Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Năm 12, 2024, 10:56:24 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: GIANG VĂN MINH  (Đọc 1188 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuhaibajai
Administrator
Hero Member
*****
Offline Offline

Giới tính: Nam
Bài viết: 7840


tuhai@tuhai.com.vn tieuhuynh66
WWW Email
« vào lúc: Tháng Sáu 13, 2020, 11:26:25 PM »

GIANG VĂN MINH - SỨ THẦN BẤT KHUẤT


Giang Văn Minh sinh năm 1573 tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đỗ Thám hoa (đỗ đầu) kỳ thi đình thời vua Lê Thần Tông năm 1628 và làm quan trong triều. Ông mất năm 1639.

Vào thời điểm Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ Trung Quốc, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê - Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.

Khi triều kiến, vua Minh lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.

Tương truyền nhân dịp sinh nhật vua Minh, sứ giả các nước triều cống đều mũ áo chỉnh tề, đem lễ vật đến mừng thọ. Chỉ mỗi Giang Văn Minh là không thấy mặt. Vua nổi giận, cho thị vệ vào công quán đòi sứ giả. Bọn lính đến nơi thấy sứ thần Đại Việt đang nằm trên giường ôm mặt khóc. Đem lệnh tuyên triệu ra bắt buộc, ông mới thất thểu đi theo chúng vào triều kiến nhà vua. Trả lời câu hỏi về lý do vắng mặt, Giang Văn Minh tâu trình:

- Chúng tôi tự biết việc dự lễ khánh thọ là hệ trọng, vắng mặt thật là điều trọng tội, kính xin thánh hoàng lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay lại đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần được nhận trọng trách đi sứ xa quê hương lâu ngày, gia đình ở quê thì neo đơn, đến ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm thì thấy xót xa trong dạ. Vì vậy mà không thể nào tham dự được cuộc vui.

Nói xong, ông lại khóc ầm lên. Vua Minh bỗng bật cười:

- Tưởng làm sao chứ như thế thì việc gì phải khóc. Cũng đáng khen cho nhà ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha, giỗ mẹ thì còn có thể được, chứ ông tổ xa xôi như vậy thì có gì đáng phải băn khoăn cho lắm. Người khuất, chuyện xa đã đến mấy đời, thì cũng có thể “miễn nghị”.

Vị sứ giả Đại Việt lau nước mắt, ngẩng đầu lên, giọng trầm và kiên quyết:

- Muôn tâu, lời dạy của thánh hoàng thật là quý báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy, mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời, lắm chuyện xa xôi mà không được “miễn nghị”. Chẳng hạn như việc thiên triều bắt nước Nam của thần phải cống nạp người vàng để trả nợ Liễu Thăng chết cách đây hàng mấy trăm năm. Mãi đến bây giờ cũng chưa miễn nghị. Nay được lời thánh hoàng ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với buổi khánh tiết này. Cúi xin thánh hoàng từ đây “miễn nghị” cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu...

Vua Minh ngớ người ra! Lý lẽ của Giang Văn Minh thật mềm mỏng, ôn hòa mà chặt chẽ, kín kẽ. Vua đành gật đầu, cho bãi bỏ lệ cống người vàng. Tuy vậy, phải đến triều nhà Thanh, vua Quang Trung mới tự chấm dứt vĩnh viễn cái lệ này.

Những ngày ở lại kinh đô nhà Minh, Giang Văn Minh vẫn tỏ thái độ cứng cỏi. Có lần sau những ngày mưa gió, trời nắng to, thiên hạ ai cũng đi dạo chơi, ngắm cảnh, riêng ông lại nằm nhà, ra sân, phanh bụng để... phơi nắng! Bọn quan chức Tàu hỏi tại sao, thì ông nói:

- Lâu nay học hành, sách vở thánh hiền đều thu cả vào trong bụng. Bên nước các ông, thời tiết dịp này ẩm ướt quá. Hôm nay được trời nắng to phải phơi bụng ra cho chữ trong ấy khỏi mốc!

Câu trả lời hóm hỉnh nhưng bọn quan lại cho là ông có ý khinh bỉ đạo Nho của Tàu. Cái nước An Nam nhỏ bé thế mà có người lại dám ngông nghênh xấc xược! Chúng tâu lại với vua Minh, nhà vua cũng tự ái, muốn nhắc lại cho sứ giả biết rằng xưa kia nước Nam đã có nghìn năm nội thuộc thiên triều. Bởi vậy vua tôi liền bày trò thử tài chữ Nho, và ra đề cho Giang Văn Minh bằng một vế đối như sau:

“ Đồng trụ chí kim đài dĩ lục".
Nghĩa là:
"Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc".

Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt".

Nghĩa là:

Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong.

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Nghĩa là:
"Bạch Đằng thua trước máu còn loang".

Vế đối của Giang Văn Minh vừa chỉnh, vừa dõng dạc nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Đó là các chiến thắng của Ngô Quyền, của vua Lê Đại Hành và của Hưng Đạo Đại vương. Đó là những trận đánh lớn tiễu trừ quân xâm lược và cả ba cuộc chiến trên, máu quân thù đã chảy đỏ cả dòng sông.

Vào thời bấy giờ , câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan và sứ bộ các nước . Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận bỏ qua thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu".
Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Khi ấy ông 57 tuổi.

Cái chết của Giang Văn Minh có lẽ là một cái chết bi tráng lẫm liệt nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới từ xưa đến nay: Một sứ thần bị mổ bụng giữa triều đình cái nước mà mình đến giao hảo!

Có ghi chép rằng, tuy hèn mạt giết sứ thần, nhưng Minh Tư Tông vẫn phải kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước.

Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long , vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu:

“Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng"
Nghĩa là:
"Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ".

Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một quán xá nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn, dân gọi là quán Giang.

Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa, và có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối phố Giảng Võ với phố Kim Mã, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Nguồn: sưu tầm
Tham khảo: https://vanhien.vn/news/Giang-Van-Minh-1573-1638-22784
https://ngotoc.vn/…/vieng-mo-su-than-giang-van-minh-413.html
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 02, 2021, 12:17:17 AM gửi bởi tuhaibajai » Logged

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn