh môn, gọi là Dương ở trong Âm (9).

 Từ khoảng giữa mình trở lên, gọi là Quảng minh (10). Phía dưới Quảng minh là Thái âm (11), phía trước Thái âm là Dương minh (12), Dương minh gốc phát khởi từ Lệ đoái, gọi là Dương ở trong Âm (13).

 Về "biểu" của Quyết âm là Thiếu dương (12). Thiếu dương gốc phát khởi từ Khiếu âm, gọi là Thiếu dương ở trong Âm (14).

 Xem đó thì biết sự ly hợp của ba kinh dương: Thái dương là khai (mở), Dương minh là hạp (đóng), Thiếu dương là khu (cối cửa) (15).

 Ba kinh đó không nên để trái ngược nhau, "bác" mà không "phù", mệnh danh là Nhất dương (16).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết sự ly hợp của ba kinh Âm?...

 Kỳ Bá thưa:

 - Ở bên ngoài là Dương, ở bên trong là Âm (17). Vậy ở bộ phận giữa thuộc Âm; mạch Thái xung ở về phía dưới, nên gọi là Thái âm (18). Thái âm gốc phát khởi tự Ẩn bạch, gọi là Âm ở trong Âm (19). Phía sau Thái âm là Thiếu âm (Thận). Thiếu âm gốc phát khởi từ Dũng tuyền gọi là Thiếu âm ở trong Âm (20).

 Phía trước Thiếu âm gọi là Quyết âm (21). Quyết âm gốc phát khởi từ Đại đôn. Đó là "tuyệt dương" trong âm kinh và gọi là "tuyệt âm" (22).

 Do đó, sự ly hợp của ba kinh âm: Thái âm là khai, Quyết âm là hạp, Thiếu âm là khu (23).

 Ba kinh đó không nên để trái ngược nhau "bác" mà chớ "trầm", mệnh danh là Nhất âm (24).

***

 Âm Dương đi lại không ngừng, chứa chất sự lưu truyền làm một chu; khí ở lý và biểu, cùng nhau thành công (25).

Chú giải

 (1) Âm tức là âm kinh, dương tức là dương kinh. Trong thiên này nói về sự ly hợp của ba kinh dương, ba kinh âm thuộc về thủ (tay), ba kinh dương ba kinh âm thuộc về túc (chân), cùng với khí Âm Dương của trời đất, có tương quan với nhau, nên đặt tên thiên. Trương Ẩn Am nói: Thiên này cùng với thiên Cân kết ở kinh Linh khu cùng làm biểu lý.

 (2) Ba kinh âm, ba kinh dương của Hoàng Đế hỏi đây là chỉ về các kinh thuộc “thủ” và các kinh thuộc “túc” mà nói. Theo ý Kỳ Bá, âm dương là một vật chỉ có danh mà không có hình, không thể sao đếm được. Nhưng cái cốt yếu chỉ có “một” mà thôi. Dịch nói: Một âm, một dương gọi là đạo. Mạc Tử Tấn nói: Trời đất định vị, nhật nguyệt vận di, hàn thử thay đổi, âm dương ra vào… đều do một khí Thái cực sinh ra.

 (3) Có trời đất rồi mới có muôn vật. Nhưng trời đất hóa dục muôn vật đều phải do sự “xuất nhập” của khí Âm Dương trong bốn mùa, rồi mới có thể phát triển được cái công năng “sinh, trưởng, thâu, tàng” để làm chung thủy cho muôn vật. Khi khí đó chưa tiết ra khỏi mặt đất thì mệnh danh là “âm xử” – xử là ở - tức là còn tại trong âm, nên gọi là “âm ở trong âm”. Tới khi đã ra khỏi mặt đất, là dương; đáng lẽ phải gọi là “dương xử”, nhưng dù sao dương cũng không thể lìa được âm, nên mới gọi là dương ở trong âm.

 (4) Dương có phát triển chính khí, muôn vật mới nhờ đó mà sinh sôi nảy nở; Âm có ở bên trong giữ cái nhiệm vụ chủ trì, thì muôn vật cũng mới hoàn toàn thành lập được.

 (5) Câu này nói: sự ”xuất nhập” của địa khí, có thể nhân cái bốn mùa của thiên khí để thi hành cái công năng sinh, trưởng, thâu, tàng. Đó là cái lẽ thường về sự ly hợp của âm dương. Nếu trái lại, sẽ bị nguy biến ngay.

 (6) Đây nói về cái biến của âm dương có thể dự tính được, thì ở con người, sự biến dù có phức tạp đến đâu cũng có thể lường được.

 Án: Hoàng Cực Kinh thế thư của Thiệu Tử nói: “Dương không thể độc lập, phải đợi có âm rồi mới lập, nên dương lấy âm làm nền tảng; Âm không thể tự phát hiện, phải đợi có dương rồi sau mới phát hiện, nên lấy dương dẫn đường…”  ý nghĩa cũng tương tự như đây.

 (7) Chữ Thánh nhân ở đây là dùng một danh từ tôn trọng đối với vua mà nói. Nhưng lại mượn đó để nói ví vào thân thể con người.

 (VIII) Quảng minh tức là Tâm. Tâm bộ vị chủ về Nam phương; Nam phương thuộc hỏa, dương khí sáng tỏ nên gọi là Quảng minh (rộng sáng – một danh từ hình dung và giả tá). Ở đây, phàm nói đến chữ “trước”, tức là chỉ về bộ phận trên, tức là Nam phương. Trong con người lấy Tâm, hung làm trước và phương Nam, lấy yêu Thận làm sau và phương Bắc. Thái xung là nguồn gốc của âm huyết, bộ vị tại Hạ tiêu dẫn lên phía sau lưng.

 (9) Đường mạch của kinh Thái dương phát khởi từ huyệt Chí âm tại ngón chân út, rồi giao kết tại huyệt Mệnh môn (tức là mắt). Đây là nói về dương kinh thuộc kinh túc Thiếu âm.

 - Thiếu âm với Thái dương “hợp”, dương phát ra từ âm, cho nên ở phía trên âm.

 (10) Nửa người trở lên thiên khí làm chủ, nửa người trở xuống địa khí làm chủ. Dương phát ra từ âm, do bộ phận dưới mà lên, cho nên nói: “từ giữa người trở lên gọi là Quảng minh”. Ở trên, lấy phía trước làm dương. Đây lại lấy từ giữa người trở lên làm dương.

 (11) Thái âm chủ về trung thổ, mà là một cơ quan Chí âm ở trong âm, cho nên bộ vị ở dưới Quảng minh.

 (12) Thái âm (Tỳ) với Dương minh (Vị) “hợp”, đều chủ về trung thổ, nên bộ vị ở trước Thái âm.

 (13) Lệ đoái là tên huyệt, huyệt này ở đầu chỗ ngón chân cái và ngón chân trỏ giáp nhau. Mạch của Dương minh khởi thủy từ đó.

 (14) Trên kia, vì cái khí của Thái dương ở trên cho nên nói: “phía trên Thiếu âm”; Dương minh ở vào khoảng hai khí dương, mà lại ở vào trung thổ, cho nên nói: “phía trước Thái âm”; Quyết âm ở vào nơi cùng cực của âm, âm cực ở vào “lý”, mà lại sinh ra dương ở “biểu”, cho nên gọi là phần biểu của Quyết âm. Vì lấy trước, lấy trên, lấy biểu làm dương, mà như gọi là “trên”, là “trước”, là “biểu” tức là nói về cái khí của ba kinh dương. Còn như: Chí âm, Lệ đoái, Khiếu âm… đều là kinh mạch của ba kinh dương. Mười hai kinh mạch thuộc về “thủ” và “túc”, chủ về cái khí của ba kinh âm, ba kinh dương. Đối với kinh mạch thì chia ra “Tam âm, Tam dương”. Đối với khí ở trong mạch bật nổi lên thì gọi là “Nhất âm, Nhất dương”. Quyết âm tức là Can, Thiếu dương tức là Đởm.

 (15) Cái khí Âm Dương chia ra làm “Tam âm, Tam dương”, cho nên mới có cái nghĩa “khai, hạp và khu” (tức là tỷ như cửa có mở đóng) và cái “cối cửa” (tức là cái để cho cánh cửa xoay ra xoay vào). Thái dương (tức là Bàng quang: bọng đái) là một địa vị Cự dương (khí dương lớn, nhiều), chuyên chứa đựng Dương khí, nên chủ về “khai”; Dương minh ở vào khoảng hai kinh dương, nên chủ về “hạp”; Thiếu dương là một nơi khí mới bắt đầu phát ra, nên chủ về “khu”. Không có “khu” thì không lấy gì lập được, không có “hạp” thì không thể dung vào, không có “khai” thì không thể phát ra… Xem đó thì biết: dù có “ly” nhưng tất phải có “hợp”.

 (16) Vậy nên, nếu bỏ khu thì không thể khai hạp, hoặc bỏ khai hạp thì còn gì là “chuyển khu”. Nên về ba kinh đó không thể để cho tương thất. Nói về mạch, vì thuộc dương cần phải “phù”, nhưng không thể quá phù. Dù có chia là Tam dương, nhưng cũng không thể vì sự “chia” đó mà thành ra thể khác, vì rút lại chỉ có “Nhất dương” mà thôi. Nói “Nhất dương”, tức là nói mạch đều thuộc dương. Trở lên nói về sự “ly hợp” của ba kinh dương.

 (17) Dương khí “xuất’ để chủ về bên ngoài; Âm khí “thăng” mà chủ về bên trong.

 (18) Hai khí Âm Dương đều phát xuất từ dưới. Âm khí xuất mà ở bên trong, vì thế nên ở bên trong là âm. Mà cái mạch để phát xuất là Thái xung lại ở dưới mà “xung” lên trên, nên gọi là Thái âm. Xung mạch là gốc của mười hai kinh, cho nên “Tam âm, Tam dương” đều lấy Xung mạch làm chủ.

 (19) Huyệt Ẩn bạch tại đầu ngón chân cái. Thái âm là Chí âm ở trong âm.

 (20) huyệt Dũng tuyền tại dưới lòng (gan) bàn chân. Thiếu âm là cái khí Nhất âm sơ sinh, cho nên gọi là Thiếu âm ở trong âm.

 (21) Thiếu âm chủ về Thủy, Quyết âm chủ về Mộc. Mộc sinh Thủy, cho nên nói: “Thiếu âm ở về phía trước”.

 (22) Huyệt Đại đôn tại khớp Ngọc đường ở ngón chân cái, tức là nơi phát sinh của túc Quyết âm Can kinh. Về kinh này là một kinh tuyệt dương thuộc âm kinh, tuyệt dương tức là hết hẳn không có dương, tức là thuần âm. “Tuyệt âm” tức hoàn toàn thuộc âm. Nghĩa chữ “tuyệt” là hoàn toàn hết thảy.

 (23) Thái âm là một nơi đầy nhiều khí âm, nên chủ khai; Quyết âm là một nơi “giao tận” (đều hết) của khí âm, nên chủ hạp. Thiếu âm là một nơi khi Nhất dương mới bắt đầu sinh ra, nên chủ về khu.

 (24) Dương khí chủ về phù, nên nói ”chớ quá phù”; Âm khí chủ về trầm, nên nói “chớ quá trầm”. Bởi cái khí của ba kinh dương, khai hạp ở trong và ngoài hình thân con người, cái khí của ba kinh âm, khai hạp ở trước và sau trong nội bộ… Nên mới nói: “Dương ở ngoài, do sự sai khiến của âm ở trong; Âm ở trong, nhờ sự bảo vệ của dương ở ngoài. Sở dĩ gọi là “Nhất âm”, là vì mạch đều thuộc âm vậy.

 (25) Âm khí tích ở bên trong. Dương khí truyền ở bên ngoài. Bắt đầu từ lúc mặt trời mọc, Dương khí mới phát sinh; mặt trời đúng trưa thì Dương khí thịnh; xế chiều Dương khí bắt đầu suy, tới mặt trời lặn thì Dương khí trở vào với khí âm. Một ngày một đêm thành một chu (vòng). Âm khí mở đóng ở bên trong. Dương khí xuất nhập ở ngoài biểu. Nhờ sự ly hợp đó mà thành "kiếp sống" của con người.

 Án: Âm dương dù có ly hợp, nhưng tất phải có sự đi lại không ngừng. Bắt đầu từ thủ Thái âm Phế, đến thủ Dương minh Đại trường, túc Dương minh Vị, túc Thái âm Tỳ, thủ Thái dương Tiểu trường, thủ Thiếu âm Tâm, túc Thái dương Bàng quang, túc Thiếu âm Thận, thủ Quyết âm Tâm bao lạc, thủ Thiếu dương Tam tiêu, túc Thiếu Đởm, túc Quyết âm Can... như thế là đi hết một chu. Theo giờ cổ, cứ hai khắc thì khí đi được một chu, 100 khắc thì 50 chu. Mạch khí dẫn ở trong, hình thể tỏ ở ngoài, âm dương tuy có ly hợp mà thực là tương thành một cách rất tinh khéo. Vậy xem đó thì âm dương ở con người, rất hợp với âm dương của trời đất vậy.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 19, 2018, 07:35:50 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #7 vào lúc: Tháng Mười Hai 28, 2017, 10:52:20 AM »

Chương bảy

ÂM DƯƠNG BIỆT LUẬN



KINH VĂN

Hoàng đế hỏi:

 - Người có bốn kinh, 12 tùng là thế nào?

 Kỳ Bá thưa:

 - Bốn kinh ứng với bốn mùa; mười hai tùng ứng với mười hai tháng; mười hai tháng ứng với 12 mạch (1).

***

 Mạch có Âm Dương khác nhau. Biết Dương sẽ biết được Âm, biết Âm sẽ biết được Dương (2).

 Phàm về Dương gồm có cả năm. Năm lần năm sẽ có hai mươi nhăm phần Dương (3).

 Phàm gọi là Âm tức là chân Tàng. Nếu chân Tàng hiện sẽ bại, bại sẽ chết(4)

 Phàm gọi là Dương tức là dương của Vị quản (5).

 Phân biệt được Dương sẽ biết được bệnh ở đâu; phân biệt được Âm sẽ biết được thời kỳ chết hay sống (6).

 Mạch của ba kinh dương ở đầu, mạch của ba kinh âm ở tay, nhưng cũng chỉ do có một (7).

 Phân biệt được mạch về Dương, sẽ biết được cái ngày kỵ của bệnh; phân biệt được mạch về Âm sẽ biết được thời kỳ chết hay sống (VIII).

 Nhớ kỹ mạch về Âm Dương, không nên tin lời bàn bậy (9).

***

 Phàm mạch gọi là Âm Dương: nhân ở "khứ" là Âm, "chí" là Dương; tĩnh là Âm, động là Dương, trì là Âm, sác là Dương (10).

 Phàm muốn nhận mạch của chân Tàng, nếu Can "chí" huyền tuyệt và "cấp", 18 ngày sẽ chết; Tâm "chí" huyền tuyệt, 9 ngày sẽ chết; Phế "chí" huyền tuyệt, 12 ngày sẽ chết; Thận "chí" huyền tuyệt 7 ngày sẽ chết; Tỳ "chí" huyền tuyệt , 4 ngày sẽ chết (11).

 Bệnh về Nhị dương, phát sinh bởi Tâm và Tỳ. Về con gái, do sự uất kết, khiến cho nguyệt sự không thấy rồi truyền thành chứng phong tiêu. Nếu lại truyền làm chứng tức bôn sẽ chết không chữa được (12).

***

 Bệnh về Tam dương, phát ra chứng hàn nhiệt (rét nóng); ở bộ phận dưới thành chứng ung thũng, với "nuy, quyết, suyễn quyên" (13).

 Hoặc lại thêm chứng bì phu khô khan; hoặc chứng "đồi sán" (14).

***

  Bệnh về Nhất dương thiếu khí (ít hơi) hay ho, hay tiết (15). Rồi truyền thành chứng Tâm thống và thành chứng cách (16).

***

 Bệnh về Nhị dương Nhất âm, chủ về kinh hãi, bối thống, hay ợ, hay vươn vai... gọi là chứng phong quyết (17).

***

 Bệnh về Nhị âm Nhất dương, hay trướng, tâm mãn, hay thở dài (18).

 Bệnh về Tam dương, Tam âm gây nên chứng thiên khô, nuy dịch và tứ chi không cử động được (19).

***

 Án vào mạch, thấy bật lên "Nhất dương", gọi là câu; thấy bật lên "Nhất âm" gọi là mao; thấy dương mạch bật lên mà cấp, gọi là huyền; thấy dương mạch bật lên mà như tuyệt, gọi là thạch; thấy âm dương hai mạch, có vẻ bình quân, gọi là lưu (20).

***

 Âm tranh giành ở bên trong, Dương rắc rối ở bên ngoài; phách hãn không thâu tàng, tứ nghịch sẽ nổi dậy; rồi hun lên Phế, gây nên suyễn minh (21).

 Âm đó sinh ra, gốc có hòa mới là hòa (22). Nếu cương gặp cương, Dương khí sẽ bị phá tán; Âm khí cũng bị tiêu vong (23).

 Cương nhu không hòa, kinh khí sẽ tuyệt (24).

***

 Về loài tử âm, chẳng qua ba ngày thì chết; về loài sinh dương, chẳng qua bốn ngày thì chết (25).

 Can truyền sang Tâm v.v... gọi là sinh dương; Tâm truyền sang Phế gọi là tử âm (26).

 Phế truyền sang Thận gọi là trùng âm; Thận truyền sang Tỳ gọi là tịch âm. Chết, không chữa được (27).

***

 Nếu kết về Dương thì thũng ở tứ chi (28).

 Nếu kết về Âm thì tiện huyết hai thăng; tái kết thì hai thăng; tam kết thì ba thăng (29).

 Nếu kết ở khoảng âm dương khe nhau, nhiều về bên Âm, ít về bên Dương thì gọi là Thạch thủy, thũng ở Thiếu phúc (30).

 Hai dương kết gọi là Tiêu (31)

 Ba dương kết gọi là Cách (32).

 Ba âm kết gọi là Thủy (33).

 Một âm một dương kết gọi là Hầu tý (34).

***

 Âm "bác" dương "biệt" là mạch có thai (35), âm dương đều hư sẽ sinh chứng trường tiết mà chết (36).

 Dương xen vào âm sẽ thành chứng hãn (37); âm "hư", dương "bác" sẽ thành chứng băng (38).

***

 Mạch ở Tam âm đều "bác", tới nửa đêm ngày thứ hai mươi, sẽ chết (39).

 Mạch ở Nhị âm đều "bác", tới lúc mặt trời lặn ngày thứ mười ba, sẽ chết (40).

 Mạch ở Nhất âm đều "bác", tới ngày thứ mười , sẽ chết (41).

 Mạch ở tam dương đều "bác" và "cổ", tới ngày thứ ba, sẽ chết (42).

 Mạch ở Tam âm, Tam dương đều "bác", Tâm mãn (đầy) Âm Dương ở phúc bộ phát ra hết, như có sự uất kết... Tới ngày thứ năm sẽ chết (43).

 Mạch ở Nhị dương đều "bác", sẽ mắc bệnh "ôn", nguy; không quá mười ngày, sẽ chết (44).

Chú giải

 (1) “Bốn kinh” là tượng mạch chính của bốn mùa, như: mạch mùa xuân thời huyền, mạch mùa hạ thời câu, mạch mùa thu thời mao, mạch mùa đông thời thạch. Bốn thứ kinh mạch đó để ứng theo với khí của bốn mùa. Mười hai “tùng” là chỉ về cái khí ba kinh dương, ba kinh âm của thủ và túc (tùng nghĩa là theo). Bắt đầu từ thủ Thái âm thuận hành đến Quyết âm, để ứng với 12 tháng. Tỷ như: Thủ Thái âm ứng với tháng giêng, là tháng Dần; Thủ Dương minh ứng với tháng hai, là tháng Mão; Túc Dương minh ứng với tháng ba, là tháng Thần (Thìn); Túc Thái âm ứng với tháng tư, là tháng Tỵ; Thủ Thiếu âm ứng với tháng năm, là tháng Ngọ; Thủ Thái dương ứng với tháng sáu, là tháng Vị (Mùi); Túc Bàng quang ứng với tháng bảy, là tháng Thân; Túc Thiếu âm ứng với tháng tám, là tháng Dậu; Thủ Quyết âm ứng với tháng chín, là tháng Tuất; Thủ Thiếu dương ứng với tháng mười, là tháng Hợi; Túc Thiếu dương ứng với tháng mười một, là tháng Tý; Túc Quyết âm ứng với tháng mười hai, là tháng Sửu. Mười hai mạch là kinh mạch của sáu Tàng sáu Phủ. Cái khí của ba kinh âm, ba kinh dương ứng với mười hai tháng; Mười hai tháng lại ứng với mười hai mạch.

 - Thiên này phân biệt âm dương để biết sống chết nên gọi là: Âm dương biệt luận.

 (2) Mười hai kinh mạch do Tàng Phủ âm dương phối hợp. Cho nên biết dương có thể biết được âm, biết âm có thể biết được dương. Biết rõ được âm dương thì có thể biết được sống hay chết.

 (3) Tiết này lấy chân Tàng của Vị khí để phân biệt âm dương. Dương khí ở trong Vị, tư dưỡng cho cả năm Tàng. Năm Tàng cùng sinh lẫn cho nhau, mà Tàng nào cũng có đủ cái khí của Tàng kia, nên mới nói: “năm lần năm sẽ có hai mươi nhăm phần dương”.

 (4) Năm Tàng thuộc âm. Nghĩa chữ “Tàng” tức là (cất dấu), “thần” Tàng ở đó mà không phát hiện ra bên ngoài. Sở dĩ không phát hiện ra bên ngoài là nhờ có cái khí dương hòa của Vị khí. Nếu Vị khí không có thì mạch của chân Tàng sẽ phát hiện, thế tức là Tàng khí bại, bại thì tất phải chết.

 (5) Trên kia nói "hai mươi nhăm phần dương" tức là chỉ về cái Dương khí do Vị quản sinh ra. Vị quản ở vào bộ phận Trung tiêu, chuyên chủ về biến hóa cái tinh khí của thủy cốc để tư dưỡng năm Tàng. Xét về mạch của bốn mùa thì: Mùa xuân mạch huyền, mùa hạ mạch hồng, mùa thu mạch phù, mùa đông mạch trầm, mùa Trưởng hạ mạch hòa hoãn (tức là dịu dàng, êm ái, tượng mạch của Thổ). Xét về chính mạch của năm Tàng thì: Can mạch huyền, Tâm mạch hồng, Tỳ mạch hoãn, Phế mạch sắc, Thận mạch trầm. Như Can mạch về mùa xuân hơi huyền mà trường, Tâm mạch hơi huyền mà hồng. Tỳ mạch hơi huyền mà hoãn, Phế mạch hơi huyền mà sắc, Thận mạch hơi huyền mà trầm... Can mạch về mùa hạ thì hơi hồng mà huyền, Tâm mạch thì hơi hồng mà đại, Tỳ mạch hơi hồng mà hoãn, Phế mạch hơi hồng mà sắc, Thận mạch hơi hồng mà trầm v.v... Bốn mùa, năm Tàng, lúc nào cũng có kiêm cả cái Vị khí hơi hòa... Như thế là hai mươi nhăm phần dương vậy.

 (6) Nếu phân biệt được cái khí dương hòa của Vị khí, thì một khi thấy có vẻ không hòa, sẽ biết được ngay mắc bệnh ở đâu. Nếu phân biệt được cái âm mạch của chân Tàng thì sẽ biết: Nếu là Can mạch phát hiện, thời kỳ 18 ngày chết. Nếu là Tâm mạch phát hiện, thời kỳ chín ngày chết v.v... Tiết này nói đến chân Tàng là âm, Vị khí là dương, so với hai tiết trên dưới nói về âm dương của kinh mạch khác nhau.

 (7) Tiết này lại nói về âm dương của mười hai kinh mạch. Những mạch thuộc về ba kinh dương của thủ và túc: từ thủ chạy lên đầu, rồi lại từ đầu chạy tới túc, cho nên nói: "mạch ba kinh dương ở đầu". Mạch thuộc ba kinh âm của thủ và túc, từ túc chạy lên phúc (bụng), rồi lại từ phúc chạy ra thủ. Cho nên nói: "mạch là kinh âm ở tay". Mười hai kinh mạch dù có thủ túc âm dương khác nhau, nhưng đều do "một" gốc mà xuất đi cả. Mạch của thủ Thái âm Phế, giao với thủ Dương minh Đại trường; Đại trường giao với túc Dương minh Vị; Vị giao với túc Thái âm Tỳ; Tỳ giao với thủ Thiếu âm Tâm; Tâm giao với thủ Thái dương Tiểu trường; Tiểu trường giao với túc Thái dương Bàng quang; Bàng quang giao với túc Thiếu âm Thận; Thận giao với thủ Quyết âm Tâm bao lạc; Bao lạc lại giao với thủ Thiếu dương Tam tiêu; Tam tiêu giao với túc Thiếu dương Đởm; Đởm giao túc Quyết âm Can; Can giao lại giao với thủ Thái âm Phế... Vì vậy nên gọi là "một" (nhất quán).

 (VIII) "Phân biệt được mạch về dương" - "mạch" tức là mạch chứng; "dương" tức là sự phát bệnh do "Nhất dương, Nhị dương, Tam dương" và "Dương kết" - "Phân biệt được mạch về âm" v.v... "mạch" cũng tức là mạch chứng "âm" tức là "Nhất âm, Nhị âm, Tam âm". Nếu phân biệt mạch dương, sẽ biết được sự "kỵ" của chứng đó; còn về âm, thì có thể định đoạt được sống hay chết.

 (9) Câu này khuyên học giả nên ghi nhớ cẩn thận, không nên nói bậy tin càn.

 (10) "Khứ" là luồng mạch từ bộ vị dẫn đi; "chí" cũng như "lai" là luồng mạch từ trong cánh tay hiện ra nơi bộ vị. Phàm Tàng thuộc âm, Phủ thuộc dương. Âm dương cùng kinh thủ túc, tức là 12 kinh mạch của sáu Tàng, sáu Phủ. Vậy phải nhận ở các mạch tượng "lai, khứ, động, tĩnh, trì, sác" để phân biệt âm dương.

 (11) Tiết này, phân biệt âm dương thuộc chân Tàng vị quản.

 "Huyền tuyệt" nghĩa là trơ trọi không còn một chút Vị khí dương hòa nào.

 "Cấp" là gấp, là quá... Đây nói về mạch của Can. Nếu đã huyền tuyệt, mà lại còn "cấp" (căng như dây cung giương thẳng) thì tất phải chết nhưng còn qua được 18 ngày. Những dự đoán về ngày chết trên đây, đều tính theo sự "tương khắc" mà nói, Như Can mạch đã hiện cái trạng thái huyền tuyệt... Can thuộc Mộc, bắt đầu tính từ ngày Giáp Ất, đến ngày Canh Tân nữa là tám ngày, lại đến ngày Canh Tân nữa là mười ngày, cộng lại thành 18 ngày sẽ chết (vì Kim khắc Mộc). (Lại tỷ như ngày Giáp Tý đến ngày Tân Tỵ cũng là 18 ngày).

 Tâm mạch đã hiện cái trạng thái huyền tuyệt, Tâm thuộc hỏa, đếm từ ngày Bính Đinh trở đi, đến ngày Nhâm Quý là tám ngày, tất phải chết (trên đây nói chín ngày, cũng chỉ ở vào lúc ngày thứ tám với ngày thứ chín, giao tiếp với nhau thôi).

 Phế mạch đã hiện cái trạng thái huyền tuyệt, Phế thuộc Kim, từ ngày Canh Tân mà đếm trở đi, đến ngày thứ tám là ngày Bính Đinh; lại đếm đến một ngày Bính Đinh nữa, cộng là 18 ngày tất phải chết (trên đây nói là 12 ngày, là từ ngày Canh Tân đếm trở đi; đó lại là Canh Tân gặp Canh Tân vậy).

 Thận mạch đã hiện cái trạng thái huyền tuyệt, Thận thuộc Thủy, từ ngày Nhâm Quý đếm trở đi, đến ngày Mậu Kỷ là bảy ngày, tất phải chết.

 Tỳ mạch đã hiện cái trạng thái huyền tuyệt; Tỳ thuộc Thổ, từ ngày Mậu Kỷ đếm trở đi, đến ngày Giáp Ất là tám ngày tất phải chết (trên đây nói bốn ngày, là trừ bỏ ngày Mậu Kỷ mà chỉ tính đến ngày Giáp).

 Về đoạn dự đoán những ngày chết trên đây, cũng chỉ nói về cái lý và đại khái, ta không nên nhất thiết lấy làm định luật; vì âm dương, Tàng Phủ, biến hóa vô cùng, thường khí ở trong tương khắc mà lại có tương sinh, thì đáng lẽ chết mà lại không chết... Gặp trường hợp đó ta cần phải xét cả toàn diện mới được.

 (12) Nhị dương tức là túc Dương minh Vị kinh. Vị là một cơ quan thương lẫm (kho đụn), nhiệm vụ của nó là thâu nạp thủy cốc (thức ăn). Giờ lại không thâu nạp được là vì sao? Chính là bởi Tâm Tỳ gây nên. Đơn cử như con gái do sự uất kết ở Tâm, Tâm không sinh được huyết, huyết không nuôi được Tỳ. Thoạt tiên, Vị còn thâu nạp, nhưng Tỳ không giúp Vị để thi hành cái công năng vận hóa... Dần dần cả Vị cũng không thâu nạp được nữa. Do đó, mới biết rõ được Vị bệnh là Tâm, Tỳ gây nên. Lại do đó, thủy cốc suy ít, không có gì để biến hóa ra cái khí tinh vi, huyết mạch bởi đó mà khô, kinh thủy bởi đó mà không thấy. Huyết đã khô, khí đã uất, "nhiệt" sẽ sinh ra. Nhiệt cực thì sinh phong, cơ nhục do đó mà tiêu thước, nên mới gọi là "phong tiêu". Lại do đó, Hỏa phạm lên Phế kim, gây nên chứng thở gấp, thượng bôn - "Tức" là hơi thở, "bôn" là khí nghịch lên, mỗi lần thở phải so cả vai lên... Tóm lại: Tâm chủ huyết, Phế chủ khí, Tỳ là gốc của năm Tàng, Vị là biển của sáu Phủ... Bao các cơ quan đó đồng thời mắc bệnh, phỏng còn sống sao được? Nên mới nói quyết là "chết không chữa được".

 (13) Tam dương tức là túc Thái dương Bàng quang kinh. Khí của Thái dương chủ về bộ phận biểu. Khi tà khí phạm vào con người, bắt đầu phạm vào bì mao, “tà” với “chính” hai bên xung đột nhau, gây nên chứng hàn nhiệt (sốt, rét, sốt nóng). Thái dương là một cơ quan chủ về “khai”, khi đã mắc bệnh, thì không còn cái năng lực “khai” nữa, do đó. Tà khí lọt vào, tụ ở nhục lý (các thớ thịt), mới gây nên chứng ung thũng (mụn sưng). Thái dương chủ về khí và cân. Thái dương mắc bệnh nên cân bị thương, do đó thành chứng nuy (gân rã rời, lỏng lẻo, không cử động được); Vì khí cũng mắc bệnh, nên lại thành chứng quyết (chân tay giá lạnh) và “xuyền quyên”, tức là đau nhức ở trong gân mạch thuộc bộ phận dưới. Thái dương vốn chủ về biểu phận, nhưng kinh mạch lại phát sinh tự bộ phận dưới, nên khi mắc bệnh thì sinh chứng hàn nhiệt, dần dần về sau lại tiếp diễn thêm những chứng trạng ở trên.

 (14) Vì bị nhiệt nhiều, khiến tinh huyết hao tán, nên da dẻ mới thành ra khô khan. “Đồi sán” là một chứng đau nhức ở quả Thận (ngoại Thận), có khi đau rút lên cả Thiếu phúc (phía dưới rốn, tức bụng dưới) có khi quả Thận sưng to lên, rất đau. Chứng này cũng bời Can bị thương mà sinh ra.

 (15) Nhất dương tức là túc Thiếu dương Đởm kinh. Thiếu dương chủ về cái khí sơ sinh. Nếu mắc bệnh sẽ thành chứng thiểu khí (hơi thở ngắn như ít, hoặc hơi cử động đã mệt, thở gấp ngay); Thiếu dương vốn có Tướng hỏa, vì khí “thiểu” nên hỏa “thịnh”, rồi thừa thế phạm nên Phế kim, nên mới hay ho. Nhân dịp đó, cái tà của phong mộc lại phạm tới trung thổ, nên mới hay tiết (tức đi ngoài nát phân, tựa đi tả, đi tháo).

 (16) Con người sau khí uống ăn, thủy cốc vào Vị, tinh khí lên Tâm thành huyết. Giờ Tỳ bị thương, Vị không nạp được thủy cốc. Tâm không có tư dưỡng, bị hư, nên thành chứng đau Tim (Tâm thống). “Cách" tức là chứng ăn vào không chịu lại thổ ra. Gây nên chứng này cũng bởi Trung thổ bị khắc.

 (17) Nhị dương Nhất âm tức là Vị với Can. Can thuộc Đông phương phong mộc, nên phát bệnh thành chứng kinh hãi (hoảng sợ); mạch của túc Dương minh mắc bệnh, nghe tiếng động chạm thì giật mình e ngại. “Bối” (lưng, khắp cả lưng chứ không riêng đường xương sống) thuộc dương. Quyết âm chủ về xuân dương Can mộc, cho nên mắc bệnh thì bối thống; Tà khí phạm vào Vị, khí dẫn ngược lên để tan đi, nên hay ợ; Vươn vai cũng do Vị khí nghẽn lên, muốn vươn cho dễ chịu. Hợp tất cả bốn chứng trên đây, nguyên nhân đều do phong mộc mắc bệnh, phạm tới Vị thổ, nên mệnh danh là phong quyết.

 (18) Nhị âm là Thiếu âm Thận kinh, Nhất dương là Thiếu dương Đởm kinh. Đởm tà hữu dư, xâm phạm vào Tỳ thổ nên hay trướng (bụng phồng vượt lên); Thận tà hữu dư xâm phạm lên Tâm hỏa, nên Tâm mãn (đầy); Tâm hệ bị co rút, thì khí đạo hẹp lại, nên phải thở dài cho tiết bỏ khí ra. Nguyên Hán văn câu này dùng chữ “thiện khí”. Theo chú giải của Mã Nguyên Đài thì thiện khí là hay “tức hơi”, đó là do “Đởm khí hữu dư” mà gây nên.

 (19) Tam dương tức là túc Thái dương Bàng quang, Tam âm tức là túc Thái âm Tỳ. Mạch của Bàng quang từ đầu, lưng dẫn xuống chân, mạch của Tỳ chủ về tứ chi (hai tay, hai chân). Vì hai kinh đó mắc bệnh nên phát thành các chứng trạng trên.

 Thiên khô: Khô đét một nửa người.

 Nuy dịch: Tay chân rã rời, lúc ở bên tả, lúc ở bên hữu, hằng biến dịch luôn.

 Tứ chi bất cử: Tay chân không cử động được.

 Tiết này nói về bệnh gây nên từ Thủy phủ rồi phạm lên Tỳ thổ.

 (20) Tiết này nói về mạch của năm Tàng. Nhất dương là vi dương; “bật lên” tức là luồng mạch bật lên đầu ngón tay của người án mạch. “Câu”, hình dung từ tả cái trạng thái của luồng mạch lúc lại đầy đủ, lúc đi ngoằn ngoèo và chậm… đó là mạch của Tâm.

 Nhất âm là vi âm. “Mao” hình dung từ, trạng thái của luồng mạch nhẹ nhàng như cái lông, đó là mạch của Phế.

 Dương mạch bật lên, có vẻ căng thẳng nhưng không thẳng quá, gọi là Huyền. “Huyền” hình dung từ chỉ trạng thái của mạch như dây cung lúc dương. Đó là mạch của Can.

 Dương mạch bật lên, mà lúc chìm xuống coi như tuyệt, gọi là Thạch. “Thạch” hình dung từ, tả trạng thái của mạch chìm xuống và rắn như đá. Đó là mạch của Thận.

 “Lưu” hình dung từ, tả trạng thái của mạch hòa hoãn như dòng nước chảy. Đó là mạch của Tỳ.

 (21) Tiết này nói về hai khí Doanh Vệ (cũng là âm dương, là huyết khí) cốt ở điều hòa, không nên thiên thắng. Hòa thì khí Âm Dương sẽ sinh ra, thiên thắng thì khí Âm Dương sẽ giảm đi, kinh khí do đó mà tuyệt. Kinh mạch, Tàng Phủ ở trong con người cùng giao thông tuần hoàn lẫn nhau, không lúc nào dứt. Âm ở bên trong để giữ gìn cho dương, dương ở bên ngoài để bảo vệ cho âm. Nếu Âm khí thiên thắng, không được Dương khí để điều hòa, thì âm sẽ tranh giành ở bên trong; nếu Dương khí thiên thắng không được Âm khí điều hòa, thì Dương khí sẽ rắc rối ở bên ngoài.

 Cao Sĩ Tông nói: Ở đây nói, nếu hai khí Âm Dương không hòa, thì sẽ sinh ra bệnh dương kết, âm kết. Còn như cương với cương gặp nhau, thì lại là dương truyền cho dương, âm truyền cho âm… Tức là một “tử hậu” (chứng chết) do âm dương tương tuyệt vậy.

 (22) Đây nói: Âm phải liên lạc với dương. Vì thế nên âm dịch không nên để cho tiết ra ngoài. Hãn là một chất lỏng do huyết sinh ra. “Phách hãn” tức là do hãn do Phế tiết ra (vì Phế Tàng phách nên gọi hãn của Phế là phách hãn). Kinh khí dẫn lên Phế. Phế là nơi tổng hội của trăm mạch, chuyển Du tinh chấp ra bì mao, hãn ra khỏi bì mao, mà tinh huyết vẫn còn Tàng ở âm. Nếu phách hãn không thâu tàng được, đó là hãn bị cưỡng ra, tinh huyết sẽ do đó mà bị thương. Phế chủ về việc dẫn hành doanh vệ âm dương. Nếu âm dịch của Phế Tàng bị tiết ra ngoài tức thời sinh ra táo nhiệt, nhiệt cực hàn sinh, tứ chi sẽ do đó mà quyết nghịch, nhiệt hun ở Phế, nên thành ra chứng suyễn minh (thở gấp và hơi thở kêu khò khè).

 (23) Đây nói: Dương có hòa với âm, mới đáng gọi là hòa. Ngoại mạch là dương, Phủ mạch là dương, nhưng đều do năm Tàng, năm hành mà sinh ra nên mới nói là “âm đó sinh ra”.

 (24) Cương gặp cương là dương không hòa với âm. Dương không hòa với âm, thì Dương khí bị phá tán, mà cô âm (âm trơ trọi một mình) cũng bị tiêu vong.

 Cương (tức dương) với nhu (tức âm) không hòa, thì kinh khí sẽ tuyệt. Kinh khí tuyệt, chỉ trong vòng ba, bốn ngày sẽ chết.

 (25) Năm Tàng do sự tương khắc mà truyền lẫn nhau gọi là tử âm, do sự tương sinh mà truyền lẫn nhau gọi là sinh dương.

 Như: Can truyền Tâm, Tâm truyền Tỳ, Tỳ truyền Phế, Phế truyền Thận, đều gọi là sinh dương.

 Như: Tâm truyền Phế, Phế truyền Can, Can truyền Tỳ, Tỳ truyền Thận, Thận truyền Tâm đều gọi là Tử âm.

 Do sự tương sinh của Dương tàng mà truyền, cho nên chẳng qua bốn ngày là số chẵn thời chết; do sự tương khắc của Âm tàng mà truyền, cho nên chẳng qua ba ngày là số lẻ thời chết.

 (26) Can mạch truyền Phế, Phế truyền Đại trường, Đại trường truyền Vị, Vị truyền Tỳ, Tỳ truyền Tâm, Tâm truyền Tiểu trường, Tiểu trường truyền Bàng quang, Bàng quang truyền Thận, Thận truyền Tâm bao lạc, Bao lạc truyền Tam tiêu, Tam tiêu truyền Đởm, Đởm truyền Can… Một Tàng, một Phủ, một thư (giống cái), một hùng (giống đực), âm dương cùng xen nhau như cái vòng tròn không chỗ dứt. Đến như Can truyền Tâm, Tâm truyền Phế, Phế truyền Thận, Thận truyền Tỳ… Đó đều là kinh khí đã tuyệt, không sao chữa được.

 (27) Phế truyền Thận, cũng là một loại sinh dương. Nhân Phế Thận đều thuộc về tẫn tàng (giống cái), âm lại truyền âm, nên gọi là “trùng âm”. Thận là thủy Tàng, mà lại truyền sang cái Tàng không thắng được là Tỳ Phế, nên gọi là “Tích âm”. Đều là chứng chết, không chữa được.

 (28) Đây nói về cái khí Âm Dương không hòa, tự kết mà gây nên bệnh. Tứ chi là gốc của mọi khí dương. Khí theo về hình, vì khí kết nên hình thũng (sưng). Câu này là tóm cả ba kinh dương mà nói.

 (29) Âm khí kết ở bên trong mà không lưu hành được, thời huyết sẽ ngừng tụ mà tiết trở xuống. Một âm kết, tiện huyết một thăng (tiếng nôm gọi là thưng, mỗi thưng bằng chia năm một phần của lít). Hai âm đều kết, tiện huyết hai thăng; ba âm đều kết, tiện huyết ba thăng… Đây là khái quát của Tam âm mà nói.

 Án: Biện mạch thiên nói: “Mạch có dương kết, âm kết, lấy gì để phân biệt? Đáp rằng: Mạch phù mà sác, ăn được mà không đại tiện, gọi là Dương kết; mạch Trầm mà Trì, không ăn được, thân thể nặng nề, đại tiện lại rắn, gọi là âm kết”. Xem đó thời biết: Muốn phân biệt âm Dương khí kết, nên xem ở “khứ, chí, phù, trầm, trì, sác” của mạch, để nhận rõ là âm hay dương. Thũng ở tứ chi, biết là Tam dương đều kết; tiện huyết ba thăng, biết là Tam đều kết. Thấy hiên ra chứng “tiêu”, biết là kết tại Nhị dương, sẽ lấy phương pháp của Nhị dương để chữa; thấy hiện ra chứng “cách”, biết là kết tại Tam dương, nên lấy phương pháp của Tam dương để chữa.

 (30) Về thân thể con người, bên ngoài là dương, bên trong là âm: Vị là dương, Thận là âm. Chứng sưng này nó lọt vào bên trong thân hình, bên ngoài Tàng, Phủ và ở vào chỗ trống rỗng của Vị với Thận cách nhau. Thạch thủy tức là Thận thủy. Thận là cửa ngõ của Vị. Cửa ngõ không thông lợi, nên tụ lại ở đó mà thành bệnh. Chứng này, lệch nhiều về bên Thận Tàng, cho nên mới là nhiều âm ít dương và thũng ở Thiếu phúc.

 (31) Nhị dương tức là Dương minh Vị khí. Tiêu là một chứng “khát”, uống vào bao nhiêu cũng hết. Bởi vì Dương minh khí kết, nên cái chất tân dịch của thủy cốc không sinh ra được, mới gây nên chứng tiêu khát. (Về chứng này có rất nhiều nguyên nhân, sẽ giải rõ thêm ở dưới).

 (32) Tam dương tức là Thái dương Bàng quang. Thái dương là một cơ quan chủ hóa sinh ra khí. Mà khí đó gốc từ Bàng quang, do “nội cách” mà truyền ra “hung hiếp”, lại do hung hiếp mà đạt ra phu biểu. Nếu Dương khí kết thời Cách khí không thông. Phía trước nội cách, nhằm vào chỗ “bí môn” của Vị quản. Vì cách khí nghịch lên, nên sự uống ăn cũng bị nghẽn tắc không thông, nên gọi là bệnh “cách”.

 (33) Tam âm tức là túc Thái âm Tỳ. Tỳ là một cơ quan chuyển vận. Vì Tỳ khí kết, nên những chất nước vào Vị không bố tán ra được, thành chứng thủy nghịch.

 (34) Nhất âm, Nhất dương tức là Quyết âm với Thiếu dương. Quyết âm phong mộc chủ về khí, mà nhờ được sức vận hóa của Thiếu dương. Phong với hỏa, hai khí kết lại thì Kim khí sẽ bị thương, vì thế nên gây chứng hầu tý (hầu là cuống họng; tý là đau hoặc vít, nghẽn), tức là chứng đau trong cuống họng.

 Phụ án: Về chứng “tiêu”, ở đây chỉ nói hai dương kết, gọi là “tiêu”. Nhưng ở thiên Mạch yếu tinh vi luận lại có nói: “Do chứng đau thành ra Tiêu trung”.

 Thiên Kỳ bệnh luận nói: … Chuyển thành chứng tiêu khát v.v…

 Tà khí bệnh hình thiên ở Linh khu có nói: “… Tiêu, đan…”.

 Thiên Khí quyết luận lại có nói các chứng “Phế tiêu, cách tiêu…” khác nhau. Đem mấy thuyết trên đây, hợp với thuyết “Tam tiêu” của đời sau, thì biết năm Tàng đều có chứng Tiêu đản. Như: về thượng tiêu, thì một tên gọi là Cao tiêu, một tên gọi là Cách tiêu.

 Bệnh cơ nói: Thượng tiêu tức là Phế. Uống nước nhiều mà ăn ít, đại tiện như thường mà tiểu tiện trong và lợi. Đó là táo ở thượng tiêu. Về phép liệu trị nên thấm thấp và nhuận táo. Lại nói: Về chứng Cao tiêu, lưỡi đỏ và nứt, khát quá đòi uống nước luôn.

 Lưu Hà Gian nói: “Uống nước nhiều mà tiểu tiện lại nhiều, gọi là tiêu khát”. Đó là chỉ về chứng ở thượng tiêu mà nói.

 Trần Vô Trạch nói: “Bệnh tiêu khát thuộc về Tâm, cho nên Tâm phiền, khiến Tâm hỏa tản mạn, khát muốn uống nước, các bộ mạch đều “nhuyễn, tán”, hoàn toàn là một chứng khí thực huyết hư…”. Đó cũng là nói về thượng tiêu.

 Nay xét, thiên Khí quyết luận ở Tố vấn nói: “Tâm di nhiệt lên Phế, gây thành chứng cách tiêu”.

 Thiên Tà khí bệnh hình ở Linh khu nói: “Tâm mạch vi tiểu, là chứng tiêu đản…” và “… Phế mạch vi tiểu là chứng tiêu đản…” xem đó thì bệnh đó chính là do khí ở thượng tiêu và kiêm cả Tâm, Phế chứ không riêng gì một Phế.

 Đông Viên nói: “Về bệnh cách tiêu, dùng bài Bạch hổ Nhân sâm thang để điều trị”.

 Về chứng Trung tiêu, có khi lại gọi là Tiêu trung hoặc Nội tiêu.

 Bệnh cơ nói: “Bệnh tiêu trung thuộc về Vị, khát mà uống ăn đều nhiều, tiểu tiện đỏ hoặc vàng. Vì nhiệt gây nên tiêu khát, nên biết là bệnh tại Trung tiêu. Nên dùng thuốc hạ (tức là cho tháo ra đằng đại tiện).

 Trần Vô Trạch nói: Tiêu trung là một chứng Tỳ đản. Nhiệt quá nhiều nên thành Tiêu trung.

 Sách Tụ chân phương nói: Chứng nội tiêu do nhiệt quá ở bên trong mà gây nên. Tiểu tiện nhiều hơn lượng nước uống vào, uống vào một phần, tiểu ra hai phần – mà lại không khát. Vì hư quá nên hơi thở ngắn.

 Lưu Hà Gian nói: Uống ăn nhiều mà không khát lắm; hoặc tiểu tiện đi vặt luôn mà thân thể hao mòn gầy còm, gọi là Tiêu trung.

 Đông Viên nói: Bệnh Trung tiêu, bệnh nhân ăn ngon và nhiều, mà lại gầy mòn, tự hãn, đại tiện rắn, tiểu tiện đi vặt luôn.

 Vương Thúc Hòa nói: Miệng khô ráo, uống nước nhiều, ăn nhiều mà vẫn đói, đó tức là chứng Tiêu trung. Dùng bài Điều vị thừa khí thang hoặc Am hoàng hoàn để điều trị.

 Nay xét, thiên Mạch yếu tinh vi luận ở Tố vấn: “Đế hỏi: Chẩn được vị mạch, như thế nào? Kỳ Bá nói: Mạch thực thì trướng, hư thời tiết. Đế hỏi: Bệnh đã thành, rồi lại biến ra thế nào? Kỳ Bá nói: Bệnh đã thành, sẽ biến thành chứng Tiêu trung”.

 Lại xét thiên Thông bình hư thực luận: Kỳ Bá nói: Phàm trị chứng tiêu đản, thiên khô, nuy quyết, khí mãn phát nghịch… Phần nhiều là tật bởi ăn nhiều chất cao lương”.

 Lại xét thiên Phúc trung luận: “Hoàng Đế hỏi: Phu Tử thường nói chứng Nhiệt trung, Tiêu trung không nên ăn những chất cao lương và uống các thứ Phương thảo, Thạch dược, sẽ phát điên, phát cuồng. Nghĩ như, mắc chứng Nhiệt trung, Tiêu trung phần nhiều là hạng người phú quý. Giờ cấm họ không cho ăn uống những thứ ấy, làm sao vừa lòng họ và bệnh khỏi sao được?”

 “Kỳ Bá đáp: Cái khí chất của Phương thảo, Thạch dược phần nhiều mạnh tợn. Vì mạnh tợn nên khí của nó cấp bách, không phải những hạng người tâm tính hòa hoãn có thể uống được. Về bệnh khí đã mạnh tợn, mà lại uống thứ thuốc mạnh tợn, hai đằng gặp nhau sẽ cùng xung đột. Nếu xung đột sẽ  làm thương Tỳ. Tỳ thuộc Thổ mà ghét Mộc… Uống nước ấy vào, đến ngày Gáp Ất, sẽ khó toàn…”.

 Lại trong Thiên kỳ bệnh luận: “Hoàng Đế hỏi: Có người mắc bệnh, trong miệng cứ thấy có vị ngọt, là vì sao? Kỳ Bá nói: Đó là năm khí ràn lên, gọi là Tỳ đản. Nguyên nhân do năm vị ăn vào miệng, chứa ở Vị, Tỳ giúp việc chuyển Du, bao tinh khí tân dịch đều ở Tỳ, nên khiến miệng ngọt. Bệnh đó do các thức ăn ngon béo gây nên. Bệnh nhân tất là người chuộng ăn các thức ngọt béo. Chất béo gây nên “nội nhiệt”, chất ngọt gây nên “trung mãn”. Cho nên khí ấy ràn lên, biến thành tiêu khát”.

 Xem đó thì như ở thiên này nói “Nhị dương kết gọi là tiêu”, chính là trỏ về Trung tiêu. Và cũng tức là bệnh thuộc Tỳ, Vị.
 
 Về Hạ tiêu, một tên là tiêu Thận, lại một tên là Thận tiêu, lại một tên là Cường trung.

 Bệnh cơ nói: “Bệnh tiêu Thận, khí mới phát là chứng cao lâm, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu như chất dầu mỡ. Khi bệnh đã thực hiện, sắc mặt sạm đen, thân thể gầy còm, hai tai khô đét, nước tiểu đục và có lẫn chất mỡ. Về phương pháp trị, nên dưỡng huyết, và làm cho chia sự trong đục, dần sẽ khỏi”.

 Trần Vô Trạch nói: “Bệnh tiêu Thận, thuộc về Thận. Nguyên nhân do thời kỳ tuổi trẻ, chơi bời quá độ; đến khi đứng tuổi, dùng nhiều các thứ thuốc có chất kim thạch, khiến cho chân khí bị suy tán. Gây nên chứng miệng khát, tinh dịch tự tiết ra, không uống nước mà tiểu tiện nhiều…”.

 Lưu Hà Gian nói: “Uống nước luôn miệng, bắp đùi gầy mòn, mà tiểu tiện có lẫn chất mỡ, gọi là Thận tiêu”.

 Lý Đông Viên nói: “Chứng hạ tiêu, phiền khát, đòi uống nước, vành tai khô đét, tiểu tiện ra như mỡ…”.

 Vương Thúc Hòa nói: “Bực dọc, uống nước, khát luôn… Đó là chứng Thận tiêu nên cho uống bài Lục vị địa hoàng hoàn.

 Tụ Chân Phương nói: “Cường trung là một chứng dương hành cứng lớn, không giao cấu mà tinh khí tự tiết ra…”.

 Lại nói: “Thận thực, thì tiêu mà không khát, tiểu tiện tư lợi, gọi là Thận tiêu, tức cũng là nội tiêu. Về phương pháp liệu trị nên nén Tâm hỏa và tư dưỡng Thận thủy”.

 Lại xét Linh khu kinh có nói: “Thận mạch vi, tiểu là chứng tiêu đản…” và “Can mạch vi, tiểu là chứng tiêu đản…” thì biết Thận với Can đều có chứng tiêu đản. Và đó chính cũng gọi là chứng Hạ tiêu.

 Lại xét Tụ Chân Phương nói: “Con người có Thận, cũng như mạch có gốc. Cho nên nếu Thận mắc bệnh, thì trước phải hình dung tiều tụy, dù có sự tư dưỡng, cũng không sao được bóng nhoáng, cho nên hễ mắc chứng tiêu khát đều do Thận kinh mắc bệnh. Nguyên nhân đều do lúc thiếu tráng không tự bảo dưỡng, tình dục quá độ, ăn uống không chừng, lại uống các thứ đan thạch… khiến cho Thận thủy khô kiệt, Tâm hỏa bốc nóng, Tam tiêu khô đét, năm Tàng ráo kiệt, do đó sinh ra chứng khát và lợi…”. Đó là nói Tam tiêu đều gốc ở Thận.

 Thánh Tế Tổng lục lại nói: “Nếu chữa truyền thành chứng “Năng thực” (ăn ngon và nhiều), tất phát ra chứng não thư (nhọt ở đầu óc), bối thương (mụn ở lưng); nếu không truyền chứng “năng thực” thì sẽ truyền thành chứng Trung mãn, cổ trướng… đều là chứng khó chữa. Khiêt Cổ lão nhân chia ra để chữa:

 a) Năng thực mà khát, cho uống bài Bạch hổ gia Nhân sâm thang.

 b) Không năng thực mà khát, cho uống bài bài Bạch truật tán bột gia Cát căn.

 Trở lên là nói về một chứng “tiêu”, mà đầu mối phức tạp như vậy, y giả nên tinh tế lắm mới được.

 (35) ”Bác” là hình dung luồng mạch bật mạnh lên tay; “biệt” là biệt lập, khác hẳn. “Âm bác” là nói mạch ở Xích bộ (thuộc âm) bật mạnh lên tay; “Dương biệt” là nói mạch ở Thốn khẩu khác hẳn, như mạch ở một tay người khác, không còn liên lạc gì với nhau. Chẩn mạch như vậy, chủ về có thai.

 (36) Âm dương ở câu này là nói về mạch ở Xích bộ và Thốn bộ. Ở con người, phàm vinh, vệ, khí, huyết, đều do cái khí của thủy cốc mà gây nên.

 Vị là một cơ quan thụ nạp. Trường (ruột) là một cơ quan truyền đạo. Tới  khi âm dương đã đều hư, mà lại giảm mất cái gốc của sự tư sinh (giúp sống, tức thủy cốc), cho nên khó lòng sống được. Nên nói mắc chứng trường tiết (đại tiện nát hoặc tháo) sẽ chết.

 (37) Hãn là âm dịch (một chất lỏng thuộc âm) nhờ sự tuyên phát của Dương khí, mới có thể thấm nhuần ra khắp da lông. Nếu mạch về Dương bộ (thốn) động sác, lại “xen” vào Xích bộ (âm), sẽ thành ra hãn. Vậy nên biết: hãn là do Dương khí xen vào âm dịch, mà mạch cũng thành dương mạch xen vào âm bộ vậy.

 (38) “Băng”, tức là băng huyết, huyết từ trong chảy tháo ra. Sở dĩ gây nên chứng này là do dương thịnh âm hư, dồn huyết đi càn, mà gây nên.

 Án: thuộc về chứng huyết băng của đàn bà, huyết đó do Bào lạc cung mà ra, huyết hạ hành đã lâu, khiến đường đi như đã thuộc; huyết ở bản cung thiếu ít, khiến tất cả huyết ở 12 kinh đều theo một đường lối ấy mà tiết lậu ra. Nhưng  Bào lạc cung lại “hệ” vào Thận, mà bên trên thì thông với Tâm.. Cho nên chứng này đối với hai kinh Tâm, Thận rất có quan hệ, vậy nên mới hiện ra cái mạch trạng “âm hư dương bạc”. Thiên Nuy luận nói rằng: Bi ai quá độ thì Bào lạc tuyệt; Bào lạc tuyệt thì Dương khí sẽ động ở bên trong, khi phát thì thành chứng băng. Trong sách Thí Hiệu lục của Lý Đông Viên, dùng các thứ thuốc dẫn kinh của 12 kinh, khiến cho huyết lại trở về 12 kinh. Rồi sau mới dùng thứ thuốc có sắc đen để chỉ huyết. Nếu dùng thuốc có sắc đen ngay mà không dùng thuốc dẫn kinh, thì bệnh sẽ khó khỏi.

 (39) Tam âm tức là Thái âm. Thuộc về hai bộ của Tỳ và Phế, đều bật mạnh lên tay, không có khí dương hòa. “Hai” là hàng đứng đầu của số “chẵn”; “Mười” là hàng số cuối cùng của âm, nửa đêm là thời kỳ âm vừa hết, mà khí Nhất dương sắp sinh. Thái âm là Chí âm. Nhân cái khí “Chí âm” mà tuyệt, không có chút “sinh dương” nào, tất là chết, chết về thời kỳ âm cực. Đổng Duy Viên nói: “Âm kết, dương kết”, là một danh từ chỉ định về khí Âm Dương bị kết.

 (40) Nhị âm tức là Thiếu âm. Mạch ở Nhị âm đều “bác”, tức là mạch thuộc hai bộ Tâm, Thận đều bật mạnh lên tay. Thiếu âm chủ về thủy hỏa, thuộc hai khí Âm Dương. Thiên do số một sinh ra hành Thủy, địa do số sáu hợp thành; địa do số hai sinh ra hành Hỏa, thiên do số bảy hợp thành.

 Ngày thứ mười ba, là ngày cuối cùng của số “thành”; mặt trời lặn là cuối cùng của một ngày. Do Âm Tàng của thủy hỏa nên chết về số “thành” và cuối cùng của ngày.

 (41) Nhất âm tức là Quyết âm. Mạch của hai bộ Can và Tâm đều bật lên. Ngày thứ mười hai là cuối cùng của âm số. Quyết âm là nơi cuối cùng của khí âm. Chết về ngày đó là do cái khí cuối cùng và cái ngày cuối cùng của âm số vậy.

 (42) Tam dương tức là Thái dương. “Cổ”  là cổ động, mạch vừa bật lên mà lại có vẻ cổ động mạnh. Đó là cái triệu chứng dương cực mà không còn một chút gì là âm hòa. Thái dương với Thiếu âm cùng làm biểu, lý và đều chủ về khí thủy hỏa. Thiên do số một sinh ra hành Thủy, địa do số hai sinh ra hành Hỏa. Đó là cái “dương Phủ” thủy hỏa, cho nên chết về cái số “sinh” của thiên địa. Ta lại nên nhận rằng: Thiên chủ về “sinh”, địa chủ về “thành”, cho nên bệnh ở Thái dương thì chết về “sinh số”, mà bệnh ở Thái âm thì chết về “thành số”.

 (43) Tam âm, Tam dương là cái khí của năm hành. Hai khí Âm Dương cùng “bác kích” không hòa, cho nên đến hết cái số của năm hành thì chết. “Tâm mãn” là do dương “bác” lên ở bộ phận trên; có sự “uất kết” là do âm “bác” ở bộ phận dưới. “Phúc” (bụng) ở vào bộ phận dưới, là nơi âm dương tương giao với nhau. “Phúc bộ phát ra hết…” tức là dương phát ra hết ở trên, âm phát ra hết ở dưới, mà không còn sự “hòa” hiện ra ở bộ phận giữa nữa.

 Tiết này nói về âm dương mắc bệnh ở trên và dưới; tiết dưới nói về âm dương mắc bệnh về hàn với nhiệt.

 (44) Nhị dương tức là Dương minh. Bệnh “ôn” tức là sốt rét và nóng. Âm dương ở con người, do cái khí thủy cốc của Dương minh mà sinh ra. Nếu Nhị dương đều “bác”, thì tuyệt mất cái nguồn gốc sinh ra âm dương rồi. Âm không được Dương điều hòa thì sinh ra bệnh hàn; Dương không được âm điều hòa thì sinh ra bệnh nhiệt. Giờ âm dương đều tuyệt thì là một chứng rất nguy. “Chín” là hàng cuối cùng của số dương; “mười” là hàng cuối cùng của số âm. Chết về ngày thứ mười, tức là đúng vào cái thời kỳ âm dương đều hết. Tiết trên nói mạch của Tam dương ở đầu, mạch của Tam âm ở thủ, đó tức là “như” một, là “nhất quán”. Nếu hai khí Âm Dương không quán thông với nhau, mà lại tự cùng bác kích (chọi, xung đột) lẫn nhau, thì sẽ gây nên chứng chết như vậy. Tiết này nói: nhờ về khí dương hòa của Vị quản để sinh nuôi âm dương năm Tàng. Nếu hai Dương đều “bác” thì âm dương đều tuyệt, cũng là chứng chết.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 20, 2018, 10:47:54 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #8 vào lúc: Tháng Một 03, 2018, 11:25:11 PM »

Chương tám

LINH LAN BÍ ĐIỂN LUẬN



KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Xin cho biết 12 Tàng có những nhiệm vụ gì và quý tiện như thế nào? (1)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tâm là một cơ quan quân chủ, thần minh do đó mà sinh ra. (2)

 - Phế là một cơ quan tương truyền, chi tiết do đó mà sinh ra. (3)

 - Can là một cơ quan tướng quân, mưu lự do đó mà sinh ra. (4)

 - Đởm là một cơ quan trung chính, quyết đoán do đó mà sinh ra. (5)

 - Chiên trung là một cơ quan thần sứ, hỷ lạc do đó mà sinh ra. (6)

 - Tỳ Vị là một cơ quan thương lẫm (kho đụn), năm vị do đó mà sinh ra. (7)

 - Đại trường là một cơ quan truyền đạo (đưa dẫn, bài tiết), sự biến hóa do đó mà sinh ra. (VIII)

 - Tiểu trường là một cơ quan thụ thịnh(chứa đựng), hóa vật do đó mà sinh ra. (90)

 - Thận là một cơ quan tác cường, kỹ sảo do đó mà sinh ra. (10)

 - Tam tiêu là một cơ quan quyết độc, thủy đạo do đó mà sinh ra. (11)

 - Bàng quang là một cơ quan châu đô, tân dịch chứa ở đó, khi hóa thì sẽ tiết ra. (12)

 Phàm 12 cơ quan ở trên, không nên để cho "tương thất". (13)

 Cho nên nếu chủ "minh" thì dưới yên. Lấy lẽ đó để dưỡng sịnh thì sống lâu, trọn đời không bị đau ốm; lấy lẽ đó để trị thiên hạ thì thái bình. (14)

 Chủ không minh thì 12 cơ quan sẽ nguy, sứ đạo (tứ tâm) vít lấp, thân hình bị thương. Lấy lẽ đó để dưỡng sinh thì sinh đau ốm, lấy lẽ đó để trị thiên hạ thì rối loạn. Nên phải răn giữ lắm mới được. (15)

***

 Chí đạo rất huyền vi biến hóa thật vô cùng, ai biết tới nguồn gốc. (16)

 Ở trong cõi mờ tối, ai người biết mấu chốt? Lo nghĩ suốt đêm ngày, sao cho được nên hay? (17)

 Cái số hoảng hốt này, ra từ hào ly; cái số hào ly, nảy ra từ độ lượng; từ nghìn suy đến vạn, rồi càng suy càng lớn lên mãi, cho tới khối thể cùng cực, thân hình mới được chính. (18)

 Hoàng Đế nói rằng:

 - Thiện lắm thay! Tôi nghe cái đạo "tinh, quang" thực là cái đức lớn của bực đại thánh. Muốn làm cho tuyên minh đạo ấy, nếu không trai giới, chọn ngày tốt, không dám thừa nhận. (19)

 Đế liền chọn ngày tốt, đề bài luận trên đây vào trong nhà Linh Lan. (20)

Chú giải

 (1) Sáu Tàng chứa thần (các chất vô hình) sáu Phủ chứa vật (các chất hữu hình). Ở đây, sáu Tàng sáu phủ đều gọi là Tàng nên mới có 12 Tàng – Chứa những gì “thanh” (như thần khí) là quý, chứa những gì “trọc” (như thực vật) là tiện. Trong năm Tàng, duy có túc Thái âm là dung thụ thứ “trọc”, nên Tỳ, Vị mới là cơ quan thương lẫm.

 (2) Tâm (trái tim) vị ứng Nam phương, thiêng liêng sáng suốt, nên làm cơ quan quân chủ (tỷ như vị quân chủ cai trị cả nước); vì thiêng  liêng sáng suốt, nên chủ về “tàng thần” và nói “thần minh do đó mà sinh ra”. Vương Tử Phương nói: Huyết tức là thần khí. Tâm tàng thần, Tâm chủ mạch, các kinh mạch của 12 Tàng, Phủ đều lấy Tâm là chủ.

 (3) Phế bộ vị rất cao, ở gần với quân chủ, tỷ như vị Thủ tướng, chuyên về việc tán bố âm dương, nên nói “trị tiết do đó sinh ra” (trị tiết cũng như hiệu lệnh).

 (4) Can khí cấp và chí về “nộ”, nên làm một cơ quan như vị Tướng quân. Nó chủ về cái khí xuân sinh, còn ẩn phục chưa phát tiết ra, nên chủ về mưu lự (mưu kế, nghĩ ngợi).

 (5) Đởm bẩm thụ cái khí cương nghị, phàm người có Đởm thì hay quyết đoán, nên làm cơ quan trung chính (ngay thẳng).

 (6) Chiên trung tức cũng như cung thành của quân chủ; Tâm chủ bào lạc, bộ vị đều liền với Chiên trung; Chiên trung thay Tâm chủ bào lạc để thi hành mệnh lệnh. Tâm chí về hỷ, nên hỷ lạc do đó mà sinh ra.

 (7) Tỳ với Vị chủ về thâu nạp thủy cốc, nên mới làm cơ quan thương lẫm, Tỳ như kho đụn để chứa thóc lúa. Năm vị vào Vị, Tỳ chuyển Du sinh khí ra để nuôi năm Tàng, nên nói “năm vị do đó mà tiết ra”.

 (VIII) Đại trường ở phía dưới Tiểu trường; Tiểu trường chứa đựng thủy cốc do Vị truyền xuống, rồi lại do Đại trường truyền tống cặn bã ra ngoài, nên mới nói là cơ quan truyền đạo và sự biến hóa do đó mà ra.

 (9) Tiểu trường ở phía dưới Vị, chứa đựng lấy những vật do Vị truyền xuống, hóa lấy tinh dịch, rồi tống bỏ cặn bã xuống Đại trường.

 (10) Thận tàng về “chí”, chí lập thì hay “tác cường” (sức làm mạnh). Bên trong đã tác cường thì kỹ xảo sẽ tỏ ra bên ngoài.

 (11) Tam tiêu chủ về khí, khí có hóa thì thủy đạo mới lưu thông, nên mới nói là cơ quan quyết độc (quyết là khơi cho chảy, độc là đường nước chảy).

 (12) Bàng quang là thủy Phủ (tức kho chứa nước), bao cái chất nước đều hội tụ ở đó. Cho nên làm một cơ quan châu đô (tức nơi đô hội, đông đúc). Thủy cốc vào Vị, lọc ra chất nước dẫn qua Hạ tiêu, thấm vào Bàng quang. Nếu khí ở Bàng quang có vận hóa, thì nước mới có thể dẫn xuống mà tiết ra ngoài.

 (13) Mười hai cơ quan vừa nói trên, kinh mạch đều cùng liên lạc giao thông với nhau, không nên để “tương thất” (tức là mất sự giao thông).

 (14) Năm Tàng sáu Phủ, Tâm đứng làm chủ. Quân chủ có thần minh (ý nói huyết mạch chạy đều) thì 12 cơ quan đều yên ở chức vụ của mình… Theo lẽ đó để dưỡng sinh thì lo gì không sống lâu. Do cái ý nghĩa đó, mà cai trị thiên hạ, thì vua giỏi tôi hiền, trăm quan đều làm tròn nhiệm vụ, lo gì thiên hạ không thái bình.

 (15) Tâm thuộc quẻ “Ly”. Ly nghĩa là sáng. Tâm là chủ cả một tấm thân; nếu Tâm chủ không sáng thì 12 cơ quan kia cũng đề bỏ cả chức vụ, còn yên sao được. Tâm bào lạc làm cơ quan thần sứ, thay quân chủ để thi hành mệnh lệnh mà chủ về mạch. Mạch tức là huyết mạch; huyết tức là thần khí. Thần khí rối loạn thì huyết mạch ngừng đọng, sứ đạo sẽ bị vít lấp. Huyết khí đầy ở da, nóng vào thịt thấm ra bì phu, mọc lông tóc, nhuận gân xương, dịu quan tiết (các khớp). Nếu huyết mạch không thông thì thân hình còn toàn sao được. Do lẽ đó, nên con người phải cẩn thận bảo vệ lắm mới được.

 (16) Tiết này tiếp theo văn ở đoạn trên, nói: Cái chí đạo tu thân, dưỡng sinh, suy tới đến trị bình thiên hạ, thật rất huyền vi. Bởi cái tâm con người, biến hóa vô cùng, nếu “chính” được Tâm. Do đó để dưỡng sinh thì sẽ được sống lâu; lại do đó để trị thiên hạ, thì thiên hạ sẽ thái bình. Trái lại, nếu Tâm ấy không chính, về dưỡng sinh cũng mắc phải tai ương , mà về trị thiên hạ cũng thành ra rối loạn. Đó chỉ do có “một niệm” phát sinh, mà thật ít ai biết tới nguồn gốc.

 (17) “Mờ tối” ý cũng như huyền vi; “mấu chốt” tức là chí đạo; “lo nghĩ” tức là lo nghĩ để suy xét cái đạo ấy; biết đạo ấy tức là “nên hay”.

 (18) “Hoảng hốt” tức là chỉ về “tâm thần” khi mới chớm nở, chưa biết thế nào là nhất định. Từ bắt đầu nó chỉ bằng hào ly (tức rất bé nhỏ); nhưng do đó mà đến không thể đo lường. Chi trong có hào ly, mà tà hay chính đã phân, rồi suy ra đến vô cùng, vô tận; Tâm có chính rồi thân hình mới được chính.

 (18) “Tinh” tức là khiết; “quang” tức sáng suốt. Cái đạo “chính Tâm, tu thân” rất tinh quang. Chỉ bậc đại thánh mới thực hiện được, do chính tâm, tu thân rồi tới trị quốc bình thiên hạ. “Trai giới” tức là kính giữ cho được hoàn toàn “thành ý”.

 (20) Linh lan tức là một cái nhà để cất chứa những “chí ngôn, chí luận” của các bậc tiên thánh. Vì có câu này ở cuối, nên dùng làm tên bài ở trên đầu.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 21, 2018, 03:47:55 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #9 vào lúc: Tháng Một 26, 2018, 10:30:43 AM »

Chương chín

LỤC TIẾT TẠNG TƯỢNG LUẬN



KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe: Trời do cái tiết "sáu sáu" để làm nên một năm; người do cái số "chín chín" để "chế hội"; tính ra người cũng ba trăm sáu nhăm tiết, để hợp với trời đất, đã lâu rồi. Nghĩa đó như sao, xin cho biết (1).

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Cái tiết "sáu sáu" và "chín chín" chế hội, là cốt để phân rõ "thiên độ" và ghi rõ "khi số" (2).
 
 Thiên độ cốt là chỉ để đo sự vận hành của nhật nguyệt. Khí số cốt để ghi cái công dụng của hóa sinh (3).

 Thiên là dương, địa là âm; nhật là dương, nguyệt là âm; sự vận hành có phận kỷ, mỗi một chu có đường lối. Nhật vận hành được một độ, thì nguyệt vận hành được mười hai độ, mà còn lẻ nữa. Cho nên tính cả tháng thiếu, tháng đủ, cộng ba trăm sáu mươi nhăm ngày mà thành một năm, chứa các khí "doanh, sóc, hư" lại mà thành ra tháng nhuận (4).

 Lập cây thẳng lên làm nêu để nhận phương hướng , tính kỹ những giờ khắc thừa... Đó là hoàn tất cái nhiệm vụ thiên độ (5).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe thiên độ rồi. Xin cho nghe khí số, hợp lại với nhau như thế nào? (6)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Trời lấy "sáu sáu" làm tiết, đất lấy "chín chín" chế hội (7).

 Trời có mười ngày, chọn sáu lần mười ngày mà chu giáp thì thành một năm (VIII).

 Những bực thông thiên đời xưa, biết được cái gốc về sự sống của con người, là gốc ở âm dương. Cái khí đó ở đất thì chín châu, ở người thì là chín khiếu và thông với tam khí (9).

 Cho nên sinh ra năm, mà khí thì có ba (10). Do ba mà thành trời; do ba mà thành đất; do ba mà thành người (11).

 Ba mà nhân với ba, hợp lại thì thành chín, chí chia ra làm chín dã (khu vực); chín dã chia ra làm chín tàng(12).
 
 Cho nên ở con người, về hữu hình có bốn Tàng, về "thân có năm Tàng" hợp lại thành chín Tàng để ứng với chín "dã" ở trên (13).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi được nghe cái tiết "sáu sáu" và cái số "chín chín" rồi. Trên kia Phu Tử nói: "Chứa khí... thành nhuận". Vậy chẳng hay thế nào là khí? (14)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Năm ngày là một "hậu", ba "hậu" là một "khí", sáu "khí" là một mùa, bốn mùa là một năm... Mà đều theo khí của mùa để làm chủ trị (15).

 Năm vận cùng rập theo nhau, để cùng đi; cứ đến chọn cái tháng cuối năm, hết vòng rồi lại bắt đầu. Mùa đã lập, khí tán bố, như vòng không chỗ nối. Về "hậu" cũng một khuôn phép ấy (16).

 Cho nên nói rằng: "Không biết sự da lâm" trong một năm, sự suy hay thịnh của khí và hư thực bởi đâu phát sinh... Không thể gọi là  "lương công" (17).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 Bắt đầu năm vận, quanh đi như vòng không đầu mối. Vậy về "thái quá" và "bất cập" như thế nào? (18)

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Năm khí thay đổi, đều có "sở thắng", "thịnh" hay "hư" xảy ra là cái lệ thường (19).

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Thế nào là bình khí?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Không sai với thường hậu là bình (20).

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Thế nào là thái quá và bất cập?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Ở kinh đã có nói rồi (21).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Thế nào là sở thắng?...

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Xuân thắng Trưởng hạ, Trưởng hạ thắng Đông, Đông thắng Hạ, Hạ thắng Thu, Thù thắng Xuân... Đó là được cái thắng về năm hành; nhân lấy cái khí đó để đặt tên cho Tàng (22).

Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Sao lại biết là thắng?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Cốt tìm ở cái khí của nó, nhưng đều phải bắt đầu từ mùa Xuân. Nếu khí chửa đến mà đã đến, thì gọi là thái quá. Nó sẽ bách cái "sở bất thắng", mà lấn cái "sở thắng". Như thế gọi là khí dâm không phân, tật bệnh sẽ sinh ra ở bên trong, lương công cũng không thể ngăn được (23). Nếu đã đến mà không đến, thì gọi là bất cập. Như thế thì cái "sở thắng" nó sẽ vọng hành, mà cái "sở sinh" sẽ thụ bệnh. Vì cái sở bất thắng nó bách đến nỗi thế. Nên gọi là "khí bách" (24).

 Ta cần phải cầu cái lúc khí nó đến. Cẩn thận để chờ cho đúng lúc, khí có thể cùng hẹn. Nếu trái cái thời hậu ấy, thì cái khí của năm vận sẽ không phân, tật bệnh sẽ sinh ra ở bên trong, dù lương công cũng không chữa được (25).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Có sự gì duyên tập (26) chăng?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Khí của trời, không thể nào vô thường. Nếu khí không duyên tập, tức là phi thường; phi thường thì là biến (27).

 Hoàng đế hỏi rằng:

 - Phi thường thì sẽ biến như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Biến đến thì mắc bệnh; sở thắng thì nhẹ, sở bất thắng thì nặng. Nhân đó mà lại mắc thêm tà khí thì sẽ chết. Cho nên không phải "thời" của nó thì bệnh nhẹ, đúng vào thời của nó thì bệnh nặng (28).

***

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe: Khí hợp mà có hình, nhân biến mà đặt tên; cái vận của trời đất, sự hóa của âm dương, đối với muôn vật, cái gì ít, cái gì nhiều, xin cho biết (29).

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Loài thảo sinh ra năm sắc, đến sự biến của năm sắc, sức mắt không thể trông siết; loài thảo sinh ra năm vị; đến cái ngon của năm vị, người ta không thể dùng siết (30).

 Sự thị dục của các Tàng không giống nhau, mà đều có giao thông với nhau (31). Trời nuôi con người lấy năm khí, đất nuôi con người bằng năm vị. Năm khí vào mũi, chứa ở Tâm Phế, khiến cho năm sắc sáng sủa, tiếng nói rõ ràng; năm vị vào miệng, chứa ở Trường Vị. Vị có nơi chứa, để nuôi năm khí. Khí hòa sẽ cùng sinh tân dịch thấm nhuần, "thần" do đó sẽ sinh ra (32).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Hình tượng của các Tàng như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tâm là cái gốc của sinh mệnh con người, sự biến hóa của thần do đó mà sinh ra. Vẻ tươi đẹp hiện lên mặt và đầy đủ khắp huyết mạch. Nó là kinh Thái dương ở trong dương, thông với khí mùa Hạ (33).

 - Phế là cái gốc của khí, phách ký túc ở đó. Nó phát hiện ra ngoài lông và đầy ở trong bì phu. Nó là Thái âm ở trong dương, thông với khí mùa Thu (34).

 - Thận là một nơi gốc của sự bế tàng, "tinh" chứa ở nơi đó, nó tốt đẹp lên tóc, đầy đủ ở trong xương. Nó là âm ở trong Thiếu âm, thông với khí mùa Đông (35).

 - Cần là cái gốc của sự làm lụng khó nhọc, hồn ký túc ở đó, nó tươi đẹp ra các móng tay chân và đầy đủ ở trong gân. Nó sinh ra huyết khí. Thuộc về vị là chua, thuộc về sắc là xanh. Nó là Thiếu dương ở trong dương, thông với khí mùa Xuân (36).

 - Tỳ, Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang... là cái gốc của kho đụn. Vịnh gửi ở nơi đó, gọi nó là một cơ quan như đồ dùng. Nó hóa được các chất cặn bã và du chuyển các vị vào hay ra. Nó tươi đẹp lên môi và xung quanh miệng. Nó đầy đủ ra ở thịt. Thuộc về vị là ngọt, thuộc về sắc là vàng. Nó là chí âm, thông với thổ khí (37).

* Tổng cộng tất cả mười một Tàng đều thủ quyết ở Đởm (38).

 Cho nên: Mạch ở Nhân nghinh thấy một thinh thì bệnh ở Thiếu dương; thấy hai thịnh thì bệnh ở Thái dương; thấy ba thịnh thì bệnh ở Dương minh; thấy bốn thịnh trở lên thì tức là cách dương (39).

 Mạch ở thốn khẩu thấy một thịnh thì bệnh ở Quyết âm; thấy hai thịnh thì bệnh ở Thiếu âm; thấy ba thịnh thì bệnh ở Thái âm, thấy bốn thịnh trở lên thì tức là Quan âm (40).

 Mạch ở Nhân nghinh với Thốn khẩu đều thấy thịnh, gấp bốn lần trở lên thì gọi là quan cách. Mạch về chứng quan cách, nếu quá không thể hợp được với tinh khí của trời đất, thì sẽ phải chết (41).

Chú gải

 (1) Cái tiết “sáu sáu”… Do mười Can chủ về thiên. Mười Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Sáu mươi Giáp Tý là một “chu” (tức một vòng, một lượt), là một tiết. “Sáu sáu” tức sáu lần sáu mươi (Giáp Tý) là ba trăm sáu mươi nhăm ngày, hợp thành một năm. Ở con người do số “chín chín để chế hội”… tức là con người có chín khiếu, chín Tàng, địa có chín châu, chín dã; do hợp số “ba” mà thành thiên; hợp số “ba” mà thành địa; hợp số “ba” mà thành nhân (người) v.v…

 (2) Mỗi năm có 365 ngày, mà trời có 365 độ. (Thiên độ) tức là “độ” của trời, chữ độ cũng tựa như thước, như đời nay đo quả đất cũng tính theo độ

 (3) “Chu thiên” (một vòng trời) có 365 độ. Nhật mỗi ngày vận hành được một độ, suốt năm vận hành được một chu thiên. Nguyệt mỗi ngày vận hành được 13 độ, suốt một tháng trời vận hành được một chu thiên. Đó là lấy cái độ số của trời để ghi sự vận hành của nhật nguyệt. Khí số là nói về cái số “ba” sinh ra năm khí. “Hóa” tức là sự biến hóa của âm dương. Ở trời, thành cái tiết “sáu sáu”, ở đất và ở người thành cái số “chín chín” đều là cái công dụng hóa sinh của âm dương cả.

 (4) “Sự vận hành có phân kỷ” tức là nói sự vận hành của nhật nguyệt đều có chia rõ “phân dã” (khu vực, đất đai, nơi nhật nguyệt vận hành qua). “Đường lối” cũng là cái đường lối vận hành của nhật nguyệt, như Nam đạo, Bắc đạo v.v…

 Án: Lịch pháp, chu thiên có 365 độ và một phần tư độ. Đất tả toàn (vòng về tay trái), một ngày một đêm thì vận hành được một chu thiên và hơn ra một độ. Nhật nguyệt đều hữu hành. Cứ một ngày một đêm, nhật vận hành được một độ, nguyệt vận hành được mười ba độ và một phần bảy trong mười chín phần của độ. Nên mới nói rằng “có lẻ”. Nhật một năm thì một chu thiên; Nguyệt hai mươi chín ngày có lẻ thì một chu thiên. Vì là hai mươi chín ngày có lẻ nên mới sinh ra tháng đủ tháng thiếu. Mỗi năm có năm ngày lẻ thuộc về “sóc hư”, cho nên chỉ có 365 ngày; lại có năm ngày lẻ thuộc về “khí doanh”. Hợp những ngày “sóc hư, khí doanh” lại mà sinh ra tháng nhuận. Cho nên mỗi năm tính cả tháng nhuận tổng cộng được 365 ngày có lẻ.

 Lại án: Hán luật chỉ chép rằng: Nhật nguyệt và ngũ tinh, từ phương Tây vòng quanh bầu trời đi về phương Đông; thiên đạo từ phương Đông mà về phương Tây. Một ngày một đêm, nhật nguyệt theo trời chuyển về phương Tây một chu như kiến bò trên cối, cối chuyển một vòng, mà nhật đi về phương Đông chỉ được một độ, nguyệt từ phương Tây đi về phương Đông được 13 độ. Nguyệt đi nhanh, mà mỗi tháng gặp nhật một lần, là một chu thiên. Do đó, mỗi năm ngày Đông chí, ngày Hạ chí, nhật vận hành có chia ra Nam và Bắc đạo; mỗi tháng, ngày “thượng huyền”, ngày “hạ huyền” (mặt trăng vòng cong trở lên như cái cung để ngửa là thượng huyền, tức là từ rằm (15) trở lên mồng một; mặt trăng vòng cong trở xuống như cái cung để úp là hạ huyền, tức là từ 16 đến 30), nguyệt vận hành có chia ra Nam đạo và Bắc đạo.

 (5) Đời thượng cổ dùng cây gỗ cao tám thước chôn đứng thẳng để đo bóng mặt trời và để chia rõ Đông, Tây, Nam, Bắc. Lấy chu thiên 365 độ và lẻ một phần tư độ để suy tính sự vận hành có lẻ của nhật nguyệt; Khí doanh năm ngày có lẻ; Sóc hư năm ngày có lẻ… Tính dồn cả lại, để cho trọn cái số ngày của một năm. Đó là tính hết về thiên độ.

 (6) Ở đây, Hoàng Đế lại đem số chín chín hợp với cái số sáu sáu, để hỏi.
 
 (7) Trên kia, Kỳ Bá bắt đầu lấy cái số chín chín của người, để ứng với cái số sáu sáu của người. Ở đây, lại lấy cái số chín chín của đất, để hợp với cái số sáu sáu của người.

 (VIII) Đây nói: Trời lấy cái tiết sáu sáu mà thành một năm. Mười “Can” chủ về trời, cho nên nói: “Giời có 10 ngày”.

 (9) Đây nói: Cái số chín chín của đất và cái số chín chín của người, mà thông với cái tiết sáu sáu của trời, đều gốc ở âm dương. Âm dương là do cái “Tam khí” của ngũ hành sinh ra. Bởi thế nên lấy chín châu của đất, chín khiếu của người, đều thông với thiên khí. Vì trời cũng có “Tam khí” ấy, đất cũng có “Tam khí” ấy vậy.

 (10) “Sinh ra năm” tức là nói thập Can của trời hóa sinh ra năm hành của đất. “Khí có ba” tức là nói cái khí “Tam âm, Tam dương” do ngũ hành sinh ra.

 (11) Đây nói: Lấy cái Tam khí ấy, ba hợp với ba để thành ra sáu khí của trời, sáu khí của đất và sáu khí của người. Nói về sáu khí của trời, như: sau Đông chí, được ngày Giáp Tý thì Thiếu dương vượng; lại được ngày Giáp Tý thì Dương minh vượng; lại được ngày Giáp Tý thì Thái dương vượng; lại được ngày Giáp Tý thì Quyết âm vượng; lại được ngày Giáp Tý thì Thiếu âm vượng; lại được ngày Giáp Tý thì Thái âm vượng… Đó là lấy cái tiết sáu sáu của trời để thành một năm. Nói về sáu khí của đất, như phía hữu Hiển minh, là Vị của Quân hỏa; phía hữu Quân hỏa, lui một bộ, do Tướng hỏa cai trị; lại tiến đi một bộ, do Thổ khí cai trị; lại tiến đi một bộ do Kim khí cai trị; lại tiến đi một bộ do Thủy khí cai trị; lại tiến đi một bộ, do Mộc khí cai trị; lại tiến đi một bộ, do Quân hỏa cai trị… Đó là cái khí và địa vị của địa lý ứng với sáu tiết. Nói về sáu khi ở con người, tức là cái khí của “Tam âm, Tam dương” như: Mạch ở Nhân nghinh một thịnh thì bệnh ở Thiếu dương; hai thịnh thì bệnh ở Thái dương; ba thịnh thì bệnh ở Dương minh; mạch ở Thốn khẩu một thịnh bệnh ở Quyết âm, hai thịnh bệnh ở thiếu âm, ba thịnh bệnh ở Thái âm.

 (12) Ở đây lại nói: Về sáu khí của trời đất và người. Ba nhân với ba, hợp lại thì thành cái số chín chín. Cái số chín chín ấy lại chia thành chín dã ở đất và ở chín Tàng ở người. Đó là lấy chín châu để phối hợp với chín khiếu, chín dã để phối hợp với chín Tàng. Cho nên nói rằng: “Chín dã phối hợp với chín Tàng”. Vì chín châu ở đất, thông với thiên khí. Tam khí của trời chia làm chín dã. Đó là đất lấy số “chín chín” chế hội, mà hợp với tiết “sáu sáu” của người vậy. Lấy chín khiếu của người, thông với khí trời. Tam khí của trời chia làm chín Tàng. Thế là người lấy số “chín chín” chế hội mà hợp với cái tiết “sáu sáu” của người vậy (chế hội: tức phân phối sự hội họp).

 (13) "Bốn Tàng hữu hình” tức là Tàng chứa vật hữu hình (như thủy cốc v.v…); “thần Tàng” tức là những Tàng chứa  về thần (tinh thần, thần khí). Những Tàng chứa hữu hình như: Vị, Đại trường và Bàng quang… Những Tàng chứa về thần như: Tâm tàng thần, Can tàng hồn, Tỳ tàng ý, Phế tàng phách, Thận tàng chí. Năm vị vào miệng, chứa ở Trường vị, các chất tân dịch (nước màu) chứa ở Bàng quang, để nuôi thần khí của năm Tàng. Cho nên lấy “hình Tàng, thần Tàng” hợp làm chín Tàng, để phối hợp với chín châu, chín dã của đất.

 Án: Trước nói: “Người lấy số chín chín để chế hội”, sau nói: “đất lấy số chín chín để chế hội”. Bởi ở người là chín Tàng, ở đất là chín dã thì “người” với “đất” đều có thể nói “lấy chín chín để chế hội” vậy.

 (14) Ba lần năm, mười lăm ngày làm một khí. Mỗi một khí “doanh” (đầy đủ) hai mươi mốt khắc có lẻ. Hợp các ngày “khí doanh, sóc hư” mà sinh ra “nhuận”. Cho nên nói: “Chứa khí doanh nhuận”.

 (15) Nguyệt lệnh nói: “Tiết lập xuân, năm ngày bắt đầu, gió đông làm tan mặt nước đông đặc; năm ngày thứ hai chập trùng (loài sâu nằm co ẩn nấp trong hang) mới cựa; năm ngày sau cùng, cá nhảy lên mặt băng… Như vậy là “năm ngày làm một hậu” (chữ tiết hậu hay khí hậu v.v… do đây mà ra). Ba lần năm là mười lăm ngày, thành một “khí”, sáu khí 90 ngày làm một mùa. Tất cả bốn mùa, hợp 24 khí, thành một năm. Nhân cái khí của bốn mùa, cứ theo đó làm chủ trị.

 (16) Tiết này nói về “Chủ tuế” của năm vận. Tỷ như: Về những năm Giáp Kỷ thì Thổ vận làm chủ; về những năm Ất Canh thì Kim vận làm chủ; về những năm Bính Tân thì Thủy vận làm chủ; về những năm Đinh Nhâm thì Mộc vận làm chủ; về những năm Mậu Quý thì Hỏa vận làm chủ. Theo sự duyên tập của năm hành, đều làm chủ từng năm một. Trong một năm cái khí nào làm chủ, thì làm chủ suốt cả ba trăm sáu mươi nhăm ngày. Cứ năm năm là một vòng, hết vòng thì lại bắt đầu. Trong một năm, lại chia ra cái mùa của năm vận nó làm chủ, để bố tán cái khí của năm hành. Năm khí cứ truyền lẫn nhau, như cái vòng không chỗ nào nối. Cái khí về từng hậu, cũng theo như sự duyên tập năm năm một vòng của chủ vận.

 (17) Mỗi năm có sáu khí “da lâm” (tức là cái khí ấy nó tới năm ấy). Về năm vận có sự thái quá hay bất cập và có khí thịnh hay suy, do đó sự “thừa võ, thắng phục” bởi hư thực gây nên. Cái khí của hàng năm thịnh hay suy, chủ về tật bệnh của nhân dân sống hay chết. Cho nên, nếu không biết khí vận thì không thể làm được lương công (tức là người thợ giỏi, thầy thuốc giỏi).

 Án: Ở trên nói về năm ngày là một “hậu”, theo thiên Nguyệt lệnh ở Lễ ký, sách Lã Thị Xuân ThuĐại Minh nhất thống lịch, đều có chép một cách rõ ràng. Xin phụ lục dưới đây, để duyệt giả biết được tường tận.

 Tháng Mạnh xuân, về tiết Lập xuân: Năm ngày lúc bắt đầu, gió Đông làm tan nước đóng váng. Năm ngày thứ hai, chập trùng mới cưa quậy. Năm ngày cuối, cá nhảy lên khỏi mặt nước băng.

 Tiết Vũ thủy: Năm ngày lúc bắt đầu, rái cá tế cá. Năm ngày thứ hai, chim hồng nhạn về, từ phương Nam bay sang phương Bắc. Năm ngày cuối, cỏ cây mới nảy mầm.

 Về Trọng xuân: Năm ngày lúc bắt đầu, đào mới nở hoa. Năm ngày thứ hai, chim thương canh (tu hú) kêu. Năm ngày cuối, chim ưng hóa thành chim kíu.

 Tiết Xuân phân: Năm ngày lúc bắt đầu, chim "huyền điểu" (tức là chim én) đến. Năm ngày thứ hai, sấm mới động, cây thược dược tốt. Năm ngày cuối, mới có chớp.

 Tháng Quý xuân, tiết Thanh minh: Năm ngày lúc bắt đầu, ngô đồng (tức cây vông) mới nở hoa. Năm ngày thứ hai, chuột đồng hóa làm chim dẽ, mẫu đơn nở hoa. Năm ngày cuối, cầu vồng mới phát hiện.

 Về tiết Cốc vũ: Năm ngày lúc bắt đầu, bèo mới nở. Năm ngày thứ hai, chim minh cưu vỗ cánh bay. Năm ngày cuối chim đái thắng tới làm tổ ở cây dâu.

 Về tháng Mạnh hạ, tiết Lập hạ: Năm ngày lúc bắt đầu, giun đất kêu. Năm ngày thứ hai, giun ở dưới đất mới bò lên. Năm ngày cuối, dây bầu mới mọc.

 Về tiết khí Tiểu mãn: Năm ngày lúc bắt đầu, rau khổ thái mới tốt. Năm ngày thứ hai, các loài cỏ lá mềm chết dần. Năm ngày cuối cùng lúa chín dần.

 Tháng Trọng hạ, tiết Mang chủng (tức là măng mọc): Năm ngày lúc bắt đầu, sâu bọ ngựa mới nở. Năm ngày thứ hai, chim khuyến cốc kêu. Năm ngày cuối, chim bách thiệt thôi không hót.

 Về khí Hạ chí: Năm ngày lúc bắt đầu, sừng hươu mới rụng. Năm ngày thứ hai, ve mới kêu. Năm ngày cuối cùng, cây bán hạ mọc, cây mộc cận tốt (tức ta gọi là cây ông bụt hay dâm bụt).

 Về tháng Quý hạ, tiết Tiểu thử: Năm ngày lúc bắt đầu, ôn phong (tức gió ấm) thổi đến. Năm ngày thứ hai, dế làm tổ ở dưới vách. Năm ngày cuối cùng, chim ưng mới tập lượn.

 Về khí Đại thử: Năm ngày lúc bắt đầu, cỏ nát hóa làm đom đóm. Năm ngày thứ hai, đất ẩm, oi bức. Năm ngày cuối thường có mưa to.

 Về tháng Mạnh thu, tiết Lập thu: Năm ngày lúc bắt đầu, gió mát thổi lên. Năm ngày thứ hai, bạch lộ (tức là móc trắng mới nhỏ xuống). Năm ngày cuối hàn thuyền mới kêu.

 Về khí Xử thử: Năm ngày lúc bắt đầu, chim ưng mới tế cá. Năm ngày thứ hai, trời đất mới trong sáng và “hanh”. Năm ngày cuối, lúa đã phơi khô.

 Về tháng Trọng thu, tiết Bạch lộ: Năm ngày lúc bắt đầu, gió mạnh thường thổi đến, chim hồng nhạn bay lại. Năm ngày thứ hai, chim huyền điều bay về. Năm ngày cuối, các loài chim để dành thức ăn.

 Về khí Thu phân: Năm ngày lúc bắt đầu, sấm mới thôi không động. Năm ngày thứ hai, các loài sâu đất mới chui vào tổ, trấn hỏa thảo mới nở hoa. Năm ngày cuối, nước khan dần.

 Tháng Quý thu, tiết Hàn lộ: Năm ngày lúc bắt đầu, chim hồng nhạn lai tân (tân tức là khách, về tháng Trọng thu đã có một loài chim hồng nhạn đến rồi, đến tháng này chim hồng nhạn lại đến. Vậy loạt đến trước là chủ mà loạt đến sau này là khách, nên gọi là lai tân). Năm ngày thứ hai, chim tước vào nước hóa làm con trai. Năm ngày cuối, cúc mới nở hoa.

 Về khí sương giáng: Năm ngày lúc bắt đầu, giống sài (chó sói) mới tế loài thú. Năm ngày thứ hai, cỏ cây rụng lá. Năm ngày cuối, giống chập trùng đều ẩn nấp.

 Tháng Mạnh đông, tiết Lập đông: Năm ngày lúc bắt đầu, nước mới thành băng. Năm ngày thứ hai, đất mới nứt nẻ, chim trĩ bay xuống biến hóa làm loại Thận (tức Thận khí, giải nghĩa quá dài, xin để về đoạn khác).

 Về khí Tiểu tuyết: Năm ngày lúc bắt đầu, cầu vồng thôi không xuất hiện. Năm ngày thứ hai, khí đất bốc lên, khí trời giáng xuống. Năm ngày cuối, mọi sự đều vít lấp mà thành mùa đông.

 Tháng Trọng đông, tiết Đại tuyết: Năm ngày lúc bắt đầu, nước băng càng cứng thêm, đất mới nứt to, chim hạt đám kêu thâu đêm. Năm ngày thứ hai, hổ mới giao cấu. Năm ngày cuối, rau vân (tức là rau mần tưới) mới mọc, lệ chi (tức là quả vải), mới nở hoa.
 
 Về khí Đông chí: Năm ngày lúc bắt đầu, loài giun mới lẩn sâu. Năm ngày thứ hai, sừng nai rụng. Năm ngày cuối, nước suối mới đông.

 Tháng Quý đông, tiết Tiểu hàn: Năm ngày lúc bắt đầu, chim nhạn bay về phương Bắc. Năm ngày thứ hai, chim thước (tức bồ các, lành khách) mới làm tổ. Năm ngày cuối, chim trĩ mới kêu.

 Về khí Đại hàn: Năm ngày lúc bắt đầu, gà mới ấp. Năm ngày thứ hai, chim mới bay vụt nhanh. Năm ngày cuối, nước đóng đặc xuống tận đáy…

 (18) Bắt đầu của năm vận từ Giáp Kỷ hóa Thổ; Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa lại sinh Thổ… Hết năm năm rồi lại bắt đầu, như vòng không chỗ nối. Những năm mà năm hành “chủ” đó, lại còn có sự thái quá và bất cập khác nhau.

 (19) Sở thắng: Cái thắng (được, khắc); “Sở bất thắng” : Cái không thắng. “Vũ”: Khinh, phạm tới… Cái khí của năm vận cứ năm năm một lần thay đổi. Cái năm thái quá, thì nó thắng được cái mình thắng, mà lại “vũ” cái mình bất thắng. Đến năm bất cập thì nó sẽ thắng cái mình bất thắng, lại “vũ” cả cái mình sở thắng. Cho nên mới nói là đều có “sở thắng”. Cái khí sở thắng, nếu không chăm giữ đức mình thì thành bỏ hư bản vị, sẽ bị bên ngoài nó thừa cơ mà “vũ”… Đó là lẽ thường của sự thịnh suy.

 (20) “Thường hậu” tức là tiết hậu như thường, không thái quá, không bất cập.

 (21) “Kinh” tức là những bài ở trong Linh khu, như Lục vi chỉ, Chí chân, Yếu luận v.v…

 (22) Đây nói về cái “sở thắng” của năm vận. Mùa xuân ứng về hành Mộc, Mộc sẽ thắng Thổ; mùa Trưởng hạ ứng về hành Thổ, Thổ sẽ thắng Thủy; mùa đông ứng về hành Thủy, Thủy sẽ thắng Hỏa; mùa hạ ứng về hành Hỏa, Hỏa sẽ thắng Kim; mùa thu ứng về hành Kim, Kim sẽ thắng Mộc… Đó là được cái chủ thời của năm hành mà tự làm “thắng”. Xuân, hành Mộc hợp với Can; hạ, hành Hỏa hợp với Tâm; Trưởng hạ, hành Thổ hợp với Tỳ; thu, hành Kim hợp với Phế; đông hành Thủy hợp với Thận. Đó là lấy cái khí của năm hành ở bốn mùa để đặt tên cho năm Tàng.

 (23) Mùa xuân là bắt đầu của khí. Thiên Lục nguyên chính kỷ luận nói rằng: Vận thái quá thì khí nó đến trước, vận bất cập thì khí nó đến sau. Đó là cái khí theo lẽ thường của thiên đạo. Vận không hữu dư, không bất túc, thì gọi là chính tuế, tức là khí đó đến được đúng mùa. Vì thế nên mùa xuân chưa đến mà khí trời đã ôn hòa, đó là khí đến trước, tức là vận thái quá. Cái khí chủ tuế mà thái quá, thì nó bách cái khí “kỷ sở bất thắng và nó lấn “vũ” cái khí “kỷ sở thắng”. Chí chân yếu luận nói rằng: Khí đến gọi là đến, khí phân gọi là phân. Đến thì khí đồng, phân thì khí dị. Đó là cái lẽ chính của trời đất, nếu cái khí chủ về tuế vận, chỉ có thái quá dâm thắng mà không phân, thì tật bệnh sẽ sinh ra ở bên trong, dù lương công cũng không sao chữa được.

 (24) Mùa xuân đã đến mà khí trời chưa ôn hòa, thế là đã đến mà không đến, tức gọi là bất cập. Cái vận khí chủ tuế đã bất cập thì cái khí sở thắng nó sẽ đi càn, mà cái sở sinh sẽ mắc bệnh, tức là cái khí sở bất thắng nó bách đến nỗi thế. Tỷ như chủ tuế là Mộc mà bất cập, thì cái mình sở thắng là Thổ, khí nó sẽ đi càn, mà cái sở sinh ra mình là Thủy khí sẽ mắc bệnh. Cái khí của Mộc hỏa đã hư, thì cái mình sở bất thắng là Kim khí, nó sẽ lấn "vũ", nên mới gọi là khí bách. Vì chủ khí bất cập, mà cái khí “sở thắng”, “sở bất thắng” nó cùng dồn lại để bức bách mà gây nên bệnh.

 (25) “Cầu” là cầu cái khí của bốn mùa, trong cái lúc nó lên đến mà đến. Cẩn thận để đợi cái mùa xuân, hạ, thu, đông, tỷ như cái khí của mùa xuân, có thể hẹn được là ôn; cái khí của mùa hạ, có thể hẹn được là nhiệt; cái khí của mùa thu, có thể hẹn được là lương; cái khí của mùa đông, có thể hẹn được là hàn… nếu trái lẽ thường đó, mà cái khí của năm hành chủ về các mùa, không phân ra được, thì sẽ sinh ra tật bệnh.

 Án: Về đoạn nói nghĩa “sở thắng” trên này, đầu mối rất phức tạp. Theo chú giải trên đây, chưa được rõ lắm, vậy lại xin giải nghĩa tổng quát như dưới:

 Phàm nói là “thắng”, tức là chỉ về sự tương khắc của năm hành. Như: xuân thuộc Mộc, hạ thuộc Hỏa, Trưởng hạ thuộc Thổ, thu thuộc Kim, đông thuộc Thủy. Cho nên xuân thắng Trưởng hạ, tức là Mộc khắc Thổ; Trưởng hạ thắng đông, tức là Thổ khắc Thủy; đông thắng hạ, tức là Thủy khắc Hỏa; hạ thắng thu, tức là Hỏa khắc Kim; thu thắng xuân, tức là Kim khắc Mộc. Đó là ở năm hành thì lấy về mùa để tương thắng, mà ở người thì lấy khí để đặt tên cho Tàng. Như Can thắng Tỳ, Tỳ thắng Thận, Thận thắng Tâm, Tâm thắng Phế, Phế thắng Can v.v… Nhưng muốn biết cái “hậu” về sự thắng đó, thì phải ngay từ trước tiết Lập xuân mười lăm ngày, đó là cái hậu lúc bắt đầu. Lúc đó khí hậu chửa nên đến mà đã đến trước, ấy là khí hữu dư; do đó Phế kim sẽ bất túc. Phế kim bất túc, thì không thể khắc được Mộc, cho nên Mộc thái quá. Vì Mộc khí hữu dư, thì lại bách trở lại Phế kim, mà lấn sang Tỳ thổ. Cho nên nói rằng: “Thái quá thì sẽ bách cái sở bất thắng, mà lấn cái sở thắng”. Ví phỏng Can mộc hữu dư, thì Phế kim sẽ bất túc. Kim đã bất túc, thì không thể khắc được Mộc, cho nên Mộc thái quá, Mộc khí hữu dư thì lại bách Phế kim, mà lấn sang Tỳ thổ, cho nên nói rằng: “Thái quá thì bách cái sở bất thắng, mà lấn cái sở thắng”. Đó đều là cái khí của năm Tàng, cùng xung đột với nhau mà gây nên bệnh, nên mới gọi là khí âm. Khí hậu nên đến mà không đến, qua kỳ rồi mới đến, đó là khí bất túc cho nên bảo là bất cập; do đó cái sở thắng nó sẽ đi càn, mà cái sở sinh sẽ mắc bệnh, cái sở bất thắng lại bách thêm. Lại như Can mộc khí ít, không chế được Thổ; thổ khí không còn kiêng sợ gì nữa, liền lấn tràn đi, Mộc, do đó bị hiếp. Cho nên nói: “Cái sở bất thắng đi càn” mà Tâm cũng đồng thời mắc bệnh. Khí của Can mộc không được quân bình, khí của Phế kim liền bách vào, cho nên nói: “Cái sở bất thắng bách đến”. Nhưng Mộc khí không được bình, Thổ với Kim cùng dồn lại để bách, để gây nên bệnh, nên mới gọi là “khí bách”. Vậy nên mình mà khắc được thì gọi là “sở thắng”; cái nó khắc được mình gọi là “sở bất thắng”; đến cái sinh ra được mình thì gọi là “sở sinh”. Nên ta phải “hậu” (chờ đợi) cái lúc “khí đến”, như “hậu” về năm, thì bắt đầu từ ngày Lập xuân: “hậu” về khí thì bắt đầu từ “định kỳ” của bốn khí; “hậu” về ngày thì tùy ở từng ngày… Cho nên nói: “Cẩn thận để hậu thời khí, có thể kỳ hạn được”.

 (26) Duyên tập: Lần lượt nối lẫn nhau. Tỷ như: Mộc nhờ Thủy mà vượng về mùa xuân, Hỏa nhờ Mộc mà vượng về mùa hạ, Thổ nhờ Hỏa mà vượng về mùa Trưởng hạ, Kim nhờ Thổ mà vượng về mùa thu, Thủy nhờ Kim mà vượng về mùa đông v.v... Khí của năm vận cùng duyên tập lẫn nhau để làm chủ trị.

 (27) Cái khí của trời, bốn mùa thay đổi, tự có kinh thường. Nhưng cái khí của năm vận, có “đức hóa, chính lệnh, biến dị, tai sảnh” không giống nhau. Cho nên cũng có khi không duyên tập, tức gọi là “phản thường” (trái với kinh thường) mà sinh ra biến dịch.

 (28) Năm vận cùng duyên tập là cái kinh vận của khí. Nếu phản thường thì sẽ sinh biến dịch. Vậy mỗi khi cái khí biến thường xảy đến, thì dân sẽ mắc bệnh. Tỷ như mùa xuân Phong mộc làm chủ. Nếu biến ra chứng “sậu chú” (đi tả gấp). Đó là chủ khí, là Phong mộc, mà biến khí là Thấp thổ. Biến khí bị chủ khí nó thắng được thì dân mắc bệnh nhẹ. Nếu lại biến làm “túc sái”, thì đó là: chủ khí là Phong mộc, mà biến khí là Táo kim, biến khí sẽ là cái “sở bất thắng” của chủ khí, do đó dân sẽ mắc bệnh nặng. Thế mà lại cảm thêm tà khí nữa, còn sống sao được? Vậy biết rằng: mỗi khi cái khí biến dịch đến nơi, không đúng vào cái thời nó khắc ta thì bệnh nhẹ; nếu đúng vào cái thời nó khắc ta thì bệnh nặng.

 Lời giải tổng quát: Đoạn này nói về cái khí của năm vận, có khi không duyên tập sẽ gây nên tật bệnh, sự nặng, nhẹ, sống, chết đều quan hệ vào đó.

 Án: Khí của âm dương, đều có nhiều ít khác nhau, nên mới gọi là Tam âm, Tam dương. Như nói: “Hình có thịnh suy” tức là nói cái khí chủ trị của  năm hành, có thái quá và bất cập khác nhau. Cho nên lúc bắt đầu, nếu là hữu dư, thì bất túc sẽ theo; nếu là bất túc, hữu dư sẽ theo. Biết đón trước, biết theo sau, thì cái khí đó có thể hẹn được. Nếu đã thừa mà lại thừa, đã thiếu mà lại thiếu… thì là “phản thường”, mà tật bệnh sẽ sinh ra. Tỷ như: Mộc lệnh thái quá, Mộc khắc Tỳ thổ, nhưng Phế kim đủ sức để chế lại, ấy là nhân cái “sở thắng” mà bệnh nhẹ. Nếu Phế kim không đủ sức để chế lại, mà Tỳ thổ lại bị “sở bất thắng” của Can, thì bệnh tất phải nặng. Bệnh đã nặng rồi, mà lại cảm thêm ngoại tà, thì tất là phải chết. Cho nên nếu khắc không phải cái lúc sở thắng, thì bệnh nặng, là theo nguyên tắc đó.

 (29) Đoạn này lại nói về khí đất với khí trời cùng hợp lại, mà sinh ra muôn vật có hình. Thiên Ngũ thường chí luận nói rằng: Khí bắt đầu mà sinh hóa, khí tan ra mà có hình, khí bố tán nên sự phồn dục, khí kết thúc thành ra tượng biến. Nhưng mà cái sự giúp ích của năm vị, sự sinh hóa có hậu bạc, sự thành thực có nhiều ít… sau trước không giống nhau. Bởi ở trời là khí, ở đất thành hình. Hình với khí cùng hợp, mà hóa sinh muôn vật. Vật sinh ra gọi là hóa, vật đến cực gọi là biến. Sau khi vật biến đã thành, bấy giờ mới định danh được.

 (30) Loài thảo, tức là chỉ về loài ngũ cốc, loài ngũ thái, với các quả của loài mộc v.v… Bởi theo số “ba” sinh ra hành Mộc, cho nên trước nói loài thảo mộc, mà sau mới nói đến côn trùng vạn vật năm sắc, đại khái như sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng, sắc đen v.v… Năm vị, như là vị chua, vị đắng, vị ngọt, vị cay, vị mặn v.v…

 (31) Đây nói sự thị dục của con người không giống nhau mà năm vị đó đều theo về cái Tàng ưa thích của nó. Như: vị đắng trước vào Tâm, vị chua trước vào Can, vị ngọt trước vào Tỳ, vị cay trước vào Phế, vị mặn trước vào Thận v.v…Năm khí vào mũi, chứa ở Tâm Phế, năm vị vào miệng để nuôi năm khí, cho nên nói rằng có sự giao thông liên lạc với nhau.

 (32) Năm khí tức là: Tảo (hôi), tiêu (hắc), hương (thơm), tinh (tanh), hủ (húc, mục nát). Ở trời gọi là khí, cho nên mới nói là lấy năm khí để nuôi người. Ở đất thì là sự biến hóa, hóa sinh ra năm vị, cho nên mới nói là lấy năm vị để nuôi người. Trời, bộ vị ở rất cao, mà trùm ở bên ngoài đất. Cho nên năm khí do khiếu bên ngoài mà lọt vào trong Tâm phế. Phế bộ vị ở trên, thuộc về dương. Tâm làm cho tươi đẹp ở sắc và mặt. Cho nên trên mới nói: “Khiến cho năm sắc sáng sủa”. Phế chủ về tiếng, cho nên trên mới nói: “Tiếng nói rõ ràng”. Đất, bộ vị ở dưới, mà ở vào bên trong trời, cho nên năm vị chứa ở Trường vị để nuôi khí của năm Tàng. Khí nhờ được Vị nuôi, thì âm dương hòa mà sẽ tương sinh với nhau. Phàm các thứ thủy cốc để ăn vào miệng, nó có năm vị, tân dịch đều chia ra các mạch. Khí đã hòa, tân dịch đã đầy đủ, cái “thần” của năm Tàng sẽ do đó mà sinh ra.

 (33) Tâm chủ về huyết. Do Trung tiêu tiếp thụ lấy khí và chất nước lỏng, hóa ra sắc đỏ mà thành huyết, để nuôi sống cho con người. Ở con người, không gì quý bằng nó, cho nên nói là cái gốc của sinh mệnh. Tâm tàng thần, để ứng biến với muôn việc. Mười hai “kinh mạch” ba trăm sáu mươi nhăm “lạc” hết thảy khí huyết đều dồn cả lên mặt; mà Tâm lại chủ về huyết mạch, cho nên mới nói nó phát hiện lên sắc mặt. Vì thể chất của nó là mạch, cho nên mới nói: “đầy đủ ra huyết mạch”. Nó thuộc về Hỏa, mà bộ vị lại ở rất cao, cho nên mới là Thái dương ở trong dương, và thông với khí mùa hạ, vì mùa hạ chủ về Hỏa. Tế Công nói: Vinh là gốc, vệ là lá. Vinh huyết là cái gốc để cho Âm Dương, khí huyết sinh ra, nên mới đáng quý.

 (34) Phế chủ về khí mà tàng phách, lại chủ về bì mao. Bộ vị ở mao mà thuộc âm, cho nên mới là Thái âm ở trong dương và thông với khí mùa thu, vì mùa thu chủ về Phế.

 (35) Thời tiết đến mùa đông, Dương khí bế tàng, các loài sâu bọ đều ẩn nấp. Thận chủ về đông Tàng, cho nên mới gọi là gốc của sự bế tàng. Thận tiếp thu cái tinh dịch của năm Tàng, chứa đầy để chờ khi phân phát ra. Tóc là một cái chất thừa của huyết, do tinh hóa ra. Thận là âm Tàng, mà có cái tượng như một khí dương ở trong quẻ Khảm, cho nên mới là Thiếu âm ở trong âm, mà thông với khí mùa đông. Vì mùa đông chủ thủy.

 (36) Can chủ về gân. Phàm sự vận động khó nhọc đều phải nhờ tới gân, cho nên mới nói là gốc của sự khó nhọc. Móng chân móng tay là một cái chất thừa của gân. Can thuộc Mộc, bộ vị ở về phương Đông, nó là bắt đầu cho sự phát sinh, cho nên mới sinh ra huyết khí. Mộc vượng ở mùa xuân, Dương khí lúc đó mới bắt đầu sinh ra, nên mới gọi là Thiếu dương ở trong dương và thông với khí mùa xuân, vì mùa xuân chủ về Mộc.

 (37) Túc Thái âm chuyên về sự thâu nạp cái chất “trọc” của loài thủy cốc, giữ cái nhiệm vụ chuyển Du, Trường, Vị chủ về sự truyền thụ chất thủy cốc; Tam tiêu chủ về sự khơi chảy luồng nước; Bàng quang là một cái kho để chức các chất nước lỏng… cho nên tất cả đều tóm gọi là gốc của kho đụn. Tỳ vận hóa các chất cặn bã lọc lấy chất tốt để nuôi ngũ Tàng, rồi dồn các chất thừa xấu ra tiền hậu âm, nên mới gọi nó là “khí” tức là đồ dùng

 (38) Năm Tàng sáu Phủ cộng cả lại là mười một Tàng. Đởm chủ về Giáp mộc, là một cơ quan đứng đầu của năm vận sáu khí. Đởm khí thăng lên thì khí của mười một Tàng đều thăng lên, nên mới gọi là đều thủ quyết ở Đởm. Như trên kia có chỗ nói là “cầu cái chí” tức là nói đều quay cả về mùa xuân. Tỷ như: chí của Can là nộ, chí của Tâm là hỷ, chí của Tỳ là tư, chí của Phế là ưu, chí của Thận là khủng… mà cái nào cũng phải thủ quyết ở Đởm, Đởm tức là xuân vậy.

 (39) Đoạn này nói về sáu khí của Tàng Phủ, để ứng với cái tiết sáu sáu của trời đất. Bên tả là Nhân nghinh, bên hữu là Khí khẩu. Dương khí từ bên tả mà dẫn sang bên hữu, Âm khí từ bên hữu mà dẫn sang bên tả. Cho nên mới lấy Nhân nghinh để “nghe” cái khí của Tam dương. Tàng Phủ của con người, lúc nào cũng ứng với sáu khí của Tam âm, Tam dương. Thấy “một thịnh là bệnh ở Thiếu dương…”, vì Thiếu dương chủ về cái khí xuân thăng. Thái dương chủ về hạ, Dương minh chủ về thu. “Bốn thịnh trở lên” đó là nói về: Âm dương ở con người, chỉ có dương là thịnh hơn hết. Cách dương, vì dương chủ về bên ngoài. Nhưng giờ bị ngăn (cách) hẳn ở bên ngoài, không được cái khí trung kiến (ở khoảng giữa phát hiện ra, làm liên lạc) của Tam âm để điều hòa, khiến cho Dương một mình thái quá.

 (40) “Thốn khẩu” tức là hai bộ vị mạch của kinh thủ Thái âm, để nghe cái khí của Tam âm. Quyết âm chủ về cái khí xuân sinh của Ất mộc cho nên thấy mạch ở Thốn khẩu một thịnh là bệnh ở Quyết âm và Thiếu âm. Nói: “Từ bốn thịnh trở lên” là vì trong lúc đó, âm dương ở con người chỉ có Thái âm là thịnh hơn hết. Sở dĩ gọi “quan âm”, vì: Âm khí chủ ở bên trong, giờ bị đóng (quan) hẳn ở bên trong, không được cái khí trung kiến của Nhị dương để điều hòa… khiến cho Tam âm một mình thái quá. Đây nói về bệnh mạch của Thốn khẩu và Nhân nghinh, để ứng với Tam dương, Tam âm của bốn mùa… Tức là do sự không quân bình về sáu khí bốn mùa, khiến cho nhân dân cũng gây nên tật bệnh. Cho nên ở thiên Lục vi chỉ đại luận có nói: “Nên đến mà không đến”, là “lai khí” bất cập; chửa nên đến mà đến, là “lai khí” hữu dư. Linh khu nói: “Chẩn ở mạch Thốn khẩu, Nhân nghinh, sẽ biết âm dương hữu dư hay bất túc, bình hay bất bình”. Như thế, không còn e ngại gì thiếu sót nữa. Phàm gọi “bình nhân”, tức là người vô bệnh. Người vô bệnh mạch Thốn khẩu, Nhân nghinh đều ứng với bốn mùa. Phàm nói “tương ứng”, tức là mạch khẩu với Nhân nghinh bình đẳng, trong âm có dương, trong dương có âm.

 (41) Nói: “đều từ gấp tư trở lên”, tức là âm dương đều thái quá. Trời có âm dương, đất cũng có âm dương. Ở dưới dương thịnh, âm tinh kế vào; ở dưới âm thịnh, Dương khí kế theo. Âm dương “thừa chế” với nhau để cùng sinh hóa. Con người sinh ra ở trong khoảng khí giao của trời đất. Âm dương điều hòa, tức là vô bệnh. Nếu âm dương đều thịnh mà không hòa, thế tức là không đúng với sự “tinh khí thừa chế” của trời đất, còn sống sao được?
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 12, 2018, 10:33:03 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #10 vào lúc: Tháng Tư 02, 2018, 08:41:36 AM »

Chương mười

NGŨ TÀNG SINH THÀNH THIÊN



KINH VĂN

Tâm hợp với mạch, vinh ra ở sắc, nó chủ ở Thận (1).
Phế hợp với bì (da), vinh ra ở lông, nó chủ ở Tâm (2).
Can hợp với gân, vinh ra ở trảo (các móng tay chân), nó chủ ở Phế (3)
Tỳ hợp với nhục (thịt), vinh ra ở môi, nó chủ ở Can (4).
Thận hợp với cốt (xương), vinh ra ở tóc, nó chủ ở Tỳ (5).

***

 Cho nên ăn nhiều vị hàm (mặn) thì mạch đọng xít mà sắc biến; ăn nhiều vị khổ (đắng) thì bì khô mà mao rụng; ăn nhiều vị tân (cay) thì cân cập (rút, khó co duỗi) mà trảo khô; ăn nhiều vị toan (chua) thì thịt xúc (chùn) lại, mà môi rộp lên; ăn nhiều vị cam (ngọt) thì xương đau mà tóc rụng. Đó là sự bi thương của năm tàng do năm vị gây nên (6).

***

 Cho nên: Tâm ưa vị khổ, Phế ưa vị tân, Tỳ ưa vị cam, Can ưa vị toan, Thận ưa vị hàm... Đó là cái "hợp" của năm vị đối với năm Tàng do đó mới nuôi nên khí của năm Tàng (7).

 Phàm sắc hiện ra mặt: xanh bợt như sắc cỏ héo, thì chết; vàng bệch như sắc Chỉ xác thì chết; đen kịt như sắc bồ hóng thì chết; ; đỏ sậm như sắc máu đọng thì chết; trắng bợt như xương khô thì chết. Đó là năm sắc hiện ra triệu chứng chết.
 
 Sắc xanh như màu lông chim trả (bói cá), sắc đỏ như màu mào gà, sắc vàng như màu dưới bụng cua, sắc trắng như màu mỡ đông, sắc đen như màu lông quạ... đều sống. Đó là năm sắc hiện ra cái triệu chứng sống (VIII).

***

 Sinh ra ở Tâm, muốn được như lụa bọc "Chu" (đỏ thẫm); sinh ra ở Phế, muốn được như lụa bọc "hồng" (đỏ nhạt, phớt); sinh ra ở Can, muốn được như lụa bọc "cam" (đỏ tía); sinh ra ở Tỳ, muốn được như lụa bọc hạt Quát lâu (đỏ vàng);  sinh ra ở Thận muốn được như lụa bọc "tử" (tía hắc, hơi có màu đen). Đó là chân khí của năm Tàng "vinh" ra ngoài sắc mặt (9).

***

 Sắc, Vị ứng với năm Tàng: Trắng ứng với Phế, vị Tân; đỏ ứng với Tâm, vị khổ; vàng ứng với Tỳ, vị ngọt; xanh ứng với Can, vị toan; đen ứng với Thận, vị mặn.

 Cho nên, trắng ứng với bì, đỏ ứng với mạch, xanh ứng với cân (gân), vàng ứng với thịt, đen ứng với xương.

 Bao các mạch đều dồn lên mắt (10); bao các tủy đều dồn lại óc (óc là bể của tủy); bao các gân đều dồn vào khớp (khớp xương); bao các huyết đều dồn vào Tâm; bao các khí đều dồn lên Phế... Đó là sự tuần hoàn sớm tối của "bốn chí, tám khê" (11).

***

 Người ta, khi nằm thì huyết dồn về Can (12). Can nhờ huyết nên hay trông; chân nhờ huyết nên hay đi; tay nhờ huyết nên hay nắm; ngón tay nhờ huyết nên hay cầm (13).

 Nằm, dậy, ra ngoài bị gió thổi, huyết tụ ở bì phu. Thành chứng tý (vít lấp tê đau), tụ ở mạch lạc thành chứng sáp (huyết không lưu thông), tụ ở chân thành chứng quyết (giá lạnh). Ba chứng đó đều do huyết lẩn đi không trở lại được nơi cốt không (14) mà gây nên.

***

 Ở con người, có đại cốc 12 phận, tiểu khê 354 nơi, là 12 du...Đó đều là nơi tụ hội của Vệ khí. Tà khí "khách" ở đó, có thể dùng châm thạch cho tiết bỏ đi (15).

 Bắt đầu chẩn bệnh, phải xét rõ âm dương kinh khí của năm Tàng để đoán bệnh. Muốn biết bệnh bắt đầu từ kinh nào, phải lấy kinh khí của năm Tàng làm căn bản.

***

 Phàm: Nhức đầu, đau trán là dưới hư trên thực, lỗi tại túc Thiếu âm, Cự dương, quá lắm thì vào thận (16).

 Chóng mặt choáng váng, mắt mờ tai điếc là do dưới thực trên hư, lỗi tại túc Thiếu dương, Quyết âm, quá lắm thì vào Can (17).

 Bụng đầy anh ách, suốt tới chi cách, dưới quyệt, trên mạo (chóng mặt), lỗi tại túc Thái âm, Dương minh (18).

Khái thấu hơi nghẽn, trong "hung" quyết nghịch, lỗi tại thủ Dương minh, Thái âm (19).

Tâm phiền đầu nhức, bệnh ở trong cách, lỗi tại thủ Cự dương Thiếu âm (20).

***

 Về mạch: có đại, tiểu, hoạt, sắc, phù, trầm, có thể chia rõ cái tượng của năm Tàng, có thể lấy lọai để suy; năm Tàng hợp với năm âm, có thể lấy ý để biết năm sắc hiện ra nét mặt, có thể lấy mắt để trông. Người ta nếu hay đem hợp cả sắc với mạch thì phép chữa bệnh có thể vẹn toàn (21).

 "Xích" mạch hiện đến, thấy suyễn (nhuyễn) và kiên, ấy là có tích khí ở trong, do bị hại về sự ăn, bệnh đó gọi là tâm lý. Nếu bệnh mắc bởi ngoại dâm, thì cũng bởi nghĩ ngợi khiến cho Tâm hư, nên tà khí mới có thể phạm vào được (22).

 "Bạch" mạch hiện đến, suyễn mà phù, đó là trên hư dưới thực, sẽ thành chứng kinh, bởi có tích khí ở trong hung. Nếu suyễn mà hư, thì gọi là phế tý hàn nhiệt. Bệnh này gây nên bởi say rượu mà nhập phòng (23).

 "Thanh" mạch hiện đến, trường mà bật mạnh ở tả hữu, đó là bởi có tích khí ở Tâm hạ và hai bên sườn gọi la Can tý. Bệnh này gây nên bởi hàn thấp, với chứng sán giống nhau; hoặc lưng đau chân lạnh và đầu nhức (24).

 "Hoàng" mạch hiện đến, đại mà hư, có tích khí ở trong bụng gọi là quyết sán, cùng một chứng trạng với đàn bà giống nhau. Bệnh này gây nên bởi tứ chi có mồ hôi mà gặp gió (25).

 "Hắc" mạch hiện đến, trên kiêm mà đại, đó là vì có tích khí ở tiểu phúc với tiền âm, gọi là chứng Thận tý. Chứng này gây nên bởi tắm gội nước lạnh mà đi nằm ngay (26).

***

 Phàm xét những mạch Cơ kinh thuộc về ngũ sắc; mặt vàng, mắt xanh; mặt vàng, mắt đỏ; mặt vàng, mắt trắng; mặt vàng, mắt đen... đều không chết.
 
 Nếu mặt xanh, mắt đỏ; mặt đỏ, mắt trắng; mặt xanh, mắt đen; mặt đen, mắt trắng; mặt đỏ, mắt xanh... đều chết (27).

Chú giải

 (1) Tâm chủ về huyết mạch, nên mới nói là: “hợp với mạch”. Kinh nói: “Mạch phát hiện ở khí khẩu sắc hiện ra ở Minh đường; cái tinh hoa của Tâm hiện lên mặt…” nên đây nói: “Vinh ra ở sắc”. Vinh là tươi đẹp cũng như tinh hoa. Năm Tàng hợp với năm hành, đều có sự tương sinh, tương chế, nên mới có sự sinh hóa. Tâm chủ Hỏa, mà bị chế bởi Thận thủy. Vì vậy, nên Thận Tàng mới là chủ về sự sinh hóa của Tâm. Nên mới nói: “Chủ ở Thận”.

 (2) Phế chủ về khí, khí chủ về biểu, nên “hợp với bì”. Thương hàn luận nói: “Mạch ở thốn khẩu hoãn mà trì. Hoãn thì Dương khí trưởng, tiếng theo về tiếng “thương”, mà mao phát (tóc) dài…”. Vì mao (lông) liền ở bì, khí trưởng thì mao vinh.

(3) Tủy sinh ra Can, Can sinh ra cân, cho nên mới nói: “hợp với cân”. Trảo là cái chất thừa của cân, nên mới nói: “vinh ra ở trảo”.

 (4) Tỳ chủ về trung ương Thổ, là một cơ quan thương lẫm, chủ về việc vận hóa cái tinh hoa của thủy cốc để sinh ra cơ nhục, cho nên mới nói: “hợp với nhục”. Tỳ khai khiếu ra miệng, nên mới nói: “vinh ra ở môi”.

 (5) Thận chứa tinh mà chủ về tủy, cho nên mới nói là: “hợp với xương”. Tóc là cái chất thừa của tinh huyết, cho nên nó mới vinh ở tóc.

 Án: Bài Ngũ hành luận nói rằng: Bắc phương sinh ra khí hàn, hàn sinh ra thủy, thủy sinh ra hàm (mặn), hàm sinh ra Thận, Thận sinh ra cốt tủy, tủy sinh ra Can, Can sinh ra cân, cân sinh ra Tâm, Tâm sinh ra huyết, huyết sinh ra Tỳ, Tỳ sinh ra nhục, nhục sinh ra Phế, Phế sinh ra bì mao, bì mao sinh ra Thận… Đó là do thiên nhất sinh thủy và là sự tương sinh của năm Tàng. Lục vi chỉ luận chép rằng: Đế hỏi: Địa lý ứng với sáu tiết, khí vị như thế nào? Kỳ Bá thưa rằng: Ở dưới Tướng hỏa, Thủy khí tiếp theo, ở dưới Thủy vị, Thổ khí tiếp theo; ở dưới Thổ vị, Phong khí tiếp theo; ở dưới Phong vị, Kim khí tiếp theo; ở dưới Kim vị, Hỏa khí tiếp theo; ở dưới Quân hỏa, âm tinh tiếp theo. “Cang thì hại, thừa thì chế”, chế thì sẽ thành ra sự sinh hóa. Cho nên mới nói rằng: “Tâm hợp với mạch, Phế hợp với bì”. Đó là nói về sự tương sinh của năm Tàng. Như nói: “nó chủ về Thận, nó chủ về Tâm) v.v… đó là nói về sự tương thành của năm Tàng.

 Lời giải tổng quát: Đoạn trên này nói về cái “hợp”, cái “vinh” và cái “chủ” của năm Tàng. Ở con người có mạch, Tâm hợp với nó; ở con người có sắc, Tâm làm vinh cho nó. Nhưng Tâm thuộc Hỏa, Thận thuộc Thủy, Hỏa nó chỉ sợ có Thủy, bởi thế nên cái chủ về Tâm chỉ có Thận. Cũng như quân chủ, là một vị mà nhân dân đều sợ, nên liền lấy người sợ đó làm chủ… Các chữ chủ sau đây, đều theo một nghĩa như thế cả. Ở con người có bì, Phế hợp với nó; ở con người có mao, Phế làm vinh cho nó. Nhưng Phế thuộc Kim, Tâm thuộc Hỏa. kim nó chỉ sợ có Hỏa, bởi thế nên cái chủ về Phế chỉ có Tâm. Ở con ngời có cân, Can hợp với nó, ở con người có trảo, Can làm vinh cho nó. Nhưng Can thuộc Mộc, Phế thuộc Kim, Mộc nó chỉ sợ có Kim, bởi thế nên cái chủ về Can chỉ có Phế. Ở con người có nhục, Tỳ hợp với nó, ở con người có môi, Tỳ làm vinh cho nó. Nhưng Tỳ thuộc Thổ, Can thuộc Mộc. Thổ nó chỉ sợ có Mộc, bởi thế nên cái chủ về Tỳ chỉ có Can. Ở con người có xương, Thận hợp với nó, ở con người có tóc, Thận làm vinh cho nó. Nhưng Thận thuộc Thủy, Tỳ thuộc Thổ. Thủy nó chỉ sợ có Thổ, bởi thế cái chủ về Thận chỉ có Tỳ.

 (6) Đoạn này nối đoạn trên, nói về cái hại của sự thái quá. Năm hành có tương sinh, lại có tương chế, không thể thiên phế (bỏ lệch một bên); nếu sự “chế” thái quá thì lại có hại “tương tặc” (cùng làm hại). Vì thế nên, ăn nhiều vị mặn thì Thủy vị thái quá mà làm thương đến Tâm, do đó mạch sẽ đọng xít mà sắc biến. Ăn nhiều vị đắng thì vị Hỏa thái quá mà làm thương Phế, do đó bì sẽ khô mà mao rụng. Ăn nhiều vị cay thì Kim vị thái quá mà làm thương đến Can, do đó cân sẽ co rút mà trảo khô khan. Ăn nhiều vị chua thì Mộc vị thái quá mà làm thương đến Tỳ, do đó thịt sẽ dồn xúc lại mà môi rộp lên. Ăn nhiều vị ngọt thì Thổ vị thái quá mà làm thương đến Thận, do đó xương sẽ đau mà tóc rụng… Năm vị cốt để nuôi năm Tàng, Tàng này có sự “thiên thắng”, thì cái Tàng không thắng kia sẽ bị thương… Vậy nên cái sự “thừa, chế” ta không nên để cho có lúc thái quá.

 (7) Năm vị vào miệng, chứa ở Trường, Vị rồi biến hóa để nuôi khí của năm Tàng, do đó mới hiện ra năm sắc khác nhau, như tiết dưới.

 (VIII) Những sắc là triệu chứng chết đều có vẻ khô khan, sạm xĩnh, tức là không có “thần”, không có Vị khí; trái lại những sắc hiện ra triệu chứng sống, đều có vẻ bóng nhoáng mỡ màng, tức là có thần và còn Vị khí.

 (9) Tiết trên nói về khí của năm Tàng hiện năm sắc ra ngoài; đây lại nói về cái chân khí của năm Tàng ẩn hiện ra ở ngoài bì phu. Lụa là một thứ trắng, các sắc hiện ra bên trong lụa, không thật bộc lộ ra bên ngoài. Bởi khí chủ về sắc trắng mà “vinh” chủ về sắc hồng… Tựa “như lụa bọc…” tức là nói: “Cái khí của năm Tàng bọc ở bên ngoài”. Tất cả năm Tàng lúc nào cũng phải ẩn hiện ở đó. Tức như ta thường nói: “Có máu mặt".

 (10) Cái tinh khí của năm Tàng sáu Phủ là 12 kinh mạch đều dồn lên mặt, tụ vào óc, rồi mới dẫn xuống cổ để phân tách đi các nơi.

 (11) Bốn chi là chỗ kinh Du ra vào của năm Tàng; tám khê tức là các chỗ thịt bắp ở bên trong bốn chi và là nơi thống hội chân nguyên của năm Tàng. Đoạn này lại nói: kinh huyết của năm Tàng đều gốc ở Tâm; khí của năm Tàng đều gốc ở Phế. Kinh khí vòng đi khắp “bốn chi, tám khê”, rồi dồn lên mắt, tụ vào óc, nhuần gân xương, trơn quan tiết (các khớp xương), sớm tối dẫn đi khắp trong ngoài, như cái vòng không đầu nối. Cho nên người muốn nhận sắc, nên biết cái khí của năm Tàng; người muốn chẩn mạch, cũng nên lấy năm mạch là trước.

 (12) Đoạn này nói về huyết theo vệ khí dẫn đi ở ngoài mạch. Huyết là chất tinh hoa của thủy cốc, tràn ngập ở bên trong, bố tán ở bên ngoài. Cái thứ dẫn đi ở trong kinh toại, tức là Vinh huyết, còn tràn ngập ở bên trong tức là nơi Xung Nhâm. Mạch Xung Nhâm khởi từ bào trung, vòng lên sau lưng, là nơi “bể” của kinh lạc. Cái mạch nổi ra ở bên ngoài, theo bên hữu bụng dẫn lên, bố tán ra bên ngoài, nhuận bì phu, mọc hào mao, lúc thức thì theo “vệ” dẫn trở về Can.

 (13) Đây nói về huyết dẫn đi khắp mọi nơi.

 (14) Con người có 365 khớp xương (tức là cốt không) lạc mạch đều thấm nhuần vào đó.

 (15) Đại cốc là các huyệt lớn, tiểu khê là các huyệt nhỏ. “Mười hai Du” tức là 12 Du huyệt của Đại cốc. Cái số huyệt của Khê, Cốc trên đây, là ứng với số ngày trong một năm. Một năm có 360 ngày, trừ sáu ngày “Sóc hư”, còn 354 ngày, để ứng với cái số Tiểu khê. Mỗi năm năm ngày khí doanh, có 940 phận; sóc hư năm ngày, có 940 phận, hợp lại thành 12 ngày để ứng với 12 Du. Lấy một năm 354 ngày, hợp với 12 ngày Khí doanh, Sóc hư, thành 365 ngày có lẻ, thành một năm. Nên mới nói: “mỗi năm ba trăm lẻ sáu tuần và sáu ngày, lấy tháng nhuận để định bốn mùa, thành một năm”.

 (16) Cự dương tức là Bàng quang. Bàng quang với Thiếu âm cùng là biểu, lý với nhau. Dương khí sinh ra trong Thủy tàng thủy Phủ, mà dẫn lên đầu trán. Trên đây nói “thực” là chỉ về tà khí thực; nói chữ “hư” là chỉ về chính khí hư. Tà khí phạm vào người, trước ở khí phận ngoài bì mao, lưu ở đấy không tiết ra được thì chuyển vào kinh. Vì thế nên mới nói là lỗi tại Cự dương và Thiếu âm. Quá lắm thì vào Thận, đó là kinh lạc bị tà, mà lấn sâu vào Tàng Phủ.

 (17) Quyết âm can Tàng, khai khiếu ở mắt, Thiếu dương kinh mạch, dẫn lên ở tai, tà thực ở dưới, khiến cho kinh khí không thông lên được, nên mới thành chứng mắt mờ tai điếc; chính khí hư ở trên, nên mới thành ra choáng váng.

 (18) Bụng là thành quách của Tỳ, Vị. Bụng đầy anh ách, đó là phạm vào khí phận của Thái âm Dương minh. Chi cách tức là chi lạc và nội cách. Cái chi lạc của Thái âm Dương minh suốt vào nội cách. Tà ở khí phận, chuyển vào lạc, nên mới đầy cả ở chi cách.

 (19) Thủ Thái âm Phế chủ về khí và bì mao. Tà phạm vào khí phận bì mao, thì sinh ra chứng khái thấu thượng khí.

 (20) Cái khí của Quân hỏa bị tà phạm ở bên ngoài thì sinh ra tâm phiền ở bên trong, cái khí của Thái dương bị tà thì gây nên chứng nhức ở bên trong. Đoạn trên này xét chứng trạng để biết bệnh của năm Tàng.

 (21) Đoạn này nói về chẩn mạch, xem sắc để biết bệnh của năm Tàng. Mạch tiều là chính khí hư, đại là tà khí thịnh, hoạt chủ về huyết thương, sắc chủ về thiểu khí, phù là bệnh ở ngoài, ở Phủ; trầm là bệnh ở lý, ở Tàng. Sáu  mạch trên đây là đại cương của các mạch khác.

 (22) Dưới đây nói về mạch của năm Tàng. Nhưng không dùng tên Tàng mà dùng sắc của Tàng. Như “xích” tức là Tâm, “bạch” tức là Phế v.v… “Suyễn” là hình dung mạch nhanh chóng, “kiên” là mạnh và rắn. Gây nên tích khí là bởi thương thực; hoặc để cho ngoại tà phạm được là do Tâm hư.

 (23) Phế chủ về khí mà hư, nên mạch phù; bệnh ở khí mà không bệnh ở huyết, bệnh ở trên mà không bệnh ở dưới, cho nên mạch trên hư mà dưới thực. Dương khí hư nên thành chứng kinh. “Hung” là một nơi bể của khí, khí đó dồn cả lên Phế để chủ về việc hô hấp. Tà tụ ở bộ phận trên thì chính khí ở chiên trung sẽ bị hư, cho nên thành chứng suyễn… Chân khí chứa ở Phế, chủ về việc dẫn hành vinh vệ âm dương. Giờ âm dương bị hư, thì sẽ gây nên chứng vãng lai hàn nhiệt. Rượu là một chất lỏng của loài ngũ cốc, nó có cái tính rất mạnh tợn; nó vào trong Vị, khiến cho Vị phải trương lên và dồn khí ngược lên, thành ra chứng đầy khó chịu ở trong hung. Say rượu mà nhập phòng sẽ thương đến Thận, Thận là gốc, Phế là ngọn. Giờ gốc bị thương cho nên Phế hư.

 (24) Trường mà bất mạch tức là mạch “huyền”; mạch huyền là Dương khí bị thương. Phàm chứng hàn thấp phạm vào người ta, phải từ chân trước. Mạch của kinh túc Quyết âm từ chân lên gối, qua Âm khí lên tiểu phúc rồi tới hiếp lặc (xương sườn), cho nên bệnh này cũng giống với bệnh sán thống mà lưng đau và chân lạnh. Quyết âm với Đốc mạch hợp cả ở đỉnh đầu cho nên có chứng nhức đầu.

 (25) Tỳ thuộc về tứ chi. Tứ chi mồ hôi ra mà gặp gió, thì phong thấp sẽ lấn vào Tỳ, mà thành ra chứng tích khí. Khí đó bị tích lại, không thấm nhuần ta tứ bàng được, thì nghẽn ở bên trong mà thành chứng quyết khí. Sở dĩ gọi là quyết sán là vì vừa nghẽn mà lại vừa đau. Về huyết khí con trai con gái cũng giống nhau, nên đây nói cùng giống với đàn bà.

 (26) Trên đây nói mạch ở trên kiên… tức là kiên đại ở trên mà không trầm. Thận Tàng thuộc về hàn thủy mà chủ khí, cùng với nước lạnh cùng một tính chất, nên mới vì tắm mà sinh ra bệnh vậy.

 (27) “Cơ kinh” tức là nói về mạch sắc của Xung Nhâm. Xung Nhâm là cái bể của kinh huyết. Huyết của năm Tàng đều dồn cả về Can, cho nên hiện ra bên ngoài ta thấy ở mắt. Mặt chủ về khí sắc, mắt chủ về huyết sắc. Nhân năm sắc ở mắt mà đều thấy có mặt vàng, đó là âm của năm Tàng vẫn còn có dương của vị quản, nên không chết. Người ta không có Vị khí thì chết. Mặt không có sắc vàng, tức là không có Vị khí. Ở mặt mà ta chỉ thấy những sắc xanh đen và đỏ v.v… đó là Tàng đã lấn dương, chỉ còn có âm mà không có dương, nên mới đoán là đều chết.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 24, 2018, 11:41:32 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #11 vào lúc: Tháng Tư 02, 2018, 04:12:19 PM »

Chương mười một

NGŨ TÀNG BIỆT LUẬN



KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

- Tôi nghe những kẻ phương sỹ (1) hoặc lấy não tủy làm Tàng, hoặc lấy Trường, Vị làm Tàng, hoặc lấy làm phủ... mà đều lấy làm phải cả, không biết vì sao, xin nói rõ cho nghe...

 Kỳ Bá thưa rằng:

- Não, tủy, cốt, mạch, Đởm, nữ tử bào... sáu thứ đó đều do địa khí sinh ra. Nó đều Tàng ở âm, mà tượng với đất, chỉ có Tàng mà không Tàng, gọi nó là "kỳ hằng chi phủ". Đến như Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang... năm cái đó đều do thiên khí sinh ra. Khí của nó tượng với trời, chỉ tả mà không Tàng. Nó hấp thụ cái trọc khí của năm Tàng, nên gọi là "truyền hóa chi Phủ", nó không thể tích trữ được lâu mà phải Du tả ngay.

 Phách môn cũng là một cơ quan sai khiến của năm Tàng, thủy cốc tới nơi đó, không thể chứa lâu (2).

***

 Phàm gọi là năm Tàng tức là những cơ quan chứa tinh khí mà không tả, nó chỉ mãn mà không thực. Đến như Phủ là một cơ quan truyền hóa mà không Tàng, cho nên chỉ thực mà không thể mãn. Bởi vì thủy cốc vào miệng, thời vị thực mà trường hư, khi thức ăn đã dẫn xuống, thời trường thực mà vị hư. Cho nên nói: "thực mà không mãn, mãn mà không thực" (3).

***

  Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Khí khẩu sao lại có thể làm chủ cho cả năm Tàng (4).

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Vị coi cũng như là cái biển để chứa thủy cốc, nó là nguồn gốc của sáu Phủ. Năm vị ăn vào miệng, chứa ở Vị để nuôi khí của năm Tàng. Khí khẩu cũng tức là Thái âm. Phàm khí vị của năm Tàng sáu Phủ, đều sản xuất ra từ Vị, rồi biến hiện lên khí khẩu. Cho nên ở Tàng tượng luận đã nói: "năm khí hút vào mũi, chứa ở Tâm phế". Tâm phế có bệnh, mũi cũng vì đó mà thở không thông (5).

***

 Phàm trị bệnh, phải xét ở bộ phận dưới như Trường vị, là cơ quan thâu nạp và bài tiết thủy cốc; lại phải chẩn ở khí khẩu để đoán cái khí của Tàng, Phủ... rồi mới nhận xét đến ý chí và bệnh tình ra sao.

 Nếu câu nệ vào quỷ thần, không thể nói là đức tốt; nếu lại ghét cả châm thạch, không thể tiến tới trí xảo (6).

 Người mắc bệnh, không muốn dùng đúng phương pháp để điều trị, bệnh tật không khỏi, dù có cố chữa cũng là vô ích.

Chú giải

 (1) Phương sỹ tức là những kẻ tu luyện phương thuật, như học đạo thần tiên v.v…

 (2) Đất chủ về bế tàng mà khí bốc lên, trời chủ về khí hóa mà khí giáng xuống. Con người ta Tàng Phủ hình hài, ứng theo với khí Âm Dương của trời đất. Sáu thứ trên đây, khác với các cơ quan truyền hóa nên gọi là kỳ hằng. Phách môn tức là giang môn hoặc hậu môn, nơi cửa bài tiết đại tiện, nên thủy cốc không chứa được lâu.

(3) Tinh khí mới có thể nói là mãn (đầy ràn) thủy cốc mới có thể nói là thực (đầy, đặc). Tàng chỉ chứa tinh khí, cho nên mãn mà không thực. Còn như các Phủ thì thủy cốc có thể đầy đặc ở trong, nhưng cũng không thể chứa lâu, nên mới nói thực mà không mãn

 (4) Khí khẩu là nơi của hai mạch thủ Thái âm. Cho nên khí của năm Tàng, đều hiện ra ở khí khẩu, và do đó, khí khẩu làm chủ của năm Tàng.

 (5) Thủy cốc vào Vị, do túc Thái âm Tỳ chuyển Du để thấm rồi ra bốn Tàng. Nhưng “thủy” vào Vị, lại do thủ Thái âm Phế chứa lấy, rồi phân tán ra các nơi; “cốc” vào tới Vị, tinh khí truyền sang mạch, Phế làm nơi tổng hợp của trăm mạch và truyền tinh ra bì mao; bì mao và mạch hợp với tinh, rồi hành khí ra Tàng, Phủ. Vậy thì bao khí vị của năm Tàng sáu Phủ đều sản xuất ra bởi Vị và đều biến hiện ra khí khẩu, nên nói “khí khẩu cũng là Thái âm”. Tâm với Phế ở bộ phận trên, thuộc dương. Phế như cái lọng che của Tâm, khai khiếu lên mũi, cho nên dẫn câu Tàng tượng luận mà nói cho rõ là: vị theo về âm mà khí theo về dương.

 (6) Ngày xưa có thuật “Chúc do” dùng để chữa bệnh, tựa như phép của thầy phù thủy… có thể đem bệnh của người truyền sang loài vật, rồi vật mắc bệnh mà người khỏi… Trên đây nói về “quỷ thần” tức là chỉ về thuật này.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 24, 2018, 04:24:03 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #12 vào lúc: Tháng Tư 03, 2018, 09:15:18 AM »

Chương mười hai

DỊ PHÁP, PHƯƠNG NGHỊ LUẬN



KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Y giả trị bệnh, cùng một bệnh mà phép chữa không giống nhau lại cùng đều khỏi, là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đó là do địa thế khác nhau.

 Tỷ như Đông phương là một khu vực cái khí của trời đất bắt đầu phát sinh từ đó. Nơi đó sản xuất cá và muối nên gần bể. Người sinh ở nơi đó hay ăn cá và ưa vị mặn. Ở đã lấy làm quen, ăn đã lấy làm ngon. Cá ăn nhiều khiến người hay có chứng nhiệt trung (nóng ruột) vị mặn thắng được huyết, nên người ở đó phần nhiều sắc đen mà thớ thịt thưa doãng. Thường mắc phải bệnh ung thũng (mụn nhọt) (1). Về phép trị nên dùng biêm thạch. Cho nên biêm thạch sản xuất ở phương Đông (2).

***

 Tây phương là một khu vực sản xuất loài kim ngọc, sa thạch cũng tụ hợp nơi đó. Khí của trời đất chủ về thâu dẫn. Người sinh ở nơi đó thường ở nơi cao có nhiều gió, thủy thổ lạnh lẽo và cứng rắn. Dân thường mặc áo lông, ăn những vị đậm béo, nên Tàng người béo chặt và nhiều mỡ... Do đó, tà khí không thể phạm vào được thân thể, tật bệnh chỉ có thể từ bên trong phát ra (3).

 Về phép điều trị, nên dùng độc dược (các thứ thuốc có chất độc). Cho nên độc dược cũng sản xuất ở Tây phương (4).

***

 Bắc phương là một khu vực bế Tàng của trời đất. Đất ở đó phần nhiều cao như gò núi, gió rét cắt da, nước đóng thành băng. Người sinh ở nơi đó thường tụ họp quây quần và uống sữa. Do đó Tàng hàn, sinh ra chứng mãn (đầy). Phép chữa nên dùng ngải cứu, cho nên ngải cứu cũng sản ra ở phương Bắc (5).

***

 Nam phương à một khu vực trưởng dưỡng của trời đất, Dương khí rất thịnh ở nơi đó. Đất ở đó thấp và thủy thổ ẩm ướt, thường tụ nhiều vũ lộ (sa mù và móc). Người sinh nơi đó ưa ăn vị chua và các thức ướp (như tương,mắm). Tạng người thớ thịt mịn đặc và hiện sắc đỏ, phần nhiều mắc bệnh loạn tý (6). Về phép trị, nên dùng "vi châm". Cho nên cửu châm cũng sản xuất tại phương Nam(7).

***

 Trung ương, đất bằng phẳng và ẩm thấp, là một khu vực trời đất sinh ra muôn vật đông nhiều. Người sinh ở nơi đó , ăn uống nhiều thứ mà không bị vất vả lắm, nên thường mắc bệnh nuy, quyết, hàn, nhiệt (VIII).

 Về phép chữa nên dùng "đạo dẫn án cược", cho nên phép đạo dẫn, án cược cũng sản xuất ở trung ương (9).

 Cho nên Thánh nhân tùy theo các địa phương, các khí hậu để thi dụng các phương pháp trị liệu, đều được thích nghi (đúng). Vì thế nên phép trị khác mà bệnh đều khỏi.

Chú giải

 (1) Tính của loài cá đều thuộc Hỏa, nên ăn nhiều hay sinh Nhiệt trung; Tâm chủ về huyết, cho nên vị mặn thắng huyết (tức là Thủy khắc Hỏa). Vì huyết bị khắc, hoặc sinh ra ngừng trệ, không lưu thông nên mới gây ra ung thũng.

 (2) “Biêm thạch” tức là một thứ đá để chích vào huyết mạch, cho tán bỏ ngừng trệ.

 (3) Người đã béo đẫy, rắn chắc, thì tà khí còn phạm vào sao được. nên đôi khi mắc bệnh, chỉ có thể do ăn uống và thất tình gây nên.

 (4) Chỉ độc dược mới có thể công tà. Nên trên đây nói phải dùng độc dược.

 (5) Dương vốn sinh ra tự âm, hỏa vốn sinh ra tự thủy. Ngải là một thứ cỏ bẩm thụ được cái chân dương ở trong Thủy. Bắc phương riêng thịnh về khí âm hàn, Dương khí bị bế tắc, dùng ngải để cứu, có thể thông tiếp được nguyên dương ở dưới Chí âm. Nên ngải cũng sản xuất ở phương Bắc. Đổng Duy Vấn nói: Xem đây thì biết, gặp những bệnh hư hàn, trướng mãn, phép chữa nên dùng ôn bổ để khải phát nguyên dương, không nên dùng những vị hàn lương khắc phạt.

 (6) Vị toan có cái năng lực thâu liễm, nên thớ thịt mịn đặc. Đỏ, là thuộc về phương Nam, và đó là sắc hiện ra bên ngoài. “Loạn tý” là một chứng gân bị co rút và tê đau.

 (7) “Vi châm” một thứ châm (kim) nhỏ, chỉ dùng để tiêm vào làn da mỏng. Châm có chín kiểu khác nhau, vì các bệnh khác nhau, nên phải dùng châm khác nhau. Sẽ nói rõ ở Linh khu.

 (VIII) Trung ương tức là Thổ vị, nên muôn vật sinh ra ở đó. Vì bốn phương tụ họp, phẩm vật đầy đủ, nên về sự ăn uống cũng không có nhất định. Sở dĩ sinh ra nuy, quyết và hàn nhiệt, là vì vận động ít, khí huyết không lưu thông. Đây cũng là nói đại khái, chứ không nhất định.

 (9) Đạo dẫn như lối giơ tay lên, co tay xuống, của phép thể thao. Án, cược như đấm bóp, hoặc dùng chân để dận lên lưng v.v… Về phương pháp này mục đích là làm cho khí huyết lưu thông.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 24, 2018, 04:52:52 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #13 vào lúc: Tháng Tư 03, 2018, 09:41:07 AM »

Chương mười ba

DI TINH BIẾN KHÍ LUẬN



KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Tôi nghe đời xưa trị bệnh, làm cho di ích tinh, biến hóa khí... chỉ cần dùng phép Chúc do mà thôi. Đến đời nay trị bệnh dùng độc dược để trị bên trong dùng châm thạch để trị bên ngoài.. Thế mà có người khỏi, có người không khỏi, là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Về đời vãng cổ, người ở lẫn vào khoảng cầm thú, động tác (làm mạnh) để cho khỏi hàn, âm cư (núp dưới bóng râm) để cho khỏi nắng. Bên trong không có điều gì hệ lụy; bên ngoài không có sự gì bó buộc. Đó là thời đại điềm đạm, ý chí hoàn toàn thỏa thích, tà không thể lọt vào sâu. Vì thế nên không cần dùng độc dược để trị bên trong, dùng châm thạch để trị bên ngoài... Mà chỉ dùng Chúc do cũng có thể khỏi.

 Đến thời nay thì khác hẳn. Sự ưu hoạn làm rầy bên trong, việc nhọc nhằn làm lụy bên ngoài; đã trái với khí của bốn mùa, lại ngược cả sự "thích nghi" của hàn thử (rét nóng). Gió độc thổi tới luôn, hư tà quanh sớm tối... Bên trong vào sâu tới Phủ, Tàng, cốt, tủy; bên ngoài làm thương đến không khiếu, bì phu. Vì thế nên bệnh nhẹ hóa nặng, bệnh nặng thì chết, dù có Chúc do cũng không công hiệu.

 Hoàng Đế khen phải, rồi lại hỏi rằng:

 - Tôi muốn trị bệnh, biết rõ được sống chết, phân biệt được hiềm nghi, tìm tới điều cốt yếu, không hề thiếu sót... Làm thế nào được như vậy?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Xem sắc, chẩn mạch, là một điều kiện rất cần thiết. Phải hợp với năm hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, và thời tiết của bốn mùa, gió của tám phương... đều có thể do sắc và mạch để xét đoán.

 Về đời trung cổ, đối với việc trị bệnh, đợi bệnh đến rồi mới trị. Dùng thang dịch (thuốc nước) điều trị trong 10 ngày, để trừ khử các chứng bệnh thuộc về "tám gió, năm tý" (1).

***

 Nếu qua 10 ngày mà vẫn không khỏi sẽ phải dùng các cành của loài thảo tô, thảo cai (cành và rễ), cả gốc lẫn ngọn để điều trị. Tiêu bản đã được, tà sẽ tiêu tán.

 Đến đời gần đây thì không được thế nữa. Không biết nhận khí hậu của bốn mùa, không hiểu lẽ âm dương, không biết đường thuận nghịch. Khi bệnh đã thành rồi, mới dùng "vi châm" để trị bên ngoài, dùng thang dịch để trị bên trong; bọn thô công lại càng liều lĩnh, cho là bệnh có thể dùng phép "công"; khiến cho bệnh cũ chưa khỏi, bệnh mới lại sinh ra... đó thật là cái lỗi không chịu xét rõ sắc và mạch, không nhận đích được tinh khí thịnh hay hư, và cái lẽ "tiêu bản", nên mới đến như vậy.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Xin cho biết lẽ cốt yếu như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Cái cốt yếu của sự trị bệnh là xét ở sắc và mạch. Sau khi nhận rõ thế nào là thuận, thế nào là nghịch, thế nào là tiêu, thế nào là bản; rồi lại phải xét xem có "thần" hay không. Nếu không có thần thì sẽ chết. Đó là cái cốt yếu của sự trị bệnh.

Chú giải

 (1) Tám gió là thuộc về tám phương. Tý là tê, là đau. Năm Tý là mùa xuân (Giáp, Ất) bị thương về phong là Can tý; mùa hạ (Bính, Đinh) bị thương về phong là Tâm tý; mùa thu (Canh, Tân) bị thương về phong là Phế tý; mùa đông (Nhâm, Quý) bj thương về phong là Thận tý; về Chí âm (Mậu, Kỷ, trung ương Thổ) mà mắc bệnh là Tỳ tý.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 24, 2018, 05:16:49 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« Trả lời #14 vào lúc: Tháng Tư 03, 2018, 03:50:37 PM »

Chương mười bốn

THANG DỊCH, GIAO LỄ LUẬN



KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Dùng ngũ cốc để làm thang dịch với giao lễ (rượu ngọt), như thế nào?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 - Phải dùng gạo lúa đạo (tức gạo nếp) đun bằng rơm lúa đạo. Gạo lúa đạo có cái tính chất hoàn toàn để nuôi được năm Tàng; rơm lúa đạo có cái khí hợp với "Bính Tân" để hóa thủy và nuôi được ngũ Tàng. Sở dĩ dùng như vậy là cốt để giúp ích cái sự chuyển vận của trung ương, để thấm nhuần ra bốn Tàng bên ngoài.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Đời thượng cổ tuy có làm ra thang dịch, giao lễ, nhưng chỉ làm mà không dùng, là vì cớ sao?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 Các bậc Thánh nhân đời xưa làm ra thang dịch giao lễ, là chỉ để phòng bị khi nào tà khí nó phạm đến đấy thôi. Nhưng các người về thời kỳ đó, phần nhiều giữ được hoàn toàn thiên chân, nên tặc phong không mấy khi phạm vào được. Vì thế, dù có làm ra thang dịch giao lễ, mà cũng không mấy khi phải dùng tới.

 Đến đời Trung cổ về sau, về sự giữ gìn thiên chân cũng đã có phần không được hoàn toàn chu đáo, mà tặc phong cũng có đôi khi phạm tới; khi đó dùng tới thang dịch giao lễ thì rất là công hiệu.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Đến đời nay thường dùng mà bệnh cũng không thấy khỏi hẳn, là vì sao?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 - Ở đời này, tất phải thu góp các thứ độc dược để trị bên trong, và các thứ "sâm, thạch, châm, ngải" để điều trị bên ngoài, thì bệnh mới mong khỏi được.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Đôi khi thấy người ta trị bệnh, đã châm thích khắp các nơi bì nhục, gân cốt, và các huyết mạch cũng đều đã sơ thông, mà công hiệu vẫn không thấy, là vì sao?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đó là vì người dùng châm không sử dụng được tinh thần, nên dù có trị cũng là vô ích.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Thế nào là không sử dụng được tinh thần?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 - Người dùng châm, nếu tinh thần của mình không chuyên nhất, thì ý của mình không vững vàng, thì dù có châm, bệnh cũng khó lòng khỏi. Giờ, bệnh nhân tinh thần đã tan rã, vinh vệ lại hao mòn, lại thêm thị dục vô cùng, ưu hoạn nối tiếp, tinh khí bại hoại, còn khỏi sao được?

  Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Bệnh lúc mới phát sinh, còn kết tụ ở ngoài bì phu. Nếu không điều trị ngay, lại để đến lúc bệnh đã thành, thì dù có châm thạch, lương dược cũng không kịp nữa. Các lương công đời bây giờ cũng đều biết phương pháp dùng thang dịch, biết các số hạn của bệnh khi tiến hay thoái, lại gần gũi bên cạnh, nghe rõ tiếng nói, xét rõ mạch sắc... Thế mà chữa bệnh vẫn không khỏi, là vì sao?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bệnh ở nơi gốc, mà "công" lại trị ở nơi ngọn, tà khí đâu vẫn đóng đấy, khỏi sao được?

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Dương khí không bảo vệ được ở ngoài bì phu đó là vì Dương khí ở năm Tàng đã kiệt. Tân dịch không được nhờ khí hóa của Bàng quang, nên đầy tràn ra ngoài bì phu, bì phù phù thũng, tứ chỉ co rút...Gặp chứng trạng như vậy, nên điều trị theo phương pháp nào?

  Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nên làm cho huyết mạch điều hòa, dồn bỏ tích trệ bên trong, vận động tứ chi cho khí huyết khỏi ngưng trệ, lại làm cho phế khí ấm áp... Cơ nhục và huyết mạch đã điều hòa, thì chứng thũng mãn sẽ tiêu. Tiếp đó, lại dùng phép "khai quỷ môn" (làm mở chân lông, tức phát hãn) và "khiết tĩnh phủ" (thông Bàng quang, tức lợi tiểu tiện), tinh khí sẽ do đó mà hồi phục, Dương khí của năm Tàng đều được tán bố... Bệnh sẽ tự khỏi.

 Hoàng Đế khen phải.
« Sửa lần cuối: Tháng Bảy 12, 2018, 11:56:45 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
Trang: [1] 2 3 ... 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn